.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :



Thiền sư với thơ và thơ thiền

 

  • Chân Tịnh Ý biên tập - tháng Hai 2007
    Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai vào dịp Giao thừa Xuân Ất Dậu (2005) tại chùa Pháp Vân, Sài Gòn.
    Phần II. Thiền sư với thơ và thơ thiền.

Em bé trong Nguyễn Bính,
Tôi xin đọc một bài thơ của Nguyễn Bính, đọc bài này để tất cả chúng ta quên hết tất cả mọi khó khăn, mọi sự căng thẳng và trở lại thành một em bé.

Ở trong mỗi chúng ta có một em bé. Em bé đó luôn luôn còn có mặt, nhưng vì chúng ta bận rộn quá đi, thành em bé rất cô đơn. Em bé có những ước mơ, có những khổ đau, có những vết thương và em bé trông chờ chúng ta trở về với em để nhận diện nó, để ôm ấp nó, để hỏi han nó. Nhưng chúng ta quá bận rộn thành chúng ta không có cơ hội trở về với em bé và em bé đó có thể bị thương rất là nặng. Tiếng nói của trái tim em bé chưa bao giờ được người lớn nghe. Em bé khao khát thương yêu, khao khát được hiểu. Chúng ta chưa có thì giờ trở về để nói chuyện với em bé.

Nguyễn Bính cũng có một em bé và Nguyễn Bính cũng đã lăn lộn trong cuộc đời, chạy đuổi theo nhiều mối tình, thất vọng và đau khổ. Nhưng rốt cuộc khi có một  cơ hội để nhìn lại, nhất là vào cái ngày cuối năm, thì thấy rằng  mối tình của em bé trong Nguyễn Bính là mối tình trong sáng nhất, mối tình đẹp đẽ nhất. Mối tình đó chưa bao giờ bị tan vỡ, còn tất cả những mối tình khác đều đã bị vỡ tan hay phụ bạc.

Trong bài thơ này Nguyễn Bính kể chuyện Nguyễn Bính lúc còn là một  bé trai và ngày xưa chơi với một em bé gái tên là Nhi. Chị của em bé đó là một cô gái rất xinh, chuyên cất rượu để bán cho người hàng xóm. Hai đứa chơi với nhau với một trái tim trong sáng và mối tình trẻ con đó được ghi lại trong tàng thức của Nguyễn Bính. Sau này Nguyễn Bính bị bầm dập, khổ đau, bị thương nặng, thì Nguyễn Bính nhận ra rằng không có mối tình nào đẹp cho bằng mối tình khi mình còn thơ ấu. Và Nguyễn Bính mơ ước  mai kia  còn có thể có dịp  gặp lại người của ngày xưa.

Tôi xin đọc:

Thấy rét u tôi bọc lại mền
Cô hàng cất rượu ủ thêm men.
Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ
Say cả tứ mùa cho khách quen

Nguyễn Bính gọi má là u. Thấy rét u tôi bọc lại mền. Mùa đông mà, phải đem cái mền bông ra bọc lại.

Thấy rét u tôi bọc lại mền
Cô hàng cất rượu ủ thêm men
.

Trời lạnh, muốn làm rượu phải có thêm men thì rượu nó mới lên. Mẹ cha mất sớm, mẹ cha của cô hàng rượu mất sớm, nhưng mà cô hàng rượu  còn có một đứa em nhỏ:

Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ
Say cả tứ mùa cho khách quen.

Cái sự có mặt của cô gái là để nấu rượu và để làm cho người thiên hạ say. Tội chết, theo giới Bồ tát thì mình uống rượu tội một, mà mình nấu rượu để bán cho người ta là tội mười.

Say cả tứ mùa cho khách quen.

Bây giờ mới kể chuyện cái em bé đó, bạn của Nguyễn Bính.

Em nhỏ là Nhi bạn nhỏ tôi
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi

Không có chuyện, không có đi học. nhà quê, hai gia đình đều nghèo hết, hai đứa không đi học.

Em nhỏ là Nhi bạn nhỏ tôi
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi

Đi bán rượu về thì mùa quà về, không chỉ mua quà cho em gái của mình mà mua cho  thằng nhỏ bên hàng xóm nữa, là Nguyễn Bính, tức là cưng cả hai đứa luôn.

Em nhỏ là Nhi bạn nhỏ tôi
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi

Nguyễn Bính là người Bắc, thành ra tôi ráng tôi đọc theo giọng Bắc.

Thấy rét u tôi bọc lại mền
Cô hàng cất rượu ủ thêm men
Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ
Say cả tứ mùa cho khách quen

Em nhỏ là Nhi bạn nhỏ tôi
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi

Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà
Người ta bắt chước chị người ta
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa

Tại vì chị Nhi ngoài cái chuyện cất rượu để bán cũng biết cất nước hoa bằng hoa cam, trong nhà có một vườn cam rất lớn và hái hoa cam để cất nước hoa.

Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà
Người ta bắt chước chị người ta
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa

Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy
Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau

Hí hửng bảo nhau thơm đấy chứ

Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu

Một tối nhà Nhi có giỗ thầy
Chị Nhi cho uống rượu cay cay

Giỗ thầy tức là giỗ ba đó.

Một tối nhà Nhi có giỗ thầy
Chị Nhi cho uống rượu cay cay
Chung đôi chén nhỏ làm hai đứa
Mặt đỏ lên rồi chếnh choáng say.

Bài thơ ở trong cuốn này in sai rồi, chung đôi chén nhỏ, mà để là chừng đôi chén nhỏ. Tôi đọc theo ký  ức nhiều hơn là theo trong cuốn này. 

Một tối nhà Nhi có giỗ thầy.
Chị Nhi cho uống rượu cay cay
.

Chung đôi chén nhỏ, tức là hai đứa uống chung làm hai đứa mặt đỏ lên rồi chếnh choáng say.

Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai
Chị Nhi cứ chế làm sao ấy
Hai đứa nhìn nhau khúc khích cười.

Trong ký ức của tôi là hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười nó hay hơn là khúc khích cười.

Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai
Chị Nhi cứ chế làm sao ấy
Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười

Chị Nhi thường bảo với u tôi
Hai đứa thưa bà đến đẹp đôi
U tôi cười đáp nghe như thật
Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi

Thuở ấy làm sao thật thái bình
Trai hiền bạn với gái đồng trinh
Đổi thay men rượu thơm hoa rụng
Toàn những thơ ngây ngập cảm tình

Ấy thế mà rồi cách biệt nhau
Nhà Nhi không biết dọn đi đâu
Mình tôi trời bắt làm thi sĩ
Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu.

Vô thường đã đến, hai chị em Nhi dời nhà đi nơi khác. Nguyễn Bính bị tang mẹ và đi theo con đường của người thi sĩ. Hai ngươì không có dịp gặp nhau nữa.

Thuở ấy làm sao thật thái bình
Trai hiền bạn với gái đồng trinh
Đổi thay men rượu thơm hoa rụng
Toàn những thơ ngây ngập cảm tình

Ấy thế mà rồi cách biệt nhau
Nhà Nhi không biết dọn đi đâu
Mình tôi trời bắt làm thi sĩ
Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu

Bỏ lại vườn cam bỏ mái tranh
Tôi đi dan díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men say rượu ái tình

Đây là nói về Nguyễn Bính

Rượu ái tình kia là thuốc độc
Vườn trần ong bướm phấn hương bay

Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc
Hoa hết thơm rồi rượu hết cay.

Đây là lời than thở của Nguyễn Bính, Nguyễn Bính chạy theo những cuộc tình, cuộc tình nào cũng thất bại và cũng đem lại đau khổ cho anh ta hết. Tôi xin đọc lại:

Bỏ lại vườn cam bỏ mái tranh
Tôi đi dan díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới

Chuốc mãi men say rượu ái tình

Rượu ái tình kia là thuốc độc
Vườn trần ong bướm phấn hương bay

Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc
Hoa hết thơm rồi rượu hết cay

Hoa thì không còn thơm như ngày xưa và rượu không còn cay như rượu thuở trước, cái gì cũng nhạt nhẻo và Nguyễn Bính lâm vào tình trạng cô đơn.

Đời tôi sa mạc ôi sa mạc.
Hoa hết thơm rồi rượu hết cay.

Hồi nhỏ thì hoa cam rất là thơm và rượu nếp rất là say, rất là cay. Nhưng bây giờ đây hoa không còn thơm, rượu không còn cay và trái tim của mình hết sức là cô độc sau khi mình đã chạy theo những cuộc tình.

