.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

 Diệu Trân


Vầng trăng quê hương

     

 

      Hè năm nay, nắng đến sớm nên hồ sen của chủ nhân Thảo-gia-trang cũng vươn lá, kết hoa khi mùa an-cư-kiết-hạ bắt đầu. Một vài người từng có dịp ghé qua, đã hỏi “ Sao lại Thảo-gia-trang? Nơi đây đâu phải chỉ có cỏ mà còn mai, lan, cúc, trúc, mận, đào, chanh, quýt …” Chủ nhân nhỏ nhẹ thưa rằng “Vâng, vườn tại hạ không chỉ có cỏ nhưng thiển nghĩ, nơi nào có đất, nơi đó tất có cỏ, mà có đất, không tất có mai lan cúc trúc. Cỏ với đất như núi với sông, như cây với rừng …. Tĩnh tâm một chút ta còn có thể nói, như có với không, như chân với vọng, nên có vườn cỏ là hàm có vạn hữu. Tại hạ đặt tên vườn nhà như thế chỉ do từ lòng tham mà thôi!”

      Chiều nay, chủ nhân Thảo-gia-trang lăng xăng xếp dọn ngoài lều trúc để đón tiếp Nguyễn-tiên-sinh. Ghế mây đặt ngay ngắn, bình trà đã sẵn sàng, những đóa sen hé nhụy từ sáng, ngạt ngào hương. Khách đứng trước thềm, còn bận rũ những cánh lan tím vương trên áo nhật bình thì chủ nhân đã mở cửa, cung kính vái chào:

      - Kính bạch Nguyễn-tiên-sinh, tiểu muội vô cùng hân hạnh.

      Khách chắp tay đáp lễ, môi điểm nụ cười hòa ái:

      - Chúng ta là huynh muội lâu năm, đừng khách sáo quá như thế!

      - Đa tạ đại huynh cho phép, tiểu muội xin mời.

      Vừa nói, chủ nhân Thảo-gia-trang vừa cúi mình, đứng qua một bên.

      Nắng ngoài vườn bỗng rực rỡ như cùng chủ nhân tiếp khách quý.

      - Thơm quá! Như sen từ Tịnh-tâm-hồ. Cám ơn muội đã có nhã ý chia xẻ hương thanh quý này.

      Quả đó là nhã ý của chủ nhân, hương ngọc tinh khiết lưu ly này ai biết trân quý hơn Nguyễn-tiên-sinh, người từ hơn hai thập niên ẩn tu nơi tịnh cốc, chỉ hoằng pháp bằng trí tuệ qua kinh dịch, thi phú. Lâu lâu, hội đủ duyên, người rời am như thiền-sư thõng tay vào chợ. Duyên hôm nay cũng vậy chăng?

      Khi chủ, khách an tọa, Nguyễn-tiên-sinh trao cho Trần-nương, chủ nhân Thảo-gia-trang, một gói nhỏ, cột sợi giây lụa mầu lam ngọc:

      - Quà của muội.

      Trần-nương đỡ bằng hai tay, nét hân hoan không dấu được qua ánh mắt:

      - Đa tạ đại huynh, cho phép tiểu muội mở ngay nhé!

      Có lẽ đã biết rõ tâm tánh cô em kết nghĩa này, Nguyễn-tiên-sinh tự tay rót trà khi Trần-nương hấp tấp gỡ sợi giây lụa mềm. Cô reo lên:

      - “Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng”, thầy Tuệ Sỹ viết! Thật là thần giao cách cảm, tiểu muội đang đi tìm cuốn này mà đến đâu cũng được trả lời là không có, hoặc hết rồi!

      Nguyễn-tiên-sinh trao một tách trà cho Trần-nương và nói:

      - Ta cùng nâng tách nhé!

      - Vâng, chung này dâng thầy Tuệ Sỹ, chung này đãi Tô Đông Pha.

      Buổi thưởng ngoạn hoa sen đã tình cờ lồng vào những áng thơ trác tuyệt của hai thi nhân, lộng trong nắng gió phong thái hào sảng muôn đời của thơ nhạc.

      - Đại huynh đã đọc rồi chứ?

      - Đã. Không chỉ một lần, bởi những gì thầy Tuệ Sỹ viết không phơi phới cho người mua vui. Muốn nhận được tinh hoa tuyệt luân ẩn dụ sau chữ nghĩa đó không thể chỉ đọc bằng nhục nhãn mà phải bằng tuệ nhãn.

