PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài 6

Một cuộc cờ

 

Trong chiến lược toàn cầu, để đối đầu với chiến tranh lạnh, và đồng thời trong chiều hướng giải quyết chiến cuộc Việt Nam, Huê Kỳ phải nhìn xa và trông rộng hơn. Nixon Kissinger quan niệm vấn đề Việt Nam phải giải quyết tận nguồn gốc, nghĩa là với hai tên trùm cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc. Lúc bấy giờ hai nước đầu sỏ cộng sản này đang hục hặc nhau về vấn đề biên giới, hàng ngàn cây số phân chia hai nước, nên họ cũng bớt chú tâm vào những nước phương Tây. Ở nhiều quốc gia thuộc Thế Giới Thứ Ba, mối hiểm họa một thời nguy hiểm nhứt của mặt trận cộng sản quốc tế, nay trụ lại trong cuộc đấu tranh giữa Liên Xô và các chế độ do Tây phương hậu thuẫn, trong đó có phong trào "phi liên kết" thường được Trung Quốc bảo trợ.

Với một tình hình như vậy, Kissinger nghĩ rằng Trung Quốc phải có một ảnh hưởng đối với Bắc Việt và ông quyết định mở một hướng ngoại giao về phía Bắc Kinh với hy vọng bắt chẹt Hà Nội. Nên chi, tháng Bảy năm 1971, Kissinger thầm kín đi Bắc Kinh thăm dò Trung Quốc với hy vọng sẽ mở bang giao mới giữa đế quốc và cộng sản. Kissinger dự tính đi nước cờ chiếu tướng Trung Quốc thì đương nhiên sẽ cô lập được Bắc Việt. Khi mà Trung Quốc bang giao với Huê Kỳ thì thế nào họ cũng đắn đo hơn, vì có mấy ai vì con cá nhỏ mà bỏ con cá lớn. Nói cách khác, Kissinger hy vọng Bắc Kinh sẽ gây sức ép để cho Hà Nội phải xúc tiến hòa đàm. Theo Nixon và Kissinger thì lá bài Trung Quốc rất phù hợp với chương trình "Việt Nam Hóa Chiến Tranh" của họ. Hai người tin tưởng rằng nhờ đó sẽ có được một thỏa hiệp tạo điều kiện cho Huê Kỳ có thể rút quân về và Nam Việt Nam có thể tồn tại. Nixon nhớ lại áp lực của phái đoàn Trung Quốc ở hội nghị Genève 1954 nên lòng đầy hy vọng.

Chương trình mở cửa với Trung Cộng thật sự bắt đầu với chuyến đi thầm lén của Kissinger qua Bắc Kinh để bí mật gặp Chu Ân Lai. Sau mấy tháng chuẩn bị, đình hoãn tới đình hoãn lui và được giữ tối mật, chuyến đi được sắp xếp dưới dạng Kissinger đi thăm Pakistan. Từ đất nước này, hành trình của Kissinger thuộc tài đạo diễn của Tổng Thống Muhammade Yahya Khan. Qua một cơn đau bụng trá hình, Kissinger được đưa đến khu biệt thự riêng tư của của Tổng Thống Yahya để tịnh dưỡng. Nhưng thực sự là đàng sau tấm bình phong ốm đau giả vờ đó, Kissinger đã đi Bắc Kinh với phi cơ riêng của Tổng Thống Pakistan, do người phi công tín cn của Tổng Thống Yahya phụ trách chuyến bay.

Trong những phiên họp từ ngày 9 đến 11.7.71, Kissinger tìm cách kết nối vấn đề Đài Loan của Trung Quốc với chiến tranh Việt Nam của Huê Kỳ. Kissinger nói với Chu rằng Mỹ đang mưu tìm một hòa bình trong danh dự ở Việt Nam và sau khi đã rút quân ra khỏi Việt Nam, Huê Kỳ sẽ đưa hai phần ba quân số ở Đài Loan về Mỹ. Chu Ân Lai hỏi Kissinger tại sao Mỹ lại quan tâm quá nhiều đến vấn đề danh dự và uy tín của Mỹ ở Việt Nam, trong khi danh dự và vinh quan trọng đại hơn là rút quân ra khỏi Việt Nam và toàn bộ Đông Dương.

