PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh

 

  • Tháng X 2007 - Chân Tịnh Ý biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 31.07.2007 tại xóm Mới - làng Mai - Pháp
    Phần 1:
    Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.

Tháp chuông Hòa Ái
chùa Cam Lộ - xóm Hạ - làng Mai - Pháp

Kính thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày 31 tháng 7 năm 2007. Chúng ta đang ở tại xóm Mới trong tuần lễ thứ tư của khóa tu mùa Hè.

Mẹ con sư tử

Đức Thế Tôn có kể câu chuyện về một con sư tử mẹ mang thai gần đến ngày sinh, nhưng vẫn phải đi kiếm mồi.

Hôm đó sư tử mẹ đuổi theo một con nai. Bụng sư tử mẹ đã lớn nên nó rất mệt, lại đang đói nên không thể nào chạy nhanh. Đuổi con nai tới một thung lũng, con nai chạy lẹ nhún mình nhảy qua thung lũng. Sư tử mẹ đang đói mà đứa con trong bụng cũng đói, vì vậy sư tử mẹ cũng rán hết sức mình rướn nhảy qua. Nhưng trong khi nhảy từ bên này qua bên kia sườn núi thì sư tử mẹ bị sảy thai. Sư tử con rơi từ lòng mẹ xuống thung lũng.

Mất đứa con, sư tử mẹ tuyệt vọng không còn muốn rượt theo con nai nữa. Nghĩ rằng sư tử con rớt xuống thung lũng chắc đã tan xương nát thịt, sư tử mẹ rất đau buồn.

Hơn một năm sau, lúc sư tử mẹ đang đi trong rừng thì thoáng thấy một con sư tử con.  Sư tử con này có bộ điệu không giống như sư tử mà giống như một con khỉ. Nó biết leo cây. Nó kêu chét chét, lại biết ăn trái cây. Thường thường thì sư tử không ăn trái cây. Nhưng sư tử con này biết ăn trái cây, leo cây giỏi và nói tiếng khỉ thành thạo. Thoáng một chút, sư tử mẹ biết rằng đứa con của mình còn sống. Nó mừng lắm. Nhưng sư tử con gặp sư tử mẹ, nó không có cảm giác gì hết. Nó không thấy sư tử mẹ có liên hệ gì tới nó và nó còn  muốn lẩn trốn sư tử mẹ nữa.

Sư tử con chơi với bầy khỉ. Nó leo cây với bầy khỉ con và chơi với nhau. Nó nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ khỉ chét, chét, chét. Cách nhìn, cách chơi, cách nói, cách hái trái cây nhai nhai của nó giống hệt như con khỉ con.

Sư tử mẹ nghĩ rằng nên kiên nhẫn một chút. Nên chọn lúc nào sư tử con đi một mình, không có những con khỉ khác bên cạnh thì  sẽ tới làm quen.

Một hôm, sư tử mẹ gặp sư tử con một mình đi tới. Nó nói : con của mẹ ơi, đi chơi với mẹ đi. Sư tử con ngạc nhiên, bực tức : bà này vô duyên thiệt, tôi là con của bà hồi nào, mẹ của tôi là khỉ mẹ dễ thương mà. Nó nhớ lại mẹ nó rất là dễ thương. Mẹ nó kể chuyện cách đây cả năm trời, đang hái trái cây trong thung lũng thì tự nhiên có một cục gì từ trên trời rơi xuống. Mẹ đưa tay ra hứng thì thấy đó là một con vật bé xíu, mềm nhũn, rất dễ bị thương.  Mẹ đem về nuôi và cho bú, cho học nói, cho ăn trái cây và cho tập leo. Mẹ mình dễ thương, khác với bà này vô duyên quá. Bà ta đâu có dính líu gì tới mình mà tự nhiên bà gọi mình là con. Bà tự xưng là mẹ và lại còn rủ mình đi theo nữa. Thật là vô duyên!

Sư tử con nói : thôi đi bà. Bà đi ngay đi, bà đừng nói vô duyên lắm. Nó có vẻ giận nữa. Tôi ghét bà lắm, bà đi đi.

