PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tớichết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Doanh nhân và đất mẹ (1)

  • Tháng 12.2008 - Chân Tịnh Không phiên tả & biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày
    24.05.2008 tại Palm Garden Resort - Hội An
    [Chân Minh hiệu đính và cập nhựt 22.12.2008]
  • Xem Bản tin trên Lao Động Online
     

Kính thưa quí vị.

Khi nghe tiếng chuông, chúng ta ngưng nói để nghe, ngưng suy nghĩ và trở về với hơi thở, để tiếng chuông thấm vào trong hơi thở của chúng ta. Tiếng chuông là tiếng gọi của Phật đưa chúng ta về, có mặt với giây phút hiện tại.

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhứt tâm.

Kính thưa quí vị.

Ngày xưa, trong thời Phật còn tại thế, có một người thương gia tên là Anathapindika, Cấp Cô Độc thường hay tới nghe Ngài thuyết pháp mỗi nửa tháng một lần. Và chính vị thương gia này đã cúng dường cho Đức Thế Tôn một sở đất để Ngài làm tu viện, gọi là tu viện Cấp Cô Độc. Người đã đem thì giờ và tiền bạc của mình chia sẻ với những người thiếu thốn, cô độc ở trong nước của ông. Thật ra tên của ông là Sudatta danh hiệu Cấp Cô Độc – Anathapindika là do dân chúng họ thương, họ đặt cho ông. Người cấp dưỡng cho những người cô đơn, khổ đau.

Ngay lần đầu tiên gặp Đức Thế Tôn ở thành Vương Xá ông đã biết rằng đây là Thầy của mình và hết lòng cầu Đức Thế Tôn về nước Xá Vệ của ông để giảng dạy. Trong lúc đó Đức Thế Tôn đang ở nước Vương Xá và Ngài bằng lòng. Ông Cấp Cô Độc về chuẩn bị kiếm đất dâng cúng lên Đức Thế Tôn để làm một trung tâm tu học. Ông có một người vợ và ba đứa con. Hai người con gái và một người con trai. Cả gia đình đều tu tập và có hạnh phúc. Người con trai của ông lúc đầu không  muốn đi chùa, rất là ham chơi, cứ đòi tiền để đi chơi thôi. Có hôm ông giả bộ mệt rồi nhờ người con trai đi dự ngày quán niệm. Ông nói rằng: này con, hôm nay ba mệt quá, ba đi không được, ba rất là tiếc, ba không muốn bỏ một bài pháp nào của Đức Thế Tôn hết, con đi dùm ba đi. Con không cần nghe hết, con chỉ cần nhớ một câu thôi, về nói lại cho ba, ba sẽ cho con một ngàn đồng. Coi như con nít thường thích có tiền để xài, quí vị cũng biết điều đó. Và đó cũng là phương tiện huyền xảo của ông. Đứa con trai của ông nghĩ rằng: dễ quá, chỉ cần tới nghe một câu, rồi mình đi ra ngoài chơi, về nhà lập lại câu đó thì được một ngàn đồng rồi. Không ngờ tới nghe rồi có cảm tình với Đức Thế Tôn, ngồi nghe rất lâu và thương Đức Thế Tôn. Sau đó về nhà được ba trả tiền, mắc c quá và không lấy. Vì vậy cho nên cả ba đứa con đều tu tập theo ông và gia đình ông là một gia đình có hạnh phúc.
 

Hiện pháp lạc trú

Có một lần ông Cấp Cô Độc đem năm trăm vị thương gia tới tu viện để thăm Đức Thế Tôn. Hôm đó Đức Thế Tôn đã dạy một bài học, một phương pháp thực tập gọi là hiện pháp lạc trú, sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Đức Thế Tôn là một nhà tâm lý học đại tài Ngài biết các thương gia hay nghĩ tới chuyện tương lai, đến sự thành công của mình và ít có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Đầu tư tất cả cho tương lai, thì giờ cũng như tâm lực. Sự thành công thu hút các thương gia, cho nên các thương gia không có thì giờ để tự chăm sóc cho mình, cho gia đình và con của mình. Hy sinh hiện tại cho tương lai và nghĩ rằng tương lai phải thành công thì mới có hạnh phúc thật sự. Đức Thế Tôn thấy được điều đó, vì vậy trong bài giảng Đức Thế Tôn có nói rằng: này các vị, các vị có thể sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, không cần phải đợi đến tương lai mới có thể có an lạc và hạnh phúc. Danh từ đó dịch ra tiếng Hán là hiện pháp lạc trú. Vốn từ tiếng Phạn là ditthadamma sukhavihara. Có nghĩa là sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong bài kinh đó, tôi nhớ là Đức Thế Tôn đã lập lại cụm từ hiện pháp lạc trú năm lần.