Sau khi tiếp xúc với Kissinger, Chu Ân Lai đến gặp Mao Trạch Đông ngay. Ý kiến của Mao là "Huê Kỳ nên bắt đầu lần nữa và... nên để cho con cờ đô mi nô rơi ngã đi, Huê Kỳ phải rút ra khỏi Việt Nam. Chúng ta đâu cần gấp gáp gì ở Đài Loan vì ở đó không có đánh nhau. Nhưng ở Việt Nam thì đang có chiến tranh và thiên hạ đang chết ở đó."

Sau khi gặp Kissinger, Chu Ân Lai đi Hà Nội ngay đ thông báo cho Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ biết những gì ông đã thảo luận với Kissinger. Chu cho Hà Nội biết rằng ông đã nói với Kissinger là chuyện Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam còn quan trọng đối với Bắc Kinh hơn là chỗ ngồi của Trung Quốc ở Liên Hiêp Quốc hay là tình hình của Đài Loan. Thế nhưng, cộng sản với nhau thì họ thừa biết cái mửng "vậy mà không phải vậy". Theo tiết lộ của sử gia Trung Quốc, ông Tiền Trai, thì "dẫu cho có những bảo đảm như vậy của Bắc Kinh, Bắc Việt vẫn quả quyết rằng Bắc Kinh coi trọng bang giao với Huê Kỳ nhiều hơn là tình đoàn kết cộng sản anh em với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bắc Việt tin tưởng rằng việc Bắc Kinh mở cửa với Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ làm thiệt hại đến quyền lợi và mục tiêu của họ." Ngày 15.7.71, khi Bắc Việt biết tin Kissinger đã kín đáo đi Trung Quốc và Nixon dự tính đi Bắc Kinh, cộng sản nghi rằng kế hoạch hòa bình mới của họ - đề nghị bảy điểm của CPLT đưa ra hôm 1.7.71 - sẽ chẳng còn giá trị gì nữa. Vì vậy cho nên, Xuân Thủy cho rằng chương trình mở cửa của Nixon đối với Bắc Kinh là một "thủ đoạn xảo trá" và một cuộc "tấn công hòa bình giả mạo", cốt để chia rẻ thế giới xã hội chủ nghĩa.

Phía cộng sản còn nhớ hồi tháng Ba, Chu Ân Lai có cho họ biết rằng:"Đồng chí Mao Trạch Đông có nói với Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng rằng các đồng chí Việt Nam biết đánh và cũng biết thương thuyết." Và Chu Ân Lai cũng có khen Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình là thương thuyết tiến triển khá tốt và mặc dầu họ Chu đã có kinh nghiệm thương thuyết trước kia nhưng nay cũng thấy cần phải học hỏi ở cộng sản Việt Nam. Chu Ân Lai có nói:"Chúng tôi cần phải cám ơn các đồng chí và học tập ở các đồng chí về phương thức chống Mỹ. Không ủng hộ cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam chẳng khác nào phản bội lại cách mạng. Đồng thời chúng tôi cũng sẵn sàng hy sinh, nếu như kẻ thù mở rộng chiến tranh." Thế nhưng, với tình hình mới này, Hà Nội nghĩ rằng chẳng lẽ mọi chuyện đã đổi thay?

Sau phiên mật đàm lâu ba tiếng đồng hồ với Lê Đức Thọ ngày 12.7.1971, Kissinger cho biết rằng "chưa bao giờ thấy khích lệ như lần này." Sau chuyến đi Bắc Kinh, Kissinger thấy mọi chuyện đều khác trước khi ông ngồi đối diện với Lê Đức Thọ. Đó là do chủ quan của Kissinger, vì hôm đó, Lê Đức Thọ chưa được biết chuyến đi Trung Quốc của Kissinger.

