PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Xã hội

Việt Nam,
hết thực dân lại đến độc tài

 

  • PSN 23.05.2008 - Cổ Nhân

Không phải lúc nào đấu tranh giành độc lập cũng sẽ được tự do, dẫu cho đấu tranh có thắng lợi. Thế kỷ thứ XX đã đẻ ra khối trường hợp như vậy, và có lẽ châu Á cung cấp nhiều thí dụ thiết thực nhứt. Hậu quả là hàng trăm triệu người sinh sống dưới ách độc tài đảng trị của các chế độ cộng sản, loại chế đ lúc nào cũng vỗ ngực tự xưng là "anh hùng giải phóng". Nạn nhơn được giải phóng lại trở thành tên đồ tể ác ôn! Việt Nam là một trường hợp tiêu biểu.

Chủ nghĩa quốc gia và cộng sản chủ nghĩa của Việt Nam đều ra đời dưới thời thuộc địa Pháp. Tây thực dân càng bóc lột và càng trấn áp người dân Đông Dương thì dân chúng càng chống đối. Những người lãnh đạo phong trào - phần lớn được học hỏi ở nước ngoài, nhứt là ở Pháp - mở mang cái vốn chánh trị lý thuyết của mình bằng những quan niệm Tây phương về dân chủ và cách mạng. Khi trở về quê quán, họ đã có được cái căn bản ý thức hệ để suy ngẫm về tình cảnh của dân tộc mình mà tổ chức chuyện đấu tranh.

Một trong những con người đó là Hồ Chí Minh, được coi như là "cha già dân tộc", thời đó đã than phiền rằng: "Chúng tôi chẳng được phép tự do hội họp mà cũng chẳng được tự do lập hội gì hết." Nước Pháp "đã lấy võ lực thôn tính đất nước chúng tôi để chạy theo những quyền lợi ích kỷ của họ. Từ đó đến nay, chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột nhục nhã mà còn bị giằn vật và đầu độc chẳng chút xót thương."

Vậy rồi, từ khi cộng sản đánh Tây thành công hồi 1954 đến nay, đất nước và dân tộc này như thế nào? Dĩ nhiên là miền Bắc phải trải qua những năm tháng đau khổ vì chiến tranh chống Mỹ, là những người có ý định ngăn chận đà tiến của cộng sản chủ nghĩa trong bối cảnh của chiến tranh lạnh. Nếu như Bắc Việt nằm trong tình trạng chậm tiến do tác động của các thảm họa nhơn loại, thì người ta cũng chẳng thấy tập đoàn lãnh đạo cộng sản có chút ý định nào đem lại cảnh "thiên đàng trên trần thế", như cộng sản chủ nghĩa đã từng hứa hẹn với quần chúng nông dân, là những người đã đem sanh mạng mình ra để đưa lãnh tụ cộng sản lên địa vị quyền thế.

Ngày nay, những người cộng sản Việt Nam cũng không thua kém gì những tên thực dân xưa kia về phương diện bóc lột và trấn áp. Nếu nhà nước thực dân trước kia ban hành những hình phạt nặng nề cho những người phân phát truyền đơn chánh trị thì ngày nay cũng vậy thôi. Nhưng ngày nay có khác biệt chăng là người Việt Nam trừng phạt người Việt Nam.

Mới đây, hãng thông tấn AP có đưa tin một người Mỹ gốc Việt (Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân), cùng với hai người Việt Nam khác bị truy tố vì có ý định phân phát truyền đơn chống chánh phủ. Những người này bị buộc tội khủng bố và có thể lãnh bảy năm tù.

Đảng cộng sản Việt Nam gần như áp dụng cùng một đường hướng với đảng Trung Quốc anh em, nhưng trễ hơn vài năm. Trong cả hai trường hợp, vì nền kinh tế chỉ huy bị phá sản nên những người lãnh đạo phải chạy theo kinh tế thị trường và đầu tư nước ngoài để khỏi bị thất bại và để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của bản thân. Sự sụp đổ của chxhcn Liên Xô, nước đồng minh cột trụ của Việt Nam, cũng là một nhơn tố thúc đẩy quan trọng, vì mất nguồn chi viện của phía đó.

