.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân - Linh Linh Ngọc | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

 

  Lâm Kim Loan


Thùng thùng cắc cắc…

  • Tháng Năm 2007

Thùng thùng cắc cắc thùng thùng,
Thùng thùng cắc cắc thùng thùng….”

Bà Đại tới rồi, bà Đại tới rồi!!! Mọi người ở thị xã Rạch Giá từ sau Tết đến giờ, ai ai cũng biết bà Đại. Đặc biệt một điều là, già trẻ, lớn nhỏ, trai gái trong thị xã, đều có cùng một cách xưng hô khi gọi hoặc nói đến nhân vật nầy: Bà Đại.

Mồng Hai Tết. Đoàn múa lân trước rạp cải lương Đồng Thinh đang tưng bừng chào đón Tết. Con lân đỏ trông thật oai vệ với hai mắt to, sáng quắc, lông mày và râu bạc hếu. Thân và đuôi dài uốn lượn nhanh nhẹn tài tình, trông thật đẹp mắt. Lân già mà bốn chân chuyển nhanh thoăn thoắt. Nó nhảy qua nhảy lại, khi chồm lên cao, khi trụ xuống thật thấp. Mấy trăm người đứng xem, chen chật ních chung quanh. Những cái đầu đồng lượt quay về bên trái, bên phải đều trân như những hình nộm sống động. Đoàn trống và chập chả vang rền nhanh chậm từng hồi tạo nên những âm thanh đầy không khí Tết rất vui tai. Họ mặc đồng phục võ màu đen, thắt lưng đỏ. Thêm ông Địa, nhân vật không thể thiếu trong các đoàn múa lân vào các dịp lễ hội lớn. Ông Địa người thấp nhỏ, đầu trọc, miệng cười toe toét, hai gò má đỏ hồng, áo lợt màu da trời, bụng chồm ra trước được giữ lại bằng một thắt lưng lụa màu xanh đậm. Một tay ông vỗ vỗ vào bụng, một tay cầm quạt phe phẩy. Ông Địa quạt cho lân, rồi quạt cho mấy đứa con nít mặt mày hí hửng, đang quơ quơ tay về phía lân, phía ông Địa. Bỗng từ đám đông khán giả, một người đàn bà trạc tuổi ba mươi, tóc dài cột túm sau ót, áo bà ba trắng ngã màu, quần satin đen cũ kỷ, đi chân đất. Bà sấn vào đám múa lân, miệng bắt chước âm thanh “ thùng thùng cắc cắc thùng thùng” của đoàn trống, chân nhảy lưng tưng trước mặt ông Địa. Hàm trên thiếu chiếc răng cửa, bà chành miệng cười rất tự nhiên như một diễn viên hài hước lâu năm trong nghề. Mọi người đều cười rộ lên thích thú, vỗ tay cổ võ, thêm đôi ba tiếng huýt gió phát ra từ đám đông. Những người đứng hàng sau cố chen tới trước. Có vài tiếng chưởi thề phát lên. Người đàn bà nhảy theo lân, hai chân cũng bắt chước xuống tấn nhưng loạng choạng như say rượu. Rồi xoay người qua đoàn trống, hai tay bà ra dấu đánh trống, miệng vẫn lập lại tới lui “cắc cắc thùng thùng”. Ai đó trong đám người đang bu xem múa lân quăng cho bà cây quạt. Thế là đoàn lân năm nay có cả ông Địa và bà Địa. Đó là lần đầu tiên bà Đại trình làng với người dân trong vùng đất đông dân cư và sầm uất nầy. Một người đàn bà lạ, không bình thường cho lắm, cách trình diện rất đặc biệt, lại xảy ra vào dịp Tết, là thời gian người người vui vẻ đón mừng năm mới, rất khó ai có thể từ chối việc bà Đại đến tạm trú vùng đất ruộng cò bay thẳng cánh, cá nhảy xoay xoáy sông sâu nầy, dù người đó có khó tính đến đâu.

