PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tớichết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 Nghệ thuật sống thiền :

Bốn phép tuỳ niệm (tt.)
(Duy tuệ thị nghiệp)

  • Tháng 08.2008 - Chân Giác Quang & Chân Tịnh Minh phiên tả & biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 3.06.2008
    trong mùa An Cư tại tu viện Bát Nhã - Bảo Lộc (Lâm Đồng)
    [Chân Minh, hiệu đính và cập nhựt 13.10.2008]
     

Khi nào thở mà thấy khỏe, thấy nhẹ là biết rằng mình thở đúng, còn khi thở mà thấy mình phải cố gắng mệt nhọc là chưa đúng. Chúng ta ngồi cho thẳng và thở cho thảnh thơi, an lạc.  

Mỗi giây phút là sự sống
Mỗi giây phút là nuôi dưỡng
Mỗi giây phút là trị liệu
Mỗi giây phút là thảnh thơi  

Tu là được hưởng những cái đó. 

Kính thưa đại chúng hôm nay là ngày mồng ba tháng sáu dương lịch năm 2008, chúng ta đang ở tại thiền đường Cánh Đại Bàng, tu viện Bát Nhã - Bảo Lộc, Lâm Đồng trong khóa An Cư Kiết Hạ.  

Khi đặt cho thiền đường tên Cánh Đại Bàng là tôi có triển vọng con chim lớn này sẽ đưa chúng ta đi thật xa. Chim Đại Bàng là loài chim có đôi cánh lớn, chở rất nhiều và bay rất xa. Chim Đại Bàng là một thứ đại thừa, một cổ xe lớn, chở được nhiều và đi rất xa.


Thiền đường Cánh đại bàng


Đức Thế Tôn thể hiện bây giờ và ở đây.
Ngày hôm kia chúng ta học một ít về Bốn Phép Tùy Niệm, niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới, tôi có giới thiệu Sám Pháp Địa Xúc. Khi bắt đầu thực tập Sám Pháp Địa Xúc là mình thực tập tiếp xúc với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bây giờ và ở đây chớ không phải đức Thế Tôn của 2600 năm về trước, phần lớn chúng ta có hình ảnh đức Thế Tôn của 2600 năm về trước. Đức Thế Tôn bây giờ đã thay đổi, đã biến hóa rồi, cũng như đám mây ngày hôm kia, bây giờ nó đã thành mưa, thành sương, thành tuyết. Vì vậy chúng ta nên tìm cách tiếp xúc với đức Thế Tôn trong giây phút hiện tại, Ngài đang có mặt ở khắp nơi và dưới những dạng khác nhau.  

Trong những bài thuyết pháp khế cơ, khế lý thích hợp với thời đại có đức Thế Tôn trong đó. Đức Thế Tôn luôn có mặt trong chúng ta và chúng ta phải thực tập như thế nào để tiếp xúc với đức Thế Tôn trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Đó là Tùy niệm Bụt. Bụt không phải chỉ ở Tây phương, mà Bụt cũng ở Đông phương, Bắc phương, Nam phương, Trung phương, Thượng phương, Hạ phương, Bụt có mặt khắp nơi và nhất là Bụt cũng có mặt trong trái tim của mình.  

Hiện tại sống chánh niệm, Tịnh độ đã thật rồi, có đức Thế Tôn là có Tịnh độ, chớ không cần phải chết đi mới vãng sanh qua đó. Trong đời sống hàng ngày mà có Bụt tham dự thì thế nào mình cũng khỏe, cũng nhẹ, cũng hạnh phúc. Đừng đợi đến chết để vãng sanh qua bên đó gặp Bụt thì lâu quá? Mình phải thực tập liền để Bụt luôn có mặt bây giờ và ở đây. Niệm Bụt là như vậy, niệm Bụt là làm thế nào để Bụt có mặt trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Không khó đâu, mình làm được!  
 

Đệ tử giỏi hơn thầy là chùa có phước.
Sám Pháp Địa Xúc chỉ là điểm bắt đầu, chớ đừng tưởng lạy sám pháp địa xúc theo đúng nguyên văn là đủ rồi? Không, chưa đủ, đó chỉ mới là mở trái tim để mình đi tới. Cũng như khi tôi giảng về kinh A Nậu La Độ, tôi có nói rằng triết gia ngoại đạo đặt ra vấn đề: sau khi đức Thế Tôn tịch diệt rồi thì Ngài còn hay là không còn, vừa còn vừa không còn, v.v… Tôi không đọc kinh đó ngay trong buổi giảng, tôi muốn kích thích sự tò mò của quí vị để quí vị tự đi tìm kinh ấy mà đọc, tại vì khi tự tìm đọc tự nhiên mình hiểu được, cái hiểu đó mới trở thành tuệ giác của mình, còn nếu cố gắng ghi nhận lời của thầy nói để học thuộc lòng thì đó chỉ là kiến thức chớ không phải tuệ giác.  

Học ở đây quan trọng là hiểu và khi mình hiểu được cái của thầy trao truyền rồi thì sau này cái đó sẽ trở thành hạt giống. Hạt giống là một chất sống được gieo vào trong đất Tâm của mình và nếu quả thực nó là hạt giống thì nó sẽ nẩy mầm, nó sẽ trở thành cây. Và trong khi mình tiếp tục tu học thì hạt giống đó từ từ nẩy nở, từ từ trở thành hoa trái của trí tuệ. Còn nếu ba mươi năm sau mình lặp lại điều y chang như thầy mình dạy thì rõ ràng đó không còn là hạt giống, hạt giống đó đã chết rồi, có gieo cũng không mọc được. Vì vậy cái học không phải là để chất chứa tri thức khô cứng rồi đem ra nguyên văn ra nói lại cho người khác nghe. Cái học như vậy không phải là cái học mình cần.  

Tiếp nhận từ thầy là tiếp nhận hạt giống của tuệ giác, nghĩa là mình phải hiểu. Dầu có quên nhưng hạt giống vẫn còn và nếu mình thực tập niệm, định, tuệ trong đời sống hàng ngày thì hạt giống đó nẩy sinh, nó lớn lên. Cách đây mười hai năm tôi đã giảng về Bốn Phép Tùy Niệm và ngày hôm qua tôi cũng giảng về Bốn Phép Tùy Niệm thì có một thầy nói rằng: Bạch thầy, mười hai năm trước thầy đã giảng bài này, nhưng năm nay con nghe, con thấy bài giảng này có khác, nó sâu hơn, nó có những cái rất mới. Những cái đó thầy không phải lấy từ trong sách vở ra dạy, mà thầy lấy từ tuệ giác sinh động của thầy ra để giảng dạy. Quí vị học theo cách này mới có thể trở thành một bậc Đạo sư hướng dẫn cho đời được. Đừng học theo lối từ chương, học theo bằng cấp, học để chất chứa kiến thức. Nếu học như vậy thì mình có hơn gì một cái máy thâu thanh? Trong đĩa cứng của máy thâu thanh, máy tính bây giờ có thể chứa được hàng vạn bài, vậy đâu cần phải tu, mình chỉ cần mua cái hartdisc về là được rồi?

Như ngày xưa có người khoe học tới mười mấy năm mới có được phép thần thông bay qua sông để khỏi phải trả hai xu. Tôi nói: trời đất ơi, đưa hai xu qua sông cho rồi, tại sao phải mất mười lăm năm học phép thần thông để bay qua sông? Học pháp sanh tử để có tuệ giác để làm cái này, cái kia chứ chỉ để khỏi tốn hai xu qua sông mà mất mười lăm năm thì uổng quá? Cái học của mình cũng vậy, không phải chứa chất kiến thức rồi đem ra dạy để có tiền lương, dầu lương này là ba bữa cơm chay mỗi ngày.  