Trăm sầu nghìn tội mình tôi chịu
Ba bốn năm rồi năm sáu năm
Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại
Men nồng gạo nếp nước hoa cam

Những khi đau khổ cùng cực như vậy thì nhớ lại  hồi thơ ấu và nhớ lại kỷ niệm mình chơi với em bé tên là Nhi. Hai cái đó đánh dấu  mối tình của hai đứa bé, hoa tức là hoa cam và rượu tức là rượu nếp. Hoa thì thơm mà rượu thì cay, nhưng mà bây giờ lênh đênh và bầm dập vì những cuộc tình rồi thì không có còn cái gì đẹp nữa, hoa không còn thơm và rượu không còn cay. Chỉ còn cái mối tình thời thơ ấu là chỗ mình có thể bám víu được.

Xa lắm rồi Nhi muộn lắm rồi
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ
Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi

Bây giờ đây thi sĩ ngồi tưởng tượng.

hắc ở nơi nào dưới mái tranh
Chị em Nhi vẫn sống yên lành
Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán
Hồn vẫn trong mà mộng vẫn xinh

Khi đọc mấy câu này tôi thấy tội nghiệp cho Nguyễn Bính vô cùng. Cuộc đời vô thường. Nguyễn Bính đã theo luật vô thường, trái tim đã bị bầm dập, đã mang quá nhiều vết thương nhưng vẫn ước mong rằng hai chị em kia vẫn còn nguyên vẹn. Chị vẫn còn ở một ngôi nhà bao quanh bởi vườn cam, buổi sáng nào cũng gánh rượu đi bán và cô em càng ngày càng xinh đẹp, cô em vẫn còn trong trắng, vẫn còn trinh nguyên như ngày trước. Nhưng mà đó là điều mong ước thôi, cuộc đời nó vô thường.

Chắc ở nơi nào dưới mái tranh
Chị em Nhi vẫn sống yên lành

Hy vọng như vậy.

Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán
Hồn vẫn trong mà mộng vẫn xinh

Bây giờ Nhi lớn rồi, bây giờ Nhi đến tuổi có thể đi bán rượu rồi. Và làm cho người ta say sưa không phải chỉ là bằng rượu thôi mà bằng nhan sắc của Nhi nữa.

Ngày xưa còn nhỏ Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì
Tháng tháng, mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say mê

Đó là tưởng tượng, mà thi sĩ  thường thường sống trong tưởng tượng thôi, tại thực tế nó rất là phủ phàng. Tôi cũng đã làm thơ, tôi đã làm thơ rất nhiều. Nhưng tôi không làm thơ theo kiểu này. Tôi không có sống trong tưởng tượng. Nếu quý vị có đọc thơ tôi thì quý vị thấy thơ của tôi nó diển tả  sự sống hàng ngày một cách rất hiện thực. Lát nữa có cơ hội tôi sẽ đọc một bài thơ của tôi.

Đây là mình quá đau khổ, mình va chạm với thực tế rất nặng nề, mình thấy không có  gì thật sự là đẹp, không có cái gì thật sự là hiền, không có gì thật sự là dể thương. Vì vậy cho nên mình phải rút lui, mình sống với thế giới nội tâm, mình tiếp xúc được với những gì mình tin rằng nó đẹp, nó hiền, nó dể thương thật. Và hình ảnh năm xưa là chiếc phao mà mình có thể vớ lấy, ôm lấy để đừng chết đuối trong tuyệt vọng. Đó là tình trạng của rất nhiều người trong chúng ta. Không có một cái gì thật sự là đẹp, thật sự là lành, thật sự là tươi mát, thật sự là chân thật. Vì vậy cho nên mình rơi vào trong biển tuyệt vọng, của nghi ngờ. Và nếu trong tâm mình không giữ được một hình ảnh nào tươi sáng trong lành nữa thì mình không có cái phao để mà ôm lấy để đừng chết đuối trong cái biển của sự tuyệt vọng, của sự chán nản. Đó là tâm trạng của rất nhiều người, trong đó có Nguyễn Bính:

Chắc ở nơi nào dưới mái tranh
Chị em Nhi vẫn sống yên lành
Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán
Hồn vẫn trong mà mộng vẫn xinh

Ngày xưa còn nhỏ Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì
Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say mê

Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?
Bến đò đông vắng chợ gần xa?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
Vườn có trồng cam có nở hoa?

Hỏi những câu hỏi như vậy đó. Và đây là tiếng nói của lý trí.

Mơ tưởng vu vơ lòng dối lòng
Thật ra có phải thế này không?
Chị Nhi đã lấy chồng năm trước,
Nhi đến năm sau lại lấy chồng.

Thôi thế là hết rồi, như vậy là hết rồi. Nhưng người ta không muốn đối diện với thực tế,  vì thực tế rất phủ phàng. Cho nên làm thi sĩ theo kiểu Nguyễn Bính là phải trở về với thế giới của nội tâm để mà tưởng tượng, sống còn. Sống sót được là do sự tưởng tượng mà thôi, sống với thế giới nội tâm.

 Đây là mơ ước của thi sĩ, ngồi mà mơ ước:

Ước gì trên bước đường lưu lạc
Một buổi chiều nào gặp gió mưa
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa

Tưởng tượng đêm nào có gió có mưa, Nguyễn Bính đi một mình không biết đi về đâu, không có chỗ ngủ rồi ghé lại một cái nhà nào đó gõ cửa để xin ngủ trọ, thì giật mình nghe tiếng của Nhi ở trong đáp lại: Ai đó, ai đó, anh Bính đó hả?

Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó
Nhi rót cho tôi nước rượu đầu
Nhắc chuyện ngày xưa mà thẹn lại
E dè hai đứa uống chung nhau

Nguyễn Bính nhắc lại ngày xưa hai đứa nhỏ xíu và cái tối nhà Nhi có giỗ thầy, chị Nhi cho hai đứa uống chung một chén nhỏ, hai đứa uống say rồi ôm nhau đánh một giấc dài, ngủ cho đến sáng ngày mai. Và khi mà chị Nhi trông thấy và cười chế nhạo, thì hai đứa không có hiểu gì hết, tại sao mà cười mình. Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười, nhắc lại chuyện đó.

Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó
Nhi rót cho tôi nước rượu đầu
Nhắc chuyện ngày xưa mà thẹn lại
E dè hai đứa uống chung nhau

Hai người tập uống trở lại như cũ, tức là cũng rót vào một chén, rồi mỗi người nhấp một hớp, Nguyễn Bính uống một hớp rồi cô kia uống một hớp. Làm giống chuyện ngày xưa mà hoàn toàn trong tưởng tượng hết. Tôi kể, tức là  Nguyễn Bính kể cho cô Nhi nghe.

Tôi kể u tôi đã mất rồi
Cửa nhà còn có một mình tôi

Anh rất là cô đơn đó em, anh cô đơn lắm.Cái ý là như vậy.

Tôi kể u tôi đã mất rồi
Cửa nhà còn có một mình tôi
Ngậm ngùi Nhi bảo không anh ạ
Anh chẳng lo gì thiếu lứa đôi

Chị em vừa lấy chồng năm ngoái
Chồng chị trồng cam ở mé sông
Em ở một đây nhà trống trải
Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông

Chị đi lấy chồng rồi bây giờ em chỉ có một mình thôi. Và trăng nhiều quá, gió nhiều quá. Em không thể nào một mình mà hứng lấy tất cả, nếu có anh ở lại đây thì hay biết bao nhiêu mà kể. Đó là cái nội tâm của thi sĩ.

Chị em vừa lấy chồng năm ngoái
Chồng chị trồng cam ở mé sông
Em ở một đây nhà trống trải
Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông

Như chuyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau trở lại đất Lâm cùng
Vườn xuân trăng sáng hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng

Hai đứa lấy nhau trong tưởng tượng, cố nhiên:

Như chuyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau trở lại đất Lâm cùng
Vườn xuân trăng sáng hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng

Rượu cất kì ngon men ủ khéo
Say người thiên hạ lại say nhau
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu

Đó là những mơ tưởng của thi sĩ. Tôi đã nói rằng tôi cũng làm thơ nhưng mà tôi không bao giờ làm thơ theo cái kiểu này, tôi không có đi tìm sự an ủi trong những cái tưởng tượng.

Chao ôi là mộng hay là thật

Thi sĩ dư biết cái này là mình tưởng tượng rồi. Chứ cuộc  đời có bao giờ được như vậy đâu? Cuộc đời nó vô thường, cuộc đời nó xấu xa, đầy phản trắc, cuộc đời không có sự chung tình. Vì vậy cho nên mình đau khổ thì mình phải trở về  nội tâm để mà tưởng tượng, để mà tìm ra một cái gì để mình có thể bám víu được.

