Chiến tranh Việt Nam đã tàn từ ngày 30
tháng 4 năm 1975. Nhưng tới nay, vết thương hình như chưa liền
miệng. Vẫn còn những hố sâu, từ đời sống thực tế đến đời
sống văn chương. Từ những vị trí khác nhau, chiến tranh
vừa qua được nhìn ngắm với những cảm quan khác nhau từ những đối
cực rõ nét.
Những người chiến thắng, dù có
người đã nhìn lại cuộc chiến tranh như Bảo Ninh, Dương Thu
Hương, … nhưng phần đông vẫn còn cái ý tưởng là đã tham dự một
cuộc chống xâm lăng để gìn giữ độc lập cho đất nước. Văn học
miền Nam thì bị bức tử từ những người miền Bắc. Những người miền
Nam, một số di tản ra nước ngoài nhưng phần đông thì bị
vào trại tù với thân phận của kẻ thất trận. Sau những biến cố
chính trị ngột ngạt, đời sống bị sa sút đến cùng cực,
một số người bỏ xứ ra đi, lưu lạc xứ người. Dần dần, lên
tới cả hai triệu người Việt ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Từ
những đợt di tản, vượt biên bằng đường bộ, đường
thủy, đến những người ở Đông Âu, … Những nỗi niềm
tuy có khác biệt nhau nhưng yếu tính lưu vong vẫn là một nét
chung mang cho tất cả những người Việt ở hải ngoại.
Những nét đặc thù cho một nền văn học
đã hiện hữu. Ở Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, Đông
Âu, hay Tây Âu, …báo chí Việt ngữ đã phát triển đến
mức không ngờ. Phần đông đều là những ấn phẩm đẹp về hình thức
và xúc tích về nội dung. Những tạp chí văn học có giá trị là nơi
để văn chương phát triển. Những tuần báo, nhật báo,
ngoài vị trí truyền thông còn là chỗ biểu hiện cho nỗi niềm của
những người đối kháng không chấp nhận chế độ đang cai trị trong
nước. Những tác phẩm được trình làng là những đóng góp của từng
cá nhân nhưng tạo được thành quả cho sự phát triển văn học. Qua
nhiều thời kỳ, có lúc sôi nổi có lúc trầm lặng, nói
chung những người Việt ở hải ngoại đã có sẵn căn bản cho một nền
văn học đúng nghĩa.
Chiến tranh, dù đã qua một thời
gian dài nhưng vẫn để lại nhiều âm hưởng trong thời đại hiện
nay. Những tâm sự chẳng biết ngỏ cùng ai nay mượn bút mực để bày
tỏ. Chiến địa ngày xưa, thuở trăng treo vó ngựa sao có lúc
vẫn còn trong trí nhớ. Những địa danh một thời chẳng thể nào
quên. Những người bạn đồng đội, giờ này ai còn ai mất?
Những mênh mang tâm sự. Những u uẩn thế thời. Những mang nặng
trên vai của những người thua trận. Hình như, bút mực đã
sẵn sàng cho những giàn trải văn chương…
Có nhiều góc cạnh để nhìn ngắm nền văn
học ở hải ngoại cũng như hai mươi năm văn học miền Nam
1954-1975. Những người Cộng sản không bao giờ chấp nhận sự thực
và luôn luôn dùng mọi cách để bôi xóa đi. Trong trường học,
những tác giả từ tiền chiến cũng không được giảng dạy trong
chương trình giáo dục nên học sinh đã quên đi cả một thời văn
học đầy khai phá thì với văn học miền Nam làm sao các lớp trẻ có
hiểu biết được. Thay vào đó, học sinh được học là trong thời kỳ
ấy ở miển Nam có những tên nhà văn nhà thơ ở trong bưng trong
ruộng như Trần Bạch Đằng, Bảo Định Giang, Anh Đức, Giang
Nam, .. Cũng như khi viết về văn học hải ngoại, luôn luôn
có giọng bỉ thử và luôn vẽ ra những nét u tối bi quan. Dù trước
hay sau đổi mới, hình thức có khác đi nhưng nội dung không
đổi. Gần đây nhất, khi có phong trào in lại sách cũ, khi
in lại bốn tác phẩm của nhà văn Dương Nghiễm Mậu thì bị phê phán
tơi bời. Mà người nặng lời nhất lại là Vũ Hạnh, một người a dua