Cái thầy trao truyền là từ tuệ giác của thầy nên cái mình tiếp nhận là những hạt giống sinh động, nó được gieo vào đất tâm của mình, chắc chắn nó sẽ mọc và tuệ giác của mình, cái hiểu của mình mai mốt sẽ lớn,  từ từ mình sẽ giỏi, đôi khi còn giỏi hơn thầy nữa. Học trò mà hơn thầy là chùa có phước, giống như: con hơn cha là nhà có phước. Thầy rất mong đệ tử của thầy giỏi hơn thầy, nếu không thì cả thầy trò đều không có tương lai. Hiện bây giờ thầy có những đệ tử rất giỏi, giỏi hơn thầy nhiều chuyện lắm: giỏi về cách tổ chức khóa tu, cách điều động, cách dùng máy vi tính, cách xếp hồ sơ những người thọ giới, làm hay hơn thầy nhiều lắm. Thầy rất mừng, tại vì: con hơn cha là nhà có phước; học trò, đệ tử giỏi hơn thầy là chùa có phước.  
 

Duy tuệ thị nghiệp

Trong Bát Đại Nhân Giác có câu: chỉ có tuệ giác mới là sự nghiệp đích thực của người tu. Chữ mà viện đại học Vạn Hạnh lấy làm tiêu chuẩn, lấy làm biểu hiệu, làm logo là Duy Tuệ Thị Nghiệp. Duy Tuệ Thị Nghiệp nghĩa là chỉ có tuệ giác mới là sự nghiệp duy nhất của người tu. Tuệ giác này không phải là kiến thức do mình thu thập, sưu tầm hay học hỏi. Mình có thể chất chứa nhiều kiến thức về Phật pháp, nhưng cái đó chỉ đem ra dạy như một giáo sư, cái đó không giúp mình chuyển hóa phiền não để đạt tới an lạc và độ đời được.  

Tuệ giác là những gì sinh động, ban đầu nó là hạt giống, sau nó lớn lên, nó đâm chồi, nó làm ra hoa trái của hạnh phúc, của từ bi. Cái mình đi tìm là tuệ giác chứ không phải kiến thức. Khi đi vào trường đại học Oxfort hay một trường đại học nổi tiếng nào bên Mỹ, bên Anh, mình học được cái bằng gọi là tiến sĩ triết học, tiến sĩ Phật học. Mình có thể có rất nhiều kiến thức Phật học, biết tất cả lịch sử, biết những nguồn tư tưởng trong đạo Phật như: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo các tông phái như Thiên Thai Tông, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông,… Mình có thể biết rất nhiều, có thể trình một luận án tiến sĩ và đậu rất cao, nhưng với kiến thức đó mình vẫn chưa thể tháo gỡ những khó khăn trong đời sống của mình. Những phiền giận, những lo lắng, những thèm khát như những ngọn lửa đốt cháy trong tâm của mình, mình không xử lý được, mình không chuyển hướng được.  

Kiến thức phải như thế nào để biến thành tuệ giác? Phải có phương pháp thực tập và người trao truyền. Nhưng người trao truyền phải có tuệ giác chớ không phải chỉ có kiến thức Phật học. Khi người thầy mà có tuệ giác, mình nghe, mình tiếp thu được, tại vì trong người của mình cũng có hạt giống tuệ giác và khi hạt giống tuệ giác của thầy chạm vào hạt giống tuệ giác ở trong con người mình thì nó nở thành hoa. Hai cái chạm vào nhau trong thiền môn gọi là: tâm ấn tâm, trái tim in vào trong trái tim. Thầy có trái tim của thầy, mình cũng có trái tim của mình, trái tim của thầy có Phật tánh, trái tim của mình cũng có Phật tánh, thầy lấy trái tim của thầy in vào trái tim của mình và do đó cái mình nhận được không phải là kiến thức mà là tuệ giác. 

Tâm ấn tâm. Quí vị có hiểu ba chữ đó chưa? Tâm ấn tâm, trái tim in vào trái tim. Dầu đó là một hạt rất nhỏ, nhưng mình đừng khinh thường hạt đó. Nếu trong đời sống hàng ngày mà biết tu tập thì hạt đó càng ngày càng lớn, càng lớn. Sự thảnh thơi, hạnh phúc của mình là do cái đó cung cấp chứ không phải những điều kiện vật chất, những tiện nghi vật chất hay là những tiện nghi tình cảm mà người ta cung cấp cho mình. Người đời họ hay đi tìm những tiện nghi vật chất hay tiện nghi tình cảm ở bên ngoài, còn mình đi tìm hạnh phúc ở chỗ mình chế tác được tuệ giác bằng tình thương. Mình xài dư dã và đem ra cho mọi người: Khi ra hoa thật nhiều, trái ươm thêm đầy cành, hái đem cho mọi người.

Khi đi làm việc xã hội, mình giúp xóa đói giảm nghèo, mình có thể cho tiền, cho thuốc men, cho áo quần, cho nhà cửa, nhưng khi là người tu, mình có thể cho hiểu biết và cho thương yêu, cho sự che chở. Cái đó do mình chế tác, cái đó nó vô tận, cái đó mình cho không bao giờ hết. Mình chế tác bằng hiểu biết, bằng thương yêu, cái đó cho hoài không hết. Các thầy, các sư cô thực tập mà thành công thì có tuệ giác đó, thương yêu đó.  

Có thiền sinh họ tới, mang nặng một bầu tâm sự, khó khăn, bức xúc, họ tưởng không bao giờ thoát  ra được. Ai dè ngồi với sư cô mười phút, mười lăm phút, ngồi với thầy mười phút, mười lăm phút thầy tháo gỡ cho, rồi đi ra với cái mặt tươi rói: trời ơi, nó dễ như vậy mà mình không nghĩ ra. Món quà lớn nhất mà người tu có thể tặng cho người đời là tháo gỡ cho họ những khó khăn, bức xúc bằng tuệ giác, bằng tình thương của mình. Đó là vốn liếng, là gia tài, sự nghiệp của người tu. 

Mình có thể không có một đồng xu nào và người ta tới với mình như ở Làng Mai hay ở tu viện Lộc Uyển, cũng không phải tại vì mình có bằng tiến sĩ Phật học (bằng cấp tiến sĩ của họ đôi khi năm, sáu cái) mà tại vì mình có cái mà người đời không có: là tuệ giác, là từ bi và pháp môn tu tập. Cái đó có thể giúp cho họ tháo gỡ được những khó khăn, bế tắc trong đời sống hàng ngày. Rất là hay.  
 

Tháo gỡ những vết thương lòng.
Có một anh cựu chiến binh Hoa Kỳ đi đánh giặc ở Việt Nam về, anh mang một nỗi khổ, niềm đau mười mấy năm mà không có ai giúp anh được, nhưng rốt cuộc mình giúp được. Năm đó có mở một khóa tu cho cựu chiến binh Hoa Kỳ, những người đã từng tham dự cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tại miền Bắc tiểu bang California. Người cựu chiến binh đó ngày xưa đã làm ra một tội lỗi lớn ở Việt nam:
tiểu đoàn anh ta bị quân kháng chiến tiêu diệt gần hết, trong đó những người bạn thân của anh đều bị chết hết, cho nên anh căm thù và muốn trả thù. Tới cái làng đó, anh đem theo một bịch bánh mì sandwich, anh ta lấy thuốc súng bỏ vào trong bánh mì, rồi giả bộ để quên ở ngoài cổng làng và kiếm chỗ núp để rình coi, anh ta thấy: một đoàn con nít ra chơi, năm đứa tụi nó hí hửng khi thấy được những cái bánh sandwich, tụi nó đem chia nhau, ngấu nghiến ăn, mới ăn được nửa chừng thì tụi nó ôm bụng la. Ba má tụi nó chạy ra, tìm cách cứu chữa. Anh ta biết rằng không có cách nào cứu được, chỉ có chết thôi, tại vì cái làng đó cách xa thành phố tới tám chín giờ xe và nếu chiếc xe đó chở tới nơi thì tụi nhỏ chết rồi, với lại ở đây đâu có xe mà chở. Anh chàng thấy mấy đứa trẻ con oằn oại chết trong tay của những ông cha, những bà mẹ. Đã quá, đã quá, mình đã trả thù cho những đồng đội.  

