Kính thưa đại
chúng.
Hôm nay là ngày 30 tháng 05 năm 2008, chúng ta đang ở thiền đường
Cánh đại bàng tại Tu viện Bát nhã, Bảo lộc, Lâm đồng.
Mỗi bước chân là sự sống.
Hôm nay chúng
ta học thêm về thiền hành, tức thiền đi. Thiền đi là một trong những
phương pháp rất mầu nhiệm giúp mình sống được những giây phút sâu
sắc trong đời sống hàng ngày. Người không tu đi như bị ma kéo, còn
người có tu thì làm chủ từng bước chân của mình, khác nhau là ở chỗ
đó. Khi làm chủ được bước chân thì gọi đó là thiền đi. Đi thế
nào để tâm có mặt trong mỗi bước chân. Còn người không tu thì đi như
đi trong mơ, vì tâm của họ không có mặt trong những bước chân đi.
Khi để tâm vào từng bước chân, thì mình thực sự có mặt trong giây
phút hiện tại, (giây phút của bước chân đi), đó là bí quyết.
Cảm nhận được
sự sống mầu nhiệm là cái quý nhất. Trong tim, phổi, máu huyết của
mình đều có sự sống. Sự sống tràn trề bên trong và bên ngoài tất cả
đều mầu nhiệm. Bông hoa là mầu nhiệm, có lẽ mình thấy thường quá nên
lờn đi. Thật ra bông hoa hết sức mầu nhiệm, tất cả những yếu tố khác
nhau trong vũ trụ đều chế tác với nhau để bông hoa biểu hiện nhiệm
mầu. Một chiếc lá, không khí mình thở, một tia nắng, một hạt mưa,
một hạt bụi, đều mầu nhiệm; mắt mình cũng mầu nhiệm. Thế nên đời
sống rất là mầu nhiệm và nếu mình trở về với giây phút hiện tại, thì
mình sẽ tiếp xúc với những mầu nhiệm đó. Những mầu nhiệm đó có khả
năng nuôi dưỡng và trị liệu cho mình. Nuôi dưỡng và trị liệu là tác
dụng của thiền. Nếu mình thực tập thiền, thì được sự nuôi dưỡng và
trị liệu.
Vì vậy thực
tập thiền đi thì mỗi bước chân đều có thể tiếp xúc được với sự sống
mầu nhiệm. Còn nếu không thì mình đi cũng như đi trong mộng chẳng
khác gì người không tu ngoài xã hội. Họ hối hả như chạy đi tìm một
cái gì đó, nên lúc nào cũng hấp tấp, không có bình an. Vì vậy người
tu không làm như họ, mình thực tập như thế nào để mỗi bước đi của
mình tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm. Cái đó đã là tỉnh thức và
giác ngộ rồi. Giác ngộ là giác ngộ một cái gì, tỉnh thức là thỉnh
thức một cái gì, nghĩa là mình không còn mê nữa, và nhận biết rằng
có những sự mầu nhiệm trong sự sống, và tiếp xúc được với sự nhiệm
mầu. Giác ngộ nằm trong tầm tay của mình, chứ không phải là cái gì
xa vời, không phải cần đến năm hoặc bảy năm mới nắm được.
Đạo Phật là
đạo tỉnh thức và giác ngộ, mà giây phút đầu mình không biết tiếp xúc
với tỉnh thức và giác ngộ thì đáng tiếc thật. Cho nên khi đi thiền
hành với đại chúng, mình có thể bước hai bước trong khi thở vào,
bước hai bước trong khi thở ra, và tiếp xúc được với những gì đang
xẩy ra. Tùy theo đại chúng đi chậm hay mau mà mình bước theo cho
đúng nhịp. Còn khi thực tập một mình thì đi chậm hay nhanh như thế
nào cũng được. Miễn lúc đi vẫn ý thức được rằng: Mỗi bước chân là
sự sống. Thở vào: mỗi bước chân, thở ra: là sự sống.
(ý của câu đó là: Tôi muốn rằng mỗi bước chân thật sự tiếp xúc
được với sự mầu nhiệm của sự sống). Vì vậy bước như thế nào để
giúp mình tiếp xúc được với sự sống, chứ không nên nói suông: mỗi
bước chân là sự sống. Chỉ nói mà không thực tập thì không ích
lợi gì hết, nói suông thì cái máy cũng nói được, thu vô rồi phát ra
cũng nghe được tiếng nói. Điều quan trọng của thiền tập là biết tiếp
xúc với sự sống trong giây phút hiện tại, nhờ đó mà chúng ta có được
giác ngộ và tỉnh thức. Mới cảm nhận được rằng: mỗi bước chân là
sự sống, phải làm cho được.
Chọn lựa và
quyết định.
