PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Vấn đề xã hội

Đốt đèn tìm Trung thu

  • PSN 15.09.2008
    Nguyễn Thị Lan Anh - Việt Tribune


Chiếc đèn xếp đầy kỷ niệm. Getty Images

Ở Sài Gòn, Trung thu có mặt rất sớm. Từ tháng Sáu âm lịch, lác đác trên đường phố đã xuất hiện những quầy bánh trung thu. Nhưng phải từ sau ngày tựu trường 5-9 trở đi, người Sài Gòn, nhất là trẻ em tiểu học, mới thực sự bị mê hoặc bởi vẻ quyến rũ của bánh trung thu, đèn trung thu. Nói đèn trung thu không thể không nhắc tới làng đèn Phú Bình – nơi sản xuất đèn giấy bóng kính lâu năm nhất Sài Gòn. Những ngày này, khắp làng Phú Bình, đâu đâu cũng cảnh chẻ tre, vót nan, dán giấy bóng kính, tô màu… rất nhộn nhịp.

Nghề đèn có từ bao giờ
Cụ chủ nhà 7D, hơn tám mươi tuổi, kể lai lịch làng đèn như sau: ”Giáo xứ Phú Bình đây toàn dân di cư từ Bắc vào năm 1954. Năm 1957 bắt đầu làm đèn trung thu, theo những kiểu đèn phố Hàng Mã-Hà Nội. Một nhà làm, cả xóm làm, rồi thành danh. Toàn Sài Gòn, lan ra cả miền Trung, miền Tây, đâu đâu cũng khen đèn Phú Bình đẹp. Hàng năm, cứ từ đầu tháng Bảy âm lịch, lái buôn tới đếm hàng, chở hàng, rậm rịch suốt đêm suốt ngày. Không như rau cỏ phải bán đổ bán tháo vì sợ thiu thối, đèn Trung thu làm bằng tre, ngâm kỹ mới chẻ, bán không hết năm nay, để sang năm sau, cũng không sợ mối mọt.”.

Làm ra cái đèn, khó không cụ? Không khó! Chỉ tay vào bà vợ đang ngồi chẻ tre thoăn thoắt và cô con gái chăm chú buộc nan tre, ông cụ giải thích ”Đấy, cứ người chẻ, người buộc nan lồng. Rồi thuê trẻ con dán giấy bóng kính lên. Tay chúng nó nhỏ, khéo hơn người lớn. Dán thế nào, dán miếng nào trước, miếng nào sau…chả phải bảo, chúng nó biết cả. Dán rồi, thì vẽ. Vẽ xong chờ khô, buộc dây, làm que cầm. Thế là xong cái đèn. Qui trình làm đèn đại khái nhà nào cũng giống nhà nào. Giá bán tương đương nhau. Nhỏ nhất ba chục ngàn một chục. Lớn hơn năm chục ngàn. Hơn nữa bảy mươi lăm ngàn. Muốn lấy kiểu gì cũng có.”

Đi qua những dãy nhà A, B, C, E vuông vức, thỉnh thoảng thấy một nhà làm đèn, kẻ viết bài không khỏi thắc mắc tại sao các nhà không tụ tập thành khối đông vui, cho ra dáng làng nghề. Chị Thái, người hơn hai mươi năm làm dâu Phú Bình, giải thích ‘ở xa cho khỏi va chạm mối mua bán. Mỗi nhà một thế mạnh. Nhà 15A chuyên làm hàng lớn. Cá, bướm, rồng, ngôi sao…của họ đều kích cỡ khổng lồ, bán bảy tám chục ngàn một con đổ lên. Nhà 6A không làm đèn nan tre mà chuyên đèn khuôn kẽm. Xích vào phía trong, vẫn dãy A lại có mấy nhà bán đèn mộc (đèn chưa tô vẽ), còn thì toàn nhàng nhàng làm đèn cỡ vừa, cỡ nhỏ, mua bán thêm đèn xếp, đèn Trung Quốc, đèn vải Hội An. Về kiểu dáng, không ai có bí kíp riêng, chỉ cách vờn vẽ, trang trí là độc quyền. Thí dụ hai con cá này. Miệng nói, tay chị Thái bày hai chiếc đèn con cá lên bàn. Chỉ vào mắt, vảy, mang, đuôi, chị giảng thao thao “con vàng này ‘đi’ vảy thưa, nét to đậm, là cá nhà tôi. Con đỏ nét nhuyễn hơn, nhọn ở đầu do khi vẽ gần đến cuối, người vẽ nhấc bút lên, là cá nhà 7D. Quanh quẩn chỉ năm mầu truyền thống vàng chanh, đỏ, xanh lục, trắng, hồng mà chả bao giờ ai lẫn với ai…”