Chao ôi là mộng hay là thật
Là thật hay là mộng bấy lâu
Hai đứa sống bằng hoa với rượu
Sống vào trời đất, sống vào nhau

Đó là sự mơ tưởng, đó là sự mơ ước

Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi
Hoa thừa rượu ế đấy tình tôi
Chiều nay tôi chắp tay tôi lạy
Đừng gặp người xưa nữa lạy giời.

Không gặp  thì hình ảnh kia nó còn mãi, nó sẽ là cái phao để cứu mạng mình những khi mình lâm vào tuyệt vọng. Nhưng nếu gặp lại, thì đối diện thực tế, có thể bây giờ nàng đã trở thành một bà chằn rồi. Thành ra mình không còn gì nữa để mà mơ tưởng để mà bám víu. Thi sĩ rất sợ. Ban đầu thì mơ như vậy nhưng mà biết rằng giấc mơ này là để thoa dịu trong chốc lát thôi, nếu nó trở thành sự thật thì rất nguy cho mình. Con người ngày xưa đẹp như vậy đó mà bây giờ mình gặp lại thì chắc là mình chết, mình không còn gì để bám víu được vào nữa hết, rất là tội nghiệp.

 

Tìm nhau,
Tôi xin đọc một bài thơ tình của tôi. Đây là bài Tìm nhau và đây là một mối tình, mối tình này tôi có thể chia sẻ với quý vị.

Con đã đi tìm Thế Tôn
Từ hồi còn ấu thơ
Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn
Từ khi mới bắt đầu biết thở
Con đã ruổi rong
Vạn nẻo đời hiểm trở
Đã từng đau khắc khoải
Với trăm thương ngàn nhớ
Trên bước đường hành hương
Con đã đi tìm Thế Tôn
Trong tận cùng hoang dã
Ngoài mênh mông biển lạ
Trên tuyệt mù cao sơn
Con đã từng nằm chết quạnh hiu
Trên cánh sa mạc già
Con đã từng cố giấu lại vào tim
Những dòng lệ đá
Con đã từng mơ uống những giọt sương
Lấp lánh hành tinh xa
Con đã từng ghi dấu chân
Trên non bồng diễm ảo
Con đã từng cất tiếng kêu gào
Dưới ngục A tỳ mòn mỏi hư hao

Bởi vì con đói lạnh
Bởi vì con khát khao
Bởi vì con muốn tìm được cho ra
Bóng hình ai muôn đời tuyệt hảo

Con biết nằm trong trái tim con
Là niềm tin diệu kỳ
Thâm sâu và uyên ảo

Là Thế Tôn có mặt đó
Dù con chưa biết đích xác Thế Tôn đâu
Con linh cảm rằng từ muôn kiếp xa xưa
Thế Tôn với con đã từng là một
Rằng khoảng cách giữa hai ta
Không thể dài hơn quá một nhịp tâm đầu

Chiều hôm qua bước đi một mình
Con thấy lá thu rơi đầy lối cũ
Và vầng trăng treo trước ngõ
Đã xuất hiện bất thần
Như bóng hình người cũ
Rồi tinh đẩu xôn xao báo tin
Là Thế Tôn đã có mặt nơi này
Suốt đêm qua trời giáng mưa cam lộ
Chớp lòe qua cửa sổ rồi lên cơn bảo tố
Đất trời như giận dữ
Nhưng cuối cùng trong con
Mưa cũng tạnh, mây cũng tan
Nhìn ra cửa sổ
Con thấy vầng trăng khuya đã hiện
Và đất trời đã thật sự bình an
Tự soi mình trong gương nguyệt
Con thấy con
Và con bỗng thấy Thế Tôn
Thế Tôn đang mỉm cười

Ô hay
Vầng trăng thảnh thơi vừa trả lại cho con
Tất cả những gì con ngỡ rằng đã mất
Từ khoảnh khắc ấy
Từng phút giây miên mật
Con thấy không có gì đã qua
Không có gì cần hồi phục
Bông hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng nhìn con nhận mặt
Nhìn đâu con cũng thấy nụ cười Thế Tôn
Nụ cười của không sinh không diệt
Đã nhận được tự gương nga
Con đã nhìn thấy Thế Tôn
Thế Tôn ngồi đó
Vững như núi Tu Di
Bình an như hơi thở
Thế Tôn ngồi đó
Như chưa bao giờ từng vắng mặt
Như chưa bao giờ trên thế gian
Đã từng có cơn bảo lửa
Thế Tôn ngồi đó
Yên lặng và thảnh thơi
Con đã tìm ra Thế Tôn
Con đã tìm ra con
Nước mắt con không cầm nỗi
Con ngồi đó im lặng trời xanh cao
Núi tuyết in nền trời
Và nắng reo phơi phới
Thế Tôn là tình yêu đầu
Thế Tôn là tình yêu tinh khôi
Nghĩa là không bao giờ
Sẽ cần tình yêu cuối
Người là dòng sông tâm linh
Tuy đã từng chảy qua
Hàng triệu kiếp luân hồi
Nhưng luôn luôn còn mới
Con đã đi tìm Thế Tôn
Từ hồi còn ấu thơ

Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn
Từ khi mới bắt đầu biết thở
Thế Tôn là bình an
Thế Tôn là vững chãi
Thế Tôn là thảnh thơi
Người là Bụt Như Lai
Con nguyện một lòng nuôi dưỡng
Chất liệu thảnh thơi
Chất liệu vững chãi
Và truyền đạt cho mọi loài
Hôm nay và ngày mai

Quý vị có thấy thơ đạo nó khác với thơ đời hay không? Nó có cái chất mơ mộng lãng mạn không? Nó không có, nó là sự biểu hiện của cái nếp sống nội tâm của mình, nó phản chiếu sự thật mà mình đang sống cuộc sống hàng ngày của mình. Bây giờ mình có nên hát bài đó không, bài này đã được nhạc sĩ Anh Việt phổ nhạc hay lắm. Mời các thầy các sư cô hát bài này cho đại chúng nghe.

 

Nuôi dưỡng tình yêu,
Kính thưa đại chúng,
Nếu  hai mắt mình còn sáng, nếu những bước chân mình còn vững và miệng mình còn nở được nụ cười, nó có nghĩa là tình yêu trong mình nó còn đó. Tình yêu mà chết rồi thì không còn gì nữa hết. Vì vậy cho nên cái bí quyết là làm sao để cho tình yêu được sống mãi. Và cũng như đức Thế Tôn đã dạy không có gì sống được nếu không có thực phẩm, tình yêu của chúng ta, chúng ta phải nuôi nó trong đời sống hàng ngày. Nếu chúng ta bỏ đói tình yêu thì tình yêu sẽ chết, mà một khi tình yêu chết thì không còn gì nữa hết.

Người đi tu cũng cần tình yêu để sống, nếu không có tình yêu thì làm sao họ đi tới được, phải có niềm vui. Và vì vậy cho nên những người đi tu cũng phải nuôi dưỡng tình yêu của họ. Trong giáo lý của đức Thế Tôn chúng ta được học rằng chất liệu của tình yêu  gồm có bốn thứ: tức là từ, bi , hỹ xả. Tôi có viết một cuốn sách nói về tình yêu trong đạo Phật, cuốn sách này rất phổ biến ở Tây phương nhan đề là The Teaching on love đó là Thương yêu theo phương pháp bụt dạy, (bản tiếng Việt). Nếu chúng ta không biết cách để nuôi dưỡng tình yêu, nếu chúng ta bỏ đói tình yêu thì tình yêu sẽ chết, chắc chắn là như vậy. Lúc ban đầu thì ta thấy rằng tình yêu của chúng ta là một cái gì rất vĩ đại. Và nếu không có tình yêu đó thì đời sống của chúng ta sẽ không có ý nghĩa nữa và người kia là đối tượng tình yêu của mình. Nhưng nếu chúng ta không biết nuôi dưỡng cái tình yêu đó, nếu chúng ta bỏ đói nó thì như quý vị đã biết nó sẽ chết và tình yêu có thể biến thành ra sự chán chường, sự giận hờn, sự tuyệt vọng.