Tâm của mình
có ít nhất là hai tầng: Tầng trên là ý thức nó suy nghĩ,
chọn lựa và quyết định. Ví dụ mình vào siêu thị mua một cái gì
đó, một đôi dép hay cái khăn chẳng hạn. Thì mình dùng ý thức để suy
nghĩ và biết được rằng mình nên dùng bao nhiêu tiền để mua những
thức đó, và ý thức nó sẽ chọn cho mình những cái thích hợp. Đó là
việc làm của ý thức: Chọn lựa và quyết định. Đây là chức năng
của ý thức. Nhưng ý thức có cảm tưởng là mình có tự do chọn lựa,
quyết định và suy tư đúng với chức năng hay không, hay là cái tự do
đó rất hạn hẹp. Bởi vì dưới ý thức còn có: Tàng thức, nó thúc
đẩy, xúi dục sự quyết định. Còn cái ý thức trên chỉ đóng vai trò
bù nhìn mà thôi. Một ví dụ khác khi mình lái xe hay đi xe đạp, mình
tưởng rằng ý thức làm chủ việc lái xe: Quẹo chỗ nầy, vượt xe kia,
hay lúc phải chậm lại, có xe ngược chiều đi tới mình phải tránh sang
một bên, hay xe trước chạy chậm mình muốn vượt, v.v... Mình tưởng ý
thức làm chủ, nhưng kỳ thực là do tàng thức tự động trong khi lái
xe. Vì trong khi đó đầu mình có thể suy nghĩ một chuyện khác, hoặc
lo lắng cho một việc gì đó, và hoàn toàn không để ý gì đến việc lái
xe. Hoặc trong khi lái xe mình nói chuyện với người ngồi cạnh, và bị
thu hút hoàn toàn vào câu chuyện, thành ra lúc đó không có ý thức.
Lái xe như vậy là mình đã để cho tàng thức điều khiển. Tàng thức đã
học hỏi và lái xe một cách tự động. Không phải do ý thức quyết định,
nên đi như thế nào để tránh khỏi tai nạn.
Thông thường
mình lái xe hoặc đạp xe từ nhà đến trường, hoàn toàn mình làm như
một cái máy và ý thức của mình không đóng vai trò nào hết. Nó cứ
miên man suy nghĩ đến những chuyện khác và như vậy. Đôi khi đi ngang
qua một bồn hoa mình chỉ tránh và nếu có ai hỏi hoa gì mình cũng
chẳng biết. Có ý thức nhưng không để ý, nên mình không biết. Nên khi
ấy tàng thức nó đủ sức điều khiển cái thân xác của mình. Ví dụ như
có người nào bất thần đánh vào mắt mình, thì tự nhiên lập tức mình
sẽ né tránh để khỏi bị đánh trúng. Cái đó không phải ý thức quyết
định, vì nếu ý thức thì sẽ quá trể. Mà chính là do tàng thức học hỏi
được những bài học rất thuộc và tự động né tránh. Đó là quyết định
của tàng thức. Khi đi vào siêu thị chọn lựa mua một món gì mình cứ
ngỡ rằng do ý thức chọn lựa và quyết định. Nhưng thực chất đó là
những gì mình đã được học hỏi và tàng trữ trong tàng thức, nên việc
lựa chọn đó là do tàng thức, chứ không có sự chọn lựa của ý thức.
Trong đời
sống, cái tự do mình có được rất ít, đa số sống theo thói quen,
tập khí của mình. Nấu cơm, rửa bát và làm việc đều theo tập khí
(thói quen) của mình, có thể ý của mình không để vào đó mà miên man
suy nghĩ đến những chuyện khác. Nếu chúng ta đi như bị ma đuổi trong
đời sống hàng ngày, đi mà không biết mình đi là bởi vì cái tàng thức
dẫn mình đi, đi mà không hề để tâm vào đó.
Bây giờ mình
không muốn đi như vậy nữa, mình muốn tập một thói quen khác. Cái
thói quen xưa nay của mình là vội vã, hấp tấp, đi nhưng không biết
mình đang đi. Đi như vậy chúng ta không thưởng thức được từng bước
chân. Thực tập thiền đi tức là tập đi trở lại, tập một thói quen mới
và khi tập thành rồi thì mỗi bước đều có thảnh thơi an lạc, đều tiếp
xúc được với sự sống, và mình phải tập cho thành công. Giống như
đánh tennis, pingpong phải thực tập và việc tập đó có sự tham dự của
ý thức, bên cạnh đó có một phần của tàng thức. Khi cầu thủ tennis
đánh một cú tuyệt đẹp, thì đừng tưởng rằng đó là do ý thức điều
khiển, mà là do sự tập luyện nhiều năm. Những cầu thủ chuyên nghiệp
mỗi ngày họ phải tập 10 tiếng đồng hồ, và cái tàng thức đóng vai trò
thắng bại.
Đường
đi nẽo về của suy tư, ...
