Ý
kiến, quan điểm, . . . bày tỏ
dưới đây là của
tác giả,
Phù Sa hoàn toàn không có trách nhiệm. |
Chúc thọ Tứ Tượng
Những tình cảm quý mến của nhóm bạn Paris
Vào dịp Tất niên, trong khi mọi người nhộn nhịp mua sắm Tết
thì tại tư gia vùng ngoại ô Paris, một nhóm bạn hữu thâm niên
họp nhau lại, vừa tổ chức Tất niên vui với nhau, vừa để chúc
Thọ bốn vị Trưởng Lão trong nhóm mà anh em gọi là bốn vị “tứ
Tượng”, theo cách gọi của đảng Xã hội Pháp dành cho những
đảng viên cao cấp và thâm niên (éléphants = voi già).
Chọn dịp cuối năm, không chỉ chọn thời điểm theo truyền thống
Việt Nam nhằm kết thúc năm cũ trong tinh thần sum họp hài hòa,
thương yêu nhau, xóa bỏ những điều gì không hay, tin tưởng ở
năm mới những điều tốt đẹp hơn, mà còn vì bốn vị trong nhóm
bạn đều lên ngôi “bát tuần”.
Hai Đại Huynh, Luật sư Trần Thanh Hiệp và Đại tá Hồ Minh Châu,
ở Sa đéc trước 1975, đã lên Trưởng Lão từ đầu năm. Cụ Tiêu
Tùng Trần Thanh Hiệp là con người gian truân từ 1945 ở Hà nội,
tranh đấu sống mái với cộng sản. Cụ Hồ Minh Châu, trái lại, là
người … lè phè chống cộng cũng vẫn lên Đại tá. Cụ Võ Nhơn Trí,
nguyên cán bộ nghiên cứu kinh tế Nhà nước Hà nội bước qua
ngưỡng cửa bát tuần vào tháng mười. Sau cùng, Cụ Bùi Tín khoác
hoàng y kết thúc năm 2007.
Thế là nhóm bạn hữu vùng Paris của chúng tôi có một năm rực rỡ
chữ THỌ thật to.
Lúc Ban Tổ chức niêm yết danh sách bốn vị Trưởng Lão, có phổ
biến một thông cáo nội bộ, dành một tuần lễ để chờ có vị nào
muốn đôn tuổi lên Thượng Thọ trước niên hạn không ?
Một tuần qua, không ai ghi danh. Hai Cụ Tiểu Tử và Vũ Thư Hiên
đều bảo: “không ai dại đôn quân như vậy ”.
Bao nhiêu tuổi là THỌ ?
Ngày xưa ở Việt Nam, cha mẹ sống đến 50 tuổi được xem là
THỌ. Con trai trưởng, nếu không có con trai, thì con gái
trưởng, đứng ra tổ chức Lễ Thọ cho cha mẹ. Ý nghĩa của
Lễ Thọ là con cái tế lễ Trời Đất, tạ ơn Trời Đất đã cho cha mẹ
sống thọ, nhờ đó con cái có được điều kiện báo hiếu cha mẹ.
Ngày nay, theo điều tra khoa học, tuổi thọ trung bình là 78
tuổi cho phụ nữ, và 76 tuổi cho nam giới. Như vậy, tuổi thọ có
nhiều cách qui định, không đồng nhứt, nhiều địa phương khác
nhau ?
Để có được vài khái niệm sơ lược về tuổi thọ của người Á đông,
chúng tôi tìm đến tham khảo ý kiến uyên bác của một Thầy Đồ ở
Paris. Theo Cụ Đồ này, ngày nay người Việt Nam hay người Á
đông, nói chung, vẫn còn giữ lễ Lục Tuần, hay Đáo
Tuế, tức quay trở lại chu kỳ 60 năm, tức lễ Thọ.
Hay còn được gọi đó là
Hoa Giáp Chi
Niên.
Người được 60 tuổi gọi là “Kỳ lão”.