Sư tử mẹ học được rằng, nó cần kiên nhẫn nhiều hơn nữa, phải từ từ mới được. Đứa con của mình không biết nó là giống sư tử, nó tưởng nó là khỉ. Nó đã tưởng như vậy bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng rồi. Bây giờ mình bảo nó không phải là khỉ, bảo nó là sư tử thì nó không chấp nhận.

Một lần khác, sư tử mẹ gặp lại sư tử con. Nó nói : Cô ơi, tôi xin lỗi cô nhé. Hôm trước tôi dại quá, tôi lầm. Tôi tưởng cô là con của tôi, tôi tưởng cô là sư tử ai dè nhìn lại tôi thấy cô là khỉ mà sao tôi lại nói cô là con của tôi được, cho tôi xin lỗi nhe, từ rày về sau tôi sẽ không làm như vậy nữa.  Sư tử con nhanh nhẩu : Vậy mới đúng, vậy mới đúng đó, tôi là khỉ mà bà kêu tôi là sư tử, bà kêu tôi là con của bà thì bà bậy, nhưng bà biết lỗi thì tôi tha lỗi cho bà. Sư tử mẹ mới hỏi : Như vậy thì mình chơi với nhau được không ?  Sư tử con bằng lòng.

Hai mẹ con tới bên một bờ suối, chỗ đó nước suối trong, có thể soi bóng được. Sư tử mẹ mới soi mình. Sư tử con thấy bạn mình soi bóng ở dưới nước thì nó cũng soi và rất ngạc nhiên thấy ở dưới nước có bóng con sư tử lớn bên cạnh con sư tử con. Sư tử mẹ le cái lưỡi thì sư tử con cũng le cái lưỡi. Sư tử mẹ đưa chân trước ra thì người bạn mới cũng giả bộ làm như vậy.  Nó bắt đầu nghi ngờ rằng có thể mình không phải là khỉ. Nó nhăn mặt một cái thì ở dưới nước, bóng nó nhăn mặt. Le lưỡi một cái, thì ở dưới nước, bóng nó le lưỡi. Nó đưa chân trước thì dưới nước bong nó cũng đưa chân… Nó bắt đầu nghi ngờ, có thể sư tử mẹ đã nói đúng. Liền lúc đó, sư tử mẹ gầm lên một tiếng, tự nhiên từ cổ họng sư tử con nó cũng gầm lên. Điều ngạc nhiên là lần này nó không phát ra âm thanh chét chét của loài khỉ mà là tiếng gầm của loài sư tử. Nó cảm thấy khoan khoái vô cùng. Sư tử mẹ nhìn sư tử con mỉm cười. Nó nhảy qua bên kia bờ suối đi vào rừng thì sư tử con cũng mỉm cười, nhảy theo mẹ, vượt qua suối vào rừng. Nó biết rằng, nó không phải là khỉ, nó là sư tử. Từ đó hai mẹ con được đoàn tụ hạnh phúc.

Sau khi kể xong câu chuyện, Đức Thế Tôn nói rằng con người cũng vậy đó. Mình là con của Bụt, mà mình không biết. Mình tưởng mình là con của ma, mình có mặc cảm mình xấu xa, tội lỗi. Mình hư hỏng, yếu đuối. Trong khi đó ở trong mình có Phật tánh. Nếu nhìn cho kỹ thì thấy rằng con người mình có những hạt giống của từ bi, của hỷ xả, của hạnh phúc, của niềm tin, của tuệ giác. Vì vậy đừng nghĩ rằng Phật là một cái gì ở ngoài mình, ở trong mình không có gì hết. Ở trong mình chỉ có đau khổ rồi đánh mất niềm tin, mang mặc cảm thấp kém, khổ đau, tội lỗi. Trong khi đó thì mình có Phật tánh, như sư tử con, nó có tánh của loài sư tử chứ không phải là loài khỉ.

 

“Phật sanh bất nhị”- Chúng sanh là Phật, Phật là chúng sanh.

Trong những ngày đầu của mùa hè năm nay, chúng ta đã được học rằng, chúng ta thuộc về truyền thống thiền của tổ Lâm Tế.