Điều kỳ lạ nữa là Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ, "kẻ thù số một của nhơn dân ta" (nhơn dân miền Bắc cộng sản) cũng đã đóng một vai trò hàng đầu trong việc vực dậy chxhcn Việt Nam vào giữa thập niên 1990. Năm 1995, dưới thời Tổng Thống Clinton, hai nước đã bình thường hóa quan hệ và thiết lập các đại sứ quán liên hệ. Năm 2.000, hai nước đã ký kết hiệp ước thương mại song phương và, năm 2007, Thượng Viện Huê Kỳ đã chấp thuận cho Việt Nam hưởng được quy chế "Quan Hệ Thương Mại Bình Thường Thường Trực". Cũng trong năm đó, Việt Nam được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, chủ nghĩa tư bản đã đến hồi cực thịnh. Đối với Hoa Thạnh Đốn, chủ nghĩa cộng sản, được coi như là một thứ "vi khuẩn", không cần phải ngăn ngừa nữa và làm thương mại thì cần gì phải quan tâm xem một chế độ có dân chủ hay không và biết tôn trọng nhơn quyền hay không. Chánh sách gọi là dấn thân, được khá nhiều quốc gia Tây phương ưa chuộng, rất ăn khớp với công việc đi tìm lợi nhuận của những nhà kinh doanh và các nhà tài chánh. Vậy mà, ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc, người ta tìm mãi vẫn chưa thấy kết quả cụ thể của nguyên lý, cho rằng kết bạn với chế độ độc tài thì một ngày nào đó sẽ làm cho nó hiền hòa đi.

Trong nhiều trường hợp, hậu quả lại trái ngược, vì khuynh hướng độc đoán tác động trở lại chánh sách của những nước gọi là dân chủ. Rồi thì có luận điệu tán thành chuyện giao thương với các chế độ độc đoán, nghĩ rằng cỡi mở kinh tế thế nào cũng đi đến cỡi mở chánh trị. Một lần nữa, phải khó khăn lắm người ta mới đưa ra được những thí dụ nghiêm chỉnh. Dẫu cho Việt Nam đã có được nhiều cơ hội ăn nên làm ra, nhưng đất nước này vẫn còn là một nhà tù lớn lao, dưới bàn tay quản lý của một chế độ thô bạo.

Một tài liệu của Bộ Ngoại Giao Huê Kỳ ghi nhận: "Mặc dầu không ngớt đàn áp tự do ngôn luận, nước Việt Nam có những cải tiến đáng kể trong lãnh vực tự do tôn giáo. Năm 2005, Việt Nam đã thông qua bộ luật rộng rãi về tự do tôn giáo, cấm đoán việc cưỡng chế bỏ đạo." Sau đó, Huê Kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách những "nước cần đặc biệt quan tâm", xét rằng nước này "không còn là một nước vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo".

Nhưng cử chỉ đó của Hoa Thạnh Đốn được thực thi chỉ đôi ba ngày trước chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ, George W. Bush. Vậy là, yếu tố "vi phạm hay không" được coi như là một mặt hàng trao đổi trong đường lối ngoại giao.

Thật ra, không phải Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ hay một nước nào khác có thể xác định tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Những tổ chức bảo vệ nhơn quyền, đặc trách chuyên biệt trong lãnh vực này, và có được khả năng vô tư rộng rãi hơn.

Tổ Chức Quan Sát Nhơn Quyền (HRW - Human Rights Watch) phê phán việc tổ chức Đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam. Đại Lễ Vesak là một lễ hội quan trọng của những người theo đạo Phật, tưởng niệm ngày Đản Sanh của Đức Phật Thích Ca. Lễ này được Liên Hiệp Quốc công nhận từ năm 1999, và sẽ hội tụ 3500 đại biểu của 80 quốc gia tại Việt Nam, từ ngày 13 đến 17 tháng Năm.

Mỉa mai thay, chủ đề của Đại Lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc năm nay là "Sự đóng góp của Phật Giáo để tạo dựng một xã hội dân sự công bằng và dân chủ". Vậy mà, tất cả mọi nỗ lực của người theo đạo Phật chỉ để đạt được điều đó ở Việt Nam lại bị trừng trị nghiêm khắc. Nên chi, Bà Elaine Pearson, phó giám đốc Á Châu sự vụ thuộc HRW nói rằng: "Đúng là trò khôi hài, khi người ta để cho Việt Nam tổ chức một đại lễ quốc tế Phật Giáo quan trọng, trong khi chánh sách nhà nước của họ là chi phối mọi tổ chức tôn giáo về phương diện chánh trị. Việt Nam tiếp tục cầm tù và hành hạ triệt để những người theo đạo Phật mà đứng ngoài hệ thống nhà nước, cũng như tín đồ của tôn giáo khác." Ngoài chuyện thúc đẩy chế độ cộng sản Việt Nam tôn trọng các cam kết quốc tế, HRW còn yêu cầu Huê Kỳ đưa Việt Nam trở vào danh sách đen của các nước cấm cản tự do tôn giáo. 

Chủ nghĩa cộng sản, với những lý thuyết vô thần, lúc nào cũng muốn dựng chủ nghĩa đó thành một tôn giáo nhà nước, tìm cách chiếm độc quyền về hệ tư tưởng và bắt mọi lương tri phải phục tùng. Tín ngưỡng, bị coi như là một loại bất đồng chính kiến, đi cùng với lầm lạc mê tín dị đoan. Khả năng kết hợp của tín ngưỡng là một nỗi lo sợ khác của những chế độ độc tôn, trong đó chúng ta không được tự do hội họp cũng không được tự do lập hội.

