Chúng ta đang ngồi tại thiền đường Cánh Đại Bàng, tu viện Bát Nhã, Bảo
Lộc-Lâm Đồng. Hôm nay là ngày đầu của khóa An Cư Kiết Hạ và sáng nay
chúng ta đã làm lễ Đối Thú An Cư. Chúc đại chúng có một mùa an cư hạnh
phúc, đạt được kết quả tốt đẹp về học cũng như về hành. Chúng ta ngồi
cho đẹp, lưng cho thẳng, cho thảnh thơi, nghe tiếng chuông ta thở. ( CCC )
Quán
niệm hơi thở.
Cách đây hai hôm chúng ta có học bài kệ mới để áp dụng thực tập
trong thiền đi:
Mỗi bước
chân là sự sống.
Mỗi bước chân là phép lạ.
Mỗi bước chân là trị liệu.
Mỗi bước chân là thảnh thơi.
Chúng ta đó có thể sửa lại bài kệ để sử dụng trong khi thiền ngồi.
Ví dụ thay vì mỗi bước chân, mình nói mỗi hơi thở:
Mỗi
hơi thở là sự sống.
Mỗi hơi thở là phép lạ.
Mỗi hơi thở là trị liệu.
Mỗi hơi thở là thảnh thơi.
Chúng ta phải thở như thế nào để có thể làm được bốn điều đó?
Trong
khi thở vào, ta ý thức được hơi thở vào. Trong khi thở ra, ta thấy ta
tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống ở trong ta và xung
quanh ta. Làm được điều đó trong mỗi hơi thở vào và hơi thở ra thì mới gọi là
thành công.
Mỗi hơi thở là sự sống,
nếu tiếp xúc với sự sống ở trong ta và xung quanh ta với tất cả
những mầu nhiệm của nó thì khi ngồi thiền ta đã bắt đầu thấy an vui
rồi. Người đời họ bận rộn, lo lắng, họ có nhiều vấn đề, họ không có
khả năng tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong họ và
xung quanh họ, họ đánh mất sự sống trong đời sống hàng ngày. Chúng
ta là người tu, chúng ta phải làm khác, chúng ta không đánh mất sự
sống. Dầu có nhiều chuyện phải làm, nhiều chuyện phải lo toan, chúng
ta vẫn tiếp xúc được với sự sống để được nuôi dưỡng, trị liệu.
Mỗi
hơi thở là sự sống, sự
sống với tất cả sự mầu nhiệm của nó, như trời xanh, mây trắng, chim
hót, thông reo, hoa nở. Mình đang sống thảnh thơi, với thầy, với
bạn, mình đang có tuổi trẻ, có sức khỏe, đang có trái tim tốt, có
hai mắt sáng, mình đang có tất cả những điều kiện của hạnh phúc.
Nhưng vì những lo lắng, buồn phiền, giận hờn rồi mình đạp lên trên
những điều kiện hạnh phúc của mình, rất là uổng. Phần lớn ở đời họ
làm như vậy, nhưng mình là người tu, mình không làm như vậy.
Khi thành công ở câu đầu, tiếp xúc với sự sống tràn trề ở trong mình
rồi, ta mới qua câu thứ hai.
Mỗi hơi thở là phép lạ,
phép lạ tức là phép thần thông. Người đã chết rồi thì không cách gì
có thể thở được một hơi vào, thở được một hơi ra.
Khi thở vào mình biết đây là hơi thở vào,
mình biết rằng mình còn sống cho nên mới thở được hơi vào, hơi ra.
Vì vậy mới có câu thư pháp: Breath you’re alive. Thở đi, anh sẽ thấy
rằng anh đang còn sống, mà đang còn sống là một phép lạ. Phép lạ
nhứt của những phép lạ là mình đang còn sống. Còn đối với thây ma
kia, dầu có muốn thở một hơi cũng không thở nổi, dầu có muốn đứng
dậy đi thêm một bước cũng không bước được. Mình đang còn sống, còn
khỏe, phổi mình đang còn tốt, mình có thể thở vào, thở ra. Chân mình
đang còn tốt, mình có thể bước đi một bước. Mình trân quí hơi thở
đó, trân quí bước chân đó. Bước
chân đó là phép lạ, hơi thở đó là phép lạ.
Thiền sư Lâm Tế nói:
Phép lạ
là đi trên mặt đất (địa hành thần thông).
Bây giờ mình thêm phép lạ là: tôi đang thở vào, tôi đang thở ra. Khi
đã hắt hơi thở cuối cùng thì dầu có bỏ ra 100 triệu đô la để thở
thêm một hơi nữa cũng không có. Cho nên phải trân quí hơi thở vào,
hơi thở ra của mình. Hơi thở làm cho mình tỉnh thức, làm cho mình sống
dậy, làm cho mình tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm.
Mỗi
hơi thở là sự sống.
Mỗi hơi thở là phép lạ.
Khi ngồi thiền mà mình tiếp xúc được với phép lạ như vậy thì làm sao
buồn ngủ được? Không thể nào buồn ngủ được! Tràn đầy niềm vui, tràn
đầy sinh lực! Không có ngủ được.
Mỗi hơi thở là trị liệu
Mỗi hơi thở là thảnh thơi
Hơi thở sâu và chậm đem lại bình an cho thân, cho tâm và làm lắng dịu
những căng thẳng, bức xúc ở trong thân, trong tâm. Vì vậy khi thở
vào chú ý tới cái bụng phình ra và mình có thể thở vào sâu hơn, sâu
hơn một chút. Mình cảm thấy năng lượng dưỡng khí, oxy đi vào trong
cơ thể, làm mới những hạt máu trong phổi. Những hạt máu khi trở lại
phổi thì nó bầm đen, nhờ mình hít dưỡng khí vào thì những hạt máu đó
đỏ trở lại và được gởi đi để tiếp tục nuôi cơ thể. Thở tức là mình
đang thanh lọc máu huyết và khi thanh lọc máu huyết, mình cũng có rất
nhiều hạnh phúc. Khi thở vào, một mặt mình đem dưỡng khí, oxy đi vào
để lọc máu, một mặt mình làm lắng dịu những căng thẳng ở trong thân
và trong tâm. Có những căng thẳng ở trong thân và trong tâm, hơi thở
có khả năng làm lắng dịu lại. Đó là bài học thứ bảy ở trong Kinh
Quán Niệm Hơi Thở. Hơi thở thứ ba và thứ tư trong Kinh An Ban Thủ Ý là:
Thở
vào tôi ý thức được toàn thân, có những căng thẳng, bức xúc ở trong
toàn thân.
Thở ra buông xả tất cả những căng thẳng, bức xúc ở trong toàn thân.
Hơi thở thứ bảy và thứ tám là buông thư những căng thẳng ở trong tâm
mình. Trong tâm có những cảm xúc, buồn, giận, lo, bực bội ; thở vào,
mình ý thức được tâm hành đó, tâm hành của bực bội, buồn, giận.
Thở
vào tôi ý thức được tâm hành khó chịu ở trong tôi.
Thở ra tôi làm cho cái tâm hành đó nhẹ xuống.
Trong Kinh gọi đó là an tịnh tâm hành.
Tôi thở vào, an tịnh tâm hành, tôi thở ra
hơi
thở làm lắng dịu và có khả năng trị liệu, cho nên ta nói:
Mỗi
hơi thở là trị liệu.
