I.
Nếu hai câu thơ chữ Hán được biết đến
nhiều nhất của Nguyễn Du là:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Chẳng biết hơn ba trăm năm sau này
Thiên hạ có ai người khóc Tố Như chăng?
(Ðộc tiểu thanh ký)
Là tiếng thở dài tuyệt vọng trước cái
chết, thì hai câu trong bài Mỵ Trung Mạn Hứng (Cảm hứng
lan man trong tù), lại nói lên hết tất cả nỗi cô độc của Nguyễn
Du ngay giữa thời đại mà thi nhân đang sống:
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ
Hồng Sơn sơn hạ Quế Giang lâm
Ta có tấc lòng không biết nói cùng ai
Vì nó sâu thẳm như nước sông Lam dưới
chân núi Hồng Lĩnh
Nhưng làm sao ta có thể biết được tấc lòng
của Nguyễn Du? Hay nói một cách dễ hiểu hơn là Nguyễn Du ôm cái
hoài bão gì cho cuộc đời để khiến cho thi nhân phải cô độc như
vậy?
Nguyễn Nễ, anh cùng cha cùng mẹ với Nguyễn
Du, lúc bấy giờ đang làm quan cho triều đình Tây Sơn với chức
Hàn Lâm Viện Thị Thư, năm 1790 lại sung làm phó sứ đi cùng với
vua Quang Trung (giả) sang Trung Quốc chầu vua Càn Long của nhà
Thanh. Khi trở về nước (1791) lại được thăng chức Nghi Thành
Hầu. Trong cảnh vinh hiển đó, Nguyễn Nễ chạnh lòng nhớ đến
Nguyễn Du, người em có “chí cỡi mây” của mình, không biết hiện
đang lưu lạc ở nơi nào? Nguyễn Nễ liền có thư gởi em:
Tố Như hà xứ trú
Linh lạc tối kham ai,
Tự hữu lăng vân chí
Hoàn vô thiệp thế tài
Tố Như ở nơi nào?
Lưu lạc thật đáng thương
Người vốn có chí cỡi mây
Nhưng lại không có tài giao thiệp với
đời! (1)
Nguyễn Du vốn không ưa Tây Sơn và đã ra
mặt chống đối. Gia phả có chép năm 1789 Nguyễn Du định theo Lê
Chiêu Thống sang Trung Quốc nhưng không kịp. Ở đây, ta không bàn
đến việc Nguyễn Du chống Tây Sơn là đúng hay sai. Một người như
Nguyễn Du tất nhiên phải có cái lý riêng của mình trong việc
chống đối nhà Tây Sơn. Vì thực ra, lịch sử cổ kim cho ta thấy,
không có triều đại nào hay chế độ chính trị nào đều là hoàn hảo
cả, và hễ ai chống đối Tây Sơn , đều là “phản động” hết, như có
một số sử gia thời “bao cấp” đã từng làm như vậy.
Nhưng chống đối Tây Sơn thế có nghĩa là
Nguyễn Du trung thành với nhà Lê?
Thực ra, đó chỉ là lối suy nghĩ của các
nhà Nho “hương nguyện” của thời xưa và một số nhà mô phạm quá nô
lệ vào trường óc của thời bấy giờ thôi, chứ người mà đã được ca
tụng là:”Có cái con mắt trông suốt cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ
suốt cả nghìn đời” thì đâu có làm cái việc quá tầm thường như
vậy.
Vì trong một bài thơ Nguyễn Du đã gọi
những người trung thành với một triều đại hay một cá nhân nào đó
là những kẻ ngu trung:
Bá đồ dẫn diệt thiên niên hậu
Cổ mộ hoàn lương tam xích thu
Ða thiểu nhất tâm trung sở sự
Mỗi vi thiên hạ tiếu kỳ ngu
Nghiệp bá tiêu tan đã nghìn năm rồi
Nấm mộ cổ ba thước hoang lạnh trong mùa
thu
Bao nhiêu kẻ một lòng trung thành với
người mình thờ
Thường bị người đời cười mình ngu (2)
(Á phụ mộ)
Cũng vậy, khi Nguyễn Du đứng nhìn dòng
sông Vị Hoàng, nơi mà vào năm 1786 Nguyễn Huệ đã kéo quân ra
Thăng Long, lật đổ chúa Trịnh sau 216 năm trị vì ở ngôi chúa, và
hai năm sau 1788 thì nhà Lê cũng sụp đổ theo. Nhưng với “cái
lòng nghĩ suốt nghìn đời” Nguyễn Du đã viết:
Cổ kim vị kiến thiên niên quốc
Hình thế không lưu bách chiến danh
Mạc hướng thanh hoa thôn khẩu vọng
Ðiệp Sơn bất cải cựu thời thanh
Xưa nay ta chưa từng thấy triều đại nào
bền vững nghìn năm
Hình thể còn để lại cái tiếng trăm trận
trăm thắng.
Thôi đừng nhìn về cửa sông thôn Thanh
Hoa nữa
Dãy núi Ðiệp Sơn vẫn không đổi sắc xanh
thuở trước (3)
(Vị hoàng doanh)
Như vậy, đối với Nguyễn Du, sắc xanh
của núi Tam Ðiệp, tức là tiêu biểu cho cái đẹp vĩnh cửu vẫn
quan trọng hơn là những sự thịnh suy của các triều đại, hay sự
thay ngôi đổi chủ mà Nguyễn Du đang là nhân chứng mà cũng là nạn
nhân của cuộc đổi thay này nữa. Ngay cả khi bất đắc dĩ phải ra
làm quan, ông vẫn bướng bỉnh khinh bỉ thứ lợi danh mà hầu như
thời nào con người cũng thèm muốn, thèm muốn đến nỗi phải đánh
mất phẩm giá của mình:
Vô bệnh cố vô câu
Không bệnh mà lưng vẫn khom khom
Câu trên được trích trong bài Thu Chí
(Thu đến), được Nguyễn Du sáng tác trong những năm phục vụ
cho triều Nguyễn ở Phú Xuân.
Vậy thì, tấc lòng hay hoài bão của Nguyễn
Du là gì?
