Mới sinh ra thì đà khóc choé,
Vừa chào đời đã muốn nói năng.
Nói chẳng đặng bèn oà lên khóc,
Y như rằng khóc phải được nghe.
Như vậy thì có nói ắt hẳn phải có nghe. Thế nhưng, trong quan hệ
nói và nghe kia nhất thiết phải có hai đối tượng, một tích cực
và một tiêu cực, một đàng phát, một bên thu. Tương quan lưỡng
cực cụ thể, hạn hẹp, ấm cúng và tình tự hơn hết có lẽ là giữa
hai vợ chồng. Liệu xuyên suốt thời gian và không gian "loan
phụng hòa minh, sắt cầm hão hiệp", quá trình trao đổi đó có được
phẳng lặng như mặt nước hồ thu, hay như đại dương gặp phong ba,
nổi sóng.
Trong "thuở ban đầu lưu luyến ấy", cô gái chân ướt chân ráo qua
ngưỡng cửa nhà chồng, còn lạ thung lạ thổ, lạ nước lạ cái, cần
phải quan sát dò đường nên chồng nói vợ nghe răm rắp. Hình ảnh
"phu xướng, phụ tùy" ôi sao mà đẹp, mà nên thơ, quả thật là tổ
ấm!
Vốn là phái đẹp lại thuộc nòi liễu yếu đào thơ, tự coi mình như
thua chàng một bước - vì đã gọi chàng là anh mà - cho nên lắng
tai nghe cái đã. Chàng thì nam nhi chi chí, gì thì gì cũng ra vẻ
phong nhã nịnh đầm, nói năng nhỏ nhẹ, "em phải thế này, cưng
phải thế kia". Phận liễu bồ tựa thân tùng bách, chàng phán gì
thiếp cũng nghe theo, nhưng ngày một ngày hai nghe sao chẳng
đặng, có chút gì trái ý nghịch tai.
Thì ra, anh nói được em thụ động nghe thế là tưởng bở, thừa
thắng xông lên, nói dông, nói dài, nói hoài không nghỉ, nói khỉ
cũng chê. Tức nước vỡ bờ, với kinh nghiệm rút tỉa được qua thời
gian lắng nghe và suy ngẫm, bên gái bắt đầu phản công để lôi
chồng vào đường ngay nẻo thẳng.
Ðức lang quân nghĩ ra cũng phải, mấy năm qua mình nói cũng hơi
nhiều, ngôn đa tất thất, công trình "dạy vợ từ thuở còn thơ" kể
như hoàn thành, nay ngựa đã thuần thì có buông lỏng cương cũng
chẳng chết thằng tây nào. Hơn nữa, tuổi đời chồng chất, thế sự
đa đoan, một ngày đăng đẳng về đến nhà phờ râu mép, hộc gạch,
văng xì dầu thì còn hơi với hám đâu mà nói nữa. Thôi thì nghe vợ
nói cho khuây khỏa tấc lòng, êm đẹp tâm tình để quên đi cuộc vật
lộn với một ngày làm việc.
Nhưng ở đời đâu có đơn giản, đâu phải giản đơn. Duyên tình chớm
nở, cuộc sống lứa đôi vừa đăng trình thì lời nói nào của bên này
hay bên kia cũng ngọt như đường cát, mát như đường phèn, cần gì
phải có nước đá. Chưa nói đã thấy dễ thương, mới mở miệng đã
nghe dịu hiền, tiếng nói lời thưa,
Trong như tiếng hạc bay qua,
Ðục như tiếng suối mới sa nửa vời.
"Truyện
Kiều", Nguyễn Du
Nay tuổi đời đè nặng đôi vai, tháng năm chồng vợ xói mòn tình
cảm yêu thương, còn lại chăng chỉ là quan hệ của hai đối tượng
trong tinh thần nghĩa vụ chăn gối, cắn răng chịu đựng, giả dại
qua ải, nín thở qua cầu. Nên chi, một tiếng nói, một lời thưa,
một tiếng thở dài chưa chi đã gây dị ứng.
Môi trường sinh sống như ngập tràn tĩnh điện, như vùng trời vần
vủ mây đen hứa hẹn sấm rền, chớp giật, thế là một lời nghịch ý
bỗng dưng châm ngòi cho thùng thuốc súng nổ tung. Thế là, hai
trận tuyến chạm mặt, súng nổ inh tai nhức óc, ai nói người ấy
nghe, trận khẩu chiến leo thang theo hình trôn ốc, chỉ cần một
lời nói hớ là điểm khởi hành cho một trận đánh khác và cứ thế mà
tăng âm lên mấy bát độ. Chẳng còn ai nghe ai được nữa, thì nhà
hàng xóm phải nghe. Chẳng ăn thua gì mà bỗng nhiên lãnh đủ, bị
vạ lây, thuật ngữ quân sự gọi là "thiệt hại bàng hệ".
Cho nên, túi khôn muôn đời của văn chương truyền khẩu có dạy
rằng:
Lời
nói chẳng mất tiền mua,
Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Kim vàng ai nỡ uốn câu,
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.
Phan Quân
|