PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự xã hội

Chuyện bên Tàu:

Khi Tứ Xuyên bực mình

  • PSN 21.07.2008 - Cố Nhân

Trận động đất hồi tháng Năm ở bên Tàu, trong đó nhiều học sinh đã bỏ mạng vì trường sập, đã rần rộ lên một lúc rồi nay đã lắng xuống, êm xuôi như nước chảy qua cầu, như lục bình trôi sông. Một thiên tai, với bảy mươi ngàn người chết và mười triệu kẻ mất nhà, lần hồi cho thấy rằng vì những tên đầu sỏ chánh trị chểnh mảng lơ là và những bậc phụ mẫu chi dân tham ô nhũng lạm, nay đã phần nào biến thành thảm họa nhơn tai, do lỗi ở con người. Tập đoàn cầm quyền ở Trung Nam Hải đang có âm mưu ý đồ đem Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 ra rần rộ vui chơi để "cả vú lấp miệng em", làm cho những nạn nhơn đau khổ của trận trời long đất lở quên đi thân phận của mình.

Thế nhưng quên sao được mà quên, khi mà dấu vết của tang thương còn đó, niềm khổ đau của nội tâm vẫn chưa nguôi?! Cột trụ bóng rổ vẫn nằm yên mấy tháng nay, lăn kềnh giữa sân trường. Chung quanh đâu đó, đâu đây, những đống gạch vụn khổng lồ, to tướng cứ nằm chình ình, bề bộn khắp nơi. Đó là những gì còn lại của những tòa nhà ba từng, một thời là trường lớp của một học đường. Nay thì tất cả còn lại chỉ là một mớ hỗn độn, thấy mà não lòng. Nào là băng ghế học sanh, sứt tay gãy gọng, vương vãi tứ tung. Nào là sách vở học trò rách bươm, phất phơ theo cơn gió buồn như vẫy gọi kêu cứu hay bay lang thang theo đà đưa đẩy của ngọn gió vật vờ. Nào là những mảnh gạch vụn, lìa khỏi vôi vữa, trơ hình cùng năm tháng, nắng mưa, chẳng còn làm vách tường che chắn. Nào là những miếng ván nằm sấp, nằm ngữa ngổn ngang, mất đi thiên chức vật liệu xây cất, chỉ còn xứng đáng làm loại chất đốt. Nào là những cây cột, cây đà bê tông cốt sắt, gãy đổ cong queo, để lộ ra cốt sắt mong manh và rỉ sét.

Di tích của một ngôi trường, ngày ngày ê a tiếng đọc bài của đám trẻ thân thương, giờ đây còn lại gì đâu? Nhưng ở Trung Quốc, một đất nước của con "Người Bốn Vĩ Đại" - Vĩ đại đạo sư, vĩ đại lãnh tụ, vĩ đại thống soái, vĩ đại đà thủ - người ta gọi đó là một cơ sở học đường "xây cất bằng đậu hũ", nghĩa là cất nhanh, cất vội, cất vượt chỉ tiêu, với xi măng loại dõm và cốt sắt cà chớn.

Vì vậy cho nên, hôm 12 tháng Năm vừa rồi, trường làng Xiang'e, một ngôi làng bé nhỏ nằm cạnh trung tâm địa chấn, đã sụp đổ chỉ trong vòng vài ba phút, chôn vùi tất cả ba trăm bảy mươi bốn em học sinh, gần như toàn thể những trẻ thơ của xã. Một tháng rưi sau, sân bóng rổ hoang vắng, không một bóng người, cũng như những gì còn lại của hai con đường, làm thành ngã tư thẳng góc trong làng. Những nạn nhơn sống sót đều được phân tán đi những nông trại láng giềng quanh quẩn.

