.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Câu chuyện lịch sử :


Chùa Pháp Vân, chiếc nôi của
 
Phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội và Dòng tu Tiếp Hiện

 

  • Chân Tịnh Ý biên tập - tháng Hai 2007
    Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai vào dịp Giao thừa Xuân Ất Dậu (2005) tại chùa Pháp Vân, Sài Gòn.
    Phần I. Chùa Pháp Vân, chiếc nôi của Phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, và Dòng tu Tiếp Hiện

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ sen và tháp chuông chùa
Pháp Vân, Làng Mai-Pháp Quốc

Kính thưa đại chúng,

Tăng thân làng Mai sẽ tụng bài Nguyện trú cát tường dạ cát tường, nguyện ngày an lành đêm an lành bằng tiếng Anh, sau đó sẽ trì niệm danh hiệu của đức Bồ Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn để cầu cho tất cả chúng ta có được một năm mới Ất Dậu nhiều sức khỏe, nhiều hạnh phúc và thiết lập lại được truyền thông tốt với những người mình thương.

Trong khi các thầy và các sư cô niệm danh hiệu Avalokisteshvara, tức là danh hiệu đức Bồ Tát Quan Thế Âm thì chúng ta nên ngồi thiệt là buông thư và mở trái tim ra để cho năng lượng của tăng thân cũng như của đức Bồ tát đi vào trong cơ thể. Nếu chúng ta có những  đau nhức, những căng thẳng, những bệnh tật ở trong thân thì năng lượng đó sẽ ôm ấp và chuyển hóa được. Nếu chúng ta có những lo buồn, những bức xức,  sợ hãi, giận hờn trong tâm thì chúng ta cũng mở lòng ra để cho năng lượng của đức Bồ Tát đi vào ôm ấp chuyển hóa những tâm hành, những năng lượng tiêu cực đó. Nếu chúng ta có một người thân bị bệnh đang nằm nhà thương hoặc nằm nhà, và chúng ta muốn truyền năng lượng này về cho người đó thì ta chỉ cần nghĩ tới người đó hoặc là gọi tên người đó một cách thầm lặng, năng lượng tập thể này sẽ được truyền về cho người đó.

Bài Nguyện trú cát tường dạ cát tường bằng chữ Hán là bài mà tất cả các thầy các sư cô ở Việt Nam đều tụng mỗi buổi chiều. Ở Tây Phương  chúng tôi tụng bằng tiếng Anh. Tối nay các thầy các sư cô làng Mai sẽ tụng bằng tiếng Anh để dâng lên lời cầu nguyện và sau đó sẽ trì niệm danh hiệu đức Bồ Tát lắng nghe Quan Thế Âm, Nam mô Avalokitesvara. Xin đại chúng ngồi cho thỏai mái. Đây là một hạnh phúc lớn vì chúng ta được ngồi với nhau trong đêm ba mươi Tết như một gia đình, một tăng thân. Chúng ta đâu cần phải làm gì đâu, đâu cần phải suy tính gì đâu. Chúng ta hãy tận hưởng giờ phút này một cách sâu sắc. Cho nên xin mời tất cả mọi người  ngồi thỏa mái, ngồi cho đẹp, buông thư hết tất cả mọi sự căng thẳng trong thân và buông bỏ những lo phiền ở trong tâm. Nếu quý vị buông bỏ được, buông thư được thì sau mười lăm phút niệm Phật quý vị sẽ cảm thấy khỏe trong người lắm,  thân cũng như tâm.

Kính thưa đại chúng, tối nay mình chỉ ngồi chơi với nhau thôi. Xin mời quý vị ở lại chơi với chúng tôi cho đến giờ giao thừa. Mình sẽ có một bàn thờ tổ tiên chung, mình sẽ dâng lên lời khấn nguyện chung.

Kính thưa đại chúng,

Chúng ta đang ngồi trên mảnh đất rất là linh thiêng, đây là chùa Pháp Vân. Ngày xưa khi chùa này mới được thành lập  vào năm 1964, tôi là người vẽ kiểu chùa và ngôi chùa được gọi là ngôi chùa Lá, tại vì lợp bằng lá. Diện tích của  chùa này lớn bằng bốn lần về phía này và về phía sau.