Một nhà nghiên cứu Nguyễn Du ở thời hiện
đại đã giải đáp:
“... Tâm sự Nguyễn Du vào thời điểm đó,
lúc ông viết Thanh Hiên, thì bất quá cũng như tâm sự của bao
nhiêu nhà thơ cổ của Việt Nam và Trung Quốc dưới các triều đại
phong kiến suy tàn, xã hội loạn lạc. Nghĩa là buồn chán, sầu
mộng, bất lực và muốn đi ở ẩn, nghĩa là muốn xa lánh đời sống ô
trọc để giữ lấy thanh cao trong nhân cách của mình. Nhưng ở
Nguyễn Du thì cái đó có phần sâu sắc hơn, dằn vặt hơn và được
nói ra thành thật hơn, xúc động hơn...” (4)
Ở đây, không nói đến đúng hay sai trong
lời giải đáp đó, vì thực ra cũng chẳng có một tiêu chuẩn nào để
nói đúng hay sai trong tinh thần thi ca. Nhưng theo tôi, cách
giải thích như thế đã vô tình đánh mất sự vĩ đại của hai câu
thơ, đó là chưa muốn nói có cái gì mâu thuẫn trong cách lập luận
này của giáo sư Mai Quốc Liên vì nếu “bất quá cũng như tâm sự
của bao nhiêu nhà thơ cổ điển khác của Việt Nam và Trung Quốc
dưới các triều đại phong kiến suy tàn, xã hội loạn lạc...” thì
như vậy có nghĩa là rất có nhiều nhà Nho cùng mang nỗi buồn đó
chứ đâu phải chỉ một mình Nguyễn Du, để đen nỗi Nguyễn Du phải
than không có người để bày tỏ tấc lòng.
Có một bài thơ mà tôi nghĩ là có thể thấy
được phần nào tấc lòng và hoài bão của Nguyễn Du:
Ngã vọng Lam giang đầu,
Thốn tâm thường chủy
Thường khủng nhất thất túc,
Cốt một vô để chỉ.
Như hà thế gian nhân,
Thừa hiểm bất tri úy.
Khứ giã hà thao thao
Lai giả thường vị dĩ.
Ðế đức bản hiếu sanh
Na đắc thường như thị.
Nghĩ khu Thiên Nhẫn Sơn
Ðiều bình ngũ bách lý...
... Ta nhìn ra sông Lam
Tấc lòng thường lo ngại
Chỉ sợ lỡ sẩy chân
Ngập chìm không nổi lại.
Cớ sao người thế gian
Nguy hiểm không sợ hãi
Người trước ào ào đi
Người sau ùn ùn tới
Lòng trời vốn thương người
Cớ sao để thế mãi.
Mong xô Thiên Nhẫn kia
Lấp bằng sông Lam lại
(Ðào Duy Anh dịch)
Con người của chúng ta kể cũng lạ, bản
chất thì vốn “tham sanh úy tử”, nhưng hễ nơi nào có lợi danh (dù
là bèo bọt) thì lập tức lao đầu vào như con thiêu thân, mà không
hề nghĩ đến hậu quả thê thảm sẽ xảy ra, thật tội nghiệp làm
sao!
Nhưng Nguyễn Du không hề trách giận sự ngu
si ấy, mà giống như người cha trong Phẩm Phương Tiện của
Kinh Pháp Hoa, chỉ mong sao cho những đứa con ham chơi
của mình thoát khỏi ngôi nhà đang bốc cháy dữ dội ấy:” Ðại
trưởng giả thấy lửa dữ bốn phía dậy lên thì hết sức kinh sợ,
nghĩ rằng dầu ta có thể do nơi cái cửa lớn của ngôi nhà đang
cháy này mà thoát ra một cách an toàn, nhưng các con ta thì ở
trong nhà cửa như vậy mà vẫn ham chơi giỡn, không hay không
biết, không kinh sợ...” (HT Trí Quang dịch).
Những câu:
Ta nhìn ra sông Lam
Tấc lòng thường lo ngại
Chỉ sợ lỡ sẩy chân
Ngập chìm không nổi lại
Cớ sao người thế gian
Nguy hiểm không sợ hãi.
Chắc chắn phải mang âm hưởng từ lòng từ bi
vô hạn của người cha trong Kinh Pháp Hoa, và có thể là cả
Hoa Nghiêm nữa:
“... Thiện Tài đồng tử, trong lúc đang
tham quan thành phố Ca Tỳ La Vệ để học Ðạo nơi người con gái họ
Thích. Thiện Tài tự giới thiệu mình với vị thiên thần ở hội
trường của Bồ Tát:”Thưa Thánh giả, tôi tìm thấy niềm vui tuyệt
vời khi đi dập tắt ngọn lửa phiền não thiêu đốt chúng sanh. Tại
sao thế? Bồ Tát khi lên đường, khi bước vào Thánh Ðạo, không
phải như đang đi dạo trong một hoa viên tráng lệ. Bồ Tát khởi
hành từ một tấm lòng thương cảm xót xa, vô cùng xót xa, vì trái
tim rung động trước vô vàn thống khổ của chúng sanh. Thiện Tài
nói tiếp:” Thưa Thánh giả, vì tất cả chúng sanh đang bị nhận
chìm trong biển đời với vô lượng thống khổ, nên chư Bồ Tát dấy
lên mối thương cảm, phát khởi đại nguyện muốn ôm trọn cả thế
giới vào lòng...” (Tuệ Sỹ – Thắng Man giản luận).
Nguyễn Du vốn được hun đúc từ truyền thống
Phật giáo Ðại Thừa, đã từng trì tụng Kim Cang Bát Nhã đến
hơn cả ngàn lần. Như vậy tất nhiên Pháp Hoa và Hoa
Nghiêm cũng phải được Nguyễn Du trì tụng hàng ngày.
Núi Thiên Nhẫn và sông Lam vẫn còn đó,
nhưng tình thương bao la toả ra từ cõi thơ của Người còn quan
trọng hơn cả việc xô núi lấp sông kia nữa.
Tình thương đối với sự thống khổ của con
người, và lúc nào cũng mang một khát vọng là làm sao cho con
người thức tỉnh trước muôn vàn thống khổ đó! Phải chăng đó là
tấc lòng, là hoài bão của Nguyễn Du?
Nhưng làm sao để giải bày, và ai là người
để thi nhân tâm sự?
Ðại địa xứ xứ giai Mịch La
Trên mặt đất này đâu đâu cũng là dòng
sông Mịch La
Chẳng phải thi nhân đã một lần thốt lên
một cách đau đớn như vậy sao?
II.
Vào một ngày mà có lẽ lòng của Nguyễn Du
cũng mang nặng những ưu sầu như mùa thu buồn bã đang đến trên
kinh thành Phú Xuân này, vì:
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Khá thương mình đầu bạc rồi mà vẫn phải
chịu để người ta sai khiến
Từ một tâm trạng như vậy, Nguyễn Du vọng
về một ngôi chùa cổ ở trên núi Thiên Thai. Dù chùa chỉ cách có
một dòng sông thôi mà Nguyễn Du cảm thấy như không thể nào có
thể đến được. Ðến không được, không phải vì đường xa, mà có lẽ
xa vì tâm lý thì đúng hơn, vì khi đứng nhìn ngôi chùa ẩn trong
mây trắng rồi cúi xuống nhìn lại thân phận bi thảm của chính
mình, Nguyễn Du như cảm thấy hổ thẹn với những gì trên cao
kia...
