.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

  Đặng Văn Sinh với Tiểu thuyết - Truyện ngắn - ...  và Phê bình văn học

Truyện ngắn :

Ảo ảnh

  • PSN - 17.12.2006

Hắn vào nghề này hoàn toàn do sự tình cờ. Hồi ấy hắn mất việc, thậm chí xuýt nữa phải "nhập kho" vì bị gã đồng sự phản thùng sau lần tổ hắn biển thủ cả một xe điện thoại di động bắt được của bọn buôn lậu ở dốc Đá Trắng. Hắn thoát khỏi bộ quần áo sòng sọc không phải do thế mạnh của dây rợ hay ô dù gì, mà đơn giản chỉ vì, ông giám đốc vốn là thường vụ tỉnh uỷ, đang ngấp nghé ghế phó chủ tịch, nên đã ỉm chuyện đi. Hắn chỉ bị xử lý nội bộ rồi lặng lẽ cuốn gói không kèn không trống.

Trên đường về, qua thị trấn Đông Ký, một phố huyện mới phất lên từ thời mở cửa, hắn bước vào quán thịt chó. Trước khi hoàn dân, hắn muốn đập phá lần cuối cùng để đưa ma cho sự nghiệp mười sáu năm tận tuỵ với nghề bây giờ bỗng chốc trắng tay. Tại đây, hắn nhận lời chạy hàng cho bà chủ quán tên là Trần Thị Vinh nhưng khách vẫn quen gọi là "Mụ Béo". Bà chủ quán, bốn mươi hai tuổi, đang hồi xuân, giống như một cây thịt với bộ ngực đồ sộ và cặp mông núng nính tuy nhiên dáng đi lại khá nhẹ nhàng uyển chuyển. "Hàng" đây là các chú cầy tơ với đủ các thứ gam màu đen vàng vằn vện… để ngày ngày nhà quán chế tạo ra thứ "mộc tồn"* bảy món nổi tiếng khắp hàng huyện.

Lúc hắn đang ăn có một người đàn ông béo tốt bước vào. Nhìn thấy chủ quán, ông ta nói ngay :

- Chị làm gấp cho mười hai suất khách. Nhớ là phải cầy tơ đấy.

Bà chủ đang thái bánh phở, quẳng dao, nhìn khách nhăn nhó :

- Gay lắm, từ chiều đến giờ chẳng mua được con nào cả ông ạ.

- Chị nói thật hay đùa đấy? - Người đàn ông chợt nghiêm giọng. - Hôm nay lãnh đạo uỷ ban làm việc với các sếp tài chính và ngân hàng tỉnh xin kinh phí. Quan trọng lắm. Chị cố thu xếp cho.

- Tôi không đùa đâu. Chú có biết các quán khác đã đóng cửa từ cả tháng nay chỉ vì cái lệnh "cấm" của ông chủ tịch nhà chú không? Chung quanh đây hết chó rồi. Mà đi xa thì không có người, lại đắt nữa, thà dẹp tiệm cho khoẻ.

- Nghe câu chuyện nhấm nhẳng giữa hai người, hắn chợt nảy ra một ý. Chờ ông khách ra khỏi quán, hắn bước lại gần bà chủ khẽ bảo :

- Tôi có thể cung cấp… chó cho bà.

- Chú ở đâu ta ?

- Tôi ở Nam Thành. Huyện tôi không chưa thấy có lệnh cấm.

Bà chủ bưng ra một đĩa dồi hấp, một đĩa nhựa mận, một chai "quốc lủi" đặt trước mặt hắn :

- Coi như tôi đãi chú. Buổi sơ giao, tuy chưa biết rõ lai lịch nhưng tôi quý chú ở tính hào hiệp.

Hắn rót rượu vừa nhấm nháp các món đặc sản vừa hỏi nhỏ :

- Cái ông béo vừa rồi là ai thế?