Như vậy thương yêu là một nghệ thuật, thương yêu là cả một cái nghệ thuật mà chúng ta cần phải học hỏi và thực tập. Tình yêu là một bông hoa và chúng ta phải học những  phương cách để nuôi dưỡng bông hoa đó cho nó sống lâu, để cho nó đừng biến thành cọng rác. Khi nó biến thành cọng rác rồi thì ta chỉ còn đau khổ mà thôi. Trong thế gian này, chúng ta đã chứng kiến những tình yêu ban đầu rất là đẹp, rất vĩ đại. Nhưng sau đó nó trở thành hận thù. Có những thanh niên họ ôm lấy một tình yêu lớn, họ yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào. Họ lên đường với một trái tim rất trong trắng, nóng hổi. Và tình yêu của họ đối với đất nước đối với quê hương thật là nguyên vẹn thật là đẹp đẽ. Nhưng sau đó một thời gian họ thấy tình yêu đó từ từ chết đi và họ lâm vào tình trạng tay họ phải nhúng vào máu của người anh em, của người mà trước đó họ muốn phục vụ, họ muốn thương yêu. Cái guồng máy nó nghiền nát chúng ta, lôi kéo chúng ta, làm chúng ta đánh mất  tình yêu lúc ban đầu. Ban đầu thì có biết bao nhiêu hi vọng, nhưng sau đó thì có biết bao nhiêu là tuyệt vọng. Đối tượng của tình yêu của chúng ta là gì, chúng ta phải nhận diện, chúng ta đã sống như thế nào, chúng ta đã nuôi dưỡng tình yêu của chúng ta như thế nào đó là một cái đề tài cần phải quán chiếu.

Khi tôi học trong kinh, tôi khám phá ra được là yêu và ghét là hai trạng thái của tâm hồn. Cả yêu và ghét đều có tính cách hữu cơ. Tình yêu có thể biến thành ra  sự chán ghét, cũng như là bông hoa có thể thành một cọng rác. Cái bông hoa để lâu ngày mà không chăm sóc thì nó biến thành cọng rác, chứ có gì đâu. Nhưng cọng rác cũng  có tính hữu cơ và nếu mình khéo léo, nếu mình biết phương pháp thực tập, thì mình có thể biến rác trở thành hoa trở lại. Trong chúng ta những người nào biết làm vườn theo kiểu hữu cơ đó thì chúng ta không bao giờ quăng rác đi mà chúng ta ủ rác làm lại thành phân và phân đó chúng ta sẽ nuôi hoa trở lại. Những  tuyệt vọng, những  giận hờn, những hận thù mà nếu mình biết  phương pháp thực tập theo Phật dạy, những cái đó có thể được chuyển hóa và từ rác chúng ta sẽ có hoa trở lại. Vì vậy cho nên thông điệp của đức Thế Tôn là một thông điệp rất tích cực, rất lạc quan. Nếu hoa có thể biến thành rác thì ta cũng có khả năng biến rác trở lại thành hoa, vì vậy cho nên cái chuyện phục hồi tình yêu là chuyện chúng ta có thể làm được. Mời quý vị đọc thử cuốn Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy. Có thể ta với người thương của ta đang lâm vào một  tình trạng khó khăn. Ngày xưa chúng ta hay ngồi để nhìn nhau ,ngắm nhau và chỉ cần nhìn nhau thôi cũng đủ no rồi. Nhưng bây giờ chúng ta nhìn nhau không được nữa, chúng ta nhìn không thấy có hạnh phúc. Và vì vậy cho nên chúng ta nhìn sang một phía khác để khỏi phải nhìn nhau.

Có một hôm ở làng Mai, tại chùa của các sư cô ở xóm Mới, có một phóng viên của tờ tuần san rất nổi tiếng bên Pháp dành cho giới phụ nữ, chắc quý vị biết tên của tờ báo này, tờ báo Elle. Elle tức là nàng đó. Một phóng viên của tờ Elle đã tới phỏng vấn các sư cô để viết một bài về đạo Phật ở Âu Châu. Thường thường các sư cô theo phương pháp của tôi, nghĩa là muốn viết một bài về làng Mai, muốn phỏng vấn thầy hay muốn phỏng vấn các vị lớn trong tăng thân thì phải ở lại tu  ít nhất là bảy ngày thì mới được phép phỏng vấn. Còn nếu không thì thôi, khỏi phỏng vấn. Vì phỏng vấn như thế thì hoàn toàn chỉ là lý thuyết.

Một lần khác, cô ký giả của tờ báo Timo magazine (tức là tờ tuần báo rất nổi tiếng của công giáo Pháp, rất là tiến bộ). Cô mới có hai mươi mấy tuổi thôi, cô là phóng viên của tờ Timo magazine, cô đến Làng để viết một bài về thiền của làng Mai. Các sư cô cũng đặt ra  điều kiện đó, nếu mà cô ở lại tu tập bảy ngày thỉ chúng tôi sẳn sàng tiếp cô và trả lời những câu hỏi của cô, còn nếu cô không thực tập thì thôi. Thì cô ta chịu, cô ta ở lại và cô này rất là hay, cô đem hết tất cả thân tâm để mà tham dự vào sự tu học với các sư cô. Cô tham dự thiền ngồi, cô tham dự thiền đi, cô tham dự sự thực tập ăn cơm trong chánh niệm, trong im lặng. Và cuối cùng sau khi ở được mười ngày và thực tập hết lòng, cô về viết được một  bài rất hay đăng ở trên báo Timo magazine. Nhan đề của bài báo đó  như thế này Tôi đã tìm thấy an lạc của tâm hồn ở tại miền Bordeuax. Bordeuax tức là  chỗ tọa lạc của làng Mai. Dưới đó thì cô đặt một  tựa đề khác Tại xứ sở của giây phút hiện tại. Tại vì ở làng Mai, sự thực tập tức là sống trong hiện tại, không  đánh mất mình trong sự liên tưởng quá khứ, cũng không đánh mất mình trong  sự lo lắng buồn khổ, sợ hãi về tương lai và tất cả mọi người đều tập sống thật sâu sắc  giây phút hiện tại để có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Cô ta đã thực tập như vậy trong mười ngày và cô tươi ra như một bông hoa. Vì vậy cho nên tựa đề thứ hai của  bài cô viết là Tại xứ sở của giây phút hiện tại. Tôi đã đọc hết bài đó và tôi  khen cô. Cô viết còn hay hơn những cái nhà nghiên cứu Phật giáo nhiều, vì cô có thực tập. Khi viết về thiền hành thì cô viết như thế này:

Ngày đầu tôi đã được sư cô trú trì giảng cho tôi bằng tiếng Pháp về  phương pháp đặt những bước chân an lạc vững chãi thảnh thơi trên mặt đất, phải đem cái tâm về hòa nhập với cái thân và trong mỗi bước đi mình phải phối hợp hơi thở với bước chân để đi từng bước an lạc và thảnh thơi, nhất định không có để bị kéo về quá khứ hay là kéo đi tương lai, phải an trú trong giây phút hiện tại. Tôi hiểu một cách hoàn toàn những điều của sư cô dạy và sư cô trú trì đã giảng dạy cho tôi bằng tiếng Pháp, tại sư cô này rất  giỏi tiếng Pháp. Nhưng mà đến khi tôi gia nhập vào đoàn các sư cô để thực tập buổi thiền hành đầu tiên thì cái đầu của tôi nó từ chối, nó không muốn đi theo cái chân của tôi, cái chân của tôi bước nhưng cái đầu nó nhất định không đi theo cái chân của tôi, nó không cộng tác. Tôi nói mình đã hiểu rồi, mình biết rằng muốn đi thiền hành cho thành công đó thì phải đem cái tâm trở về với cái thân và mình phải để cái tâm ở dưới bàn chân. Mỗi khi bàn chân chấm vào đất thì giống như là bàn chân nó hôn mặt đất và cái tâm của mình nó cũng phải tiếp xúc được với đất và tôi loay hoay, tôi cố gắng và mười lăm phút sau cái đầu của tôi nó chịu cộng tác với cái bàn chân của tôi và tôi bắt đầu đi được những bước thiền hành vững chãi và thảnh thơi. Theo tôi một người mới học Phật Pháp lần đầu mà trong cái giờ đầu tiên, mười lăm phút sau mà có thể đã thành công được trong thực tập thiền hành, người đó khá giỏi. Và cô đó đã thành công, mười lăm phút sau thôi cái đầu của cô đã chấp nhận cộng tác với hai bàn chân của cô. Tại vì trước đó cái thân của mình ở một chỗ nhưng cái tâm của mình nó rong ruổi chỗ khác. Đó là cái cách sống, đó là cái tập quán, cái thói quen của những người không tu. Những người không tu tức là cái thân ở đây nhưng cái tâm ở chỗ khác, cái tâm đi về quá khứ, cái tâm đi về tương lai, cái tâm đi vào sự lo lắng, đi vào sự giận hờn, đi vào sự tính toán, cái tâm không có chịu sống chung với cái thân. Mà tu thiền trước hết là phải đem tâm về thân, để cho thân tâm nó nhất như và mình có mặt trong giây phút hiện tại một cách hoàn toàn mới tiếp xúc được với những cái mầu nhiệm của sự sống, cô viết như vậy.