nhưng lại sắt máu hơn cả những tay Cộng sản đầu sỏ. Một người đã
sống ở chế độ VNCH, nhưng nằm vùng, đã bị bắt nhưng
được can thiệp để thả, bây giờ là cái loa của những kẻ vẫn
còn mang cái chiêu bài đã hết thời hấp dẫn.. Những cuốn được in
lại như Đôi Mắt Trên Trời, Cũng Đành, Nhan Sắc,
Tiếng Sáo Người Em Út, của Dương nghiễm Mậu bị gán cho đủ
thứ tội, nào là viết về chủ tịch Hồ Chí minh với lời lẽ
khiêu khích bịa đặt trắng trợn, nào xuyên tạc lịch sử,
nào là đào sâu vào bản chất của cuộc hiện sinh con người theo
kiểu bất chấp lịch sử và quan hệ xã hội, nào thú vật hóa
loài người.. Đó có phải là một phương cách kỳ thị của một chính
sách vẫn còn phân biệt địch thù, và không có một chút nào
hòa giải hòa hợp hết…
Ở hải ngoại, có những người vẫn còn
mang cái tư tưởng phản chiến xưa kia nên có những nhận thức sai
lạc và có những nhận xét không chính xác. Có thể, họ là những
người may mắn, được đi du học và không phải bị ảnh hưởng của
chiến tranh như những lớp trai trẻ cùng thời. Mang cái tâm không
thẳng thắn, họ nhìn ngắm những sự kiện rồi giải thích theo ý
riêng mình.
Viết về văn học Việt Nam, trong những
hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, có lẽ cần thiết cái tâm trong
sáng. Nếu không, sẽ có những bất cập thiếu xót to lớn. Và, những
hậu quả ấy sẽ ảnh hưởng đến đời sau. Ở trong nước, một cô giáo
tốt nghiệp đại học trong một cuộc đố vui kiến thức đã không biết
đến những nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn khi được hỏi khi mà học
sinh đệ nhất cấp của miền Nam cũng dễ dàng biết đến. Thử tưởng
tượng, với sự bóp méo thiên lệch, thì sai sót ấy sẽ tác
hại biết bao nhiêu?
Gần đây, có một bài viết của tác giả
Nguyễn Bá Chung viết về văn học Việt Nam đã gây ra nhiều phản
ứng. Đó là bài viết “The Long Road Home: Exile, Self -
Recognition, and Reconstruction“ (Con đường xa xăm : lưu vong,
tự xét mình và tái cấu trúc) đăng trên tạp chí Manoa.
Tôi không biết nhiều về tác giả Nguyễn
Bá Chung. Thỉnh thoảng tôi có đọc bài viết của ông đăng rải rác
và tôi cũng chẳng để ý nhiều. Đại khái, tôi biết ông xuất thân
từ miền Nam, được đi du học và ở ngoại quốc đến bây giờ. Có lần,
tôi đọc một bài viết bằng Anh ngữ của ông giới thiệu tập thơ của
Nguyễn Duy trong đó có kể một số tên tuổi thi sĩ Việt Nam nhưng
lại thiếu những tên tuổi của văn học miền Nam và văn học hải
ngoại trong khi thừa những tên tuổi thi sĩ “luc lục thường tài“
khác. Cái sơ sót ấy không phải vô tình mà là một sự cố ý rõ ràng
không phủ nhận được. Và cũng chính Nguyễn Bá Chung, một
người làm thơ đã mô tả một thế hệ di tản thật nhiều ác ý. Bài
thơ nhan đề Di Tản:
“Là mảnh vụn của sỏi đá
là giọt nước của ao tù
là tia nắng cuối cùng mong manh
là viên đạn lép
cuối lòng súng rỉ
là ngôn ngữ bất lực
của tháng ngày bất lực
là vết bầm cuối cùng
của cuộc nội thương
là vết rêu của sỏi đá
là hơi sương trên ao tù
là tia nắng cuối đời mong manh
là viên đạn lép
không bao giờ bắn nữa
là ngôn ngữ khởi đầu
khi tiếng bom chấm dứt
là những gì đọng lại
sau cơn động đất cuối mùa.”
Đọc bài thơ ấy, ai có thể nghi rằng tác
giả của nó sẽ có cái tâm thẳng thắn khi nhận định về nền văn
chương khởi từ những người di tản ? Thành ra, viết một bài như
”The Long Road Home: Exile, Self- Recognition, and
Reconstruction“ cũng là hệ quả tất yếu của suy tư ấy, tính tình
ấy...