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung
Mùa thu, chùa cổ như vùi trong lá vàng
Vị sư triều trước già trong mây trắng
Khá thương mình đầu bạc rồi mà vẫn phải
chịu để người sai khiến
Không cùng với núi xanh giữ được niềm
thủy chung
Ngôi chùa ấy theo Ðào Duy Anh là ngôi chùa
Thiền Tôn ở cố đô Huế hiện nay.
Vậy xin được trích lại toàn bài dưới đây
để chúng ta cùng hãnh diện vì ngôi tổ đình đã được thi hào
Nguyễn Du đến chiêm bái cách đây gần 200 năm. Ngôi tổ đình mà
một Thiền sư Việt Nam (Liễu Quán) đã khai mở dòng Thiền không
chỉ ảnh hưởng ở đàng trong vào thời đó nhờ trút bỏ được bớt màu
sắc Phật Giáo Trung Quốc và đào sâu vào đời sống của dân tộc, mà
cho đến ngày nay dòng Thiền đó vẫn phát triển mạnh mẽ không chỉ
ở tại miền Trung mà vào đến tận miền Nam nữa.
Thiên Thai sơn tại đế thành đông
Cách nhất điền giang tự bất không.
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung.
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo
Cảnh Hưng do quải cựu thời trung
Núi Thiên Thai ở phía Ðông hoàng thành
Cách một dòng sông dường như không đến
được
Mùa thu, chùa cổ như vùi trong lá vàng
Vị sư triều trước già trong mây trắng
Khá thương mình đầu bạc rồi vẫn phải
chịu để người sai khiến
Không cùng với núi xanh giữ được niềm
thuỷ chung.
Nhớ năm trước ta từng một lần đến đây
Còn thấy có treo quả chuông đúc thời
Cảnh Hưng ngày xưa
(Vọng Thiên Thai tự)
Khi dịch bài thơ này, dịch giả Ngô Linh
Ngọc có chú thích câu Cảnh Hưng do quải cựu thời chung,
như sau:”Cảnh Hưng niên hiệu Lê Hiến Tông (1740 – 1787) câu này
có một thoáng hoài niệm triều Lê, nhưng ở Nguyễn Du sự hoài niệm
này bao giờ cũng là một sự hoài niệm về một quá khứ đã qua và
không bao giờ trở lại nói chung, không chỉ là một sự hoài niệm
một triều đại” (5).
Chú thích như vậy theo tôi là rất đúng với
tinh thần thi ca, vì nếu Nguyễn Du chỉ hoài niệm triều Lê thôi
thì ngày nay đã không ai đọc thơ Nguyễn Du nữa rồi. Thứ hoài
niệm của Nguyễn Du phải được hiểu trong tinh thần hoài niệm mà
Rainer Maria Rilke, thi sĩ của nước Ðức đã nói rằng rất cần
thiết cho bất cứ một con người sáng tạo nào, vì chỉ trong hoài
niệm thì ta mới có dịp đi vào sâu thẳm trong chính tâm hồn của
chúng ta, như lời khuyên của Rilke cho một thi sĩ trẻ tuổi:
“... Dù ngay lúc ông đang ở nhà tù đi nữa,
giữa những vách tường bưng bít không để lọt vào những tiếng động
của thế gian, phải chăng ngay lúc đó trong lòng ông vẫn luôn
luôn còn lại tuổi thơ bé bỏng của ông, kho tàng vương giả quý
báu, sự giàu sang tuyệt vời, chất chứa bao nhiêu là kỷ niệm? Hãy
hướng tâm tư ông vào đó. Hãy cố gắng làm tuôn chảy ào ạt lại
những cảm giác ẩn chìm phát nguồn từ dĩ vãng bao la đó...”
(6).
Thế giới thi ca của Nguyễn Du chừng như
lúc nào cũng tràn ngập trong hoài niệm như vậy:
Sông nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Hai mắt trừng trừng luống tưởng nhớ lại
chuyện cũ...
Nhưng cái chuyện cũ ấy chỉ toàn là những
mảnh đời ly tán, những đau khổ và bất hạnh thôi, thì có thể nào
gọi là “sự giàu sang tuyệt vời” hay “vương giả quý báu” không?
Ta có thể giả thuyết như thế này: nếu một
con người đang thoả mãn với những gì mà người ấy đang có như địa
vị hay tài sản chẳng hạn thì làm sao họ còn biết nghĩ đến sự đau
khổ của người khác, vì chắc chắn trái tim của họ đã trơ lỳ mọi
cảm giác rồi. Chỉ có những người đang đau khổ thì trái tim của
họ mới dễ rung động đến những thống khổ của người khác. Khi một
trái tim tràn đầy tình thương như vậy thì tất nhiên chắc chắn
phải là “giàu sang” và “vương giả” rồi.
Ðó cũng là trường hợp của Nguyễn Du, dù
nhiều lần ông đã tự an ủi:
Bách niên đa thiểu thương tâm sự
Trong cõi trăm năm không nhiều thì ít,
đâu đâu cũng có mối thương tâm
Vào năm 1813, Nguyễn Du được triều đình
Phú Xuân cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. Gia Long lên ngôi năm
1802, như vậy là tính đến năm Nguyễn Du đi sứ, thì đất nước đã
trải qua hơn một thập niên sống trong thanh bình. Vậy mà vết
thương lòng của Nguyễn Du vẫn chưa lành.
Khởi hành từ Phú Xuân, kinh đô mới của
triều Nguyễn.
Trên đường đi, Nguyễn Du ghé lại Thăng
Long.
Khi đến Thăng Long, quan trấn thủ và bạn
bè cũ ở đây bèn mở tiệc khoản đãi. Buổi tiệc được mở đầu bởi
tiếng đàn và hát ca của các nữ nhạc. Khi nhìn xuống cuối chiếu,
Nguyễn Du thấy một nữ nhạc đã già , ăn mặc toàn vải thô lại còn
vá nhiều mảnh nữa, thân thể lại gầy còm, nhưng tiếng nhạc thì
nghe thật là dị thường:
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất
thanh
Ðó là những khúc đàn hay nhất trong
trời đất.