      - Đa tạ đại huynh đã từng chỉ dạy tiểu muội như thế nên khi đọc những tập thơ của thầy Tuệ Sỹ mà đại huynh gửi cho, tiểu muội may mắn thấy thấp thoáng bóng hình thầy. Cuốn Tô Đông Pha này …

      - Muội sẽ lại có dịp thấp thoáng thấy thầy nữa vì huynh nghĩ, thầy Tuệ Sỹ viết về Tô Đông Pha không phải chỉ vì thơ mà còn vì những cảnh huống trùng hợp. Đồng cảnh thì dễ cảm thông thôi.

      - Chẳng hạn như …

      - Như Tô Đông Pha cũng bị án tử hình, tuy lý do có khác. Thi sỹ bị ganh ghét, bọn nịnh thần dựng nên vụ án “bài xích Tiên-đế” để khép tội thi sỹ. Tất nhiên, ông giãi bầy tâm sự bằng thi ca. Ông viết:

      Bất ngộ tục duyên tại

      Thất thân đạp nguy cơ

nghĩa là, chưa tỏ ngộ đạo lý, tục duyên còn nặng; để cho sa chân vào bước nguy cơ(+)

      -Thưa đại-huynh, hai câu đó, hay thì có hay nhưng ý thì bi lụy qúa. Thầy Tuệ Sỹ cũng có hai câu diễn tả đúng tâm trạng này khi thầy ngồi tù, tiểu muội xin dẫn:

Nhất triêu cước lạc huyền nhai hạ

Thỉ bả chân không đối tịch hồng(*)

Tiểu muội tạm dịch thế này:

Sẩy chân rơi xuống vực sâu.

Lấy Chân Không đối đêm thâu rực hồng

Thưa đại huynh, cũng cảnh tù đày, Tô Đông Pha khóc lóc than thở nhưng thầy Tuệ Sỹ thì quyết lấy trí tuệ, lấy đạo lý, lấy rốt ráo uyên nguyên là Chân Không mà đối lại với bạo quyền. Thưa huynh, có đúng thế không?

      Tách trà ngưng trên môi Nguyễn-tiên-sinh. Ngạc nhiên, tiên-sinh nhìn Trần-nương:

      - Mới thí dụ hai câu thơ, muội đã tìm ra câu đối chiếu, lại còn dịch ngay nữa. Muội đọc thơ thầy Tuệ Sỹ kỹ lắm rồi hả?

      - Thưa đại huynh, nghe lời huynh căn dặn là đọc thơ thầy không chỉ đọc một lần mà bắt được ý nên muội đã đọc … hơn một lần. Nhưng chữ nghĩa của thầy như núi cao vực sâu, muội lò dò từng bước, có thấy được bao nhiêu, xin huynh chỉ dẫn thêm.

      - Huynh gửi sách của thầy cho muội chính là để muội tự tìm đấy. Bây giờ, huynh nhớ thầy viết gì về Tô Đông Pha trong cuốn này thì chúng ta sẽ nói chuyện nhé. Muội nhận xét hai câu vừa rồi đúng đấy. Thi sỹ tuy than thở nhưng cũng biết do đâu mà sa vào vòng lao lý. Thi sỹ Tô Đông Pha viết thế này:

      Tự tiếu bình sinh vị khẩu mang

      Lão lai sự nghiệp chuyển hoang đường

Ý nói là, bình sinh, vì cái miệng mà mang họa; càng về già, sự nghiệp càng trở nên hoang đường(+) Đây là thời gian thi sỹ đang bị đày ở Hàng Châu.

      - Thưa đại huynh, trong trại giam ở SàiGòn năm 1979, thầy Tuệ Sỹ cũng trải lòng mình bằng thi ca. Thơ trong tù mà đẹp như non cao biển rộng. Chắc huynh cũng đã đọc những câu:

      Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỷ mị

      Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao

       Trưa dài lắm, ta luân hồi vô thủy

       Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao(*);

Hay thể hiện tâm từ bằng hạnh Bồ Tát:

      Yêu em dâng cả dáng chiều thu

      Em đốt tình yêu bằng hận thù

      Cháy đỏ mùa đông ta vẫn lạnh

      Giấc mơ không kín dãy song tù(*)

      Khi đọc những câu này, muội cảm thấy tự đáy lòng mình như có muôn ngàn phím tơ rung. Thầy Tuệ Sỹ muốn chúng ta nhìn thầy như một con người bình thường. Con người đó, khi bị hành hạ, bị tước đoạt tự do thì cũng “lảo đảo giữa tường cao” nhưng ánh sáng đạo pháp ngời sáng trong thân tứ đại nên dù “trưa dài lắm, ta luân hồi vô thủy”“đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao” Đó là năm thầy khoảng bốn mươi tuổi.