Phiên mật đàm này cũng không đạt được những gì khác hơn là Bắc Việt lại đòi hỏi phải thay đổi chế độ Nguyễn Văn Thiệu, một đòi hỏi luôn ám ảnh đầu óc cộng sản. Xuân Thủy cứ hỏi Kissinger là liệu có thay đổi chánh phủ Thiệu trước kỳ bầu cử tổng thống Nam Việt Nam 3.10 không? Xuân Thủy cho rằng:"Chánh phủ này phải bị loại bỏ. Mỹ đã cung cấp cho họ bộ máy quân sự, lực lượng cảnh sát và một tập đoàn hành chánh để đàn áp nhân dân và những người đối lập. Như vậy, trên thực tế, Mỹ đang dung dưỡng chế độ Thiệu. Tôi có thể nói rằng không thay đổi chế độ đó thì chẳng thể có giải pháp hòa bình cho vấn đề Việt Nam. Các ông nói rằng các ông không thể làm chuyện đó, nhưng chúng tôi nghĩ rằng các ông làm được, nhưng các ông không muốn làm đó thôi. Thương thuyết không đem lại kết quả thì dư luận quần chúng sẽ nghĩ rằng Huê Kỳ không muốn rút quân ra khỏi Nam Việt Nam. Như vậy là các ông thiếu thiện chí."

Đến đây Lê Đức Thọ tố thêm một phát nữa:"Có lẽ đây là một trở ngại to lớn nhất vì chế độ Thiệu rất độc tài và hiếu chiến... Chừng nào Thiệu còn ngồi đấy thì chẳng bao giờ có hòa bình... Có thể nói rằng việc loại bỏ hay giữ Thiệu là thước đo ý định của các ông trong việc lập lại hòa bình hay tiếp tục Việt Nam hóa chiến tranh. Nếu Mỹ thay Thiệu, chúng tôi sẽ nhanh chóng giải quyết chiến tranh, không những ở Việt Nam mà trên toàn thể Đông Dương nữa. Chúng tôi đã thương thuyết hồi 1954 (Hiệp Định Genève) và 1962 (Hiệp thương về trung lập của Lào), các ông cũng thấy là chúng tôi đã xử sự đúng đắn và hợp lý ra sao rồi. Cho nên, nếu các ông thay Thiệu thì chúng tôi sẽ có những hành động rộng rãi và nhanh chóng, đẹp lòng cả đôi bên. Những gì chúng tôi nói với ông hôm nay là những điều vô cùng nghiêm túc."

Kissinger bắt đầu phát cáu:"Các ông cứ nói rằng chúng tôi phải thay ông Thiệu. Cụ thể các ông muốn chúng tôi phải làm sao đây?" Thọ mách nước:"Các ông có thể thay thế Thiệu bằng nhiều cách. Chẳng hạn như các ông đã đưa Thiệu lên địa vị cầm quyền thì nay, nhân dịp bầu cử, các ông lật hắn ta xuống mấy hồi. Bầu cử là cơ hội tốt nhất. Báo chí, dư luận quần chúng và phe đối lập ở Sài Gòn đều biết là với hậu thuẫn của Mỹ thì Thiệu sẽ thắng, mất hậu thuẫn đó là ông ta sẽ thua. Dễ mà, nếu muốn lật đổ Thiệu thì thiếu gì cách."

Sau chuyến đi Hà Nội của Chu Ân Lai, tập đoàn lãnh đạo Bắc Việt đâm ra thắc mắc. Không biết với tình hình mới này, liệu Trung Nam Hải có quan tâm gì đến thân phận của Bắc Việt nữa không, hay chỉ bận lòng với mối bang giao mới với tên trùm đế quốc. Lê Duẩn cho rằng "trong chiến tranh xâm lược chống lại Việt Nam, Huê Kỳ tạo ra hết bất ngờ này tới điều ngạc nhiên khác. Cho đến khi Mỹ hoàn toàn rút lui khỏi Nam Việt Nam, Nixon không còn đòn phép nào mới lạ nữa. Thế nên, chuyến đi Bắc Kinh của Kissinger là báo hiệu cho điều mới lạ khác."