Nhưng hồi nãy tôi nói chuyện phóng viên báo Elle, cô này cũng về xóm Mới, và cũng xin được phỏng vấn. Các sư cô cũng đưa ra điều kiện đó và cô ta đã ở được một tuần. Sau khi phỏng vấn các sư cô rồi, gặp dịp bữa đó tôi tình cờ tới thăm xóm Mới. Cô ký giả đó muốn phỏng vấn tôi. Đúng ra báo đó là báo phụ nữ thì phải phỏng vấn các sư cô mới phải, tại sao phỏng vấn các sư cô rồi lại còn muốn phỏng vấn ông thầy, nhưng tôi vẫn đồng ý. Tại vì thầy dù sau cũng là thầy các sư cô, thành ra tôi chấp nhận để cho cô phỏng vấn. Và tôi muốn giúp  cô viết một bài có ích lợi cho đọc giả báo Elle, cho nên tôi đề nghị cô viết về một bài thực tập chứ đừng viết lý thuyết suông. Tôi đề nghị phương pháp thực tập như thế này:  chiều hôm nay sau khi ăn cơm xong, khi ông nhà đi vào trong phòng khách và mở  tivi ra thì lúc đó bà nên đi lên theo đi, bà ngồi xuống cái ghế bên cạnh ông. Tại vì bà là độc giả của báo Elle, bà phải khởi đầu sự thực tập, bà ngồi xuống, bà thở vào, thở ra. Thở vào tôi buông thư toàn thân, thở ra tôi mĩm cười nhẹ nhàng. Bà thở như vậy một phút, hai phút cho khỏe. Và khi nào bà thấy khỏe rồi thì bà hướng về phía ông rồi bà cố gắng nói một câu dịu dàng. Bà nói Anh ơi, anh có thể tắt tivi được không? Em có chuyện cần muốn nói với anh, nói cho dịu dàng. Thì ông nhà vốn là một người lịch sự, một người có học thức, thế nào ông cũng tắt tivi nhưng mà trong bụng ông cũng hơi bực, nói chuyện với cái bà này đâu có gì hạnh phúc, nhìn bà mình thấy đã không có hứng rồi, mà nói chuyện thì có gì là hạnh phúc đâu, nhưng bà đã yêu cầu như vậy không có lý mà ông không tắt tivi. Ông miễn cưỡng phải tắt tivi.  Ông cầm cái điều khiển tivi gọi là remote control tắt một cái rồi xoay lại, Cái gì đó? muốn cho nó xong để rồi coi tivi cho khỏe.

Có một nhà văn Pháp tên là Saint Exupéry, ông là tác giả của cuốn sách rất nổi tiếng Hoàng tử bé. Ông ta có nói ở đâu đó một câu như thế này yêu nhau không phải là ngồi đó mà nhìn nhau, yêu nhau là cả hai người cùng nhìn về một hướng. Ông nói như vậy, thì mình không biết ông nói hướng nào. Nhưng mà thật sự trong cuộc đời này nếu yêu nhau mà không biết cách yêu thì một năm, hai năm sau  nhìn nhau sẽ không có hạnh phúc nữa. Ban đầu thì nhìn nhau là no thôi, bây giờ nhìn nhau thấy cái mặt ghét quá, không có hạnh phúc nữa. Không biết làm ăn sao mà ban đầu nhìn nhau thì rất hạnh phúc mà bây giờ nhìn nhau không  được nữa. Cái bông đã trở thành ra rác rồi, tình thương nó đã trở thành cái bực bội, hận thù rồi. Cho nên nhìn nhau không được,. Vì vậy cho nên mới đồng ý một cách lặng lẽ, nếu nhìn nhau không có hạnh phúc thì cả hai đứa cùng nhìn về một hướng, mà hướng này là hướng tivi. Hai ông bà nhìn nhau không có hạnh phúc thì cùng nhìn vào tivi cho nó đỡ khổ. Vì vậy cho nên cái tivi là một cứu tinh.

Nhưng phương pháp đề nghị  không phải phương pháp trốn chạy. Phương pháp thực tập này  giúp cho hai ông bà có cơ hội đối phó với  tình trạng, tìm cách tháo gỡ những  khó khăn trong  tình trạng đó. Cho nên bà là đọc giả của báo Elle, bà đọc bài này thì bà phải khởi đầu sự thực tập. Bà phải thở cho khỏe trong người để bà có khả năng nói được một câu dịu dàng. Tại vì lâu nay có thể bà không có khả năng nói được một câu dịu dàng như vậy. Tôi đề nghị một câu như thế này Anh ơi, anh có thể tắt tivi được không, em có chuyện quan trọng muốn nói với anh. Bà nói cho được câu đó, thì dù ông ta có bực bội đến đâu  cũng không bất lịch sự đến nỗi  không  chịu tắt tivi. Thành ra ông ta cầm cái remote control bấm một cái rồi quay lại, cái gì đó?. Lúc đó bà mới nhìn ông rồi bà hỏi  như thế này anh ơi, anh có nghĩ rằng chúng ta là một cặp có hạnh phúc không, anh có nghĩ rằng chúng ta là một cặp vợ chồng có hạnh phúc không. Mà nếu không là tại vì những lí do gì, tại vì những lí do nào. Tại vì cả hai vợ chồng người nào cũng có công ăn việc làm, cũng có lương tiền lớn hết. Cái nhà rất là tốt, có tới hai cái xe hơi, người nào cũng có trương mục ở trong ngân hàng hết. Có đủ tất cả những điều kiện để hạnh phúc, nhưng mà tại sao không có hạnh phúc? Cho nên đặt vấn đề nó rất là thiết thực, Anh ơi theo anh thì hai đứa mình có phải là một cặp có hạnh phúc không. Mà nếu không thì anh nghĩ là tại vì sao vậy.

Đó là thiền. Thiền tức là có thì giờ để nhìn vào  tình trạng của mình và tìm ra cái nguyên nhân sâu sắc nhất của đau khổ, tại sao đau khổ? Trong trường hợp này không phải là tại vì thiếu tiền, thiếu bạc, thiếu nhà, thiếu danh vọng. Mà tại vì hai người đã làm ăn như thế nào để cái bông hoa đẹp đẽ của tình yêu, nó trở thành ra cọng rác của sự ghét bỏ. Theo  nguyên tắc của giáo lý tứ diệu đế đó, bất cứ cái khổ đau nào nó cũng có những nguyên nhân. Và nhìn vào khổ đế tức cái sự thật thứ nhất, mà nhìn cho sâu sắc thì mình khám phá ra được sự thật thứ hai. Từ sự thật thứ hai, mình có thể khám phá ra được là cả hai người không có người nào có nghệ thuật nuôi dưỡng bông hoa của tình yêu hết. Không có ai có khả năng sử dụng ái ngữ, không có ai có khả năng sử dụng lắng nghe, không có ai có khả năng ôm ấp và chuyển hóa những cơn giận nỗi buồn của mình. Và cả hai đều có cái khuynh hướng muốn trừng phạt người kia mỗi khi mình cảm thấy có một sự bực bội ở trong lòng. Và vì vậy cho nên từ một  bông hoa mà họ đã đi đến tình trạng một cọng rác. Thì nếu là người trí thức, nếu là người có chút thì giờ thì chúng ta sẽ cùng nhau nhìn vào sự thật để khám phá ra sự thật thứ hai tức là tập đế nguyên nhân của những khổ đau. Và khi mình nhìn vào sự thật thứ nhất cho thật sâu thì thế nào cũng khám phá ra được sự thật thứ hai tức là tập đế.

