1. Hoàn cảnh đau buồn của Phật
Giáo Việt Nam hiện nay:
Khi cuộc vận động đòi kinh bình đẳng tôn
giáo được chính thức phát động tại Huế vào Phật Đản 1963, thì
lúc đó tôi mớichỉ là chú điệu học lớp đệ lục. Đã hơn ba thập
niên qua rồi, vậy mà tôi vẫn còn nhớ như in cái không khí lo âu
của những người cùng lứa tuổi như tôi vào một buổi chiều tại
chùa Linh Sơn ở Đà Lạt, sau khi nghe đài BBC loan tin Hòa Thượng
Thích Quảng Đức đã tự thiêu tại ngã tư đường Phan Đình Phùng -
Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn. Thực ra, lo âu thì ít nhưng sung sướng
và hãnh diện thì nhiều.
Rồi tiếp theo là Ngô Đình Diệm bị lật đổ
vào ngày 1-11-1963, rồi đầu năm 1964 một đại hội Phật giáo được
tổ chức tại chùa Xá Lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo,
hai hệ thống tư tưởng lớn nhất của Phật giáo, hai hệ thống tư
tưởng lớn nhất của Phật giáo là Đại thừa và Tiểu thừa được chính
thức thống nhất ra đời. Chưa bao giờ tinh thần Phật Giáo của
thời đại Lý - Trần lại sống dậy trong tâm hồn của những người
tăng sĩ trẻ tuổi một cách mãnh liệt như vậy.
Nhưng niềm vui cũng như hy vọng đó chẳng
bao lâu đã nhường chỗ cho nỗi lo âu và mất mác. Năm 1966 cũng
tại Huế, Phật giáo đã phát động phong trào đòi tự do dân chủ.
Chính cuộc vận động này là nguyên nhân đầu tiên đã dẫn đến chia
rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo.
Giao điểm đã chủ trương rất đúng khi viết
: "Đã đến lúc phải nhìn lại chính mình trước tấm gương lạnh lùng
và trung thực của sự thật. Đã đến lúc phải biết phân biệt để
củng cố lại cái gì là bất biến và phát huy cái gì là tùy duyên.
Bằng trí tuí tuệ Bát Nhã và bằng tâm nguyện Bồ Tát". Nếu chúng
ta không can đảm nhìn vào sự thật như vậy thì đúng như lời nhận
định của giáo sư Lý Nguyên Quán : "Như một căn bệnh không thể
chữa lành khi người ta chỉ tìm cách che đậy, trốn tránh hay
loanh quanh với những lý luận mơ hồ, không ăn nhập gì với hiện
trạng".
Vậy bây giờ đã hơn ba thập niên qua rồi,
ta thử tìm hiểu lý do nào mà chỉ trong khoảng chưa đầy ba năm,
tính từ 1963 mà Phật giáo lại phải phát động thêm lại hai cuộc
đấu tranh nữa chống lại hai chính phủ. Năm 1965 với chính phủ
Trần Văn Hương và năm 1966 với chính phủ quân sự Nguyễn Văn
Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ :
- Lý do mà ta có thể dễ thấy nhất là, sau
gần một thế kỷ bị kỳ thị và phá phách của thực dân Pháp và tiếp
đến là chín năm dưới chính phủ Thiên Chúa giáo của Ngô Đình
Diệm; nên các nhà lãnh đạo Phật giáo hầu như nghi ngờ hết tất cả
các giới cầm quyền.
- Quá thất vọng khi thấy khí thế của cuộc
cách mạng 1-11-1963 cứ tàn lại dần bởi những chính phủ kế tiếp.
- Còn một lý do nữa mà tôi cho là cũng rất
quan trọng khiến Phật giáo cứ dấn thân mãi vào những cuộc đấu
tranh là, sau thành công 1963, một số ít những nhà lãnh đạo Phật
giáo hơi tự mãn. Từ sự tự mãn dẫn đến chủ quan. Vì vậy, đã đánh
giá sai tình thực tế lúc đó là :
- Phật tử đã quá mệt mỏi sau các cuộc đấu
tranh 1963 và 1965.
- Chiến tranh đã tràn vào các thành phố,
nên đã rất có lợi cho các tướng lãnh cầm quyền. Họ sẽ viện lý do
này để dập tắt cuộc đấu tranh, và trong thực tế họ đã làm như
vậy.
- Các thể lực chính trị lúc nào cũng trong
tư thế chuẩn bị lợi dụng cuộc đấu tranh của Phật giáo mà khai
thác và lợi dụng, mà Phật giáo thì hầu như bất lực trong việc
kiểm soát nội bột của chính mình.
