Chuyện bên Tàu:
Đầu cơ xác chết

Đã hai năm qua, một phúc trình điều tra của hai luật sư người
Gia Nã Đại báo cáo với dư luận thế giới là, ở bên Tàu, hàng chục
ngàn tù nhơn lương tâm đã bị giết chết để lấy những bộ phận
trong cơ thể bán ra thị trường cấy ghép y khoa. Theo ông David
Matas, một trong hai đồng tác giả của phúc trình nói trên, thì
hai năm qua rồi mà chuyện làm ăn mờ ám đó vẫn còn diễn ra trên
đất nước vĩ đại Trung Quốc.
Bản phúc trình
kết luận rằng người ta không biết thiên hạ lấy ở đâu ra mà từ
năm 2000 đến 2005 đã có 41500 trường hợp lắp ghép bộ phận, trong
khi đó hàng ngàn người thuộc phái Pháp Luân Công bị giam cầm đã
mất tích. Để giải thích điểm mờ ám đó, người ta ghi nhận là
những trường hợp cấy ghép bộ phận bên Tàu đã dọt lên cao ngay
trong thời kỳ những người theo Pháp Luân Công bị truy hại hồi
năm 1999.
Trong vòng hai năm sau khi công bố bản phúc trình tố giác việc
lấy bộ phận trên cơ thể những người thuộc Pháp Luân Công, David
Matas - một luật sư chuyên về nhơn quyền – và David Kilgour -
cựu dân biểu ở Ottawa – đã đi đây đó trên thế giới để trình bày
kết quả sưu tầm của họ. Qua đối thoại với tờ báo "Đại Kỷ Nguyên"
ngày 7.7.2008, ông Matas có xác nhận là phúc trình đã làm cho
khắp nơi trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, ông nghĩ
rằng chuyện cắt xén bộ phận trên cơ thể con người vẫn còn xảy ra
ở Trung Quốc.
Thế nhưng, cũng theo ông Matas, có nhiều tiến bộ đáng khen cần
được ghi nhận. Chuyện quốc gia Do Thái thường tài trợ những
chuyến đi Trung Quốc của người dân cần lắp ghép bộ phận cơ thể,
nay đã hoàn toàn chấm dứt. Đài Loan cũng cố gắng hãm bớt những
chuyến du lịch y tế qua Tàu của người dân trong nước. Ông Matas
cho rằng như vậy cũng làm cho số lượng lắp ghép giảm đi nhiều.
Chánh phủ Phi Luật Tân cũng cố gắng ngăn ngừa chuyện buôn bán bộ
phận con người, qua việc kiểm soát gắt gao những cơ quan tổ chức
các chuyến đi y tế.
Ở Bĩ có một dự thảo luật cũng liên quan đến vấn đề cắt xén bộ
phận con người. Còn ở Gia Nã Đại, phúc trình này của hai ông là
điểm xuất phát của một dự thảo luật, lên án các cuộc du lịch y
tế không phù hợp đạo lý, nhứt là những chuyến đi để cấy ghép bộ
phận lấy của những nạn nhơn bị cưỡng ép.
Vì vậy cho nên số lượng lắp ghép ở Trung Quốc đã tụt xuống và
con số tù nhơn bị hành quyết bên đó cũng giảm nhiều. Theo Trung
Quốc thì những tù nhơn đó là nguồn cung cấp bộ phận "hợp pháp"
duy nhứt cho công cuộc lắp ghép. Dẫu vậy, con số trường hợp cấy
ghép vẫn nhiều hơn con số tù nhơn bị xử tử. Như thế, người ta có
thể kết luận rằng những người "tù lương tâm" - nhứt là những
người thuộc Pháp Luân Công - vẫn còn bị hành quyết để đáp ứng
nhu cầu của thị trường.
Báo cáo viên đặc biệt về chuyện tra tấn của Liên Hiệp Quốc hỏi
Trung Quốc không ngớt về vấn đề này và ông đã công khai tuyên bố
rằng những giả thuyết trong phúc trình là có thật. Dẫu cho như
vậy mà lại ít có cơ quan ngoài chánh phủ chịu khó quan tâm đến
vấn đề, điều thật đáng tiếc.
Thường thường, trên vấn đề này, người ta liên hệ với những người
hay những cơ chế có nhiệm vụ phải can thiệp với nhà nước Tàu
bằng cách nào đó. Thế nhưng, họ cũng chẳng biết phải xử sự như
thế nào. Cho đến bây giờ, nhà nước Tàu chưa khi nào phản bác
được những nhận xét của bản phúc trình.
Cố Nhân
(Nguồn:"Le trafic d'organes: toujours une réalité en Chine",
La Grande Epoque, 17.7.2008)
[http://www.lagrandeepoque.com/LGE/content/view/4612/105/]
|