Kính thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày mồng bốn, tháng sáu dương lịch,
năm 2008, chúng ta đang ở tại thiền đường Cánh Đại Bàng, tu viện Bát
Nhã, Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, trong mùa An cư kiết hạ.
Đoàn thể gồm thâu bốn đôi và tám bậc thánh quả
Hôm qua chúng ta có nói đến bốn quả. Quả thứ nhất là an trú,
quả thứ nhì là đã về đã tới, quả thứ ba là tương tức
và quả thứ tư là vô sinh. Những quả đó không phải là ảo tưởng,
không phải là sự mong cầu mà là những hoa trái chúng ta có thể đạt được
bằng sự tu học. Chúng ta trang nghiêm, làm đẹp cho tăng thân bằng những
quả đó. Sở dĩ một tăng đoàn mà có chất liệu thánh thiện, có thể làm
chỗ nương tựa cho mười phương là vì trong tăng đoàn đó có những người
đã chứng quả. Đoàn thể đó gồm thâu bốn đôi và tám bậc thánh quả.
Hướng ở yên -
quả
ở yên.
Đôi thứ nhất là an trú, tiếng Việt là ở yên. Ở yên là
một quả vị mà ta có thể đạt được. Mình tự hỏi là mình có ở yên hay
không? Hay là mình đang thấp thỏm, mình đang ngồi trên đống lửa,
mình đang bồn chồn? Nếu mình đang ở yên được ngay bây giờ và ở đây
là mình bắt đầu có quả ở yên.
Tuy là chưa hoàn toàn nhưng mình đang đi tới quả vị đó. Chúng
ta có danh từ Hán-Việt là an trú và danh từ thuần túy Việt là ở yên.
Trú là ở, an là yên. Có yên mới vui, có an mới lạc. Điều kiện của hạnh
phúc là sự bình yên. Ngồi
yên mà đứng cũng yên, nằm yên mà đi cũng yên.
Trong một bài nhạc của Phạm Duy nói về đá và trăng, ông có than thở,
lúc ấy ông đã hơn bảy mươi tuổi: Trăng ơi, yên lặng suốt đời. Mà
sao ta vẫn đứng ngồi không yên?
Những người đứng ngồi không yên là những người chưa an trú. Mình phải
tự hỏi là mình đã an trú chưa? mình đã ở yên chưa? Nếu mình thấy mình
có tiến bộ, chắc chắn là mình sẽ đạt tới chỗ ở yên thì mình biết rằng
mình đã đắc được quả thứ nhất gọi là an trú hướng tức là đang trên
con đường đi tới an trú một trăm phần trăm. Khi an trú rồi, không cần
đi nữa thì gọi là an trú quả. Ở yên là một đôi, gồm
hướng về ở yên - và đạt tới
ở yên.
Mình ở yên hay chưa thì mình biết. Mình chứng quả đó hay chưa thì
mình biết. Sư anh, sư chị, nếu chứng được quả đó thì nhìn vào mình
biết liền. Nếu mình chứng được quả ở yên thì sự vững chãi của mình
là phẩm vật mình cúng dường, mình làm đẹp cho tăng thân. Làm đẹp cho
tăng thân không chỉ là nấu cơm cho ngon, làm vườn rau cho đẹp, chăm
sóc áo quần hay dọn dẹp thiền đường cho đẹp mà thôi. Đó cũng là làm
đẹp, nhưng cái làm cho tăng thân đẹp nhất là khả năng an trú của
mình. Cúng dường khả năng an trú cho tăng thân gọi là trang nghiêm
tăng thân, làm đẹp tăng thân.
Nếu mình đi được những bước chân an lạc, thảnh thơi, mình không thấp
thỏm, bồn chồn, mình không đứng núi nầy trông núi nọ, mình có mặt
bây giờ và ở đây thì lúc đó mình có quả vị an trú. Đó là phẩm vật
mình cúng dường cho tăng thân. Trong chúng có những người như vậy,
không thấp thỏm, không bồn chồn, không muốn chạy đi đâu nữa. Những
người đó không ít thì nhiều đã có quả vị ở yên rồi.