Tự do tín ngưỡng đã không có, đương nhiên tự do báo chí cũng không luôn. Trong bản "Báo Cáo Thường Niên 2008", tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đưa ra bản tổng kết rất ư là đen tối về tình hình báo chí ở Việt Nam. RSF viết rằng: "Năm 2007, công an chánh trị tiếp tục theo đuổi chiến dịch đã được phát động hồi năm 2006, là tranh đấu ráo riết để chống lại những phong trào đối kháng và những ấn phẩm của các tổ chức đối lập. Một nhà báo và hàng tá người ly khai trên mạng thông tin đã lãnh án tù nặng nề. Một nữ ký giả người Pháp, làm việc cho một đài phát thanh đối lập, đã bị bắt vì tội 'khủng bố'." Tổ chức RSF cho biết, để trừng trị những người muốn tự do tư tưởng, nhà nước chxhcn Việt Nam đã vận dụng những phiên tòa kiểu "staline", thậm chí đưa cho tòa án nhơn dân xét xử, một hình thức để cho quần chúng tố cáo tội ác một cách rất là cộng sản, để làm cho đối lập phải khiếp sợ. Vậy thì, RSF kết luận rằng Việt Nam "là một trong những nước độc đoán nhứt trên hành tinh này và áp dụng ngoan ngoãn mô hình Tàu cộng để ngăn cấm người ta tự do giải bày tư tưởng trên mạng vi tính Internet."

Dẫu cho tội ác trên bình diện nhơn quyền tày trời như vậy nhưng tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 8% đã làm cho thiên hạ cứ lờ đi. Bộ Ngoại Giao Gia Nả Đại đã ca ngợi sự tăng cường bang giao với Việt Nam. Ông Gabriel M. Lessard, Đại Sứ Gia Nả Đại tại Việt Nam đã lên tiếng mời gọi: "Tôi hết sức khuyến khích những công ty Gia Nả Đại nên quan tâm đến thị trường này, một thị trường biến chuyển thường xuyên và hứa hẹn sẽ thành công."

Bang giao quốc tế thường chẳng mấy quan tâm về chuyện coi trọng đạo đức hoặc hợp với luân lý. Một số người cầm đầu chánh phủ, tự cho là nhạy cảm về vấn đề cai trị đứng đắn và về quyền con người, nhưng chẳng buồn phản ứng lại những sai quấy, dù rằng họ thành khẩn, vì có nhiều nhơn tố khác làm cho người ta lạc hướng.

Vậy thì, những người ngay tình phải xử sự làm sao trong bang giao song phương với những quốc gia như vậy đây? Áp dụng chánh sách dấn thân hữu nghị chăng, dẫu cho quốc gia bằng hữu kia phạm tội tày trời chống lại nhơn loại? Hay là thi hành một chánh sách có đắn đo suy nghĩ, xem xét mọi khía cạnh trước khi kết hợp với quốc gia liên hệ?

Hiện nay, Triều Tiên đang là một thí nghiệm điển hình, đáng được suy ngẫm. Sau mấy năm dưới quyền chánh phủ trung-hữu ở Nam Triều Tiên, thi hành "chánh sách mặt trời mọc" nhằm làm dịu căng thẳng trên bán đảo, vậy mà chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên vẫn hoàn thành được võ khí hạt nhơn và đã thử nghiệm hồi năm 2006. Rồi còn tình hình quốc nội của Bắc Triều Tiên nữa, với một chánh phủ có thể là sắt máu nhứt trên hành tinh này, chẳng có chút nào cải tiến. Hiện thời, phe bảo thủ đang nắm quyền ở Hán Thành và muốn viện trợ cho Bắc Triều Tiên, với điều kiện nước này phải hủy bỏ chương trình hạt nhơn và phải cải tiến về vấn đề nhơn quyền. Chúng ta hãy chờ xem rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra ở Triều Tiên.

Nhứt định là những chế độ cộng sản, như Việt Nam và Trung Quốc, cảm thấy "hồ hởi và phấn khởi" vì đã gia nhập được những cơ chế quốc tế, do đó tự cho mình đã có tư cách chính thống như ai. Kế đó là số lượng đầu tư ngoại quốc trong vòng hai thập niên qua càng củng cố thêm guồng máy kiểm soát, làm cho tài sản của tập đoàn cầm quyền ngày một kếch xù thêm. Thử hỏi các quan lớn đó còn bám được bao lâu nữa? Tội nghiệp thay cho họ, lịch sử đất nước Việt Nam đã từng chứng minh rằng một triều đại tham ô nhũng lạm lúc nào cũng phải bị đào thải. Hết thực dân rồi tới độc tài đảng trị, sau đó là gì nữa đây?

 

Cố Nhân

(Mượn ý chánh của bài "Vietnam: de la colonisation à la dictature" của Noé Chartier, La Grande Epoque, Montréal, ngày 17.5.2008.) [http://www.lagrandeepoque.com/LGE/content/view/4171/105/]

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.