Hằng ngày, trong cảnh hoang vu, tựa như đất đai trên cung hằng, người ta thấy hai chiếc xe ủi đất cô đơn chạy tới chạy lui, dưới quyền điều khiển của hai chiến sĩ Hồng Quân trong quân phục tác chiến, như hai con dã tràng đang xe cát bể Đông. Thằng nhóc canh chừng bên bờ đê đường làng, chạy nhanh vô doanh trại báo động vì có hai bóng người lạ đến công trường. Thế là hai con người mang băng tay từ trại lính chạy nhanh ra, tay xua đuổi, miệng la to:"Ra ngay, ra ngay! Địa bàn cấm người lạ!" Trong khi nhà báo đang điều đình thì một chiếc xe công an, còi hụ, đèn chớp, ầm ầm chạy tới tiếp viện. Chẳng mấy chút mà đã có tám người xuất hiện để cuống cuồng đuổi nhà báo đi, như đuổi tà ma: "Chỗ này nguy hiểm, coi chừng những cơn hậu chấn... Ngoài ra, còn có mầm dịch bịnh và nguy cơ lây lan..."

Khi động đất vừa xảy ra thì mọi việc đều trong sáng, minh bạch, trắng đen rõ ràng một cách kỳ lạ. Nhưng nay thì ngoại lệ ngắn ngủi đó đã hết rồi. Trong suốt vùng thiên tai rộng lớn, chạy dọc theo dãy đất cao nguyên Tây Tạng, ở ngả đường nào, ở trạm thâu thuế lưu thông nào, công an cũng lục xét kỹ càng mọi xe cộ. Chỉ những ai có thông hành nhà nước mới được phép bén mảng đến những khu bị động đất tàn phá. Bằng không thì phải lanh lợi và láu cá, tìm đường ngang ngõ tắt, tránh né các điểm chặn. Dẫu cho những người hiếu kỳ cũng không được phép vãng lai.

Một mô tô công an hộ tống nhà báo đến làng bên cạnh, như vậy để bảo đảm là khỏi bị lôi thôi. Trong lúc công an xua đuổi, một bà bán hàng rong nói kh: "Bọn nó sợ các ông lấy mẫu đất đá của cái "trường đậu hũ" về nước thử nghiệm, rồi làm to chuyện lên."

Nhưng đâu ai còn nghi ngờ gì nữa. Những đứa con nít nằm chết la liệt ngày 12 tháng Năm vừa qua, vĩnh viễn ra đi vì thiên tai chỉ có phần nào thôi mà phần lớn chết vì nhẫn tâm và ác ý của những tên đầu sỏ chánh trị. Chính họ là những tay quyền thế đã cho phép những chuyện xây cất què quặt, cẩu thả, để ăn bớt ăn xén vật liệu xây dựng mà lấy tiền bỏ túi. Cũng chính những bọn tai to mặt bự đó, ngày nay tìm cách ém nhẹm chuyện tai tiếng đã đổ bể. Sau khi hầu như đã che đậy một cách công khai những hậu quả của nạn trời ách nước kia, từ nay báo chí Tàu được yêu cầu tránh né những vấn đề làm cho thiên hạ nổi giận, chỉ giữ lại những khía cạnh "tích cực" của biến cố mà thôi.

Với những đấng cha mẹ mất con tiếp tục kêu khóc, than thân, trách phận, nhà nước ra vẻ xót thương chi cho mười hai ngàn nhân dân tệ (1200 Euros), gọi là trợ cấp tình nghĩa bước đầu, với hứa hẹn cấp thêm hai mươi ngàn nhân dân tệ nữa và một cuộc điều tra tỉ mỉ. Nhưng phải mai kia mốt nọ kìa, sau khi Thế Vận Hội Bắc Kinh đã qua và mọi chuyện đều êm vui tốt đẹp.

Trong khi đó, ngày 10 tháng Sáu vừa rồi, ông Huang Qi, một nhà tranh đấu nhơn quyền nổi tiếng trên mạng Internet đã mất biệt tại Thành Đô, tỉnh lỵ Tứ Xuyên. Thân nhơn cho biết là ông đã bị công an còng tay và đem giấu kín rồi. Lý do là ông đã có ý định tổ chức một cuộc khiếu kiện tập thể giùm cho những bậc cha mẹ có con em chết tức tưởi dưới những mái "trường đậu hũ" của đất nước vĩ đại Trung Quốc.