- Ông phó văn phòng uỷ ban vừa đi nghỉ mát Đà Lạt về. - Bà chủ quán hất hàm. - Mới về nên ông ta không biết cái lệnh cấm nuôi chó. Với lại văn phòng đã ghi nợ ở quán tôi hơn bốn triệu rồi, bây giờ cho ký nữa thì tôi hết vốn.

- Ra thế…

- Vậy cứ hai ngày một lần chú mang đến cho tôi.

- Mấy con thì vừa?

- Được ba bốn thì càng tốt nhưng ít nhất cũng phải có hai. - Bà chủ hướng cặp mắt lá răm lúng liếng dưới hai hàng mi rậm xoăn tít nặng sùm sụp nói chẳng biết thật hay bỡn. - Dù sao đây cũng là một hợp đồng làm ăn, tôi sẽ sửa cái lễ vào cửa "cô" để "cô" phù hộ cho.

Hắn nheo mắt cười, giọng chớt nhả :

- Thế nhỡ tôi phá hợp đồng thì sao ?

- Hoàn cảnh chú lúc này khó có thể giở trò lá mặt lá trái. - Bà chủ lấy ngón tay vuốt quết trầu hai khoé miệng, nói bằng giọng thản nhiên như là đã đi guốc trong bụng hắn. - Vả lại, đã làm ăn với nhau thì nên lấy chữ tín làm đầu phải không chú ?

Hắn gật đầu cảm ơn rồi bước ra với bộ mặt tái nhợt, thong thả dắt xe đạp. Bà chủ quán như chợt nhớ ra điều gì, gọi khẽ :

- Này, chú gì ơi ?

Hắn quay lại :

- à quên, tôi chưa thanh toán…

- Không, đã bảo tôi đãi chú kia mà. Chú tên là gì nhỉ ?

Hắn nói, tất nhiên là một cái tên giả.

- Cầm trước lấy trăm nghìn làm vốn.

- Chị không sợ tôi lừa à ?

- Đã bảo làm ăn bây giờ phải lấy chữ tín làm đầu. Tôi tin chú vì trông chú có vẻ lương thiện.

Trên đường về, hắn phác ra một kế hoạch. Dù sao thì cũng rất ít người biết hắn là viên cảnh sát bị "tuột xích" trong một vụ án khá mập mờ. Vì những lý do "tế nhị" người ta không muốn tìm ra "chính danh thủ phạm". Hắn chỉ là gã tốt đen, thấp cổ bé họng, hiển nhiên phải làm vật hy sinh, cho dù là sự hy sinh vô nghĩa. Làng hắn là xứ đồng chiêm trũng, xa tỉnh, xa huyện, cư dân phần lớn đều thuộc loại "bố cu mẹ đĩ", suốt đời chỉ quanh quẩn với con trâu, cái cày, trừ mấy thằng bạn khác ngành ở các xã loanh quanh đã được hắn dặn trước, còn nói chung người ta vẫn yên trí hắn là cán bộ nhà nước. Hắn lại có mối quan hệ tốt với ông chủ tịch xã nên sự vụ của hắn được giữ bí mật đến mức tối đa.

Hắn thuê đan lồng sắt và tự tay làm chiếc thòng lọng bằng dây dù, cán tre. Với bộ đồ nghề đó, hắn dọc ngang khắp các làng gần làng xa (tất nhiên trừ làng hắn) trong bộ quần áo bò tàng tàng, cái mũ Lewis ba màu và cặp kính đen gọng to bằng ngón tay, tìm cái thứ đặc sản mà bà chủ quán phố huyện Đông Ký hợp đồng. Xong việc, hắn gửi bộ đồ nghề tại nhà một cô ả mới quen có chồng lái xe đường dài tuyến Hải Phòng - Tuyên Quang, lên thị trấn tá túc trong cái nhà bẹp của thằng bạn độc thân vừa đi trại Phi Liệt về. Vài tháng một lần, hắn đảo qua nhà đưa tiền cho vợ nuôi con. Phần còn lại, hắn không tiêu pha phung phí mà tích cóp lại, cho vay lãi qua bà chủ quán làm trung gian. Công việc của hắn khá thuận lợi. Có những hôm hắn gom được cả chục con. Hắn nhốt lại ở nhà thằng bạn, bán dần từng cặp hoặc ba con một. Bà chủ quán là người rộng rãi và sòng phẳng. Có lần hàng hắn mang đến không phải là cầy tơ, bà ta vẫn trả đến hai mươi nghìn một ký, và lần nào cũng vậy, đều đãi hắn một bát phở chó. Còn rượu thì tuỳ thích, uống bao nhiêu cũng được. Điều làm cho hắn suy nghĩ đôi chút có lẽ là ở hai việc đáng buồn sau đây.

