PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Đời Sống Quanh Ta



Chuyện dài về khuyết tật trong tính cách Việt

 

 

Một người bạn nước ngoài kể rằng có lần, sang Việt Nam, anh bị lạc đường tại TPHCM. Rút tấm bản đồ thành phố mang theo, anh chặn lại một cách ngẫu nhiên vài người đi qua để hỏi thăm đường về khách sạn; và anh phát hiện một điều: không một ai làm được việc mà anh yêu cầu là xác định vị trí nơi họ đang đứng, trên bản đồ.

 

Anh bạn còn nhận xét rằng năng lực định vị đồ vật của một số người Việt Nam cũng không được tốt lắm. Chuyện này không liên quan đến khả năng ngoại ngữ, bởi anh thường cố gắng giao tiếp bằng tiếng Việt với những người Việt không quen biết trước. Nói chung, anh cho biết, để mô tả vị trí của một vật nào đó trong không gian vật lý (chẳng hạn, căn nhà nằm trong con hẻm, panô quảng cáo ở ngã tư), những người Việt anh giao tiếp thường tốn khá nhiều công sức. Họ loay hoay với nhiều phương án liên kết vật cần được định vị với các vật khác mà không dứt khoát theo đuổi phương án nào; bởi vậy, không có phương án nào được hoàn thiện. Hậu quả là càng cố giải thích, sự việc càng trở nên rối rắm và không thể hiểu được, thậm chí… cả đối với chính người giải thích.

 

Anh bạn tin rằng sử dụng bản đồ, định vị đồ vật bằng ngôn ngữ không phải là một công việc đòi hỏi năng khiếu gì đặc biệt: đó chỉ là chuyện rèn luyện một kỹ năng bằng cách lặp đi lặp lại các thao tác tương tự để thành thói quen. Theo anh, có lẽ một bộ phận người Việt Nam không coi việc rèn luyện kỹ năng đó như là điều kiện cần thiết cho cuộc sống, công việc.

 

Việc “một bộ phận” người Việt gặp khó khăn trong việc tra cứu bản đồ hoặc định vị đồ vật là điều có thật và đó, suy cho cùng, chỉ là hai trong nhiều khuyết tật có chung một nguyên nhân sâu xa, liên quan đến phẩm chất, tính cách con người.

 

Cá nhân chỉ là một thành phần của nhóm

Môi trường xã hội truyền thống, mà một người Việt tồn tại và phát triển, đặc trưng bởi sự thống trị của chủ nghĩa cộng đồng, chủ nghĩa gia đình. Trong đại gia đình xã hội, mỗi người sinh ra, lớn lên đều phải gắn với một gia đình tư nhân, một thôn, làng, gọi chung là một nhóm người. Cá nhân không bị tan biến vào nhóm, không vô danh, nhưng không được cá nhân hóa: trong cuộc sống xã hội, gia đình, chứ không phải cá nhân, là chủ thể.  

 

Gắn chặt với cộng đồng những người thân, quen, con người có thể có được nhiều cơ may được bảo đảm các điều kiện sống vật chất, được thương yêu, bênh vực. Nhưng đổi lại, con người không có điều kiện để xây dựng và hoàn thiện tính cách cá nhân, phát huy các phẩm chất, năng lực cá nhân, để được coi là một cá thể sống đúng nghĩa có thể tự mình tồn tại, giao tiếp mà không cần bám víu vào một thể sống khác.

 

Trong khung cảnh sống của con người Việt Nam đương đại, chủ nghĩa cộng đồng, chủ nghĩa gia đình truyền thống cộng hưởng với chủ nghĩa tập thể. Nhóm càng được tôn vinh, còn cá nhân tiếp tục bị xem nhẹ. Cá nhân phải sống trong tổ chức: hộ gia đình, nhà trường, cơ quan, công ty. Về phần mình, các tổ chức, các nhóm, dù mang tên gọi nào, đều vận hành theo mô hình gia đình: người đứng đầu là cha, anh, chú, bác; các thành viên mang thân phận con, em, cháu.

 

Được giáo dục để gắn chặt với một nhóm, thấm nhuần nếp sống có hạt nhân là sự bảo bọc, giám hộ của tập thể, con người không tự coi mình là một chủ thể độc lập, tự làm chủ vận mệnh của mình, có quyền của riêng mình và phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Người Việt, phần lớn, không có được tính tự chủ cá nhân.

 

Cá nhân không có tư thế chủ nhân không gian vật lý

Do không có ý thức làm chủ không gian vật lý, con người không coi không gian là của mình và không bận tâm đến việc chủ động tìm hiểu, kiểm soát nó. Vẫn có nhiều người Việt Nam biết tra cứu bản đồ để tìm đường đi, biết cách định vị đồ vật bằng các công cụ khái niệm. Nhưng trong đại đa số trường hợp, người Việt Nam làm các việc đó không phải như một người giữ vị trí trung tâm và nắm quyền kiểm soát khung cảnh sống, mà ở trong tâm trạng của người giữ vai trò khiêm tốn của một phần tử bình thường, bên cạnh những phần tử bình thường khác, của khung cảnh đó.