Rạch Giá được chia thành ba vùng bởi hai con sông, đổ vào biển ở Vịnh Rạch Giá. Nước vào ra theo thủy triều lúc cạn lúc dâng, khi mặn khi ngọt. Xóm Nhà Máy Cháy từ cổng Tam Quan đến cầu Đúc. Xóm Chợ nằm giữa hai con sông. Xóm Nhà Thờ cách xóm Chợ bằng cái cầu Quây cũ kỷ nhưng chắc chắn, được xây từ thời Pháp thuộc. Dân Rạch Giá đa số sống trên đất liền, buôn bán hoặc làm ruộng. Trên sông, trên biển cũng có nhiều gia đình nối nghiệp từ đời ông cố ông sơ. Đánh cá, chài lưới, chở hàng bằng đường thủy  hoặc chỉ bán hàng rong trên những chiếc ghe tam bản, xuồng ba lá. Khá giả hơn là ghe bầu hoặc xuồng có gắn máy đuôi tôm. Dân Rạch Giá, cũng như dân các tỉnh miền Tây lân cận: hiền hòa và hiếu khách rất mực.

Mồng Ba Tết, chợ bắt đầu nhóm. Sáng sớm đã có bà “Địa” lẩn quẩn đi tới đi lui trong chợ. Mỗi khi được hỏi tên, bà trả lời : “tui tên Đại, vĩ đại như vầy nè”. Vừa trả lời bà vừa đưa hai tay lên cao như ông Cha làm Lễ trong nhà thờ Cứu Thế mỗi sáng Chủ Nhật. Được hỏi  từ đâu tới, bà trả lời như đọc vè: 

- Tui từ đất nẻ chui lên, từ trời rớt xuống, từ biển tấp vô, từ sông trôi tới

Vậy là huề! Không ai biết gốc gác của bà... Chỉ có một điều bà có vẻ hiền lành, nên các chị em bạn hàng ở  chợ cũng không cảm thấy sợ bà điên nầy. Các dì hàng bún cơm chè xôi, rất thân thiện.  Người múc cho bà tô cháo gà, thêm nhúm hành, chút gừng, rắc thêm chút tiêu thơm lừng. Người tặng ly nước đá đậu xanh, chế thêm sirô đỏ, trông rất bắt mắt. Ăn xong, uống xong, bà Đại tỉnh bơ tiến tới thau nước rửa ly chén. Bà rửa luôn đống ly, chồng dĩa cho các bạn hàng. Thế nên không bao lâu, bà biến thành gương mặt thân thiện trong xóm Chợ. Bà giúp công việc lặt vặt nhiều hơn ăn.

 Người ta cho tiền để trả công bà, bà lắc đầu lia lịa :

-         Để chi?

-         Làm thì phải được trả công chớ!

-          Chơi mà! Rồi bà bỏ đi một nước.

 Buổi trưa, người ta thường thấy bà đẩy phụ xe nước của ông Mười Móm, mặt mũi đầy mồ hôi. Có người hỏi chọc ghẹo:

-         Bộ bà thích ông Mười lắm sao mà làm lấy công dữ vậy?

-    Chơi mà. Bà Đại vừa nghiêng nghiêng cái đầu ngoáy lại vừa trả lời.

Gẫm lại, đời sống cũng giống một cuộc chơi, chỉ khác nhau về nội dung, hình thức và tinh thần của những người nhập cuộc. Chơi đẹp, chơi ngon, chơi hay, chơi khăm, chơi trội, chơi xấu, chơi xỏ, hay chơi hết chỗ nói… Kiểu “chơi” của bà Đại không làm phiền ai mà còn có lợi cho người trong cuộc là đàng khác. Nhờ vậy mà ai cũng thương, cũng thích bà. Chỉ có mấy đứa nhỏ trong xóm hay chọc phá nhân vật này. Có đứa gọi bà là bà Đại điên, đứa gọi bà Đại khùng. Đứa lấy đá chọi vào bà, chọc bà rượt cả đám ù chạy, vừa chạy vừa hò hét, vừa sợ vừa thích thú… Bà cũng không vừa, chưởi lại bằng những lời không được thanh tao, thứ chữ nghĩa đủ để các cô con gái nhà lành đỏ mặt, để các bà hiểu đời tủm tỉm cười, các ông có máu tếu khoái chí nhắc đi nhắc lại trong các buổi chén tạc chén thù hỉ hả. Bà chỉ dữ lên khi bị mấy đứa nhỏ chọc riết quá. Không giống như mấy người điên khác, xé quần xé áo, tấn công mấy người thân và hàng xóm. Những người điên nầy bị nhốt ở nhà thương lớn, sau cánh song sắt đen. Họ nói lảm nhảm liền miệng. Đập ầm ầm vào vách phòng giam. Nhìn họ, giống như những con thú dữ bị nhốt biệt lập.

