.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân - Linh Linh Ngọc | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

Tại sao cộng sản tàn ác ?
 

Từ đầu thế kỷ XX, trong nội bộ Quốc Tế Cộng Sản, cánh quá khích, trong đó có phe Xã Hội Nga - phe Bolchevik của Lénine - là hung hăng hơn hết. Phe này vừa bắt nguồn từ truyền thống châu Âu của chủ nghĩa Mác vừa cắm rễ trong lớp đất mầu mỡ của phong trào cách mạng Nga.

Xuyên suốt thế kỷ XIX, phe này bám sát phương thức bạo lực mà ít người muốn áp dụng, và kẻ chủ xướng là Sergheï Gennadievitch Netchaïeff (1847-1882). Netchaïeff là nhà cách mạng Nga theo thuyết hư vô (nihilism), một phong trào rất sôi nổi ở Nga từ 1860 đến 1917, chủ trương xóa bỏ nhà nước qua đổi mới mang tính cách mạng bằng khủng bố, giết sạch, phá sạch và thủ tiêu những người đối kháng. Theo Netchaïeff thì cách mạng phải làm cho dân chúng cực kỳ đau khổ để họ có can đảm vùng lên.

Năm 1869, Netchaïeff thảo ra quyển "Cẩm Nang Người Cách Mạng", trong đó ông định nghĩa con người cách mạng như sau:

"Người làm cách mạng nắm chắc phần thiệt thòi. Anh ta không có lợi lộc cá nhân, không làm ăn riêng tư, chẳng có tình cảm, không dây mơ rễ má để mưu lợi cho bản thân, không có tài sản, thậm chí cũng chẳng có danh tính[1]. Tâm hồn và thể xác của con người làm cách mạng chỉ dành cho mỗi một chủ đích duy nhất, mỗi một ý tưởng, mỗi một đam mê, đó là cách mạng. Ngay trong thâm tâm, từ lời nói đến hành động, người làm cách mạng đã đứng bên ngoài trật tự công cộng và toàn thể thế giới văn minh, cũng như bên ngoài tất cả luật lệ, nghi thức, quy ước xã hội và quy tắc đạo đức trên cõi đời này. Người làm cách mạng là kẻ thù bất cộng đái thiên của cái thế giới đó và chỉ tiếp tục sinh sống trong thế giới đó cốt để tiêu diệt nó một cách chắc chắn hơn mà thôi."

Kế đó, Netchaïeff nêu rõ các mục tiêu:

"Người làm cách mạng chỉ xâm nhập vào bối cảnh chính trị và xã hội, vào cái thế giới gọi là có học thức và sinh sống trong đó với một niềm tin duy nhất là sẽ hủy diệt nó một cách triệt để và nhanh chóng. Ta không phải là con người cách mạng nếu ta còn biết xót thương một tí gì trên cõi đời này."

Và ngay sau đó, Netchaïeff vạch ra phương hướng hành động:

"Toàn bộ cái xã hội nhơ nhớp bẩn thỉu này cần được phân chia ra hai loại. Thứ nhất là, những kẻ đáng tội chết ngay. [...] Thứ hai là, những tên tạm thời được tha tội chết để cho các hành động quái quỷ của bọn nó tất yếu phải đưa đẩy quần chúng nhân dân đến chỗ nổi dậy."

Thái độ của Netchaïeff không phải chỉ nằm yên trong sách vở, nặng phần lý thuyết, vì cũng có những người đem ra thực hành. Ngày 1 tháng Ba năm 1887, vụ ám sát Sa Hoàng Alexandre đệ III đã xảy ra, nhưng không thành công và thủ phạm bị tóm và bị treo cổ, trong đó có người anh cả Alexandre Ilitch Oulianov của Lénine. Hận thù này phải trả nên khi lên cầm quyền, Lénine đã đích thân quyết định và tổ chức chuyện tàn sát hoàng gia Romanov hồi năm 1918, không cần chờ lấy ý kiến của Bộ Chính Trị gì hết.

Hélène carrère d’Encausse
Secrétaire perpétuel de l’Académie française.