Nếu quí vị có đọc sách, tìm tòi học hỏi thì quí vị sẽ thấy rằng: nếu
biết phương pháp thở đàng hoàng để thực tập, mình có thể trị được rất
nhiều bệnh. Ngày xưa tôi cũng bị bệnh nhiều mà tôi thoát khỏi không
phải nhờ nhà thương, bác sĩ mà nhờ tôi đã học được pháp An Ban Thủ Ý.
Có khi bị bệnh rất nặng và các bác sĩ đã chịu thua vậy mà tôi đã chữa
trị được bằng hơi thở, thành ra tôi rất
biết ơn Kinh An Ban Thủ Ý.
Mỗi hơi thở là trị liệu, mình thở như thế nào để thấy sự trị liệu xảy ra trong thân và trong
tâm. Hơi thở làm lắng dịu lại, hơi thở giúp mình buông bỏ được những
căng thẳng. Khi cơ thể mình hết căng thẳng thì nó bắt đầu có khả
năng tự trị liệu những chứng bệnh ở trong thân. Các nhà khoa học bây
giờ đều thấy được như vậy. Ngồi đó thở vào, thở ra như vậy là trị liệu,
là chữa bệnh. Trong khi đi cũng là chữa bệnh, trong khi ngồi cũng là
chữa bệnh. Những lo lắng, căng thẳng giảm xuống thì tự nhiên thân thể
mình có khả năng phục hồi, sức khỏe trị liệu lại được. Mình nên tin
vào khả năng của thân và tâm, đừng nên tin quá vào thuốc. Và cuối
cùng là:
Mỗi hơi thở là thảnh thơi, thảnh thơi là hạnh phúc, là tự do, không bị vướng bận chuyện này,
chuyện kia. Cố nhiên cuộc đời người nào mà không có những khó khăn,
chướng ngại? Nhưng là người tu, mình đừng sợ khó khăn, chướng ngại,
những cái đó có thể tháo gỡ được dễ dàng nếu tâm mình an tĩnh. Còn nếu
tâm mình không an tĩnh thì tháo gỡ hơi khó và nhiều khi mình làm cho
nó rối beng thêm. Vì vậy cho nên mình phải có an lạc, có hạnh phúc,
có trị liệu thì mới có tự do. Có tự do thì tháo gỡ rất dễ, không có
sợ hãi.
Mình có trí tuệ, có tình thương là mình có vốn liếng, với vốn liếng
đó mình tháo gỡ được những khó khăn trong cuộc đời mình. Nếu mình
không dùng trí tuệ và tình thương để tháo gỡ thì mình dùng cái gì?
Mình dùng mưu mô, tiền bạc hay mình dùng những phương tiện khác…?
Cách ở ngoài đời là như vậy. Còn cách của mình, chỉ dùng trí tuệ và
tình thương để tháo gỡ những khó khăn. Mà khi có trí tuệ, có tình
thương thì tâm mình lắng xuống. Tâm mình an thì trí tuệ và tình
thương tự nhiên phát hiện ra đưọc.
Mình phải học ngồi làm sao để cho mỗi giây phút của thiền ngồi là
nuôi dưỡng, là trị liệu. Nếu mình ngồi ba bốn mươi phút mà không làm
được chuyện đó thì rất uổng. Mình phải khôn khéo, chớ đừng ngồi chịu
trận để đợi chuông thỉnh rồi đứng dậy. Mình phải biết lợi dụng, phải
biết thừa hưởng thời giờ ngồi thiền đó, nếu mình biết cách thở, biết
cách ngồi; giờ ngồi thiền đó là giờ hạnh phúc. Mình có những bài tập
rất hay, nhưng mình cũng có thể sáng tác thêm những bài tập khác. Ví
dụ như bài tập hôm trước:
Thở
vào, con mời đức Thế Tôn ngồi bằng sống lưng của con.
Thở ra, con mời đức Thế Tôn thở bằng hai lá phổi của con.
Mình tiếc gì mà không mời
đức Thế Tôn ngồi bằng cái lưng của mình? Tại vì
đức
Thế Tôn luôn luôn ngồi rất thẳng, rất buông thư, thẳng nhưng mà
không cứng, không có gồng. Mình khôn khéo: Bạch đức Thế Tôn, con mời
Ngài ngồi bằng cái lưng của con. Tự nhiên Ngài ngồi liền hà! Mình
thấy cái lưng của mình bây giờ nó thẳng, nó mềm, tại vì đức Thế Tôn
đang dùng cái lưng của mình Ngài ngồi, mà Ngài ngồi thẳng, ngồi đẹp
thì mình được hưởng, có phải vậy không?.
Con mời
đức Thế Tôn thở bằng hai lá phổi của con đi, hai lá phổi của con còn
tốt mà con còn trẻ.
đức Thế Tôn sẽ dùng hai lá phổi của mình để thở vào, thở ra. Đức Thế
Tôn thở rất là hay, Ngài thở rất nhẹ, rất thanh thản, rất đều. Khi
đức
Thế Tôn thở bằng hai lá phổi của mình, mình cũng được thừa hưởng.
Bài kệ đó dễ lắm:
Mình
khỏi thở,
Mình khỏi ngồi
Để đức Thế tôn ngồi,
Để đức Thế Tôn thở.
Mình ngồi đó mình hưởng, rất hay. Thực tập như vậy thì tôi đố sư chú
sư cô nào buồn ngủ được. Cũng như mình thực tập thở vào: Con mời ba ở trong con cùng thở vô một lần với con, hai cha con mình
thở vô nè.
Đố
thầy mà ngủ được? Đang thở với ba làm sao mình ngủ được? Ba mình
chưa được học thở, bây giờ mình học thở được rồi thì mình cùng thở
với ba mình:
Hai cha
con cùng thở vô nè.
Hai cha con cùng thở ra nè. Mình
mời Bụt ngồi với mình, Bụt thở với mình xong rồi, mình mời ba ngồi
với mình, thở với mình:
Thở vào
con thấy khỏe quá, ba có khỏe như con không?
Mình nói chuyện với ba, ba không phải ở ngoài mình đâu, ba ở trong
mình, có mặt trong từng tế bào cơ thể của mình. Hai cha con cùng thở
vào, thở ra:
con thấy
nhẹ quá, ba cũng thấy nhẹ như con, hai cha con cùng thấy nhẹ.
Trong khi thở như vậy, trái tim mình đầy ắp tình thương đối với ba
mình. Mình mời ba thở rồi mình mời mẹ.
Thở vào,
tôi thấy mẹ tôi đang có mặt trong từng tế bào cơ thể tôi.
Thở ra tôi cười với mẹ tôi đang có mặt trong tôi.
Thở vào, tôi mời mẹ tôi cùng thở vào với tôi, hai mẹ con cùng thở
vào. Vui biết mấy! Trái tim mình đầy ắp thương yêu trong khi mình
thở vào, tại vì mình biết mẹ trong mình cũng thở vào như mình. Như
vậy mình là một đứa con có hiếu. Có hiếu không có nghĩa là phải đem
tiền nhiều về cho mẹ mà chỉ cần làm cho mẹ thảnh thơi, an lạc.