Buổi trưa tháng Ba trời bắt đầu oi bức. Bà Đại mặc áo dài đỏ, quần trắng, mang dép cao su Nhật Bản quai màu xanh dương đậm. Thêm cái nón lá, trông cũng xinh xắn, rất quê hương dân tộc. Không biết của ai cho, hoặc ai thảy ra bỏ mà bà lượm mặc. Ngày hôm sau, bà mặc áo  the đen dài tới gối, không mặc áo xú cheng, bộ ngực nhúng nhẩy theo nhịp đi nhanh chậm, bà đội khăn đóng trên đầu y hệt một đàn ông đầy quốc hồn quốc túy. Nếu không điên điên khùng khùng, chắc không ai dám mặc vậy đi tới lui trong chợ. Bà mặc thay đổi qua lại cả mấy tuần chỉ hai bộ đồ nầy. Có khi đi chân không, đầu trần. Vòng vòng xóm chợ cá, qua xóm trái cây. Tà áo dài bửa đỏ, bửa đen bay phất phới trông cũng hay hay. Dáng bà cao và gầy, thích hợp với áo dài, trông thanh tao hơn cả áo bà ba. Người trong chợ, trong phố nhìn bà cười cười, bà cũng cười cười lại. Có người khen, không biết vì muốn chọc bà hay khen thật:

-    Bà Đại ơi, bà mặc bộ đồ nầy coi đẹp lắm đó nghen.

 Nghe vậy, bà xoay vòng vòng cho hai tà áo dang rộng trong gió rồi lẩm bẩm :

-         Đẹp, tui đẹp, đồ đẹp lắm, tui đẹp lắm…

Bà Đại vui ra mặt, bà đưa tay vuốt vuốt mấy cọng tóc đang bay lòa xoà trên trán một cách rất là đàn bà. Dù quê hay chợ, già hay trẻ, giàu hay nghèo, phái nữ vẫn thích làm đẹp, làm dáng làm duyên theo phong cách riêng của họ. Điên cũng biết làm duyên theo cách của người điên.

Sáng nay bà Đại ngồi chồm hổm bó rau muống, rau dền cho dì ba Phì Lủ cũng với bộ đồ “cổ” đỏ rực màu hoa Phượng. Cổ áo cao, thân áo ôm tròn chiếc lưng thon. Dì Ba đưa mắt ngắm bà Đại một chặp, rồi chợt lên tiếng với mấy chị em bạn hàng cạnh bên:

-   Quốc phục của mình cũng đẹp quá chớ, lâu quá không ai mặc, tui cũng quên mất tiêu. Hay là để tui kêu con Thu nhà tui và chồng sắp cưới của nó mặc loại quốc phục nầy trong ngày cưới của tụi nó. May vải gấm xanh đỏ chắc nổi lắm à.

Tưởng nói chơi thôi, không ngờ dì Ba nói thiệt. Vợ chồng con Thu thằng Hải cũng làm thiệt luôn. Hôm cô dâu chú rể bước ra trình diện, ai cũng ồ lên và trầm trồ không ngớt lời khen. Nhất là lúc rước dâu. Cô dâu áo gấm đỏ, chú rễ áo dài khăn đóng đen đi song song, trước và sau là các cô cậu bưng mâm quảy cũng mặc áo lụa áo the, áo gấm vàng trông vô cùng đẹp mắt. Vậy là cái mốt cũ từ mấy chục năm về trước trở nên thịnh hành sau đám cưới của con dì ba Phì Lủ. Cả quận bàn tán, cả chợ có đề tài để nói. Các đám cưới sau đó, áo cưới cô dâu chú rễ, áo gấm thêu hoa, khăn đóng áo dài, ngày càng thêm thắt kiểu cọ hơn, màu sắc hơn để quay phim lại cho bà con coi cho đẹp, được phê bình tốt hơn. Và cứ thế, mốt Rạch Giá lan ra Rạch Sỏi, Tân Hiệp, Giòng Riềng, Hà Tiên…

 

Ở xóm Nhà Máy Cháy có chú Năm Tạng tánh nóng như Trương Phi, đánh vợ nổi tiếng. Lối xóm qua can không được riết rồi họ cũng phát chán. Bà Đại ngồi bó trầu thành bó giúp bà Hai Trầu. Vừa bó vừa đưa mắt nhìn chị Sáu Đẹt đang lui cui sứt muối lên đầu thiếm Tạng, vừa lầm bầm:

- Đàn ông, đàn bà, đàn ông, đàn bà

Bà Hai Trầu xoay người qua hỏi bà Đại:

- Bà lầm bầm gì đó Bà Đại?