Tổ Lâm Tế đã dạy chúng ta nhiều lần đừng đi tìm Phật ở bên ngoài. Phật đang nằm ở ngay trong tâm của mình. Mình chính là Phật, mình chính là con Phật. Mình có thể là Phật được nếu mình muốn. Mà Phật là gì? Bụt là gì? Bụt là khả năng tha thứ, khả năng thương yêu, hiểu biết, khả năng từ bi, trí tuệ. Con người có hạt giống đó. Con người có khả năng làm được chuyện đó. Ngày xưa Đức Thế Tôn cũng là một con người và nhờ có niềm tin con người có thể thành Phật, cho nên Đức Thế Tôn đã thực tập và phát triển Phật tánh trong người của ngài. Đức Thế Tôn không đi kiếm tìm Chân, Thiện Mỹ ở ngoài mà tìm ra được trong lòng của mình, tất cả các chúng sanh đều có Phật tánh. Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.

Nếu mỗi ngày chúng ta tưới tẩm được những hạt giống tha thứ, bao dung, thương yêu, hiểu biết thì càng ngày chúng ta càng thấy rõ rằng chúng ta thuộc về dòng giống Phật và chúng ta không còn mặc cảm tội lỗi. Chúng ta không đi kiếm Phật ở ngoài, chúng ta có thể kiếm Phật ngay trong lòng của chúng ta.

Ngày xưa khi tôi đi xuất gia hồi mười sáu tuổi, tôi có học bài kệ thỉnh chuông. Nghe tiếng chuông những phiền não trong lòng trở nên nhẹ nhàng, trí tuệ của mình phát triển lên và đau khổ trong mình giảm đi. Mình rời khỏi những khổ đau của địa ngục, những ngọn lửa đốt cháy của tham dục, sợ hãi. Nghe tiếng chuông con trở về và con nguyện rằng con sẽ trở thành một vị Bụt giác ngộ, một vị Phật để con cứu độ chúng sanh. Đọan kinh chúng sanh vô biên thề nguyện độ, phiền não vô tận thề nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thề nguyện học, Phật đạo vô lượng thề nguyện thành  có nghĩa là tất cả chúng sanh đang đau khổ, số lượng đông đảo không thể đếm được, con muốn cứu độ tất cả, không bỏ sót một ai. Những phiền não đau khổ, rất là nhiều nhưng con nguyện chuyển hóa hết. Những lời dạy của đức Phật rất thâm sâu, những pháp môn của đức Phật cung cấp rất là nhiều, con nguyện tu tập được hết và con đường thành Phật rất dài nhưng con nguyện đi tới cùng để thành Phật. Những bài kệ đó cho thấy rõ ràng mục đích của người tu là được thành Phật. Thành Phật là chuyện có thể làm được và lý tưởng của người tu là để thành Phật chứ không phải làm chuyện khác, như là làm chùa cho lớn, hoặc để lập hội hoặc để làm Hòa thượng Pháp chủ hoặc là để làm Trú trì.

Mục đích tu là để làm Phật thôi, hồi mười sáu tuổi mình học rất rõ ràng như vậy rồi. Mục đích làm Phật là rõ ràng, đâu có thể nào khác ? Nhưng hồi đó mình nghĩ rằng Phật chắc phải lâu lắm mới làm được, phải có kiếp này sang kiếp khác, đời này qua đời khác mình mới có thể làm được. Khi có người tự xưng họ là Phật thì mình nghĩ ông này chắc là điên rồi. Nếu có người tự xưng tôi là Phật Di Lặc giáng sinh, tôi là Phật Thích Ca, hay tôi là Bồ Tát Quan Thế Âm đây thì mình nói chắc người này điên quá. Mình là chúng sanh sờ sờ, tham sân si còn nhiều, tự ái còn nhiều, xưng là Phật ai mà tin được.