Anh ta sống sót trở về nước, nhưng cái tội ác đó ám anh ta cả ngày cả đêm. Anh ta ăn không được, ngủ không được, mỗi khi ngồi chơi với con nít trong phòng, anh ta chịu không nổi, phải chạy ra khỏi phòng, anh ta không thể ngồi chung với bọn con nít, dầu là con nít Mỹ. Anh ta khổ lắm, anh ta không dám kể chuyện tiểu nhân đó cho ai ngoài má anh, anh không dám kể với người nào khác, dầu đó là bác sĩ tâm lý trị liệu cho anh ta.  

Hôm nói chuyện với má, anh khóc. Má anh có nói như vầy: này con, những chuyện như vậy nó xẩy ra trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, cuộc chiến tranh nào cũng tàn ác, cũng bất nhân, không tàn ác, bất nhân bằng cách này thì cũng bằng cách khác. Hiếp dâm, đốt nhà, sát hại những người vô tội, nó xẩy ra trong bất cứ cuộc chiến tranh nào. Chuyện của con làm là chuyện bất nhân, nhưng cũng bình thường thôi, con đừng có đau khổ. Bà ta nói như vậy, nhưng không đủ để chữa lành thương tích của anh ta, anh ta vẫn còn mặc cảm tội lỗi. Khi nghe tin có một khóa tu dành cho người cựu chiến binh Hoa kỳ do một ông nhà tu Việt Nam tổ chức thì bác sĩ tâm lý trị liệu khuyên anh tham dự.  

Khóa tu đầu tiên dành riêng cho cựu chiến binh Hoa kỳ rất là khó, tại vì những người tới khóa tu rất nhiều mặc cảm, có nhiều vết thương trong lòng, có nhiều oán thù, sợ hãi. Không những oán thù những người lính giải phóng mà họ oán thù luôn cả nước Mỹ, tại vì nước Mỹ đã đẩy họ đi vào cuộc chiến để họ chết, để họ bị thương tích, rồi khi họ sống sót trở về nước cũng không có dễ thương với họ. 

Có người cựu chiến binh Hoa Kỳ khi tham dự buổi thiền hành đầu tiên, buổi thiền hành với từng bước chân nhẹ nhàng, thảnh thơi, chầm chậm làm anh ta rất sợ, không dám tham dự vào. Tại vì anh ta liên tưởng trở lại, nhớ lại những lúc anh ta đi trong những khu rừng Việt Nam, rón rén từng bước vì bước nào cũng có thể có bom, có bẫy sập, có mìn gài sẵn, rủi dẫm vào thì nó nổ cho tan xác. Anh ta không dám tham dự, đi cách xa độ chừng mười lăm thước để lỡ có chuyện gì xảy ra, anh ta chạy.  

Có một cựu chiến binh không dám ngủ trong cư xá, tại vì khóa tu này do ông thầy tu hướng dẫn, mà ông thầy tu có thể là Việt cộng trá hình qua bên này để tiếp tục đánh mình. Ông bác sĩ tâm lý trị liệu khuyên tới khóa tu thì mình tới thôi, chớ thật ra mình đã được dạy rằng: sang Việt nam nguy lắm, ai cũng có thể là Việt cộng, thầy tu cũng có thể là Việt cộng? Anh ta được giáo dục như vậy, thành ra nghe ông thầy mở khóa tu, anh ta nửa tin, nửa ngờ và sợ bị đánh úp. Cho nên thay vì ngủ trong cư xá như những thiền sinh khác thì anh ta lấy cái lều giăng ra ở một gốc cây xa xa, rồi ngủ ở đó, xung quanh lều anh ta gài những cái bẫy để ban đêm có người đi vô thì sập bẫy. Anh ta nghĩ như vậy mới an ninh. Những người lính Mỹ đã rời Việt Nam mà chưa ra khỏi Việt Nam, những ác mộng của cuộc chiến nó theo đuổi ngày đêm. Dễ sợ như vậy đó.  

Trong những buổi pháp đàm, những người thiền sinh được quyền nói lên những khổ đau, bức xúc của mình và trong số người nghe có các thầy, các sư cô, các phật tử Việt Nam, những người mà ngày xưa họ coi như kẻ thù, bây giờ những người ấy đang ngồi lắng nghe họ với tất cả lòng xót thương. Có người nói ra được những niềm đau, nỗi khổ, nhưng có người không nói ra được, ngồi từ giờ này qua giờ khác cũng không nói ra được, như anh chàng bỏ thuốc độc vào sandwich ngồi luôn ba bốn buổi liên tiếp cũng không nói ra được những điều anh muốn nói. Cuối cùng nhờ một sư cô đôn đốc, khuyến khích, rốt cuộc anh ta nói ra được, kể ra được là anh ta bỏ thuốc độc vào trong bánh sandwich làm cho năm đứa con nít chết. Anh ta hối hận và bây giờ nó trở thành cơn ác mộng, anh không thể nào thoát ra khỏi. Vì đây là trường hợp khó nên các sư cô xin tôi cho anh ta nửa giờ tham vấn, nhưng thật sự tôi chỉ dùng mười lăm phút và tôi dạy như thế này:  

- Nè anh, cái hành động đó tiểu nhân thiệt, tội lỗi thiệt, anh đã giết chết năm đứa trẻ, nhưng anh không cần phải ôm tội lỗi đó để mà chết, mặc cảm để mà chết. Nhưng anh có thể làm một cái gì phá tan tội lỗi đó. Trong đạo Phật có phương pháp rất mầu nhiệm, mình có thể thay đổi cái nghiệp của mình. Tôi chỉ cho anh một cách như thế này, công nhận là anh giết năm đứa bé và ngày hôm nay nếu khôn ngoan anh có thể cứu được năm đứa bé. Có những đứa bé giờ này đang chết vì thiếu ăn, thiếu thuốc men, bệnh tật, không nhà cửa, và vì thiếu sự chăm sóc nào đó ở khắp nơi trên thế giới… ngay tại Mỹ cũng có những đứa con nít đang chết trong tình trạng như vậy. Cuộc đời của anh, anh đang còn sức khỏe, anh còn hai mắt sáng, còn hai tay rất mạnh, hai chân đi rất vững. Tại sao anh không đem cuộc đời của anh đi cứu đứa trẻ đang chết trong hiện tại mà lại nhốt mình trong ngục tù mặc cảm của quá khứ? Tại sao anh không dùng đời sống của anh, sử dụng giây phút hiện tại đó đi cứu những đứa trẻ đang chết. Tôi chắc chắn rằng ngày hôm nay anh cứu được năm đứa thì năm đứa được anh cứu sẽ cứu chuộc được năm đứa mà anh đã giết ngày hôm trước. Vì cách này hay cách khác anh có thể cứu nhiều đứa con nít trong mỗi ngày. Anh phải phát nguyện, anh hãy quỳ xuống, anh hứa từ nay mỗi ngày anh sẽ sử dụng thời giờ, tâm lực, tiền bạc để đi cứu những đứa con nít đang chết dần, chết dần trong giây phút hiện tại. Tôi tin chắc anh có thể cứu được ba chục đứa, năm chục đứa, trăm đứa trong vòng sáu tháng hoặc một năm. Rồi một ngày nào đó, anh sẽ thấy năm đứa con nít ngày xưa, nó sẽ cười, sẽ tha thứ cho anh.  

Chỉ mười lăm phút sau, mặt anh ta sáng lên, anh tìm thấy được con đường, anh gỡ được, thoát ra được cơn ác mộng và anh ta phát nguyện sẽ làm như thầy đã dạy.  

Tôi chỉ cần mười phút thôi, mà trong khi đó ông bác sĩ tâm lý trị liệu và những người bác sĩ khác từ năm này sang năm khác, mấy chục năm nay họ không giúp được cho anh ta. 