Thở ra,
con mời mẹ thở ra nhẹ nhàng với con, hai mẹ con cùng thở vào, hai mẹ
con cùng thở ra.
Thở vào con thấy khoẻ quá, mẹ có thấy khỏe như con không? Thở ra con
thấy nhẹ quá, mẹ có thấy như con không?
Thực tập như vậy vui lắm, không thể nào ngủ được, không cần phải
uống cà phê. Khi thực tập với người thương được rồi thì mình thực
tập với những người làm cho mình khốn đốn, làm cho mình điêu đứng.
Tại vì những người đó họ không có hạnh phúc, họ làm khổ họ, rồi làm
khổ luôn tới mình. Khi mình có khả năng, mình mời họ thở vào với
mình, thở ra với mình.
Cảm thấy
khỏe, thấy nhẹ trong khi thở vào,
Cảm thấy khỏe, thấy nhẹ trong khi thở ra
Mình ôm luôn được người làm khổ mình. Cái đó mới thiệt là từ bi
và như vậy trái tim của mình nó mở rộng ra. Trái tim của mình không
phải chỉ có chỗ cho ba, cho má, cho thầy, cho Bụt mà có chỗ cho
người kia nữa. Cái đó mới le, mới xứng đáng là con của Bụt. Đó là
trái tim không biên giới. Trái tim không biên giới theo danh từ Phật
học là vô lượng tâm. Vô lượng tức là không đo được, đong được, lường
được. Trái tim đó lớn quá, có chỗ cho tất cả mọi người, cho những
người mình thương, cho những người mình chưa thương, nhưng bây giờ
mình tập thương. Đó là thực tập từ bi chớ không phải là nói từ bi.
Cái học của người tu
Mỗi ngày được đi thiền hành chung với tăng thân, được ngồi yên với
tăng thân một hoặc là hai lần là quyền lợi của người tu, mình phải
đòi cho được quyền lợi đó. Đi tu là được có quyền lợi đó, ví dụ như
được ăn cơm im lặng. Ở ngoài đời họ đâu có thể có được một bữa cơm
trưa im lặng thanh thản như vậy, họ rất là hối hả, họ không có thì
giờ để ăn và trong khi ăn họ đến nói chuyện đâu đâu hoặc mở ti vi ra
xem. Khi mình tu, mình có quyền lợi là được ngồi ăn cơm yên lặng và
thong thả, vậy mới là văn minh. Xã hội bây giờ không có khả năng được
hưởng cái đó, rất là gấp gáp, rất là hối hả.
Mình tu thì mình có thảnh thơi, có thì giờ để ăn cơm thảnh thơi, có
thì giờ để ngồi yên mỗi ngày nhiều lần, có thì giờ để đi từng bước
thảnh thơi. Đó là quyền lợi của người tu. Tu mà không có những cái
đó thì tu làm cái gì? Mình phải biết tận hưởng, phải biết sử dụng
những thì giờ như vậy để nuôi dưỡng thân tâm. Cho nên xin đại chúng
phải khôn ngoan, phải khéo léo sử dụng được giờ thiền ngồi, thiền
đi, thiền ăn cơm và sau đó mình mới sử dụng những thì giờ để làm
những chuyện khác như rửa bát, nấu cơm, làm việc ngoài vườn rau. Làm
việc nhưng mình vừa làm vừa tu, vừa làm vừa có hạnh phúc. Làm thế
nào để có được hạnh phúc ngay bây giờ chứ đừng có đợi năm mười năm
sau rồi mới có hạnh phúc. Hạnh phúc ngay bây giờ thôi hoặc là không
bao giờ hết. Mình tự thách thức mình.

Tăng thân
Hôm qua chúng ta đã bắt đầu học về bốn đối tượng Tùy Niệm: tùy niệm
Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng và tùy niệm Giới.
Mình đã nói về Phật, về Pháp. Nếu có ai hỏi mình:
các thầy
đã có kiến thức đầy đủ về tam quy và ngũ giới chưa? Các sư cô đã có
đầy đủ kiến thức về tam quy và ngũ giới chưa? Thì mình phải trả lời
như thế nào?
Nhiều người trong chúng ta chắc mẫm đã biết tam quy là gì, ngũ giới
là gì. Những điều chúng ta đã học cách đây mười năm hoặc là lâu hơn
nữa. Nhưng sự thực là khi nghe bài giảng ngày hôm qua, quí vị biết
là quí vị chưa biết nhiều về tam quy và về năm giới. Mình tưởng là
biết nhưng kỳ thực mình chưa biết được bao nhiêu. Ở cấp tiểu học người
ta dạy mình tam quy là ba sự quay về nương tựa: quay về nương tựa Bụt,
quay về nương tựa Pháp, quay về nương tựa Tăng. Năm giới tức là: giới
thứ nhất không sát sanh, thứ hai không trộm đạo.v.v… làm mình có cảm
tưởng là mình có học rồi, đã biết rồi, nhưng kỳ thực không đúng, cái
thấy, cái hiểu của mình còn cạn cợt lắm và khi mình nghĩ rằng mình
đã biết rồi, lúc đó mình không có cơ hội nữa.
Cái thấy về Phật của tôi, về Pháp của tôi đã thay đổi rất là nhiều
và mỗi năm, mỗi tháng đều có thay đổi hết, càng ngày càng hiểu sâu
hơn. Khi học được bài học ngày hôm qua rồi, mình có một vài ý niệm
thế nào là Phật, thế nào là Pháp rồi thì mình biết cái thấy của mình
về Pháp rất đơn sơ, chỉ là danh từ thôi, chứ chưa phải là sự thật,
cho nên có người tới hỏi thầy:
sư chú
đã có kiến thức đầy đủ về Phật, về Tam Bảo và về Năm giới chưa?
Thì mình nói:
chưa,
tôi có học rồi một ít, nhưng tôi có thể hiểu sâu hơn rất nhiều.
Có thể nói thầy Nhất Hạnh năm nay có được một cái thấy về Tam Bảo, về
Năm giới khá sâu, nhưng thầy cũng không nói là thầy đã hiểu hết, tại
vì thầy tin rằng sang năm cái thấy của thầy về Tam bảo, về Năm giới
còn sâu hơn nữa.
Bài Bốn Phép Tùy Niệm tôi đã giảng cho Làng Mai cách đây mười mấy
năm và ngày hôm qua tôi đem ra giảng lại. Có vị đã từng nghe tôi giảng
nói:
bài giảng
ngày hôm nay khác với bài giảng của mười mấy năm trước, cái thấy của
thầy sâu hơn, đầy đủ hơn.
Cố nhiên nếu sang năm có duyên tôi giảng về Bốn Phép Tùy Niệm thì
bài giảng sẽ sâu hơn nữa. Vì vậy câu trả lời hay nhất là:
dạ,
tôi có biết chút ít về Tam quy và Ngũ giới nhưng mà cái hiểu của tôi
về Tam quy và Ngũ giới càng ngày càng sâu và chắc chắn là sang năm
tôi sẽ có cái thấy sẽ sâu hơn năm nay.
Nói như vậy thì mới đúng, mới chắc ăn, chớ còn nói:
Ồ, cái
đó tôi đã học từ lâu lắm rồi, từ mười năm, hai mươi năm về trước,
đâu có gì khó đâu.
Vậy là không được.
