Vấn đề Người dân tập trung khiếu kiện tại các trụ sở của
các Cơ quan Nhà nước Trung ương ở Hà Nội, thành phố Hồ
Chí Minh và các việc làm có tính chất trợ giúp người
khiếu kiện của một số vị tu hành và công dân khác đang
là vấn đề thời sự. Việc Hòa thượng Thích Chân Quang- một
vị Chân tu phát biểu không hoàn toàn xác đáng trên Đài
truyền hình Việt Nam vừa qua có thể gây hậu quả không
tốt cho tiến bộ xã hội. Muốn trao đổi với Hòa thượng
nhưng tôi không có địa chỉ vậy tôi mong Quý báo cho đăng
thư này như một thư ngỏ để thông tin có thể đến được với
Hòa thượng và có ích cho việc xây dựng Nhà nước pháp
quyền và xã hội dân sự. Bùi Đình Sệnh - Tổ 12 Cầu Diễn
Từ Liêm Hà Nội; điện thoại: 04 7641 586.
Kính gửi Hòa thượng Thích Chân Quang
Kính thưa Hòa thượng
Vừa qua tôi tình cờ được thấy hình và nghe Hòa thượng
nói trên Đài truyền hình trung ương, nghe xong tôi cảm
thấy hơi buồn và lòng trống trải, bâng khuâng.
Theo cảm nhận của tôi từ trước, Hòa thượng là một trong
những người tu hành Phật giáo, hành pháp và thuyết giảng
khế hợp với sự phát triển của xã hội hiện tại, có khá
nhiều người không những ở phía Trung, Nam mà cả ở phía
Bắc hâm mộ hướng về. Một số trí thức đọc nhiều còn gọi
thầy là Oshso (một đạo sư nổi tiếng người Ấn độ) của
Việt Nam.
Trong những trích đoạn video Hòa thượng nói về những
người dân khiếu kiện lâu dài, về Nhà nước và về những
đồng đạo của Hòa thượng (tuy Hòa thượng không chỉ
đích danh nhưng theo những hình ảnh khác của buổi phát
hình và các tin thời sự nổi bật thì người nghe Hòa
thượng hiểu Hòa thượng muốn đề cập tới Lão Hòa thượng
Thích Quảng Độ và những đồng đạo thân cận của Ngài).
Toàn bộ phát biểu của Hòa thượng dường như nhấn mạnh tới
tình thương yêu, sự kiên nhẫn và tôn trọng luật pháp.
Tuy nhiên lòng thương yêu, sự kiên nhẫn quý giá của Hòa
thượng là nghiêng về phía những người trực tiếp đại diện
cho Nhà nước ở địa phương và trung ương, những người có
trách nhiệm trực tiếp tới những khiếu kiện lâu dài và
khó khăn của công dân; còn lời khuyên tôn trọng luật
pháp dường như đặc biệt dành cho những người khiếu kiện
và các đồng đạo của Hòa thượng đang tỏ ra thông cảm và
hỗ trợ trong khuôn khổ luật pháp cho những công dân đang
phải khiếu kiện lâu dài.
Tôi thấy Hòa thượng có những nhận thức và phát biểu có
nhiều điểm ngược với cái thấy “như thật”, thiếu mức trí
huệ cần thiết cho những gì Hòa thượng đã đề cập.
Tuyệt đại đa số những người khiếu kiện tới các Trụ sở
tiếp công dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội và
tp Hồ Chí Minh thường là những người đã khiếu kiện ở các
cấp dưới nhưng không được giải quyết thỏa đáng như tinh
thần của Hiến pháp và pháp luật hiện hành quy định nên
họ phải rời xa quê quán tới các cơ quan Nhà nước trung
ương. Họ từ làng xã và cơ sở phải lên tới các Cơ quan
trung ương là họ đã phải cân nhắc rất nhiều và đã tham
khảo ý kiến của người có am hiểu pháp luật.