Đối với họ đạo Phú Bình, kẻ viết bài không phải là người lạ. Có mặt ở đây nhiều năm, chứng kiến từng bước đổi thay của giáo dân theo chiều hướng giầu hơn, sạch hơn, nền nếp hơn, kẻ viết bài đã rất mừng. Ngoài người Bắc 54, Phú Bình còn đông người Hoa. Nhưng dù Việt hay Hoa thì đều sống dựa vào nhau, đoàn kết, chí thú làm ăn. Nhà nào cũng ‘thủ’ vài nghề, buông tay này bắt tay kia. Quanh năm nhuộm vải, làm hoa nhựa, làm lồng đèn, thuộc da trâu bò, pha chế thuốc tẩy….không lúc nào hết việc. Vào Phú Bình, cứ mũi đi trước, rồi tới mắt, chân đi sau cùng. Nếu ngửi mùi thối là biết sắp qua chỗ phơi da. Nghe hăng hắc là gần lò nhuộm vải. Thấy đàn bà trẻ con cắm cúi dưới nền nhà, biết ngay đang kết hoa nilon. Còn xanh đỏ tím vàng treo giăng giăng thành cụm, thể nào cũng nhà làm đèn…. Bây giờ, Phú Bình đã khang trang, nhà xây cao, thành dẫy, trong nhà đủ tiện nghi. Cảnh phơi da, pha chế hóa chất, nhuộm vải đã thôi hẳn. Chỉ nghề làm hoa, làm đèn sạch sẽ là còn. Còn nhưng thật ra đang ngắc ngoải!

Tương lai làng đèn – The candle in the wind


Uốn tre thành những con vật toàn bằng tay và không có khuôn mẫu. Photo Nguyễn thị Lan Anh/Việt Tribune

Các nghệ nhân cao tuổi, lúc ngồi uống chén nước với nhau, hay nhắc lại quá khứ vàng son của ‘làng ta’ thập niên 60 -70 thế kỷ trước. Thời đó, dịp tết Trung thu, trẻ nhà nghèo chỉ chơi đèn xếp, đèn làm bằng lon sữa bò, thắp nến bên trong. Chỉ trẻ nhà khá mới ‘biết mùi’ đèn giấy bóng kính Phú Bình. Tối Trung thu, khắp hang cùng ngõ hẻm, các em trịnh trọng xách đèn, đi chậm chậm (để đèn khỏi tắt), vừa đi vừa hát ‘tết trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…Ánh sáng hắt từ những chiếc đèn giấy bóng kính đẹp lung linh, ấm áp. Với ký ức tuổi thơ (và cả ký ức nghệ nhân làm đèn) đó là thứ ánh sáng huyền hoặc nhất, thơ mộng nhất, không gì thay thế được….

Ngày nay, làng đèn Phú Bình vẫn sản xuất những chiếc đèn giấy bóng kính quen thuộc. Người làng đèn vẫn làm ăn lấy chữ tín làm đầu. Suốt từ đầu hẻm dẫn vào trong, nhà nào cũng vừa sản xuất, vừa bán lẻ, bán buôn, không cần treo bảng hiệu. Khách vào mua đèn, một cái hay trăm cái đều được tiếp đãi tử tế vui vẻ. Nếu cần, ngồi nhà gọi điện thoại, nhà đèn sẽ giao hàng tận nơi. ‘Bán buôn chiều khách như thế, nhưng thu nhập rất thấp. So với năm trước, năm nay chỉ phân nửa. Chán, chả thiết làm!’ Tiếng than vãn của vợ chồng nhà 3C vang lên, nghe buồn như hồi chuông báo tử...

Đem hai chiếc đèn Trung thu hình con cá, một cái của Quảng Tây-Trung Quốc, một cái của Phú Bình-Việt Nam, cho mẹ con em Tuấn – học sinh lớp bốn trường Cầu Kiệu – xem, kẻ viết bài không ngạc nhiên khi họ chọn ngay đèn Trung Quốc. Mẹ bảo đèn Trung Quốc vừa nhẹ vừa bền, có vứt lăn lóc cũng không bể. Mua một lần, chơi cả năm. Đã phong phú về kiểu dáng lại hết sức an toàn, không lo tắt nến, cháy đèn. Con bảo cầm đèn Trung Quốc vừa tay. Lắp pin vào, chiếc đèn con cá sáng bừng, chớp nháy, phát tiếng nhạc rất thích…