Tục ngữ có câu rất hay: Như cóc bỏ dĩa. Bắt một con cóc bỏ vào trong
dĩa thì chỉ vài phút sau là con cóc nhảy ra khỏi dĩa. Nếu bắt nó bỏ
vô lại thì chỉ vài phút sau là nó lại nhảy ra khỏi dĩa. Bắt cóc bỏ
dĩa có nghĩa là mình muốn an trú mà chẳng an trú được. Trong con người
mình có khuynh hướng bắt cóc bỏ dĩa tức là mình không làm được việc
gì cho lâu bền, mình không ở được chỗ nào cho yên, mình không an trú,
mình có cóc tính. Mình có Phật tính đã đành rồi nhưng mình
cũng có cóc tính. Trong chúng ta ai cũng có cóc tính (fogness), ngồi
yên một chỗ không được, chỉ muốn nhảy đi chỗ khác. Fogness là tiếng
thầy đặt ra, fog-nature, chữ nầy trong tự điển chưa có. Mỗi người đều
có cóc tính, trước hết tu là ta xác nhận trong mình có cóc tính.
Mình muốn nhảy, mình muốn đi chỗ khác. Mình không ở yên được, mình
ngồi trên đống lửa, mình bất an, không có hạnh phúc.
Phải đạt tới quả phi cóc tính thì mình mới ở yên được. Quả vị đầu
tiên là quả vị phi cóc tính (fognessless) tức là quả vị ngồi yên,
không còn muốn nhảy hay muốn đi tìm một chỗ khác, không còn đứng núi
nầy trông núi nọ nữa.
Hướng đã về đã tới -
quả đã về đã tới.
Quả thứ hai là quả đã về đã tới, tiếng Hán-Việt là dĩ quy dĩ
đáo. Đã về đã tới (I am arrived, I am home) đã được dịch ra tiếng
Hoa: Ngã dĩ đáo gia liễu (Tôi đã về tới nhà rồi). Khi mình thật sự
an trú rồi thì mình đạt tới trạng thái vô đắc hay vô tác nghĩa là
mình không còn đi tìm tòi gì nữa.
Vô tác là một trong ba phép quán, ba định hay ba tam muội:
Không-Vô tướng-Vô tác. Vô tác có nghĩa là đâu cần phải làm gì nữa.
Vô tác, tiếng Phạn là apranihita tức là không đặt một đối tượng để
chạy theo như là một bằng cấp hay một địa vị. Mình thấy mình đã có đầy
đủ hết rồi, mình không còn thiếu gì nữa cả. Mình dừng lại hoàn toàn.
Mình thấy mình có hạnh phúc rồi, không cần tìm cầu gì nữa. Đó gọi là
vô tác, tiếng Anh là aimlessness. Aim là mục đích, aimlesness là
không có mục tiêu để chạy theo. Từ foglessness tới aimlessness rất gần.
Từ phi cóc tính tới vô tác không xa bao nhiêu, không đi đâu nữa,
không làm gì nữa, đã có hạnh phúc chán rồi.
Một đợt sóng thấy nó có sinh, có diệt, có lên, có xuống rất là mệt.
Người ta nói với nó: Anh phải thoát ra khỏi lên xuống, thoát ra khỏi
sinh diệt! Muốn như vậy thì anh phải đi tìm nước. Anh phải là nước
chứ chỉ là sóng thôi thì không được! Nhưng một đợt sóng mà đi tìm nước
thì chuyện rất buồn cười! Nó đã là nước rồi thì nó đâu cần phải chạy
đi tìm nước nữa!
Khi một người đạt tới quả vị vô tác thì người đó không cần đi đâu nữa,
không cần phải bon chen làm gì nữa. Phật tánh, hạnh phúc ngay tại
đây rồi. Đó là quả vị thứ hai gọi là đã về đã tới.