Ấy là vào hôm trời mưa, hắn đến một làng phía nam đường 183 tìm hàng. Người ta mách ông Vấn có con chó hay ăn gà muốn bán. Hắn dựa xe ở cổng rồi vào nhà. Ông Vấn là trung đoàn phó chính trị mới hồi hưu, trình độ học vấn chưa hết lớp ba nhưng thuộc lòng tất cả những nghị quyết quan trọng của Đảng, thấy một thanh niên sức dài vai rộng, tướng mạo xem cũng khá mà lại làm nghề buôn chó, thấy ngứa mắt bèn bảo :

- Anh không kiếm được nghề nào đỡ nhếch nhác hơn à ?

Hắn điên tiết quát vào mặt lão già :

- Ông về hưu, lương cao, cứ ngồi đấy khắc có Đảng nuôi, cần đếch gì đến ai. Còn tôi, bị mất việc, nhục như con chó nên mới phải buôn chó nuôi vợ con…

Chuyện thứ hai. Hôm hắn sang sông đến làng Giành. Gần trưa, hắn đã mua được hai con, định kiếm thêm con nữa, chiều đi luôn, sáng mai về. Đến cổng ngôi nhà có giàn thiên lý trước cửa, hắn đánh tiếng. Nhà chủ đang ăn cơm. Chẳng ngờ, người ra mở cổng lại là cô trung uý phụ trách hộ khẩu phòng Quản lý hồ sơ đang kỳ nghỉ phép. Thế là chẳng kịp nói câu nào, hắn nhảy phốc lên xe co cẳng đạp như bị ma đuổi.

Được hơn một năm, thị trường "mộc tồn" bắt đầu biến động. Mặt hàng đặc sản này vốn hấp dẫn khách nên số lượng quán nhậu ngày càng tăng. Đội ngũ "Di vu cho"* phát triển đông đảo đến mức đi đâu cũng chạm nhau. Hơn nữa, lệnh cấm đã bắt đầu được ban bố ở một số vùng trong huyện của hắn. Chó hiếm dần mà yêu cầu của bà chủ ngày càng cao, hắn đâm lo. Sau tết âm lịch, nghĩa là vào đúng thời kỳ các quán nhậu bắt đầu mở cửa cho một năm mới thì "cầy" các loại ở địa bàn hắn gần như cạn kiệt. Đây là thứ dịch vụ tạm thời kiếm ra tiền. Vợ con trông cậy vào chiếc thòng lọng của hắn, hắn không thể giải nghệ. Làm cách nào đây ?

Sau một đêm vắt óc suy nghĩ, hắn bỗng nhớ ra đàn "cầy" đông đúc ở làng, vốn là vùng hẻo lánh nên chưa bị lệnh cấm đe doạ. Nhưng bằng cách nào? Mấy con đầu có thể nói phứa mua cho cơ quan liên hoan tổng kết hoặc hội nghị. Còn những con tiếp theo? Bài toán dù hóc búa đến đâu cũng có cách giải. Hồi trước, một thằng bạn làm quản giáo bên trại giam có truyền cho hắn chút ít về nghiệp vụ chó. Thế là trong lúc "hoạ vô đơn chí", hắn quyết định tận dụng nó như một thứ cẩm nang trời cho.