- Nói đến tuổi thì huynh nhớ, năm Tô Đông Pha bốn mươi cũng có viết một câu thế này: “Vị ưng hồi thủ yểm lung tù” nghĩa là, chưa dám quay đầu lại vì còn sợ bị tù đày giam hãm (+).

      - Ấy, thưa đại huynh, muội cũng vừa đọc được dăm bài thơ tù bằng Hán tự của thầy Tuệ Sỹ, đối chiếu với ý thơ của Tô Đông Pha thì khí khái thật khác hẳn. Muội xin trích dẫn:

      Trách lung do tự tại

      Tán bộ nhược nhàn du

      Tiếu thoại độc ảnh hưởng

      Không tiêu vĩnh nhật tù(*)

      Đọc được mấy câu này, muội ngưỡng phục quá nên đã vận dụng vốn chữ Hán nghèo nàn của mình mà dịch là:

      Nhà tù chật, khó giam lòng tự tại

      Khách nhàn du ta thả bộ thong dong

      Ta cười nói, mình ta nghe thanh thản

      Ngày tù dài trôi nhẹ tựa như không.

Thưa huynh, thi sỹ Tô Đông Pha dù mang tâm hồn phóng khoáng của thi nhân vẫn không thoát khỏi sự sợ hãi, không dám trực diện nghịch cảnh mà sống thực với bản chất mình. Thầy Tuệ Sỹ cũng là một thi sỹ chứ, và, vì thầy còn là một thiền-sư, một vị chân tu khả kính nên thầy đã mang tinh thần Bát Nhã mà đi, dù trên đường bằng phẳng đầy hoa thơm cỏ lạ hay trên hầm hố chông gai. Với tinh thần vô úy đó thì  không gian nào giam được tâm hồn bay bổng bao la; nên cũng cùng trạng huống mà thi sỹ Tô Đông Pha đau đớn, tự trói mình chặt hơn, ngột ngạt hơn, trong khi vị thiền-sư của chúng ta thanh thản nhàn du thả bộ trong phòng giam nên ngày tù tưởng dài mà trôi nhẹ như không.

      Nguyễn-tiên-sinh rót thêm trà vào tách của Trần-nương. Cô vội đỡ:

      - Thưa đại huynh, muội không dám vô phép. Xin để muội được tiếp huynh.

      - Tách trà này, huynh thưởng muội đấy. Vì sao, muội biết không? Vì lời vừa thốt “Vị thiền-sư của chúng ta”. Ấm áp quá! Thân thương quá! Thầy Tuệ Sỹ chính là vị thiền-sư của chúng ta.

      - Vâng, muội hiểu ý huynh muốn dạy rằng, chúng ta đây chẳng phải chỉ là huynh, là muội mà là những người Việt Nam còn mang trong lòng tình tự quê hương và đạo pháp.

      - Đúng thế, Thầy Tuệ Sỹ là hình ảnh dãy Trường Sơn sừng sững, là biểu tượng của sự im lặng hùng tráng, là bóng dáng từ bi của ngàn mắt ngàn tay, lắng nghe và yêu thương muôn người, muôn loài.

      - Đại huynh dạy chí phải. Trong suốt mười năm, từ khi toàn quê hương Việt Nam nhuộm đỏ tới khi thầy Tuệ Sỹ bị bắt và lãnh án tử hình, thầy đã thể hiện Bồ-Tát- hạnh, xả thân cứu giúp đồng bào hoạn nạn, an ủi dìu dắt tăng sinh, trợ duyên Phật tử khắp nơi khi đạo pháp bị chà đạp, phỉ báng. Muội biết được phần nào tấm lòng biển rộng của thầy khi đọc những câu:

