Thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu cho tới cuối.
Thở ra, tôi theo dõi hơi thở ra từ đầu cho tới cuối.
Kính thưa quí vị,
Hôm nay là ngày 25 tháng 5 năm 2008.
Chúng ta đang ở tại Palm Garden, trong ngày sinh hoạt Doanh nhân
và đất mẹ.
Đầu tư vào mảnh vườn gia đình
Hôm nay tôi muốn nói về vấn đề đầu tư. Đầu tư không là vấn đề riêng
của doanh nhân mà là của tất cả chúng ta. Chúng ta phải biết đầu tư
vào bản thân, vì bản thân là gốc, nó cần được nuôi dưỡng, và bồi
đắp. Đó là đối tượng đầu tư thứ nhất. Chúng ta phải có thì giờ và
hoàn cảnh tốt ; phải có phương tiện ; phải có bạn hiền ; phải có
thầy giỏi
thì
mới có thể thành công việc đầu tư vào bản thân của mình. Đó là giải
pháp lâu dài.
Sau đó chúng ta cần phải đầu tư vào gia đình. Gia đình là mảnh đất,
mảnh vườn, mà trên đó chúng ta nuôi lớn lên những cây đẹp. Nếu mảnh
vườn khô cằn, thì ta, người bạn hôn phối và những đứa con của chúng
ta sẽ gầy ốm, xanh xao. Do đó cho nên phải đầu tư vào mảnh vườn gia
đình. Sau đó thì chúng ta mới có thể thành công
trong
đầu tư
của
một sự nghiệp, một doanh nghiệp.
Có những thực tập rất cụ thể
cho
những
đầu tư như vậy, chúng ta không thể chỉ nói lý thuyết mà thôi. Buổi
sáng chẳng hạn, khi ăn sáng, chúng ta có thể đầu tư được. Làm thế
nào để mọi người có mặt chung quanh bàn ăn. Ta, người bạn hôn phối
của ta và các con, làm sao tập để mọi người đều ăn sáng
chung
một lần trước khi các con đi học, trước khi chúng ta đi làm. Cố
nhiên là chúng ta có thể ăn sáng bằng thức này thức kia, nhưng tại
sao chúng ta không để ra một phút (một phút đâu có nhiều lắm) để
nhìn mọi người chung quanh bàn. Để thấy rằng những người thân của
chúng ta đang có mặt. Chỉ cần nhìn trong hai giây, hay ba giây với
năng lượng của chánh niệm, với sự chú ý, thì ta thấy được người ấy
rất rõ. Nếu không thì người đó chỉ là mờ mờ nhân ảnh.

Thiền sư và Doanh nhân
thiền hành vào buổi sáng. (Photo LĐO)
Nếu có tờ báo, chúng ta đừng đưa tờ báo lên che mặt người thương của
chúng ta (Ý nói đừng đọc báo trong giờ đó mà bỏ rơi những người
thương đang có mặt quanh ta - BTV). Dù tờ báo đó có những tin tức về
kinh tế, doanh nghiệp, hay bất cứ một tờ báo nào. Núi cao chi lắm
núi ơi / Che khuất mặt trời không thấy người thương. Ở
đây không phải núi che mà là tờ báo che. Mình có thì giờ cho nhau.
Buổi sáng được ngồi với nhau mà không chịu nhìn nhau, đưa tờ báo lên
để che mặt người thương, để cho người thương không thấy được mình.
Cho nên, nên dẹp tờ báo đi, nên tắt tivi đi, vì đó là những cái chia
rẻ mình với nhau. Lúc khác hãy xem tờ báo đó, lúc khác hãy xem ti
vi. Bây giờ ăn sáng với nhau, mình ngồi đó, mình nhìn nhau. Nhìn mỗi
người hai giây thôi. Nhìn cho rõ, cho thấy được người đó, mỉm cười
với người đó. Có nghĩa là anh biết em còn đó với anh, anh rất là
hạnh phúc. Em biết anh còn đó với em, em rất là sung sướng. Mẹ biết
con còn ở đó với bố mẹ và mẹ rất hạnh phúc. Tuy không nói, nhưng
cái nhìn của mình
nó
chứng tỏ như vậy. Có như vậy, mình mới trân quí sự có mặt của nhau.
Đó là sự thực tập buổi sáng, chúng ta có dư sức để làm, tại sao
chúng ta không làm. Cố nhiên là sau đó mỗi người đi một ngã. Người
đi tới chỗ làm việc, người đi đến trường học. Mình chúc nhau mọi
người có một ngày đẹp. Chúc con có một ngày đẹp, chúc ba có một ngày
làm việc thoải mái.