Năm 1975 chính quyền đã trưng dụng  phần đất bên này gồm có cư xá, lớp học, vườn rau giếng nước v.v... Ngày hôm kia tôi có viết  thư cho ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và  đề nghị nhà nước trả lại phần đất đó cho chùa Pháp Vân.

 

Chùa Pháp Vân, chiếc nôi của dòng tu Tiếp Hiện và Phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội
Chùa Pháp Vân là cơ sở của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ngày xưa. Lớp đầu tiên huấn luyện đào tạo Thanh niên phụng sự xã hội khai giảng vào năm 1964. Chùa Pháp Vân cũng là cái nôi, là nơi sinh ra  dòng tu Tiếp Hiện. Sáu người Tiếp Hiện đầu tiên được thọ giới ở chùa này và dòng tu tiếp hiện mà bản chất là mười bốn giới hiện bây giờ đã trở thành một dòng tu quốc tế, có mặt trên ba mươi nước.

Chúng chủ trì  của dòng tu Tiếp Hiện hiện nay có gần một ngàn người. Có nhiều vị giáo thọ xuất gia và có nhiều vị giáo thọ tại gia của nhiều quốc tịch khác nhau. Một mục sư  ở Mỹ tên là Robert Saibertle  chủ trương một nhà thờ tại thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas, bị bệnh cancer, sau thời gian tu tập theo pháp môn của làng Mai mà ông đọc được ở trong sách Being Peace,  ông thấy trong người thuyên giảm cho nên ông mới tới Mai thôn đạo tràng để tiếp tục tu học và sau đó lành bệnh. Ông quy y, thọ năm giới và tiếp tục tham dự những khóa tu. Hồi đó tuy là mục sư của nhà thờ nhưng  ông đã đem sách Being Peace và những sách khác của thầy để đem giảng ở tại nhà thờ rồi. Sau nhiều năm tu học, ông thọ giới Tiếp Hiện . Ông tu tập rất giỏi và cuối cùng thì được truyền đăng làm giáo thọ của đạo tràng Mai thôn, giáo thọ nhưng mà không phải là người Phật tử xuất gia . Buổi sáng chủ nhật ông giảng dạy về Phúc Âm, Thánh kinh, còn buổi chiều thì ông hướng dẫn cho bổn đạo của nhà thờ ngồi thiền và thực tập thiền. Ông thấy rằng hai cái đó nó đi đôi với nhau rất là tuyệt hảo.  Ông quyết định viết thơ cho bề trên, xin phép cho ông được hoạt động vừa với tính cách của một mục sư mà cũng vừa với tính cách một vị giáo thọ Phật giáo. Nếu bề trên không cho thì ông sẽ chọn làm giáo thọ Phật giáo thôi, vì pháp môn tu học theo đạo Phật đã cứu được đời  ông và cho ông rất nhiều niềm vui. Cuối cùng bề trên chấp nhận cho ông vừa làm mục sư mà vừa làm giáo thọ Phật giáo. Trong giáo đoàn Tiếp Hiện nay có những nhân vật như vậy, có những linh mục Công giáo, có những bà sơ Công giáo, có những mục sư Tin Lành.

Ở Hồng Kông có một linh mục công giáo là cha Thosmas Wang. Ông qua làng Mai bên Pháp dự một khóa tu mùa Đông ba tháng và cuối khóa tu thì ông tiếp nhận năm giới và thấy hay quá, vì năm giới cũng diển tả được  tinh thần của chúa Kitô. Đêm Noël, được nghe tôi giảng về chúa Kitô, ông giận quá. Không phải là ông giận tôi mà giận vì bài giảng hay như vậy nhưng hôm đó chỉ có bốn trăm người nghe thôi, theo ông, phải có hàng triệu người nghe thì mới đúng. Tại vì  ông nghĩ những người con của chúa Kitô nếu nghe được bài đó thì sẽ hiểu được giáo lý của chúa Ki tô sâu sắc hơn

Khi trở về Hồng Kông, ông đem nội dung của năm giới làng Mai giảng dạy cho các con chiên ở Hồng Kông. Năm sau khi  tôi tới Hồng Kông để mở khóa tu thì ông đem tất cả bổn đạo người công giáo của ông đến tham dự khóa tu và  những buổi pháp thoại.