Tu là mình phải có tuệ giác và tình thương. Thương thì mình tha thứ được, giúp được, ngay cả người mà ngày xưa đã từng giết hại con cháu mình. Nhờ có tình thương, có sự bao dung mình chỉ cho người ấy lối thoát. Đâu cần phải có tiền bạc, quyền hành, địa vị mình mới có thể giúp người được? Người tu giúp người bằng tuệ giác và từ bi của mình. Tuệ giác và từ bi là do mình chế tác từ trong đời sống hàng ngày.

Mắt thương nhìn cuộc đời, nhìn ai cũng bằng con mắt từ bi, dầu người đó từng làm cho mình điêu đứng, khổ đau. Trái tim từ bi là trái tim ôm lấy tất cả, không phân biệt kẻ oán, người thân.
 

Pháp thiết thực hiện tại. 
Nói tới đây thì tôi nhớ tới một danh từ mà mình học hồi hôm qua: giáo pháp của đức Thế Tôn là giáo pháp thiết thực hiện tại, hiện thành toàn chứng. Thiết thực hiện tại (samdrishtika) có nghĩa là nhằm giải quyết vấn đề hiện đang có trong giây phút hiện tại. Drishti tiếng phạn có nghĩa là thấy, các tổ ngày xưa dịch là chữ kiến, có khi dịch là chữ hiện, nghĩa là cái gì đang xẩy ra trước mắt mình trong giây phút hiện tại là samdrishtika (thiết thực hiện tại). Một trong những đặc tính của giáo pháp đức Thế Tôn là Thiết thực hiện tại, tức là lo xử lý những cái gì đó đang xẩy ra trong hiện tại. Hiện tại có những khó khăn, khổ đau, bức xúc nào thì mình nhận diện những khó khăn, khổ đau, bức xúc đó và giải quyết ngay trong giây phút hiện tại. Đó là giáo pháp của đức Thế Tôn.  

Giáo pháp đức Thế Tôn không bảo mình đeo hy vọng vào tương lai hay hồi tưởng lại quá khứ, ví dụ như bây giờ mình chịu khó, cực khổ để sau này hạnh phúc trong tương lai thì đó là không phải samdrishtika. Thiết thực hiện tại dịch ra tiếng Anh là center in the present moment, focus on the present moment, tức là hiện tại có những khổ đau trong bản thân và trong hoàn cảnh. Giáo pháp của đức Thế Tôn là phải đáp ứng lại những khổ đau đó ngay trong hiện tại chớ đừng có nói là ráng chịu khổ đi rồi sẽ có hạnh phúc, niết bàn trong tương lai.  

Cái đó là rất quan trọng, đó là dấu ấn của chánh pháp. Chánh pháp không phải là cái gì đó mà mình đem rao bán: nếu anh mà đầu tư vào chuyện này thì anh sẽ có hạnh phúc trong tương lai, bây giờ chưa có hạnh phúc đâu, anh phải chịu khổ một thời gian thì anh mới có hạnh phúc. Cái đó không phải là giáo pháp của đức Thế Tôn. Giáo pháp của đức Thế Tôn là phải giải quyết khổ đau hiện tại và có an lạc ngay trong giờ phút hiện tại. Đó gọi là thiết thực hiện tại, tiếng Pali là samditthika có nghĩa là thấy và nó đi đôi với tính cách vượt thoát thời gian của pháp tức là akalika. Ka tức là thời ; A không phải thời, dịch là phi thời.  

Trong kinh Tuổi Trẻ Và Hạnh Phúc, kinh Sammiddhi có danh từ phi thời. Phi thời ở đây là vượt thoát thời gian và mà ngày xưa các Tổ ở thế kỷ thứ ba, thứ tư dịch trong kinh A Hàm là bất quản thời nhật. Bất quản là không kể đến ngày giờ, ngày tháng tức là nếu biết áp dụng là có kết quả ngay trong giây phút hiện tại chớ không phải chờ năm năm hay bảy năm hay là chết rồi mới có kết quả và hai cái đi đôi với nhau, là samdrishtika, là Thiết thực hiện tại, có nghĩa là giáo pháp của đức Thích Ca không rao bán cho người ta cái tương lai. Anh đưa tiền cho tôi đây, đầu tư vào tôi anh sẽ có một tương lai tốt đẹp. Không! Giáo pháp của đức Thích Ca là anh có thể hạnh phúc ngay trong hiện tại, tại vì giáo pháp này giúp cho anh xử lý được, tháo gỡ được những khó khăn của anh ngay trong giây phút hiện tại, là samdrishtika.  

Nếu tháo gỡ trong giây phút hiện tại thì đâu cần phải cần thời gian? Hễ bắt đầu thực tập là thấy khác rồi. Anh có cảm xúc, giận hờn, tuyệt vọng và nếu anh biết giáo pháp, biết phương pháp thở, phương pháp đi thiền hành, phương pháp nhận diện thì từ từ nó nhẹ đi. Nếu anh có lòng từ bi, anh muốn người kia lắng dịu xuống, người kia bớt khổ, anh tới người đó, anh nói người đó có những đức tính tốt này, có những cái hay kia, anh rất là vui khi người đó đối xử tốt với mình. Như vậy thì chỉ cần nói một hai câu thì cái mặt người đó tươi ra liền.  

Kết quả có ngay trong giây phút hiện tại. Miễn trong lòng mình có sẵn từ bi, có sẵn trí tuệ là mình nói được, còn nếu không có từ bi thì dầu biết rằng câu đó hay, nhưng tự nhiên mình nói cũng không được, có từ bi mới nói được. Từ bi có nghĩa là thấy người kia khổ và muốn giúp người bớt khổ, tự nhiên mình nói được. Người kia có thể là chồng mình, vợ mình, cha mình, chỉ cần nói một câu thôi là người kia dịu xuống liền. Diệu pháp là như vậy, là phải xử lý vấn đề có trong hiện tại, chớ đừng lo chuyện xa xôi và nó có kết quả liền lập tức.  


* * *
 

Mời quí vị đọc lại bốn phép tùy niệm. Niệm Bụt như thế nào để có Bụt trong từng giây phút của cuộc đời? Cuộc sống hàng ngày phải khéo léo, khôn ngoan, mình không sống với Ma, mình sống với Bụt. Bụt cho ta 24 giờ một ngày, nếu ta biết cách chơi với Ngài, biết cách cầm tay Ngài đi thiền hành mỗi ngày, ngồi với Ngài, ăn cơm với Ngài, chớ đừng nói: Bụt đi đâu rồi, con khổ vậy mà Ngài bỏ con mà đi? Vậy tức là mình chưa niệm Bụt, chưa thấy Bụt đang có mặt khắp nơi và trong bất cứ giây phút nào. Cũng như người đi tìm không khí: không khí ở đâu, ngột ngạt quá? Không khí ở ngay đây! Không gian ở đâu mà tại sao tôi thấy tù túng quá? Không gian ở ngay đây! Và cũng như vậy, có những người chết khát bên bờ sông!  

Đi tìm Phật, mà ai dè Phật ở ngay đó, mà mình cũng còn đi kiếm. Phật là Niệm, Định, Tuệ, là Tình thương, là Tuệ giác, Phật có mặt khắp nơi trên thế giới và ngay chính trong mình cũng có Phật, nhưng mình đè Ngài, ém Ngài xuống, không cho Ngài có cơ hội bừng tỏa ra. Phật là Niệm, Định, Tuệ, là Tình Thương, là Tuệ giác. 
 

Phép tùy niệm thứ nhất là niệm Bụt: chỉ có mười mấy giòng, nhưng rất sâu và làm thế nào để mỗi năm mình có quan niệm về Bụt sâu hơn, gần với sự thật hơn, chớ đừng có đọc như một con vẹt. 