Nguyễn Du không ngờ người nữ nhạc
mặt đen, trông như quỷ (diện hắc, sắc như quỷ) đang ôm đàn đi
hát giữa phố chợ Thăng Long này, thì trước kia đã một thời nổi
danh giữa chốn cố đô này. Nguyễn Du chợt nhớ lại buổi gặp nàng
lần đầu tiên, hồi Nguyễn Du còn trai trẻ:
Kỳ thời tam thất chính phương niên
Hồng trang yểm ái đào hoa diện.
Ðà nhan hám thái tối nghi nhân
Lịch soạn ngũ thanh tuỳ thủ biến
... Lúc đó nàng khoảng hai mươi mốt
tuổi.
Áo hồng ánh lên mặt hoa đào
Má hừng rượu, vẻ ngây thơ, rất dễ
thương
Năm cung réo rắt, theo ngón tay mà thay
đổi điệu.
Hồi ấy, những tay anh hùng hảo hán, những
kẻ ăn chơi khét tiếng ở đất Thăng Long này đều sẵn sàng vứt tiền
qua cửa sổ để được vừa lòng nàng:
Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo
Triệt đã truy hoan bất truy bảo
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
Nê thổ kim tiền thủ thảo thảo.
Hào hoa ý khí lăng vương hầu
Ngũ lăng thiếu niên bất túc đạo
Tính tương tam thập lục cung xuân
Hoặc tố Trường An vô giá bảo
Các quan Tây Sơn trong tiệc đều say mê
điên đảo
Mải vui suốt đêm không biết chán
Bên tả bên hữu tranh nhau vãi thưởng
Tiền bạc coi rẻ như đất bùn
Ý khí hào hoa át cả các bậc vương hầu
Tưởng chừng ba mươi sáu cung xuân
Chung đúc một vật báu vô giá đất Trường
An
Nhưng khi tuổi xuân và nhan sắc đã
tàn phai thì cũng chính tại kinh thành Thăng Long này nàng đã bị
đời lãng quên:
Kỳ nhân lưu lạc thị triền
Hiệp kỹ dĩ ngao, thuộc tản bộ
Nàng lưu lạc ở các phố chợ,
Ôm đàn đi gảy dạo
Nghe tiếng đàn rồi nhìn người nữ
nhạc, Nguyễn Du không chỉ ngậm ngùi cho mọi số kiếp bi thảm của
con người, mà còn xót xa cho đất nước vừa trải qua cơn biến động
phũ phàng, mà dù bây giờ đã qua rồi, nhưng tang thương của cuộc
dâu bể như vẫn còn lưu lại vết hằn trên người nữ nhạc già nua và
đau khổ này:
Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự
Giám Hồ tịch trung tằng kiến chi.
Thành quách suy di nhân sự cải.
Kỷ xứ tang điền biến thương hải.
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong
Ca vũ không di nhất nhân tại
Thuấn tức bách niên năng kỷ thì
Khúc xưa đàn lên tôi tuôn nước mắt ngầm
Theo từng tiếng, tai lắng nghe mà lòng
chua xót!
Bỗng nhớ lại chuyện hai mươi năm xưa đã
từng thấy trong chiếu tiệc bên Hồ Giám
Thành quách suy đồi, việc người đổi
Bao nương dâu đã biến thành biển xanh
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan sạch
Trong làng múa hát còn sót lại một
người
Trăm năm thấm thoát trong một hơi thở,
một nháy mắt
(Long thành cầm giả ca – Quách Tấn dịch)
Dường như lúc nào đọc những bài thơ của
Nguyễn Du viết về Thăng Long cũng đều khơi dậy trong ta một nỗi
sầu tê tái về kiếp người, về những mảnh đời đã mất hay đang sắp
mất.
Nguyễn Du vốn quê ở Hà Tĩnh nhưng lại được
sanh ra và lớn lên ở kinh thành cổ kính này.
Bởi vậy có thể nói Thăng Long là nơi chứa
nhiều mâu thuẫn trong đời sống nội tâm của mình.
Trên bước đường lưu lạc, lòng thì lúc nào
cũng mơ ước được trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn ấy:
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
Bạc đầu còn được thấy Thăng Long
Mặc dù về đó chỉ để chuốc lấy nỗi khổ tâm
mà thôi:
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy
Nghĩ ngợi thâu đêm khổ tâm không ngủ
được
Tại sao về để đau khổ mà vẫn cứ
khao khát trở về?
Có lẽ không có nơi nào mà ta có thể nhận
ra sự đổ vỡ và ly tán của kiếp người hơn là nơi chốn mà ta đã
sanh ra và lớn lên.
Trên bước đường tha hương, một buổi chiều
âm u nào đo,ù lòng bỗng nhớ thương da diết, ta bèn lên đường trở
về. Nhưng khi vừa về đến nơi, ta mới chợt nhận ra rằng mọi sự đã
thay đổi hết rồi. Những người bạn thuở ấu thơ nay kẻ còn người
mất. Bước vào nhà gặp mẹ mà không dám nhìn thẳng vào mặt, vì ta
không đủ can đảm để nhận ra một sự thực phũ phàng rằng, mới mấy
năm trời xa quê thôi, mà mẹ đã già hẳn đi. Ngay cả nắng vàng của
buổi chiều hôm ấy cũng không còn gợi được trong lòng ta nỗi băn
khoăn như ngày nào mà trái lại nhìn nắng vàng ta chỉ thấy cuộc
đời xiêu đổ và tàn tạ mà thôi.
Rồi đêm hôm ấy, ta chẳng thể nào chợp mắt
được, vì tiếng sáo buồn buồn của thuở ấu thơ cứ vọng về trong
giấc ngủ chập chờn.
Một cảm giác xót xa nổi dậy. Rằng ta cảm
thấy xa lạ ngay trên mảnh đất mà ta hằng khao khát trở về.
Tôi có thể tưởng tượng như vậy, để có thể
cảm nhận được phần nào về chuyến trở về Thăng Long, nơi chôn
nhau cắt rốn của Nguyễn Du vào một buổi chiều cách đây đã gần
200 năm.