Theo tôi, đó là những lý do khiến cho cuộc
vận động đòi tự do dân chủ của Phật giáo đã thất bại.
Nhưng dù sao thì đó cũng là thất bại trong
ngắn hạn, nghĩa là Phật giáo không đem lại một chính phủ dân chủ
tức thời cho đất nước như mục tiêu mà Phật giáo đã đề ra. Nhưng
nếu nhân dân miền Nam, đặc biệt là giới trí thức trẻ ở các thành
thị đã trưởng thanh nhiều về mặt chính trị thì tất nhiên chính
là nhờ những cuộc vận động liên tục của Phật giáo, dù Phật giáo
đã phải trả một cái giá rất đắt. Tuy nhiên, tôi cho rằng những
thế lực chính trị bên ngoài không phải là nguyên nhân chính đã
gây ra phân hóa và chia rẽ Phật giáo Việt Nam từ năm 1963 đến
nay, mà nguyên nhân chính là hệ thống tổ chức Giáo Hội.
Như chúng ta đều biết, hiến chương của
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), thiết lập cơ
sở từ trung ương đến địa phương rập khuôn cách tổ chức của một
nhà nước. Năm 1981, thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPHVN)
được thành lập. Mặc dù nội dung bản Hiến Chương khác xa nhau,
nhưng cách sắp xếp các chức vụ để điều hành Phật sự thì lại hoàn
toàn giống nhau, chỉ có khác cách gọi mà thôi, vídụ Viện Trưởng
Viện Hóa Đạo thì đổi là Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương, còn
Tổng Vụ Trưởng thư đổi là Trưởng Ban, các chức vụ ở Tỉnh và
huyện cũng thế, Chánh Đại diện tỉnh thì nay gọi là Trưởng Ban
Trị Sự Tỉnh v.v...
Thực ra, các nhà sáng lập ra GHPGVNTN đã
cưu mang hoài bão rất lớn cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam
(được thể hiện qua lời mở đầu hiến chương, rất ngắn gọn nhưng
lại súc tích vô cùng). Tuy nhiên hoài bão lớn nhưng lại quên đi
vấn đề nhân sự để phục vụ trong cơ chế ấy. Tăng sĩ của Phật giáo
Việt Nam tương đối khá đông, nhưng có được bao nhiêu tăng sĩ
thỏng tay vào chợ đời mà không bị quyến rũ. Thực tế là từ năm
1963 đến nay, một số tăng sĩ đã xem hệ thống tổ chức của Giáo
Hội như là nơi tiến thân rất tốt cho bản thân họ (Dù những tăng
sĩ này chỉ là thiểu số, nhưng con sâu thì luôn luôn làm rầu nồi
canh). Một số ít họ vào đạo để làm việc đó, vì việc tiến thân
trong đạo có vẻ dễ hơn, vì họ đã có sẵn cái hình thức của kẻ đã
vứt bỏ hết mọi ham muốn thế tục, mặc dù tâm niệm cũng như hành
động của một thiểu số đó là thế tục hơn cả thế tục nữa.
Trước 1975, các tăng sĩ chỉ giữ các chức
vụ trong giáo hội, thế nhưng không khí trong chốn thiền môn đã
bắt đầu ô nhiễm bởi lợi danh giống như người thế gian rồi. Vậy
mà từ 1981 đến nay, ngoài các chức vụ trong giáo hội, các tăng
sĩ có điều kiện lại còn dòm ngó đến các chức vụ ngoài thế gian
nữa, như thành viên mặt trận, hội đồng nhân dân tỉnh, thành,
v.v... nên không khí trong chốn thiền môn đã bị ô nhiễm hơn. Đó
là chưa nói đến việc các văn phòng của giáo hội hiện nay, không
thiếu gì những ông xã trưởng, lý trưởng ở thời phong kiến, hay
chủ tịch phường, chủ tịch xã trong những năm dưới thời bao cấp.
Những tăng sĩ này ngồi đó, không phải để hướng dẫn Phật tử tu
học và từ bỏ bởi những ràng buộc của thế gian, mà họ ngồi đó để
tự khẳng định quyền hành của mình qua những nguyên tắc hành
chính của thế gian vậy. Đúng như lời nhận định của giáo sư Lý
Nguyên Quân : "Thiếu nội lực và yếu kém phẩm chất mà lại mang
thân vào đời để đảm nhận các mặt thế trị phức tạp của một tổ
chức giáo hội như yêu cầu mong muốn thì thật khó tránh được cái
"họa sát thân". Cái họa đã rõ, ít ra là từ 1963 đến nay. Ngoại
trừ một số vị giữ mình nghiêm mật, còn một số lớn đã không tránh
được cái bả lợi danh của thế tục".