- Đàn ông, đàn bà, đàn ông, đàn bà

Bà Hai Trầu thả một câu trỏng không:

- Đúng là đồ khùng!

Buổi chiều, bà Đại đi ngang nhà chú Năm. Chú Năm đang ngồi chòm hỏm xỉa răng hóng gió trước nhà. Mấy đứa con nít trong xóm đang bu quanh bà . Tụi nó cũng đồng thanh hát lên chọc bà:

-   Thùng thùng cắc cắc thùng thùng, có bà Đại khùng kìa tụi bây ơi!.

Lần nầy bà không rượt tụi nhỏ, bà cười cười và cất giọng hát một câu giọng cổ: “Ông Năm ơi! Bà Năm có tội tình chi mà ông đánh bả tới…u…đầu…” Mấy đứa nhỏ thấy bà Đại xuống hò. Chúng vỗ tay dòn rang. Mấy người lớn đang ngồi đứng gần đó cũng vỗ tay rân. Không phải vì họ muốn chọc quê ông Năm, mà vì thói quen, khi đào kép cải lương xuống hò là khán giả đều vỗ tay thật to để ủng hộ. Ông Năm mặt mày sượng ngắt bỏ đi te te vô nhà. Sau nầy, mỗi lần đi ngang nhà ông Năm, bà Đại cứ xuống câu hò đó, mấy đứa nhỏ quen thói cứ vổ tay lốp bốp. Không những chỉ vỗ tay, khi nghe bà Đại bắt đầu vô câu vọng cổ, tụi nhỏ thuộc lòng nên hùa theo hát, cả đám xuống hò một lượt, tự hát tự vỗ tay. Lúc trước ai khuyên can gì ông Năm cũng không nghe, vậy mà khoảng thời gian sau, thiếm Tạng đi chợ, thiếm tâm sự với xóm chợ là : “ Cở nầy tui hết bị ăn đòn rồi”.

 

Hôm nay, hai mươi bảy tháng tám âm lịch, ở Thị xã có đám cúng Đình thờ Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực. Ông Từ, ban trị sự  Đình và người trong làng đã lo dọn dẹp trang hoàng cho Đình tươm tất từ tuần nay. Mấy ngày trước, đi ngang qua Đình, người ta cũng thấy bà Đại giúp quét sân Đình, trông xôn xáo như một người cư dân bình thường đầy lòng tín ngưng. Đoàn Tế trong tư thế chờ Lễ. Dân trong thị xã đã tề tụ đông như kiến. Khi tiếng trống báo hiệu giờ khai lễ vang lên, những âm thanh lao nhao ồn ào bỗng im bặt. Mười hai người trong ban Tế với y phục gấm xanh, đầu đội mủ, chân mang hia, từng người bước ra, họ đi từng bước chậm dài,  vẹt ra thành hai hàng, mỗi hàng sáu người. Một người trong ban Tế là Chủ Tế đọc lời khấn nguyện. Tiếng ông lớn rổn rảng, thêm không khí trang nghiêm trong sảnh đường, càng tăng thêm vẻ linh thiêng của ngày Lễ Hội. Phần dâng lễ trái cây xôi rượu.. Kế đến là phần chúc văn. Đọc xong, chúc văn được trân trọng đốt dâng lên các đấng thiêng liêng.. Lời cầu như được theo nhang khói đưa đến tận thiên đình.

Xong phần nghi lễ, đến phiên người dân cúng vái. Mọi người lần lượt thỉnh nhang và van vái. Trong đám đông đó có bà Đại, tay cũng cầm nhang, miệng cũng rì rầm như giống hệt một người tỉnh táo đang cầu nguyện. Kế bên bà Đại, là thằng Quang con ông Sáu hảng nước mắm cá cơm. Thằng Quang lúc nhỏ khù khờ, chậm nói, càng lớn càng có vẻ ngô nghê. Mấy tuần nay người trong quận đồn rùm là thằng Quang bị khùng nhiều giống bà Đại. Có người miệng không được hiền nói rằng:  

- Ông Sáu “ăn mặn” nên thằng con “khát nước”.