Trong chúng ta có người đã về đã tới khoảng chừng 20%, có người thì
45%, có người đến 80-90%. Chúng ta nên tự hỏi là chúng ta đã về đã tới
được mấy chục phần trăm rồi? Đã về đã tới càng nhiều chừng nào thì
trong tâm có an lạc nhiều chừng đó. Khi mình đã về đã tới 100% rồi
thì mình đạt được quả dĩ quy dĩ đáo. Nếu chưa thật sự đã về đã tới,
nhưng mình đang trên con dường đi thì gọi là hướng dĩ quy dĩ đáo. Đó
là đôi thứ hai: hướng đã về đã tới - quả đã về đã tới.
Tương tức hướng – tương tức quả.
Quả thứ ba là tương tức, tiếng Việt là là nhau. Tôi là anh và
anh là tôi. Con là ba, ba là con. Tôi là đám mây, đám mây là tôi. Thấy
mình trong cái đó và thấy cái đó trong mình. Thấy mình với cái kia
không phải là hai thực thể riêng biệt. Thấy mình với cái kia có một
sự dính líu rất mầu nhiệm. Thấy đám mây dính líu với mình mật thiết
cho đến đỗi, lấy mây ra khỏi mình thì không còn mình nữa. Mình có
70-80% là mây, nếu lấy mây ra thì mình khô queo như con khô mực.
Mình với mây là nhau. Với mỗi hơi thở mình làm ra mây. Quí vị có biết
là mỗi hơi thở của mình làm ra mây không? Mình thở ra hơi nước và
thán khí (oxyde de carbone).
Chúng ta là nhau. Chúng ta không phải là những thực thể riêng biệt,
không phải là những mảnh rời nhau. Nếu một cặp cha con thấy được: cha là con và con là cha, cha có trong con và con có trong cha, hạnh
phúc của cha là hạnh phúc của con và hạnh phúc của con là hạnh phúc
của cha; thì cặp cha con đó có nhiều hạnh phúc. Họ sẽ không còn khổ
đau tại vì họ thấy mình là người kia và người kia là mình.
Quả nầy là một tuệ giác rất lớn! Nó làm chấm dứt những kỳ thị, những
chia rẽ, ganh tị và khổ đau. Tuệ giác tương tức (là nhau) dịch ra tiếng
Anh là interbeing, tiếng Pháp là interêtre. Chúng ta là nhau.
We interare. I interam with you and you interare with me. Nhưng tiếc
thay những chữ mầu nhiệm nầy chưa có trong tự điển! Mình phải viết
thư cho ban tự điển nói họ phải gấp gấp bỏ mấy chữ đó vào. Nó rất
là hay! Như chữ foglessness (phi cóc tính), chữ aimlessness (vô tác)
hay chữ interbeing (tương tức), trong khi chờ đợi thì mình cho vô tự
điển Làng Mai.
Khi mình thấy mình là nhau 100% thì mình chứng được quả tương tức. Nếu
mình chỉ thấy 30-40% thôi thì mình có tương tức hướng. Đó là cặp thứ
ba: tương tức hướng – tương tức quả.
Vô sinh hướng - vô sinh quả.
Đôi thứ tư là vô sinh, tức là bất sinh, bất diệt, dịch tiếng Việt là
không sinh. Không sinh là chữ đại diện cho tám chữ khác là:
không sinh, không diệt, không có, không không, không tới, không
đi, không một, không khác. Không sinh là quả vị cao nhất. Đạt đến
quả nầy thì mình không thấy mình còn sống-chết. Mình không còn là nạn
nhân của sự sống-chết, mình vượt thoát sinh tử. Đám mây không sinh
cũng không diệt. Mình
thấy mình cũng vậy, không sinh không diệt. Mình không còn sợ hãi nữa,
mình có vô úy. Lúc đó mình cưỡi trên sóng sinh diệt mà đi độ đời. Rất
là vui! Mình có rất nhiều tự do, rất nhiều hạnh phúc!
Đoàn thể gồm thâu bốn đôi và tám bậc thánh quả là như vậy.
Là đoàn thể xứng đáng được cúng dường, là đoàn thể xứng đáng được
quy kính. Là đoàn thể xứng đáng được tôn sùng. Là đoàn thể xứng đáng
được ngưỡng mộ. Là ruộng phước quí hóa nhất trong đời. Sở dĩ
tăng thân mà quý hóa, đáng tôn sùng là tại vì trong đó có bốn đôi và
tám bậc thánh quả, nó có chất thánh trong đó. Sự tu
tập của mình là để chế tác chất thánh đó, chế tác bốn quả làm cho
tăng thân có giá trị.