Sư Ông hái mận cho bé ở xóm Hạ - Làng Mai mùa hè 2008 (photo D. Nelson)

Chúng ta biết rằng giáo lý hiện pháp lạc trú rất là quan trọng trong sự giảng dạy và thực tập của Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn không muốn mình treo hết tất cả hy vọng vào tương lai. Đức Thế Tôn muốn mình có mặt ngay trong giây phút hiện tại, tiếp xúc với những mầu nhiệm, sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại nó có những mầu nhiệm của sự sống, nó sn có những điều kiện của hạnh phúc. Nếu trở về với giây phút hiện tại, nhận diện được những điều kiện hạnh phúc thì có hạnh phúc liền lập tức, không cần phải đi về tương lai mới có hạnh phúc. Khi ngồi mình cũng có hạnh phúc. Khi đi mình cũng có hạnh phúc. Khi nằm mình cũng có hạnh phúc. Khi chải răng mình cũng có hạnh phúc. Khi giặt áo mình cũng có hạnh phúc. Khi rửa bát mình cũng có hạnh phúc. Đó là cả một nghệ thuật sống, sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.

Cố nhiên là mình có quyền lo cho tương lai. Cố nhiên mình có bổn phận thiết kế tương lai. Nhưng mình vẫn có thể an trú trong giây phút hiện tại và đặt kế hoạch cho tương lai. Không cần phải đánh mất mình trong lo lắng, sợ hãi về tương lai. Đức Thế Tôn không cấm chúng ta thiết kế cho tương lai, lập kế hoạch cho tương lai. Nhưng Đức Thế Tôn muốn rằng chúng ta phải thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại. Đem tương lai về hiện tại để nghiên cứu và lập kế hoạch, mà không tự đánh mất mình trong lo lắng, sợ hãi, bồn chồn về tương lai. Có hai cái khác nhau, một là thiết kế cho tương lai, hai là lo lắng bồn chồn sợ hãi về tương lai. Ngài không muốn cái thứ hai.

Điều này cũng đúng cho quá khứ. Đức Thế Tôn nói rằng: đừng đánh mất mình trong tiếc thương, hối hận về quá khứ. Để cho quá khứ trở thành ngục tù cho mình. Những người bị ngục tù quá khứ giam giữ không có khả năng sống được trong giây phút hiện tại. Vì vậy phải đập vỡ cái ngục tù quá khứ, để có thể có tự do sống trong giây phút hiện tại. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình không được phép học hỏi từ quá khứ. An trú ngay trong giây phút hiện tại, đem quá khứ trở về hiện tại để nghiên cứu và mình có thể học được rất nhiều từ bài học quá khứ. Thành ra vấn đề không phải là không được nghĩ tới quá khứ. Mình có thể nghiên cứu quá khứ, học hỏi từ quá khứ. Điều Đức Thế Tôn căn dặn là đừng tự đánh mất mình trong tiếc thương, hối hận về quá khứ. Để cho quá khứ trở thành ngục tù giam hãm mình. Vì vậy, giáo pháp hiện pháp lạc trú rất quan trọng. Tiếc thay ở nhiều chùa chúng ta không được học. Chúng ta treo hy vọng của chúng ta vào một tương lai. Tương lai đó có thể là niết bàn, hay là cực lạc thế giới, hay là cõi trời. Nơi đó chúng ta phải gánh chịu khổ đau mà chúng ta đang gánh chịu ở trong giây phút hiện tại. Điều đó rất sai với giáo lý của Đức Thế Tôn. Ngài dặn rằng các vị có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại. Sự thực là vì sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại thôi - Life is available only in the present moment. Ngài nói như thế này: quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới. Chỉ có giờ phút trong đó ta có thể sống thật sự, đó là giây phút hiện tại. Cho nên mỗi bước chân, mỗi hơi thở đều có thể đem tâm của chúng ta về với thân. Để chúng ta có thể thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại, sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày. Chúng ta cần được nuôi dưỡng, cần được trị liệu. Chúng ta cần phải có không gian để nuôi dưỡng, để trị liệu thì mới có thể đi xa được.