Nói như vậy để quý vị biết rằng trong giáo đoàn Tiếp Hiện mà sáu người đầu tiên được thọ giới tại chùa Lá hiện bây giờ có cả ngàn thành viên trong chúng chủ trì. Chúng đồng sự thì vô số, không có thể kể được. Dòng tu Tiếp Hiện ra đời từ chùa Pháp Vân đã trở thành một dòng tu Phật giáo quốc tế nổi tiếng trên thế giới. Chùa Pháp Vân là chiếc nôi khai sinh ra dòng tu Tiếp Hiện, chùa Pháp Vân là chiếc nôi khai sinh ra phong trào thanh niên phụng sự xã hội. Và ở trên thế giới, nhất là ở Âu Châu và Mỹ Châu có  phong trào Phật giáo đi vào cuộc đời.  Phật tử dấn thân hết lòng trong những công tác xã hội và hòa bình. Ai cũng biết rằng Phật giáo dấn thân, gốc rễ là ở tại Việt Nam. Vì vậy cho nên sau này chùa Pháp Vân sẽ trở thành  nơi chiêm bái cho  nhiều thiền sinh Phật tử ngoại quốc.

 

Nhất Chi Mai - người chị cả của dòng tu Tiếp Hiện,
Trong sáu người đầu tiên được thọ giới tiếp hiện và gia nhập vào chúng chủ trì thì có một người tên là Huỳnh Thị Mai, pháp danh là Nhất Chi Mai, đó là chị cả của dòngTiếpHiện.

Nhất Chi Mai đã tự thiêu cho hòa bình và hiện giờ phía trước mặt tôi đây, trong  vườn đá, có một bức tường dựng lên để kỷ niệm Nhất Chi Mai, người liệt sĩ đã tự thiêu cho hòa bình.

Đêm nay tôi đọc thơ, tôi không thể nào không đọc thơ của Nhất Chi Mai. Tôi sẽ đọc một bài thơ của Nhất Chi Mai để lại cho ba má, cho thầy, cho chính quyền miền Bắc, chính quyền miền Nam và nói lên ước vọng muốn cho cuộc chiến tranh diệt chủng ở Việt Nam chấm dứt sớm chừng nào hay chừng đó. Đêm nay có chị Ba của liệt sĩ Nhất Chi Mai đang ngồi với chúng ta trong đại chúng này. Nhất Chi Mai tự thiêu ngày 16 tháng 5 năm 1967 tại chùa Từ Nghiêm, một ni viện.

Hôm kia tôi có thưa với Ni trưởng chùa Từ Nghiêm là mình cần dựng đài kỷ niệm liệt sĩ Nhất Chi Mai ở trong vườn của chùa mới được.

Hôm kia tôi cũng có viết thư cho ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nói với ông rằng cái tháp của hòa thượng Quảng Đức ở ngả tư Phan Đình Phùng nó nhỏ quá, nó không có đủ tầm vóc tâm linh, lịch sử  và quốc tế của một nhân vật như là thiền sư Thích Quảng Đức. Xin ông trưng dụng miếng đất gần bên để xây một cái tháp chín tầng cho hòa thượng Quảng Đức. Trong  tháp đó sẽ có một cái bia  khắc bài thơ Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương. Câu cuối của bài thơ là Tình thương hiện tháp chín tầng xây, vì vậy cho nên tôi đề nghị xây tháp chín tầng cho hòa thượng  Thích Quảng Đức.

Trong Trường ca mẹ Việt Nam, Phạm Duy có viết  khúc âu ca cuối cùng Việt Nam trên đường tương lai, lửa thiêng soi toàn thế giới là nhắc tới hòa thượng Thích Quảng Đức, Việt Nam ta thề tranh đấu cho người / Tình thương đây là khí giới, tình yêu đưa về muôn nơi / Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người. Chúng ta cũng có thể khắc bài đó, khúc âu ca đó của trường ca Mẹ Việt Nam vào tầng dưới cùng của cái tháp chín tầng cho hòa thượng Quảng Đức.

Ngày mười sáu Nhất Chi Mai tự thiêu, thì ngày mười lăm Nhất Chi Mai viết thư để lại cho cha mẹ, viết thư để lại cho chính quyền miền Bắc, miền Nam, viết thư để lại cho anh chị em trong dòng Tiếp Hiện và cũng có viết một lá thư riêng gởi sang Pháp cho tôi. Tôi xin đọc lá thư của Nhất Chi Mai viết cho thầy Nhất Hạnh trước khi tự thiêu.