Dựng Tăng.
Mình có thể xây dựng tăng thân bằng tổ chức, dùng thư từ, điện thoại
hay e-mail để xây dựng một đoàn thể tu học. Nhưng như vậy thì chỉ
xây dựng được cái vỏ của tăng thân mà thôi còn cái ruột của tăng
thân thì mình phải tu tập mới xây dựng được. Phải có niệm-định-tuệ,
phải có an trú, có tương tức, có vô sinh thì tăng thân mới có giá trị
và trong Tăng mới có Bụt và có Pháp.
Sự nghiệp của người tu là công trình dựng Tăng. Bất cứ một đức Bồ Tát,
một đức Bụt, một vị đạo sư nào cũng thao thức muốn dựng Tăng tại vì
Tăng rất là mầu nhiệm. Tăng bảo hộ, che chở, giáo hóa. Dựng Tăng là
một chí nguyện, một hoài bảo, một sự nghiệp.
Dựng Tăng tiếng Anh là Sangha
building. Dựng Tăng là một sự nghiệp có ý nghĩa nhất và cao đẹp nhất
trên đời. Người tu nào cũng phải mang hoài bảo, ước mơ và chí nguyện
dựng Tăng. Có Tăng quy tụ lại thì có biết bao nhiêu người được trở về
nương tựa. Công việc dựng Tăng đem lại rất nhiều niềm vui. Như đã
nói, dựng Tăng không phải chỉ có thư từ, điện thoại, e-mail mà thôi
mà còn phải bằng sự tu tập của mình. Mình làm cho Tăng đẹp hơn,
trang nghiêm hơn.
Có một sự hiểu lầm cho là Tăng chỉ gồm những người xuất gia mà thôi.
Tăng cũng là ni. Khi mình nói, kính thưa quí vị tăng,
ni và quí vị phật tử, thì có nghĩa là tăng, ni và phật tử khác nhau.
Mình làm như tăng, ni không phải là phật tử,
không phải là con của Phật. Phật tử có nghĩa là con của Phật thì
tăng, ni cũng là con Phật vậy? Tại sao gọi cư
sĩ là phật tử mà không cho phép người xuất gia là phật tử? Cách nói
của mình thật là sai!
Tăng ôm cả ni và ôm cả phật tử. Chữ Tăng là từ chữ Sangha, dịch âm
là Tăng già. Nó có nghĩa là một cộng đồng (community, group of
people), một nhóm mgười, một tập đoàn hay một đoàn thể.
Tăng thân của Đức Thế Tôn là đoàn thể mà chúng con quay về nương tựa.
Đoàn thể đó có những người xuất gia nam, xuất gia nữ, những người tại
gia nam và tại gia nữ gọi là tứ chúng. Chữ sangha dịch là
chúng tức là một nhóm người. Khi nhóm người đó có đạo đức, có tu học
thì mình tôn xưng là đại chúng. Đại chúng (Mahasangha)
là một chúng có sự vĩ đại, sự tôn trọng trong đó. Maha là đại, là lớn.
Tiếng Anh dịch là Great community, Noble community, Noble sangha.
Noble là cao cả, cả là đại. Cả cười là cười lớn, anh cả là anh lớn.
Mình phải trả về cho chữ Tăng ý nghĩa nguyên của nó. Tăng là một
đoàn thể và đoàn thể đó gồm có xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia
nam, tại gia nữ gọi là tứ chúng. Tứ chúng dịch ra tiếng Anh là the
four-forms community, four-forms là bốn thành phần.
Khi chưa có người xuất gia thì cư sĩ cũng có thể thành lập một
sangha. Một Cư sĩ Tăng (lay sangha) gồm những ưu bà tắc (upāsaka) và
những ưu bà di (upāsikā). Cư sĩ nam, cư sĩ nữ có thể tới với nhau để
thành lập một đoàn thể tu học. Đó cũng là một Tăng, một sangha rồi,
nếu có những vị xuất gia nữa thì càng hay.