Hôm trước có một thương gia lái xe chở tôi đi chùa. Tôi hỏi ông: anh có được mỗi ngày bao nhiêu giờ đồng hồ không dùng điện thoại. Ông trả lời: dạ không, con không có giờ nào không có điện thoại hết. Tại vì con có quá nhiều công việc. Điện thoại của con mở suốt ngày, suốt đêm. Ai trong chúng ta mà không có quá nhiều công việc. Trước đó tôi có gặp một vị thương gia khác. Ông nói với tôi rằng mỗi ngày ông có năm giờ đồng hồ không có điện thoại. Giờ đó là giờ của ông. Những người thân của ông biết và không gọi điện thoại cho ông vào giờ đó. Giờ đó là không gian, thời gian của ông để ông dùng, để ông tự nuôi dưỡng, tự trị liệu. Để ông còn có thể là ông mà tiếp tục đi tới. Tôi đã nói với vị thương gia lái xe cho tôi đi chùa: nếu ông không có thì giờ cho riêng ông, thì ông không thể nào tự bảo hộ ông được. Ông sẽ đánh mất ông trong một thời gian ngắn. Bây giờ ông nghĩ là những lúc mệt mỏi, ông chỉ cần đánh tennis một giờ đồng hồ. Sau đó ông mệt nhoài, và đi tắm rồi sẽ khỏe. Cái đó có thể có hiệu năng bây giờ. Nhưng một ngày nào đó, trong khi đánh tennis, ông cũng không thể nào quên được công việc của ông. Nó xâm chiếm, đi vào trong giờ đánh tennis và nó đi vào trong giấc ngủ của ông. Ông phải lo cho ông ngay từ bây giờ. Cho nên trong những buổi gặp nhau như thế này, tôi không muốn nói lý thuyết. Tôi chỉ muốn đề nghị với quí vị một vài phép thực tập, để quí vị có thể tự nuôi dưỡng, tự bảo hộ lấy.

 

Quán niệm hơi thở

Để có thể đi xa mà không bị đứt gánh nửa chừng. Khi ngồi, mình tập ngồi như thế nào để có hạnh phúc trong khi ngồi, dầu là ngồi trong phi trường chờ chuyến bay. Khi ngồi ở trong xe lửa cũng vậy, đừng có nôn nao cho mau tới. Tại vì nôn nao nó cũng vậy thôi. Nó cũng từng đó giờ mới tới. Thành ra học ngồi trên xe lửa như thế nào để có thảnh thơi, có an lạc. Đức Thế Tôn được người ta tạc tượng ngồi trên một đoá sen. Ngồi trên đoá sen có nghĩa là gì? nghĩa là ngồi rất thảnh thơi, rất nhẹ nhàng, rất tươi mát, gọi là an tọa, ngồi mà có bình an trong con người của mình. Chúng ta ngồi có bình an không? hay là có những bồn chồn, những hối thúc trong người của mình. Chúng ta ngồi không yên. Đức Thế Tôn ngồi trên một tòa sen, còn chúng ta ngồi trên một đống lửa. Vì vậy chúng ta phải học cách ngồi của Đức Thế Tôn. Ngồi ở đâu, dầu là ở trên bãi cỏ, trong xe hơi mình cũng có thể ngồi được an lạc, hạnh phúc. Ngồi là một nghệ thuật, mình cần phải học ở Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn là người biết ngồi, ngồi ở đâu cũng có hạnh phúc, dầu là ngồi trên một phiến đá, hay trên gốc cây, rễ cây.

Trong người chúng ta có những căng thẳng, có những dồn nén, có thói quen, có tập khí thúc đẩy. Thành ra chúng ta không có khả năng ngồi yên. Cho nên ngồi yên là một nghệ thuật cần phải học. Đứng về phương diện điều phục thân tâm, Đức Thế Tôn có dạy rằng: khi ngồi xuống, mình có thể để ý tới hơi thở. Khi thở vào, mình biết rằng mình đang thở vào. Khi thở ra, mình biết rằng mình đang thở ra. Khi chú tâm vào hơi thờ vào, mình nhận diện được đó là hơi thở vào. Khi chú tâm vào hơi thở ra, mình nhận diện đó là hơi thở ra. Đó là bài tập đầu tiên mà Đức Thế Tôn dạy trong kinh Quán niệm hơi thở. Thở vào, tôi biết đây là hơi thở vào. Thở ra, tôi biết đây là hơi thở ra. Nếu quí vị thực tập bài tập đơn sơ đó một hồi, quí vị sẽ thấy hiệu năng của nó rất là lớn. Bắt đầu mình chỉ nhận diện đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra để đừng lẫn lộn. Thở vào, đây là hơi thở vào. Thở ra, đây là hơi thở ra. Nếu chú tâm vào hơi thở vào thì chúng ta trở thành là hơi thở vào, tự nhiên thấy rằng mình đang còn sống. Người chết làm sao mà thở vào được. Trong khi thở vào mình có thể có giác ngộ là mình đang còn sống. Khi chết rồi thì dù cho muốn thở vào một hơi cũng không thở được. Thành ra khi thở vào có ý thức, mình xúc chạm tới một sự thật là mình đang còn sống – Breathing in, I know I am alive. Tôi đang thở vào và tôi biết rằng tôi đang còn sống. Mà đang còn sống là gì? đó là một phép lạ, một phép thần thông. Biết rằng mình đang còn sống, mình trân quí sự sống và mình mỉm cười với sự sống. Thở vào tôi biết rằng tôi đang còn sống, thở ra tôi mỉm cười với sự sống của tôi và người chung quanh tôi. Mình có thể thực tập như vậy trong khi ngồi. Thở vào tôi thấy có những căng thẳng trong thân, thở ra tôi buông thư những căng thẳng trong thân. Thở vào tôi thấy có những lo lắng trong tâm, thở ra tôi buông thư những lo lắng đó, buông bỏ những lo lắng đó. Hơi thở có công dụng rất là mầu nhiệm. Trước hết nó đưa tâm về với thân. Để cho thân tâm hợp nhất, để mình biết rằng cái thân có đó, mình đang còn sống đó. Và phải chăm sóc lấy cái thân của mình, nếu mình muốn đi xa.