Mang những lời nhạc của Trịnh Công Sơn
mở đầu bài viết của mình, Nguyễn Bá Chung muốn mang cái cảm xúc
của một thời để nói về hiện trạng bây giờ. Bài viết gồm nhiều
tiểu đoạn: A Call of Conscience, A Class of worlds and
Worldviews, Cultural Discontinuities,
Self-Recognition and Reconstruction, Cultural
Convergences. Ở trong trình tự của bài viết, Nguyễn Bá Chung
muốn phác họa lại tình cảnh của những người cầm bút Việt nam
trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử. Với suy tư của riêng mình,
ông đã đem những câu nói hoặc trích đoạn của các nhà văn như Mai
Thảo, Võ Phiến để hậu thuẫn cho luận cứ.
Nguyễn Bá Chung cho rằng tình trạng hận
thù giữa người Việt Nam với nhau vẫn còn, giữa người miền Bắc và
người miền Nam, giữa người trong nước và ở hải ngoại. Thực tế,
trong đại đa số dân chúng, không hề có sự hận thù lẫn nhau.
Người hải ngoại vẫn gửi tiền về giúp đỡ người trong nước và
người miền Bắc hay miền Nam không hề thù hận nhau vì họ bị chịu
cùng chung sự cai trị khắc nghiệt và tàn bạo của chính quyền của
đảng Cộng sản. Nếu có thù hận, thì chỉ là giữa người gây tội ác
và nạn nhân. Những người bị cướp nhà cướp đất, bị đẩy vào những
cuộc ra đi mà mạng sống mong manh trên biển cả, bị gia đình tan
nát thì hận thù ấy chính đáng chứ không phải là cố chấp nuôi hận
thù. Người miền Nam bị chiếm đất chiếm ruộng biểu tình ở Cần Thơ
hay Sài gòn thì cũng giống như người dân miền Bắc biểu tình ở
Thái Bình, ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà nội.
Đành rằng, văn chương không phù hợp với
thù hận, và không chấp nhận thiên kiến. Nhưng, nếu cứ kêu gọi
hòa giải hòa hợp giữa kẻ chủ động gây ra tội ác dùng quyền lực
của mình thì có khác nào tạo cái hòa hợp giữa con cáo và chú gà.
Nếu ở trong nanh vuốt thì ăn tươi nuốt sống ngay nhưng khi chú
gà được ở trong lồng, được bảo vệ thì con cáo lân la kết hòa để
chờ cơ hội hạ thủ. Chính quyền trong nước sao không hòa giải hòa
hợp với những người cầm bút còn ở trong nước và còn bị kiềm chế
mà cứ đòi hòa giải hòa hợp với những người ở hải ngoại. Có phải
vì trong mưu đồ hậu ý nào đó chứ không phải thiện tâm muốn đoàn
kết dân tộc để xây dựng đất nước.
Nhận xét về cuộc chiến tranh đã qua,
Nguyễn Bá Chung có những nhận xét khá kỳ lạ. Nói về những người
viết miền Nam mà ông cho rằng đã rút vào thành phố đẩ có dù che
an toàn và có thể quay mặt được với cuộc chiến khốc liệt đang
diễn ra ở nông thôn. Họ không thể tán đồng với chính phủ miền
Nam trong cuộc chiến và cũng không dám dấn thân vào bưng theo
phe Cộng Sản nên đã có thái độ mà ông gọi là “nonconformity and
doubt” (bất định hướng và hoài nghi).
Điều ấy có chính xác không? Trước hết,
không có một ai trai trẻ ở miền Nam tránh được nhiệm vụ quân sự
ngoài những người đặc biệt được ấn định bởi luật pháp. Hầu như
đa số phải nhập ngũ và tham dự cuộc chiến. Chỉ có một số ít trốn
lính bất phục tòng hoặc những người được xuất ngoại (có thể vì
học giỏi hoặc con ông cháu cha) may mắn như trường hợp ông
Nguyễn Bá Chung. Những người cầm bút cũng giống như mọi người
nên không có chuyện ở trong thành phố để trốn tránh cuộc chiến.
Văn học miền Nam thì đa dạng, không phải chỉ có chiến tranh và
kêu gọi chém giết như văn học miền Bắc nên có tình trạng nhiều
đề tài xen kẽ nhau, tình yêu, chiến tranh, và
cả chống chiến tranh, triết lý hiện sinh, hoài nghi,
vô chính phủ…
Còn tính chất cuộc chiến, thì có
lẽ cả thế giới đã bị lừa gạt bởi những chiêu bài che dấu ý định
bành trướng và xâm lược của miền Bắc. Có sống với Cộng sản, mới
hiểu được những mánh khóe thủ đoạn tuyên truyền của một chế độ
độc tài toàn trị.
