Phàm, ai lên đường cũng mang theo hành trang,
nhiều hay ít, nặng hay nhẹ là do quan niệm về nhu cầu và mục
đích chuyến đi.
Khi gã đến bái biệt Thầy, lòng chợt rưng rưng
khi chạm vào ánh mắt đầy xót thương. Chẳng lẽ chưa phải là
lúc gã lên đường hay sao? Chẳng lẽ Thầy chưa thấy hết những
quằn quại thôi thúc trong gã bấy lâu ư?
Tuy thế, giây phút tạm biệt không sầu bi như gã
tưởng. Vẫn với giọng nói nhỏ nhẹ, điềm đạm cố hữu, Thầy ôn
tồn bảo:
- Chỉ mang theo một chữ, chữ “NHẪN”. Bất cứ nơi
đâu, thế nào, cũng chỉ hành xử bằng chữ nhẫn mà thôi. Khi
nào cảm thấy cần Thầy thì hãy nhớ rằng Thầy luôn ở bên con.
Gã cung kính lạy Thầy ba lạy.
Gã lên đường với hành trang là chữ “NHẪN” và ánh
mắt xót thương của Thầy.
Hai đầu quang gánh không đồng đều nên bước chân
gã ngả nghiêng như người say rượu. Thầy trao chữ “Nhẫn” nên
gã đặt chữ nhẫn ở quang gánh trước, và ánh mắt xót thương
của Thầy ở quang gánh sau. Với gã, chữ nhẫn còn nhẹ tênh mà
ánh mắt Thầy thì nặng qúa! Chẳng phải gã đã từng nói:
- Thầy ơi, con biết chắc là con đã từng được
đảnh lễ Thầy từ kiếp trước, hay từ vô lượng kiếp trước không
chừng.
Thầy đã không cười vì câu nói mùi riệu, sắp
xuống sáu câu này, mà chỉ hiền từ bảo:
- Thế ư?
Thực tâm, gã luôn nghĩ về Thầy như vị
Thầy-Bổn-Sư, Thầy-Y-Chỉ, vì những gì Thầy nói mà gã đã được
nghe, những gì Thầy viết mà gã đã được đọc, những gì Thầy
làm mà gã đã được thấy …. Hết thảy đều là kim chỉ nam cho
gã. Ấy thế mà, vì những chướng duyên kiếp này, gã chưa từng
được Thầy nhận làm đệ tử, dù gã vẫn cảm nhận được là “Thầy
luôn ở bên con”
“Thầy luôn ở bên con”.
Điều này không đủ, chưa đủ, đối với gã.
Nhất là trong
lúc này.
Lặng lẽ ngồi thiền trong bóng đêm, gã đã quán chiếu tên bay,
đạn nổ tứ phía và thấy rõ rằng chỉ cần nhận diện những đối
tượng là hiển lộ ngay thực chất. Chỉ nhận diện thôi, chưa
cần, và sẽ không bao giờ cần suy luận gì, cũng thấy ngay.
Những đối tượng đang hung hãn ném bùn và những đối tượng
đang an nhiên trước đất bùn.
Nhận diện thế thôi cũng đủ mang đến cho nhân gian một nụ
cười tội nghiệp!
Cũng trong bóng đêm, gã từng nhìn thấy dáng những cây tùng,
cây bách thẳng tắp, vút cao, sừng sững nhưng lặng thinh trên
triền dốc núi. Hãy mưa đi. Hãy gió đi. Hãy giông bão đi. Rồi
mưa nào không dứt. Gió nào không im. Giông bão nào không
qua. Còn lại, vẫn là vạn hữu bao la muôn thuở, và con chim
én sẽ về, đậu trên ngọn tùng chót vót sương mai để báo hiệu
mùa Xuân đang tới.
Gã từng mỉm cười trong đêm khi nhớ tới giai thoại
Thiện-Tài đến gặp Tự-Tại-Chủ. Khi đó, Tự-Tại-Chủ còn là một
chú bé, đang ngồi vọc cát chơi trên bãi biển, nhưng vì đã
được giới thiệu trước nên Thiện-Tài biết đây là một bậc
Thánh-giả, rất tinh thông toán pháp vì đã được học toán với
Ngài Văn Thù Sư Lợi. Tự-Tại-Chủ nói với Thiện-Tài rằng:
- Bằng phép toán của Bồ Tát, tôi có thể dễ dàng
tính đếm được số cát trên các bãi biển, có thể đo lường dài
ngắn khắp mười phương thế giới, có thể lượng định lớn nhỏ
mọi vật thế gian.