 

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên

Khi ngồi thiền với đại chúng, -trong số đông đó có những người biết ngồi- năng lượng bình an của những người đó thấm vào trong cơ thể của mình. Và ngồi yên thành ra một việc dễ dàng hơn là mình tưởng. Còn nếu loay hoay một mình, cố gắng một mình thì khó hơn. Cho nên khi thực tập, có những người bạn cùng thực tập với mình thì bao giờ cũng dễ  hơn. Tôi đang ngồi trước mặt quí vị, trong người tôi không có sự căng thẳng. Tôi nghĩ rằng các thầy, các sư cô ngồi ở đây cũng vậy, không có sự căng thẳng. Chúng tôi đã học ngồi và chúng tôi ngồi mỗi ngày. Ngồi yên mỗi ngày coi như là một quyền lợi, một may mắn, một hạnh phúc. Thời buổi bây giờ ngồi yên, không làm gì hết, là một xa xí phẩm. Thời giờ là tiền bạc. Nhưng sự thật là mình phải biết ngồi, để có thể bảo hộ, giữ gìn và trị liệu cho mình. Trong giây phút hiện tại có những mầu nhiệm của sự sống, như là trời xanh, mây trắng, biển xanh, núi biếc. Có chim hót, có thông reo, có hoa nở, có những hiện tượng mầu nhiệm của sự sống mà mình tiếp xúc được thì mình được nuôi dưỡng, được trị liệu. Còn nếu tâm mình bị lo lắng kéo đi, bị công việc kéo đi thì tất cả những mầu nhiệm của sự sống đó không có mặt nữa. Không có sự sống. Vì vậy thở vào một hơi, trở về với giây phút hiện tại, nhận diện cái mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong ta và xung quanh ta. Hành động đó có công năng nuôi dưỡng và trị liệu cho mình. Ai trong chúng ta mà không cần được nuôi dưỡng và được trị liệu. Ta phải học cách tự nuôi dưỡng và trị liệu, để ta có thể nuôi dưỡng và trị liệu cho những người thương của ta.

Chắc quí vị có nghe chuyện về ông Frederick, nhà doanh thương người Đức. Ông là một nhà kinh doanh có tài và khá thành công. Ông rất được bà vợ yểm trợ - bà Claudia. Hai vợ chồng nghĩ rằng mình có một tương lai lớn và vợ đồng ý với chồng, thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn. Lúc ban đầu là như vậy, nhưng sau đó thì công việc lôi cuốn ông ta. Ông không có thì giờ cho ông, cho bà vợ và hai đứa con nữa. Ban đầu bà tìm cách để khuây khỏa trong việc học thêm, trong việc từ thiện, xã hội. Nhưng rốt cuộc rồi cũng không giải quyết được vấn đề cô đơn. Ông có thì giờ cho ông nhưng ông không có thì giờ cho bà. Có những đêm bà khóc, thì ông nói: em chịu khó đợi. Hiện bây giờ chưa có ai có thể thay thế cho anh được, anh là người duy nhất có thể cầm đầu một công nghiệp như vậy. Em phải chờ một thời gian, chừng nào anh kiếm được người thay thế trong mấy năm thì anh sẽ có thì giờ cho em và cho con. Khi đứa con trai của ông đi vô nhà thương, ông không có thì giờ để về. Claudia phải ở suốt đêm với đứa con ở trong nhà thương, rất là cô đơn. Ngay sau đó chính Claudia phải vô nhà thương, ông ta cũng không về được. Công việc nó đòi hỏi như một tên độc tài. Nó muốn chiếm hoàn toàn thì giờ và năng lượng của Frederick. Lời hứa của Frederick không bao giờ được thực hiện. Vì một năm sau đó, trong một tai nạn xe hơi, Frederick chết, để lại một bà vợ và hai đứa con. Lời hứa anh sẽ có thời giờ cho anh, cho em và cho các con chưa bao giờ được thực hiện. Quí vị có biết chuyện gì sẽ xảy ra không? chỉ trong hai ngày sau người ta tìm ra người thay thế cho Frederick, mà trước đó Frederick nói rằng không ai có thể thay thế mình được. Đó là một tiếng chuông mà ta phải thức dậy, vì ai trong chúng ta cũng có thể trở thành Frederick. Cho nên đừng làm như Frederick. Đừng để cho tên độc tài đó kéo mình đi.