Việt Nam ngày 15 tháng 5 năm 1967.

Kính bạchThầy,

Ngày mai con sẽ thiêu thân để cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam. Con xin đóng góp vớiThầy, với tất cả những nhà nhân bản Việt Nam và thế giới trong phong trào tranh đấu hòa bình cho Việt Nam bằng tất cả những gì con hiện có. Con mong tất cả sẽ an lòng, tiếng nói nhân bản chánh nghĩa sẽ được tiếp nối và kết quả không lâu.

Kính thư,
Thích Nữ Nhất Chi Mai
pháp danh Diệu Hùynh
tự thiêu để cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam
Mùa Phật Đản hai ngàn năm trăm mười một.
(1967).

Đọc  câu này mà tôi rơi nước mắt: Con mong tất cả an lòng. Mình đã sắp chết rồi, mình đã sắp tự thiêu rồi mà mình sợ cho người khác lo, mình mong cho họ an lòng. Và sau đây là một trong mười chín bài thơ mà Nhất Chi Mai đã để lại trước khi tự thiêu.Bài này tên là Chắp tay tôi quì xuống.

Sao người Mỹ tự thiêu
Sao thế giới biểu tình
Sao Việt Nam im tiếng
Không dám nói hòa bình

Tôi thấy mình hèn yếu
Tôi nghe lòng đắng cay
Sống mình không thể nói
Chết mới được ra lời.

Hòa bình là có tội
Hòa bình là cộng sản
Tôi vì lòng nhân bản
Mà muốn nói hòa bình.

Chắp tay tôi quì xuống
Chịu dau đớn thân này
Mong thốt lời thống thiết
Dừng tay lại người ơi.

Dừng tay lại người ơi
Hai mươi năm nay rồi
Nhiều máu xương đã đổ
Đừng diệt chủng dân tôi.

Chắp tay tôi quì xuống.

             Thích Nữ Nhất Chi Mai, tự Nhất Chi kính cáo.

 

Thanh Niên Phụng SXã Hội, con đường cách mạng bất bạo động, một con đường chông gai,
Tại trường Thanh niên phụng sự xã hội sau đó có một toán người võ trang tới và liệng lựu đạn. Tại vì con đường phụng sự của trường Thanh niên phụng sự xã hội là con đường không có  phe phái, con đường muốn ôm trọn lấy anh em trong một nhà. Vì vậy cho nên bị cả hai bên nghi ngờ. Con đường đó là một con đường chông gai, khi mình đi theo một phía thì ít nhất mình cũng được phía đó che chở bảo hộ. Nhưng khi mình muốn không theo phe nào cả, mà muốn ôm lấy cả hai thì mình có thể đặt mình vào tình trạng rất là nguy hiểm, cả hai bên đều không muốn chấp nhận mình. Họ nghĩ, không theo họ tức là theo phía bên kia, đó là cách suy tư của những phe lâm chiến. Hồi đó phong trào Phật giáo đã đi theo con đường đó và vì vậy đã bị sự bạc đãi của cả hai bên. Trong cuộc tấn công ở đây, tại ngôi chùa lá này, Lê Văn Vinh đã bị thương nặng và Bùi Thị Hương đã bị thương nặng. Lê Văn Vinh được chở sang bên Đức và Bùi Thị Hương được chở sang Nhật Bổn để điều trị. Hai vị khác tên là Liên và Vui chết ngay tại chỗ và mộ của những người đó đang còn trong khuôn viên ở chùa này.

Một bữa khác có một đoàn thanh niên phụng sự xã hội đi công tác ở miền quê và người đầu đàn là sư huynh Thích Nhất Trí, đệ tử của tôi. Cả tám người đó bị mất tích, từ đó về sau không còn nghe tin tức gì nữa. Ở đây cũng có một đài kỷ niệm cho tám vị đó.

Một hôm khác tại một địa điểm công tác, năm thanh niên phụng sự xã hội bị người lạ mặt áp giải ra bờ sông Sài Gòn. Các tác viên xã hội đó đã được hỏi có phải thuộc Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội không? Thì các em trả lời dạ phải, rồi họ nói rằng rất tiếc chúng tôi được lệnh phải bắn các anh, và họ bắn năm người ngã gục bên bờ sông. Một trong năm người đó sống sót về kể lại chuyện. Bốn người chết là Thơ, là Tuấn, là Hy, là Lành.