Quả thật, chế độ đã được phần may mắn là bỗng dưng Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, trong một phút thoát ly cái vỏ cộng sản, đã tới thăm hiện trường ngay sau cơn địa chấn để thăm hỏi dân tình, như là một phen thông cảm. Một hành động xuất thần hy hữu của những cấp lãnh đạo cộng sản. Rồi thì, đất nước sững sờ sau nỗi niềm đau đớn to lớn lại được hưởng những thứ bất ngờ, xưa nay chưa từng thấy. Như một quốc tang cho những dân thường bị nạn, một đặc ân xưa nay chỉ có những người lãnh đạo cao cấp mới được hưởng. Như những bài tường thuật gần như "thả cửa" của những phương tiện truyền thông quốc doanh, không nặng tính tuyên truyền, thượng cấp vận. Như những nạn nhơn được cả thế giới thương tình trợ giúp và săn sóc. Cơn địa chấn dường như đã làm lung lay tận gốc rễ những phản xạ chính chuyên độc đoán quan liêu cửa quyền của cả một triều đại đỏ lòm, màu cộng sản.

Thế nhưng, ở vùng Tứ Xuyên lâm nạn đó, người dân vẫn chưa hết uất giận ứa gan những quan cấp nhỏ của địa phương. Một gia đình nông dân, mà cả làng bị chôn vùi dưới lớp đất chuồi, đùng đùng nổi giận: "Bí thư xả đâu rồi, tai to mặt lớn đâu rồi, chẳng thấy một bóng ma nào xuất đầu lộ diện hết?! Mình sống dưới nhà lều này đã trên bốn mươi ngày qua, chẳng thấy một tên nào xuất hiện cả. Thế là thế nào?"

Hơn nửa triệu con người tỵ nạn, hiện nay gần như vô gia cư, sinh sống trên một sân vận động trọc lông lốc, chẳng còn tí cỏ. Cứ mười hai người ăn ngủ trong một lều vãi nhựa xanh, rộng chín thước vuông, tập hợp theo từng làng mạc trước kia. Không một bóng cây, chẳng có chút bóng mát. Cái nóng nung đốt bên ngoài và làm cho người ta ngộp thở bên trong lều.

Nhưng điều thê thảm, không phải là không khí khó thở, không phải là lối sống chung đụng hỗn tạp, không phải là nhà vệ sinh công cộng, mà cũng chẳng phải vì thiếu nước, thiếu nôi... Vì giờ đây tương lai là một lỗ đen ngòm đối với những người dân làng của miền thung lũng trên cao, nay đã bị đất bùn cuốn đi mất hút. Họ chẳng biết phải sinh sống bao lâu nữa dưới những mái lều nhựa nylon đây? Bao giờ thì họ được tái định cư? Ở nơi nào? Xóm làng của họ có đuợc tái thiết hay không? Liệu rồi đây họ có phải di cư không? Hay là phải rời bỏ ruộng vườn để đến ở những vùng ven biên thành phố? Phải sinh sống bằng nghề gì đây?

Trăm câu hỏi, ngàn điều thắc mắc, mà đáp số vẫn đâu đâu, xa vời. Không ai trả lời, chẳng ai giải đáp. Ngày đêm khắc khoải âu lo mà không biết vẫn hoàn không biết, chẳng ai loan báo điều gì. Y như rằng công việc của nhà cầm quyền cũng bao la, đồ sộ, với trăm chuyện phải làm, ngàn điều phải tính. Trận động đất đã làm thiệt mạng bảy mươi ngàn người, gây thương tích cho hàng trăm triệu công dân, biến hàng chục triệu người thành kẻ vô gia cư và làm cho hàng triệu nông dân mất đất canh tác.

Gần bốn triệu rưi đơn vị gia cư không còn ở được, phải phá bỏ, hai trăm năm mươi khối dân cư, giờ đây đã thành những thành phố ma cần phải được tái thiết. Chi phí ước lượng lên đến một trăm tỷ Euros. Và trong hiện tại còn phải canh chừng các đập nước, nhiều chớ không phải ít, có nguy cơ bị vỡ, tràn ngập những xóm làng bị nạn, cũng như gần ba mươi hồ nuớc, xuất hiện từ chỗ đá lở, đất chuồi. Phải khai thông các con đường, xây dựng lại trường học và nhà thương. Sinh hoạt đâu đâu cũng ồ ạt, cấp bách và xôn xao. Được những vùng giàu có miền duyên hải tài trợ, hàng bao nhiêu mẫu nhà tiền chế bắt đầu mọc lên. Những xe ủi đất san bằng những đống vật liệu đổ nát, sửa soạn đất, chuẩn bị nền móng để xây dựng,... Đây là lãnh vực hoạt động của một nước Tàu trên đà phát trin đô thị. Hy vọng rồi đây sẽ nhanh chóng hoàn thành và người ta đừng lợi dụng thời cơ để xây nhà cho dân đô thị, phụ rãy nông dân.