Thời gian sau đó bà Đại có thêm thằng Quang làm bạn. Hai người, một sồn sồn, một trẻ, thường đứng trước tiệm bán băng cải lương tân nhạc Quê Hương ở gần chợ cá, nhảy múa theo những bài hát được phát ra khá lớn từ trong tiệm cho bà con qua lại thấy hay mua về nhà nghe. Khi bà Đại ra chợ làm tiếp cho các bạn hàng thì thằng Quang đứng gần đó chấp hai tay sau lưng lắc người qua lại, hoặc quơ hai cánh tay lên không rồi cười ha hả một mình. Bà Đại ăn hàng không bị tính tiền, vì bà Đại giúp bạn hàng việc nọ việc kia. Còn thằng Quang ăn hàng thì được ghi sổ nợ để ông bà Sáu trả tiền hoặc trả bằng nước mắm… Khi bà Đại không có gì làm thì bà đánh trống miệng “thùng thùng cắc cắc thùng thùng” và thằng Quang thì nhảy lưng tưng trông rất vui mắt. Có khi cả hai cùng nhảy, vui đùa hồn nhiên như thế giới chỉ có hai người. Không khí và tính nết của các bạn hàng trong chợ cũng có vẻ êm dịu hơn. Thỉnh thoảng bà Đại hát nguyên bài:

Thùng thùng cắc cắc thùng thùng,
Thùng thùng cắc cắc thùng thùng,
Tay nào anh nâng mặt ngọc
Tay nào tát đỏ má non
Chân nào chạy lủi vào em
Chân nào chạy theo con đỉ chó ngực gò đít vêu.
Hận anh ít, nhớ anh nhiều
Bạc tình lang hỡi bạc tình lang!!!
Thùng thùng cắc cắc thùng thùng,
Thùng thùng cắc cắc thùng thùng….”

Có người buột miệng hỏi:

- Chồng bà đâu rồi?

Bà chợt nổi giận thình lình:

- Đã nói nó bỏ tao chạy theo con đỉ ngựa kia rồi. Bộ điếc sao còn hỏi?

Nghe qua bài hát vè. Ai cũng đoán bà Đại đã có một thời xuân sắc với tình yêu lứa đôi vun vít. Và một thời đau khổ vì tình, héo hon vì tình phụ. Đau khổ đến hoá điên chăng? Chắc vậy! Đàn bà có một cuộc đời để cho, một thần tượng để tôn sùng. Họ sống bằng trái tim nhạy cảm. Tình cảm đối với họ được đặt lên hàng đầu. Danh vọng và tiền bạc lủi thủi theo sau trái tim đầy ắp tình yêu, chịu lép vế làm hàng thứ yếu, khác hẳn đàn ông. Do đó khi thần tượng sụp đổ, khi bị thần tượng chối từ, khi tình không xong là họ ngã quỵ, là hồn tan vía tán, là quay cuồng với bão tình, là khùng khùng điên điên, là giống như bà Đại?!

Chị Hai bánh khọt, người ít nói nhất trong mấy bạn hàng, một hôm tò mò hỏi bà Đại:

-    Vậy bà có đi tìm bạc tình lang của bà hông?

Đột nhiên bà Đại bật khóc như mưa, khóc hù hụ giữa chợ. Đâu cần phải trả lời. Khóc, chỉ khóc thôi, đã nói lên tất cả! Chị Hai rơm rớm nước mắt, chị có vẻ bối rối, hối hận vì câu hỏi đơn giản của mình lại tác dụng như một con dao chém vào vết thương còn toèn hoẹt của bà Đại. Chị chỉ muốn mở ra cái ray rức, dày vò riêng của chị. Hoàn cảnh bà Đại cũng na ná giống bi cảnh của chị mà thôi. May mà chị chưa bị khùng, bị cà tửng như bà Đại. Duyên phận đàn bà! Mấy người may, bao người rủi! Điều gì đem đến phước may cho người nầy, vận rủi cho người kia. Người được chồng giàu, chồng cưng, chồng đãi; người thì lấy chồng xong là đời tàn trong ngỏ hẹp, là biến thành đứa đầy tớ không công mà còn bị dập vùi. Rốt cuộc, người ta chỉ biết đổ thừa số phận, đổ thừa ông Trời, như một số kiếp được an bày riêng cho mỗi người khi được sanh ra. Sanh ra dưới một ngôi sao xấu hay ngôi sao sáng…

Lần khác bà lại hát nguyên bài vè cũ. Có người đùa dai hỏi tiếp:

- Đít vêu là đít làm sao?

Bà Đại đứng lên đưa cái mông cong về phía sau, lắc qua lắc lại giống như con vịt lắc mình cho khô sau khi lội từ ao lên bờ. Cả một khúm chợ cười ầm lên. Thằng Quang không biết có hiểu gì không, cũng ngước mặt cười khoái chí.