Tản lĩnh Lô giang tuế tuế đồng
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long,
Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất kiến cô thành một cố cung
Tương thất mỹ nhân khan bảo tử
Ðồng du hiệp thiếu tẩn thành ông
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy
Ðoản địch thanh thanh minh nguyệt trung
Núi Tản sông Lô vẫn núi sông
Bạc đầu còn thấy được Thăng Long
Nghìn năm cự thất thành quan lộ
Một giải tân thành lấp cố cung
Người đẹp thuở xưa đều bế trẻ
Bạn chơi thuở nhỏ thảy thành ông
Thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận
Ðịch thổi trăng trong chiếu não nùng
(8)
(Thăng Long 1)
Sau khi lên ngôi (1802) chính thức dời đô
về Phú Xuân (Huế), thì bốn năm sau, tức là vào năm 1805, Gia
Long cho phá thành Thăng Long cũ, và xây lại thành mới ít quy mô
và nhỏ hơn nhiều. Ðồng thời Gia Long cũng ra lệnh viết lại chữ
Long là rồng thành chữ Long là thịnh vượng. Như vậy là, kinh đô
do Lý Công Uẩn, vị hoàng đế xuất thân từ chốn Thiền môn sáng lập
vào năm 1010, một kinh đô mà sau đó đã chứng kiến một Lý Thường
Kiệt đánh Tống, một Trần Hưng Ðạo đánh Nguyên, một Lê Lợi đánh
Minh và một Nguyễn Huệ đánh Thanh đã thực sự bị xoá bỏ.
Khi Nguyễn Du đứng nhìn ánh trăng chiếu
sáng trên dãy thành mới xây, lòng cảm thấy xót xa vô cùng. Cũng
vẫn ánh trăng ngày xưa đó, nhưng đã mất rồi cái biểu tượng tinh
thần mà cả dân tộc đã tự hào gần hơn 800 năm lịch sử này.
Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành
Do thị Thăng Long cựu đế kinh
Cù hạng tứ khai mê cựu tích
Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
Mảnh trăng ngày xưa soi toả thành mới
Ðó là Thăng Long, đô thành của các
triều đại trước
Ðường sá mở bốn bề làm lạc hết các dấu
vết cũ
Ðàn sáo một loạt thay đổi, chen vào
những thanh điệu mới
Nhưng đau đớn hơn nữa là cùng với
sự xuất hiện của dãy thành mới, thì tất nhiên một thế lực mới
cũng hình thành. Thế là những người xu thời, những người hay
thay lòng đổi dạ cũng bắt đầu xuất hiện để kiếm chút lợi danh.
Còn những kẻ biết tự trọng thì đành phải sống trong cô độc:
Thiên niên phú quý cung tranh đoạt
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
Thế sự phù trầm hưu thán tức
Tự gia đầu bạch diệt tinh tinh
Tự ngàn xưa giàu sang vẫn làm mồi cho
sự giành giựt
Bạn thân thời tuổi trẻ đã hết nửa kẻ
mất người còn
Chuyện đời chìm nổi, thôi đừng than thở
nữa.
Nơi mình đây mái tóc cũng bạc phơ
Nếu bài Thăng Long 1 Nguyễn Du đã
nói lên hết nỗi sầu vạn cổ chất chứa trong hồn mình, thì ở bài
Thăng Long 2, không chỉ là lời than dài cho thế sự thăng trầm
thôi, mà thực ra Nguyễn Du còn tố cáo một cách hùng hồn rằng,
lịch sử xưa nay đã biết bao kẻ xem thiên hạ như món đồ chơi để
thoả mãn tham vọng của mình.
Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành
Do thị Thăng Long cựu đế kinh
Cù hạn tứ khai mê cựu tích
Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
Thiên niên phú quý cung tranh đoạt
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
Thế sự phù trầm hưu thán tích
Tự gia đầu bạch diệt tinh tinh
Thành mới trăng xưa bóng tỏ mờ
Thăng Long nghìn trước chốn kinh đô
Dấu xưa khuất lấp đường xe ngựa
Ðiệu mới xô bồ nhịp trúc tơ
Danh lợi mồi ngon đua cướp giựt
Bạn bè lớp trước sống lưa thưa
Nổi chìm thế sự đừng tham nữa
Mái tóc mình đây cũng bạc phơ (9)
(Thăng Long 2)
Và chính tình thương ấy, tình thương vì sự
thống khổ của con người đã đeo đuổi và ám ảnh mãi Nguyễn Du cho
đến cuối cuộc đời:
Vô cùng kim cổ thương tâm xứ
Y cựu thanh sơn tịch chiếu hồng
Thương tâm kim cổ vô cùng tận
Núi biếc ngày xưa bóng xế hồng
(Mạn hứng – Nguyễn Ðăng Thục dịch)
Khi đọc hai câu thơ trên, tôi có cảm tưởng
chừng như Nguyễn Du đã quỳ xuống để hôn lên tất cả những thống
khổ của con người trên mặt đất thê lương này.
III.
Trong bài Dạ Hành (Ði đêm) Nguyễn
Du đã tả lại một người đang bước đi trong đêm tối buốt lạnh.
Người ấy vừa bước đi mà lòng thì cứ trông sao cho một ngày mới
chóng đến:
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu
Nẻo đưởng mòn gió lạnh dồn cả vào một
người
Ðêm tối lúc này là lúc nào, mà không
thấy sáng.
Nhưng cũng chính trong cùng đêm tối
đó, lại còn có một nơi chốn khác, một nới chốn đầy an lành:
Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân
Phù âu tĩnh túc noãn sa tân
Vị sư già ngủ ngon trong mây núi Hồn
Lĩnh
Chim phù âu cũng thấm giấc nơi bến cát
ấm
Chừng như đêm tối và giá lạnh kia
chẳng ảnh hưởng gì đến vị sư già trên núi Hồng Lĩnh và con chim
phù âu nơi bến cát ấm kia cả, vì cả hai đều đang đánh một giấc
ngủ ngon lành.
Trong cõi đời mà ta đang sống đây chừng
cũng như vậy. Không phải chỉ có bất an và đau khổ không thôi, mà
còn có một nơi chốn an lành để ta có thể lên đường trở về.
Ðó cũng chính là niềm hy vọng mà ta luôn
luôn bắt gặp trong thế giới thi ca của Nguyễn Du.
Dù trong những chỗ tối tăm nhất của địa
ngục trần gian, ta vẫn nghe ra niềm hy vọng đó.
Trong truyệt Kiều chẳng hạn, không phải
chỉ có phản bội, lường gạt, trác táng, sa đọa mà bên cạnh đó ta
còn thấy một thế giới khác nữa, thế giới của hoang sơ, thanh
tịnh mà từ lâu ta đã vô tình đánh mất trên những con đường cát
bụi của trần gian:
Nâu sòng từ trở màu Thiền
Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu
(Kiều)
Ðó là nơi nào vậy? Là ngôi chùa chăng? Hay
cũng có thể là mái nhà xưa của mỗi người trong chúng ta?
Cửa Thiền vừa cử cuối xuân
Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời
(Kiều)
Hai câu thơ tả phong cảnh cuối xuân nơi
cửa Thiền. Nhưng đọc lên rồi, ta cứ tưởng như Nguyễn Du muốn ghi
lại niềm vui chứa chan của một người vừa trở về, sau bao thuở
lang thang phiêu bạt.