Từ đây, chúng tôi xin được gọi quí bạn hữu trong nhóm đã lên
Kỳ lão là Cụ. (Nên nhớ, trước đây, hai ông Hồ Chí Minh và
Ngô Đình Diệm lúc về nước nắm Chánh quyền, chỉ mới hơn 50
tuổi, đều để mọi người gọi mình bằng CỤ. Giờ đây, tại sao
chúng tôi không gọi các bạn của chúng tôi đã trên 60 là CỤ ?)
Người được 70 tuổi gọi là “Cổ Hi Thọ” bởi ngày xưa rất
ít người sống đến 70 tuổi. Do đó mới có câu “ thất thập
cổ lai hi ”:
“Tiểu trái tầm thường hành sử hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hi”.
Đại ý muốn nói “Món nợ nhỏ người thường dễ có. Người sống đến
70 tuổi thì hiếm”. Nhưng thọ 70 hãy còn thuộc hạng thấp,
TIỂU THỌ mà thôi. Người sống đến 80 tuổi hay “bát thập
kế chi ”, chỉ được xếp vào hạng
TRUNG THỌ.
Ở Việt Nam ngày xưa, tuổi 80 gọi là Trượng Triều. Người
được 80 tuổi có quyền cầm gậy (=trượng) đi vào Triều đình
(=triều) để dâng kiến nghị thẳng lên Vua, hoặc phê phán, đề
nghị với Triều đình về việc nước mà không bị ngăn cản. Vì vào
tuổi đó mà còn sáng suốt, còn quan tâm đến việc nước, không vì
tư lợi, thì nhà Vua và Triều đình phải lắng nghe. Truyền thống
tốt đẹp này được tôn trọng dưới thời quân chủ cực thịnh ở Việt
Nam, rất tiếc, ngày nay không còn nữa !
Từ
80 tuổi trở lên, gọi là “Tản Thọ”. Trên 90 tuổi mới
được gọi THƯỢNG THỌ. 100 tuổi, gọi
CAO THỌ.
108 tuổi, gọi TRÀ THỌ.
Chúng tôi có hỏi Cụ Đồ ý nghĩa của hai chữ Trà Thọ, Cụ
lắc đầu bảo Cụ cũng không hiểu tại sao lại gọi như thế.
Theo nấc thang tuổi thọ trên đây, thì bốn Đại Huynh của nhóm
bạn hữu chúng tôi chỉ mới bước qua ngạch
TRUNG THỌ
mà thôi. Các Cụ phải đợi mười năm nữa mới thật sự được chúc
mừng là THƯỢNG THỌ. Về tuổi Thọ của các Cụ, theo kết
quả điều tra chánh thức, chỉ … hơn các bà có 2 tuổi. Thôi thì
… các Cụ cố nhẫn nại vậy, chờ đến Thượng Thọ.
Những tình cảm đẹp của nhóm bạn hữu
Nhóm bạn hữu chúng tôi gồm mươi người, cư ngụ Paris và trên
hòn đảo Pháp, trong khoảng thời gian từ sau 1975, gặp nhau,
quen nhau qua những lần sinh hoạt cộng đồng, tranh đấu cho Dân
Chủ, Nhân Quyền Việt Nam. Lúc sau này, tức từ vài năm gần đây,
chúng tôi thường gặp nhau hơn, gần như định kỳ, một vài
tháng/lần, trong một bữa cơm đạm bạc, thân tình, để vừa thăm
hỏi sức khỏe nhau, vừa nhân cơ hội trao đổi về tình hình Việt
Nam cũng như tin tức Cộng đồng người Việt hải ngoại.
Về quan điểm, nếu có, không đồng nhất về môt số vấn đề là điều
tự nhiên. Nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến thân tình chơn
thật với nhau.
Sau
lần họp mặt kỳ trước, Cụ D. Kh đề nghị kỳ gặp nhau tới, anh em
mình làm Tất niên, luôn dịp chúc THỌ cho 4 Lão Tướng
trong nhóm. Mọi người đều hoan nghênh ý kiến đẹp của Cụ D. Kh.
