Kính thưa
đại chúng.
Hôm nay là ngày 31 tháng 05 năm 2008 Dương lịch, chúng ta đang ở
Thiền đường Cánh đại bàng thuộc Tu viện Bát Nhã, Bảo lộc, Lâm đồng.
Hôm qua
chúng ta có nói đến Niệm như là một năng lượng làm cho
mình có mặt trong giây phút hiện tại. Đối tượng của niệm có thể là
hơi thở, bởi vì niệm bao giờ cũng là niệm một cái gì, khi chú ý đến
hơi thở thì đó là niệm hơi thở. Khi chú ý đến bước chân thì đó là
niệm bưóc chân. Khi chú ý đến hình hài của mình là niệm thân. Khi
chú ý đến cảm thọ của mình thì gọi đó là niệm thọ. Khi chú ý đến tâm
của mình thì gọi đó là niệm tâm. Khi chú ý đến các pháp thì gọi đó
là niệm pháp.
Những đối
tượng của niệm có thể đem lại hạnh phúc cho mình. Nhưng nếu mình
niệm những cái không lành mạnh, không dễ thương, nhớ nghĩ nó và đem
về trong giây phút hiện tại, thì mình sẽ đau khổ, đó gọi là: Tà
niệm. Còn nhớ nghĩ và đem về trong giây phút hiện tại,
những cái hạnh phúc giải thoát, thì đó là: Chánh niệm. Trong
chánh niệm có 4 loại có thể thực tập hàng ngày, gọi là Bốn phép
tùy niệm. Tùy niệm có nghĩa là tùy thân, những cái
đi theo thân mình suốt ngày. Và nếu những cái đó đi theo mình suốt
ngày thì mình có hạnh phúc. Bốn loại tùy niệm là: Niệm Phật -
Niệm Pháp - Niệm Tăng - Niệm Giới. Quý vị nào đã học thuộc bài
Bốn Phép Tuỳ Niệm rồi thì có thể đem ra thực tập.

Thầy trò, ông cháu bên nhau (h. Hồng Phượng: Hè 2007, Xóm
Trung, Làng Mai)
1) Niệm Phật
Tự thân của
đức Như Lai, Người từ chân như tới, Thầy của chúng con, là bậc xứng
đáng nhất để được cúng dường, đó là niện Phật. Trong bài niệm Phật
nầy, mình kể ra mười đức của Như-Lai là: Như-Lai, Ứng-Cúng,
Chánh-Biến-Tri, Minh-Hạnh-Túc, Thiện-Thệ, Thế-Gian-Giải,
Vô-thượng-Sĩ, Điều-ngự, Trượng-phu, Thiên-Nhơn-Sư, Phật, Thế-Tôn. Khi
dịch ra tiếng Việt thì rất dễ hiểu.
Mỗi người
trong chúng ta có một cái thấy, một quan niệm về Phật khác nhau. Có
một môn học chuyên học về Phật đó là Phật Thân Quán. Có nhiều
người tưởng Phật là một ông thần, một đấng tạo hóa đó là một quan
niệm về Phật của người đời.
Phật Thân
Quán:
Phật là ai? Từ đâu đến? Bây giờ đi đâu rồi? Làm sao tiếp xúc được
với Phật? Những thứ nầy thuộc về Phật Thân Quán. Chúng ta là những
người tu tập theo pháp môn của Phật. Trước hết chúng ta xem Phật là
một vị Thầy tu, Bổn sư. (Nam mô đức Bổn sư). Điều nầy rất đúng, vì
là một vị Thầy dạy cho các loài Người và Trời (Thiên-Nhơn-Sư, là một
trong 10 danh hiệu của đức Phật).
Có nhiều
người cho Phật là một ông Trời sáng tạo ra vũ trụ, ở trên mây nên
mình chỉ có hướng về lạy. Nếu mình cầu xin thì Phật sẽ ban phước
lành cho mình. Khi mình cầu xin vị Phật trên cao ban phước lành thì
Phật không còn là một vị Thầy nữa, chỉ là một vị Thần linh mới có
quyền ban phước, che chở tai họa cho mình.