Ước muốn thành công nơi chúng ta rất lớn, ai mà không muốn thành công. Chính chúng tôi là những người tu cũng muốn thành công. Chúng tôi có sự nghiệp và chúng tôi cũng muốn thành công với sự nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi muốn tiếp nối sự nghiệp của Đức Thế Tôn. Chúng tôi muốn đem giáo pháp của Đức Thế Tôn đi vào trong cuộc sống. Chúng tôi cũng có sự nghiệp, có rất nhiều chuyện làm và chúng tôi cũng ưa làm những chuyện đó. Nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi không để đánh mất chúng tôi được. Chúng tôi phải biết cái giới hạn của mình, phải tìm mỗi ngày để có thời giờ cho mình. Mỗi ngày phải có thời giờ để ngồi yên. Trịnh Công Sơn có nói: mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên. Không biết họ Trịnh có làm được không? Ngồi thật yên phải tập mới ngồi được, không phải dễ đâu.

Ông Nelson Mandela, tổng thống của Nam Phi. Năm đó ông đến thăm ông François Mitterrand báo chí có hỏi: Thưa Tổng thống trong đời sống hàng ngày, Ngài thích làm gì nhiều nhứt? Quí vị biết ông trả lời ra sao không? Cái tôi thích nhất là được ngồi yên, khỏi làm gì hết. Từ ngày tôi được thả ra từ trong tù, làm tổng thống cho đến bây giờ, tôi không có thì giờ để thở, tôi không có thì giờ để ngủ yên. Thành ra cái mà tôi thèm nhứt là được ngồi yên, khỏi làm gì hết. Đó là ông nói thiệt với báo chí Pháp. Khi tôi đọc tin đó trong báo, tôi suy nghĩ như thế này: Ông đừng có tưởng ngồi yên là dễ. Thí dụ người ta cho ông hai ba giờ đồng hồ chưa chắc là ông đã ngồi yên được, tại vì ông đã có thói quen làm việc, ngồi yên ông chịu không nổi. Ngồi yên là ông chết quay ra liền.

Quí vị có biết không? Ở bên Làng Mai và tất cả các tu viện của chúng tôi ở Âu châu và Mỹ châu. Mỗi tuần có một ngày gọi là ngày làm biếng - lazy day. Ngày đó không được làm gì hết. Mình phải tập làm biếng, tại vì có những người ghiền làm việc, không làm việc chịu không nổi. Những ngày hôm đó không có thời khoá. Nhưng ngày hôm đó rất là thanh tịnh, rất là an lạc. Vì mọi người đã học hỏi để xử dụng ngày làm biếng như thế nào. Để thư dãn thân tâm, để cho nhẹ nhàng trong từng giây phút. Khi gặp một sư huynh, một sư đệ hay là một đạo hữu đi trên đường. Mình muốn chào hỏi một câu, thì câu này là hay nhất - are you lazy enough? - bạn có làm biếng đủ không? Khuyến khích nhau học để có thể đừng làm gì, và thời gian mình ngồi đúng là thời gian không làm gì.


Mỗi hơi thở là sự sống

Trong khi ngồi, chúng ta không gồng mình để thành Phật. Quan trọng là ngồi để có an lạc, hạnh phúc. Chúng ta có không gian và thời gian để có thể làm mới, nuôi dưỡng và chữa trị cho chúng ta. Thời giờ ngồi là một trong những thời giờ xử dụng để nuôi dưỡng, để đổi mới, để trị liệu mình. Ngồi là một nghệ thuật. Đi cũng vậy, đi cũng là một nghệ thuật. Mỗi bước chân có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Mỗi bước chân thảnh thơi, mỗi bước chân vững chãi, mỗi bước chân an lạc.

Tại Washington DC, tôi đã có dịp tổ chức một khoá tu cho dân biểu quốc hội Hoa Kỳ. Họ đã tập ngồi, tập đi, tập thở. Họ đã tập nhận diện những buồn khổ, những lo lắng, những vật vã ở trong lòng họ. Hiện giờ có những dân biểu quốc hội Hoa Kỳ đang thực tập thiền đi ở Capitol Hill. Họ báo cáo cho tôi biết rằng, từ văn phòng của họ đi tới chỗ bỏ phiếu, họ luôn luôn thực tập đi từng bước chân thảnh thơi, hoàn toàn không suy nghĩ nữa. Sự thực tập đó giúp cho họ rất nhiều, vì đời sống của một dân biểu quốc hội rất là căng thẳng.