Chữ cư sĩ có nghĩa là ở lại, chưa đi xuất gia. Ngoài đời, những người
học xong nhưng chưa ra làm quan thì gọi là xử sĩ. Sĩ là người có trí
thức (intellectuels), xử là ở đó, ở miền đó, ở chỗ đó. Chữ xử tương
đương với chữ cư. Trong đạo gọi là cư sĩ tức là những người ở lại
chưa đi xuất gia. Khi ra làm quan thì gọi là xuất sĩ. Trong đạo, khi
đi tu làm thầy thì cũng gọi là xuất sĩ.
Có lẽ trong tương lai mình phải nói: Kính thưa các vị xuất sĩ, các vị
cư sĩ. Người xuất gia là xuất sĩ, người tại gia là cư sĩ. Cư là ở tại
gia, xuất là rời bỏ gia đình. Sau nầy thế hệ trẻ có thể dùng chữ cho
đúng hơn: Kính thưa ôn viện chủ, kính thưa ôn viện phó, kính thưa liệt
vị xuất sĩ, kính thưa liệt vị cư sĩ. Câu đó hay hơn là: Kính thưa
các vị tôn túc, kính thưa các vị tăng ni và phật tử. Nói như vậy là
trật hết vì tăng cũng là ni, ni cũng là tăng và tăng,
ni cũng là phật tử. Mình phải sửa lại cách nói của mình!
Là ruộng phước quí hóa nhất trên đời, Tăng mà có tu học thì
trở thành một mảnh đất rất phì nhiêu. Mình gieo hạt giống vào mảnh đất
đó thì nó sẽ lên rất tươi tốt. Cúng dường cho chư tăng đó có phước đức
rất lớn! Một đoàn thể tu học mà có niệm-định-tuệ, có người an trú,
có người đã về đã tới, có người thấy được tương tức, chứng được vô
sinh thì đó là một mảnh ruộng rất phì nhiêu. Mình đầu tư vào một
tăng thân như vậy thì có phước đức rất lớn cho nên gọi là ruộng phước
quí hóa nhất trên đời. Đầu tư vào một tăng thân như vậy là rất thông
minh tại vì trong tăng thân đó có nhiều châu báu.

Thiền định
vì Hòa bình tại quảng trường Notre-Dame de Paris
Giới, tiếng Phạn là silā, dịch ra tiếng Việt là răn, răn dạy. Chữ
răn có nghĩa là đề cao cảnh giác, nhắc cho biết, giúp cho người ta ý
thức được chuyện đó. Tiếng Anh có thể dùng chữ warning:
báo cho người ta biết.
Coi chừng! Làm cái đó là đổ vỡ hết! Cẩn thận đó nhé! Nếu con làm
chuyện đó thì sẽ đưa tới tan vỡ như vậy! Nếu con không làm thì còn
nguyên vẹn cả!
Trong Kinh, trong Luật có danh từ chỉ trì tác phạm, có nghĩa là, nếu
đừng làm điều đó thì giữ được nguyên vẹn, còn nếu làm điều đó thì sẽ
tan nát hết. Ví dụ như khi mình nói: Ông đừng uống rượu! Ông uống
say về nhà đánh vợ thì cửa nhà tan nát hết! Đó là cảnh báo, là đề cao
cảnh giác, là nhắc nhở trước. Ngưng lại đừng làm điều đó là chỉ trì,
nếu đi tới làm điều đó là tác phạm. Chỉ trì tác phạm là nội dung của
giới.
Giới nhắc cho người ta nhớ đừng quên cho nên giới có cùng một bản chất
với niệm. Niệm là nhớ, không quên, nhắc nhở cho nhớ là niệm. Vì vậy
sự liên hệ giữa giới và niệm mật thiết cho đến đỗi ta có thể nói giới
là niệm. Mình có thể đưa ra công thức: giới = niệm. Đó là phát minh
của Làng Mai.
Tam vô lậu học.
Trong Phật pháp chúng ta có nghe nói tới tam học hay tam vô lậu học.