Nguyễn Khắc Toàn, một người đã rời ghế
nhà trường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu đã viết:
“.. Mô hình chế độ chính trị Nhà Nước
Việt Nam Cộng Hòa trước đây, khi ở miền Bắc tôi đã được
tuyên truyền rằng đó là một loại hình thức chủ nghĩa thực dân
kiểu mới do Đế quốc Mỹ dựng lên và làm bàn đạp để tiến công miến
Bắc và phe XHCN do Liên Xô và Trung Quốc là những nước đứng đầu.
Và các cơ quan tuyên truyền của miền Bắc còn nói về kinh tế,
miền Nam Việt Nam là thị trường để tiêu thụ hàng hóa tư bản ế
thừa của các nước phương Tây. Đây cũng là nơi Mỹ và các đế quốc
nước ngoài vơ vét tài nguyên bóc lột sức lao động rẻ mạt của
nhân dân. Về văn hóa, xã hội, giáo dục.. thì mảnh đất màu mỡ ở
miền Nam Việt Nam là nơi để gieo mầm nô dịch của đế quốc, ngoại
bang nảy nở phát triển. Trên báo đài phát thanh sách vở giáo
khoa dạy trong các trường học ở miền Bắc thì đầy dẫy những tuyên
truyền về một nhà tù lớn, một trại tập trung khổng lồ. Ở nông
thôn htì nông dân bị kềm kẹp trong ấp chiến lược với lớp lớp
hàng hàng rào dây thép gai bao quanh, với nhiều chòi canh
có lính canh với sáng đạn tối tân canh gác đêm ngày..
Nhưng trên thực tế, khi tôi đã tiếp xúc
với rất nhiều người bà con gia đình hai bên nội ngoại rời quê
hương miền Bắc vào miền Nam từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Qua
việc đó, tôi đã có nhận thức rất khác về đời sống xã hội, kinh
tế, và chế độ chính trị ở miềnNam 1975. Đó là một xã hội mà cuộc
sống nhân dân được hưởng nhiều cởi mở và tự do. Người dân từ
nông thôn đến thành thị được sống tự do dân chủ, được hưởng rất
nhiều quyền của con người hơn như : có tự do báo chí, tự
do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu tình - mít
ting hội họp, tự do sinh hoạt đảng phái chính trị,
tự do xuất dương và cư trú trong nước, tự do ứng cử và bầu
cử.
... Bi kịch lớn của dân tộc ta, tổ quốc
ta là ở chỗ cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn tạo ra núi xương
sông máu của nhân dân cả nước nhằm hủy diệt một chế độ đa đảng
dân chủ một nền kinh tế thị trường đã từng tồn tại ở miền nam
trước năm 1975 mà giờ đây chúng ta lại phải đang đấu tranh để
được đi lại đúng con đường này. ”
Không biết ông Nguyễn bá Chung có đọc
bài viết của tác giả Nguyễn Khắc Toàn không ? và không hiểu ông
có thay đổi những luận cứ của mình ?