Theo nhiều số liệu và phát biểu của Cơ quan và cán bộ
nhà nước có thẩm quyền thì quá nửa các khiếu kiện của
công dân trong những năm vừa qua là đúng hoàn toàn hoặc
đúng một phần. Ngay sáng ngày 7/9/2007 vừa qua, Bí thư
Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định: Ở Hà Nội “Dân
khiếu kiện, phần nhiều là do cán bộ” tại Hội nghị triển
khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TU của Thành ủy Hà Nội
về tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong
công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên
địa bàn thành phố. Thế mà Hòa thượng nói một cách đơn
giản rằng: khiếu kiện như thế thì chưa biết ai đúng ai
sai vì Tòa án chưa xử. Việc giải quyết khiếu nại và tố
cáo của công dân theo pháp luật Việt Nam và thực tiễn tư
pháp Việt Nam chủ yếu không phải là ở nơi Tòa án. Nếu
Hòa thượng nhận thức như thế, thấy như thế sợ rằng sẽ có
thêm nhiều oan khuất và nhiều người xấu trong cả hai
phía người khiếu kiện và người bị khiếu kiện.
Đạo Phật trường tồn là do hướng tới Chân lý tối thượng
và Hạnh phúc chân chính qua Trí huệ và Từ bi. Tình
thương yêu cảm tính, không phân biệt thiện ác không phải
là Trí huệ và Từ bi; ít nhất nó không phải là tình
thương yêu của những người con Phật chân chính. Tình
thương yêu cảm tính, không phân biệt thiện ác rất nhiều
khi kéo tụt con người khỏi con đường tiến bộ, tu hành
theo Phật đạo.
Một điều làm tôi buồn hơn cả là ý tứ phê phán của Hòa
thượng với Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và các vị đồng
đạo thân cận.
Hòa thượng và các Ngài được coi là con trưởng của Phật,
trên con đường tu hành giải thoát không quên dìu dắt các
con, em; đây thật là hạnh phúc lớn lao của những người
được sống gần bên và được sự trợ giúp của các Ngài. Và
tôi thiển nghĩ Hòa thượng nên và phải dành nhiều hơn
tình thương yêu, sự thông cảm với những người đồng đạo
hơn là cho những người trực tiếp tạo ra oan khuất, tạo
ra quốc nạn tham nhũng. Tôi không hiểu đã có lúc nào Hòa
thượng đã trực tiếp chia sẻ tình thương yêu và cái thấy
của mình với với các vị đó chưa? Nếu chưa tôi nghĩ điều
này là cần thiết.
Người tu hành theo Phật đạo thường biết câu: “Phật pháp
vô biên nhưng khó độ người vô duyên”. Những cán bộ Nhà
nước tham nhũng, không chịu thực lòng tuân theo pháp
luật, một cam kết thành văn của cả một xã hội và là xu
thế tất yếu của thế giới loài người, nói một đường làm
một nẻo thì con đường tất yếu của họ là luân hồi trong
đau khổ, khó có thể có đủ những cao tăng đắc đạo trợ
duyên và cầu siêu cho họ như ngài Mục Kiền Liên cùng hội
thánh đã làm khi xưa.
Những phát biểu của Hòa thượng có thể có ích và cần
thiết nhiều cho nội bộ những đệ tử thân cận hay trực
tiếp cho các công dân đang phải khiếu kiện lâu dài và
đau khổ nhưng chắc chắn không có ích gì cho sự tiến bộ
xã hội và cho uy tín của Phật pháp vì những phát biểu đó
không đúng chỗ, không đúng lúc, không đúng người; do đó
xa rời Chánh pháp, có hại nhiều mặt cho cả hai phía,
người khiếu kiện và người bị khiếu kiện.
Lời ít nhưng tình nhiều mong Hòa thượng cảm nhận được sự
chân thành của tôi; kính chúc Hòa thượng thân tâm an lạc
và tu hành đắc đạo.
Bùi Đình Sệnh, Tổ 12 Cầu Diễn Từ Liêm Hà Nội |