Như để trấn an Hà Nội, Chu Ân Lai tiết lộ với Lê Duẩn là trong những ngày làm việc với Kissinger, Bắc Kinh có cho ông này biết rằng Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ chương trình bảy điểm của CPLT và Huê Kỳ không thể đòi hỏi Bắc Việt rút quân đội miền Bắc ra khỏi Nam Việt Nam. Tuy vậy, Lê Duẩn vẫn còn cay đắng thố lộ với Chu Ân Lai là cuộc tiếp xúc thầm kín giữa Kissinger và Chu Ân Lai đã tạo ra những "phức tạp mới", làm cho Bắc Việt không thể nào tiến đến việc dàn xếp nhanh chóng được.

Ngày 15 tháng Bảy, khi Nixon tuyên bố sẽ viếng thăm Bắc Kinh trong năm 1972 thì nhóm đặc trách hòa đàm của Mỹ tin tưởng là rồi đây mọi việc sẽ tiến triển nhanh chóng. Vậy mà, tình hình không diễn tiến theo cung cách duy lý của Mỹ, những con người có đầu óc tự do, phóng khoáng. Thói thường, suy nghĩ của những người bên này và bên kia chiến tuyến hay đối nghịch nhau một trăm tám mươi độ. Y như rằng, ngày 17.7.1971, Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng Ngoại Giao của Hà Nội, gởi một bức điện cho Lê Đức Thọ và Xuân Thủy:"Đối với ta, thời kỳ hiện tại không phải là lúc thuận lợi để dàn xếp. Tương quan lực lượng chưa phải lúc và dàn xếp quá sớm cũng tai hại như dàn xếp quá muộn."

Trong khi đó, chương trình Việt Nam Hóa của Nixon chỉ làm cho Hà Nội thêm phần tự tin. Còn phía đồng minh Sài Gòn-Hoa Thạnh Đốn thì cùng một tên gọi nhưng ý nghĩa lại không như nhau. Với Mỹ, Việt Nam Hóa có nghĩa là Mỹ rút quân về, còn Việt Nam thì coi như là bị Mỹ bỏ rơi. Hành quân "Lam Sơn 719" là một cơ hội để trắc nghiệm chương trình Việt Nam Hóa của Nixon.

Ngày 8.2.1971, 16.000 quân lính Nam Việt Nam tràn qua Hạ Lào để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh và tấn công quân Bắc Việt. Xuyên suốt tháng Hai đó, Mỹ hỗ trợ bằng không quân và pháo binh. Tại hòa đàm, Bắc Việt lợi dụng hai phiên họp khoáng đại ngày 11 và 18 tháng Hai  để phản đối, rồi kế tiếp là tẩy chay hội nghị trong hai tháng.

Trong bài diễn văn ngày 17 tháng Hai, Tổng Thống Nixon tuyên bố: "Đêm nay, tôi có thể thông báo là chương trình Việt Nam Hóa đã thành công." Ông tiếp tục phỏng đoán rằng "việc Mỹ can dự vào Việt Nam sẽ chấm dứt. Ngày mà người Nam Việt Nam có thể đảm nhiệm lấy việc tự vệ đã ló dạng." Tuy để lộ một niềm hãnh diện dựa trên ảo tưởng có lợi cho mình, ông Nixon cũng kềm chế về mặt ngoại giao vì sợ mất lòng "ông bạn Trung Quốc" vừa mới kết thân. Trong hồi ký, Nixon có viết:"Tôi hết sức cố gắng để cho hành quân Lam Sơn hồi đầu năm 1971 đừng làm thiệt hại đến mối bang giao vừa chớm nở, như cuộc hành quân qua Cam Bốt trước kia... Tôi nêu rõ là đừng xem hành quân Hạ Lào như là một hành động đe dọa Trung Quốc."