Cũng như Tâm Kinh Bát Nhã, mình có thể nghe giảng rồi và có cảm tưởng
là mình đã biết cái gì trong kinh Tâm Kinh Bát Nhã. Có người hỏi:
thầy
có biết Tâm Kinh Bát Nhã chưa, có học chưa? - Tôi có học rồi, tôi biết.
Biết có nghĩa là mình đã đạt tới cái hiểu về Tâm Kinh Bát Nhã. Thường
thường mình tụng như con vẹt, không biết quán chiếu và cái hiểu của
mình về Tâm Kinh Bát Nhã hình như năm nay không khác gì năm ngoái
bao nhiêu? Mình dậm chân tại chỗ, cái học của mình không có đưa mình
đi tới, một phần là tại cái học đó không đi theo với cái hành.
Có một số các vị khách tăng tới đây với một ý niệm nào đó và sau ba
bốn tháng thì bỏ đi về, tại vì tưởng ở tu viện Bát Nhã sẽ học nhiều
lắm? Nhưng thực ra không phải như vậy. Cái học ở tu viện Bát Nhã hay
ở Làng Mai khác hơn với cái học ở trường sơ cấp, trung cấp Phật học
hay là cao học Phật giáo. Cái học ở đây không phải là cái học để thi
cử, để có bằng cấp. Cái học ở đây là để có vốn liếng cho mình tu để
sau này giúp đời. Cho nên nó hoàn toàn căn cứ trên chí nguyện của từng
người. Có người cùng xuất gia năm đó nhưng học rất là giỏi, còn người
kia không được giỏi, tại vì ý chí tu học không có lớn.
Làng Mai có nhiều khóa học, ví dụ như là khóa học Trái Tim Của Bụt,
khóa đó có hàng chục bài giảng và kéo dài trong nhiều tháng. Có khóa
đề cập tới những giáo lý căn bản như là Tứ Diệu Đế, Tứ Chánh Cần, Tứ
Như Ý Túc, Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, Bát Chánh Đạo, Thất Bồ Đề
Phần.v.v…
Đã có những cuốn sách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng
Đức, tiếng
Việt, ghi ra một số bài giảng trong khóa giảng đó. Mình có khóa giảng
đó bằng tiếng Việt, sau đó có khóa giảng bằng tiếng Anh. Nhưng khóa
tiếng Việt dài gấp ba lần khóa giảng bằng tiếng Anh. Cho nên cuốn
sách Trái Tim Của Bụt bằng tiếng Việt giàu có hơn cuốn sách Trái Tim
Của Bụt bằng tiếng Anh. Nếu mình muốn nắm cho vững Phật Pháp căn bản
thì mình phải học khóa đó. Các vị giáo thọ có thể tổ chức để mình được
nghe các bộ băng đó từ đầu cho đến cuối. Nếu cố tâm học thì sau khi
học xong khóa đó, mình có thể giỏi hơn người kia rất nhiều. Người
kia là người cùng nghe băng đó với mình ngay từ đầu, nhưng không có
thì giờ để tìm hiểu, để đọc sách, còn mình có chí, muốn tìm hiểu, muốn
đào sâu.
Ví dụ hôm qua tôi kể chuyện về thầy A Nậu La Độ, thầy về hỏi Bụt:
Con phải
trả lời sao cho hay để sau này có người hỏi, con trả lời cho đúng ý
Ngài.
Tôi có nói với các thầy, các sư cô, các Phật tử muốn biết là Bụt trả
lời sao thì quí vị về giở cuốn kinh ấy ra mà đọc. Tôi kích thích sự
tò mò để quí vị tự đi tìm lấy, chớ còn tôi không phải đứng đó để nhồi
vào sọ quí vị những kiến thức đó. Khi tò mò muốn tìm hiểu thì
mình thu thập rất mau và tiêu hóa được. Còn nếu ông thầy ráng nhét
vô đầu mình một ít kiến thức thì cái đó không làm mình tiến được? Dầu
có học thuộc lòng, làm bài tạm được, đậu được cái bằng thì rốt cuộc
mình cũng quên, như vậy cho mình sẽ không ích lợi gì. Thành ra cái học
ở Làng Mai, ở Bát Nhã rất khác.
Có một khóa giảng gọi là Công Phu Nở Đóa Ngàn Cánh, kéo dài nhiều
tháng. Trong khóa giảng đó, tất cả các kinh, bài tụng, bài sám trong
Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 đều được giảng hết, từ đầu cho tới cuối,
từ kinh Kim Cương cho tới Bát Nhã Tâm Kinh, cho tới kinh Người Biết
Sống Một Mình, kinh Hải Đảo Tự Thân. Kinh nào cũng giảng hết và giảng
rất là dễ hiểu, giảng trong tinh thần khoa học.
Nếu quí vị muốn học thì quí vị xin các vị giáo thọ tổ chức cho nghe
trọn bộ băng đó. Có thể là phải sáu tháng mới nghe hết được. Các vị
giáo thọ sẽ hướng dẫn cho mình khi nghe và nghe xong mỗi bài có thể
ngồi lại pháp đàm để đào sâu. Chính quí vị đặt câu hỏi, quí vị tìm
tòi thêm nữa thì chính cái học như vậy mới làm cho quí vị giỏi. Chớ
còn người ta nhét vô đầu mình một số giáo điều rồi mình học thuộc
lòng thì cái đó không ích lợi.
Có một khóa giảng về Đại Tạng Nam Truyền, tất cả những kinh căn bản,
kinh quan trọng nhất trong Đại tạng Pali ở trong A Hàm đều được giảng
dạy. Khóa đó phải học nhiều tháng và các vị giáo thọ sẽ tổ chức cho
mình ghi tên cùng nghe bộ băng đó từ đầu đến cuối.
Có một khóa giảng về Đại Tạng Bắc Truyền, trong đó mình được học những
kinh như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma Cật. Và các vị
giáo thọ cũng có thể tổ chức cho mình được học hỏi, được nghiên cứu,
được đào sâu. Nếu học hỏi theo tinh thần đó thì nội trong bốn năm là
mình đã giỏi rồi, có đủ một ít tư lương để tu tập và để giúp đời. Tại
vì những cái mình học trong bộ băng, những khóa giảng đó, đều là những
cái thiết thực và rất khoa học.
Có những khóa giảng về Nhiếp Đại Thừa Luận hay là Trung Quán Luận
hay là Dị Bộ Tông Môn Luận mà chúng ta có thể học nếu chúng ta biết
tổ chức và cùng học với nhau. Nếu mình khéo léo, mình có chút thời
giờ riêng mình có thể học thêm được. Và nhất là những bài giảng có
tính cách giúp cho mình thực tập để có hạnh phúc ngay trong giây
phút hiện tại, mình cần phải nghe thật nhiều.
Có thể có vị đã truyền đăng giáo thọ rồi nhưng còn thiếu hay chưa học
một hay hai khóa an cư. Vị giáo thọ đó ý thức được rằng tuy mình được
danh từ giáo thọ nhưng mình có thể phải học thêm và vị giáo thọ đó
tìm cách xếp đặt để mình có cơ hội được học những khóa giảng mà mình
chưa được học chớ không có nói:
À,
mình là giáo thọ rồi, mình học làm chi nữa?