Cung cách thô bạo chính trị này, tuy có tính cách ngoại vi nhưng lại bắt nguồn từ những bạo động đã từng xảy ra xuyên suốt bao thế kỷ qua trong cuộc sống của nước Nga vĩ đại. Trong quyển "Le Malheur Russe" (Tai họa Nga La Tư), bà Hélène Carrère d'Encausse[2] có viết:

"Với tai họa độc nhất vô nhị của nó, đất nước này (Nga) trở nên một điều bí hiểm cho những ai muốn tìm hiểu tận tường thân phận của nó. Khi phanh phui những động cơ thầm kín của tai họa lâu đời đó, người ta sẽ bắt gặp mối quan hệ khăn khít giữa tham vọng về quyền lực - để chiếm đoạt cũng như để bảo vệ - và nhu cầu tiêu diệt đối phương - cá nhân hoặc tập thể. [...] Chắc hẳn là truyền thống thô bạo lâu đời kia đã sản sinh ra một đường hướng chính trị tập thể, theo đó người ta chẳng mong muốn có một môi trường chính trị yên bình."

Đặc tính tai ác đó bắt nguồn từ thời đại xa xưa của Sa Hoàng Nga. Sa Hoàng đầu tiên của Nga là ông Ivan IV Vassiliévitch (1530-1584), nối nghiệp vua cha năm 1533, khi lên 3 tuổi, với sự bảo hộ của hội đồng nhiếp chính, gồm có hai mươi nhà quý tộc, dưới quyền thống lĩnh của bà mẹ, được cho là bị ngộ độc chết khi ông mới lên tám.

Thế là quyền hành bị chia năm xẻ bảy và tranh chấp giữa các phe phái quý tộc. Sinh sống và lớn lên trong một môi trường chết chóc, hận thù và nơm nớp lo sợ bị thủ tiêu như thế, cậu bé Ivan mang dấu ấn xấu xa, quen thói hành hạ thú vật, ném chó quăng mèo qua cửa sổ, đối xử tệ hại với dân làng. Năm 1543, dù chưa đầy 13 tuổi mà Ivan đã xui bầy chó của ông xé xác ông hoàng Chouïski, thủ tướng của ông.

Năm 1547, mới 16 tuổi đầu, Ivan đã được tấn phong là Sa Hoàng đầu tiên của nước Nga. Sau mấy năm chấp chính, được cho là an dân bình thiên hạ thì đến năm 1553, với cơn trọng bệnh của chính mình và với cái chết của bà vợ, Ivan đâm ra hoài nghi những người chung quanh. Ivan nghi có âm mưu truất phế ông và đầu độc hoàng hậu.

Ivan ép buộc cận thần tuyên thệ trung thành với người con trưởng của ông, dù người con này đang tuổi vị thành niên. Thấy bệnh tình của Ivan đến hồi nguy kịch, nhiều quan chức trong triều khước từ không chịu tuyên thệ, làm cho Ivan càng thêm nổi giận. Thế là xảy ra nhiều cuộc trả thù và giết hại dã man.

Năm 1560, cái chết của bà vợ đã làm cho ông bực tức, trả thù một cách điên loạn. Ai cũng bị ông nghi ngờ là kẻ có lòng dạ phản phúc, bèn ra lệnh tru di tam tộc.

Năm 1552, sau chiến thắng gian nan quân Tartar và chiếm được Kazan, Ivan cho xây giáo đường Saint-Basile để mừng chiến thắng. Công trình xây cất kéo dài 6 năm và khi đã hoàn thành, Ivan cho lệnh móc đôi mắt của nhà kiến trúc vì sợ đương sự lại cất một nhà thờ khác đẹp hơn.

Phân nửa thời kỳ sau của triều đại Ivan suy sụp vì giặc giả, hạn hán, mất mùa, đói kém, dịch bệnh làm cho dân chúng chết đi khá nhiều. Ông cho lệnh thiết lập cận vệ quân (Oprichniks), có toàn quyền sát hại nên khắp nơi hoảng sợ, thiên hạ lo âu, cho cá nhân cũng như cho tập thể.