Nhưng có một bữa đang đi thiền hành, tôi có cảm tưởng rằng đây đâu phải là một chúng sanh đang đi, đây là một đức Phật đang đi. Trong con người mình lúc đó có một người đang đi thiền hành và một người quán sát.  Người quán sát đó đã nói ra một câu bình phẩm đó là đức Phật đang đi, tại vì mình thấy rõ ràng mỗi bước đều có niệm, có định và có tuệ, đều có hạnh phúc, đều có giải thoát, không có luyến tiếc quá khứ, không có mơ ước tương lai. Vì vậy trong con người của mình có một phần quán sát viên và một phần là diễn viên. Mà diễn viên này không phải là diễn viên để cho người khác coi, thực sự là người này đang đi với tất cả hạnh phúc. Đi không phải vì mục đích dạy người ta, đi không mang để làm mẫu cho người ta đi theo, mà đi giống như đức Phật đang đi vậy đó.

Nhớ lại năm đó thầy và một số các vị xuất gia ở làng Mai đi qua hoằng pháp ở Đại Hàn. Hôm đó cảnh sát đã chặn đường một đại lộ lớn ở Hán Thành để cho mấy ngàn người đi thiền hành. Khởi đầu buổi thiền hành, thầy đứng trên bục cao để hướng dẫn cho đại chúng biết làm thế nào để thiền hành có an lạc trong từng bước chân. Khi hướng dẫn xong, bước xuống bục để bắt đầu đi thì thầy không còn đường để đi. Thiên hạ bao quanh dày đặc. Hàng trăm ống kính của máy chụp hình, máy quay phim bao vây mình. Thấy khó quá, thầy tự nhủ thôi mình để Bụt đi dùm mình. Bụt ơi, con chịu thua, ngài đi dùm con. Tự nhiên Bụt trong mình hiện ra và Bụt bước xuống Bụt đi một bước, hai bước rất chánh niệm, rất vững chãi. Rừng người rẽ ra chừa lối để thầy đi, rất là hay. Mình không yêu cầu, quý đạo hữu rẽ ra để có đường cho thầy đi, không ai phải nói như vậy hết. Không có micro-phone. Con đường rẽ ra, mầu nhiệm như một phép lạ. Nhìn cho kỹ thì Bụt lúc đó không phải ở ngoài, Bụt lúc đó ở trong mình. Mình đã thực tập lâu ngày rồi. Khi Bụt đi thiền hành thì Bụt không cần cố gắng gì hết. Bụt đi rất thảnh thơi, Bụt đi rất giải thoát.

Trong mỗi người của chúng ta có cả Bụt lẫn Ma. Ma nói rằng Trời ơi đi thiền hành như vậy làm sao đi được, đi thiền hành mệt quá bây giờ mình muốn về mình nằm trên cái giường mình cho khỏe. Mình trốn đi thiền hành, cái đó là Ma ở trong mình. Có Ma nhưng cũng có Bụt, vì khi đi thiền hành Bụt đi rất hay, rất hạnh phúc, đầy năng lượng. Mỗi bước chân đem tới an lạc thảnh thơi, chuyển hóa, trị liệu, nuôi dưỡng. Con người của mình vì vậy có sẵn hai yếu tố : yếu tố Bụt và yếu tố Ma. Ma này cũng hiền thôi. Đó là Ma làm biếng, Ma nghi ngờ, Ma mặc cảm là mình không giỏi, hay trốn đi công phu, ngủ nướng thêm mười lăm phút nữa. Đó là Ma ở trong mình, Ma đó cũng dễ thương.

Nhưng Bụt không khiển trách Ma, không đánh đập, không trừng phạt, Bụt rất là dễ thương. Bụt cư xử với Ma như một người anh đối với em của mình vậy.

Những tuần vừa qua của khóa hè, chúng ta đã học rằng trong con người mình, Bụt luôn luôn ôm lấy Ma như một người anh ôm lấy đứa em vậy. Làng Mai có nhiều thầy giỏi về máy tính, trong đó có thầy Pháp Ấn, hễ thấy sư em nào có vấn đề về máy tính thì sư anh Pháp Ấn tới giúp giải quyết ngay. Mình loay hoay với cái máy vi tính hơn một giờ đồng hồ mà không làm gì được, thấy sư anh đi ngang qua mừng quá. Sư anh ngồi lại chừng một hai phút là giải quyết xong. Sư anh đó tức là Bụt trong người của mình, mỗi khi mình làm biếng, mệt nhọc, nghi ngờ, mình có khó khăn thì nói sư anh ơi, làm dùm em đi, em khỏi làm. Sư anh đó giúp đỡ tức là Phật ở trong mình.