Chữ tập trong
tập khí có nghĩa là học hỏi, học cho thành thói quen, khi thành thói
quen rồi thì trở thành năng lượng gọi là khí. Tập khí là năng lượng
có được nhờ vào sự học hỏi và luyện tập. Có những tập khí tốt và
cũng có những tập khí xấu. Thí dụ ngày xưa khi chưa xuất gia, vào
chùa nghe tiếng chuông thì tiếng chuông đó như nước đổ lá khoai,
không hề tác dụng gì đến mình hết. Nghe chuông nhưng vẫn nói chuyện
rần lên, tiếng chuông chẳng có hiệu lực gì trong tâm mình cả. Có
những Phật tử có thói quen là khi đang tụng kinh mà nghe tiếng
chuông thì xá xuống, nhất là ở Huế; cái xá đó chỉ là tập khí và làm
như một cái máy. Còn chúng ta ở Bát nhã hay Làng Mai mỗi khi nghe
tiếng chuông thì mình chấm dứt suy nghĩ và trở về với hơi thở. Thở
vào tâm tỉnh lặng, thở ra miệng mĩm cười, làm mà không cần sự cố
gắng nào hết. Vì khi vô chùa Bát nhã hay Làng Mai thì các anh chị đã
được hướng dẫn là khi nghe tiếng chuông thì chấm dứt sự suy nghĩ và
trở về với hơi thở. Thở vào ba hơi có ý thức, thở ra ba hơi cũng có
ý thức và mình cảm thấy khỏe khoắn. Vậy thì bây giờ mình đã có một
thói quen mới, khi nghe tiếng chuông thì mình ngưng suy nghĩ và trở
về với hơi thở. Thở vào khỏe, thở ra nhẹ đó gọi là tập khí tốt.

Một góc
vườn ở tu viện Bát Nhã - Bảo Lộc (Lâm Đồng)
Tu tập nghĩa
là huân tập những thói quen tốt, để từ từ thói quen xấu mòn đi, yếu
đi và nhường lại cho thói quen tốt. Cách hay nhất là không phải bài
trừ thói quen xấu, mà là làm lơ với thói quen xấu cũng như tiếp tục
thực tập thói quen tốt, thì thói quen xấu sẽ dần dần bị chuyển hóa.
Bây giờ khoa não bộ thần kinh cũng thấy như vậy. Trong tục ngữ của
mình có câu: Ngựa theo lối cũ. Con ngựa đã quen đường cũ thì
một mình có thể trở về, khỏi cần phải dắt dẫn nó. Con trâu mà các em
mục đồng đưa về nhà, thực ra nó đã biết đường về rồi, nên các em chỉ
ngồi trên mình trâu hát nghêu ngao và trâu tự biết tìm về. Trâu nó
đã quen thuộc tập khí đó. Ví dụ như người ta thường chải răng sau
mỗi bửa ăn hay trước khi đi ngủ, ban đầu mình không có tập khí đó,
nhưng sau một thời gian dần dần sẽ có thói quen và khi đi ngủ mà
không chải răng thì chịu không nổi, ăn cơm xong mà không chải răng
thì thấy sao đó, không có dễ chịu. Khi đã thành tập khí rồi thì biết
rằng đây là một tập khí tốt. Đôi khi người ta nghĩ thói quen là xấu,
nhưng vẫn có những thói quen tốt mà mình phải học.
Khi nghiên
cứu các tế bào thần kinh trong óc, người ta thấy có những thói quen,
những con đường, những lề tư duy, cảm xúc rất quen thuộc. Nếu một
người suy tư như vậy thì sẽ có những cảm xúc như vậy, khi đụng chạm
đến suy tư của người đó, thì trong vòng một hai phút mặt người đó đỏ
rần lên là vì họ có cảm xúc đó, vì ngựa quen lối cũ, trong
đầu của mình có những cái gọi là: Sympathetic pathway là những nẽo
đi của sự truyền thông giữa các tế bào trong óc. Trong óc mình có
những tế bào gọi là: Neuron và một tế bào đó dẫn đến những tế bào
khác dính chùm với nhau gọi là sympathetic và mình có những cảm nghĩ
lề thói, suy tư quyết định theo thói quen. Thành ra đứng về phương
diện tâm linh thì đó là tập khí, đứng về thần kinh não bộ thì đó
những lề lối suy tư tiếp dẫn giữa các tế bào thần kinh với nhau.
Người tu có
hai cách: Cách thứ nhất là nhận diện, cách thứ hai là luyện tập.