Vì cạnh tranh với thành phố Novgorod mà Ivan ra lệnh cho quân Oprichniks giết hại dân lành của thành phố đó để cho thành phố không còn sung túc được nữa. Trận thảm sát này giết chết khoảng ba bốn mươi nghìn dân.

Năm 1572, Ivan IV thanh lý các đoàn viên của Oprichniks rồi năm 1581 sát hại chính hoàng thái tử của mình, qua một cơn giận dữ. Chế độ nông nô là sản phẩm ra đời dưới triều đại của ông. Vì những lẽ đó nên Ivan mang biệt hiệu là "Bạo chúa Ivan".

Một Sa Hoàng khác, Pierre thứ nhất, tức "Pierre Đại Đế", cũng không vừa gì. Dù được coi như có công lớn trong việc mở mang nước Nga, nhưng, trái lại Sa Hoàng này không khoan nhượng bất cứ một ai, sắt máu với kẻ thù của nước Nga, với bọn quý tộc, thậm chí với cả thần dân của chính mình. Lão này cũng vậy, cũng chính ông ra tay giết hại hoàng thái tử của ông.

Pierre Đại đế có tố chất đa dạng và thái quá. Sục sôi và gan lì, vừa bao dung vừa tàn nhẫn, vừa mềm mỏng vừa cố chấp, tình cảm ở mặt này nhưng cứng rắn ở mặt khác..., nhưng cuối cùng tạo nên khúc ngoặt cực kỳ quan trọng trong lịch sử nước Nga.

Sự bạo ngược của "Pierre Đại Đế" được xem như là phổ quát trong triều đình Nga. Chính tay Sa Hoàng đã dùng roi gân bò đánh hàng trăm phát xuống vai trần của một viên quan cao cấp của vương quốc hoặc một người phụ nữ trong triều chỉ vì họ phạm phải lỗi lầm khi quá chén. Hay là thử gươm của mình coi bén hay không bằng cách chặt đầu một tội phạm.

Từ Ivan chí đến Pierre, nước Nga đã có một bộ máy chuyên biệt để cưỡng bức nhân dân và thành phần ưu tú, bắt họ phải chịu làm thân nô lệ và chịu phần đau thương để cho một chế độ tàn nhẫn vô nhân đạo tiến lên. Khi bàn đến việc bãi bỏ chế độ nông nô ở Nga hồi năm 1861, trong quyển "Tout Passe" (Mọi việc đều qua đi), ông Vassili Grossman có viết:

"Như thế kỷ XX cho thấy, chuyển biến này (bãi bỏ nông nô) còn cách mạng hơn đại cách mạng tháng Mười nữa. Chuyển biến này đã làm lung lay nền tảng lâu đời của nước Nga, những nền tảng mà cả Sa Hoàng Pierre lẫn Lénine không đã động đến. Đó là bắt nhân dân sống trong vòng xiềng xích để cho đất nước tiến lên."

Và, muôn đời vẫn thế, chỉ có thể duy trì tình cảnh đó, thế kỷ này sang thế kỷ khác, bằng cách áp dụng triệt để một chế độ bạo lực thường xuyên.

Ông Tomas Garrigue Masaryk (1850-1937) - một chính khách cao kiến, cha đẻ ra nước cộng hòa Tiệp Khắc hồi năm 1918 và là người biết rành nước Nga cách mạng, vì ông đã sống bên đó hai năm 1917 và 1919 - cho rằng bạo lực của cộng sản chẳng khác gì bạo lực thời Sa Hoàng. Năm 1924, Masaryk viết rằng:

"Người Nga - người cộng sản của Lénine cũng như những người Nga khác - đều là hậu duệ của chủ nghĩa Sa Hoàng. Hàng bao thế kỷ qua, họ đã được chủ nghĩa đó giáo dục và đào tạo. Họ đã lật đổ được Sa Hoàng, nhưng họ không xóa sạch được chủ nghĩa Sa Hoàng. Họ vẫn ăn mặc đồng phục kiểu Sa Hoàng, lại còn mặc ngược nữa. [...] Phe Bolchevick không được chuẩn bị để làm một cuộc cách mạng hành chính tích cực mà chỉ làm một cuộc cách mạng tiêu cực, nghĩa là họ đã phá hoại một cách vô lối, chỉ vì cuồng tín tôn thờ một chủ thưyết, vì đầu óc hẹp hòi và vì thiếu văn hóa. Rất tiếc là họ hết lòng thích thú hành động tàn nhẫn vô nhân đạo, giống như Sa Hoàng[3]."