Nếu mình thực tập khôn khéo thì mình để Bụt làm hết mấy cái chuyện mà mình làm biếng. Thầy đã thực tập như vậy và khóa này có một bài kệ mới để sử dụng trong khi đi thiền hành.

Để Bụt thở để Bụt đi,
mình khỏi thở mình khỏi đi.

Bụt tất nhiên là thở rất hay và đi rất hay. Trong khi Bụt thở, Bụt đi thì mình có thể làm biếng được. Bụt như là một người anh luôn luôn ôm lấy em mình, đi cho em mình. Thành ra trong khi Bụt thở, Bụt đi, mình được hưởng cái thở và cái đi đó.

Câu đầu tiên là Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi, đã quá. Nhưng sau khi thực tập được chừng vài ba phút thì mình suy ngẫm ra cái khúc thứ hai là

Bụt đang thở, Bụt đang đi,
mình được thở, mình được đi.

Nó hay vậy đó, có phần làm biếng trong mình và có phần siêng năng trong mình. Phần siêng năng ôm lấy phần làm biếng đi theo và phần làm biếng được thừa hưởng. Quý vị cứ thực tập rồi biết. Khi nào thấy khó khăn, chán nản, thấy làm biếng thì mình nói: Bụt ơi, Bụt làm dùm con đi. Tức thì Bụt chấp nhận làm liền. Bụt làm rất hay. Nên nhớ để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi, nó đã lắm. Mình đâu có cần làm gì đâu, Bụt làm hết. Ngài đi thiền hành rất hay và ngài ở trong mình chứ đâu phải ở ngoài. Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi. Tiếp theo là Bụt đang thở, Bụt đang đi, mình được thở, mình được đi. Mình được thừa hưởng cái thở đó. Sau một ngày học hỏi hoặc làm việc mệt nhọc, tắt đèn đi ngủ, nằm trên giường có nệm êm, có chăn ấm, mình phải hưởng cái đó, mình có thể nói Bụt nằm thở, Bụt đang được nghỉ ngơi, mình được nằm thở và mình được nghỉ ngơi. Tại vì nằm xuống không suy nghĩ vớ vẫn, mình thấy là mình đang được nghỉ ngơi, đang  được nằm trên giường của mình, chỉ thở cho nhẹ đưa mình vào giấc ngủ, thì mình cũng mời Bụt thở, Bụt nghỉ ngơi. Mình cũng thở theo, mình nghỉ ngơi theo và mình đi vào giấc ngủ rất dễ dàng. Có hôm  đi thiền hành, thầy đi rất hay, tại vì thầy đã mời Bụt đi và Bụt đi quá hay, mình nhờ Bụt làm cái gì Bụt cũng làm hay hết. Nhiều lúc đánh răng, thầy nói Bụt đánh răng dùm con, thì Bụt đánh răng rất hay, đánh răng trong chánh niệm, rất hạnh phúc. Một bữa thầy viết thư pháp, cần vẽ một vòng tròn. Vẽ vòng tròn thì cần vẽ thật tròn và vẽ sao cho tự nhiên. Hôm đó thầy nói thôi để Bụt vẽ, mình vẽ làm chi cho mệt. Bụt vẽ rất là hay, mình vẽ thì mình còn sợ đẹp hay không đẹp, còn Bụt vẽ, Bụt chẳng sợ gì hết. Vì không sợ cho nên nó rất đẹp, hay vậy đó.  Mình cứ thử đi, rất mầu nhiệm. Bụt luôn luôn có mặt cho mình hai mươi bốn giờ đồng hồ một ngày. Vậy mà mình đi kiếm Bụt ở đâu, kiếm ở trên trời, kiếm ở bên Tây Phương, kiếm ở trên bàn thờ, kiếm ở trong chùa.