Sư ông học suốt đời, cho tới giờ này cũng còn học nữa. Không những
là học trong kinh điển mà còn học thêm về khoa học, về xã hội học, về
tâm lý học. Tại vì càng học thì kiến thức của mình, kinh nghiệm của
mình càng sâu, sự tu học, sự giảng dạy của mình càng ngày càng khéo.
Cái học của chúng ta ở Làng Mai và ở Bát Nhã rất khác với cái học ở
các trường Phật học, nó không có tính từ chương, không cần phải thi
cử, nhưng nó cần cái chí nguyện của mình.
Phật-Sanh bất nhị.
Hôm qua học về Phật, về Bụt, chúng ta có nghe Tổ Lâm Tế nói:
Phật
và chúng sanh là hai thực tại không thể tách rời ra nhau được.
Hễ chỗ nào có Phật là có chúng sanh, hễ chỗ nào có chúng sanh là có
Phật. Muốn là Phật trước hết phải là chúng sanh.
Cho nên Tổ hay nói câu:
Phật-Sanh bất nhị.
Phật-Sanh bất nhị dịch theo kiểu mới:
Phật
và con người không phải là hai thực tại riêng biệt.
Muốn thành Phật thì mình phải là một con người và khi mình thành
Phật rồi, mình vẫn còn con người. Vì vậy chỗ mà đi tìm Phật hay nhất
là ở chúng sanh, như là con người.
Có nhà học giả của Pháp rất thông thạo về Tam
tạng kinh điển Trung
quốc, ông nói rằng:
giáo
lý của thiền sư Lâm Tế bộc lộ tinh thần nhân bản. Thiền sư Lâm Tế chủ
trương chủ nghĩa nhân bản rất là hùng hậu
(chủ nghĩa nhân bản tiếng Anh dịch là Humanism). Phật không bao giờ
lìa khỏi con người, luôn luôn trở về con người. Phật từ con người mà
thành và khi Ngài thành Ngài vẫn là một con người. Trong ánh sáng đó
mình có thể tìm hiểu được nhiều hơn về Phật.
Chúng ta đã học những cái có tính cách rất là lý thuyết, có những
cái chúng ta không áp dụng được như phiền não tức Bồ đề. Phiền não
là phiền não, sao lại là Bồ đề được? Chúng ta đều được học như vậy,
chư Tổ dạy như vậy. Chúng ta chịu thôi, Tổ nói thì mình phải nghe.
Hay Phật pháp là Thế gian pháp, nhất thiết thế gian pháp giai thị Phật
pháp. Tất cả các Pháp thế gian đều trở thành Phật pháp được thì mình
hiểu như thế nào?
Cái ví dụ mà chúng ta thường hay đưa ra là sen với bùn. Chúng ta biết
rằng nếu không có bùn thì không trồng sen được, mình đâu có trồng
sen ở trên đá cẩm thạch được? Có bùn, có sen, có khổ đau, có phiền
não. Khổ đau là một thứ bùn và chính nhờ khổ đau, nhờ phiền não, hiểu
được khổ đau, nhờ hiểu được phiền não mà mình có được trí tuệ và có
từ bi. Nhờ có bùn mới có sen. Một người chưa từng khổ đau, chưa từng
biết khổ đau là gì thì người đó làm sao có trí tuệ, có từ bi được?
Vì hiểu được những khổ đau của anh cho nên tôi chấp nhận, tôi thương.
Còn nếu tôi không hiểu được khổ đau của anh thì tôi đâu thể thương
anh được? Rõ ràng là con mà không thấy được nỗi khổ niềm đau của cha
thì con không thương cha được. Cha không thấy được nỗi khổ niềm đau
của con thì cha cũng không thương con được. Những người nào đã từng
khổ là những người có cơ hội để hiểu và để thương. Mình phải lợi dụng
cái khổ để học hiểu và học thương. Còn người không tu thì chết đuối
trong cái biển đau khổ đó.
Trong vườn rau của mình có hoa, có rác. Nếu biết cách, tất cả các
rác đó mình gom lại, làm thành phân xanh để nuôi rau, nuôi hoa. Khi
nhìn vào rác, mình thấy được những chất liệu nuôi dưỡng cho hoa.
Nhìn vào hoa mình thấy hoa này tuy đẹp như vậy, nhưng mười lăm, mười
sáu ngày sau những bông hoa ấy cũng sẽ trở thành những cọng rác. Rác
và hoa tương tức, rác nuôi hoa, hoa nuôi rác. Rác đang trên con đường
trở thành một bông hoa, tại vì người ta đang nuôi hoa bằng rác. Và
bông hoa cũng đang trên con đưòng trở thành rác. Không có khổ đau
thì không có hiểu và không có thương. Không có phiền não thì không
có Bồ đề. Cho nên đi tìm Bồ đề ngoài phiền não thì không có được. Đi
tìm sen ngoài bùn thì không có được. Đi tìm Phật ngoài chúng sanh
cũng không có được. Phiền não tức Bồ đề.
Phật pháp cũng vậy, Phật pháp được nảy sinh từ các pháp thế gian.
Các pháp thế gian là các pháp gì? Các pháp thế gian có sanh, lão, bệnh,
tử, có khổ đau, bức xúc, giận hờn, tuyệt vọng. Nhìn sâu vào những khổ
đau đó, mình tìm thấy có những nguyên do đã gây ra khổ đau, tức là
nhìn vào khổ đế mình tìm ra được tập đế, mà thấy tập đế rồi thì tự
nhiên đạo đế được trình bày ra.
Chúng ta biết rằng
Tứ Diệu Đế là hai cặp nhân quả. Sự thật thứ nhất
là khổ, nhìn sâu vào bản chất của khổ đau thì mình tìm thấy gốc rễ của
những nguyên do đưa đến cái khổ, cái đó gọi là tập. Tập tức là sự
hình thành, sự nuôi dưỡng thành ra cái khổ. Tập này là cái nhân, khổ
này là cái quả. Nhìn vào cái khổ, tức là nhìn vào cái phiền não,
chúng ta thấy được tất cả gốc rễ xa gần nuôi cái khổ, đó gọi là tập,
con đường đem tới sự đau khổ và nhờ thấu hiểu được khổ và tập, cho
nên chúng ta mới thấy được con đường thoát khổ, tức là đạo và diệt.
Diệt ở đây tức là sự chấm dứt của khổ, diệt ở đây tức là khổ diệt,
mà sự chấm dứt của khổ có nghĩa là sự bắt đầu của an vui.
Muốn làm thế nào để có an vui, muốn làm thế nào chấm dứt sự khổ? Là
ta phải có con đường và con đường này là nguyên nhân đưa tới cái diệt,
tức hạnh phúc. Khổ-Tập là một cặp nhân quả thứ nhất, Diệt-Đạo là một
cặp nhân quả thứ hai và con đường này, tức là Phật pháp. Phật pháp
là con đường đi tới chấm dứt khổ đau và mở ra an lạc. Nếu không quán
chiếu khổ đau thì làm sau thấy được diệt và đạo? Cho nên phật pháp
phát sinh từ thế gian pháp, thế gian pháp là khổ và tập, còn phật
pháp là diệt và đạo. Bỏ cái kia làm sao có cái này, chính nhìn vào
cái kia sâu sắc mới tìm ra cái này. Bây giờ mình bắt đầu hiểu được tại
sao Phật pháp được làm bằng thế gian pháp. Tại sao sen được làm bằng
bùn và hoa được làm bằng rác. Hai cái đó nó tương tức với nhau.