Có những người đi xuất gia ban đầu  tâm bồ đề của họ rất là lớn, năng lượng của bồ đề tâm rất là hùng mạnh, hai con mắt họ rất sáng, trái tim họ nóng hổi. Là vì cái năng lượng của bồ đề tâm là xuất gia để tu học, để chuyển hóa những khổ đau và để có khả năng giúp người chuyển hóa những khổ đau. Và khi giúp người chuyển hóa được những khổ đau, giúp cho người ta có thể hòa giải được với nhau và làm sống dậy tình yêu đã chết thì phần thưởng đối với mình rất là lớn. Tại đời mình nó có  ý nghĩa là mình đi theo hướng đi của đức Thế Tôn, mình giúp cho không biết bao nhiêu người thoát ra khỏi tình trạng bế tắc khổ đau,  giận hờn, tuyệt vọng. Cuộc đời của người xuất gia, một cuộc đời có thể rất là hạnh phúc. Tôi có thể báo cáo với quý vị tôi là một ông thầy tu có hạnh phúc rất là lớn  vì tôi đã giúp cho nhiều người  tháo gỡ được những  khó khăn ở trong tâm, để họ có thể hòa giải được với nhau và làm phục sinh lại  tình yêu mà họ đã đánh mất. Nói như vậy không có nghĩa là tôi đã không trãi qua những khó khăn. Cuộc đời của một người tu có thể có rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu mình may mắn có được thầy giỏi, có được các bạn tu, có huynh đệ giỏi, có tăng thân giỏi thì mình có cơ hội vượt hết những khó khăn đó để cùng đi với tăng thân như một dòng sông. Và mình nuôi dưỡng được  bồ đề tâm cho đến hết đời tu của mình. Tại vì bồ đề tâm đó cho mình rất  nhiều năng lượng để mình có thể vượt thắng được những khó khăn và giúp cho mình thực hiện được những công trình chuyển hóa và độ đời, đem lại cho mình rất  nhiều hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng nếu tôi sanh ra trở lại thì tôi sẽ đi tu trở lại. Tại vì đi tu đối với tôi nó hạnh phúc quá chừng. Và khi mà tôi độ những người đệ tử xuất gia và tại gia thì tôi hết sức trao truyền những  kinh nghiệm tu học của tôi cho họ. Tôi giúp họ phương pháp hành trì để họ có thể giữ gìn được  bồ đề tâm, tức là tình yêu của họ.

Hồi nãy các thầy các sư cô hát bài Tìm nhau đó tức là nói lên tình yêu của một người có lý tưởng đi về hướng độ sanh. Có những người xuất gia họ không có cái may mắn, họ không  gặp được thầy giỏi, họ không gặp được tăng thân hay. Họ có những khó khăn với thầy mà không giải tỏa được. Họ có khó khăn với huynh đệ mà không giải tỏa được. Và cuối cùng thì họ đã ly khai tăng thân, họ đi ra ngoài đời và họ đánh mất cái bồ đề tâm đó, rất là tội. Trong trường hợp đó, một bông hoa rất là đẹp của buổi ban đầu nó biến thành ra một đống rác.  Những cư sĩ tại gia cũng vậy đó, ban đầu tình yêu của mình có thể rất là huy hoàng, rất là lộng lẫy. Nhưng nếu mình không biết tu tập, mình không có thầy hay bạn giỏi, mình không biết tiếp xúc với chánh pháp thì mình có thể đánh mất tình yêu đó, mình không biết cách cho tình yêu  ăn cơm mỗi ngày Mình bỏ đói nó, mình biến nó thành ra tuyệt vọng, biến nó thành ra hận thù. Và cuộc đời mình không còn ý nghĩa nữa và mình than vản rằng, cuộc đời mình không có may mắn, không có hạnh phúc. Vì vậy vấn đề tình yêu không phải là vấn đề riêng của những người cư sĩ. Vấn đề tình yêu cũng là vấn đề của những người xuất gia. Và cái tình càng cao thượng,  càng vĩ đại thì cái hạnh phúc càng lớn. Có những người nghĩ rằng  hạnh phúc là ở chỗ có được nhiều tiền bạc, được nhiều quyền uy, được nhiều danh vọng và được nhiều sắc dục. Vì vậy rất nhiều người chạy về hướng đó để đi tìm hạnh phúc. Nhưng nếu chúng ta quán chiếu thì chúng ta thấy rằng ở trên thế gian có rất nhiều người giàu có, rất nhiều người có uy quyền, rất nhiều người có danh vọng và sắc dục, nhưng  những người đó đau khổ cực kỳ, họ rất  cô đơn, họ tàn phá thân thể và tâm hồn của họ. Cho nên mình biết rằng  hạnh phúc chân thật nó nằm ở phía tình yêu chứ không phải là nằm ở chỗ tiêu thụ, hưởng lạc. Mà tình yêu là cái gì, nó nuôi dưỡng cho chúng ta, nó cho chúng ta một cái hướng đi và nó cho chúng ta một cái nguồn năng lượng. Mà theo định nghĩa của tứ diệu đế thì cái mà có ý nghĩa nhất là vượt thắng khổ đau và giúp người khác vượt thắng khổ đau. Thì suốt cả cuộc đời của đức Thế Tôn là đi theo hướng đó, đi theo cái hướng nhận diện những đau khổ ở trong thế gian, tìm ra gốc rễ những đau khổ đó và giúp những con người cùng sống đồng thời với mình trong thế gian này, giúp họ vượt thoát những khó khăn, những khổ đau  để tìm tới một hướng đi an lạc. Vì vậy nhìn vào sự thật thứ nhất là khổ đế, chúng ta phát hiện sự thật thứ hai là tập đế. Và khi mà chúng ta đã tìm ra được sự thật thứ hai là tập đế rồi thì cái sự thật thứ tư là đạo đế nó hiện rõ ra con đường của sự thực tập theo bát chánh đạo, con đường của hiểu biết của thương yêu, con đường của năm giới.

 

Thực tập năm giới tức là sự thực tập tình yêu,
Nếu quý vị nghiên cứu năm giới theo  mô thức của làng Mai, (giới tướng của năm giới trình bày theo kiểu của làng Mai  rất là rõ), nếu quý vị nghiên cứu cho kỹ lưỡng, quý vị sẽ thấy  thực tập năm giới tức là sự thực tập tình yêu. Tình yêu là một cái gì mình phải thực tập, mình phải nuôi dưỡng, mình phải chế tác. Tình yêu không phải là một bưu kiện mà nhà bưu chính tới phát cho mình.

Khi chúng ta nói tới  giới thứ nhất, tức là giới bảo vệ sự sống, bảo vệ sanh mạng của các loài thì đó là tình yêu đích thực, đó là từ bi. Chúng ta không nỡ giết hại, chúng ta không nỡ làm cho các sinh linh đau khổ. Chúng ta nguyện sống như thế nào để mỗi ngày chúng ta có  khả năng cứu độ, bảo hộ cho sự sống, cái đó là gì nếu không phải là tình yêu? Đó là tình yêu của đức Thế Tôn. Đó là giới bất sát, đó là  giới bảo hộ sự sống.

Nếu mình không có lòng từ bi, không có chất liệu từ bi trong trái tim, thì mình là một người cô đơn nhất ở trên đời. Có chất liệu từ bi trong trái tim, mình mới có thể liên hệ được với những con người khác. Con người mà không có từ bi là con người đau khổ cùng cực. Cho nên giới thứ nhất là gì, giới thứ nhất là giới chế tác tình thương, chế tác lòng từ bi. Càng nhiều từ bi chừng nào thì càng ít khổ đau chừng đó, càng nhiều từ bi chừng nào thì càng có hạnh phúc chừng đó. Đó là kinh nghiệm của tôi, và đó không phải là vấn đề lý thuyết.

Sự thực tập bảo hộ sự sống nó được thực hiện trong cách mình ăn uống, mình làm việc, mình sống đời sống hàng ngày của mình. Mình là hiện thân của từ bi, mình là sự tiếp nối của đức Thế Tôn. Sứ mạng của mình ở trên trái đất này là bảo vệ sự sống, không những sự sống của con người mà sự sống của các loài, trong đó có các loài thảo mộc và các loài đất đá nữa. Và vì vậy cho nên với giới thứ nhất đó mình học suốt đời cũng chưa đủ.

Nói đến giới thứ hai là giới không trộm cắp, không ăn gian, không có lợi dụng. Đó là cái giới của sự chia sẻ. Không những mình không chiếm đoạt tài sản của người khác, không những mình không xâm phạm hoặc ăn gian tài sản của người khác, mình còn thực tập hiến tặng. Hiến tặng thì giờ của mình, hiến tặng tài sản của mình, hiến tặng tài năng của mình để giúp cho con người bớt khổ. Sự hào phóng đó, lòng thương người đó, cái ý muốn giúp cho con người thoát ra khỏi vòng nghèo đói cơ cực đó là gì nếu không phải là tình yêu ? Bố thí có nghĩa là hiến tặng, mình hiến tặng cái gì, mình hiến tặng thì giờ của mình, mình hiến tặng  tình thương của mình, mình hiến tặng sự hiểu biết của mình, mình hiến tặng tất cả những gì của mình có để giúp cho người kia thoát ra khỏi tình trạng bế tắc của họ. Mà không cần mình phải là một người giàu thì mới hiến tặng được. Là những người tu hành mình làm gì có tiền bạc nhiều, tài sản nhiều. Nhưng suốt đời của mình có thể là một cuộc đời của sự hiến tặng.