Tôi có bốn chữ, mong quí vị học thuộc lòng để áp dụng trong khi đi. Đi từ văn phòng của quí vị ra tới xe hơi, hay là đi tới cửa nhà của mình, tới bến xe buýt. Khi thở vào, quí vị có thể bước hai bước và nói rằng: mỗi hơi thở. Bước đầu nói: mỗi, bước thứ hai nói: hơi thở. Khi thở ra thì quí vị nói: là - sự sống. Mục đích của bước chân đó là làm thế nào để tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong khi đi. Mỗi hơi thở là sự sống - Every breath is life. Mình đừng nói suông. Mình bước như thế nào để mỗi bước chân nó đưa mình về giây phút hiện tại, tiếp xúc được với những mầu nhiệm.

Quí vị biết rằng mình đang còn sống, hai chân mình đang còn khoẻ và mình đang bước trên hành tinh xinh đẹp này là một phép lạ hay không? phép thần thông hay không? có những nhà triệu phú họ chán, họ muốn đi du lịch lên thượng từng và họ phải trả hằng mấy chục triệu đô la để đi một chuyến như vậy. Đem theo những thức ăn rất là ít, lên trên đó cho đỡ buồn. Khi may mắn sống sót trở về được tới trái đất, họ bước những bước chân trên con đường hai bên có bờ cỏ xanh, có suối róc rách, có những con sóc… họ hạnh phúc vô cùng. Vì trên thượng từng đó không có gì hết, rất là khô cằn, không có sự sống. Trái đất của mình thật là một thiên đường, thật là một tịnh độ. Quí vị cứ nhìn chung quanh thì đủ biết. Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây.

Những mầu nhiệm của sự sống như là trái tim của quí vị, hay là hai con mất của quí vị, là những cái rất là mầu nhiệm. Hai con mắt mình còn tốt, mình chỉ cần mở mắt ra là cả một thiên đường của màu sắc, của hình ảnh. Nó có đó nếu mình an trú được trong giây phút hiện tại. Biết bao nhiêu là cái đẹp, và mầu nhiệm. Trái tim của mình nó làm việc ngày đêm để bơm máu nuôi hết những tế bào trong cơ thể. Nó không ngủ, nó không ngừng làm việc. Và nhiều khi mình còn làm hại nó, mình hút thuốc, mình uống rượu, mình thức khuya, mình lo lắng. Mình làm hại trái tim của mình. Vì vậy cho nên khi thực tập, mình có thể thực tập như thế này: Thở vào tôi ý thức trái tim tôi đang còn đó, thở ra tôi mỉm cười thân ái với trái tim tôi. Công nhận trái tim là nó đang có mặt, ôm ấp lấy trái tim bằng sự chú ý của mình. Trái tim của quí vị sẽ cảm thấy đỡ tủi thân. Khi quí vị biết được trái tim của mình là quí giá, đang làm việc suốt ngày đêm. Quí vị sẽ không nỡ hút thuốc, uống rượu, thức khuya để gây hại cho trái tim. Đó là tình thương rồi, tình thương hướng về phía mình. Mình không thương được mình, thì làm sao thương được người kia. Phải thương được mình thì mới thương được người kia. Đó là lời Bụt dạy.
 

Thần thông là đi trên mặt đất

Là những người có học thức cao, và thông minh, quí vị biết là những mầu nhiệm của sự sống có mặt ngay trong giây phút hiện tại, ở trong ta và xung quanh ta. Nhưng vì lo lắng, vì sầu khổ, vì sợ hãi, chúng ta không có khả năng tiếp xúc với  mầu nhiệm đó để được nuôi dưỡng, để được trị liệu. Biển cả, sông hồ, không khí,... là những chất liệu  nuôi dưỡng và trị liệu. Nhưng không tiếp xúc được, tại mình bận rộn quá, lo lắng quá. Cho nên khi quí vị bước những bước chân tiếp xúc được với sự sống của hiện tại, là quí vị được nuôi dưỡng, được trị liệu. Mỗi bước chân là sự sống, phải tiếp xúc được với sự sống bằng từng bước chân của mình. Muốn tiếp xúc được thì phải đem tâm để vào trong bước chân. Đi một bước dẫm lên đất, giống như hôn mặt đất bằng bàn chân của mình. Hôn lấy đất mẹ bằng bàn chân của mình. Một nụ hôn đầy ý thức, và thương yêu. Đi được những bước như vậy thì mình không nỡ nào hại đất mẹ, bằng cách làm cho đất mẹ bị ô nhiễm.