Không phải chỉ riêng giới chức có quyền có thế mới dùng bạo lực vì trong thời buổi cách mạng, quần chúng nông dân cũng đã từng hung hãn tàn sát bọn quý tộc và khủng bố dã man rồi. Qua phong trào "đồng khởi" đó, cuộc vùng lên của Stenka Razine từ 1667 đến 1670 và nhất là của Pougatchev, người đã lãnh đạo nông dân khởi nghĩa từ 1773 đến 1775, đã làm cho ngai vàng của Catherine Đại Đế phải rúng động và lưu lại một vết máu nhuộm dài theo thung lũng sông Volga. Nhưng rồi Pougatchev cũng bị bắt và bị hành xử bằng những cung cách ghê rợn của Sa Hoàng, như phanh thây, xẻ thịt, cắt từng miếng nhỏ ném cho chó ăn.

 

Theo lời văn của Maxime Gorki (1868-1936) thì:

"Sự tàn ác, đó là điều làm cho tôi suốt đời kinh ngạc và băn khoăn. Tại sao và vì đâu mà con người tàn ác như vậy? Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều đó mà cũng chẳng hiểu gì và không khi nào tôi hiểu nổi. [...] Giờ đây, sau những cái lố bịch dễ sợ của chiến tranh ở châu Âu và những biến cố đẫm máu của cách mạng, [...] phải nhìn nhận là sự tàn ác của Nga dường như chẳng giảm tí nào. Chỉ có hình thức là thay đổi thôi. Những nhà nghiên cứu hồi đầu thế kỷ XVII cho biết thời đó các cuộc tra tấn được tiến hành thật dã man. Người ta đổ thuốc súng vào mồm nạn nhân, rồi châm ngòi cho nổ. Có khi người ta cho thuốc súng vào hậu môn. Người ta khoét vú phụ nữ, luồn dây vào hai lỗ đã khoét rồi treo người lên. Những năm 1918 và 1919, người ta cũng làm như thế ở các địa phương Don và Oural. Người ta nhét chất nổ vào hậu môn rồi cho nổ. Tôi nghĩ rằng người dân Nga có một thái độ độc ác không ai bằng, một thứ độc ác trơ trẽn, như chừng để thử xem con người có thể kiên trì chịu đau khổ tới mức nào. Người ta cảm thấy tính tàn ác của Nga đã siêu đẳng một cách quỷ quái vì trong đó có một cái gì tinh vi và cầu kỳ. Không thể dùng từ ngữ của khoa tâm bệnh hay của thói bạo dâm để giải thích tính chất tàn nhẫn vô nhân đạo này vì thực ra từ ngữ sẽ không nói lên được gì hết. [...] Nếu như những hành động tàn ác kia chỉ xuất phát từ một tâm lý đồi bại của con người thì chẳng ai thèm nói đến làm gì, vì nó thuộc phạm trù của chuyên viên tâm thần chớ không phải của ngành luân lý và đạo đức. Nhưng ở đây tôi chỉ quan tâm đến trường hợp người ta dùng nỗi khổ niềm đau của thiên hạ để làm trò tiêu khiển cho tập thể. [...] Thành phần nào độc ác hơn, Bạch Vệ hay Hồng Quân? Có thể cả hai cũng như nhau, vì người này hoặc kẻ kia đều là người Nga. Vả lại, về mức độ tàn ác, lịch sử đã trả lời dứt khoát. Ai tích cực nhất, người đó tàn ác hơn hết.[4]"

Trận Thế Chiến I, kết hợp với bạo lực truyền thống của Nga, cho người ta thấy rõ ràng bối cảnh đã đưa phe Bolchevick lên thế cầm quyền. Nhưng, nó không giải thích được tại sao những người Bolchevick vừa mới lên đã tàn bạo rồi, một tình hình hoàn toàn mâu thuẫn lại tinh thần cách mạng là nhằm tiến tới ôn hòa và dân chủ.