 

Không làm chủ không gian vật lý, con người cũng không bận tâm đến việc gìn giữ chất lượng của nó. Đối với rất nhiều người Việt Nam, bên kia tường rào nhà mình là nơi mà mình không có quyền và cũng không chịu trách nhiệm quản lý. Khi ném một con chuột chết, một mẩu thuốc lá cháy dở hoặc một hộp sữa chua rỗng ra giữa đường phố, trên bãi cỏ công viên, hầu hết tác giả của hành vi đó không có suy nghĩ gì đặc biệt, vẫn vô tư theo cung cách của người xả rác thuở xưa, lúc mà con người chưa có ý niệm gì về hiệu ứng nhà kính, về sự biến đổi khí hậu và về trách nhiệm của con người đối với những hiện tượng đó.

      

Cá nhân không có tư thế chủ nhân không gian xã hội 

Tư thế chủ nhân không gian xã hội đặc trưng bằng hai yếu tố cơ bản của nhận thức xã hội về tự do. Một mặt, con người hiểu rằng mình là một cá thể tự chủ và có quyền tự mình quyết định việc chiếm lĩnh, khai thác không gian xã hội để thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích của riêng mình. Mặt khác, trong điều kiện không gian xã hội là ngôi nhà chung của mọi công dân, việc thực hiện quyền tự do của một người đồng nghĩa với việc hạn chế tự do của mọi người. Bởi vậy, sự tự do của một người bao hàm cả việc người đó tôn trọng sự tự do của mọi người khác.  

 

Không làm chủ không gian xã hội, con người, với bản chất vị kỷ, có xu hướng chỉ phát triển yếu tố “một mặt” của nhận thức xã hội về tự do và bỏ qua yếu tố “mặt khác”. Hậu quả là khi theo đuổi các mục tiêu của cuộc sống, con người thường không quan tâm đến mối liên hệ xã hội giữa mình và cộng đồng, không tính đến các hệ lụy xã hội của hành vi.

 

Cho đến nay, chất lượng xã hội của các ứng xử thông thường của một người Việt Nam tại nơi công cộng thường chỉ dừng lại ở mức bảo đảm thuần phong mỹ tục, chưa bảo đảm được tính hợp lý, tính có tổ chức, tính liên kết và tính trật tự. Các hành động của cá nhân liên quan đến việc chiếm lĩnh, sử dụng không gian công cộng, cho các mục tiêu cá nhân, thường tỏ ra manh mún, tự phát, tùy tiện. Có thể tìm thấy ví dụ ở mọi nơi: trên đường phố, muốn băng qua đường, thì cứ tìm cách nào băng qua cho được; ở quầy bán vé, muốn mua vé, thì tiến đến quầy bằng cách chen vào bất kỳ khoảng trống nào trước quầy; trong khách sạn, muốn vào thang máy thì cứ bước vào, dù trong thang máy có hay không có người đang đi ra. Rất nhiều người Việt Nam không hiểu rằng người muốn băng qua đường chỉ có quyền băng qua tại lối đi dành cho người đi bộ; người muốn vào thang máy phải tôn trọng quyền ưu tiên rời khỏi thang máy của người đang ở bên trong; người muốn mua vé phải tôn trọng quyền ưu tiên của người đến trước.

 

Có khi, nhận thức phiến diện kết hợp với nếp sống hoang sơ, dẫn đến các ứng xử lố bịch không thể hiểu nổi. Chẳng hạn, ở Hà Nội, chủ một bất động sản “mặt tiền” không cho phép chủ một bất động sản bị vây bọc ở phía sau mở lối đi qua trên bất động sản của mình, với lý do mình không có nghĩa vụ gì đối với việc bảo đảm cho người khác khai thác bất động sản của họ. Điều đáng chú ý là cả các đại diện cơ quan nhà nước, khi trả lời  báo chí, cũng tỏ ra không hiểu tranh chấp này là gì và ai là người có thẩm quyền giải quyết. Trong khi, với nhận thức sơ đẳng của một chủ sở hữu sống trong một xã hội trọng pháp, người ta biết rằng bất động sản của mỗi cá nhân trước hết là một thực thể xã hội, là một đơn vị trong cộng đồng láng giềng, có những mối liên hệ qua lại không thể né tránh với các bất động sản chung quanh.

 

Nói chung, sự thiếu vắng tính tự chủ cá nhân ở người Việt Nam là nguyên nhân của tác phong tự do kiểu vô chính phủ trong không gian xã hội và của tư thế chơi vơi trong không gian vật lý. Điều đó giải thích tại sao các sinh hoạt mang tính giao tiếp công cộng ở Việt Nam thường trông rất mất trật tự và nhếch nhác, nhất là ở những nơi đông người tụ tập. Người Việt Nam, về phần mình, vẫn chưa được biết tới như là một người lịch lãm, tự tin, có khả năng ứng xử theo đúng các chuẩn mực của xã hội công dân và có khả năng dấn thân trong tư thế người làm chủ, có quyền và có trách nhiệm cá nhân đối với vận mệnh của thế giới tự nhiên, của xã hội và của bản thân mình.

 



 
 
 

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.