Thật sự Thầy
là một người chỉ đường cho mình đi, cho mình làm để diệt trừ những
khổ đau và đem lại hạnh phúc. Vì thế Phật là một vị Thầy quan trọng
nhất. Mình có thể nghĩ về Phật một cách khoa học. Một người được
sinh ra trên trái đất nầy vào khoảng 2.600 năm về trước, từ một dòng
họ gọi là Thích Ca (Sakya).
Là một người con trai đã lớn, đã lập gia đình và có một đứa con. Sau
đó không thỏa mãn với đời sống vương giả, vì thấy con đường làm vua
không giúp được gì cho mọi người, nên đi tìm con đường khác, một con
đường hướng về tâm linh. Sau đó đạt đến sự hiểu biết và thương yêu
lớn gọi là đại-từ, đại-bi, rồi trở thành một vị Thầy đi dạy
trong 45 năm. Trong số học trò của Ngài có những vị vua, những vị
đại thần, những danh nhân, những công nhân đến những người đổ phân
đổ rác. Học trò của Ngài đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Sau đó Ngài
nhập diệt khi Ngài 80 tuổi.
Đó là đức
Phật về lịch sử. Chúng ta có nhiều tư liệu để tìm hiểu về cuộc đời
của Ngài. Những gì Ngài nói, làm đều được ghi chép lại rất là khoa
học, là lịch sử có chứng cớ rõ ràng, không phải thần linh. Trước hết
Phật là một con người, một con người có sinh ra và có chết đi, đó là
quan niệm rất quan trọng.
Một câu hỏi
được đặt lại là sau khi đức Phật chết rồi có còn gì nữa hay không?
Hoặc chết là hết? Ngay trong thời gian đức Phật còn sống, có một nhà
triết học ngoại đạo tới hỏi vị đệ tử tên là A Na Luật Đà: Bạch thầy,
xin thầy cho tôi biết : một là, sau khi Phật chết rồi, Phật vẫn còn?
hai là, sau khi chết đức Phật không còn? ba là, vừa còn vừa không
còn? bốn là, vừa không còn vừa không không còn? Xin thầy nói cho rõ.
Nhà triết học ngoại đạo đó đã buộc ngài A Na Luật Đà phải nói cho
dứt khoát. Từ thời đó đã có rắc rối rồi. Đây là lối suy tư của Ấn Độ
thời đó, cái gì cũng nằm trong bốn mệnh đề đó, gọi là tứ cú.
Thầy (A Na
Luật Đà) trả lời rằng: Đức Thế Tôn chưa bao giờ giảng dạy hay nhìn
sự vật qua bốn mệnh đề đó. Thầy A Na Luật Đà từ chối không chọn một
trong bốn mệnh đề để nói. Khi ấy các nhà ngoại đạo nghĩ rằng ngài A
Na Luật Đà chắc là mới tu chưa biết triết lý sâu xa, hoặc là ông nầy
thiếu thông minh nên không nói tiếp. Thầy A Na Luật Đà vừa đi vừa
suy nghĩ rằng nếu lần sau họ có hỏi thì trả lời sao cho hay hơn và
đúng với ý của Phật, chi bằng đến gặp Phật và hỏi thẳng. Và Thầy đến
gặp Phật và kể lại chuyện. (Nếu muốn biết Phật trả lời như thế nào
thì xin xem Thiền môn Nhật tụng 2000)
Trong Sám
Pháp Địa Xúc là một pháp sám rất đặc biệt của Làng Mai, và chùa
Bát Nhã cũng có thực tập. Bài sám đầu tiên là tiếp xúc với Phật như
một con người lịch sử cách đây 2.600 năm và tiếp xúc với Phật bây
giờ. Vì theo giáo lý của đức Thế Tôn thì: Không có cái gì có
mà có thể trở thành không; và cũng không có cái gì không
trở thành có được. Bởi vì đức Thế Tôn đang tiếp tục dưới một
dạng, một hình thức nào đó và mình phải tìm cho ra được để tiếp xúc
với đức Thế Tôn ngay bây giờ và ở đây. Thì bài đầu của Sám Pháp Địa
Xúc là liên hệ, tiếp xúc được với đức Thế Tôn. Dưới hình thức mới
của Ngài, bởi vì Ngài chưa bao giờ từng có mà trở thành
không được. Ngài đang có và có dưới một cái dạng nào, mình phải
tiếp xúc cho được.