Và khi đã trở lại quê nhà rồi, thì thời
gian không còn là mối bận tâm ám ảnh đối với họ nữa. Dù đó là
cuối xuân hay đầu xuân, dù hạ đến thu đi hay đông tàn thì có
nghĩa là gì đâu? Vì từ đây một mùa xuân mới cũng vừa đơm bông
kết trái trong tận đáy hồn sâu thẳm của người vừa trở về.
Nhưng khi đã đưa con người trở về, nghĩa
là đã hoàn tất sứ mạng cứu vớt cuộc đời, thì cửa Thiền cũng khép
lại vĩnh viễn, thong dong ra đi như những đám mây trời đang bay
trên những đỉnh núi cao kia vậy:
Ðến nơi cửa đóng cài then
Rêu trùm kẻ ngạch cỏ len mái nhà
Sư đà hái thuốc phương xa
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu
(Kiều)
IV.
Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn
Người trí thì ham thích nước, còn người
nhân thì lại ham thích núi non.
Chí lý thay lời nói của Ðức Khổng Tử.
Vì thương sự thống khổ của con người, mà
biết bao bậc hiền nhân trác việt trong quá khứ đã từ bỏ tất cả
để lên đường đến tận những nơi thâm sơn cùng cốc với hy vọng sẽ
tìm được con đường để giải phóng cho nhân loại đang chìm ngập
trong khổ đau.
Và chẳng phải sự thành tựu tâm linh vĩ đại
nhất trong lịch sử của nhân loại cách đây đã hơn 20 thế kỷ cũng
đã từng xảy ra tại dãy núi cao nhất thế giới hay sao? Và con
người đã thực hiện sự thành tựu vĩ đại đó lại được tôn xưng là
Năng nhân tịch mặc. Như vậy rõ ràng là, chỉ có những
người ẩn cư trong chỗ vắng lặng thì mới có khả năng vĩ đại đem
tình thương đến cho nhân loại khổ đau mà thôi?
Và chẳng phải vào những năm cuối thế kỷ 20
và đầu thế kỷ 21 này, thì một phần giáo lý của đấng Năng nhân
tịch mặc ấy được bảo trì trên đỉnh núi Tuyết Sơn u tịch từ
20 thế kỷ nay lại có sức thuyết phục hơn bao giờ hết đối với
nhân loại ngày nay sau khi nhân loại đã thực sự thức tỉnh trước
những giáo điều cuồng tín, những ý thức hệ lỗi thời mà trong
thực tế đã đem đến cho họ không biết bao nhiêu là thảm họa?
Nhưng vì sao núi lại có sức thu hút đối
với những con người giàu tình thương đến như vậy?
Một nhà trí thức Tây Phương, mà sau đó đã
trở thành Lama Anagarika Govinda nổi tiếng khắp thế giới, lần
đầu tiên đứng trên núi Kalais thuộc đỉnh Tuyết Sơn hay còn gọi
là nóc nhà thế giới đã cho biết cảm tưởng ấy như thế này:
“... Tự nhiên trong một giây phút diễm ảo
kỳ lạ nào đó, cái hình ảnh mơ hồ ám ảnh tâm tư họ bao lâu nay
bỗng nhiên trở thành sự thật. Mộng và thực hoà nhập thành một,
cái ước vọng thầm kín, cái cảm giác thiếu thốn trong nội tâm họ
bỗng trở nên tràn đầy, khiến họ như ngụp lặn trong một cảm giác
an lạc tuyệt đối. Bắt đầu từ lúc này, cái cảm giác đó sẽ mãi mãi
ngự trị trong tâm tư họ vì tâm đã chuyển hóa, đã được nâng lên
một bình diện cao hơn” (10).
Như vậy là lý do đã rõ ràng, tình thương
chỉ toả ra từ những tâm thức đã đạt được sự bình an tuyệt đối,
còn những tâm hồn hỗn loạn, những tâm hồn khao khát quyền lực
thì tất nhien tâm thức của họ chỉ toả ra hận thù mà thôi.
Năm lên 7 tuổi Nguyễn Du đã rời Thăng Long
theo cha về quê là làng Tiên Ðiền, làng nằm dưới chân núi Hồng
Lĩnh. Nguyễn Du bắt đầu yêu núi non từ đó. Sau này lớn lên đi
bất cứ ở nơi nào hễ thấy núi dù là núi ở một đất nước xa lạ như
Trung Quốc thì Nguyễn Du cũng đều nhớ về núi Hồng Lĩnh ở quê
nhà:
Túc hữu ái sơn tích
Biệt hậu tứ hà như
Lai đáo Tiềm Sơn lộ
Uyển như Hồng Lĩnh cư
Vân hà viên khiếu ngoại
Tùng bách hạc sào dư
Ðinh hữu sơn trung bách
Bình sinh bất thức dư
Ta vốn có tình yêu núi
Sau ngày xa quê nhà, nhớ biết chừng
nào!
Tưởng như đang ở trong dãy Hồng Lĩnh.
Mây trắng bọc ngoài nơi có tiếng vượn
hú,
Cây tùng, cây bách thừa chỗ cho hạc làm
tổ.
Hẵng có người ở trong núi
Cả đời không hề quen biết ta (11)
Trong một bài thơ khác, Nguyễn Du nói rõ
hơn vì sao ông thiết tha núi non đến như vậy:
Mật thạch ngại xa mã
Tạp hoa đương tuế thì
Sơn ngoại hưng dữ phế
Sơn trung giai bất tri
Toán lai nhất niên trung
Sở ưu vô nhất thì
Sở dĩ sơn trung nhân
Nhân nhân giai kỳ di
Tùng hoa bách tử khẳng hứa thực
Bạch đầu khứ thử tương an quy
Ðá đầy lối đi cản xe ngựa
Nhìn trăm hoa, biết bốn mùa
Những cuộc hưng phế ngoài núi
Người trong núi đều không biết
Tính lại suốt một năm
Không lúc nào phải lo sợ
Nên người trong núi, ai ai cũng sống
lâu
Hoa tùng hạc bách mà ăn được
Khi đầu bạc, không về đây thì về đâu?
(12)
(Hoàng mai sơn thôn)
Trong nhiều bài thơ còn cho thấy không
phải Nguyễn Du chỉ yêu núi như một người đứng xa mà nhìn, ngược
lại ông còn là một hành giả nỗ lực để làm sao cho cái tâm của
mình sáng như ánh trăng và an trụ vững chắc như đỉnh núi xanh
bạt ngàn trước nhà kia vậy:
Ðạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt
Xử sĩ môn tiền thanh giả sơn
Tấm lòng của kẻ đạt nhân sáng tỏ như
vầng trăng
Trước cửa người ẩn dật ấy là sắc xanh
của núi
(Tạp ngâm 2)
Và chừng như Nguyễn Du cũng đã làm chủ
được cái tâm của chính mình rồi.
Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự
Tứ thời tâm kính tự như như
Lá rơi hoa rụng việc trước mắt
Bốn mùa tấm lòng như gương, vẫn tự
nhiên như thái không vậy
(Tạp thi 2)
Ðọc câu Tứ thời tâm kính tự như như,
thì ta có thể liên tưởng đến câu kệ của Thần Tú:
Tâm như minh kính đài
Tâm như đài gương sáng
Nguyễn Du có rất nhiều bài để nói
về cái tâm trong sáng và như như bất động của mình. Rõ ràng nhất
là bài Ðạo ý (Nói ý mình) Nguyễn Du đã ví cái tâm của
mình như nước trong lòng giếng cổ, không hề bị dao động bởi
những đợt sóng lao xao:
Minh nguyệt chiếu cổ tĩnh
Tĩnh thủy vô ba đào
Bất bị nhân khiên xả
Thử tâm chung bất giao
Túng bị nhân khiển xả
Nhất dao hoàn phục chỉ
Trạm trạm nhất phiến tâm
Minh nguyệt cổ tĩnh thủy
Trăng sáng lòng giếng cổ
Nước giếng không ba đào
Không bị người khuấy động
Lòng này không chút xao
Ðã bị người khuấy động
Xao rồi trở yên lặng
Vằng vặc một mảnh lòng
Giếng trong trăng rọi bóng (13)
Có lẽ vì đã đạt được cái tâm như vậy nên
đôi khi Nguyễn Du đã đứng lên trên mọi thứ thị phi tầm thường
của cuộc đời. Như ta còn nhớ những năm chạy loạn về lại quê nhà
ở dưới chân núi Hồng Lĩnh, Nguyễn Du đã tự nhận mình là Hồng sơn
liệp hộ (phường đi săn ở núi Hồng). Nhưng điều lạ lùng là đi
săn, nghĩa là dù muốn dù không cũng phải bắn giết thú vật, vậy
mà Nguyễn Du lại nhắc đến lòng nhân”
Bỉnh trừ dị loại bất phương nhân
Nhưng diệt trừ giống khác mà vẫn không
hại đến đức nhân
Thì quả thực Nguyễn Du là người đi
săn có thể nói là độc đáo nhất trong những gã thợ săn xưa nay:
Y quan đạt giã chí thanh vân
Ngô diệc lạc ngô mi lộc quyền
Giải thích nhân tình an tại hoạch
Bỉnh trừ dị loại bất phương nhân
Xạ miên thiều thảo hương do thấp
Khuyển độ trùng sơn phệ bất văn
Phù thế vi hoan các hữu đạo
Khu xả ủng cái thị hà nhân
Những người làm quan hiển đạt chí ở
đường mây
Còn ta, ta vui với lũ hươu nai
Ði săn, cốt sao tâm tình thư thái
Chứ không cốt bắt được nhiều thú
Mà dù có giết giống khác, cũng chẳng
hại đến lòng nhân
Con xạ hương ngủ ở bãi cỏ non, mùi thơm
còn đượm ướt
Con chó chạy băng qua núi, không còn
nghe rõ tiếng sủa
Ở đời mỗi người có một cách tìm thú vui
riêng
Lọng đón xe đưa, là ai đó nhỉ? (14)
(Liệp)
Có một bài thơ, mặc dù Nguyễn Du không nói
gì đến núi non. Nhưng phải là một tâm hồn vững chắc như núi non
thì mới có được cái nhìn khoét sâu vào tận tâm hồn của những
người mà tận bản chất vốn là bùn lầy nước đọng nhưng vì được
khoát bên ngoài chiếc áo quá lộng lẫy nên ít người nhận ra được
con người thực của họ.
Nguyễn Du đã mượn hình ảnh con Công, con
vật có bộ lông đẹp đẽ và múa hay để chỉ cho loại người này:
Khổng tước phủ hoài độc
Ngộ phục bất khả y
Ngoại lộ văn chương thể
Trung tàng sát phạt ky
Nhân khoa dung chỉ thiện
Ngã tích vũ mao kỳ
Hải hạc diệc hội vũ
Bất dữ thế nhân tri
Gan phổi công dầm độc
Ngộ độc thuốc không phương
Trong ngầm cơ sát phạt
Ngoài chuốt vẻ văn chương
Người khen dáng uyển chuyển
Ta tiếc mã huy hoàng
Hạc biển cũng biết múa
Không dung mắt thế thường (15)
(Khổng tước vũ)
Có vẻ như Nguyễn Du hơi thiếu tấm lòng bao
dung khi lên tiếng đả kích loại người này, loại người mà ông gọi
là:”Ngoài chuốt vẻ văn chương” nhưng bên trong “Gan phổi thì dầm
đầy nọc độc” này chăng? Chính vì tình thương vô hạn đối với họ
mà Nguyễn Du bất đắc dĩ phải mạt sát họ như vậy thì may ra họ
mới nhả nọc độc ra, vì nọc độc ấy không phải chỉ có nguy hiểm
cho cuộc đời thôi mà còn nguy hiểm cho chính họ nữa. Vì chắc
chắn một ngày nào đó họ cũng sẽ bị giết chết bởi chính nọc độc
của họ.
Khổng Tử ngày xưa cũng đã từng cảnh giác
cho ta đối với loại người :”Mã huy hoàng” này:
Xảo ngôn lệnh sắc, tiễn hỷ nhân
Người dùng lời nói khéo léo, làm ra sắc
mặt hiền lành,
Thì ít có lòng nhân
Nhưng ngọn lửa tình thương ấy
Nguyễn Du đã nhen nhúm tự bao giờ?
Trong bài Văn tế sống hai cô gái Trường
Lưu, đã được Nguyễn Du viết từ khi còn rất trẻ, ta đã thấy
Nguyễn Du bắt đầu nhắc đến Lòng Bồ Ðề hay Từ bi hỷ xả
rồi:
Tiếp đãi mấy đêm một mực
Lòng Bồ Ðề hỷ xả từ bi
Xôn xao một khắc ngàn vàng
Ðàn chẩn tế Ba La Bát Nhã
Vậy là không còn hồ nghi gĩ nữa,
tất cả tấm lòng, tất cả tình thương nồng nàn của Nguyễn Du đối
với bao nhiêu thống khổ của con người thể hiện từ Truyện Kiều,
Văn tế thập loại chúng sanh, đến ba tập thơ chữ Hán là
Thanh hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm đến Bắc
hành tạp lục đều khởi đầu từ lòng Bồ Ðề hỷ xả từ bi,
từ những ngày còn rất trẻ vậy.