Tam học là ba sự tập luyện, ba sự thực tập tu học chứ không phải là
ba môn học. Chữ học trong đạo Phật không có nghĩa là chất chứa kiến
thức. Học có nghĩa là rèn luyện, tiếng Anh là training. Chữ học
tiếng Phạn là śiksā mà chúng ta phiên âm là thức xoa.
Những người thọ thức xoa ma na có sáu học pháp tức là sáu phép hành
trì, rèn luyện. Sa di và sa di ni tiếp nhận sáu học pháp để làm thức
xoa ma na.
Śiksā là học, nhưng học ở đây không có nghĩa là học hỏi mà là rèn
luyện. Chúng ta phải nhớ rõ điều nầy: Chữ học trong đạo Phật có
nghĩa là luyện tập chứ không phải là chất chứa kiến thức. Ngồi thiền
là học, đi thiền là học, làm mới là học, nấu cơm trong chánh niệm là
học dù là rất im lặng. Đó là hành, là sự thực tập.
Tam học đưa mình tới chỗ vô lậu tức là không bị nứt rạn, không bị rỉ
ra nữa. Lậu là nứt rạn,
lọt ra ngoài, lọt xuống
sinh tử. Vô lậu là không nứt rạn,
không lọt xuống sinh tử. Tam vô lậu học là giới-định-tuệ (silā-samādhi-prajñā).
Trong Bát chánh đạo và trong Thất giác chi, tức là trong những phép
tu căn bản của đạo Bụt, thay vì giới-định-tuệ thì chúng ta thấy có
niệm-định-tuệ. Trong Bát chánh đạo có chánh niệm, chánh định và
chánh kiến. Chánh kiến là tuệ. Kiến ở đây không phải là kiến thức mà
là một cái thấy sâu sắc, là một tuệ giác. Trong giáo lý căn bản của
đạo Bụt về thực tập thì bộ ba niệm-định-tuệ luôn luôn là nồng cốt.
Do niệm mà có định, do định mà phát tuệ. Có khi mình nói tam học là
giới-định-tuệ, nhưng có khi mình nói tam học là niệm-định-tuệ (smrti-samādhi-prajñā).
Chúng ta đi tới kết luận là giới-định-tuệ tức là niệm-định-tuệ tại
vì giới chính là niệm. Bản chất của giới là niệm. Thực tập giới chẳng
qua là thực tập chánh niệm thôi. Khi mình thực tập giới là mình thực
tập chánh niệm một cách cụ thể hơn.
Giới tướng.
Nói tới niệm thì nó bao gồm rất nhiều. Nhưng nói tới giới thì rất cụ
thể, rất chi tiết. Mình định nghĩa: Giới là sự thực tập chánh niệm một
cách cụ thể nhờ những giới tướng. Giới tướng là những giới được
trình bày ra một cách chi tiết.
Nói một cách đơn sơ thì giới là không làm điều ác, chỉ làm những điều
lành và giữ tâm mình cho trong sạch. Nhưng nói như vậy thì còn tổng
quát quá. Khi đi vào năm giới thì mình thấy rõ ràng hơn nhiều. Mình
thấy không nên làm những điều ác nào, phải làm những điều lành nào
và giữ tâm trong sạch như thế nào? Giới tướng có hình tướng rõ rệt.
Vì vậy cho nên, thực tập giới là thực tập chánh niệm một cách cụ thể.
Mình giảng dạy cho những người khác như vậy: giới tức là niệm, thực
tập giới là thực tập chánh niệm với những chi tiết rõ ràng. Hễ có niệm
thì có định và có tuệ.
Con đường năm giới là con đường chế tác hiểu biết và thương yêu. Khi
có hiểu biết và thương yêu thì mình có hạnh phúc và mình có thể ban
phát hạnh phúc cho những người khác. Những người thọ năm giới và thực
tập theo năm giới là những người thực tập chánh niệm. Giới tướng năm
giới rất là hay, rất là chi tiết và đầy đủ.