Cũng như đám
mây trên trời, hôm qua thấy đó mà nay không còn nữa, vậy thì đám mây
còn hay không còn? Khi rót trà trong niệm thì thấy rằng đám mây đang
có trong trà, tuy khi ấy đám mây không còn là đám mây nữa, nhưng
không có nghĩa là nó đã mất, đám mây trở thành nước trà, nhìn vào
trong trà thì thấy đám mây và khi uống trà trong niệm thì thấy mình
đang uống mây. Đây không phải lần đầu mình uống mây mà mình đã uống
mây cả đời, trong người mình có hơn 70% là mây. Mây tức là nước, vì
vậy mây ở trên trời và mây cũng đang ở trong mình. Khoa học nói rằng
có một hợp chất hóa học gọi là H2O.
Và cái thứ đó khi thì biểu hiện thành mây, khi thành sương, khi
thành mưa, khi thành nước đá hay tuyết. Vì vậy khi mình không thấy
mây nữa thì đừng nói rằng không có mây, mà nó đang biểu hiện ở một
dạng khác.
Vậy thì đức
Thế Tôn đã có mặt trong mình như một con người lịch sử, và đức Thế
Tôn vẫn tiếp tục dưới một cái dạng khác. Và bây giờ đức Thế Tôn dưới
hình thức một vị Thầy của 2.600 năm về trước. Mình niệm được như vậy
thì mình đã thành công.
Ngày xưa
Ngài thể hiện là một người đàn ông nhưng tất cả đều vô thường. Và
ngày nay Ngài có dạng dưới một hình thức khác mà mình phải tiếp xúc
cho được. Thì đó là bài tập đầu trong Sám Pháp Địa Xúc. Hãy tìm đọc
và khi lạy xuống mà mình tiếp xúc được với đức Thế Tôn, thì rất hạnh
phúc và an vui, vì mình đã có đức Thế Tôn trong giây phút hiện tại
và mình sẽ có cảm tưởng rằng mình không còn cô độc nữa, mình đã được
bảo hộ và che chở.
Đó gọi là
niệm Phật, một trong bốn pháp Tùy niệm. (tiếng Phạn là Ano Smrti).
Đem Phật vô trong giây phút hiện tại để mình sống với Phật. Có nhiều
cách niệm Phật ví dụ lấy cuốn Đường Xưa Mây Trắng ra đọc, đó cũng là
niệm Phật. Vì cuốn sách đó giúp mình có cảm tưởng rằng mình đang
sống, tiếp xúc với Phật của 2.600 năm về trước. Vì vậy đọc
Đường Xưa Mây Trắng là một hình thái niệm Phật. Và đọc cho cha mẹ
nghe, như vậy là cha, mẹ, con đang niệm Phật. Nếu Đường Xưa Mây
Trắng được dựng thành phim thì mình mời cha mẹ đi xem, cũng là niệm
Phật. Bởi vì Phật đang có mặt trong giây phút hiện tại, là
như vậy. Mình nên tiếp xúc cho được với bản chất, chứ không phải
danh hiệu của Phật. Niệm danh hiệu cũng hay, nhưng làm sao mình phải
đi vào được trong nội dung của Phật.
Sám Pháp
Địa Xúc
là tác phẩm tôi viết vào khóa an cư kiết đông ở Làng Mai. Mình có
cảm tưởng rằng khi viết cuốn sám nầy mình đang tiếp xúc với đức Thế
Tôn, hai thầy trò đang thủ thỉ với nhau rất thân mật. Sám Pháp
Địa Xúc rất hay, không phải mình là tác giả rồi mình tự khen,
hay tự kết tội và tha tội. Vì trong đó là một cuộc tâm tình của mình
với đức Thế Tôn. Mình nói lên những điều vụng về dại dột của mình,
và hứa với đức Thế Tôn là về sau không làm nữa. Vì vậy khi Sám
Pháp Địa Xúc được dịch sang tiêng Anh thì những nhà xuất bản đặt
tên là:
Intimate Conversations with the Buddha
tức là:
Nói chuyện tâm tình với đức Thế Tôn. Nói chừng một trang thì
mình lạy xuống, rồi tiếp tục. Nên khi đọc xong cuốn Sám Pháp Địa
Xúc, mình có thể trở thành một con người mới. Rất hữu hiệu, mình
sẽ thay hình đổi dạng và khỏe hơn.