Người chủ trương bạo lực là Lénine, cũng như ông đã chủ trương rằng phe Bolchevick phải nắm quyền lãnh đạo nước Nga. Lénine đã mở màn cho một chế độ độc tài, chẳng mấy lúc mang tính chất khủng bố và sắt máu. Thế là bạo lực cách mạng không còn mang tính chất bạo lực như là một phản ứng để tự vệ, đối đầu lại những lực lượng của Sa Hoàng đã tan biến vài ba tháng trước đó, mà là một thứ bạo lực chủ động, làm sống lại cái tệ nạn thô bạo và độc ác xưa cũ ở Nga.

Mục tiêu hàng đầu của Lénine là bảo vệ chiếc ghế lãnh đạo của bản thân càng lâu càng tốt. Trong vòng sáu tuần lễ đầu tiên ở ngôi cầm quyền, tham vọng của Lénine tăng lên gấp bội. Thế là giòng lịch sử bắt đầu phân rẽ và cách mạng Nga, do phe Bolchevick lèo lái, đã đi vào những ngõ ngách vô cùng xa lạ.

Sở dĩ Lénine phải làm mọi cách, bất chấp đạo lý, để bảo vệ chiếc ghế uy quyền vì chỉ có như thế Lénine mới "xây dựng được chủ nghĩa xã hội". Trong tinh thần đó, Lénine chỉ áp dụng đôi ba điều sơ đẳng của Mác như đấu tranh giai cấp, bạo lực làm nên Lịch Sử, vô sản là giai cấp lèo lái chiều hướng Lịch Sử.

Đến năm 1953, nước Nga bước vào giai đoạn cách mạng thứ ba với Staline, mà điểm nổi bật là khắp nơi, nhà nhà khiếp sợ, người người lo âu, qua đợt thanh trừng vĩ đại của những năm 1937-1938. Giờ đây, không những toàn thể xã hội kinh hoàng mà cả bộ máy của Đảng và Nhà Nước cũng thế! Lần hồi Staline nói rõ ra những loại kẻ thù cần phải thanh toán. Và thanh toán ngay trong thời thái bình thạnh trị của nước Nga chớ không cần phải chờ đến lúc có chiến tranh.

Không như Hitler, chỉ phó thác việc trấn áp cho tay chân bộ hạ, Staline đích thân quan tâm và đứng ra tổ chức. Chính ông ta duyệt xét danh sách hàng nghìn họ tên của những người cần đem bắn bỏ và còn bắt buộc các ủy viên Bộ Chính Trị cũng làm như ông. Trong chiến dịch "Đại Khủng Bố" kéo dài mười bốn tháng trong những năm 1937 và 1938, có một triệu tám trăm nghìn người bị bắt, qua bốn mươi hai cuộc càn quét được quy hoạch cẩn thận và gần sáu trăm chín mươi người bị giết hại.

Một bầu không khí nội chiến vừa "lạnh" vừa "nóng", vừa công khai vừa bí mật, thường xuyên bao trùm đất nước Nga. Người ta cho là một cuộc "chiến tranh giai cấp" chứ chẳng còn phải "đấu tranh giai cấp" nữa. Kẻ thù chính trị không phải là người này hay kẻ kia, thậm chí cũng không phải là "giai cấp thù địch" nữa mà là toàn thể xã hội. Không phải như dưới thời Lénine, ngay cả đảng viên cộng sản cũng có thể là kẻ thù của Staline. Một phát minh mới của Staline là các tên đao phủ cũng lần hồi trở thành nạn nhân.