Bụt ở trong chùa là Bụt bằng đồng, Bụt bằng xi măng. Còn Bụt ở trong mình là Bụt thật, là trí tuệ, là từ bi, là giải thoát, là tha thứ, là bao dung. Khi mình gặp một người khó chịu, mình thấy mệt quá. Nói chuyện với người này mệt quá, mình thua, Bụt nói chuyện gì với người này đi cho con khỏi nói. Bụt sẽ nói giúp, nói rất hay và rất  từ bi. Quý vị nên tin thầy, nên nương tựa vào Bụt ở trong mình, Bụt ở trong mình hay lắm. Mỗi lần mình nương tựa như vậy, mình giao phó cho Bụt làm, thì Bụt trong mình càng ngày càng sáng, càng rõ  Cái đó là thực tập quy y Phật. Còn mình nói con về nương tựa Phật, đó chỉ mới là nói thôi, chưa phải là quy y thật. Quy y Phật là phải để cho Bụt có mặt trong mỗi giờ phút của đời sống hàng ngày.

Thầy đã quyết định rồi. Thầy nói giờ thầy chết thì thầy sẽ nói Bụt ơi, chết dùm con.  Bụt sẽ chết một cách rất là an nhiên hạnh phúc và mình được chết theo cách đó, rất khỏe. Thành Phật không phải là vấn đề xa xôi, kiếp sau, hay ngàn kiếp sau. Vấn đề thành Phật là vấn đề bây giờ ở đây. Mình thành Phật trong mỗi giây phút. Khi mình nương tựa Phật là mình để cho Phật làm, để cho Bụt làm, để cho Bụt thở, để cho Bụt đi, là mình đang từ từ thành Phật đó. Khi mình nói rằng, mình là Phật, thì không phải là mình điên đâu. Trước đó mình thấy ai tự xưng là Phật, thì mình thấy người đó điên rồi. Nhưng mà theo đúng pháp môn này thì thành Phật là vấn đề mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút mình đều phải thành Phật hết. Tại vì Tổ Lâm Tế nói Phật và chúng sanh không phải hai thực thể riêng biệt : Phật sanh bất nhị.

Căn bản của giáo lý Lâm Tế là Phật sanh bất nhị. Phật và chúng sanh không phải hai  thực thể tách rời với nhau.  Trong chúng sanh có Phật. Nếu chúng sanh khôn, thông minh thì chúng sanh biết rằng trong mình có Bụt. Vì vậy cho nên dầu mình có lo lắng, buồn khổ mặc cảm, làm biếng, mình đừng có lo, để Bụt lo thì tự nhiên những phần chúng sanh ở trong mình sẽ được hưởng. Nếu mình lười đi thiền hành thì để Bụt đi, để Bụt thở, mình khỏi thở, mình khỏi đi. Thật là đã. Nhưng trong khi Bụt đi thì mình hưởng, Bụt đang thở, Bụt đang đi, mình được thở, mình được đi.

Bụt là thở,
Bụt là đi,
 mình là thở,
mình là đi.

Chỉ có thở,
chỉ có đi,
không người thở,
không người đi
.

An khi thở,
lạc khi đi,
an là thở
lạc là đi.

Mình phải học bài đó.  Đó là bài đặc biệt của khóa tu mùa hè năm nay. Ban đầu thì thấy giống như có hai người, Bụt và mình. Nhìn từ từ một hồi thì hai người là một, mình với Bụt là một. Chúng sanh là Phật, Phật là chúng sanh.

Có nhà văn viết cuốn sách với đề tài là Tìm Phật ở đâu ? - Dễ quá ! Đâu cần phải viết một cuốn sách, chỉ một bài kệ là đủ rồi. Có nhiều Phật tử nghĩ rằng mình là con số không, mình chỉ là khổ đau, mình chỉ là thất bại, mình chỉ là ganh tỵ, mình chỉ là giận hờn, mình chỉ là tội lỗi. Cho nên mình mới tới chùa kiếm chút xíu từ Phật, từ Bụt. Bụt ơi, ngài là toàn vẹn, ngài là tuyệt hảo, còn con là con số không và mình lạy xuống để ăn mày chút công đức. Phần lớn chúng ta đều hành trì như vậy. Nhưng Tổ Lâm Tế hét một tiếng: đồ ngu, con là Phật đó, đừng có làm kiếp ăn xin. Đừng có tưởng mình là khỉ, dòng giống khỉ, mình là dòng giống sư tử. Vì vậy cho nên câu chuyện sư tử con mà Đức Thế Tôn kể với câu la mắng đồ ngu của Tổ Lâm Tế, hai cái đó đi đôi với nhau.