Buổi sáng
khi mình ngồi thiền xong thì nên đứng dậy thực tập Sám Pháp Địa
Xúc trước khi ngồi xuống tụng kinh. Chỉ cần thực tập một chương
thôi cũng đủ, đọc khoảng 3 phút, mình nói chuyện tâm tình với Phật,
hứa và lạy xuống ba lạy. Ba lạy cho thật lâu, mỗi lạy ít nhất là 3 hơi
thở. Trong khi năm vóc sát đất thì mình hứa hẹn với Ngài rằng mình sẽ
làm đúng theo những lởi mình đã hứa.
Bài tùy
niệm đầu tiên là niệm Phật, theo truyền thống thì muốn tiếp xúc với
Phật thì nên tiếp xúc với mười danh hiệu của Ngài. Mười đặc sắc của
một vị Phật. Chữ Phật (Bụt) có nghĩa là thức dậy, là tỉnh dậy, là
biết không còn mê ngủ nữa và biết những gì đang xẩy ra. Buddha là
người tỉnh thức, hiểu biết. Còn Tổ Lâm Tế gọi là Người Vô Sự. Đạo
dạy tỉnh thức là Buddhism,
gốc của nó là chữ Bụt. Ngoài Trung Quốc và Việt Nam ra, tất cả các
nước khác đều gọi là Bụt như Nhật, Lào, Tích Lan v.v... Chỉ có người
Việt mình vào thế kỷ 13 trở đi thì gọi Bụt là Phật thôi, vì ảnh
hưởng Trung Quốc. Thật ra trước đó mình cũng gọi là Bụt như các nước
khác. Ngay cái đời vua Trần Nhân Tông vẫn gọi Buddha là Bụt. Vì
vậy bây giờ mình gọi Bụt trở lại cũng không có gì là mới, đó là trở
về với gốc cũ mà thôi. Mình có thể định nghĩa Bụt là một con người
có chất liệu của Niệm, Định và Tuệ. Đây là ba loại năng lượng mà
người tu cần phải chế tác. Khi ba loại năng lượng đó hùng hậu trong
con người của mình, thì gọi đó là Bụt. Nơi đức Thế Tôn thì ba loại
nầy đi tới một mức độ rất hùng hậu. Còn nơi chúng ta cũng có nhưng
có rất ít (Niệm-Định- Tuệ).
Hôm qua
mình đã bắt đầu về Niệm. Đây là năng lượng giúp mình tiếp xúc được
với hiện tại, biết cái gì đang xẩy ra trong lãnh vực: thân, cảm thọ,
tâm và các hiện tượng, đối tượng của tri giác chính mình. Khi lực
lượng Niệm hùng hậu thì bắt đầu có Định. Ví dụ như mình đem tâm chú
ý tới một bông hoa thì gọi là niệm hoa. Biết rằng bông hoa đang có
mặt. Nếu cái niệm đó được duy trì thì mình có định. Định có nghĩa là
chỉ chú tâm vào một cái, khi sự chú tâm đó hùng hậu rồi thì mình có
định. Năng lượng của niệm sẽ chuyên chở năng lượng của định. Hai
năng lượng nhưng cùng một bản chất, duy trì niệm cho lâu dài thì
định phát sinh. Khi có định rồi thì mình có thể nhìn sâu vô được và
có thể chọc thủng được bức màn của vô minh. Và mình sẽ thấy đuợc sự
thật. Ví dụ khi làm toán mình để ý và chú tâm vào bài toán, khi sự
chú tâm vững rồi thì mình tìm được đáp số của bài toán. Tìm ra đáp
số là tuệ. Vì vậy khi định hùng hậu rồi thì tuệ phát sinh từ trong
định. Trong niệm có định, trong định có tuệ. Khi mà tuệ lớn thì sinh
ra tình thương lớn. Đại trí sinh ra đại bi. Bụt là người có đại trí
và đại bi (hiểu biết lớn, đưa đến sự thương yêu lớn. Không hiểu thì
không thương). Bụt là con người có ba loại đó: Niệm, Định và Tuệ.