Đây quả là thực trạng đáng buồn và nhất là
đáng xấu hổ của Phật Giáo Việt Nam hiện nay.
2. Nguyên nhân căn bệnh và phương
pháp chữa trị
Bài "Phật Giáo Việt Nam trước ngưỡng cửa
thế kỷ 21" của Giáo sư Lý Nguyên Quân đăng ở "Phật Giáo trong
thế kỷ mới" tập I do Giao Điểm xuất bản tại Hoa Kỳ 1996. Theo
tôi, không những Giáo Sư đã nói lên được tấm lòng của chính mình
mà dường như còn nói thay cho những người đã từng đem hết tấm
lòng mình hiến dân cho Phật Giáo Việt Nam, hay những kẻ đã từng
"khóc cười" với Phật Giáo Việt Nam, nói theo cách nói của giáo
sư.
Cũng chính trong bài ấy, tác giả không
những đã tìm thấy được nguyên nhân căn bệnh, mà gần như còn đưa
ra được phương pháp để chữa trị căn bệnh trầm kha của Phật Giáo
Việt Nam. Nghĩa là đã phát họa đại cương cho hướng đi của Phật
Giáo Việt Nam trong thế kỷ mới. Theo giáo sư Lý Nguyên Quân thì,
Phật Giáo Việt Nam ít nhất là từ 1963 đến nay "cứ bị lôi cuốn
hút vào con lốc của thời thế để không có được những quan tâm
đúng mức nhu cầu sanh tử này của Phật giáo".
Nhu cầu sanh tử này là gì ? Giáo sư viết
"Như xương sống của cơ thể, những trung tâm tu học và truyền
thống tu tập là yếu tố quyết định tối hậu cho lịch sử hưng vong
của Phật giáo xưa nay. Thử tượng tượng, Phật giáo Trung Hoa mà
không có các bậc cổ đức đời đời nối tiếp thiếp lập các đạo tràng
dịch kinh, giảng kinh, nói pháp, thành lập các pháp môn tu tập
Thiền, Tịnh và các tòng lâm hướng dẫn đồ chúng tu tập thì di sản
Phật Giáo Trung Hoa có còn gì ? Như Phật Giáo Nhật Bản, không
phải là Tổng Hội Phật Giáo Nhật Bản, thường được xem là cơ cấu
đại diện cho Phật Giáo Nhật Bản. Nắm mạng mạch của Phật giáo ở
đây, mà chính là hệ thống của tông phái với những sắc thái sinh
hoạt và truyền thống tu tập khác nhau được giữ gìn đã tạo nên
cái sức sống cho Phật giáo xứ này. Phật Giáo Tây Tạng đang phải
chịu đựng một trong những thảm kịch đau thương nhất của lịch sử
dân tộc mà tương lai chưa biết thế nào thì Phật Giáo Tây Tạng
theo cùng tình cảnh lưu vong của một phần dân tộc họ, lại đang
ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh và trí tuệ của con người
Tây phương".
Như vậy, qua kinh nghiệm của lịch sử Phật
Giáo Nhật Bản, Trung Hoa và đặc biệt là vị trí của Phật Giáo Tây
Tạng hiện nay thì, sở trường của Phật Giáo chính là những giá
trị tâm linh siêu việt. Nhưng thế giới tâm kinh siêu việt lại
chỉ thành tựu trong các tu viện, thiền viện, hay nơi những cá
nhân sống âm thầm xa trần tục, chứ không phải tại các trụ sở
Giáo Hội quá nặng nề thế trị như hiện nay. Nói như vậy, không có
nghĩa chúng ta muốn Phật giáo phải trở lại trong bốn bức tường
thành của Thiền môn, vì một lối tu tập như vậy chẳng còn thích
hợp với thời đại nữa. Nhưng chắc chắn, Phật Giáo Việt Nam muốn
tồn tại và phát triển trong thế kỷ 21 thì phải bắt đầu ngay từ
bây giờ củng cố cái xương sống của chính mình bằng cách trở lại
các trung tâm nghiên cứu, thiền viện, tu viện, như đại tòng lâm
để các tăng sĩ đủ phương tiện mà tăng trưởng trí tuệ và trau dồi
đạo hạnh. Chúng ta tin chắc rằng, khi đời sống tâm linh và trí
thức phát triển mạnh mẽ thì cái bả lợi danh của thế tục sẽ không
còn dám bén mảng đến cổng tu viện nữa.