Ý kiến của mẹ con em Tuấn, xem ra, cũng là ý kiến chung của giới tiêu thụ đèn Trung Thu năm nay, nên dù đèn Trung Quốc những 30,000 đồng, đắt gấp mười lần đèn Việt Nam, vẫn được tiêu thụ mạnh. Còn đèn Việt Nam, một thời được chuộng, bây giờ lòi ra toàn tội tày đình: đơn điệu về kiểu dáng, mẫu mã, cồng kềnh dễ rách, bất tiện khi thay đèn cầy bên trong, dễ gây hỏa hoạn… Biết thế sao không cải tiến mẫu mã, thay đổi qui trình sản xuất, đáp ứng tâm lý người tiêu dùng để ‘cứu’ nghề? Nghe hỏi, hầu hết người làng đèn Phú Bình đều lắc đầu. Cái lý của chị Thái, anh Toàn, cụ 7D là: ‘chẻ tre, vót tre, buộc nan, dán giấy, vẽ mầu…dứt khoát phải làm thủ công, không thay bằng máy móc được. Cái đèn mang hơi hướng người làm, vạn cái không cái nào giống cái nào. Cầm lên, thích và quí ở chỗ ấy. Cũng đã thử làm nhiều mẫu Tề thiên, Batman, con cóc, con cua, con tôm….nhưng cái thì không hợp với tinh thần tết trông trăng, cái lại ‘xồm xoàm’, không đẹp về dáng, nên chỉ còn giữ mấy kiểu đèn truyền thống – đèn con cá theo tích cá vượt vũ môn, cá chép hóa rồng, đèn con thỏ lấy tích thỏ ngọc cung trăng, đèn con bướm vì hoa thơm bướm lượn… thêm đèn máy bay, xe tăng, tàu thủy cho bọn trẻ con trai…Thế thôi!


Sản Xuất lồng đèn. Photo Nguyễn thị Lan Anh/Việt Tribune

Kẻ viết bài rủ vài người bạn nghiên cứu văn hóa đến thăm làng đèn Phú Bình. Cái đèn lạc hậu, nhiều khuyết điểm trong mắt họ, ngay lập tức được ‘phục hồi nhân phẩm’. Họ giải thích ‘Ở miền Bắc, tục chơi trăng mùa thu tháng Tám là lúc lúa chín, hoa quả nhiều, thời tiết đẹp, đối với cư dân nông nghiệp là lạc thú. Cỗ cúng trăng phần nhiều chỉ hoa trái đương mùa, xôi nhuộm phẩm màu bầy biện khéo léo, thay vì những hộp bánh nướng bánh dẻo vài trăm ngàn đồng như bây giờ. Đường làng, ngõ xóm lúc ấy thanh vắng, lắm cây cối, ruộng vườn. Trẻ phải đốt nến thật sáng bên trong đèn mới thấy đường bước. Cầm đèn, như cầm một ông giăng trong tay, rất ý nghĩa, rất trang trọng, tự hào… Đi rước thành đoàn, hát hò đông vui, gõ trống, múa đầu sư tử...
Vài chục năm lại đây, thành phố Sài Gòn nhiều dần, rồi đặc kín nhà cửa, xe cộ. Đêm rằm hay đêm thường, có trăng hay không trăng, cũng như nhau. Chuyện rước đèn Trung thu không còn là nhu cầu, và cũng không phổ biến. Tết nhi đồng, bị người lớn cướp lấy, biến thành dịp biếu xén nhau. Lợi nhuận to lớn từ việc bán bánh, biếu bánh khiến họ không ngớt quảng cáo ầm ĩ cho một mỹ tục chỉ còn phần vỏ. Phần ruột của nó là sự tụ họp, cùng phá cỗ trông trăng, rước đèn…tiếc thay, chẳng còn. Mà đã chẳng còn, thì làng đèn Phú Bình còn sao được!

Nghe các nhà văn hóa phán đến đâu, xót xa đến đấy! Kẻ viết bài không tin những chiếc đèn lồng, vầng trăng, và tâm hồn trẻ em đang chết đi theo đà công nghiệp hóa. Vì ở những làng quê hẻo lánh, những lớp học ban đêm dành cho trẻ bất hạnh, mà kẻ viết bài đi qua vẫn còn nhiều em bé chưa một lần biết thế nào là đèn trung thu. Mắt các em vẫn sáng lên khi nghe hỏi ‘con có muốn một cái đèn hình con cá, bên trong có gắn đèn cầy không’. Nhất định kẻ viết bài sẽ mua một trăm chiếc đèn con cá Phú Bình chưa trang trí, kèm theo mầu, cọ vẽ đem tặng các em mồ côi, hướng dẫn các em vẽ mắt, vẽ vẩy, vẽ đuôi cho ‘con cá của mình’ (biết đâu đó là con cá đầu tiên, và duy nhất trong đời các em…)

NTLA


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.