Làng Chòi rộng, nhà tranh vách đất tuềnh toàng, nhiều đường ngang ngõ dọc. Cả một cộng đồng đông đúc từ chó đen, chó vàng, chó vá đến chó vện, chó lai cứ theo nhau biến mất không để lại dấu vết làm dân chúng nháo nhào. Ông trưởng công an, sau hôm mất chó nói với bố vợ hắn :

- Bọn này chủ trương diệt hết chó làng ta rồi mới chuyển sang bước thứ hai là gây án có tổ chức đây.

Ông bố vợ hắn, tuy chưa bị mất nhưng xem ra đã nổi cơn điên, giọng hậm hực :

- Các ông làm ăn chán bỏ mẹ, chưa tối đã rúc vào với vợ, nó xỏ mũi là phải. Tôi mà tóm được thằng nào thì, thề có trời, tôi lột da sống thằng ấy. Mà cũng lạ, nếu bảo bị đánh bả thì cũng có những con không mang đi được, đằng này hầu như con nào cũng mất tăm tựa như có phép tàng hình.

Hắn cười thầm. Trừ những trường hợp nhốt cũi để trong nhà, còn nói chung, không con nào thoát. Hắn có thứ thuốc khá hiệu nghiệm, giống như chất ma tuý dặc biệt hấp dẫn đối với chó. Ngửi thấy mùi ma dược ấy, bất cứ con nào, dù khôn ngoan đến mấy cũng bị thôi miên. Nó sẽ tự động bỏ vị trí canh gác, chúi mũi tìm đến nơi có mồi. Hắn chỉ việc dùng thòng lọng chẹt cổ, xoa thuốc vào mõm rồi mang đến căn hầm bí mật cho vào lồng sắt. Chừng vài giờ sau, thuốc mê hết tác dụng, lũ chó tỉnh lại, khoẻ mạnh như thường. Đến lúc ấy thì hắn đã ung dung đạp xe trên quốc lộ 183, đàng hoàng, lương thiện như bất cứ một "di vu cho" nào khác.

Hết chó người ngoài, hắn bắt đầu "tia" chó của họ hàng. Đầu tiên là ông chú ruột, một con xám tro nặng mười bảy ký rưỡi được ba trăm năm mươi ngàn. Bà thím tiếc đứt ruột, đắp mả hờ, trồng cây chuối ngược, thắp hương chửi đúng bốn mươi chín ngày. Nhưng rồi chó của các ông chú, bà thím, bà cô, ông cậu cũng dần dần biến hết. Bà chủ quán thấy ngày càng hiếm, tăng lên hai mươi mốt nghìn một ký và yêu cầu hắn vẫn duy trì hợp đồng. Hắn, sau khi làm xong bát phở, đĩa dồi với chén rượu, mặt nóng bừng,bảo :

- Bà cảm phiền cho. Dạo này họ cấm ngặt. Hết cả rồi. Hôm qua tôi phải lạy van bà dì mới được con này…

- Cố gắng cho đến hết mùa Hội năm nay vậy. - Bà chủ nằn nì - Bây giờ tôi chỉ còn trông cậy vào mánh của chú. Hôm rằm vừa rồi, tôi đã đến điện Trầm bốc hai bát hương và xin với "cô" phù hộ cho chị em mình ăn nên làm ra, không phản lại nhau.

Sau vụ chết hụt do bị ông chủ nhà xóm Giữa lao mũi mác vào chân, hắn đâm tin vào trò đồng cốt, bói toán. Nghe bà chủ quán nói, hắn đâm sợ. Trên đường về, hắn tự nhủ, cũng chỉ còn hơn chục ngày nữa, thôi đành cố vậy, rồi sau sẽ liệu.