3.Vấn đề nguy hiểm mà tăng sĩ
Phật Giáo Việt Nam phải đối mặt trong thế kỷ 21
Không còn hồ nghi gì nữa, chắc chắn trong
thế kỷ tới, đời sống đô thị sẽ phát triển rầm rộ ở Việt Nam. Văn
minh đô thị đi đến đâu thì đời sống nặng nề về hưởng thụ sẽ đi
đến đó. Đọc lịch sử Phật Giáo Nhật Bản chúng ta còn nhớ, có một
thiền sư sống cách xa chúng ta hơn một ngàn năm rồi, vậy mà Ngài
đã nhìn thấy được sự nguy hiểm của đời sống đô thị với đạo
nghiệp của các tăng sĩ, vì những thế hệ đi trước Ngài đã hưởng
thụ quá nhiều, người đó chính là Truyền Giác Đại Sư (DENYO
DAISHI, 767-823). Chính Đại Sư đã chọn ngọn núi Tỉ Duệ (Hisi)
cao nhất ngất ở Kyoto đề làn trung tâm hoạt động của Thiên Thai
Tông, và cũng để cho các tăng sĩ thuộc phái Thiên Thai Tông
tránh xa đời sống đô thị ở kinh đô Kyoto.
Điều mà Truyền Giác Đại Sư đã nhìn thấy
hơn một ngàn năm trước bây giờ chẳng những đang lập lại, mà còn
lập lại một cách nguy hiểm hơn nữa cho các tăng sĩ đang sống ở
đô thị.
Báo chí Phật giáo trong nước trong thơi
gian gần đây, đã can đảm phản ảnh rất nhiều về hiện tượng sa đọa
của một số tăng sĩ đang sống tại các thành phố, nhất là những
thành phố, nhất là những thành phố lớn như Sài Gòn chẳng hạn.
Và chúng ta, những tăng sĩ của Phật Giáo
Việt Nam cũng phải can đảm mà thừa nhận rằng, hầu hết chúng ta
đều không còn thích sống ở những nơi mà gần như thiếu vắng tiện
nghi của đời sống đô thị, mặc dù hầu hết tăng sĩ Việt Nam đều
được sanh ra và lớn lên ở các miền thôn dã. Nói như vậy, không
có nghĩa là tăng sĩ phải trở về sống lại các chùa ở thôn dã,
càng không phải sống thơ mộng như một bài thơ xưa, một túp lều
tranh khiêm tốn trên núi cao, mà một nửa dành cho những đám mây
trắng, còn nửa kia thì dành cho những nhà ẩn sĩ. Điều quan trọng
là tăng sĩ chúng ta phải tự đấu tranh với chính mình để vượt qua
những thú vui vật dục tầm thường mà đời sống đô thị đã quyến rũ
chúng ta, phải vượt qua được thử thách đầy hiểm nguy này, thì
chúng ta mới khẳng định được rằng, chính những giá trị tâm linh
siêu việt của Phật giáo mới đem lại sự an lạc và hạnh phúc vĩnh
cửu cho con người, còn các thú vui vật chất thì chỉ đem lại bất
an và tạm bợ mà thôi.
4. Nhưng không phải chỉ có Phật
Giáo Việt Nam mới sai lầm
"Phật giáo dù đã vấp phải những lỗi lầm và
ngu ngốc trong lịch sử của nó ở Nhật Bản, không có gì nghi ngờ
rằng nó là một thế lực tâm linh rất mạnh đã từng bảo dưỡng dân
Nhật, với tư cách một quốc gia cũng như trên phương tiện cá
nhân, trong những công trình chung của văn minh. Không có Phật
giáo, Nhật Bản tất nhiên không thể đạt tới trình độ văn hóa và
khai phát hiện tại". (D. T. Suzuki, Thiền Luận, quyển hạ, Tuệ Sỹ
dịch, NXB An Tiêm 1973).
Đoạn trên D. T. Suzuki muốn nói đến Phật
Giáo Nhật Bản sau thời đại Kiến Thương (Kamakura, 1168-1334).