Phật là một con người.
Đức Thích Ca thành đạo lúc 35 tuổi, lúc Ngài còn trẻ. Chúng ta biết
rằng khi Ngài về già, Ngài cũng bị bệnh tê thấp, Ngài cũng bị
rheumatisum và thầy Anan cũng phải xoa bóp cho Ngài. Tuy là Phật
nhưng Ngài cũng có thân người, Ngài vẫn là người. Ngài cũng có khi bị
cảm và thầy Anan thế nào cũng cho Ngài uống thuốc. Rồi khi Ngài bị lạnh,
thầy Anan cũng lấy thêm y áo quấn cho Ngài.
Phật là một con người, có điều con người này rất đặc biệt. Người này
có hiểu rất cao, có thương rất sâu, có tự do rất lớn, có thảnh
thơi rất nhiều, cho nên con người ấy không có khổ. Có người tới la mắng,
Bụt cũng cười hì hì. Có người muốn tới ám sát, Bụt cũng tha thứ,
không giận hờn. Rất là hay. Tôi cũng thường nói với các thầy, các sư
cô: đức Thế Tôn khi thành đạo mới 35 tuổi, còn trẻ lắm và như vậy thế
nào cũng còn năng lượng tình dục trong Ngài. Thành Phật không có
nghĩa là không còn năng lựợng tình dục và Ngài cũng là người như
mình thì chắc chắn năng lượng tình dục vẫn còn. Nhưng trong trường hợp
của đức Thích Ca thì năng lượng tình dục không làm cho Ngài bị khổ,
không làm cho Ngài bị bức xúc, để Ngài phải đi kiếm chỗ để thỏa mãn
năng lượng tình dục đó.
Mình là người xuất gia, mình còn trẻ, mình biết rằng năng lượng tình
dục là một vấn đề, mình phải học cách để quản lý, để chăm sóc, để đối
trị với năng lượng tình dục đó. Đôi khi nó trở thành bức xúc, có những
người bức xúc ít, có những người bị cái năng lượng đó làm cho bức
xúc nhiều. Mình là người cư sĩ cũng vậy, dầu mình đã có vợ, có chồng.
Có những ông chồng, có những bà vợ vẫn còn có những bức xúc sinh lý,
vì vậy mới có chuyện tà dâm. Các thầy, các sư cô nên biết, không phải
là có vợ hay là có chồng là không có vấn đề về năng lượng tình dục.
Đừng tưởng khi mình có vợ, có chồng là hết vấn đề? Đôi khi người cư
sĩ còn có nhiều vấn đề hơn nữa, dầu có vợ có chồng, họ vẫn làm cho
gia đình tan nát. Cho nên không những người xuất gia phải học cách để
đối trị lại với năng lượng tình dục mà người tại gia cũng phải học.
Ngày xưa có một sư chú ở Làng Mai, năng lượng tình dục hơi mạnh và
đã có lần lầm lỗi. Tôi mới sắp đặt cho sư chú ra đời, về nhà trở lại
để sống cuộc đời thế gian cư sĩ. Khi sư chú ra về mình cũng có làm
tiệc, thiền trà để đãi, mua vé máy bay cho sư chú về đàng hoàng với tất
cả thương yêu. Mình thấy tại người đó có năng lượng tình dục nhiều
thôi. Mình thương chứ không có trách móc. Tôi có khuyên: con ơi, dầu
con có về lại đời sống cư sĩ, con cũng phải thực tập năm giới
thiệt đàng hoàng tại vì cái năng lượng tình dục đó sẽ tiếp tục làm
cho con khổ, dầu con có vợ, có con cũng vậy. Con phải ráng lắm mới
được, chớ không phải khi về với đời sống tại gia là con hết vấn đề
đâu? Tôi dặn dò với tất cả sự yêu thương.
Trong con người của
đức Thích Ca khi 35 tuổi, chắc chắn là còn năng
lượng tình dục, nhưng đối với Ngài, đó không phải là vấn đề, tại vì
Ngài có những năng lượng khác, nó tạo ra cái thế cân bằng khiến cho
năng lượng tình dục đó không gây cho Ngài bức xúc. Ngài có chứng bệnh
độ sinh rất lớn, Ngài có cái hiểu, có tình thương rất lớn. Cái hiểu
đó cho mình thấy rằng nếu mình xâm phạm tới tình dục người đó thì
mình làm hại đời người đó và làm hại luôn đời tu của mình. Cái thấy
đó rất rõ và lòng thương cũng rất rõ nơi đức thế Tôn. Nếu có những
hành động tà dâm thì sự nghiệp của mình sẽ tan nát hết và biết bao
nhiêu người sẽ khổ đau, biết bao nhiêu người sẽ mất lòng tin. Năng
lượng của hiểu và thương, năng lượng của lòng từ bi và đại nghiệp của
Ngài lớn quá thành thử nó chăm sóc, bảo hộ và nó tạo ra cái thế
thăng bằng trong Ngài, cho nên Ngài không bị năng lượng tình dục làm
cho bức xúc; chớ không phải Ngài không có năng lượng tình dục. Tại
vì khi thành Phật, thân vẫn còn là con người, khi không ăn thì đói
và khi trời lạnh cần thêm áo. Giống hệt như mọi người.
Chúng ta biết rằng có những người thương
đức Thế Tôn quá nhiều cho
nên tả đức Thế Tôn theo kiểu của họ, cái gì của đức Thế Tôn cũng tuyệt
hảo hết, mồ hôi của Ngài cũng rất thơm và khi Ngài đi cầu ra, phân của
Ngài ngửi rất thơm, nước tiểu Ngài cũng vậy, trong suốt như pha lê
không có gì hết. Tức là mình thần tượng, thần thánh quá một con người,
nhưng đâu cần phải như vậy. Cái mình mến phục đức Thế Tôn là: đại từ,
đại bi, đại trí, đại lực. Chớ không phải là Ngài không có mùi hôi
hay đi cầu ra rất thơm. Thơm
quá!
làm cho đức Thế Tôn trở thành ra một vị thần linh và làm cho đức Thế
tôn xa cách con người, tước đoạt quyền làm người của đức Thế Tôn. Vì
thương Ngài quá rồi mới thêu dệt những chuyện như vậy.