       Mười năm đó anh quên mình sậy yếu

      Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương

      Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu

      Bản tình ca vô tận của Đông Phương

      Và ngày ấy anh trở về phố cũ

      Giữa con đường còn rợp khói tang thương

      Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ

      Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương(*)

Thưa huynh, thầy Tuệ Sỹ vào chùa từ thuở nhỏ, nhân dáng lúc nào cũng gầy gò mà trí tuệ luôn phát tiết tinh anh. Giữa sức mạnh bạo lực, thầy quên mình sậy yếu để nói thay, làm thay cho muôn triệu đồng bào nên trên con đường rợp khói tang thương đó, thầy vẫn giữ vững lòng băng thạch, tràn ngập chân tình như mưa lũ biên cương. Có những đoạn thơ thầy bộc lộ dung dị như thế. Ngay cả sau khi lãnh án tử hình, nằm trong nhà giam chờ chết, lòng Bồ Tát vẫn yêu người như chưa hề vơi; huynh nhớ câu này không:

      Lặng lẽ nằm im dưới đáy mồ

      Không trăng không sao mộng vẩn vơ

      Tại sao người chết, tình không chết?

      Quay mấy vòng đời, môi vẫn khô(*)

Thưa huynh, thơ Tô Đông Pha có bài nào thể hiện tình yêu bao la đó không ?

      - Muội gợi ý huynh mới nhớ bốn câu của Tô Đông Pha, cũng đồng cảnh nằm trong tù chờ án tử thi hành. Bốn câu này thi sỹ nhờ cai ngục chuyển cho bạn thân là Tử Do. Ý thơ đầy tuyệt vọng, than thở chứ không bát ngát bao dung như bốn câu muội vừa đọc của thầy Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha viết thế này:

      Thị xứ thanh sơn khả mai cốt

      Tha niên dạ vũ độc thương thần

      Dữ quán thế thế vi huynh đệ

      Hựu kết lai sinh vị liễu nhân

Ý là, nơi này non xanh có thể chôn xương được. Sang năm, mưa đêm chỉ riêng hồn mình lạnh lẽo. Ước nguyện cùng nhau đời đời làm anh em. Lại kết duyên nợ đời vĩnh viễn của văn chương” (+). Cái tình vị kỷ cá nhân này cũng thể hiện khá nhiều nơi thơ ông khi thị thiếp của ông là Triêu Vân mất năm nàng mới 34 tuổi và ông đã 61. Triêu Vân là người thiếp được Tô Đông Pha yêu quý nhất. Nàng thường hầu rượu ông rồi dạo phách nhịp, hát bài Từ của ông:

      Hoa thốn tàn hồng thanh hạnh tiểu

      Yến tử phi thời.

      Lục thủy nhân gia nhiễu

      Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu

      Thiên nhai hà xứ vô phương thảo

Ý nói, trên cành liễu, bông liễu đã kết trái, trên hạt của nó có những sợi lông như lông tơ. Ngọn gió muộn mùa thu thổi qua, bông liễu bay đi; ngoài kia, bông liễu tản mạn triền miên, tản mạn bay đi; ngoài kia, ven trời vạn nẻo, đâu không là cỏ non (+) Theo sách vở ghi lại, thường khi hát tới đây là Triêu Vân bật khóc vì liên tưởng mùa thu và mùa xuân, hai tuổi đời cách biệt nhưng nồng nàn trong cùng một tình thơ!

      - Thưa đại huynh, dẫn chứng đến đây thì chắc huynh cũng đồng ý rằng, ngoài thi tứ trác tuyệt của văn chương, cõi thơ thi sỹ Tô Đông Pha và cõi thơ Thiền-sư Tuệ Sỹ thật hoàn toàn khác biệt về ý tình. Đồng cảnh ngộ tù đày mà người thì oán hận, tuyệt vọng khóc than, người thì thanh thản an nhiên hỷ xả; Cũng trái tim rung động của thi nhân, người thì chỉ diễn cảm cho chính mình và cho những người mình yêu, những gì mình thích; người thì mượn tài hoa đó như phương tiện để tỏ bày lòng yêu dấu và xót thương hết thảy muôn loài muôn vật, yêu cả những kẻ đang tạo ác nghiệp. Yêu đó là tình yêu của vị sa-môn từng ngồi thiền định 49 ngày đêm dưới cội bồ-đề, hơn 2600 năm trước, khi bừng vỡ cửa ngục vô minh đã giam hãm con người mịt mù trong bóng tối!