Một nụ cười, một ánh mắt, một cử chỉ, một lời nói, tất cả những cái đó đều có khả năng giúp cho người bớt khổ. Đó là một nghệ thuật hiến tặng. Đó là  biểu hiện của tình yêu. Vì vậy cho nên cái giới thứ hai cũng là tình yêu.

Giới thứ ba là không có tà dâm. Giới thứ ba là để bảo hộ cho những gia đình để cho những gia đình đó đừng bị tan vỡ. Bảo hộ cho từng cá nhân để cho cá nhân đó nó không bị xâm phạm, uy hiếp hay lạm dụng. Bảo hộ cho trẻ em để cho trẻ em đừng bị lạm dụng về phương diện tình dục. Biết bao nhiêu gia đình tan vỡ vì cái nạn tà dâm? Biết bao nhiêu đời sống đôi lứa tan vỡ vì nạn tà dâm? Biết bao nhiêu trẻ em lớn lên mà không có một tương lai là tại  vì bị lạm dụng tình dục ngay từ hồi còn bé thơ? Và vì vậy cho nên  giới thứ ba nó là gì nếu không phải là sự bảo hộ, nếu không phải là tình yêu? Tình yêu đích thực là mình phải bảo hộ cho mình, phải bảo hộ cái trinh tiết của chính mình và sẽ bảo hộ được cái tiết hạnh của người khác. Tại vì khi mình xâm phạm vào tiết hạnh của người khác, mình làm tan vỡ đời sống của họ và đồng thời mình gây một vết thương rất là lớn cho mình. Vì vậy cho nên giới thứ ba cũng là tình yêu. Khi mình là người cư sĩ mà mình quỳ xuống tiếp nhận giới thứ ba tức là mình phát nguyện thương yêu đó, bảo hộ. Và khi mình quỳ xuống để nhận giới xuất gia để trở thành  một sư cô hay một thầy, tức là lúc đó mình phát nguyện bảo hộ, bảo hộ cho chính mình, bảo hộ cho đoàn thể mình, bảo hộ cho tất cả mọi người để mọi người có thể sống được an lành mà không bị xâm phạm, đó là tình yêu.

Giới thứ tư là giới không có nói dối, không có chửi mắng, không có sử dụng những cái ngôn từ ác độc lên án vu oan giá họa. Giới thứ tư là sử dụng cái phương pháp lắng nghe với tâm từ bi và cái ngôn từ hòa ái để có thể thiết lập được cái sự truyền thông giữa cha và con, giữa chồng với vợ. Nếu hai người không có nhìn nhau được, hai người không nói chuyện với nhau được là tại vì sự truyền thông đó đã bị cắt đứt. Và theo đạo Phật, khi mà sự truyền thông đã bị cắt đứt rồi thì không thể nào có hạnh phúc được nữa. Và vì vậy cho nên phải sử dụng  phương pháp lắng nghe của đức Quan Thế Âm, phải sử dụng cái phương pháp ái ngữ của đức Quan Thế Âm. Nếu mình tập giỏi thì trong một tuần lễ mình có thể tháo gỡ được, mình có thể thiết lập lại cái sự truyền thông giữa cha và con, giữa vợ và chồng. Đó là cái gì nếu không phải là tình yêu, dựng lại tình thâm?

Và  giới thứ năm là không có đưa vào trong con người mình những cái độc tố, mình ăn uống cũng như là mình tiêu thụ thì mình phải ăn uống và tiêu thụ trong chánh niệm. Từ sự ăn uống, các thức ăn thức uống cho đến sự tiêu thụ những sản phẩm sách báo hay là phim ảnh mình phải sống chánh niệm. Tại vì những sản phẩm đó có thể có nhiều chất độc, có nhiều độc tố, ăn vào thì bệnh, gọi là bệnh tùng khẩu nhập. Hay là coi những phim đó, hay đọc những cuốn sách đó, hay là nghe những bản nhạc đó, nó đưa những độc tố của sự bạo động, của sự hận thù, của sự thèm khát vào trong tâm và nó làm cho ung thối cái thân và cái tâm của mình. Vì vậy giới thứ năm tức là bảo hộ mình, bảo hộ gia đình mình, bảo hộ xã hội mình bằng con đường tiêu thụ có chánh niệm. Mình chỉ tiêu thụ những sản phẩm nào lành mạnh mà không có độc tố. Loại trừ những thức ăn thức uống cho đến những sản phẩm sách báo phim ảnh âm nhạc. Những thứ nào có độc tố đem vào trong con người sự thèm khát, sự hận thù mình đều không tiêu thụ. Mình không đọc, mình không coi, mình không nghe thì cái giới thứ năm là gì nếu không phải là quyết tâm bảo hộ bản thân, bảo hộ cho gia đình mình và bảo hộ cho xã hội mình và đó là tình yêu.

Bên Mỹ tôi có nói như thế này, quý vị đã nhân danh tự do mà sản xuất ra quá nhiều những sản phẩm có độc tố, phim ảnh của quý vị, tiểu thuyết của quý vị là những  thức ăn có quá nhiều độc tố. Và trẻ em chúng tôi khi ngồi coi một giờ đồng hồ tivi của quý vị, những phim của quý vị, thì nó tiếp thu không biết bao nhiêu là độc tố trong con người của nó. Và tính chất bạo động sợ hãi căm thù của nó càng ngày càng lớn. Là tại vì chúng nó tiêu thụ những sản phẩm độc tố mà quý vị nhân danh tự do để sáng tạo ra. Trẻ con bên Mỹ, mỗi ngày nó coi tivi vào khoảng ba hay bốn tiếng đồng hồ. Cha mẹ không có thì giờ để nói chuyện với con, dạy dỗ con và để cho tivi làm cái phận sự giữ em. Vì vậy cho nên con nít coi nhiều phim rất là ghê gớm và trong phim đó nó có rất nhiều chất liệu của bạo động, của thèm khát, của hận thù. Quý vị đã nghe những câu chuyện con nít cầm súng vào trong trường bắn luôn thầy giáo. Tình trạng bạo động của tuổi trẻ bây giờ  càng lúc càng tệ.  Ở Việt Nam của mình cũng đã có hiện tượng như vậy. Tuổi trẻ bạo động là vì đã tiêu thụ một cách bừa bãi những độc tố của sự thèm khát, của sự hận thù, của sự bạo động. Cho nên  giới thứ năm tức là bảo hộ thân, bảo hộ tâm của mình, bảo hộ thân tâm của gia đình mình và xã hội mình.

Tôi nói với các nhân sĩ và các nhà báo bên Mỹ  rằng quý vị có tượng thần Tự Do nhưng mà quý vị chưa có tượng thần trách nhiệm. Tượng thần Tự Do quý vị đã dựng lên ở miền đông nước Mỹ, bây giờ tôi đề nghị quý vị phải thiết lập tượng thần Trách Nhiệm ở phía tây nước Mỹ. Tự do không có nghĩa là không có tinh thần trách nhiệm. Khi quý vị sản xuất ra những sản phẩm để cho người ta tiêu thụ, quý vị phải biết rằng những sản phẩm đó có độc tố hay không. Nếu quý vị muốn làm giàu rồi nhân danh tự do mà quý vị sản xuất ra những  sản phẩm văn hóa có độc tố như vậy thì quý vị đầu độc con em, đầu độc người lớn. Và như vậy quý vị không có tinh thần trách nhiệm. Vì vậy cho nên ở nước Mỹ đã có tượng thần Tự Do, bây giờ quý vị phải dựng tượng thần Trách Nhiệm. Và sau buổi giảng thì có một vị kiến trúc sư  tự nguyện làm đồ án xây dựng ở tại bờ biển miền tây nước Mỹ một tượng thần Trách Nhiệm. Khi có trách nhiệm rồi thì tự do mới thật sự là tự do, còn tự do không trách nhiệm thì đó là sự tàn phá.

Vì vậy cho nên khi người Phật tử mà thực tập năm giới cho sâu sắc, học hỏi năm giới cho sâu sắc, thì đó là tình yêu lớn. Tình yêu này nó nuôi dưỡng bản thân, nó nuôi dưỡng gia đình, nó nuôi dưỡng cả xã hội. Vì vậy có thể nói rằng đạo Phật là đạo dạy về thương yêu. Và tôi xin nói thật với quý vị, quý vị đừng có tưởng năm giới là cái gì mà chúng ta có thể học và hiểu được trong vòng một giờ đồng hồ hay hai giờ đồng hồ. Ba mươi năm chưa chắc đã học thấu suốt được năm giới và càng học, càng pháp đàm thì chúng ta càng tìm ra được những  phương pháp hữu hiệu để áp dụng năm giới vào đời sống hàng ngày.