Có những đường đi nẽo về của suy tư, cảm nghĩ, cảm thọ, cảm xúc và
mình là nạn nhân của những lề thói suy tư cảm nghĩ, cảm xúc đó. Mình
khổ cũng chính vì nó, những lề thói đó quá mạnh, mạnh hơn ý thức của
mình rất nhiều. Tập khí: Tập là lập lại nhiều lần (learning)
và cái tàng thức của mình là những cái tập đó, lâu ngày thành thói
quen. Mình đủ thông minh để biết rằng khi nói một câu hay làm một
hành động như vậy sẽ làm đổ vỡ, làm tan nát tình nghĩa, là sẽ gây đổ
vỡ cho người kia và cho mình. Nhưng vì tập khí quá nặng nên mỗi khi
đụng chuyện là mình cứ như: Ngựa quen lối cũ, nên dễ dàng nổi
giận và sẽ làm theo cảm thọ, cảm xúc xưa cũ, cho dù mình biết rằng
sẽ làm tan vỡ tình cảm của nhau. Khi nói rồi làm rồi thì lúc đó mình
cảm thấy hối hận và tự trách rằng: Tại sao mình nói và làm như
vậy, đã biết trước là sẽ tan vỡ mà sao cứ làm và cứ nói, sao mình
dại quá vậy. Mình rất thành thật với chính mình và hứa rằng sau
nầy sẽ không làm như thế nữa. Bỡi vì mình không biết tu luyện và
nhận diện nên lần sau khi: Ngựa quen lối cũ, thì mình cũng
vẫn làm như vậy.
Nhận
diện.
Bạo động
trong các gia đình như : chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con, những
tập khí đã có từ lâu đời, cha truyền con nối. Đến đời mình vì không
tu, không luyện tập và không bỏ tập khí đó được nên tiếp tục truyền
lại cho con cháu hoặc đệ tử của mình những tập khí xấu đó. Có những
thói hư tật xấu truyền đời của cả một một dòng họ, một dân tộc. Trong
con người của mình đã có những thói hư tật xấu như vậy. Mình biết
rằng uống rượu vô mình có thể không còn là mình nữa, sẽ không tự
chủ được và sẽ nói những câu như vậy, hay khi nghe một câu nói làm
cho mình bực bội mình sẽ nổi xung lên và không cưỡng lại được cơn giận
của mình, mình sẽ bạo động. Biết trước như vậy nhưng mình vẫn không
thể cưỡng lại sự uống rượu vì trong mình đã có sự đòi hỏi, bởi vì
uống rượu quen rồi. Có những lúc mình cảm thấy trống vắng, thiếu
thốn một cái gì đó mà mình không chịu nổi, nó cũng là một cái tập
khí nên phải tìm một điếu thuốc hoặc một chung rượu để khỏa lấp sự
trống vắng đó. Mình không đủ sức để tự chủ, bởi vì mình không tu
tập, nên dùng thuốc hay rượu và khi uống vô rồi thì trở thành thói
quen và cứ đi theo ngựa quen lối cũ. Lúc ấy vợ con mình trở
thành nạn nhân của mình, họ là người mà mình thương yêu nhất, vậy mà
mình làm khổ họ là tại vì mình có những tập khí xấu như vậy. Mình
phải tu như thế nào để loại trừ những thứ đó trong nếp sống gia đình
và xã hội. Những tệ nạn nầy có thể đi vào trong chùa, có những thầy
đánh, chửi mắng đệ tử. Theo nguyên tắc trong nhà chùa không được bạo
động bằng lời nói hay bằng tay chân.
Có một số
thầy qua Làng Mai tu tập ở lại ba hoặc sáu tháng, thấy các thầy các
sư cô Làng Mai luôn dạy dỗ bằng sự nhẹ nhàng, không hề dùng roi vọt
hay chửi mắng. May thay các thầy giác ngộ được và khi về lại họ đã
thay đổi và không còn đánh đệ tử nữa; họ có khả năng ngồi lại uống
trà với đệ tử và tình thầy trò có thể nối kết trở lại. Hôm kia có
một thầy tôi gặp ở thành phố Sài gòn đã từng qua tu học Làng Mai hai
năm. Thầy hiện đang ở một ngôi chùa và nuôi một số đệ tử. Thầy
đã phát nguyện với thầy rằng: Con hứa sẽ dạy dỗ các
điệu nhu thế nào để các điệu sẽ không tránh né con, như là con đã
từng tránh né sư phụ của con. Thế hệ của con rất sợ bổn sư, không hề
dám gần gũi, thân cận và luôn né tránh. Con không muốn đệ tử của con
tránh né con như vậy. Con sẽ theo phương pháp của Làng Mai luôn nhẹ
nhàng như các thầy, các sư cô ở bên làng vậy. Thầy nói một cách
rất thành thật, bởi vì thầy đã đi qua những thứ đó rồi. Trong chùa
cũng có bạo động, bạo động bằng lời nói và hành động. Mình biết
rằng, ngoài xã hội có không biết bao nhiêu là bạo động và nhất là
bạo động gia đình. Đó là một tệ nạn xã hội. Nên mình phải tu như thế nào
để cả nước được chuyển hóa. Có hai cách: Cách thứ nhất là nhận
diện. Khi cái thói quen đó bắt đầu ló ra, mình sắp sửa nói hay
làm thì nói rằng: À nó đây rồi. Đó là phương pháp nhận diện,
mình phải có chánh niệm.