Thế nhưng, so với thực tế trên hiện trường là cả một trời, một vực. Đương đầu với một sức đối kháng mạnh mẽ hơn tin tức tình báo cho biết, quân đội Việt Nam Cộng Hòa gặp một hỏa lực nặng nề vì quân Bắc Việt quyết tâm bảo vệ tuyến hậu cần huyết mạch cho phía Nam. Được biết họ đã tung 36.000 quân chính quy vào mặc trận Hạ Lào và thiệt hại trên 20.000 trong khi bên Việt Nam Cộng Hòa mất gần nửa số quân. Ngoài ra, phía Mỹ thiệt mất 168 trực thăng và 618 bị hư hỏng. Năm mươi lăm phi hành đoàn bị chết trận, 178 bị thương và 34 bị mất tích. Cuộc hành quân thử nghiệm chương trình Việt Nam Hóa kéo dài được 60 ngày, với tổn thất khá nặng nề. Theo nhận định của tướng Alexander Haig, phái viên của Nixon, thì "Hành quân Lam Sơn 719 đã tiêu thụ hết lớp người ưu tú của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và hậu quả trầm trọng và mang tính hủy diệt hơn người ta tưởng. Chúng ta đã xử sự thật tồi tệ."

Cái lợi nhờ mở cửa với Trung Quốc đã bị thất bại của "Lam Sơn 719" hóa giải phần nào nên tiến trình hòa đàm Paris vẫn ì à ì ạch, đình đốn. Mối lợi phương xa đâu chưa thấy, sự thua thiệt gần của Nam Việt Nam làm cho Hà Nội thấy phấn khởi hơn, dẫu cho thiệt hại của cộng sản ở Lam Sơn 719 không phải nhỏ. Thế nhưng, đối với cộng sản, một mạng người chẳng là gì hết. Vì vậy cho nên, trong phiên họp ngày 26.7.1971, phía cộng sản đặt ngay vấn đề thời hạn rút quân của Mỹ. Xuân Thủy mở đầu phiên họp với nhận định là đã có chút ít tiến triển giữa chương trình chín điểm của họ và chương trình bảy điểm của Mỹ, thế nhưng "còn lại hai điểm mà ông (Kissinger) chẳng đả động gì đến hết là thời hạn rút quân, đính kèm với chuyện thả tù binh và chuyện chánh phủ Nam Việt Nam. Chúng tôi đã nói rõ là các ông phải thay thế tập đoàn của Nguyễn Văn Thiệu. Chương trình bảy điểm của các ông không có ghi vấn đề đó mà ông cũng chẳng nói gì đến chuyện đó. Ông bảo rằng chúng ta nên bàn về cơ cấu, nhưng vấn đề chủ yếu đó là cột sống của cơ cấu kia mà. Nếu chúng ta không bàn về chuyện đó thì làm thế nào cơ cấu đó thành hình?"

Hơi bực mình, Kissinger đáp lời Lê Đức Thọ:"Ông Cố Vấn Đặc Biệt lại trổ tài sáng tạo hết ý." Lê Đức Thọ trả đũa:"Một cơ cấu mà thiếu cây đà chủ yếu thì đổ vở là cái chắc." Nhắc đến chuyến đi Tàu của Kissinger, Lê Đức Thọ mỉa mai cho rằng Huê Kỳ đừng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ giúp ích gì cho Mỹ trong vấn đề Việt Nam:"Chẳng có phương thức huyền diệu nào để giải quyết vấn đề Việt Nam khác hơn là thương thuyết nghiêm túc với chúng tôi tại hòa đàm Paris này, trên căn bản những đề nghị của các ông và của chúng tôi. Trong một cuộc cờ, người thắng và kẻ bại đấu với nhau mà thôi, chẳng có cách nào khác hơn. Chúng tôi có toàn quyền để giải quyết những vấn đề của chúng tôi."