Con thứ nhất và con thứ hai của ông chủ tịch. "Ông thông cảm. Chẳng còn cách nào khác. Xong việc tôi sẽ mang toàn bộ số tiền bán hai con chó đặt vào khe cửa nhà ông". Con thứ ba của chính ông bố đẻ ra hắn. Đối với hắn, xích sắt và khoá không là gì. Hắn mang đi con chó vàng "huyền đề" và để lại cửa buồng một bọc tiền. Ông bố vợ hắn biết chuyện sang chia buồn. Cả hai nhìn nhau lắc đầu, không biết nói thế nào về vụ trộm lạ đời. Nhà hắn có một con chó đen. Hắn tự bào chữa, mang chó nhà đi không phải là ăn trộm. Hắn sẽ cầm tiền về cho vợ. Tuy nhiên, quyết định rồi nhưng trong thâm tâm hắn vẫn có điều lấn cấn. Mấy tháng gần đây tình trạng an ninh ở vùng quê hắn không tốt lắm. Hắn bán chó, nhỡ chẳng may trộm mò vào nẫng sạch đồ đạc trong nhà thì biết tính sao? Mà hắn lại thường xuyên đi vắng. Nghĩ thế nhưng rồi hắn lại tặc lưỡi : "Cứ biết thế đã, ở đây lệnh cấm chỉ có tính chất tượng trưng, nay mai mua con khác". Vậy là đêm ấy, chính nhà hắn mất chó.

Còn hai ngày nữa mới hết Hội. Hắn phải kiếm bằng được con cuối cùng cho đủ số lượng giao kèo với bà chủ quán. Làng hết chó. Hắn đã nghĩ đến chuyện sang sông vào làng Trụ hỏi mua. Tình cờ chiều ấy, từ xóm Trại về, hắn nghe ngoài đê có tiếng chó sủa. Đó là nhà bà Tảo goá chồng, ngôi nhà duy nhất ngoài bãi mà hắn chưa mò đến. Bà Tảo khoảng sáu mươi, mắt kém, có con chó vện mới đẻ bốn con. Con chó mẹ tuy nuôi con nhưng khá béo và cái chính là rất khôn. Chung quanh nhà có vườn chuối tây tốt như rừng. Đêm ấy, hắn huýt sáo nhẹ rồi vứt miếng mồi có tẩm "ma dược" vào góc vườn. Con chó khịt mũi đánh hơi nhưng nhất định không ra. Hắn chờ đến nửa tiếng, con Vện vẫn đứng nép vào gốc chuối, cảnh giác, thỉnh thoảng lại rít lên khe khẽ. Nóng ruột, hắn xoa thuốc làm mất hơi người vào mặt và chân tay rồi lách cổng chui vào ném miếng bả thứ hai. Con vật hình như chưa hoàn toàn tê liệt mọi giác quan. Cặp mắt nó mở trừng trừng, lóng lánh như mắt ma. Hắn biết trong nhà chỉ có một người đàn bà. Điều đó làm hắn thêm vững tâm. Lúc này con chó vừa nhìn xoáy vào hắn vừa lấy hai chân cào cào xuống đất rồi bỗng quay đầu chạy vào vườn chuối. Đêm cuối thu. Trời tối sẫm. Mưa phùn lất phất. Hắn cảm thấy lạnh và thất vọng. Bỗng hắn nghe tiếng chó con gọi mẹ khe khẽ. Hắn áp tai vào đầu nhà và bất ngờ phát hiện ra đàn chó ở trong gian bếp nhỏ, cửa không khoá, nằm đối đầu với ngôi nhà chính. Thế là hắn lẻn vào bếp lần đến ổ chó, bắt hai con, mỗi tay cầm một con. Quả nhiên, hắn vừa ra đến cổng, con chó mẹ xuất hiện. Nó rên ư ử, nhe răng lao vào hắn. Hắn nhanh tay vứt miếng mồi thứ ba trúng mõm con Vện. Nó vội lùi lại nhưng "ma dược" đã làm nó mất mọi phản ứng. Hắn quẳng lũ chó con vào vườn chuối, rút thòng lọng tròng vào cổ con chó mẹ…