Chánh niệm là
một năng lượng của tâm, nó giúp mình có mặt trong giây phút đó. Chữ
niệm rất hay gồm có chữ kim và chữ tâm. Cái tâm của mình trở
về với giây phút hiện tại gọi là niệm. Chánh niệm là năng lượng của
tâm giúp mình trở về trong giây phút hiện tại, và khi mình có mặt
trong giây phút hiện tại thì mình biết cái gì đang xẩy ra. Mà cái
đang xẩy ra là cái tập khí xấu kia đang ló đầu ra và rất nguy hiểm.
Thở vào tôi biết cái tập khí xấu đó đang bắt đầu xuất hiện, thở
ra tôi mĩm cười với tập khí xấu đó. Đây gọi là nhận diện, khi
nhận diện được rồi thì nó không còn sức mạnh nữa. Mình biết rằng nói
và làm sẽ đổ vỡ nên mình có khả năng kiềm chế. Đó là phương pháp
nhận diện - nhận diện đơn thuần.
Làm sao để có
niệm? Tức là khi ăn, khi làm việc phải thực tập để trở về với hơi
thở thì những lúc nguy nan đó mình mới đủ năng lượng để nhận diện.
Còn nếu cái niệm của mình yếu
quá thì mình không đủ sức để nhận diện những tập khí đó đang ló đầu
ra, nó mạnh hơn ý chí của mình. Nhận diện là nhận diện một cái gì?
Năng lượng chánh niệm nhận diện năng lượng của tập khí.
Tập khí là
một năng lượng, khi năng lượng tập khí ở một mình thì nó tác yêu tác
quái, nó xúi mình nói và làm những điều mình không muốn nói, không
muốn làm. Ông chồng kia là như vậy, ông đánh vợ, đánh con bởi vì
muốn áp đặt ý của mình, có những cái không vừa ý nên phản ứng liền
như vậy, không làm chủ được mình, không làm chủ được hoàn cảnh của mình.
Thành ra nhận diện có: chủ thể
nhận diện và đối tượng
nhận diện.
Có một cái cần phải được nhận diện đó là tập khí xấu đang xúi
mình, thúc đẩy mình nói và làm những việc
gây đổ vỡ, đó là những cái cần được nhận diện. Cần có một năng lượng
khác để nhận diện những tập khí xấu đó. Đó là năng lượng của niệm.
Trong khi tu: đi, đứng, nằm, ngồi mình phải làm sao để chế tác năng
lượng niệm (tiếng Phạn gọi là Smrti, tiếng Pali là Sati, tiếng
Hán-Việt gọi là Niệm). Niệm hơi thở, niệm bước chân, được như vậy
thì mình có mặt trong giây phút hiện tại, càng tập thì năng lượng
niệm càng lớn. Khi năng lượng đủ lớn rồi thì mình có đủ để xài. Thở
vào tôi biết những tập khí xấu đó đang bắt đầu lộ diện, thở ra tôi
chế ngự những tập khí xấu đó. Danh từ ngoài đời gọi là: đề cao
cảnh giác, còn danh từ của mình là: chánh niệm. Thành ra
khi có sự nhận diện rồi thì không đánh chửi nữa. Nếu mình không làm
được những điều đó thì mình không phải là người tu. Tu tức là trong
đời sống hàng ngày, phải thực tập, theo dõi hơi thở, bước chân, phải
nấu cơm rửa chén trong chánh niệm. Ngoài đời người ta cũng nấu cơm
rửa chén nhưng họ không biết cách tu tập, chỉ làm theo thới quen.
Còn mình ở trong chùa cũng làm những việc đó, nhưng làm trong chánh
niệm. Trong từng giậy phút mình cũng phải chế tác năng lượng niệm.
Năng lượng
niệm là một tập khí tốt. Khi có năng lượng niệm rồi, thì mình sẽ
nhận diện được những tập khí xấu, và những thứ đó sẽ dần dần yếu đi,
nó không còn đủ sức đẩy mình nói và làm những việc
đó nữa. Tất cả những người chồng, những ông bà cha mẹ đánh vợ, đánh
con phải học một khóa tu. Tốt hơn hết là trước khi lập gia đình
người thanh niên thiếu nữ phải học một khóa trước, để đừng dẫm lên
dấu chân của người trước. Bên Đức chúng tôi có lập Viện Phật Học Ứng
Dụng, dạy và hướng dẫn cho thanh niên thiếu nữ đến tu. Khóa tu 21
ngày học về cách: Nhận diện tập khí. Sau khóa tu nầy sẽ có
một chứng chỉ, có chứng chỉ đó mới đi cưới vợ lấy chồng. Vì khi cậu
thanh niên đó đến cầu hôn, cô đó hỏi anh có chứng chỉ đó chưa? Nếu
chưa thì anh phải đi học, nếu không thì tôi không nhận lời cầu hôn
của anh. Mình phải làm thành một phong tục như vậy.