Đức Thế Tôn nói, chỉ cần thực tập năm giới thôi là mình có thể có hạnh phúc trong giây phút hiện tại, gọi là hiện pháp lạc trú. Vì vậy ở bên Pháp, bên Mỹ, bên Anh, ở bên Đức, mỗi khi có người thọ năm giới thì những người đó phải tụng giới mỗi hai tuần một lần và phải tham dự và học hỏi những cuộc pháp đàm về năm giới. Mà nếu trong ba tháng liên tiếp mà không tụng giới một lần thì cái lễ thọ giới coi như là vô hiệu lực. Muốn thọ giới trở lại thì phải xin thọ giới trở lại. Và tất cả những người Âu châu và Mỹ châu mà tới làng Mai tiếp nhận ba quy và năm giới, họ đã tiếp nhận ba quy và năm giới trong một khóa tu mà chúng tôi tổ chức ở các nước đều tiếp nhận năm giới với cái điều kiện đó, nghĩa là nếu trong ba tháng liên tiếp mà không tụng giới một lần hoặc là không có tham dự vào những cuộc pháp đàm để áp dụng năm giới vào thì sau ba tháng đó không còn một thầy trò nữa, không còn giới thể nữa. Coi như  buổi truyền giới đó mất hiệu lực.

Tôi nghĩ ở Việt Nam chúng ta cũng phải áp dụng như vậy, sau khi thọ năm giới rồi mình phải đi tụng giới mỗi nữa tháng, mình phải tham dự vào những buổi học hỏi pháp đàm để học sâu về năm giới và để tìm cách áp dụng năm giới vào trong đời sống hàng ngày và đó là sự thực tập của tình yêu, tình thương. Xin quý vị nếu chưa đọc  giới tướng của năm giới làng Mai thì nên tìm đọc. Chúng tôi đã truyền giới cho những người công an, cảnh sát ở bên Mỹ. Họ có nhiều bạo động, họ có nhiều căm thù, họ có nhiều khổ đau lắm.

Theo luật pháp ở Mỹ thì tôn giáo  không xen vào phạm vi chính trị. Vì vậy cho nên khi mà chúng tôi chiều ý một số các vị sĩ quan trong giới công an cảnh sát mà mở khóa tu đó,  chúng tôi không sử dụng những nghi thứccó tính cách tôn giáo, nghĩa là không có sự lễ lạy, đốt hương và tụng kinh mà chỉ ngồi thiền, đi thiền hành, ăn cơm im lặng, tập nhận diện và ôm ấp những  cảm xúc, những cái giận hờn. Và chúng tôi có thể báo cáo rằng là mình có thể giảng dạy về những pháp môn Phật giáo mà không cần phải dùng bất cứ một danh từ Phật giáo nào hết. Vì vậy chúng tôi đã viết ra một văn bản để giúp cho những người cảnh sát công an Hoa Kỳ  để họ tiếp nhận ba quy và năm giới mà không cần có một danh từ Phật giáo nào hết. Trong đó không có  danh từ Phật, Pháp, Tăng và Giới. Một  văn bản, một ngôn ngữ hoàn toàn  không có tôn giáo, rất là hay, chúng tôi tìm cách đem đạo Phật vào cuộc đời. Quý vị  đã biết rằng  Tây phương  là địa bàn của Cơ đốc giáo và Do thái giáo. Và chúng tôi đã phải sử dụng thứ ngôn ngữ nào để có thể truyền đạt được  tuệ giác của đạo Phật và những phương pháp thực tập để giúp cho người ta chuyển hóa được, tháo gỡ được những cái khó khăn. Càng ngày  số người tới tu học càng đông và họ thừa hưởng được rất nhiều của đạo Phật không phải như là một cái tôn giáo mà như là một  truyền thống tuệ giác thực tập. trong giới các thầy các sư cô này có rất nhiều người xuất thân từ truyền thống Cơ đốc giáo, họ vẫn còn rất là thương Cơ đốc giáo, nhưng họ xuất gia theo đạo Phật là tại vì họ thấy trong đạo Phật có những pháp môn thực tập rất là cụ thể, nó giúp cho họ chuyển hóa được những cái đau buồn, những cái khó khăn của họ. Ở trong số các thầy có một vị tên là Chân Pháp Đệ ngày xưa đã từng làm linh mục Công giáo, bây giờ vẫn còn thương chúa Kito lắm, nhưng sở dĩ đi theo nếp sống xuất gia Phật giáo tại vì thấy trong Phật giáo những phương pháp mà đức Thế Tôn đưa ra để thực tập chuyển hóa khổ đau rất là cụ thể, rất là rõ ràng. Và khi người ta tới với mình để tu tập không phải là tại mình có bằng tiến sĩ Phật học hay tiến sĩ triết học mà tại vì mình có những pháp môn rất là cụ thể giúp cho người ta tháo gỡ và chuyển hóa.

Trong bốn mươi năm qua chúng tôi đã nỗ lực hiện đại hóa Phật giáo, đổi mới Phật giáo, làm mới Phật giáo. Chúng tôi đã sử dụng được  thứ ngôn ngữ có thể truyền đạt được cái tuệ giác Phật giáo và những pháp môn thích hợp cho người trẻ và người trí thức. Chúng tôi đã thu thập đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm.  Trong chuyến về thăm quê hương này, chúng tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm hành đạo ở Tây Phương để giúp cho các Phật tử ở quê hương có thể làm mới được đạo Phật, đổi mới được đạo Phật. Tại vì đất nước đang đi trên con đường đổi mới về kinh tế về chính trị về văn hóa, thì đạo Phật của mình cũng phải đổi mới cũng phải cập nhật hóa, thì mới có thể đáp ứng lại được với những nhu cầu của giới trẻ và giới trí thức. Chứ nếu mình đi ra các chùa, nhất là các chùa miền Bắc thì mình chỉ thấy các bà già tới thôi, không có tuổi trẻ, không có người trí thức. Và vì vậy cho nên mình phải đổi mới, mình phải làm mới đạo Phật, mình phải hiện đại hóa đạo Phật và đưa tuổi trẻ và người trí thức trở về với đạo Phật. Đó là một trong những cái ước mơ của chúng tôi trong chuyến đi này. Và vì vậy cho nên tiếp xúc với các vị tôn đức ở trong giáo hội, tiếp xúc với các vị thanh niên tăng ni và các Phật tử đang lãnh những trách nhiệm Phật sự thì chúng tôi có cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm thực tập và giảng dạy của chúng tôi trong vòng bốn mươi năm ở Tây Phương. Chúng tôi nghĩ rằng nếu thanh niên Tây Phương, trí thức Tây Phương họ chấp nhận được những pháp môn mới này, họ thành công được, thì thế nào thanh niên và trí thức Việt Nam cũng sẽ chấp nhận và thành công trong phương pháp thực tập này.

Bây giờ chỉ còn mấy giờ đồng hồ nữa là tới giao thừa. Nếu quý vị còn có một chút khó khăn, nếu quý vị còn chưa có hòa giải được với người kia thì đây là lúc mà quý vị phải làm công việc đó trước khi năm mới, trước lúc giờ giao thừa tới. Quý vị hãy tới với người đó mà nói rằng trong năm nay anh đã từng vụng về, đã nói và đã làm những điều khiến cho em đau khổ, anh rất hối hận. Anh sẽ hứa rằng sang năm mới anh sẽ không có lặp lại những cái vụng về đó, em chứng cho anh. Quý vị hãy nói với người thương câu đó, con ơi, trong năm nay ba đã quá nóng, ba đã từng la mắng trách cứ con, ba chưa thấy được những cái khổ đau khó khăn của con cho nên ba mới làm như vậy, ba hối hận lắm. Ba muốn rằng trong năm mới ba sẽ không có hành xử như vậy nữa, con bỏ qua cho ba để cho năm mới hai cha con mình có hạnh phúc.

Người vợ nên nói với người chồng như vậy, người chồng nên nói với người vợ như vậy, người cha nên nói với người con như vậy, người con nên nói với người cha như vậy. Và chúng ta phải giải quyết, phải hòa giải với nhau trước khi năm mới trở về. Nếu  người kia không có ở đây thì quý vị có quyền sử dụng điện thoại di động cầm tay để làm công việc đó.

Xin kính chúc tất cả một năm mới Ất Dậu có nhiều sức khỏe, có nhiều hạnh phúc và sống trong hào quang che chở của chư Phật, chư Bồ Tát và nhớ thực tập năm giới cho sâu sắc. Mình nuôi dưỡng tình yêu, mình đem lại hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho tất cả nhân loại.

(Xem lại Phần I)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.