Mình là đồ ngu tại vì mình tưởng mình chỉ là khổ đau, mình chỉ là con số không, mình chỉ là chúng sanh tội lỗi, còn Phật là cái gì ở ngoài mình rất xa vời.

Trong truyền thống Cơ đốc giáo có ý niệm lưỡng nguyên: tạo hóa và tạo vật. Tạo hóa là Thượng đế làm ra thế giới loài người. Kitô giáo bị kẹt vào ý niệm đó. Mình chỉ là tạo vật, mình không phải là tạo hóa. Tạo hóa là khác, là Thiên chúa, là đức Chúa trời. Trong lịch sử hai ngàn năm của Thiên chúa giáo, các tín hữu Thiên chúa giáo bị kẹt vào ý niệm lưỡng nguyên đó rất nhiều. Nhưng không phải tất cả tín hữu đều bị kẹt. Có nhiều người có tự do, họ vượt thoát được ý niệm đó. Trong truyền thống Majestic thần bí của Thiên chúa giáo cũng như trong giáo hội chính thống, người ta cũng thấy được mình là thiêng liêng và Thiên chúa chính là mình. Cũng có người thấy được như vậy, nhưng là số ít thôi. Cũng như sóng và nước, chúng ta hãy tưởng tượng một đợt sóng nó đi tìm nước, nghe nói rằng nước không lên xuống, không bị lên xuống nhiều. Nước không sinh, không diệt không tới không đi. Còn sóng cứ lên xuống, cứ tới đi, thành ra mình phải đi tìm nước, tìm hoài chẳng thấy nước. Ai dè sóng chính là nước.

Chúng sanh cũng vậy. Chúng sanh đi tìm Phật, đi tìm Bụt cũng giống như một đợt sóng đang đi tìm nước, buồn cười như vậy đó. Cho nên Đức Thế Tôn mới kể câu chuyện sư tử con và sư tử mẹ phải dùng nhiều phương tiện khéo léo mới giúp cho sư tử con biết rằng mình chính là sư tử, mình thuộc về dòng giống sư tử.

Kinh Pháp Hoa có kể chuyện Người cùng tử.  Một ông nhà giàu nọ mất đứa con trai. Đứa con bây giờ đang tha phương cầu thực, làm kẻ ăn mày, đi đổ thùng phân. Bữa nọ đứa con trai về tới quê nó. Nó không còn biết gốc tích của nó. Nó tính đi xin việc làm tại gia đình lớn đó. Nếu cho nó công việc đổ thùng phân hay đổ rác gì thì nó cũng nhận. Ông phú hộ nhìn thấy đứa con, ông biết đây là con của mình. Ông bảo nó tới gần thì nó sợ. Nếu như ông nói con là con của ba thì nhất định nó không tin. Vì vậy cho nên ông mới bảo những người phụ tá đi theo làm quen nó rồi đề nghị kiếm cho nó một công việc lương ít, thì nó chấp nhận. Một thời gian sau thấy nó làm việc đã giỏi, ông giao cho nó công việc lớn hơn. Cuối cùng nó được làm người hầu cận, phụ tá cho ông. Khi thân cận rồi ông mới tiết lộ rằng nó chính là con của ông. Lúc đó nó chấp nhận. Nếu như hai cha con gặp nhau lúc ban đầu ông mà nói này con, con là con của ba, con tới đây, nó sẽ không bao giờ tin và nó sẽ bỏ chạy. Đó là câu chuyện trong kinh Pháp Hoa, chuyện người cùng tử. Hỡi người giàu sang bậc nhất, tha phương cầu thực xưa nay, hãy thôi làm thân cùng tử, về đây tiếp nhận gia tài. Gia tài đó là bản tánh.

 

Xem tiếp Phần 2 : Tình và Nghĩa

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.