(Smrti - Samadhi - Prajna).
Người tu
phải mỗi ngày chế tác ba cái năng lượng nầy. Hể một người có đủ ba
năng lượng nầy thì người đó là Bụt. Vì Niệm, Định và Tuệ là
chất thánh mà mình có thể chế tác được. Còn những cái tham, sân, si,
buồn khổ đó là chất phàm. Mình có chất phàm, nhưng mình cũng có chất
thánh, nếu mình đi từng bước chân có chánh niệm, có định, có an lạc
hạnh phúc là mình đang chế tác chất thánh trong mình. Đừng mặc cảm,
chất thánh và chất phàm nương vào nhau mà có. Cũng như bùn với sen,
sen phải có bùn mới mọc lên được. Từ phàm đi tới thánh, từ sự quên
lãng, đam mê lo lắng mình sẽ đi đến Niệm, Định và Tuệ, Từ Bi đó là
hướng về chất thánh, hướng thượng. Người tu là phải cố gắng đi lên,
cố gắng chế tác chất thánh cũng như dùng rác để trồng rau. Chất phàm
sẽ giúp ta chế tác chất thánh (rác ủ thành phân để bón rau).
Chúng ta
thuộc về thiền phái Lâm Tế. Tổ Lâm Tế sống ở đời Đường và đã có hơn
40 thế hệ. Thầy là thế hệ thứ 42. Tổ Lâm Tế có một quan niệm về Bụt
rất rõ ràng (Phật Thân Quán rõ ràng). Phật là con người,
ngoài con người không thể tìm ra Phật. Nếu muốn tìm và thấy Phật thì
phải tìm nơi con người. Cho nên có giáo lý gọi là: Phật sinh-bất
nhị. Phật và con người không phải là hai thực thể riêng biệt
(Phật và chúng sinh không phải là hai). Điều kiện căn bản để thành
Phật là con người. Khi thành Phật rồi thì mình vẫn là con người, một
con người có chất thánh. Đó là quan niệm về Phật rất khoa học, không
mê tín. Khi đi được những bưóc chân có Niệm - Định - Tuệ, có an lạc
thảnh thơi thì biết rằng trong con người của mình có chất Phật. Và
mình đang tiếp nối đức Thích Ca, với Thầy mình, với đức Bổn Sư. Phần
tiếp xúc với Bụt không phải là chuyện khó. Một tăng đoàn đang thực
tập có hạnh phúc tức là có Bụt ở trong. Còn một tăng đoàn không có
Niệm - Định - Tuệ có thể chỉ là hình thức mà không có nội dung. Một
tăng đoàn mà trong đó có những người biết thực tập Niệm - Định - Tuệ
thì trong Tăng có Phật, có Pháp. Tam bảo là ba viên ngọc quý, và ba
viên ngọc đó không hề tách rời nhau. Trong một cái có hai thứ kia,
Phật luôn phải có Tăng, khi thành Phật thì phải xây dựng Tăng thân,
Tăng thân rất quan trọng. Tăng thân là nơi nương tựa của con người
để người ta tới tu. Thành ra nếu ai thành Phật thì phải xây dựng
Tăng thân. Cho nên khi Bụt giác ngộ dưới cội Bồ đề thì Bụt đi xây
dựng yếu tố đầu tiên là Tăng thân. Tức là năm người bạn tu khổ hạnh
ngày xưa: Kiều Trần Như, Ca Diếp, A Nan…
Hể có Phật
là có Tăng, Phật luôn muốn xây dựng Tăng để mọi người được nương
tựa, và nếu có Tăng là có sự thực tập, mà sự thực tập đó là Pháp. Vì
vậy trong chân Tăng có chân Phật và chân Pháp. Một đoàn thể tu học
mà không giữ giới, không uy nghi, không chánh niệm thì không phải là
chân Tăng. Tuy bề ngoài là Tăng nhưng không gọi là Chân Tăng
(True Sanga). Muốn biết đoàn thể là chân tăng hay không chỉ cần nhìn
thấy họ có chánh niệm, chánh định và từ bi hay không? Mặc dù có ít,
nhưng ít ra cũng có. Có biết giải quyết vấn đề bằng trí tuệ hay
không? Hay là chỉ biết giải quyết theo sự buôn vui của mình. Khi
thấy đoàn thể đó có chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, có
định lực, có năng lượng tập trung thì chúng ta biết rằng đoàn thể đó
có: Niệm - Định và người ta sẽ phát khởi niềm tin liền. Tăng đoàn là
chân Tăng chỉ khi họ có niệm và định, còn nếu không thì không phải
là chân Tăng. Chân Tăng tức là có Phật, vì vậy trong Tăng có Phật và
có Pháp. Pháp ở đây không phải chỉ là các bài pháp, các quyển kinh.