Tôi đang ở bên Paris, nghe tin bốn em chết trong đêm đó mà tôi không khóc được. Tôi không có khả năng khóc tại vì niềm đau nó quá lớn. Tôi đã gọi các em tới để cho các em dấn thân vào con đường phụng sự. Các em đã nghe lời tôi đi theo con đường bất bạo động và các em đã hy sinh. Cho mãi đến Noel năm đó thì tại New York sau một thời gian đi diển thuyết về nghỉ lại mấy ngày Noel và Tết , một mình trong bốn năm ngày đó, tôi ngồi  quán chiếu và cuối cùng tôi đã khóc được. Tôi đã khóc được và khóc xong thì tôi khỏe và viết ra một vở kịch gọi là Nẻo về tiếp nối đường đi. Trong vở kịch Nẻo về tiếp nối đường đi đó, tôi có đề cập về Nhất Chi Mai và những anh em trong trường thanh niên phụng sự xã hội đã bị thảm sát. Đêm nay để nhớ các em, tôi đọc một bài thơ  tôi viết khi tôi nghe tin các em bị thảm sát ở bên bờ sông Sài Gòn. Tối nay tôi  sẽ đọc thơ tình, nhưng mà trước khi đó tôi phải đọc những  bài này trước.

Đây là bài thơ với tựa là Xin trả về cho non sông, cho nhân loại cho đồng bào.

Bốn đứa em chết đêm qua
một đứa tên Hy,
một đứa tên Tuấn,
một đứa tên Thơ,
một đứa tên Lành.
Tôi xin cáo với đồng bào với đất nước
Với các chị các anh.

Bốn đứa con trai, đầu còn rất xanh
Hai năm trước
Chúng nghe lời tôi
Ra đi vào lòng đất nước
Mong gieo rắc tin yêu
Xây dựng hòa bình

Xương các em là xương tôi
Thịt các em là thịt tôi.
Xương tôi tan
Thịt tôi nát
Nửa đêm chúng bắt các em
Đầu trần chân đất
Đi tới bờ sông,
Chúng bắt các em quì xuống.
Chúng hỏi
Có phải là ThanhNiên Phụng Sự Xã  Hội không ?
Các em nói có.
Chúng bắn các em ngã quị bên bờ sông
Chúng bắn tôi ngã quị bên bờ sông

Có mặt đồng bào
Có mặt các chị các anh,
Máu của các em tôi xin trả về cho non sông,
Xương của các em tôi xin trả về cho non sông.
Máu xương đó trinh nguyên
Chưa bao giờ làm hoen ố giống Lạc Hồng

Còn những bàn tay các em tôi xin trả về cho nhân loại
Trái tim các em tôi xin trả về cho nhân loại.
Những bàn tay kia chưa bao giờ gây tàn hại
Những trái tim kia tự thơ ấu chưa bao giờ nhận gửi máu hờn căm

Còn da các em đây tôi xin gửi trả về cho đồng bào
Các em chưa bao giờ chấp nhận
Việc nồi da xáo thịt
Xin hãy dùng những mảnh da của các em đây mà vá lại
Những đường rách những vết cắt rướm máu
trên thân hình dân tộc thương đau.

Bài thơ này đã được nữ ca sĩ Nayakato trình bày tại dại nhạc hội ngày 16 tháng ba năm 1971 tại nhà hát QeenMaryhool ở London.

Vở kịch Nẻo về tiếp nối đường đi tả cảnh trên sông Sài Gòn một giờ đồng hồ sau khi các em chết, Nhất Chi Mai hiện ra trên một chiếc thuyền và Nhất Chi Mai chở bốn em trên chiếc thuyền đó, và năm chị em nói chuyện với nhau. Vở kịch đó đã được dịch sang nhiều thứ tiếng  và được một đoàn kịch ở Đức đem trình diển tại thành phố New York, rất thành công. Nếu quý vị chưa có dịp đọc thì xin mời quý vị tìm đọc. Tên của vở kịch là Nẻo về tiếp nối đường đi.