Lòng từ bi ấy Nguyễn Du vẫn thường ước mơ
rằng phải làm sao cao chất ngất trong hồn mình như ngọn núi Hồng
Lĩnh của quê nhà, ngọn núi mà đã in sâu đậm trong tâm hồn và
nuôi dưỡng tấm lòng của Nguyễn Du từ những ngày còn thơ ấu:
Hồng sơn cao ngất mấy trùng
Ðò cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu
(Thác lời trai phường nón)
Có nhiều bản viết là Ðò cài mấy trượng
thì tình bấy nhiêu, nhưng chữ lòng mới là chữ Nguyễn
Du thường sử dụng nhiều nhất, chẳng hạn như trong Truyện
Kiều:
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Hoặc:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Hay:
Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra
Cũng có khi trong một câu mà Nguyễn Du
nhắc đến những hai lần chữ lòng, như trong Văn tế thập loại
chúng sanh, một trường thi tuyệt tác mà Nguyễn Du đã viết cho
Rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân theo truyền thống của dân
tộc ta:
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm...
Có lẽ chữ lòng trong hai câu
này thì hợp lý hơn là chữ tình vậy.
Lời kết:
Trong tác phẩm Nhớ nghĩ chiều
hôm, quyển sách mà theo Ðào Duy Anh đã cưu mang:”Từ những
đêm mất ngủ vì tuổi già, ôn lại những quãng đường mình đã trải
qua để ghi lại những đắc thất của mình...”. Nơi bìa sau của sách
có in bốn câu thơ mà Ðào Duy Anh muốn đáp lại hai câu thơ của
Nguyễn Du lúc còn sanh tiền cứ băn khoăn tự hỏi không biết 300
năm sau nữa có còn ai khóc thương mình hay không? Ðáp lại Nguyễn
Du nhưng thực ra ta phải hiểu Ðào Duy Anh cũng nhân đó mà gởi
gắm chút tâm sự của mình cho những thế hệ đi sau:
Ông hỏi ngày sau ai khóc mình
Mà nay bốn bể lại lừng danh
Cho hay tất cả đều mây nổi
Còn với non sông một chút tình
Năm 1966, Phạm Công Thiện, một thi
sĩ trẻ tuổi của Việt Nam, đến sau Ðào Duy Anh đến gần nửa thế
kỷ. Lúc đó đang lang thang tại Paris, trong Nỗi nhớ quê hương,
Phạm Công Thiện đã viết mấy lời mở đầu trong tác phẩm Im lặng
hố thẳm:” Gởi về Nguyễn Du, người cha tóc trắng của thi ca
và tư tưởng Việt Nam, ngồi im lặng trên mây núi Hồng, già với
gió thu, trở thành một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất của phương
Ðông”.
Nhưng đúng 30 năm sau, tức là vào năm
1996, Phạm Công Thiện đã đổi lại “Không phải Năm mà là
Ba, và không phải chỉ có phương Ðông mà của cả toàn
thế giới: Nguyễn Du là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nhân
loại”.
Nhưng với tôi đều quan trọng nhất vẫn là
lời tự, tức là lời mở đầu cho tác phẩm Nguyễn Du, đại
thi hào dân tộc, gần 500 trang của Phạm Công Thiện. Xin được
trích mấy dòng sau đây để thay cho lời kết:
“... Từ năm 1966 cho đến năm nay (1996),
ba chục năm tang hoang dâu bể, nhưng Hạo nhiên chi khí
của bậc đại thi hào dân tộc vẫn nuôi dưỡng liên tục tinh anh
thanh khí của tâm thức dân tộc Việt; tính mệnh của Việt Nam đang
trong thể chuyển động bất ngờ.
... Trong cơ âm cực dương hồi khôn hay
Nguyễn Du đã từng dạy dân tộc Việt
Nam như vậy và còn dạy rất nhiều bài học Thiền mật thơ mộng
khác.
Tất cả những gì vĩ đại nhất mà con người
có thể vướn tới được thể hiện rõ ràng dứt khoát trong toàn thể
thi nghiệp của bậc đại thiên tài dân tộc:
... Mùi Thiền đã bén muối dưa
Màu Thiền ăn mặc đã ưa nâu sòng
Chỉ từng đã sống qua thời gian viễn
ly mãnh liệt như vậy thì mới hiểu câu hỏi lạ lùng của Kim
Trọng:
Tẻ vui bởi tại lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai
Từ đó chúng ta mới có khả năng
trong sạch để hiểu thế nào là Vô tự trong toàn thể thi
nghiệp của bậc đại thi hào dân tộc” (16).
Vậy là dù có khác nhau về hoàn cảnh, vị
thế hay quan điểm .v..v. nhưng qua hình bóng của” Người cha tóc
trắng của thi ca và tư tưởng Việt Nam, ngồi yên lặng trên mây
núi Hồng” những người con ưu tú nhất của dân tộc Việt vẫn tiếp
tục trở về và bày tỏ tấm lòng thương nhớ của mình đối với bao
nhiêu thăng trầm của quê cha đất tổ vậy.
Nha Trang mùa Vu Lan 2547
Chú thích:
(I) Nguyễn
Du, niên phổ và tác phẩm của Nguyễn Thạch Giang và Trương
Chính, NXB Văn hoá thông tin, 2001.
(1) Tr. 29 – 30, (5) Tr. 241, (12) Tr.
901, (14) Tr. 574
(II) Nguyễn
Du toàn tập, Mai Quốc Liên chủ biên, NXB Văn học 1996
(2) Tr. 553, (4) Tr. 8, (11) Tr. 562
(III) Tố
Như thi, Quách Tấn dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn 1973
(3) Tr. 53, (7) Tr. 241 – 242, (8) Tr.
170, (9) Tr. 170, (13) Tr. 80,
(15) Tr. 86
(IV) Ðường
mây qua xứ tuyết, Nguyên Phong dịch
(10) Tr. 202 – 203
(V) Thơ gởi người thi sĩ trẻ tuổi,
Hoàng Thu Uyên dịch, NXB An Tiêm,
SG 1969
(6) Tr. 15,
(VI) Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc,
của Phạm Công Thiện,
NXB Viện triết lý Việt Nam và triết học
thế giới, California, Hoa Kỳ 1996.
(16) Tr. 15 – 16
|