Mỗi bước chân là sự sống, quí vị đi trong vòng một phút, hai phút. Đem sự chú tâm của mình vào bước chân, tiếp xúc cho được những mầu nhiệm của sự sống trong và xung quanh quí vị. Mỗi bước chân là sự sống - Life is every step, every step is life. Tập vài phút là chúng ta làm được. Rồi khi làm được chúng ta đi sang chuyến thứ hai: mỗi bước chân là phép lạ - Every step is a miracle. Vì sự thật là mình đang còn sống, chân mình đang còn khoẻ, mình đang còn có tuổi trẻ và mình đang được bước trên tinh cầu mầu nhiệm này. Đó là một phép thần thông.

Phần lớn nếu là Phật tử, thì đều là con cháu của tổ Lâm Tế. Tác giả của tác phẩm Người vô sự. Tổ Lâm Tế nói: phép lạ thần thông không phải là đi trên mây, hay là đi trên nước. Thần thông là đi trên mặt đất. Phép lạ là đi trên mặt đất. Tôi có viết một cuốn sách – Le miracle c’est la marche sur la terre. Mình đang bước những bước chân thảnh thơi nhẹ nhàng trên trái đất, đó là phép thần thông rồi. Trong Lâm Tế Lục là địa hành thần thông. Đi trên đất đã là thần thông. Mà thật là như vậy, nếu quí vị nằm hấp hối trên giường, đợi chờ giờ chết, thì dầu quí vị có muốn đứng dậy đi một bước nữa cũng không thể nào được. Trong khi đó mình đang còn tuổi trẻ, hai chân còn khoẻ, đang bước được những bước như thế đó mà mình không trân quí. Đến lúc nằm xuống rồi, dầu có muốn đi một bước cũng không được. Cho nên trở về giây phút hiện tại và thưởng thức bước chân của mình đi. Đó là giác ngộ, đó là tỉnh thức. Mỗi bước chân là phép lạ, ta đang làm phép lạ đây, ta đang làm phép thần thông đây. Đó là phép thần thông đi từng bước, tỉnh thức, hạnh phúc ngay trên đất.

Ngày mai chúng ta đi thiền hành, tức là chúng ta phải làm ra phép lạ trong mỗi bước chân. Mỗi bước chân là phép lạ. Đi như vậy nó thảnh thơi lắm. Mình không bị quá khứ lôi kéo, không bị tương lai hớp hồn, hoàn toàn an trú trong giây phút hiện tại tiếp xúc với những mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Những bước chân như vậy đúng là một phép lạ. Nó có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Mình đi như một con người tự do. Tự do đây không phải là tự do chính trị, mà tự do đối với lo lắng, sợ hãi hay là hối hận - Hối hận, tiếc thương về quá khứ, sợ hãi, lo lắng về tương lai. Đi như một con người tự do. Quí vị biết rằng không có tự do thì không có hạnh phúc. Khi bị ràng buộc, khi bị hệ lụy thì làm gì có hạnh phúc. Cho nên tự do là căn bản của hạnh phúc.

Mỗi bước chân là sự sống, mỗi bước chân là phép lạ. Khi quí vị thấy mình đang làm phép lạ trong khi đi từng bước như vậy, quí vị sẽ mỉm một nụ cười thành công. Rồi quí vị đi sang chương thứ ba: mỗi bước chân là trị liệu -  every step is healling. Chúng ta có căng thẳng, có sự đau nhứt. Chúng ta dầu sao cũng có một chút ít bịnh trong người. Khi đi được những bước thảnh thơi như vậy thì sự trị liệu đang xảy ra. Nếu đi được như vậy mỗi ngày thì bách bịnh tiêu trừ. Ngay cả bịnh ung thư (cancer) cũng vậy. Khi có sự thanh thản, thảnh thơi thì cơ thể của mình có khả năng trị liệu rất hay. Khi có quá nhiều lo lắng và căng thẳng, dầu có uống thuốc cũng khó thành công. Chúng ta quá tin vào thuốc, khoa học bây giờ cho chúng ta biết rằng: khi buông bỏ được sự căng thẳng, buông sự lo lắng thì tự nhiên cơ thể có khả năng tự hàn gắn, tự trị liệu lấy rất là hay. Đó là tiếng nói của khoa học bây giờ. The relaxation response của bác sĩ Benson có nói điều này rất rõ.