Năm 1968 có tổng tấn công Tết Mậu Thân. Khuôn viên của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đầy người tị nạn, tại vì máy bay của quân đội Hoa Kỳ bỏ bom hết  vùng này. Đã có trên mười ngàn người, trong đó có những người đang bị thương hoặc những phụ nữ đang sinh nở kéo tới tị nạn trong khuôn viên của chùa Pháp Vân .Các tác viên trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội phải băng bó, phải lo đở đẻ, phải lo tất cả mọi thứ. Các em gái đã phải xé áo dài của mình ra để mà băng bó những vết thương cho đồng bào. Hồi đó Thầy Thanh Vân là giám đốc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Thầy mới có hai mươi bốn hay là hai mươi lăm tuổi thôi. Vì vậy cho nên hồi nãy tôi có nói rằng, khoảnh đất mà chúng ta đang ngồi là một khoảnh đất rất là linh thiêng. Nó là chiếc nôi của đạo Phật nhập thế, nó là cơ sở của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đi theo con đường cách mạng bất bạo động, hoàn toàn bất bạo động, quyết tâm không để cho bàn tay mình dính máu đồng bào, người anh em của mình. Và chùa Pháp Vân cũng là chiếc nôi phát sinh ra dòng tu Tiếp Hiện,  bây giờ đã trở thành  một dòng tu quốc tế.

 

Lời cầu nguyện đầu năm,
Hồi nãy tôi có nói rằng, nếu quý vị ngồi chơi đây cho đến giờ giao thừa thì mình sẽ nghe thơ, mình sẽ nghe nhạc, mình sẽ làm thiền buông thư, thiền lạy và mình sẽ cùng thiết lập bàn thờ tổ tiên chung và dâng lên lời cầu nguyện.

Đây là lời cầu nguyện tổ tiên mà Mai thôn đạo tràng năm nào cũng sử dụng bằng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Việt. Và đêm nay chúng ta chỉ đọc bằng tiếng Việt thôi, tại vì chúng ta đang ở Việt Nam. Nếu quý vị thấy bài này thích hợp thì quý vị có thể đem về một bản để mà cầu nguyện trong ba ngày Tết.

Chúng con cư trú ở làng Mai, vào dịp năm hết Tết đến kính cẩn tới trước bàn thờ tổ tiên với tất cả lòng dạ chí thành hướng về cội nguồn nguyện xin liệt vị tiền nhân chứng giám. Chúng con ý thức được cây có cội, nước có nguồn. Chúng con biết liệt vị tiền nhân là cội nguồn của chúng con và chúng con là sự tiếp nối của quý vị. Chúng con nguyện tiếp nhận gia tài văn hóa và tâm linh mà liệt vị đã trao truyền, nguyện nắm giữ và phát triển không ngừng gia tài ấy. Chúng con cũng nguyện thực hiện được những công trình mà liệt vị đã phó thác cho chúng con thực hiện, nhất là chuyển hóa những nội kết khổ đau và mở ra cho các thế hệ tương lai cánh cữa của một đời sống thoải mái, nhẹ nhàng ý vị, một xã hội mà trong đó con người không quá bận rộn, tiêu thụ ít, có nhiều thì giờ để sống với thiên nhiên, chăm sóc cho thiên nhiên chăm sóc cho nhau và đem lại cho nhau nụ cười và hạnh phúc. Giờ phút này là giờ phút đầu năm, chúng con nguyện bỏ hết mọi giận hờn buồn tủi và hiềm khích, tha thứ cho nhau tiếp nhận nhau và thương yêu nhau. Chúng con biết có làm như thế chúng con mới thật sự tỏ bày được niềm hiếu thảo và biết ơn của chúng con lên liệt vị.

Xin liệt vị tổ tiên chứng minh cho lòng thành của chúng con, chấp nhận hương hoa trà quả và bánh trái, tất cả đều được dâng lên từ lòng hiếu thảo và dạ chí thành. Xin bảo hộ và che chở cho các con và các cháu có đầy đủ sức khỏe, niềm tin và nguồn vui để tiếp tục công trình của liệt vị.