Từ mấy tháng nay, bà Đại rất “kết” dì ba Phì Lủ, nên bà có mặt thường trực ở sạp rau nầy hơn các nơi khác. Xế trưa ế hàng, bà Đại ngồi nhổ tóc ngứa cho dì Ba. Dì Ba có khi cũng thắt bím tóc cho bà Đại. Từ sau nhìn tới, ai cũng tưởng bà độ hai mươi với cái bím tóc đó. Dì Ba cũng soạn cho bà Đại mấy cái áo cũ. Bà Đại ốm hơn dì Ba rất nhiều, nên khi bà mặc mấy cái áo nầy, lòng thòng lễnh thểnh như hình nộm biết đi, trông ngồ ngộ. Chỉ gần một năm thôi, bà Đại, một người nửa điên nửa khờ, đã chiếm được cảm tình của nhiều người đầu trên xóm dưới, đặc biệt là các bạn hàng xóm Chợ. Nếu ai không có cảm tình lắm thì cũng chấp nhận bà Đại như một người dân địa phương quen thuộc. Cả chú năm Tạng, khi gặp bà Đại cũng chọc bà vài câu vô thưởng vô phạt. Chú Năm tánh nóng nhưng thật thà dễ dãi, bản tánh của dân quê miền Nam.

 

Hôm nay hai mươi tám Tết. Còn hai ngày nữa là qua năm mới. Chợ được họp sớm hơn và đông đảo hẳn lên. Người người chuẩn bị ăn Tết. Có điều, mấy ngày nay chợ như buồn hơn vì không ai thấy bóng dáng bà Đại đâu nữa. Bà đi đâu không ai biết. Bà đến đột ngột. Đi cũng đột ngột như đến. Khi đến ồn ào bao nhiêu thì khi đi lại âm thầm lặng lẽ bấy nhiêu, lặng lẽ mà đi! Vì sao bà đến nơi nầy? Lý do bà bỏ nơi nầy? Ai biết được người điên nghĩ gì? Ai biết được lý lẻ của người điên?

Thằng Quang đi tới đi lui lửng thửng một mình như con lạc mẹ, trông cô đơn đến tội nghiệp. Miệng nó lầm bầm điều gì không ai nghe được. Sáng nay sông động hơn vì có nhiều ghe đuôi tôm giao hàng và chở hàng tấp nập, tạo trăm ngàn đợt sóng lăn tăn. Thêm gió từ cửa biển thổi vào làm sóng dậy.  Gió đưa sóng vào bờ. Bờ trả sóng lại cho biển. Sóng đời sẽ đưa bà Đại về đâu? Về đâu!

Không biết người điên có biết nhớ hay không, chớ dì ba Phì Lũ có vẻ nhớ bà Đại rất nhiều . Mặt dì buồn hiu, hai tay bó rau mà mắt dì cứ dáo dát tìm kiếm hướng nầy hướng kia. Dì nhìn về hướng rạp Đồng Thinh, nơi bà Đại lần đầu xuất hiện, lần đầu tiên đến với thị xã nầy. Dì nhớ lại đám muá lân hồi đầu năm, nhớ ông Địa và nhớ nhất là bà Địa. Đột  nhiên dì Ba cất cao giọng:

- Thùng thùng cắc cắc thùng thùng,

Bà Hai Trầu nghe vậy, cũng tiếp hơi cho dì Ba Phì Lủ:

- Thùng thùng cắc cắc thùng thùng,

Thằng Quang mắt lơ láo nhìn bà Hai, nhìn dì Ba rồi bắt đầu nhảy múa vô tư, như bà Đại đang hiện diện qua làn sóng âm thanh đó. Nó bắt đầu nhảy lưng tưng, giống hệt lúc nó nhảy múa chung với bà Đại.

Thùng thùng cắc cắc thùng thùng,
thùng thùng cắc cắc thùng thùng…

Thằng Quang vẫn tiếp tục nhảy lưng tưng, lưng tưng một mình….

                                              

Tháng Năm 2007
Lâm Kim Loan

                                                                                             

LÂM KIM LOAN

Kim Loan hay Lâm Kim Loan, quê miền sông nước Kiên Giang - Rạch Giá.

Sinh viên trường Thuốc Sàigòn rồi Sydney, hiện là Bác sĩ y khoa tại Cabrammatta, nơi đông đảo đồng hương ở Sydney.

Tham gia nhiều sinh hoạt về Văn hóa, Xã hội, Từ thiện ... trong Cộng đồng Việt tại Úc châu.

Lâm Kim Loan làm thơ, viết văn như một nhu cầu trong đời sống tình cảm của mình.

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.