Sáng hôm sau, đúng vào ngày cuối cùng của mùa Hội, hắn đạp xe vượt chặng đường mười bảy cây số đến thị trấn Đông Ký. Bà chủ quán đang sốt ruột, thấy hắn, mắt sáng lên :

- Hôm nay chú không đến thì tôi sập tiệm. Vừa mới có một đoàn khách của huyện đặt mười lăm suất mà chưa biết trông vào đâu.

Hắn đỡ chén nước nóng, uống một ngụm rồi bắt đầu mở cửa lồng. Con chó bị trói hai chân trước quặt ra đằng sau, nằm bẹp một góc. Bị quăng xuống đất, nó giãy giụa quằn quại, nhớt dãi chảy lòng thòng, một bên mõm dính đầy cát. Hắn không dám nhìn vào mắt nó nhưng linh tính báo cho hắn biết có chuyện chẳng lành. Con chó thở hồng hộc và bỗng nhiên tru lên một hồi dài thê thảm như tiếng loài sói bị thương hú gọi đàn. Tiếng hú âm âm, ghê rợn làm bà Béo phát hoảng, chắp hai tay vái lấy vái để lên bàn thờ thổ công. Hắn cười gằn, vớ cây gậy ở gầm bàn vụt vô tội vạ. Nhưng có lẽ do tâm thần bắt đầu hoảng loạn nên hắn toàn đập trượt. Con chó cố sức vùng vẫy giựt tung được dây trói, nép vào góc tường tránh đòn. Hắn quết định trừng phạt đến cùng con chó láo lếu, bèn cầm gậy bằng cả hai tay vung lên quá đầu. Trong khoảnh khắc, con chó ngẩng lên, hai cánh mũi phập phồng, run run. Từ cặp mắt của nó lăn ra những giọt trong suốt như thuỷ tinh . Lần đầu tiên nhìn thấy sự lạ, hắn tái mặt, quăng gậy, lùi dần về phía sau. Được tự do, con chó lưỡng lự vài giây rồi mới cúp đuôi chạy thẳng ra đường.

Hắn ngồi xệp xuống, mắt trợn ngược toàn lòng trắng. Mọi phản xạ lúc này có vẻ không theo quy luật thông thường nữa. Hắn tựa như kẻ mất hết khả năng suy nghĩ mà lần mò trong thế giới vô thức. Và rồi, chẳng biết thứ ma quỷ nào ốp vào, thốt nhiên, hắn bỏ quán bà Béo, bỏ cả xe đạp với chiếc lồng sắt chạy bổ ra đường đuổi theo con chó khốn khổ. Đầu hắn lao về phía trước, hai tay chới với, miệng sùi bọt, gào lên:

- Gâu! Gâu!

./.
 


bút
việt
hồn
quê

ĐẶNG VĂN SINH

Sinh ngày 16 tháng 01 năm 1948 tại thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nguyên là giáo viên giảng dạy môn ngữ văn phổ thông trung học. Hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trưởng ban Văn Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương.

Tác phẩm đã xuất bản

Tập truyện :

  • Khúc Trương Chi

  • Nước mắt của biển

  • Ảo ảnh

  • Đêm trăng Tả Giàng

  • Rừng Ken Chải

  • Tiểu thuyết:

  • Người đàn bà trong lửa

  • Ga tàu

  • Hoa mận dại

  • Thanh kiếm Phù Tang

  • Ký ức làng Cùa (chưa xuất bản)

  • Địa chỉ : Khu dân cư 3, thị trấn BếnTắm, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương

    Điện thoại : 0320887031
    DĐ : 0982480820
    Email : dangvansinh1948@yahoo.com.vn

     

    LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

    Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
    Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
    PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.