Ngày tôi ra đi cách đây ba mươi chín năm, tôi giống như là một tế bào của cơ thể tăng thân  bị lấy ra khỏi cơ thể. Tại vì tất cả những công việc của tôi, tất cả những công trình văn hóa giáo dục, tất cả bạn bè và đệ tử của tôi đều ở lại Việt Nam . Tôi chỉ có ý muốn qua Tây phương độ chừng vài tháng để lên tiếng kêu gọi các nước Tây phương giúp một tay chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam, xong rồi tôi về. Nhưng không ngờ rằng sau đó tôi không  được về nữa và tôi đã phải ở lại ba mươi chín năm ở nước ngoài.

Tăng thân tức là đoàn thể, nó như là một cơ thể, và tôi giống như một  tế bào bứt ra khỏi cơ thể. Thông thường khi mình lấy một tế bào ra khỏi cơ thể, thì mấy giờ đồng hồ sau tế bào đó sẽ khô, nó chết khô. Nhưng mà tôi đã không chết khô, tại vì tôi mang theo trong trái tim tôi tất cả những ước vọng, tất cả những  nguyện ước của dân tộc, của tăng thân, của lớp trẻ. Vì vậy cho nên tôi không chết khô .Trái lại, từ một tế bào tôi đã kết nạp, tôi đã hình thành ra nguyên cả một tăng thân ở bên đó. Vì trong quá trình kêu gọi hòa bình, xây dựng tình huynh đệ bên đó, tôi đã có cơ hội chia sẻ với các bạn Tây phương, nhất là các bạn trẻ và người trí thức,  phương pháp thực tập của Phật giáo Việt Nam. Tôi đã tổ chức những  buổi ngồi thiền tại Paris, tại New York, tại Antesdam. Tôi đã nói chuyện về thiền, về tịnh độ, về phương pháp thực tập chánh niệm trong khi đi làm công tác hòa bình và xã hội. Vì vậy cho nên các bạn trẻ, các bạn trí thức tới đông lắm và họ cùng thực tập với tôi. Và tôi đã viết một cuốn sách để giúp cho họ thực tập chánh niệm, đó là cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức. Cuốn sách đó đã được dịch ra ít nhất là bốn mươi thứ tiếng trên thế giới và cho đến ngày hôm nay vẫn còn bán chạy dài dài. Đó là cuốn sách căn bản về sự thực tập chánh niệm. Tôi cũng đã gửi cuốn sách đó về cho các em ở trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội để họ có thể thực tập khi làm công tác xã hội trong một tình trạng rất nguy hiểm. Vì vậy cho nên từ ngày đi cho đến ngày về, tức là cách đây mới có mười mấy hôm thôi, thì tôi đã không bao giờ ngưng chuyện xây dựng tăng thân. Hiện bây giờ có hàng triệu người ở trong tăng thân làng Mai ở khắp các nước, chúng tôi đã thành lập gần  một ngàn tăng thân. Tăng thân tức là một đoàn thể tu học. Một người thì không thể gọi là tăng thân được, phải có một đoàn thể  cùng tu học thì mới gọi là tăng thân.   Ngay thành phố London đã có mười tăng thân rồi, tại vì thành phố đó rất lớn . Chúng tôi đã đào tạo ra nhiều vị giáo thọ xuất gia và tại gia, thỉnh thoảng đi tới các  tăng thân đó để  nâng đỡ, chỉ dẫn thêm các phương pháp tu học. Nhiều tăng thân đã có giáo thọ của họ được đào tạo tại làng Mai. Riêng ở Mỹ, số người quy y thọ năm giới mà pháp danh bắt đầu bằng chữ Tâm đã trên một trăm năm chục ngàn người. Còn những người tới tu tập và đọc sách để áp dụng tu tập thì không biết bao nhiêu người. Vì vậy cho nên  tăng thân của làng Mai bây giờ lớn lắm, ở khắp nơi trên thế giới. Năm nay tôi về Việt Nam, chỉ có một số người được đi theo về thôi. Ban đầu  chúng tôi cho lên mạng  bản thông tin nói rằng , quý vị nào muốn về với thầy, về Việt Nam  thì ghi tên,  số người ghi tên quá đông. Trong khi đó mình đâu được về  với  một phái đoàn lớn như vậy. Cuối cùng sau nhiều lần thương thuyết, chỉ có một phái đoàn 190 người , một trăm vị xuất gia và chín mươi vị cư sĩ đại diện cho vào khoảng ba mươi nước. Riêng ở trong  tăng đoàn xuất gia đã có đại diện của mười tám nước rồi.