Nghĩa là sau thời đại Kiến Thương chùa chiền dưới sự bảo trợ của
các ông Hoàng và các lãnh chúa vẫn tiếp tục được xây cất nhiều
hơn lên, giai cấp tăng lữ cũng thịnh hành hơn nhưng cũng phức
tạp hơn, họ được hưởng quá nhiều đặc quyền đặc biệt. Nhưng Phật
giáo thì lại đã mất hết sinh động, chỉ còn tồn tại như một tín
ngưỡng, nặng nề về hình thức sùng bái, còn về mặt học thuật thì
từ chương, suy lý và quá rườm rà.
Tuy nhiên, Phật giáo Nhật Bản, vẫn theo D.
T. Suzuki cuối cùng đã tỉnh giấc ngủ say. khi chế độ phong kiến
bị sụp đổ, Thiên Chúa giáo được truyền vào với những phương pháp
tân kỳ và nắm vững các quan niệm tiên tiến, mặc dù Thiên Chúa
giáo đã từng sống chung với Phật giáo một thời gian dài trước
đó. Phật Giáo Nhật Bản không còn cách lựa chọn nào hơn, hoặc là
bị diệt vong, hoặc là phải vùng dậy, bằng cách đào bới lại nguồn
sinh động vẫn còn tiềm ẩn để phát triển và đã trở thành một Phật
Giáo Nhật Bản huy hoàng như hiện nay.
Có lẽ, trường hợp Phật Giáo Nhật Bản có
cái gì tương tự như trường hợp của Phật Giáo Việt Nam. Dường như
lẽ thịnh suy thì ở nơi nào cũng thế, nếu có khác nhau thì chỉ
khác ở chỗ là có sớm nhận ra sự sai lầm của mình để mà điều
chỉnh hướng đi cho đúng cách không thôi.
Phật Giáo Việt Nam sau gần năm thế kỷ cực
thịnh, thì bắt đầu suy yếu dần ở cuối đời nhà Trần. Đến đời Lê
thì chùa chiền, tăng lữ vẫn còn đó, nhưng cũng đã mất hết sinh
khi, và cũng chỉ tồn tại như một hình thức tín ngưỡng nặng nề
cúng bái mà thôi. Phải đợi cho đến đầu thế kỷ 20, khi khoa học
Tây phương vào và Thiên Chúa giáo, tôn giáo của kẻ xâm lược bắt
đầu xâm lấn, thì Phật Giáo Việt Nam mới chịu thức tỉnh, mới khởi
sự chấn hưng. Năm 1963 dường như Phật Giáo Việt Nam đã lấy lại
được vị trí lịch sử của mình, nhưng chẳng bao lâu thì những oan
nghiệp và ngang trái một lần nữa lại đến với Phật Giáo Việt Nam.
Nhưng chúng ta có đủ chứng cơ để tin rằng,
đây là pháp nạn cuối cùng của Phật Giáo Việt Nam. Vì thế giới đã
đổi thay, đất nước cũng đang thay đổi, lẽ nào Phật Giáo Việt Nam
lại không như thế. Niềm hy vọng mà chúng ta có thể thấy được là,
hiện nay Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước đều ý thức
rằng, hơn ba thập niên qua Phật giáo đã lãng phí quá nhiều thời
gian trong những cuộc tranh chấp với thế gian mà lại quên đi cái
sở trường của chính mình. Một lần nữa, xin được nhắc lại lời của
giáo sư Lý Nguyên Quân : "Như cái xương sống của cơ thể, những
trung tâm tu học và truyền thống tu tập, đã là yếu tố quyết định
tối hậu cho lịch sử hưng vong của Phật giáo xưa nay". (1)
Phật Giáo Nhật Bản cũng là từng phạm phải
những sai lầm, nhưng cuối cùng đã vượt qua được để có một Phật
Giáo Nhật Bản như ngày nay.
Cầu mong Phật Giáo Việt Nam cũng sẽ như
vậy, để tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước có điều kiện dựng
xây lại Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ sắp đến, vẫn tiếp tục
con đường mà Khuông Việt Thiền Sư, Vạn Hạnh Thiền Sư, Mãn Giác
Thiền Sư, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông Thiền Sư, Trần
Nhân Tông Thiền Sư và tất cả những Thiền Sư khác của Lý Trần đã
làm và nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho toàn thểdân tộc vậy.
Chú thích :
1. Tất cả những đoạn
trên đầu trích trong bài "Phật Giáo Việt Nam trước ngưỡng cửa
thế kỷ 21" được in trong "Phật Giáo trong thế kỷ mới" do Giao
Điểm xuất bản tại Mỹ 1996.
|