Hình như Nguyễn Bá Chung có thừa nhận
tình trạng tụt hậu của đất nước sau năm 1975. Nhưng ông lại có
một nhận xét là chỉ có những người ở thành thị quen ăn sung mặc
sướng mới bị ảnh hưởng còn những người dân ở nông thôn quen với
bom đạn nên bây giờ hòa bình là vui sướng rồi và bằng lòng với
cuộc sống mới. Nguyễn Bá Chung viết:
‘After the war, in the period from 1975
to 1986, when the country went into steep economic
decline, it was a hellish fall to most people in the South
but particularly for those who lived in the city. In contrast,
for those who had survived constant hunger and want in the
jungle during the war, such subsistence living was
preferable to what they had endured. The resulting clash was
therefore not simply of ideologies, but of two altogether
different worlds in which the very meaning of language was in
dispute. In one world, to be abble to live in peace to
have food to eat( regardless of how simple or meager ) and
clothes to wear and to rest one’s head in an above ground
shelter were achievements and were among the sweet freedoms
enjoyed by those who had survived. In the other wirld. Those who
had lived in relative comfort were now preocupied with defeat
and the loss of those individual freedoms that had come with
life in a urban society.. ”
Tam dịch (sau chiến tranh, trong
thời kỳ 1975-1986, khi kinh tế đất nước bị suy đồi thê
thảm, một sự tuột dốc nặng nề cho đa số dân chúng miền
Nam, mà đáng kể là những cư dân ở thành phố. Ngược lại,
với những người luôn luôn trải qua đói khát và ham muốn ở trong
rừng khi còn cuộc chiến, thì cuộc sống dù thiếu thốn nhưng
còn dễ chịu hơn những ngày họ đã chịu đựng. Kết quả đối nghịch
không chỉ giản dị thuần lý, nhưng còn là hai thế giới sinh
sống khác biệt nhau mà ngay chính cả ngôn ngữ của suy nghĩ cũng
xa lạ nhau. Ở một thế giới, được sống trong an bình, có
thực phẩm để ăn (dù thanh đạm hoặc không ngon miệng) có quần áo
để mặc và được nghỉ ngơi trên mặt đất là một tiến triển rồi và
là tự do ngọt ngào hưởng thụ từ những người còn sống sót. Ở một
thế giới khác, những người đã quen sống tiện nghi, nay lại
bị bao vây bởi sự thua trận và đánh mất tự do cá nhân trong cuộc
sống từ một xã hội tân tiến...)
Không hiểu ông Nguyễn Bá Chung có phải
“người đi trên mây” không khi viết như thế ?. Sống ở Việt Nam
thời kỳ 1975-1986, mới hiểu được sự công phẫn bất bình của người
dân như thế nào. Càng có gốc gác cách mạng, càng chửi bới dự
tợn. Những bà già từng đào hầm che dấu cán bộ đảng, từng tiếp tế
cho chiến khu, từng là gia đình liệt sỹ, đã có phản ứng
mạnh mẽ hơn cả dân chúng thành phố nữa. Năm 1980, tôi về xã Tiệm
Tôm[1] huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre để
tính vượt biên bằng cửa Bình Đại. Ở đây, tôi đã thấy những dân
cách mạng thứ thiệt phản ứng ra sao trước những cảnh bất công
tham nhũng, dân tình đói nghèo, ngăn sông cấm chợ, thuế má nặng
nề, cán bộ ức hiếp dân chúng. Những bà má chiến sĩ, đã góp công
góp của cho chế độ để thành danh ‘Quê Hương Đồng Khởi “ nay chửi
rủa tàn tệ, gọi những ủy ban hành chính xã, huyện này là quỷ nọ,
quỷ kia (người địa phương đọc hai chữ ủy và quỷ giống nhau nên
huyện ủy, xã ủy là xã quỷ, huyện quỷ). Mà đám cán bộ thì trước
kia thường được giúp đỡ nên không dám phản ứng gì…
Và người vượt biển đâu phải chỉ riêng
người thành phố, mà người ở thôn quê cũng bị đẩy vào hoàn cảnh
phải đi cũng không ít. Nếu bằng lòng, quen với khổ cực, thì lao
đầu vào biển cả đem sinh mạng của mình giỡn đùa với nguy hiểm
làm chi ?
Đọc “The Long Road Home: Exile,
Self- Recognition, and Reconstruction” của Nguyễn Bá Chung, tôi
cũng thấy tác giả có đường về xa xăm thực! Sẽ diệu vợi biết bao
cho đường về cội nguồn dân tộc nếu vẫn còn giữ những thiên kiến
của thời phản chiến khi mà sự chống đối chiến tranh được coi là
một mốt thời thượng. Thực tế của Việt nam đầu thế kỷ 21 đã không
còn thích hợp với những lý luận một chiều nhằm phục vụ cho những
âm mưu của bạo quyền muốn bôi xóa sự thực và sửa đổi lịch sử.
Tôi khâm phục biết là bao nhiêu những người như nhà văn Nguyễn
Hiến Lê viết hồi ký trung thực phê phán chế độ dù trước đó ông
tỏ ra rất có cảm tình với những người cộng sản mà ông gọi là
“những người kháng chiến“.
Đường về xa xăm. Ôi sao buồn như một
điệp khúc của ca từ Trịnh Công Sơn, của những suy tư lạc lõng,
của một cuộc chiến vô nghĩa và vô lý…
---------------------
[1]
Tiệm Tôm : tên gọi của dân địa phương ám chỉ vùng đất chuyên bán
tôm biển, tên chính là ấp An Thuận, xã Tân Thuỷ, huyện Ba Tri,
tỉnh Bến Tre.
|