Như vậy khi tôi đi, tôi đi với tư cách một tế bào và khi tôi về, tôi về với tư cách một cơ thể đầy đủ. Hôm nay ngòi với các bạn, với các đạo hữu là một hạnh phúc rất lớn của tôi. Tôi biết rằng trong  thời gian tôi vắng mặt gần bốn mươi năm, biết bao nhiêu người trẻ đã sinh ra và lớn lên. Họ đã từng nghe nói tới một cách gián tiếp hay trực tiếp giáo lý và phương pháp thực tập của làng Mai. Và trong chuyến đi này, từ Hà Nội cho đến Sài Gòn, tôi thấy được nét mặt hớn hở và hạnh phúc của tất cả các Phật tử khi tới tham dự những khóa tu, những buổi thuyết giảng và tôi rất mừng chúng ta có cơ hội này để ngồi với nhau.

Đây là một cái lời khấn nguyện khác, đầy đủ hơn, chúng ta có thể sử dụng được ở trong giờ giao thừa.

Kính lạy chư vị tổ tiên tâm linh và huyết thống của chúng con. Thở vào chúng con ý thức là chư vị đang có mặt trong chúng con, chư vị chưa bao giờ bỏ chúng con và chúng con luôn luôn mang theo chư vị mà đi về tương lai. Chúng con biết rằng trong thế kỷ thứ hai mươi, chúng con đã dại dột gây ra bao nhiêu lầm lỗi, chúng con đã tạo ra chia rẽ, hận thù, cô đơn và tuyệt vọng. Chúng con đã để cho chủ nghĩa cá nhân lộng hành và tàn phá. Chúng con đã thấy được rằng danh vọng tiền tài, quyền lực và tư dục đã không đem lại hạnh phúc chân thực cho chúng con. Chúng con đã thấy được rằng chỉ có lòng từ bi mới đem lại một ý nghĩa cho sự sống. Và chúng con phải tập sống với nhau như một tăng thân thì con cháu chúng con mới có được một tương lai trên trái đất này. Giờ phút mà chúng con tập hợp tại đây trước bàn thờ chư vị, chúng con kính cẩn phát nguyện là bắt đầu từ năm hai ngàn lẻ năm chúng con sẽ tập sống thật hài hòa và an vui trong phạm vi gia đình và tăng thân của chúng con, như những con ong cùng sống chung trong một tổ ong hay những tế bào của cùng một cơ thể. Chúng con hứa là chúng con sẽ học hỏi thái độ cởi mở để có thể truyền thông được dể dàng với những thành phần khác trong gia đình và trong tăng thân của chúng con, luôn luôn tập hạnh lắng nghe và ái ngữ. Chúng con nguyện tập lắng nghe chư vị cũng như chúng con sẽ tập lắng nghe anh em bằng hữu và con cháu của chúng con để chúng con có thể sống hài hòa và hạnh phúc với nhau. Chúng con nguyện sẽ tập thấy hạnh phúc của tăng thân là hạnh phúc của chính mình. Chúng con biết đây là cách thức duy nhất để bảo đảm cho con cháu chúng con một tương lai trên trái đất.

Trong giờ phút linh thiêng khởi sự cho năm mới, cho thế kỷ mới và cho thiên niên mới này, chúng con trân trọng và thành kính hứa với chư vị là chúng con sẽ tập thở có chánh niệm, tập đi có chánh niệm, tập nói năng có chánh niệm, tập nhìn bằng con mắt của tăng thân và nghe bằng lỗ tai của tăng thân, tập sống đơn giản trở lại, tiêu thụ ít trở lại và tập thương theo tinh thần từ bi và không kỳ thị.

Xin chư vị chứng giám lòng thành của chúng con và luôn luôn phù hộ cho chúng con và cho các cháu. Chúng con nguyện thực tập cho chư vị và cho cả con cháu của chúng con để ngày mai hòa bình an lạc thương yêu lại có thể có mặt trở lại trên thế gian này. Chúng con kính dâng hương hoa quả phẩm lòng hiếu thảo của chúng con và xin lạy xuống trước chư vị bốn lạy.

Đó là hai  văn bản mà chúng ta có thể sử dụng để khấn trước bàn thờ tổ tiên trong dịp năm mới.

 

Xem tiếp Phần II. Thiền sư với thơ và thơ thiền.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.