Nóng mũi, nóng mắt, Kissinger phê bình:"Nếu như chúng tôi hiểu đúng thì các ông nhứt quyết chú tâm vào hai điểm. Một là, chúng tôi rút quân về càng sớm càng tốt. Hai là, sau khi Mỹ đi hết rồi, các ông sẽ lật đổ cơ cấu chánh trị hiện tại của Nam Việt Nam. Yêu cầu của các ông đâu phải là nhượng bộ mà là đòi hỏi chúng tôi phải dâng cho Hà Nội thời cơ để đạt được mục tiêu. Nếu như chính các ông đạt được những điều đó bằng sức mình thì chúng tôi sẽ chấp nhận kết quả, nhưng có thể là các ông sẽ không đạt được ở bàn hội nghị này. Lẽ dĩ nhiên là sẽ chẳng có bên nào chịu ký một thỏa hiệp để hiến dâng cho bên kia những điều kiện họ đòi hỏi hết."

Sau khi cho biết rằng Huê Kỳ chuẩn bị ấn định thời gian rút quân Mỹ và đồng minh trong vòng chín tháng sau khi hiệp định đã được ký kết, Kissinger kết thúc hòa đàm với những lời lẽ chán chường:"Nếu như các ông cứ tiếp tục luận điệu đưa ra những đòi hỏi rồi cân nhắc những câu trả lời của phía chúng tôi, coi chúng tôi như những học sinh trong một kỳ thi, thì xin thưa rằng quý ông sẽ không được một thỏa hiệp nào hết."

Tóm lại, Mỹ đã nhượng bộ Bắc Việt hầu hết ở mọi điểm. Vấn đề còn lại là làm sao để trình bày cho Nam Việt Nam hiểu rằng Mỹ sẽ không phản bội. Chỉ còn có cách là hứa hẹn với ông Thiệu những điều trái ngược với những cam kết cùng Hà Nội. Nghĩa là Huê Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự và sẵn sàng sử dụng khi cộng sản vi phạm nền hòa bình ký kết trên giấy tờ.

Mấy tháng qua, Tổng Thống Thiệu đã băn khoăn vì không có tin tức nào về chuyện mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ. Ông thắc mắc về chuyện đó trước chuyến đi Bắc Kinh của Kissinger khá lâu. Để cung cấp cho Kissinger những dữ kiện từ Sài Gòn, trước khi Kissinger họp với Thọ, đại sứ Bunker đặt vấn đề với Kissinger:"Chúng ta phải xử trí như thế nào với Thiệu, kể cả phản ứng của ông về những đề nghị của chúng ta?... Mặt khác, vì từ lúc đầu, chúng ta không chịu cho ông Thiệu biết những chuyện của mật đàm nên bây giờ gặp khó khăn."

Vì Tổng Thống Nixon bị áp lực của nội bộ Huê Kỳ nên Tổng Thống Thiệu cảm thấy mình là nạn nhơn. Khi ông Thiệu nhận thấy điều kiện "hai bên cùng rút quân" đã biến mất và bị thay thế bằng điều kiện "quân Bắc Việt ngưng xâm nhập Nam Việt Nam", ông hiểu ngay là việc rút quân Bắc Việt đã trở thành điều kiện riêng biệt, nằm ngoài hiệp định, do các quốc gia Đông Dương giải quyết chớ không phải do Kissinger. Thì ra, Mỹ đã tách rời chánh trị và quân sự để nhanh chóng đi đến dàn xếp. Ông Thiệu thấy ra rằng, trong cuộc mật đàm mà Việt Nam Cộng Hòa không được tham dự, Nam Việt Nam chỉ được bảo đảm là không quân Mỹ sẽ ngăn chận không cho cộng sản xuẩn động. Giả dụ lá bài Trung Quốc của Nixon-Kissinger có tác động như thế nào đó đến hòa đàm Paris thì cũng chỉ làm cho Huê Kỳ phải gia tăng nhịp độ nhân nhượng cộng sản Bắc Việt mà thôi!

(Còn tiếp)

 

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.