      Nguyễn-tiên-sinh tủm tỉm cười. Trần-nương tiếp thêm nước vào bình, chợt nhìn Nguyễn-tiên-sinh, e ngại những lời nói hăng say quá của mình có thể phạm thượng chăng? Đoán biết ý cô em kết nghĩa, Nguyễn-tiên-sinh điềm đạm:

      - Muội nhận xét không sai đâu nhưng đừng quên rằng giữa đồng cảnh mà không đồng thân thế thì cảm nghĩ và hành xử có thể chẳng đồng, tất là chuyện thường thôi. Giữa thi sỹ -dù là đại thi sỹ- với thi sỹ thiền sư thì ý tình ẩn dụ trong thi ca phải khác chứ ! Nhưng chúng ta cũng có thể bắt gặp thấp thoáng đôi nét đồng điệu trong phút giây mà cả hai cùng chung nhịp thở của trái tim thi nhân diễm lệ. Muội nghe này, Tô Đông Pha viết như vầy có đẹp, có thơ không:

      Dĩ hỉ thiền tâm vô biệt ngữ

      Thượng hiềm thế phát hữu thi ban

Tâm thiền không lời nhưng đạo thơ có lời, cả hai cùng trong phương trời viễn mộng của ông, cả hai đưa đẩy nhau đến cùng tuyệt càn khôn trong bất động, trong vô ngôn cho đến khi:

      Tố diện thường hiềm phấn uyển

      Tẩy trang bất thốn tàng hồng

      Cao tình dĩ trục hiểu vân không

      Bất dữ lê hoa đồng mộng

là đến chỗ đơn sơ như cõi mộng ban đầu; ban đầu từ một gương mặt trong ngọc trắng ngà không son phấn, rã cánh hồng mà nụ vẫn còn tươi (+)

      - Đa tạ đại huynh đã đọc cho nghe những hàng châu ngọc đó của Tô Đông Pha khiến muội liên tưởng tới giòng nhạc dìu dặt mênh mang chở hồn thơ Tuệ Sỹ. Huynh nghe thử những câu này xem có thấy âm ba rợn sóng không nhé:

      Ai tóc trắng đìu hiu trên đỉnh tuyết

      Bước chập chờn heo hút giữa màn sương

      Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh

      Hồn tôi đâu, trong dấu tích hoang đường?(*)

Hay đoản khúc:

      Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

      Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao

      Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận

      Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao(*)

      - Hay lắm! Tuyệt vời lắm! Phải là thi-sỹ-thiền-sư mới vẽ được những bức tranh phấn lụa kỳ ảo đến thế, như câu thơ này nữa:

      Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng

      Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa

      Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng

      Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa(*)

      Chưa cần phân tích, đi tìm ẩn dụ gì, chỉ đọc lên thôi cũng hạnh phúc, cũng sung sướng quá, như bất ngờ trong gió thoảng làn hương lạ làm ta ngất ngây, phải không, muội?

      - Vâng, thưa đại huynh, trên thềm rêu, tình cờ thấy bông hoa dại nở ta còn dừng lại, ngắm nhìn, cám ơn hoa đã thầm lặng vì đời mà nở; huống chi, trước kho tàng vô tận của bao thi nhân đã cống hiến và chia xẻ từng tơ rung của phím đời chất ngất hào khí. Muội trân quý lắm, những hạt ngọc vô giá, mượn phương tiện từ-chương mà chia xẻ với thế nhân. Hôm nay, muội được phép huynh mà lạm bàn về hai thi nhân chỉ vì tác phẩm này thầy Tuệ Sỹ viết về thi sỹ Tô Đông Pha với lòng trân quý quá, mà hoàn cảnh lại nhiều điểm tương đồng. Mang tinh thần vô ngã, thầy Tuệ Sỹ khen người, tất tự quên mình. Nhưng, là người đọc, muội nhìn thấy ẩn sau cái vô ngã của thầy là Vầng Trăng Quê Hương.                                  

      -Vầng trăng quê hương? ý muội muốn nói gì?