Ancien maoïste, Stéphane Courtois est historien, directeur de recherches au CNRS et vice-président de l’Institut d’Histoire sociale. En 1997, il dirigea l’ouvrage Le Livre noir du communisme. Il a récemment publié dans sa collection « Démocratie ou totalitarisme » aux Éditions du Rocher, les souvenirs du Goulag du Hongrois Aron Gabor : Le Cri de la Taïga.


Đối chiếu mức độ tàn nhẫn vô nhân đạo của các chế độ cộng sản trên thế giới, Stéphane Courtois nhận thấy rằng:

"Thái độ của một vài chế độ cộng sản châu Á - Trung Quốc, Việt Nam - có phần nào hơi khác, có lẽ vì chịu ảnh hưởng của truyền thống Khổng Giáo. "Lao cải" của Trung cộng (và "học tập cải tạo" của Việt Nam) có cái đặc biệt là bắt ép phạm nhân - được gọi bằng những mỹ từ như: "học viên" hay "cải tạo viên", chứ không phải là tù - phải cải tạo tư tưởng dưới sự "hướng dẫn" của cán bộ "giảng viên", cán bộ "quản giáo". Trong loại "học tập cải tạo" này, có một thái độ kém thẳng thắng và đầy tính đạo đức giả, chi bằng đem bắn bỏ một cách đơn giản còn hơn[5]."

Thì ra, tuy là người Tây phương nhưng ông Courtois cũng thấy được cái thâm ý của dân da vàng, thường "nói vậy, mà không phải vậy". Việt Nam mình có câu "con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh". Là hậu duệ của cộng sản Liên Xô, nhất là tôn thờ Lénine và Staline như thần thánh - kiểu nhà thơ quốc doanh Tố Hữu đã làm thơ phúng điếu Staline:"thương cha thương một, thương ông thương mười" - thì cộng sản Việt Nam cũng cá mè một lứa.

Sở dĩ nó không độc ác cỡ như ông bà ông vải quan thày của nó được là vì bị kẹt nhiều lý do khó nói ra, vì mang tấm bình phong đạo đức giả, vì Hà Nội cộng sản còn kẹt Sài Gòn quốc gia, chứ không được tự do thao túng, một mình một chợ như Liên Xô hay Trung Quốc. Thế nhưng, bọn nó đã không ló mòi qua cải cách ruộng đất hay trận Tết Mậu Thân là gì?

Là kẻ thừa kế của phường ma mãnh, cộng sản Việt Nam thâm độc có thừa. Cần gì phải dùng dao dùng súng mới tàn sát được, cộng sản Việt Nam áp dụng thượng sách là để cho kẻ thù giai cấp tự diệt bằng âu sầu, bằng đói ăn, khát uống, bằng cách chẳng cần thuốc men mà chỉ cắn răng "khắc phục" khi ốm đau!

Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!

Liên Xô, Trung cộng, đất rộng, người đông, tài sản phong phú nên mạnh tay làm liều. Cộng sản Việt Nam, bắn thuê giết mướn, ít dân, hẹp đất, thì làm gì dám vung tay quá trớn. "Cây có cội, nước có nguồn" thế nên chuyện cộng sản Việt Nam thuộc lòng bài học của quan thày và của người anh lớn là lẽ đương nhiên. Con của tép, cháu của tôm, không múa càng được thì cũng cựa quậy chân ngoe, nhân danh cái gọi là "đạo đức cách mạng" và theo gương "khoan hồng độ lượng của Bác".

 

Phan Quân


 

[1] Cho nên những người cộng sản thường dùng bí danh.

[2] Nhà văn người Pháp gốc Georgie (Liên Bang Nga), sinh năm 1929, đắc cử vào Hàn Lâm Viện Pháp năm 1990, chuyên viên về Nga Xô.

[3] Tomas G. Masaryk, La Résurrection d'un Etat. Souvenirs et réflexions 1914-1918 (Một Nhà Nước nổi loạn. Kỷ niệm và cảm tưởng 1914-1918).

[4] Maxime Gorki, Le Paysan Russe (Nông Dân Nga).

[5] Stéphane Courtois, "Le Livre Noir du Communisme".

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.