Ngày xưa lúc mới tiếp xúc với Bụt, mình thấy Bụt khác. Giờ đây sau bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm học mình thấy Bụt ngày xưa quê quá, xưa quá. Bụt ngày xưa của mình là một ông Thần? Ví dụ có chú điệu đó, chú được đi chùa từ hồi còn nhỏ và chú tưởng Bụt là cái ông suốt ngày ngồi trong chánh điện, đợi người ta đem chuối, đem xôi tới, rồi chú tưởng tượng là sau khi bổn đạo về hết, tất cả cửa đều đóng thì Bụt từ từ mở mắt ra, đưa tay bẻ trái chuối. Chú điệu đó rình bên ngoài, hé cửa nhìn vô xem thử Bụt đưa tay ra hái trái chuối như thế nào? Rình hoài nhưng không thấy? Chú điệu đã có quan niệm ngây thơ như vậy.  

Chú điệu đó về sau lớn lên đã đi tu, đã trở thành Giám đốc đầu tiên của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Chúng ta ai cũng có quan niệm ngây thơ về Bụt và nhờ niệm Bụt ta mới khám phá được Chân Bụt (tức Bụt thật) là một người có tình thương, có tuệ giác và có từ bi. Cái thấy của mình về Bụt phải lớn từng ngày, tại vì nó là hạt giống tuệ giác chứ không phải là một mảnh kiến thức khô cứng. Nếu mình là người tu thì cái thấy của mình về Bụt mỗi ngày mỗi tiến bộ, cái thấy về Pháp cũng vậy, mỗi ngày mỗi tiến bộ. Cho nên khi học về Bốn Phép Tùy Niệm này rồi, quí vị mới thấy rằng: ngày xưa mình tưởng mình biết Phật Pháp Tăng là gì rồi, ai dè mình chỉ mới biết sơ sơ.  
 

3) Niệm Tăng

Tăng bảo là gì? Chúng ta đã học rằng nếu Tăng mà có Niệm, Định và Tuệ thì đó là Chân Tăng (real sangha) và nếu đó là Tăng đức thật thì có uy nghi, có năng lượng hùng hậu. Nhìn cách đi, cách đứng, cách ngồi, nhìn nụ cười, ánh mắt của vị Chân Tăng thì mình thấy được sự tỏa chiếu Niệm, Định, Tuệ và Từ bi. Nếu có vị Tăng như vậy thì đó là một bảo vật, không phải của riêng mình, của riêng Phật giáo mà là bảo vật của đất nước, của nhân loại và trong Chân Tăng chắc chắn là có Phật và Pháp. Cho nên xây dựng Tăng thân tức là mình cũng xây dựng Phật thân và Pháp thân. Mình cúng dường Tăng thân cũng là cúng dường Phật và cúng dường Pháp. Và trong Tăng thân có những người có trí tuệ, có từ bi, có cái thấy sâu, có những người đã chứng quả tức là Tứ song Bát bối. 

Tăng thân của đức Thế Tôn là đoàn thể mà chúng con quay về nương tựa,  tu thì phải có tăng thân để mình nương tựa, để che chở cho mình, tu mà không có tăng thân rất khó thành. Xa lìa tăng thân đi ra một mình thế nào cũng đánh mất sự thực tập của mình, thành ra mình tu, mình phải luôn luôn cam kết là không đi ra khỏi tăng thân, phải sống với tăng thân. Bỏ tăng thân mà đi giống như con cọp ở trên rừng bỏ xuống đồng bằng, thế nào cũng bị con người bắt lột da. Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại. Cho nên là người tu, mình phải nguyện suốt đời không đi ra khỏi tăng thân.  

Tăng thân của đức Thế Tôn là đoàn thể để chúng con quay về nương tựa, là đoàn thể đã đi trên con đường sáng ngời. Tăng thân mà đi trên con đường sáng ngời là con đuờng của trí tuệ, của từ bi. Không có con đường nào sáng hơn. 

Là đoàn thể đang đi trên đường chính trực.
Là đoàn thể đang đi trên con đường ứng hợp chân lý.
Là đoàn thể đang đi trên đường thánh thiện. 

Chất niệm, chất định và chất tuệ là ba chất thánh mà người tu là phải chế tác chất thánh mỗi ngày. Trong hơi thở, trong bước chân, trong khi ăn cơm phải chế tác chánh niệm, chánh định. Nhìn sâu vào để thấy cơm này là tặng phẩm của đất trời, là công phu lao tác của biết bao nhiêu loài có mặt trong này. Trong khi ăn bát cơm mà thấy như vậy, tự nhiên niềm biết ơn nó trào ra và mình nguyện sống như thế nào để xứng đáng thọ nhận chén cơm này. Đó là trong khi ăn cơm đã có tuệ rồi, nhờ tuệ mà mình có từ bi. Thành ra nói ăn cơm cũng là tu, ăn cơm cũng là chế tác từ bi và tuệ giác. Ăn thế nào để giảm thiểu được khổ đau của muôn loài; muôn loài đang ăn nhau, con này ăn con khác. Ăn như thế nào để giảm thiểu những khổ đau của con người. Và vì vậy được ăn chay là một hạnh phúc lớn. 

Khi ăn một hạt đậu rim, mình thấy rõ ràng hạt đậu rim này không phải là con tôm. Ăn hạt đậu rim mà khỏi phải giết một con tôm và trong khi ăn mình hạnh phúc quá chừng, nhất là ăn với lòng từ bi thì hạt đậu rim thấy rất là ngon, thấy còn ngon hơn tôm rim ngày xưa mình ăn. Con tôm khi bỏ vô chảo, nó cong cong lại, ửng vàng, nó đỏ lên. Còn cái hạt đậu này nó đâu có đau khổ như vậy. Cho nên được ăn chay là một vinh dự, một hạnh phúc lớn và phải biết ơn là mình được ăn chay, chớ đừng nói là mình phải ăn chay, bị ăn chay.  

Liên Hiệp Quốc cũng đã ra thông cáo, nhân loại nên ăn thịt bớt lại, ít nhất là năm mươi phần trăm mới cứu được trái đất này, tại vì những trại chăn nuôi để sản xuất thịt phá hoại môi trường rất nhiều. Cho nên từ đó tới nay, tất cả các đệ tử của tôi, tôi khuyên ăn chay và ăn tối thiểu phải mười lăm ngày một tháng, thay vì thập trai thì ăn thập ngũ trai mới là đệ tử của tôi. Còn ăn dưới mười bốn ngày thì gần gần thôi chớ chưa phải là đệ tử thiệt của tôi. Hiện giờ có rất nhiều người, người Anh, người Pháp, người Đức, người Mỹ muốn làm đệ tử thiệt của tôi nên họ ăn chay mười ngày lăm một tháng, có nhiều người họ ăn chay trường luôn. Trong khi ăn mình chế tác từ bi, mình chế tác trí tuệ, chính nhờ trí tuệ và từ bi đó mà mình độ đời được. 
 

Quả vị tu chứng của Làng Mai.
Là đoàn thể gồm thâu bốn đôi và tám bậc thánh quả. Ngày hôm nay tôi giảng sơ sơ về cái này, giảng một chút thôi và quí vị phải tự mình tìm hiểu thì mới hay. Bốn đôi và tám bậc thánh quả gọi là Tứ song Bát bối. Tứ song là bốn cặp, Bát bối là tám hạng người. Người tu mà chế tác niệm, định và tuệ thì sẽ đạt được bốn quả vị: quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai và quả vị A La Hán (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán). Nhưng mà muốn đạt được quả này thì phải hướng về quả này và vì vậy nó chia thành tám tức là hướng và quả.  

Dự Lưu là quả đầu tiên, tức là đi vào dòng. Hễ đi được vào dòng rồi thì thế nào cũng ra biển, sớm muộn gì cũng ra biển. Nhưng mình đã đi vào dòng chưa? Mình đã hòa nhập với tăng thân và thực tập giới, định, tuệ chưa? Nếu đã tiếp nhận giới và hòa nhập với tăng thân và thực tập mỗi ngày, tức là mình đã nhập lưu, đã vào dòng, mà hễ vào dòng thì thế nào cũng ra biển. Mỗi người có thể tự biết được là mình đã chứng được quả vị vào dòng hay chưa? 