Có người đi xa hơn nói rằng, cái thân người đó chẳng qua là cái hóa
thân thôi. Đức thế Tôn là một thực tại bất sinh bất diệt (gọi là
pháp thân), còn cái thân một thước tám mươi phân của Ngài là hóa
thân tạm thời. Nói như vậy cũng là để bảo vệ cho Ngài. Nhưng mà đức
Thế Tôn có pháp thân thì mình cũng có pháp thân vậy? Tất cả chúng ta
đều có pháp thân, cũng như tất cả các đợt sóng đều là nước. Mình là
sóng, mình đồng thời cũng là nước. Mình có báo thân, mình cũng có
pháp thân. Báo thân của Bụt cũng như báo thân của mình. Có năng lượng
tình dục thì mình phải nói có năng lượng tình dục. Nhưng mà đối với
đức Thế Tôn, sự tu tập của Ngài rất vững, ở trong Ngài có sự quân
bình và cái năng lượng hiểu và thương lớn quá, vì vậy năng lượng
tình dục không phải là vấn đề. Hoặc đói bụng thì cũng không có cau
có, đức Thế Tôn có thể nhịn đói mười ngày mà không hề cau có. Sự thực
bên Làng Mai có nhiều thầy, nhiều sư cô có thể nhịn đói mười ngày,
mà càng nhịn thì càng tươi, chỉ uống nước thôi, nhưng trong mười
ngày đó khỏe lắm. Chính tôi cũng có thể nhịn đói mười, mười lăm ngày
và trong mười, mười lăm ngày đó vẫn viết văn, vẫn cho pháp thoại, vẫn
tập khí công được như thường. Tại vì trong người mình có cái khu dự
trữ, dư sức để cho mười, mười lăm ngày không ăn. Mười ngày đó có thể
thanh lọc cơ thể, nước da của mình có thể sáng hơn, đẹp hơn, máu huyết
của mình sẽ tốt hơn. Chớ không phải mới nhịn đói một bữa mà đã càu
nhàu, đã làm như đất trời sụp đổ, còn nói: tùy theo người! Tùy theo
trí tuệ của mình, cái thấy và từ bi của mình.
A La Hán
(Ứng Cúng).
Đức Thế Tôn là một vị A La Hán, ở trong Phật giáo Nam tông, một danh
hiệu của đức Thế Tôn là La Hán. La Hán có nghĩa là Ứng Cúng, ứng
cúng tức là xứng đáng để được cúng dường. Một người đã chấm dứt được
sự sinh tử, một người xứng đáng được cúng dường. Đức Thế Tôn là Như
Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế
Tôn (Tathagata, Arhat, Samyaksambuddha, Vidya-carana-sampanna,
Sugata, Lokavid, Anuttarapurusa, Purusa-damya-sarathi, Sasta
Deva-manusyanam, Buddha, Bhagava (Lokajyestha))
Arahan tức là vị A La Hán và vị A La Hán là mẫu người lý tưởng của
Phật giáo tiểu thừa, đạt A La Hán tức là đạt tới con người lý tuởng.
Mình tu là để trở thành vị A La Hán. Nhưng trong lịch sử của giáo
đoàn có những tư tưởng đi xa hơn. Có một vị thầy tên là Đại Thiên (Mahadeva),
thầy nói vị A La Hán còn có những khuyết điểm. Một vị A La Hán không
thể nào so sánh với một vị Bồ Tát, một vị Phật được. Phật là một vị
Bồ Tát, Đại Bồ Tát. Và thầy nêu ra năm cái yếu kém của vị A La Hán.
Năm cái yếu kém đó là: Dư sở dụ, vô tri, do dự, tha linh nhập, đạo
nhân thanh cố khởi.
Thầy Đại Thiên nói:
vị A
La Hán chưa phải là con người tuyệt hảo và cái khuyết điểm đầu tiên
của vị A La Hán là bị người ta dụ dỗ.
Dư
sở dụ:
một vị A La Hán còn bị người khác dụ dỗ, người khác đây là các Thiên
Ma. Họ hiện ra trong giấc mơ của một vị A la Hán thành ra một cô thiếu
nữ rất là xinh đẹp để dụ vị A La Hán và vị A La Hán đã xuất tinh
trong giấc ngủ, tức là thấy mình có giao hợp với cô Thiên Nữ đó, gọi
là dư sở dụ. Vị A La Hán này trong đời sống hàng ngày thì giữ giới rất
là nghiêm mật, không bao giờ gần phụ nữ, không bao giờ đụng chạm tới
người phụ nữ, giữ giới tuyệt hảo, không có tà dâm, không có dâm dục,
nhưng trong giấc mơ có thể bị các Thiên Ma dụ dỗ và xuất tinh ở
trong giấc mơ. Các vị thị giả đi giặt áo quần cho các vị A La Hán,
các thị giả thấy như vậy, biết rằng có vị A La Hán đã xuất tinh
trong giấc mơ. Vì vậy đó là khuyết điểm, là cái chưa toàn hảo của vị
A La Hán. Thật ra Thiên Ma đó có thể là từ A lại da thức của vị đó
đi lên chứ không phải ở ngoài đi vô đâu. Khi học về Duy biểu học,
Duy thức học, mình biết rằng Thiên Ma tới dụ vị A La Hán đó cũng từ
trong tâm thức đi ra chứ không phải ở ngoài đi vô. Điều đó chứng tỏ
rằng vị A La Hán cũng có năng cái lượng tình dục, cho nên trong ban
đêm mới bị xuất tinh.
Sự thực theo khoa học, hễ con người có ăn uống là có năng lượng, có
năng lượng là có tinh dịch và khi tinh dịch đầy thì nó trào ra chứ
có gì đâu? Nhưng vì không hiểu nên mình cho đó là tội lỗi, mình ăn
năn, xấu hổ, rồi có thể mình bị bệnh là do cái mặc cảm tội lỗi đó.
Quí vị cũng biết là sau bữa tiệc mà quá giàu có về chất protéin, có
quá nhiều chất bổ thì đêm đó mình thấy năng lượng tình dục của mình
nó hơi mạnh, cái đó cũng thường thôi. Cho nên không nên ăn quá ngon
và ăn nhiều trong bữa chiều.
Trong truyền thống của các thầy ngày xưa, chỉ ăn vào giờ Ngọ và sau
đó không ăn nữa. Rất là hay. Có nhiều thầy, nhiều sư cô ở Làng Mai,
bữa chiều không ăn hoặc ăn rất nhẹ, cái đó cũng là để đừng có vấn đề
về năng lượng tình dục. Nhưng nếu trong ban đêm mình xuất tinh, tự
nó xuất tinh hay là mình có ôm hình ảnh một người nào đó (ôm hình
ảnh một người con trai hay hình ảnh một người con gái) mà xuất tinh
thì đó cũng chỉ là sự vận hành của sinh lý, của tàng thức. Không có
gì để cho mình phải xấu hổ, ăn năn hối hận, mặc cảm tội lỗi để sau
này đưa tới những bệnh tật. Khi tinh khí, tinh dịch đầy thì nó trào
ra. Đừng chế tác nhiều quá, đừng ăn quá nhiều chất bổ, phải biết vừa
phải. Đó là cái thấy của khoa học. Nói là bị Thiên Ma dụ, người khác
dụ, nhưng kỳ thực là bị thức ăn ngon nó dụ, cho nên trong ban đêm
các vị bị xuất tinh, chớ có gì đâu.
Vô
tri:
có những cái mà vị A La Hán còn chưa biết, chớ không phải vị A La
Hán là vị Toàn Giác mà biết hết. Ví dụ như là trên mặt trăng hay là
trên mặt trời, nhiệt độ lên tới mấy chục ngàn độ? Hoặc là ngoài Thái
dương hệ này còn có bao nhiêu Thái dương hệ khác? Những cái đó thì
làm sao vị A La Hán biết hết được (tại sao vị A La Hán phải biết tất
cả những cái đó?). Vì vậy con người lý tưởng các vị A La Hán chưa chắc
đã là con người lý tưởng đâu? Đó là cái ý của thầy Đại Thiên và
chính những tư tưởng đó đưa lên sự phát sanh của Phật giáo Đại thừa,
tức là hình ảnh của vị A La Hán chưa phải hình ảnh tuyệt hảo của một
con người. Trong Phật giáo Đại thừa thì con người lý tưởng là một vị
Đại Bồ Tát.