Những người phật tử thực tập được, mà những người không là phật tử
cũng thực tập được, vì trong đó không có nặng
nề những danh từ về phật học. Đọc năm giới thì mình thấy rõ ràng đó
là thực tập chánh niệm.
Giới thứ nhất của năm giới: Ý thức những khổ đau do sự sát hại gây ra (đó là niệm, thấy rõ được
có rất nhiều khổ đau do sự sát hại gây ra), con xin học theo hạnh đại
bi để bảo vệ sự sống cho mọi người và mọi loài. Con nguyện sẽ không
giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác
giết hại dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của
con.
Chúng ta thấy rõ ràng, giới thứ nhất là thực tập chánh niệm.
Ý thức được rằng là đau khổ xảy ra vì con người
sát hại lẫn nhau và sát hại những loài khác, đó
là chánh niệm.
Giới thứ ba của năm giới:
Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra (tà dâm làm tan nát
gia đình) nên con nguyện không ăn nằm với những người không phải là
vợ hay chồng của con.
Đó là thực tập niệm. Mình có thể nói, thực tập giới là thực tập
chánh niệm với những chi tiết rất cụ thể. Nếu nói niệm thì có thể là
còn tổng quát, trừu tượng, mơ hồ. Kinh Niệm Xứ có quán thân trong
thân, quán thọ trong thọ, quán tâm trong tâm và quán pháp trong pháp.
Đó cũng là cách thực tập chánh niệm. Chánh niệm là trái tim của sự
thực tập trong đạo Phật (the heart of buddhist meditation). Từ niệm
tới có định và từ định tới có tuệ gọi là tam học hay tam vô lậu học.
Đại giới cũng xuất phát từ mười giới và từ năm giới.
Khi mình từ cư sĩ thành xuất sĩ, mình thọ mười giới để thành
sư cô hay sư chú, thì mình nên biết rằng mười giới không phải nhiều
hơn năm giới. Mười giới chẳng qua là năm giới với những chi tiết rõ
rệt hơn. Khi từ sa di, sa di ni hay thức xoa ma na mình thọ giới lớn
(ba la đề mộc xoa, 250 hay 380 giới) thì tuy là số giới nhiều như vậy
nhưng chỉ là để làm rõ ràng và chi tiết thêm cho mười giới.
Trong mười giới có giới không dâm dục. Nó có tính cách tổng quát là
bảo vệ tiết hạnh của mình và giữ gìn, bảo vệ tiết hạnh của người
khác. Lên giới tỳ kheo thì có những giới rõ rệt hơn, cho biết bảo vệ
bằng cách nào, rất là chi tiết. Đại giới cũng xuất phát từ mười giới
và từ năm giới. Nó có những chi tiết nhiều hơn nhưng bản chất của giới
vẫn là một. Nếu thực tập được năm giới là đã có hạnh phúc nhiều lắm
rồi, đã được bảo hộ, che chở, đã được an lành, đã có nhiều hiểu biết
và thương yêu rồi.
4)
Niệm giới
Giữ giới rất là quí cho nên chúng ta phải niệm giới. Muốn niệm giới
thì chúng ta phải biết tụng giới. Tụng giới, niệm giới rồi mình phải
pháp đàm về giới.
Ở Làng Mai, khi thọ giới rồi thì mình phải tổ chức tăng thân địa
phương, mỗi hai tuần họp lại với nhau để tụng giới, niệm giới và
pháp đàm về giới. Tụng giới và pháp đàm về giới là niệm giới, tức là
nhắc nhở nhau.
Nhà nước bây giờ có những chương trình rất hay là thành lập những
thôn, những khu phố hay những ấp văn hóa. Ý của nhà nước là thành lập
những cộng đồng (sangha). Nếu mục đích của nhà nước là làm thế nào để
đừng có những tệ nạn như mãi dâm, ma túy, xì ke, tham nhũng, tự tử xảy
ra trong khu phố, thì mục đích của nhà nước cũng giống như mục đích
của tăng thân là phòng hộ, ngăn ngừa và xóa bỏ những tệ nạn trong xã
hội.