Mà pháp đây là sự linh động. Khi ngồi với niệm và định, tuy không
nói gì nhưng kỳ thực đó là pháp. Nhìn vào, người ta sẽ thấy kính
phục và quy y liền. Có niệm, định thì sức mạnh tinh thần sẽ tỏa ra,
đó là Pháp. Pháp sinh động không phải pháp nói và pháp viết, mà là
pháp sống. Chỉ cần nhìn một người có an lạc, thảnh thơi có niệm và
có định thì đây là một bài pháp rồi. Đây mới thực sự là một bài
pháp, một bài thuyết pháp không lời. Pháp đó mới thật là pháp sinh
động. Nói năng có chánh niệm, có từ bi, hay làm việc trong chánh
niệm, thì đó là một bài thuyết pháp rồi.
2) Niệm
Pháp
Bây giờ
sang niệm Pháp: Diệu pháp của đức Thế Tôn là thiện thuyết,
có nghĩa là pháp được diễn bày một cách khéo léo. Nếu trình bày một
cách vụng về thì không phải là giáo pháp, vì người ta không thể tiếp
nhận được, bởi vì họ không hiểu. Cũng một giáo pháp đó mà nói với
trẻ em thì phải nói khác; nói với những doanh thương thì phải nói
khác; với những người khoa học thì phải nói một cách khác. Có nghĩa
là phải trình bày giáo pháp cho có khế cơ, tức là phải thích hợp với
tâm lý, hoàn cảnh và khả nang tiếp nhận của từng thành phần. Thì đó
là pháp thiện thuyết. Thiện thuyết là phương pháp trình
bày một cách khéo léo và thông minh để thích hợp với mọi người. Nếu
người nghe không tiếp nhận được thì mình thất bại. Thành ra pháp
không thể cố định. Ngôn ngữ và cách trình bày phải khéo léo, thích
hợp với người nghe.
Giáo pháp
của đức Thế Tôn là hiện thân thọ chứng. Hiện thân là với
kiếp nầy, sinh mạng nầy trong giây phút hiện tại, mình có thể tiếp
nhận và kinh nghiệm. (Thọ là tiếp nhận, chứng là trải qua là kinh
nghiệm. Không cần kiếp sau, thân khác mà là ngay kiếp nầy, ngay cái
thân mệnh nầy). Không cần giải thích mà là trực tiếp kinh nghiệm.
Giáo pháp
của đức Thế Tôn là: xa lìa nhiệt náo. Là những cơn sốt do sự
giận hờn, tuyệt vọng, bức xúc gây ra. Mình đang có những cơn giận,
tuyệt vọng bức xúc, tham đắm, say mê, thèm khát đó là những cơn sốt
đốt cháy. Giáo pháp của đức Thế Tôn sẽ dập tắt ngọn lửa của những
cơn sốt đó.
Trình bày
giáo lý, giáo pháp như thế nào để có thể dẹp được những cơn giận,
thèm khát, tuyệt vọng của người nghe. Khi họ đang trong cơn sốt mà
mình đem được giáo pháp của đức Thế Tôn rưới lên, để làm dịu lại tâm
hồn của người nghe. Đây là công năng của pháp ngay trong giây phút
hiện tại.
Giáo pháp
của đức Thế Tôn còn vượt thoát thời gian, tiếng Hán-Việt là
bất quán thời nhật. Có nghĩa là không tinh đến thời gian, nó
có hiệu năng ngay lập tức.