Cụ Tiêu Tùng lúc bấy giờ hãy còn xuôi ngược trên đất Mỹ, sốt
sắng gởi thư về cho biết, Cụ hoàn toàn tán thành ý kiến của Cụ
D.Kh, đồng thời còn đề nghị là nếu có thể, tổ chức tại tư gia
của Cụ ở đường “Trại Mỹ nhân”, trong Paris để việc đi lại dễ
dàng cho nhiều người. Nhưng Cụ D. Kh. muốn tổ chức nơi quen
thuộc ở ngoại ô, đủ rộng rãi và thoải mái cho hơn mươi người
tham dự.
Người ở xa hơn hết là Cụ Phan văn Song, nhiệt tình đến từ hai
hôm trước, phụ lo tổ chức và … dành phần làm bếp. Người có
sáng kiến, Cụ. D. Kh., lãnh nhiệm vụ đi chợ. Cụ Võ Nhơn Trí,
một đối tượng buổi Lễ, lo việc rửa rau, trái cây, vì Cụ là
người ở sạch, kỹ lưỡng về vệ sinh ăn uống. Chỉ lúc ở tù VC sau
75 ở Bắc Mỹ Thuận, trên đường về Sa đéc ăn giỗ, bị kết tội
“toan vượt biển ở bờ sông Mỹ Thuận”, Cụ mới phải chịu nằm đất
và “ăn uống theo nhà tù” mà thôi.
 Mọi
người ngồi vào bàn. Cụ D. Kh. đứng lên tuyên bố lý do và giới
thiệu thực đơn : “Cá Hồi đút lò, bánh tráng, bún, Vin d’
Alsace, Bourgogne trắng”.
Mọi người không tiếc lời tán thưởng tài làm bếp của Cụ Phan
văn Song.
Đến tuần Champagne bánh ngọt, Cụ Trần Thanh Hiệp đề nghị mỗi
vị Trưởng Lão trong Tứ Tượng có vài lời về buổi họp mặt
hôm nay. Cụ Hiệp mời Cụ Bùi Tín. Có người bảo Cụ Bùi Tín vừa
mới lên bát tuần, nhưng rõ ra, tuổi thật của Cụ đã bát tuần từ
lâu rồi.
Đứng lên, với nét mặt đầy xúc động, Cụ nói: “Xin cảm ơn tất cả
các bạn nghĩ đến bốn anh em chúng tôi tuổi đếm tám mươi. Riêng
phần tôi, nay qua ngưỡng cửa 80, là điều phúc đức. Ở tuổi này,
đáng lẽ ra tôi phải được sống với gia đình, với vợ, con và các
cháu. Thế mà tôi đã phải sống xa hẳn những người yêu quí của
tôi, tính đến nay là 17 năm. Đó là một mất mát, một bất hạnh
rất lớn đối với tôi. Tuy nhiên, từ 17 năm nay ở hải ngoại, tôi
lại có được đông đảo bạn bè ở khắp nơi, ở Âu châu, ở Mỹ, ở
Canada, cả ở Á châu. Bạn bè người Việt và người ngoại quốc quí
mến tôi. Quí mến thật lòng. Từ buổi đầu, quen biết vì trao đổi
với nhau những thông tin, cùng hoạt động tranh đấu cho Việt
Nam. Dần dần về sau, trở thành những người bạn quí mến nhau
chân thật. Không thiếu những bạn trước kia ở trong Chánh
quyền, trong Quân đội Quốc gia, có cả cấp Tướng, như Tướng Lý
Tòng Bá, nay trở thành những người bạn thân, thật lòng. Điều
này bù lại cho tôi sự mất mát của 17 năm qua. Nay tôi chỉ có
tiếc một điều, là tôi đã mất hết 44 năm cho đảng cộng sản. Tôi
ra khỏi đảng trễ, nhưng hãy còn sớm hơn 2 triệu người kia, nay
vẫn còn theo cái đảng ấy”.
Cụ
nói thật lòng mình và không đè nén được sự xúc cảm, nước mắt
nhiều lần lưng tròng.
Anh em ngồi lắng nghe, xúc động theo sự xúc động của Cụ, và
chậm nước mắt khi Cụ dứt lời.