      - Thưa đại huynh, những bài thơ của thầy Tuệ Sỹ mà muội may mắn được đọc, dù thơ khóc, thơ đau, thơ thiền hay ngay cả thơ chết, muội vẫn cảm nhận được bát ngát Từ-bi-tâm, Giác-ngộ-tâm, Hoan-hỉ-tâm, Bồ-đề-tâm, Sám-nguyện-tâm, Bất-thối-tâm, Tri-ân-tâm … Từ thơ Thầy, muội thấy ánh trăng tỏa ra qua Pháp Hoa, Bát Nhã, Kim Cang; qua vườn Yêm La tới Trúc Lâm, qua giòng sông Ni Liên Thuyền lên đỉnh núi Linh Thứu, qua thành thị đến thôn quê, qua bát cơm rau chia hạt muối mè, qua mồ hôi nước mắt rỏ trên từng tất đất Quê Hương. Thầy từng nhỏ nhẹ nói “Thầy có làm chi nhiều đâu !”. Vâng, Thầy không làm chi nhiều, Thầy chỉ ở lại với quê hương khi quê hương quằn quại thịt nát xương tan, như ngài Địa Tạng tình nguyện ở lại địa ngục độ cho hết thảy chúng sanh ma quỷ. Vâng, Thầy không làm chi nhiều, Thầy chỉ thể hiện Bi Trí Dũng để nói lời chân thật thay cho những người không thể, hoặc không dám nói, dù khi nói lên điều đó Thầy đã đổi được bản án tử hình vô lý và vô nghĩa. Đại huynh ơi, thầy Tuệ Sỹ không làm chi nhiều, Thầy chỉ không mang tâm sân hận những kẻ độc ác, ngay với bản thân Thầy. Thầy lặng lẽ nhưng uy nghiêm giáo hóa họ bằng tâm an nhiên tự tại ngay trên bờ vực thẳm tử sinh. Chính nơi ranh giới tử sinh đó, Thầy thể hiện hạnh vô úy làm rung chuyển đại địa, để từ Cửa Tử, thầy đã trở thành Bất Tử trong lòng muôn Phật tử, muôn triệu người Việt Nam khắp năm châu bốn biển, và ngay cả trong lòng những kẻ vô minh từng trói xiết Thầy bằng tam thược.

      - Muội cũng biết đó, Thầy nói không làm chi nhiều, Thầy chỉ đang tiếp tục vắt từng giọt máu trong thân hao gầy, trao truyền năng lượng trí tuệ tới tăng sinh khắp nơi bằng bất cứ phương tiện nào Thầy có được. Nhờ ơn Thầy mà bao tăng sinh vẫn còn được thọ nhận pháp thí ngay giữa thời mạt pháp. Kinh, sách, thơ, văn mà chúng ta có đây là do hằng đêm Thầy âm thầm tận dụng chút thì giờ ít ỏi còn lại để cặm cụi dịch, viết, nên trên thư kệ, chúng ta mới tiếp tục có thêm từng đài kinh dịch quý báu, từng dãy sách uyên thâm, hoàn thành từ mồ hôi, từ máu lệ của Thầy; và có lẽ Thầy còn lấy bớt cả dăm phút giây cần thiết của giấc ngủ ngắn ngủi để thả hồn lãng đãng với thi ca vì nơi trái tim từ bi bao la của Đại Sỹ còn kín đáo ẩn tàng trái tim thi sỹ giữa vũ trụ mênh mông thơ nhạc. Chính vì vậy, trong thế giới đó, thi ca của Thầy không chỉ diễm lệ mà còn ấm áp bao dung như muội đã đối chiếu với thế giới thi ca của thi sỹ Tô Đông Pha đó.

     

      Nắng điểm những đốm hoa trên vạt áo nhật bình bạc phếch, như bước thời gian lặng lẽ thoáng qua, để lại đôi nét chấm phá trên mái tóc sương phong

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn.

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về (*)

      Quán trọ nào ngăn được nẻo về nên khách lữ vẫn thênh thang đạo lộ, như vầng trăng chưa từng khuyết trên trời Quê Hương.

 

Diệu Trân
Tháng 7 Mùa sen, 2005

(*) Thơ Tuệ Sỹ.
(+) Thơ Tô Đông Pha, lời diễn giải Tuệ Sỹ.


 

DIỆU TRÂN

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
BỞI NHÀ XUẤT BẢN GIÓ ĐÔNG


Vô Tự Thị Chân Kinh


Đường thiên lý
A thousand-mile road
Une route interminable
 


Tâm Hương Tải Đạo

Website Gió Đông

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.