Nếu đem áp dụng vô thì nó có hiệu quả tức thời, không cần đợi đến
5-7 năm. Cũng như phương pháp thở của mình khi thực tập thiền đi,
nếu chúng ta thực tập đúng thì sẽ làm dịu lại cái tâm mình ngay lập
tức. Nếu mình nắm được pháp môn rồi thì chỉ cần bước một bước là cảm
thấy vững chải, thảnh thơi và an lạc liền, và trạng thái đi như bị
ma đuổi sẽ chấm dứt liền. Giáo pháp của đức Thế Tôn có hiệu năng tức
thời, miễn là mình biết phương pháp áp dụng thì sẽ thấy có sự thư
giản liền. Cần phải nắm cho vững, áp dụng cho khéo là được. Khi nghe
tiếng chuông, chấm dứt suy nghĩ và nói năng, trở về với hơi thở thì
sẽ thay đổi liền.
Giáo pháp
của đức Thế Tôn là đến để mà thấy có nghĩa là khi nghe không
kể lại được. Mình phải tiếp xúc trực tiếp mới cảm nhận được sự vi
diệu. Nhờ người nói lại cũng không thành công.
Giáo pháp
của đức Thế Tôn có khả năng dẫn đạo đi lên, có nghĩa là có
khả năng hướng thượng, đưa mình đi lên, như máy bay đưa mình đi lên
bỏ lại sau lưng những hệ lụy, buồn khổ, những ràng buộc, phiền nảo.
Nếu đó
đích thực là chân pháp thì có khả năng dẫn đạo đi lên, chứ không đưa
mình đi vòng quanh. Mà giáo pháp của đức Thế Tôn là phải tự mình
thông hiểu, chứ người khác không giúp mình được.
Trong bài
tùy niệm: Diệu Pháp của đức Thế Tôn, con đường mà chúng con nguyện
đi theo là giáo pháp đã được nhiệm mầu tuyên thuyết; có nghĩa là
thiện thuyết. Là giáo pháp có thể chứng niệm được ngay trong giờ
phút hiện tại hiện thân thọ chứng. Là giáo pháp có giá trị
vượt thoát thời gian. Là giáo pháp mà mọi người có thể đến và tự
thấy. Là giáo pháp có công năng dẫn đạo đi lên. Là giáo pháp có công
năng dập tắt phiền não, xa lìa khổ não; là giáo pháp mà người trí
nào cũng có thể tự mình thông đạt. Chúng ta có tâm phán xét, có trí
tuệ, ai cũng có thể tự mình thông đạt và niệm pháp như vậy là một
tuỳ niệm. Niệm Phật là một tuỳ niệm. Có Phật có Pháp
trong từng giậy phút của cuộc đời là mình có hạnh phúc.
Thứ ba là:
Tuỳ niệm Tăng.
Tăng là một đoàn thể cùng tu học. Trong đó có
các thầy, các sư cô, các vị cư sĩ tu hành và giữ giới đàng hoàng.
Biết thở biết nhận diện những cái buồn bực để chuyển hóa hóa. Biết
nói lời ái ngữ và lắng nghe với tất cả tấm lòng từ bi, đó là Tăng.
Không ai mà không cần đến Tăng, dù một người tu lâu như Thầy đã hơn
60 năm rồi, mà vẫn cần đến Tăng. Quy y Tăng thì mình đuợc che chở
bảo hộ và cái năng lượng của Tăng sẽ giúp đỡ mình. Vì vậy phải trở
về với Tăng. Và người Phật tử muốn đi theo con đường giải thoát và
giác ngộ, thì nên trở về nương tựa với Tăng. Chúng con nguyện một
lòng trở về với Tăng Thân, xin quy y Tăng già da.
Nếu mình
có buồn Sư Ông, giận Sư chị, Sư em thì chỉ đi vài ba ngày thôi rồi
phải niệm Tăng và trở về với Tăng Thân.
Thứ tư là: Tuỳ niệm Giới.
Niệm giới rất là hạnh phúc, bởi vì giới sẽ bảo
hộ cho mình… Ngày mai sẽ học tiếp…
☺☺☺
Xem
tiếp>>
|