Một bậc Thánh-giả nói lên điều đó với người đi
cầu đạo để làm gì? Chắc chắn không phải để khoe sở học, vì
phàm những gì không thực có, mới khoe. Vậy, hẳn là
Tự-Tại-Chủ muốn đem những hình thái cụ thể để chỉ dạy Thiện
Tài những ý niệm về tâm. “Với những tâm nhỏ hẹp thì căn nhà
chúng đang ngụ cũng là thế giới mênh mông; trong khi, với
những đại-bi-tâm thì cả vũ trụ chẳng lớn hơn hạt cải!”
Lớn nhỏ, rộng hẹp, nông sâu, chỉ là những khái niệm
tương đối trước Bồ-Đề-Tâm, vì trái tim vô giới hạn đó sẽ an
nhiên thâu nhiếp tất cả ân oán, xấu đẹp. Ân để đền trả, oán
để giải trừ, xấu để nhiếp độ, đẹp để khuyến tấn …..
Rủi thay, gã chưa được là tiểu đồng theo chân
Thiện-Tài đi cầu đạo nên chưa phát nổi Bồ-Đề-Tâm. Gã tự an
ủi rằng, Thường-Đề Bồ Tát là vị đã tu tập tinh thông, nhuần
nhuyễn Ba-la-mật, nhưng khi chứng kiến những oan khổ thế
gian, đôi mắt Ngài đã thường đẫm lệ! Vậy thì, gã có khóc
trước tâm địa độc ác của thế nhân cũng chưa phải là điều
đáng trách. Có chăng là tự trách đã để bi lụy trở thành oán
hận.
Khi nhận ra điều này gã mới thực sự hốt hoảng!
Dù Thầy không có mặt nơi đây, gã vẫn quỳ xuống,
sám hối cùng Thầy vì những lời Thầy dạy, gã chẳng thực hành
được là bao! Gã không từ-bi và nhẫn nhục đủ, để nối bài học
Ba-La-Mật thành chuỗi, như Thầy thường dẫn chứng trong
Kim-Cang-Bát-Nhã-Ba-La-Mật Kinh-Luận, là tất cả các
Ba-La-Mật đều được hiển thị bằng yếu tính của
Bố-thí-ba-la-mật: “Với sự bố thí về tài sản mà
Bố-thí-ba-la-mật được thành tựu. Với sự bố thí về vô-úy mà
Giới-ba-la-mật và Nhẫn-ba-la-mật được thành tựu. Với sự bố
thí về pháp mà Tinh-tấn-ba-la-mật, Định-ba-la-mật và
Tuệ-ba-la-mật được thành tựu” (*)
Nếu nghiêm túc thực hành được bài học này, gã đã
không để bi lụy trở thành oán hận.
Bây giờ, oán hận đã thành hình, gã không thể chỉ
ngồi khóc trước khổ nhục, không thể chỉ ngồi chiêm ngưỡng
những thân tùng, thân bách sừng sững thinh lặng trước bão
giông. Gã phải lên đường, men theo triền dốc mà đi, dẫu có
thịt nát xương tan cũng chỉ là đem hạt cát này hòa vào đại
dương để mong có ngày cùng được trôi ra biển lớn. Phải lên
tận đỉnh núi kia, ngửa mặt, giang tay, trực diện giông bão
đó, thay vì, mãi tự lừa dối mình trong căn nhà không ngừng
bị lửa phiền não vây đốt!
Tự lừa dối như thế thì “Phật-thừa không
hơn một tiếng nói suông của kẻ mê sảng trong giấc ngủ ngày.
Hạt giống Bồ-Đề không được gieo vào một cánh đồng trừu tượng
nào xa xôi, cũng không chờ đợi để được gieo vào một vùng đất
hứa thần thoại nào khác, mà nó được gieo xuống ngay trên sa
mạc sinh tử này, khô cằn với những đau khổ triền miên của
chúng sanh này”(*)
Bằng những lời dạy đó, gã đã lên đường, bước vào
giữa cuồng phong của tâm địa nhân gian với gánh hành trang,
một đầu là chữ “Nhẫn”, đầu kia là ánh mắt xót thương của
Thầy. Ánh mắt đó, theo mỗi bước chân, lại chuyển dần
xót-thương thành từ-ái.
Cứ thế, trên đường lên núi, hai đầu gánh cân
bằng dần, khiến bước chân gã không còn ngả nghiêng, xiêu
vẹo…
Tới đỉnh núi, trời đã về chiều. Đặt gánh hành
trang xuống, gã kinh ngạc không thấy đâu là chữ “Nhẫn”, đâu
là ánh mắt Thầy.
Cả hai đầu gánh chỉ thấy la đà những áng mây bay
…
Diệu Trân
(Như-Thị-Am, trung tuần tháng tám 2007
-----------------
(*) Thắng- Man Giảng Luận – Thích Tuệ Sỹ |