Theo ý kiến của nhà tâm lý học Suo Peng - đến vùng bị thiên tai theo chương trình thiện nguyện cùng với hàng ngàn người khác từ nhiều nước tụ lại – thì nhà nước Trung Quốc chăm lo đầy đủ những nhu cầu vật chất. Và người Tàu, vốn có một sức chịu đựng bền bỉ nên có thể xoay xở để sinh tồn. Nhưng đừng quên rằng sau khi đã hoạt động quá mức rồi thì sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều đợt tự vận.

Bà Suo Peng là một nhà chuyên môn hiếm có về khoa tâm lý chịu tham dự lâu dài. Với sự trợ lực của sinh viên thiện nguyện, được huấn luyện theo kiểu vừa học vừa làm, bà đã dựng lên tại sân vận động Mianzu một trung tâm giúp đỡ tâm lý cho các học sinh nạn nhơn. Trung tâm này đặc biệt chữa trị các bịnh chấn thương tâm thần. Trông thấy trẻ em đùa nghịch thoải mái cùng với những người làm công tác thiện nguyện thì đủ biết là phương pháp có đem lại hiệu quả.

Vì tầm vóc to lớn của thảm kịch tập thể đã vuột khỏi tầm tay, Bắc Kinh đành phải huy động những nhà tâm lý học một cách chưa từng thấy. Nhưng, con số mười chín ngàn chuyên viên Trung Quốc không đủ đâu vào đâu hết. Theo một bản phúc trình chánh thức thì con số người bị chấn thương lên đến sáu trăm ngàn. Họ mất sạch, kể cả đứa con duy nhứt. Bị dồn ép vào ngõ cụt, rồi đây có thể họ sẽ bùng lên qua một cuộc nổi dậy dễ sợ, một cuộc nổi loạn tuyệt vọng, tới đâu thì tới.

Phải chăng vì vậy mà nhà nước sẵn sàng chấp nhận mọi thiện chí, không cần biết của thành phần nào, cộng sản hay tư bản? Vậy là, con đường trước mặt đã rộng mở cho những cơ quan thiện nguyện phi chánh phủ, không nề hà phẩm chất, không phân biệt tôn giáo. Các đoàn thể Phật Giáo đã thành lập những toán yểm trợ trong tinh thần Phật pháp. Những đệ tử phái Ấn Độ Giáo đề nghị phương pháp "tăng lực từ đại dương nội tâm". Bà Nora Ou, chuyên viên tâm lý trị liệu, mở một mạng lưới giúp chữa trị tâm linh. Cũng như bà, những người trong nhóm đều là những tín đồ Tin Lành sùng đạo, vừa tận lực cứu chữa người đồng loại, vừa vinh danh Thiên Chúa. Họ có bổn phận giúp đỡ cho con người biết chấp nhận mất mát, biết chịu đựng tang tóc và biết đến với tình thương của Chúa. Dẫu cho phương pháp của họ rõ ràng có tính công giáo, những "ngôi nhà tràn đầy sức sống" mà họ thiết lập - với ý định rõ ràng là để tồn tại lâu dài - vẫn được giới hữu trách cũng như những quân nhân quản lý trại tỵ nạn rộng tay đón chào.

Người ta thường lựa chọn điều ít tệ hại hơn hết, thà chấp nhận tôn giáo còn hơn là đối đầu với nổi loạn. Như vậy là sau vụ động đất, ở Trung Quốc lại có thêm ý hướng mới mẻ là chấp nhận những gì, có thể về lâu về dài, sẽ làm thay đổi cuộc diện của nước Tàu.

 

Cố Nhân

(Mượn ý bài:"Chine: les révoltés du Sichuan", của Ursula Gauthier, Le Nouvel Observateur, 17.7.2008.) [http://hebdo.nouvelobs.com/hebdo/parution/p2280/articles/a379864.html

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.