Chúng ta biết rằng con người lý tưởng trong Thiền tông Lâm Tế là
Người Vô Sự, là người không có lo gì hết (no thing to do, no where
to go), thảnh thơi như vậy. Làm một người Vô Sự hạnh phúc lắm, nhiều
khi còn hấp dẫn hơn làm một vị A La Hán hay một vị Bồ Tát. Người Vô
Sự là một vị Bồ Tát mới. Cuốn sách Người Vô Sự của thầy giảng bài
Lâm Tế Lục hiện bây giờ ở Việt Nam đang bán chạy lắm, vì người nào
cũng quá nhiều sự, đa sự quá thành ra bây giờ muốn làm
"người
vô sự"
cho khỏe.
Do dự:
có những cái mà vị A La Hán không quyết đoán được, vẫn còn do dự (hesitation),
không quyết đoán được.
Tha linh nhập:
tha nhân tức là phải có người khác giúp đỡ mới có thể đi vào trong sự
chứng ngộ được chứ không phải tự mình. Tha tức là người khác.
Đạo nhân thanh cố khởi:
tức là những vị A La Hán phải lập đi lập lại, đời là khổ, đời là khổ…
mới có thể chứng đạt được đệ nhất đế. Tức là phải lập đi lập lại câu
đó, nếu không lập đi lập lại hoài thì vẫn có thể không đi vào trong
đạo được.
Thế Gian Giải (Lokavid).
Tôi nhắc lại năm điều này không phải để cho mình học lịch sử Phật
giáo, mà cho quí vị biết có cái ví dụ để thấy rằng có rất nhiều quan
niệm khác nhau về Bụt. Khi tôi viết về Đường Xưa Mây Trắng, tôi
trình bày Bụt như một con người, đem các phép thần thông xếp lại, để
người ta có thể tới gần Ngài được và để người ta nghĩ rằng nếu Bụt
là con người như mình, Bụt làm như vậy được thì mình cũng có thể làm
được. Đó là mục đích của Đường Xưa Mây Trắng, trình bày đức Thế Tôn
như một con người. Điều này cũng gây khó khăn cho ban làm phim
Buddha tại vì có những tông phái, có những giáo hội, họ không đồng ý
Bụt là một con người mà Bụt là một thực thể siêu việt ở trên mây,
trên trời.
Trình bày Bụt như một con người thì không có đủ huy hoàng, không có
đủ rạng rỡ. Phải trình bày Bụt với tất cả hào quang, với những phép
lạ thần thông thì mới xứng đáng. Vì vậy cho nên họ nói: nếu không
thay đổi, vẫn làm đúng theo Đường Xưa Mây Trắng, chúng tôi sẽ không
ủng hộ, quí vị sẽ không có tiền để làm. Cho nên phim Buddha bị kẹt,
nó chưa thành.
Trong Đường Xưa Mây Trắng mình thấy rõ, Bụt trước hết là một vị
thầy.
Ngài đã sống như một con người, Ngài đã thực tập, thành công, đã hoằng
hóa độ đời như một con người và điều đó đã gây rất nhiều niềm tin.
Như thầy Pháp Ấn của chúng mình nhờ đọc Đường Xưa Mây Trắng mà phát
tâm đi xuất gia. Cuốn sách đó theo tôi nghĩ có công đức lắm. Bây giờ
đã được nhiều nhà xuất bản ở Việt Nam in rồi và chắc chắn sẽ có nhiều
người đi xuất gia nữa nhờ đọc Đường Xưa Mây Trắng.
Trong những danh hiệu của
đức Thế Tôn, có danh hiệu là Thế Gian Giải
(Lokavid). Thế Gian Giải là có khả năng hiểu được con người, có thể
hiểu được những tâm ý, những khúc mắc, những bức xúc, những ước mơ,
những cái yếu kém của con người. Chính nhờ Ngài là bậc hiểu thấu thế
gian, Ngài đã thấy những cái yếu kém của con người cho nên Ngài
thương, Ngài đã thấy những cái kẹt của mình cho nên Ngài thương,
Ngài đã đưa ra những giáo lý, những phương pháp thực tập để giúp cho
mình gỡ rối. Sở dĩ Ngài là một vị đạo sư giỏi, thành công, tài tình
tại vì Ngài hiểu được con người. Mình muốn được như đức Thế Tôn thì
mình phải hiểu được con người, với tất cả những yếu kém, khúc mắc, mỗi
thể hiện của con người.
Muốn hiểu được con người mình phải gần gũi, cho nên khi làm người tu
mình đừng có đi lên núi ở, đừng nhập thất quá lâu, mình phải thân cận
với con người. Các thầy, các sư cô ngày xưa ở Việt Nam đã áp dụng
màu nâu để làm màu áo tu, tại vì dân quê Việt Nam ngày xưa, nhất là
nông dân họ mặc màu nâu. Lấy củ đà giã ra nhuộm vải là vải có màu
nâu, rồi phải lấy bùn trét lên phơi khô, màu nâu đó ăn sâu vào, giặt
không có ra nữa. Khi mình mặc áo màu nâu, hơi có vết dơ cũng không
có thấy, khỏi tốn xà bông nhiều. Các thầy của mình ngày xưa đã áp dụng
màu nâu để làm áo tu của mình, nó có dáng vẻ đơn sơ, bình dị, gần
gũi với người nông dân và cũng có vẻ hùng tráng, trầm lặng, khiêm
nhượng.
Năm tôi xuất ngoại để kêu gọi hòa bình thì tất cả các thầy, các sư
cô vẫn còn mặc áo màu nâu và bốn mươi năm sau tôi về thấy mặc vàng
khè, rất là xa cách với con người. Mình muốn hiểu con người, mình phải
gần con người. Ngày xưa các thầy trụ trì chùa ở làng, cũng ra làm ruộng,
chống cuốc nói chuyện với các nông phu và độ được họ tại vì gần gũi
họ. Bây giờ mình là một nhà tu mà mình sống quá xa cách thì làm sao
mình có thể gần gũi với con người, để hiểu được con người. Trong
danh hiệu của đức Thế Tôn có danh hiệu rất là bình dị mà rất quan trọng
là Lokavidu là bậc hiểu sâu tuệ giác. Trong kinh Kim Cương có câu
như vầy, trên thế gian này có biết bao nhiêu loài, bò, bay, bơi, tất
cả vô số, vô loại chúng sanh mà Như Lai là người nhìn thấu được tâm
của họ, biết rõ được họ, đó là Lokavidu.
Sáng hôm nay tuy mình không có tụng kinh, gõ mõ, không có niệm Nam
mô A Di Đà Phật, Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật mà mình bàn,
mình học hỏi về cuộc đời đức Thế Tôn. Nhìn sâu vào con người đức Thế
Tôn là mình đang thực tập niệm Phật. Ngày mai mình sẽ tiếp tục về
Tùy niệm, tôi sẽ nói thêm về Pháp.
☺☺☺
Xem tiếp>>
|