Nhưng trước khi vào dòng, muốn vào dòng mình phải hướng về chuyện vào dòng. Chưa vào dòng được, nhưng mình đang chuẩn bị để đi vào dòng. Rồi khi có chiếc thuyền thả xuống, mình ngồi lên và thả theo dòng nước thì lúc đó là vào dòng thiệt, chớ còn trong lúc đang kiếm thuyền, đang chuẩn bị cắt đứt những sợi dây ràng buộc, lúc đó mình chưa thật sự dự lưu, mình đang hướng về dự lưu thôi, gọi là dự lưu hướng và khi dự lưu hướng thành công, mình chứng được dự lưu quả là mình đã ngồi trong dòng rồi. Dòng đang chảy thì thế nào mình cũng ra biển. Cái đó là đã có đường đi rồi con không còn lo sợ. Cho nên tiếp thọ Năm giới, thực tập Năm giới, an trú với Năm giới, có hạnh phúc với Năm giới, tức là mình đã đi vào dòng, mình được quả đầu tiên trong bốn quả vị. Ở Làng Mai, những quả vị này được đặt tên khác cho dễ hiểu. Tôi xin nói về những quả tu chứng của Làng Mai, của tu viện Bát Nhã.  

Quả đầu là quả An Trú: tức là ở yên. Có nhiều người trong chúng ta đứng chỗ này mà vẫn vọng về chỗ khác, đứng núi này trông núi nọ, đang còn tìm kiếm, đứng không yên, ở không yên một chỗ, không bằng lòng với chỗ, với sự thực tập của mình thì người đó chưa đạt tới quả an trú, tức là ở yên.  

Trong chúng ta có những người xuất gia, có những người cư sĩ, có những người có cảm tưởng chỗ này là của mình rồi, đuổi mình cũng không đi. Mình đã nắm được pháp môn rồi, đây là con đường của mình chớ không còn nghi ngờ gì nữa, mình hạnh phúc sống ở đây, không đi chỗ nào nữa, những người đó bắt đầu chứng quả an trú. Còn nếu thấp thỏm, đứng núi này trông núi nọ, đặt vấn đề nghi ngờ này kia nọ là chưa an trú. An trú là ở yên, như an cư lạc nghiệp, yên, bằng lòng. Thấy mình có con đường đẹp, có niềm tin vững chãi, thầy mình không còn tìm kiếm gì nữa thì nó tương đương với quả vào dòng. 

Quả thứ hai là quả Đã Về Đã Tới: tức là không tìm hạnh phúc trong tương lai nữa, thấy trong giây phút hiện tại có quá nhiều điều kiện hạnh phúc rồi, mình sống ngay trong giây phút hiện tại, không có đánh mất mình, không có bon chen, bươn chải tìm về một hướng nào khác và nghĩ rằng nơi đó mới có hạnh phúc. Thực tập trở về giây phút hiện tại, nhận diện rằng mình có những điều kiện của hạnh phúc, có dư dả những điều kiện hạnh phúc, mình có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại và mình biết rằng có hạnh phúc trong giờ phút hiện tại, chắc chắn có hạnh phúc trong tương lai. Khi sống được như vậy là chứng được quả thứ hai đã về đã tới rất là thong dong, không bươn chãi nữa, không hối hả nữa, không chạy nữa, dừng lại được. Đó là quả thứ hai và trong chúng ta có một số người đã đạt tới quả đó.  

Mình rất hạnh phúc với chiếc áo này, với cách sống này, mỗi ngày mình tiếp xúc với bao nhiêu cái mầu nhiệm của sự sống. Tuy cuộc đời có sanh, lão, bệnh, tử, có vô thường, vô ngã, nhưng mình chắc là mình có thể sống hạnh phúc trên những cái đó. Sanh ra cũng là hạnh phúc, lớn lên cũng là hạnh phúc, già đi cũng là hạnh phúc, mà chết cũng là hạnh phúc, tại vì mình thấy rõ ràng rằng cái chết nó chuẩn bị cho cái sống, cũng như cái chết của đám mây là sự phát hiện của cơn mưa. Làm mây rất đẹp, làm mưa cũng là rất đẹp, tại sao mình phải sợ làm mưa? Có tuệ giác đó thì mình chấp nhận hết tất cả mọi cái, ăn xôi cũng hạnh phúc, ăn mì gói cũng hạnh phúc.  

Quả vị Đã Về Đã Tới đó, đâu cần phải một vị Phật hay một vị Bồ tát nói là mình chứng hay là chưa chứng; mình chứng thì mình biết. Mỗi bước chân đã về đã tới, mỗi hơi thở đã về đã tới, mình sống rất hạnh phúc và rất thảnh thơi, mà nếu không thảnh thơi thì làm sao mình giúp người khác được? Mình có sự thảnh thơi, ở yên, bằng lòng với điều kiện hạnh phúc mà mình đang có. Mình có thầy, có anh, có chị, có em trong đạo, có pháp môn để tu tập, có cơ hội để giúp đời, độ người, mình đòi cái gì nữa? Chỉ có cái là mình chưa biết lợi dụng, thừa hưởng được tất cả những cái đó mà thôi.  

Thầy thấy tuổi trẻ rất là quý, mà tuổi già cũng rất là quý. Tôi đang tận hưởng những giây phút tuổi già của tôi. Tuổi già có những cái hay mà tuổi trẻ không có. Ví dụ tuổi già như tôi thì không có cái năng lượng tình dục, tôi khỏi phải bảo quản gì hết. Mỗi cái nó có cái hay riêng, như dòng suối khi phát sinh trên núi thì nó hối hả, mong tới biển càng sớm càng tốt, nó không yên được, nhưng khi xuống đồng bằng nó đi chậm lại. Đi chậm lại thì nó có cơ hội quán chiếu được đám mây, mây trắng, mây vàng, trời xanh, trăng sao. Lúc thành dòng sông nó có những niềm vui mà dòng suối không có được. Dòng suối nhảy nhót như vậy thì làm sao phản chiếu được mây trời, trăng sao? Và khi đi chậm lại thành một dòng sông thì nó có cơ hội yên tĩnh để phản chiếu được mây trời trăng sao, hạnh phúc lắm!  

Thành ra tuổi trẻ cũng hạnh phúc, tuổi già cũng hạnh phúc lắm, mà cho đến chết đi cũng hạnh phúc, tại vì chết đi để cho sự sống được tiếp tục. Mình đâu phải đợi tới năm đó mới chết? Mỗi giờ mỗi phút đều có sự chết nó xẩy ra trong cơ thể. Mỗi ngày có bao nhiêu tế bào chết để cho những tế bào mới sinh ra. Nếu những tế bào này không chết thì làm sao những tế bào mới phát sinh ra được? Khi mình gãi, biết bao nhiêu tế bào của mình chết, nó rớt xuống đất hàng ngàn tế bào và nhờ những tế bào chết cho những tế bào sống sinh ra, cho nên da mình mới tươi, mới mát được. Vì vậy cái chết là điều kiện cần thiết cho sự sống. Khi mình có tuệ giác đó rồi thì không sợ chết nữa, tuệ giác đó rất là quan trọng cho hạnh phúc của mình.  

Như vậy nếu có ai hỏi quí vị: bác có chứng được quả đầu là An Trú chưa? Bây giờ mình phải trả lời, tại chứng hay chưa mình biết. Mình có ở yên hay chưa, hay mình còn thấp thỏm còn tìm tòi, mình còn đứng núi này trông núi nọ? Nếu mình thấy mình an trú được rồi thì mình nói: có, bây giờ tôi đang an trú, đang thảnh thơi, bây giờ và ở đây. Mình nói rõ ràng rằng mình chứng quả đó: an trú, thảnh thơi, bây giờ và nơi này. Cái đó nằm trong tầm tay của quí vị, nếu quí vị quyết chí sẽ chứng được quả đó. Nó tương đương với quả Vào Dòng. Như mua vé máy bay, máy bay cất cánh thì thế nào cũng tới. 