Cụ Trần Thanh Hiệp, Đệ nhị Trưởng Lão, tâm sự với anh em:
“Từ 1945, Cụ bị Cộng sản gạt. Cụ dẫn chứng từng trường hợp
lịch sử. Nay, già rồi, Cụ nhứt định sẽ không để bị gạt. Cụ có
thể bị thua cuôc, nhưng không để cộng sản lường gạt như những
lần trước đây nữa. Cụ nhấn mạnh, cộng sản là một lũ lúc nào
cũng tìm đủ cách lường gạt mọi người”.
Đệ tam Trưởng Lão, Cụ Hồ Minh Châu ôn tồn và vắn tắt: “Năm
nay, Cụ dầu 80 tuổi, nhưng biết sức mình còn khỏe lắm. Trước
mắt Cụ, tương lai còn dài, ngày về Việt Nam chắc chắn không
xa. Cụ đủ sức theo chân
anh em. Hiện
tại, anh em làm gì, Cụ sẵn sàng theo sát và ủng hộ”.
Đệ tứ Trưởng Lão, Võ Nhơn Trí, đứng lên với nét mặt xúc động,
cất tiếng chậm rãi, có nhiếu lúc Cụ phải ngưng lại, như để đè
nén sự xúc động, rồi mới tiếp được: “Tôi sống với cộng sản ở
Hà nội 23 năm, nên tôi hiểu chúng nó quá. Chúng nó không bao
giờ có tình cảm, mà cũng không có lý trí. Chúng nó lúc nào
cũng chỉ biết lường gạt, để bảo vệ quyền lợi của đảng, mà thực
chất, chính là quyền lợi riêng của nhóm chóp bu là trên hết”.
Tuần Champagne, bánh ngọt thêm ấm lòng mọi người cuối năm.
Thấy mọi người vui vẻ, Cụ Phan văn Song mở lời tâm sự với Cụ
Bùi Tín: “Tất cả anh em hôm nay đều cảm động lắng nghe anh.
Những lời bộc bạch của anh thật chân tình. Mà anh em, ai cũng
đều hiểu anh như thế. Không ai hiểu khác hơn. Nhân đây, mình
có vài lời như tâm sự với anh. Mình nghĩ đúng như
anh nói. Anh
em xa gần, bên này bên kia, người Việt hải ngoại và cả người
ngoại quốc, thương quí anh thật tình. Điều đó đem lại cho anh
sự bù đắp phần nào về sự mất mát tình cảm gia đình. Vậy, anh
nên nhận tất cả mọi người là bạn của anh. Anh là bạn thân quí
của tất cả. Anh không là bạn của riêng một người, của một nhóm
nào. Anh hãy giữ vị thế của anh trước sau như một. Không thay
đổi. Không gia nhập một nhóm nào. Như vậy, anh càng ngày có
thêm, ở khắp nơi, nhiều người thương quí anh”.
Cụ Bùi Tín tiếp ngay lời Cụ Song: “Cảm ơn
anh Song. Tôi
nói rõ là từ gần 2 năm nay, tôi không sinh hoạt, hội họp với
nhóm Nguyễn Gia Kiểng. Tôi viết báo là viết cho nhiều báo, chớ
không viết riêng cho Thông Luận. Sở dĩ tôi còn liên lạc với
nhóm Thông Luận, vì trong đó có một nhóm anh em trẻ. Tôi muốn
giữ liên hệ với các bạn ấy, vì các bạn ấy là những người có
nhiệt tình, lương thiện, có khả năng”.
Cụ Vũ Thiện Hân tiếp lời Cụ Bùi Tín: “Đánh giá con người, nên
chú trọng đến tình cảm.
Tình cảm mới thật sự xác định giá trị con người. Phán xét ở
những khía cạnh khác, không đủ …”.
Sau đó là những câu chuyện vui, tiếu lâm có, làm nổ dòn những
tràng cười vui, không phân biệt tuổi tác.
Cụ Vũ Thư Hiên chuyển lời chúc mừng Thượng Thọ từ Mạc
Tư Khoa của Cụ Nguyễn Minh Cần, trong đó có lời chúc mừng
riêng Cụ Bùi Tín.
Đinh Tiểu Nguyên
ghi
|