Cho nên buông thư như chiều nay quí vị thực tập với sư cô Chân Không. Buông thư trong khi ngồi, trong khi đứng, trong khi lái xe, trong khi chải răng, trong khi giặt áo. Chuyện có thể làm được, đó là phương pháp trị liệu rất hay. Đi thiền, đi trong chánh niệm từng bước thảnh thơi như vậy, có công năng trị liệu rất là lợi. Quí vị có thể khuyên với người bịnh cùng đi với mình: này mẹ, mẹ đi với con, đi từng bước thảnh thơi. Này ba, ba đi với con. Tại sao chúng ta phải lo lắng, ta buông thư đi, ba đang còn sống đó với con, con rất trân quí sự có mặt của ba. Hai cha con mình cùng đi đi. Đây là hạnh phúc chớ còn đâu nữa. Mình làm cho ba mình cùng đi những bước thảnh thơi như vậy là ba mình sẽ được trị liệu. Bách bịnh tiêu trừ. Nếu mình đi được những bước như vậy, mỗi bước chân là trị liệu. Và chương cuối: mỗi bước chân là thảnh thơi. Thảnh thơi là tự do, là hạnh phúc, là giải thoát. Bốn ch thôi: sự sống, phép lạ, trị liệu và thảnh thơi.  

Ngày mai chúng ta đi với nhau, người nào cũng đem theo phương pháp đó. Mỗi bước chân là sự sống, mỗi bước chân là phép lạ, mỗi bước chân là trị liệu, mỗi bước chân là thảnh thơi. Một mình, mình có thể đi chậm. Khi đi với một số đông người, mấy trăm người, đi chậm quá không tốt. Thành ra phải đi ít nhất là hai bước, ba bước. Nếu muốn đi ba bước thì: mỗi bước chân là trị liệu, mỗi bước chân là thảnh thơi. Còn đi hai bước: mỗi bước chân, là trị liệu. Mỗi bước chân, là thảnh thơi. Và đem tâm của mình đặt vào từng bước chân, như vậy mình sẽ thành công. Đi như một con người tự do, đi như Đức Thế Tôn ngày xưa đã đi. Mình có thể tiếp nối được sự nghiệp của Đức Thế Tôn, bằng cách là đi như vậy trên trái đất này. Ngày xưa Ngài chỉ đi trong lưu vực sông Hằng, bây giờ mình đem bước chân đó đi sang Âu châu, Mỹ châu, Úc châu, Phi châu, Đại Dương châu. Để cho bước chân của Đức Thế Tôn đi cùng khắp trái đất.

Bây giờ đây chúng ta không nên đợi tới ngày mai khi đi thiền hành. Sau buổi này chúng ta trở về phòng, chúng ta sẽ áp dụng: mỗi bước chân là sự sống, mỗi bước chân là phép lạ. Quí vị có thể thêm những chữ mà quí vị muốn: mỗi bước chân là hạnh phúc. Tại sao không? Mỗi bước chân là tình thương. Mình đi như vậy cũng là đi cho ba, đi cho má. Ba má có mặt trong từng tế bào cơ thể. Thở vào con biết ba có mặt ở trong từng tế bào cơ thể của con. Thở ra con mỉm cười với ba trong từng tế bào cơ thể của con. Đây là một chuyện rất là khoa học. Thở vào con biết má có mặt trong từng tế bào cơ thể của con, thở ra con mỉm cười với má trong từng tế bào cơ thể con. Mình tiếp xúc với ba, với má, với tổ tiên. Khi bước đi: má bước đi với con không? Mỗi bước chân là sự sống, má với con cùng bước. Chân này tuy là của con nhưng cũng là của má. Nếu không có má thì làm sao có con được. Và hai má con cùng bước, cùng tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Phương pháp thực tập này rất là hay. Càng ngày càng sâu, càng ngày càng thành công. Từ ở đây, mỗi người chúng ta trở về phòng áp dụng ngay phương pháp này. Mỗi bước chân là sự sống, mỗi bước chân là phép lạ, mỗi bước chân là hạnh phúc, mỗi bước chân là tình thương, mỗi bước chân là trị liệu, mỗi bước chân là thảnh thơi. Tuỳ theo quí vị. Và nếu mỗi khi chúng ta cần đi dời chỗ độ chừng hai ba thước, đều có thể áp dụng những bước chân đi như vậy.

Ở Làng Mai chúng tôi chỉ có một cách đi thôi, là đi như vậy đó, thành ra nó quen. Chúng tôi không thể nào đi cách khác. Chúng tôi không thể nào đi như ma đuổi nữa. Chúng tôi đã học, chúng tôi đã nếm được hạnh phúc của thiền đi rồi thì tại sao chúng tôi phải đi như bị ma đuổi nữa. Đó là điều mà ai cũng làm được, và chắc chắn quí vị làm được. Nếu quí vị làm được thì cuộc đời của quí vị sẽ thay đổi liền, sẽ đem lại hạnh phúc nhiều hơn cho gia đình, cho xã hội.

Chúc quí vị ngủ ngon. Chúng ta sẽ gặp nhau buổi sáng để ngồi thiền chung và đi thiền hành chung.

 

 

>> Xem tiếp

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.