Luyện tập.
Phương pháp
thứ hai là luyện tập: Luyện tập những tập khí mới và tốt.
Tăng thân làm việc nầy thì dễ dàng hơn, bởi vì ai cũng muốn thực tập
như mình. Mỗi khi nghe tiếng chuông ai cũng ngừng suy nghĩ và trở về
với hơi thở, thở cho nhẹ và khỏe, chấm dứt những suy nghĩ miên man
của mình, những nẽo về xấu ác của ý - cái ý đang suy nghĩ về buồn
tủi, giận hờn, trách phạt, tuyệt vọng v.v... Tiếng chuông sẽ giúp ta
chấm dứt những cái xấu đó, trở về với những cái tốt hơn, tích cực
hơn.
Trong con
người của mình có những cái tích cực như niềm tin, sự tha thứ, bao
dung, niềm vui sống, vì vậy khi nghe tiếng chuông thì ta buông bỏ
được những cái tiêu cực và tiếp xúc với những cái tích cực trong
mình và chung quanh mình. Vậy thì tiếng chuông là một trợ duyên. Ví
dụ như trong chùa có thói quen là trước khi nâng bát lên ăn là ăn ba
muổng cơm chánh niệm: Muổng thứ nhất là xin buông bỏ những điều
ác, muổng thứ hai xin làm các điều lành và muổng thức ba xin
nguyện giữ tâm ý mình cho trong sạch. Nhưng phần lớn chúng ta
làm như một con vẹt, khi đọc xong rồi cứ ăn thả giàn chứ không có
quán niệm gì hết. Mình chỉ nhớ làm theo hình thức, như một cái máy.
Còn theo truyền thống Làng Mai thì thay vì ăn ba muổng, mình ăn bốn
muổng, mỗi muổng mình phải tiếp xúc được với một trong bốn
vô lượng tâm là: Từ-Bi-Hỷ-Xả:
Muổng thứ
nhất con nguyện thực tập hiến tặng niềm vui, ngày hôm nay thế nào
con cũng ít nhất có thể thực tập được
(Từ).
Muổng thứ
hai con nguyện thực tập làm cho người bớt khổ, ngày hôm nay con sẽ
thực tập để có thể giúp được một sư chị hay một sư em bớt khổ
(Bi).
Muổng thứ
ba con nguyện tạo niềm vui cho mình và cho người.
Tạo niềm vui
thì dễ, một cái nhìn, một nụ cười, một cử chỉ thân thiện đã đủ gây
tạo được niềm vui rồi và mình có thể làm hơn được. Sớm cho người
thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ (Hỷ).
Muổng thứ
tư con nguyện thực tập không kỳ thị.
Xã tức là không kỳ thị, không theo phe phái, không loại trừ bất
cứ ai, ôm hết tất cả (Xả).
Khi ăn bốn
muổng đầu mình nên làm cho đàng hoàng, đừng làm như một cái máy.
Nhai từ từ và thực tập từng nguyện một để cho nó thấm nhuần. Làm gì
có máy tu, nếu có máy tu thì dễ quá chỉ cần đút tiền vô để cho nó tu
dùm. Có nhiều người ngồi thiền, đi thiền như một cái máy. Người ta
ngồi mình cũng ngồi, người ta đi mình cũng đi.
Tập khí dở
nhất của mình là tự mình đánh mất đi sự sống. Mình đang tuổi trẻ và
đang sống, thế mà mình lại đánh mất nó. Cuộc sống luôn vội vã, không
có thì giớ để tiếp xúc với sự sống và không được nuôi dưỡng và trị
liệu. Vì thế mà bước chân đầu tiên mình phải học thuộc đó là: Mỗi
bước chân là sự sống. Mình phải tiếp xúc với sự sống ở trong
mình. Tuổi trẻ với tràn đầy sức sống, đang bước vào đời bằng tất cả
nguồn hy vọng đẹp đẽ. Do đó chúng ta phải tiếp xúc được với trời
xanh, mây trắng, chim hót, trăm hoa đua nở. Có nghĩa là đừng đánh
mất sự sống, trái lại cần phải nuôi dưỡng sự sống bằng cách tu tập.
Vì vậy mỗi bước chân là đưa mình trở về, cột mình lại với sự sống.
Trước hết mình phải làm được cho mình rồi, sau đó mới giúp đời được.
Khi thực tập bước thứ nhất thành công rồi, thì mình tiếp tục đến
bước thứ hai: Mỗi bước chân là phép lạ. Phép lạ tiếng Hán là
thần thông, tức là trong khi đi mình làm phép thần thông.