Nhưng nhà nước chỉ có pháp luật thôi, còn chúng ta thì có giới. Giới
là do tự mình muốn chứ không do người khác cấm hay bắt buộc. Tự mình
thấy giới bảo hộ được mình, giới làm đẹp cho đời sống của mình, làm
đẹp cho đời sống của khu phố hay của thôn ấp mình.
Theo truyền thống đạo Phật thì mỗi 15 ngày chúng ta phải họp lại niệm
giới, tụng giới và pháp đàm về giới để xem trong những ngày qua mình
có vi phạm giới hay không và làm thế nào để mình có thể làm hay hơn
nữa.
Tôi nghĩ, bên phía chính quyền cũng có thể làm như vậy. Ông trưởng
ấp hay ông ủy ban nhân dân xã cũng có thể mời tăng thân của xã lại tụng
giới. Tăng thân xã hỏi xem trong 15 ngày qua xã đã làm gì để phòng
ngừa những tệ nạn như mãi dâm, xì ke, cờ bạc, và có thể làm gì để tiến
thêm một bước nữa? Nếu ông chủ tịch ủy ban nhân dân mời đồng bào tới
để thực tập như vậy thì cũng không khác gì là một tăng thân. Nếu chỉ
đưa ra những nguyên tắc và biểu ngữ thì chưa đủ. Lấy pháp luật để
làm cho người ta sợ thì chưa đủ. Phải có lòng của những người trong
xóm, trong khu phố, phát nguyện làm như vậy để làm đẹp cuộc đời
mình, làm đẹp cuộc đời của thôn xóm và của đất nước mình.
Vì vậy cho nên sự tu học của mình có thể đóng góp rất nhiều cho
chính sách của nhà nước, có thể giúp cho nhà nước thành công trong
việc thành lập những khu phố văn hóa. Mình giúp nhà nước một tay,
không phải bằng chính trị mà bằng phương pháp tu học.
Ở Bảo Lộc, chúng ta có tu viện Bát Nhã, ai cũng biết là tu viện rất
hiền. Trong vùng nầy không hề có ma túy, đĩ điếm. Những người tới tu
viện đều có cảm hứng muốn sống tốt như vậy. Những công an trong
chính quyền cũng thấy được điều đó. Họ thấy sự đóng góp của tu viện
cho sự lành mạnh hóa ấp, xã, quận và cho sự lành mạnh hóa đất nước nầy.
Thấy được như vậy thì họ yểm trợ cho sự tu học của mình.
Có biết bao nhiêu thanh niên chán đời muốn tự tử. Trở về tu viện Bảo
Lộc, tiếp xúc được với chánh pháp, họ quỳ xuống tiếp nhận năm giới.
Điều đó cứu được cả đời của họ. Họ về nhà tươi vui trở lại, họ hòa
giải lại được với cha mẹ. Tất cả là do chánh pháp mà ra.
Sự thực tập của chúng ta có thể đóng góp rất nhiều cho cho đất nước,
cho quê hương, không phải về phương diện chính trị mà về phương diện
đạo đức, tâm linh.
Giới là tự nguyện chứ không phải do ép uổng. Mình có ý thức, có
chánh niệm rằng: Mình làm cái đó thì đổ vỡ hết, không làm thì giữ được
nguyên vẹn. Mình nói cái đó thì tan vỡ hết, không nói thì không sao.
Nói một câu mất tình mất nghĩa làm cho tan vỡ, đó là phạm giới. Nói
những lời yêu thương là trì giới. Phạm giới thì làm tan nát hết, trì
giới thì giữ nguyên vẹn được hạnh phúc và tình thương.
Niệm giới là chuyện của chúng ta, của người tu. Nhưng tôi nghĩ, bên
các ngành giáo dục, kinh tế, chính trị cũng phải thực tập niệm giới.
Nếu không niệm giới thì gia đình mình tan nát, không niệm giới thì
doanh nghiệp mình cũng tan nát. Trong chính quyền hay trong đảng, nếu
có niệm giới thì chính quyền sẽ vững hơn và đảng cũng sẽ vững hơn.
Giới là chuyện của tất cả mọi người chứ không phải chỉ là chuyện của
riêng người phật tử. ☺☺☺
Xem tiếp >> |