Quả thứ ba là quả Tương Tức: đến quả tương tức này thì mình thấy được rằng có sự liên hệ giữa mình với những người khác và những hiện tượng khác rất là mật thiết. Nhìn vào cha mình thấy con, nhìn vào con mình thấy cha, mình thấy cha là con, con là sự tiếp nối của cha, mà không phải hai thực tại riêng biệt nữa, cha và con bất nhị. Phật và chúng sanh cũng là bất nhị, cũng không phải là hai thực tại tách rời ra được. Nếu không có chúng sanh thì không có Phật, mà nếu không có Phật thì cái đó không phải là chúng sanh, tại vì chúng sanh có hạt giống của Phật ở trong đó, thành ra gọi là Phật Sanh bất nhị.  

Giữa mình với đám mây nó tương tức. Đám mây không phải là một vật khác, mình không phải là một vật khác, nhìn cho kỹ thì mình thấy trong con người của mình có ít nhất bảy chục phần trăm mây. Khoa học nói như vậy. Khi mình uống một ly nước chanh, tức là mình đang uống mây, mình không thể nào sống mà không có mây. Mình là mây, mây là mình, mình thở ra là mây đó. Quí vị có biết rằng, mỗi ngày chúng ta chế tác ra mây, hơi thở của chúng ta làm ra hơi nước. Thành ra nói rằng giữa mình và mây là hai cái khác nhau, không có đúng. Mây còn đó thì mình còn đó; mình còn đó thì mây còn đó. Phải thấy được cái duyên sinh, tương tức của vạn pháp. Cái này là do tu thiền mà thấy.  

Trong đời sống hàng ngày khi mình thấy bông hoa, thấy một đám mây, thấy một ly trà đều phải sống có Niệm, có Định để đạt tới cái thấy đó, cái thấy tương tức. Tương tức có nghĩa là cái này là cái kia, cái này có trong cái kia, cái kia là cái này, cái kia có trong cái này. Khi thấy như vậy mình sẽ không có kỳ thị nữa. Giữa cha và con không có sự dằng co, hạnh phúc của cha là hạnh phúc của con, hạnh phúc của con là hạnh phúc của cha. Làm cho cha cười được con rất khỏe; làm cho con nhẹ nhàng, cha rất sung sướng. Nhưng cái đó có được, có thể có được khi mình có tuệ giác tương tức. Tương tức là duyên sinh, cái thấy duyên sinh. Khoa học bây giờ rất khâm phục tuệ giác duyên sinh, tuệ giác tương tức đó. Rất là hay.   

Quả thứ tư là quả Vô Sinh: hiện tiền chứng đẳng quy tâm vô sinh túc chúng là hiện giờ tất cả chúng con trong tăng thân đều đem trái tim mình quay về và thế nào chúng con cũng sẽ chứng được quả vị vô sinh rất là mau chóng. Đó là lời hứa hằng ngày của mình đối với Bụt trong Nhật Tụng Thiền Môn. Vô sinh là gì mà mình phải chứng? Vô sinh là một danh từ đầu thôi, nó đại diện cho một số danh từ: Vô sinh bất diệt, Vô khứ vô lai, Phi nhất phi nhị, Phi hữu phi vô. Thành ra chữ Vô sinh này chỉ là cái biểu hiệu đầu của Niết bàn thôi. Ban đầu quán chiếu thì mình thấy có vạn pháp, có sinh và có diệt, có có và có không, có tới và có đi, có một và có khác.  

Ví dụ như có thì giờ mình nhìn lại tập hình của gia đình, mình thấy mình, có hình mình trong đó. Ba má chụp mình hồi sáu tháng, mình tức cười quá, không tưởng tượng rằng ngày xưa mình đã từng là cục thịt nho nhỏ đó, bây giờ mình khác quá chừng. Cũng có cái hình của ba lúc năm tuổi nữa, mình tức cười quá, không ngờ ba cũng có lúc là thằng nhỏ như vậy và mình đặt vấn đề là mình có phải là cục thịt nho nhỏ, đỏ hỏn đó không? Bây giờ là mình đã 25 tuổi rồi, cái hình hài của mình rất khác, năm uẩn của mình rất khác, sắc thọ tưởng hành thức mình hoàn toàn khác. Vậy mình và cái em bé sáu tháng đó là một hay là khác, là một người hay hai người khác nhau? Theo tuệ giác này, mình với cục thịt đỏ hỏn đó không phải là một người mà cũng không phải hai người khác nhau. Sự thật phi nhất phi dị, không phải cái đó mà cũng không phải cái khác, không phải một cũng không phải khác.  

Khi nhìn đám mây, mình thấy đám mây có đó rồi sau đó không thấy đám mây. Mình thấy đám mây như là có sinh có diệt. Mà sinh tức là từ không trở thành có, mà diệt là từ có trở thành không. Nhìn cho kỹ thì thấy không phải như vậy, trước khi là đám mây thì nó không phải là không có? Trước khi là đám mây thì tiền thân của nó là biển cả, là dòng sông, là hơi nóng của mặt trời. Nếu không có dòng sông, không có biển cả, không có hơi nóng của mặt trời, không có hơi thở của con người thì làm sao có đám mây được? Đám mây không phải từ không mà trở thành có và khi đám mây trở thành mưa thì mình tưởng đám mây từ có trở thành không. Đám mây sao trở thành không được? Đám mây chỉ trở thành mưa, trở thành tuyết, trở thành sương, trở thành nước trà, trở thành máu huyết của mình, chớ đám mây đâu có thể nào từ có trở thành không được. Vì vậy thực chất của đám mây là không sinh cũng không diệt. Thấy được cái đó, không phải trên bình diện lý thuyết, mà thấy được trong thực chứng của mình thì gọi là Vô sinh. Vô sinh có nghĩa là Vô diệt. Thấy được Vô sinh, Vô diệt của vạn pháp, của bản thân mình thì không sợ hãi nữa.  

Đợt sóng đi lên, rồi đi xuống, giống như đợt sóng nó sinh ra, trưởng thành, già đi và nó chết. Đợt sóng có đó hay không có đó? Kỳ thực đợt sóng luôn luôn là nước. Đợt sóng nó lên cũng là nước, đợt sóng nó xuống cũng là nước, đợt sóng nó có cũng là nước, đợt sóng nó không cũng là nước và khi tiếp xúc được tự tánh của mình là nước rồi thì mình không sợ lên, sợ xuống, sợ có, sợ không nữa, cái đó gọi là vô sinh. Khi mà đạt tới vô sinh là thoát khỏi sinh tử, sống chết. Sống chết không làm mình sợ hãi. Đó là quan hệ cao nhất trong đạo Phật. Cái đó là Vô úy, tức là thành một vị Bồ tát, mình  không sợ sống, sợ chết nữa. Sống chết là dáng ở bên ngoài, bên trong nó không có sống, không có chết. Cũng như lên xuống chỉ là đợt sóng, chớ lên cũng là nước, xuống cũng là nước. Nó không có có, có không; nó không có cao, có thấp thì cái đó là Vô sinh. Và trong tăng thân có những người như vậy. Có những người đạt tới quả vị An Trú thì không thấp thỏm nữa. Có người đạt tới quả vị Đã Về Đã Tới thì không đi đâu nữa, có chi để làm, mà không đi cũng tới. Không đi tìm nữa thì đó là con người Vô Sự, nothing to do nowhere to go là quả vị của Người Vô Sự như tổ Lâm Tế đã nói.  