Địa hành thần
thông.
Tổ Lâm Tế có
nói: Mỗi bước chân phải là thần thông. Đặt chân trên mặt đất là
thể hiện thần thông. Thần thông không có ngĩa là đi trên nước,
trên mây hay trên than hồng mà là đi ngay trên mặt đất, đi trong
tỉnh thức và tiếp xúc được với sự sống: Địa hành thần thông.
Như vậy thần thông là phép lạ, phép lạ đi trên mặt đất. Nếu mình có
mặt trong giây phút hiện tại thì mỗi bước chân là phép lạ. Đi thảnh
thơi, an lạc, hạnh phúc và trị liệu. Ví dụ như mình đang nằm hấp hối
chờ chết, ai trong chúng ta cũng sẽ có những giây phút đó, giây phút
nằm liệt giường chờ chết. Nhưng lúc đó dù mình có muốn đi cũng không
thể đứng dậy để đi một bước, dầu có một triệu Euro cũng không thể
mua được một bước đi. Vì vậy trong khi chân ta còn khỏe, phổi ta còn
tốt thì tại sao không hưởng được những bước chân an lạc như vậy; tại
sao không bước được những bước thần thông hay phép lạ như thế, mà
lại phải chờ đến lúc hấp hối, rồi ngồi tiếc nuối rằng trong suốt
cuộc đời mình chưa hề được hưởng những bước chân an lạc, hạnh phúc
như thế. Có thể ông bà cha mẹ chúng ta bận rộn suốt đời, nên chưa
thực hiện được những bước chân hạnh phúc. Cho nên bây giờ chúng ta
phải thực tập đi cho cha mẹ, cho ông bà và mời cha mẹ, ông bà cùng
đi vì chân nầy tuy của mình nhưng cũng là chân của ông bà cha mẹ
mình. Thế là cha mẹ đi cùng con và tiếp xúc được với sự mầu nhiệm
của sự sống. Việc nầy chúng ta có thể làm được ngay ngày hôm nay,
chứ không cần phải đợi đến ngày mai. Trong chúng ta đã có nhiều
người làm được: Thầy làm được, Sư anh, Sư chị làm được thì mình cũng
làm được. Có mặt trong mỗi bước chân, mỗi bước chân tiếp xúc với sự
sống và những sự nhiệm mầu của sự sống. Chúng ta luôn nhớ mỗi bước
chân là một phép lạ thần thông.
Đặt chân trên
mặt đất là: Địa hành thần thông. Có bài kệ khi mỗi buổi sáng
thức dậy, hai chân mình đặt xuống tìm đôi dép thì đọc ngay:
Đặt chân
trên mặt đất,
là thể hiện thần thông.
Từng bước chân tỉnh thức,
là hiển lộ pháp thân.
Như vậy nếu
chỉ thực tập thiền đi thôi cũng đã là hạnh phúc rồi, đừng nói chi
thiền ngồi và những thứ thiền khác như thiền giặt áo, thiền rửa rau,
tưới rau. Tất cả đều vui, chỉ cần mình có mặt và tiếp xúc được với
sự sống. Tu có nghĩa là làm sao để có được hạnh phúc. Tu có nghĩa là
đi tìm hạnh phúc và không tìm tiền bạc, danh vọng, sắc dục, quyền
hành mà hạnh phúc được làm bằng Niệm, Định, và Tuệ. Có Niệm, Định,
và Tuệ là chúng ta có hạnh phúc. Mỗi bước chân là sự sống, mỗi bước
chân là phép lạ. Đi được như thế là mình đã nối tiếp được sự nghiệp
của Thế Tôn. Bởi vì ngày xưa đức Thế Tôn đi như vậy và Ngài đã lưu
lại dấu chân trên nhiều nước bên lưc vực sông Hằng. Giờ đây chúng ta
là đệ tử của Thế Tôn, thì chúng ta cũng làm như vậy, cũng đi được
những bước chân như vậy. Một ngày mình có nhiều cơ hội để thực tập
thiền đi. Đi chung với mọi người hoặc đi riêng. Cho mình thêm chút
thời giờ để đừng đi trong hấp tấp, vội vã để có cơ hội hưởng thụ
được những bước chân của mình. Bởi vì những bước chân như vậy có khả
năng nuôi dưỡng và trị liệu.
Cho nên câu
thứ ba là: Mỗi bước chân là trị liệu. Vì nếu chúng ta bước đi
những bước thảnh thơi, thì những căng thẳng và tật bệnh sẽ lui dần.
Bách bệnh tiêu trừ là do việc thực tập đi thiền, đi cho thảnh thơi.