Đã Về Đã Tới, con người nào đã chứng được quả vị Đã Về Đã Tới thì rất là thảnh thơi, không có nôn nao, không có háo hức đi tìm cái gì nữa. Đã về rồi, Đã Tới rồi và cái về của mình cũng thanh thản, không cần phải gấp gáp. Trịnh Công Sơn nói: chiều nay còn mưa sao em không lại, nhỡ mai trong cơn đau vùi, làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau… Đi về gấp gấp. Thầy thì nói: bước chân con hãy về thanh thản. Con về, nhưng mà con cứ thanh thản về, mỗi bước chân là Đã Về Đã Tới rồi, thành ra con đâu cần phải hấp tấp về mau như Trịnh Công Sơn, con cứ đi từng bước như vậy là thầy bằng lòng rồi. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân là Đã Về Đã Tới. Thành ra câu thơ của thầy là: Bước chân con hãy về thanh thản. Mỗi bước chân là đã về rồi chớ không cần phải hấp tấp. Muốn so sánh nhạc Trịnh Công Sơn với thơ Nhất Hạnh thì so sánh bước đi. Bước chân con hãy về thanh thản, con đâu cần gấp vì mỗi bước chân là con về rồi, là mỗi bước chân là con tới rồi.  
 

Dặn dò.
Trong mùa An Cư Kiết Hạ này, Thầy đề nghị đọc hai cuốn sách trong ba tháng và phải đọc như là đọc kinh, dầu đây không phải là kinh (đừng đọc nhiều, đọc chừng hai cuốn là đủ rồi). Cuốn thứ nhất là Người Việt Tính chất, Thói Hư và Tật xấu của nhà xuất bản báo Thanh Niên Tiền Phong. Đây là cuốn sách của nhiều tác giả viết. Báo Tiền Phong lập ra một diễn đàn để người ta viết những bài nói về thói hư tật xấu của người Việt Nam như ăn gian nói láo,… Tuy rằng người Việt Nam có những tánh tốt như cần cù, hy sinh vì đại nghĩa, tảo tần lo chồng, lo con, thông minh. Có những cái hay thiệt nhưng cũng có rất nhiều tật xấu như xả rác ngoài đường tùm lum hết,...  

Ở tu viện Lộc Uyển các thầy viết một câu như thế này: Xin nhớ rằng chúng ta đang ở trong khuôn viên một tu viện và câu: Nên nhớ rằng chúng ta đang ở trong ngôi trường của một tu viện. Trong khuôn viên tu viện mình biết mình nên làm cái gì, không nên làm gì. Dưới suối và trên này đều có câu đó để cho biết rằng họ đang ở trong một tu viện và những điều không nên làm trong tu viện.  

Những thói hư tật xấu của cả một dân tộc, phải chuyển hóa, phải quét sạch, trước hết là ngay trong thân tâm của mình. Tuy là cuốn sách chớ không phải cuốn kinh, nhưng kỳ thật là nói về đệ nhất Đế : Khổ Đế và đệ nhị Đế: Tập Đế. Đây là kinh Soi Gương, cả một dân tộc nên soi gương để thấy những lọ nghẹ trên mặt mà tìm cách rửa cho nó sạch. Phải đọc như đọc kinh mới được và mình có thể thêm thắt những cái thấy của mình vào. Hiện giờ chỉ có một cuốn thôi, nếu cùng đọc qua thì sợ trễ quá thành ra tôi đề nghị mình photocopie ra từng chương, rồi chia cho mỗi phòng để các thầy, các sư cô, các sư chú cùng nhau đọc và làm sao trong mùa hè đọc hết cuốn này. Và mình phải thấy đó là gia tài để lại và tìm cách quét dọn cho nó sạch sẽ, đẹp đẽ? Ngày xưa Trung quốc cũng dơ, cũng xả rác, cũng vô trách nhiệm như mình vậy, nhưng bây giờ thành phố của họ rất là đẹp, rất là sạch. Thành ra các vị giáo thọ sẽ chăm sóc như thế nào để chúng ta cùng đọc cuốn này như đọc cuốn kinh. Ngày hôm qua chúng ta học: Tất cả các pháp thế gian đều là phật pháp. Bây giờ đem ra áp dụng. 

Cuốn sách thứ hai mà quí vị có thể đọc trong mùa an cư này là Nẻo Về Của Ý. Trong Nẻo Về Của Ý này kể lại câu chuyện tôi thành lập một tu viện trong rừng Đại Lão ở tại Bảo Lộc vào khoảng năm 1954-1955 gì đó, hồi đó phần lớn quí vị chưa sanh ra. Quá trình lập Phương Bối Am như thế nào đều được viết trong này, rất là vui. Cuốn sách này được dịch ra nhiều thứ tiếng, được phát hành rộng rãi trên thế giới và là tác phẩm văn học chớ không phải là tôn giáo.

Phương Bối là cái nôi tinh thần, nôi tâm linh cho dòng tu Tiếp Hiện và trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Đạo Phật Dấn Thân, Đạo Phật Nhập Thế đều phát xuất từ cái nôi Phương Bối. Hiện bây giờ trên thế giới người nào cũng biết: đạo Phật Nhập Thế, Con Đường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Dòng Tu Tiếp Hiện mà họ đang thực tập có nguồn gốc từ Việt Nam. Cái nguồn gốc đó ngày xưa nằm trên Bảo Lộc, cách đây chừng mười mấy cây số. Hôm nào đó, các thầy các sư cô tổ chức du ngoạn để quí vị nên thăm lại Phương Bối Am.  

Ngày xưa thầy Thanh Từ có một cái thất ở đó gọi là Thiền Duyệt Thất và tôi đã làm bài thơ tặng Thiền Duyệt Thất trước khi đi Hoa Kỳ. 

Gối nhẹ mây đầu núi
Nghe gió thoảng hương trà
Thiền duyệt tâm bất động
Rừng cây dâng hương hoa 

Những chữ trong đó đã dùng đặt tên cho những thiền đường của tu viện. Mây đầu núi, tâm bất động, thiền duyệt thành ra mình đều phát xuất từ nguồn đó. Mình nên làm cuộc hành hương lên đó, cách đây chừng mấy cây số thôi và hiện bây giờ đây cái bể nước mà tôi xây để chứa nước mưa và có những cây tôi trồng cách đây năm chục năm vẫn còn đó. Quí vị có thể tới sờ mó và thở không khí đó.  

Ngày mồng chín tháng sáu này, sau lễ xuất gia của cây Ngô Đồng, chúng ta sẽ đi thăm Hòa thượng Thanh Từ. Hòa thượng Thanh Từ cũng xướng xuất một dòng thiền đi song song với dòng thiền Làng Mai. Chúng ta có liên hệ rất là tốt với Hòa thượng và sẽ báo tin cho Hòa thượng biết là mình đã viết thơ cho Thủ tướng chính phủ, yêu cầu Thủ tướng chính phủ cấp lại đất cho mình (chớ đất đó bị lấy hết trơn, bây giờ không còn gì hết), tái lập lại Phương Bối để khi các thiền sinh ngoại quốc về Việt nam, họ tìm về được cái gốc của họ. Phó Thủ tướng nói: chuyện này có thể được.  

Sau này tại Phương Bối - Bảo Lộc mình có quần thể gọi là Phương Bối - Bát Nhã. Mình xây dựng Phương Bối thì Phương Bối sẽ trở thành Nội viện của Bát Nhã. Theo ý tôi, mình nên xây dựng rất đơn sơ, tại vì Phương Bối ngày xưa đẹp mà rất đơn sơ. Mình sẽ tổ chức để không có du khách, chỉ có những người xuất gia tới để tu với mình thôi. Và khi cần tổ chức những khóa tu lớn ba ngàn, năm ngàn người đều làm trên Bát Nhã. Còn Phương Bối là Nội Viện của giới xuất gia và chỉ có sự thăm viếng, thực tập của một số rất ít người tại gia thôi. Vì vậy quí vị nên đọc cuốn Nẻo Về Của Ý, cuốn này rất dễ đọc, đọc như đọc tiểu thuyết, rất là hay. Thầy hoàn tất cuốn này vào ngày 11 tháng 5 năm 1966, lúc đó quí vị còn chưa sanh ra. Cuốn này ở đây có nhiều lắm nên mình không phải photocopie ra nữa, phát cho mỗi phòng một vài cuốn. ☺☺☺

Xem tiếp >>

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.