Vì có nhiều thứ bệnh là do sự dồn nén, căng thẳng sinh ra. Đi như
vậy sẽ buông bỏ hết những căng thẳng và trong khi đi mình cảm thấy
rõ ràng việc trị liệu đang xẩy ra. Mỗi bước chân là trị liệu. Quan
hệ trước hết là đừng làm như một cái máy hay như con vẹt. Mình phải
thật sự thấy rằng đó là trị liệu. Cuối cùng: Mỗi bước chân là
thảnh thơi, thì đó là tự do, giải thoát. Không còn bị những buồn
khổ, lo lắng, thèm khát, giận hờn lôi cuốn theo. Một khi có tự do
tức là chúng ta đã có hạnh phúc. Tự do ở đây là chúng ta không còn
vướng bận những buồn khổ, lo lắng, thèm khát, tham đắm, buồn phiền.
Cuộc đời
chúng ta đẹp như vậy, nó có biết bao nhiêu là mầu nhiệm mà mình
không tiếp xúc được; mà mình lại chạy theo những cái làm cho mình
trầy da tróc vảy, khổ đau triền miên. Cho nên trở về với giây phút
hiện tại, tiếp xúc được với sự sống và đi được những bước chân nhẹ
nhàng thảnh thơi là hạnh phúc lắm rồi. Thế Tôn mỗi ngày chỉ đi khất
thực một lần thôi, các Thầy cũng vậy mỗi ngày chỉ ăn một bửa thôi,
thì giờ còn lại dùng để đi thiền, ngồi thiền và để giúp đời.
Mình phải
luôn xác định rằng: Tu là đì tìm hạnh phúc, để có được hạnh
phúc và tìm ngay trong ngày hôm nay, chứ không chần chờ đến ngày
mai. Đi học cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng có thể là chưa có liền, tại
vì có nhiều người đi học là cốt để có bằng cấp mà thôi, nên không có
hạnh phúc trong khi học. Bên cạnh đó có nhiều người như thầy đây
trong khi học mình có hạnh phúc, ngày nào cũng học từ sự sống. Chính
những người trẻ tuổi cũng có thể dạy cho mình, khi mình học những
môn như sử, địa, khoa học cũng có nhiều niềm vui, vì mình có sự khao
khát tò mò muốn học để biết. Còn ngoài đời học là để nhét vô và cuối
cùng có một cái bằng để đi làm việc, như vậy cái học đó không có
hạnh phúc. Còn mình mỗi giờ phút tu đều có hạnh phúc. Học kinh,
luật, luận cũng vậy phải làm sao làm thỏa mãn cái chí tò mò của mình
chứ không phải vì thầy bắt học nên phải học. Học mà bị bắt buộc thì
buồn quá đi. Cho nên mình là thầy giáo, hay giáo thọ cần nên đánh
động sự tò mò của học trò, của đệ tử. Như vậy buổi học đó sẽ trở
thành buổi hội và hai bên đều vui. Thì giờ của mình là để làm những
việc sao cho có hạnh phúc. Tu là một nghệ thuật, tu là cảm nhận ngay
sự hạnh phúc, là sự khéo léo chứ không phải là gồng mình để làm. Khi
mình thở mình phải khéo léo với hơi thở của mình, khi ngồi phải khéo
léo với thân của mình, khi đi phải khéo léo với hai chân của mình.
Vì vậy tu là một nghệ thuật, người tu là một nghệ sĩ. Đời tu có thể
đẹp, đẹp từ tinh thần đến thể chất. Mỗi ngày mình sẽ được đi với
thầy một lần trong nhiều tuần. Hay khi đi một mình thì mình cũng đi
như vậy. Đi như thế nào để có hạnh phúc và khi bước đi phải nhớ
rằng: Tiếp xúc sự sống. Đây là bốn
chữ căn bản.
Đừng đánh mất
sự sống và sau đó phải thực hiện thần thông trong bước chân. Phải
trân quý từng bước chân và phải đi như thế nào để mỗi bước chân là
trị liệu. Trước hết là buông bỏ những căng thẳng, để tìm thấy mỗi
bước chân là thảnh thơi, và mình phải làm cái công việc thiền đi trở
thành một tập khí tốt. Chỉ một việc thành công trong thiền đi đã là
một thành công rất lớn đối với sự tu tập. Nếu chúng ta muốn thương
cha mẹ, ông bà, thầy tổ, đất nước thì nên thực tập thiền đi, thì
mình đã là đứa con có hiếu, mình có thể báo ơn được thầy tổ, ông bà,
cha mẹ và đất nước rồi.
Khi người ta
tới chùa mà thấy mình đi được những bước chân thảnh thơi như vậy, là
mình thành công rồi. Họ sẽ nghĩ rằng: Những người tu như là những
cành hoa đang chớm nở để dâng hiến hương sắc cho cuộc đời mình và
cho tha nhân.
Chúc đại
chúng tinh tấn tu tập để gặt hái được nhiều hoa thơm trái ngọt.☺☺☺
Xem tiếp>>
|