Để có một buổi sáng vui vẻ, trong khi người bạn hôn phối đang chuẩn
bị thức ăn sáng, mình xuống để giúp bày
bàn. Đó là thời gian thực tập, đầu tư vào hạnh phúc. Mỗi cử chỉ
trong thời gian đó, thí dụ nấu nước sôi, pha trà, cà phê, nướng bánh
mì, hấp bánh bao… Tất cả những việc đó có thể làm trong chánh niệm
với niềm vui. Chúng ta có đủ điều kiện để có hạnh phúc. Ngày xưa khi
còn là một chú tiểu, tôi phải rửa bát cho một trăm thầy mà không có
nước nóng, không có xà phòng, không có nước chảy trong vòi, chỉ có
tro bếp thôi, như vậy mà cũng có hạnh phúc. Mấy chú ngồi với nhau,
cảm thấy có mặt bên nhau và rửa bát rất hạnh phúc. Bây giờ chúng ta
đứng trước chạn, có nước nóng, có nước lạnh, có xà phòng, có đủ thứ
hết, mà làm gấp gáp
thì rất là uổng. Thời giờ mình làm thức ăn sáng, có thể là thời giờ
rất hạnh phúc. Mình vào bếp để chơi, để giúp cho người kia, sự có
mặt của mình nó tạo ra sinh khí: chúng mình cùng có bên nhau.
Ngày nay bên nhau chớ không phải ngày ấy bên nhau. Phải trân quí
sự có mặt của nhau và cũng tập cho các con làm chuyện đó. Gia đình
tíu tít vào buổi sáng. Chúng ta đang đầu tư vào gia đình của chúng
ta.
Trong những thời gian giảng dạy ở Tây phương, tôi có đề nghị mỗi gia
đình nên có một cái phòng, gọi là phòng thở, để nuôi dưỡng hệ thần
kinh của mình. Mỗi buổi sáng trước khi đi học, đi làm, gia đình vào
trong phòng đó ngồi xuống ghế của mình, thỉnh ba tiếng chuông và thở
chín hơi. Mỗi tiếng chuông là ba hơi thở. Xong rồi xá nhau, rồi
người đi học, người đi làm. Nhiều gia đình Tây phương đã làm như
vậy. Khi có sự buồn giận, mình đi vào trong phòng đó đóng cửa lại và
thỉnh lên tiếng chuông để thở. Trong khi mình thở trong phòng đó,
những người trong gia đình cũng biết mình đang tu tập, mình đang
chăm sóc cảm xúc của mình và họ cũng tôn trọng. Phòng thở của gia
đình là cái chùa tí hon ở trong nhà của mình. Một gia đình văn minh
thì phải có phòng thở. Chúng ta có đủ các phòng: phòng khách, phòng
ăn, nhà bếp, phòng ngủ và phải có một phòng để nuôi dưỡng thân tâm.
Trong phòng đó chỉ cần có một bình bông và một vài cái gối ngồi là
đủ. Nó là thiền đường nhỏ xíu, là mini thiền đường trong gia đình.
Tôi nghĩ rằng ở thế kỷ 21, để được gọi là văn minh thì nên có trong
nhà một phòng như vậy để chăm sóc những cảm xúc, cảm thọ, những buồn
phiền. Thỉnh thoảng ngồi uống trà với nhau ở trong đó, để chồng có
thể thấy được mặt vợ, con có thể thấy được mặt cha v.v… Điều đó ai
mà không làm được, chúng ta chỉ cần tổ chức cho khéo.
Đầu tư vào bản thân
Đầu tư vào bản thân là bước thứ nhất. Cái vòng tròn này tượng trưng
cho thân và tâm của mình. Và cái vòng tròn này tượng trưng cho doanh
nghiệp của mình. Thường thường mình nghĩ rằng, mình đầu tư vào doanh
nghiệp. Nhưng nếu không có bản thân thì làm sao có doanh nghiệp. Nếu
bản thân ốm yếu, hư hao thì làm sao doanh nghiệp khỏe mạnh được. Cho
nên trước hết là phải đầu tư vào bản thân. Mình trở về trung tâm của
bản thân: trở về với mình, với thân mình, với tâm mình. Trong thân
có những đau nhức, có những mệt mỏi, có những căng thẳng. Mình phải
về để xử lý những cái đó. Học buông bỏ những căng thẳng, những bức
xúc trong thân. Trong tâm cũng có những bức xúc, những căng thẳng,
những phiền muộn. Mình phải học phương pháp ứng dụng hơi thở, nhận
diện những bức xúc, buồn bực, lo lắng. Ôm lấy nó nhẹ nhàng, để làm
cho nhẹ ra. Trong kinh quán niệm hơi thở, Đức Thế Tôn có dạy phương
pháp làm nhẹ đi bức xúc của thân, làm nhẹ đi bức xúc của tâm. Trong
khi giảng dạy, các thầy, các sư cô đã có thâu rất nhiều CD về bài
giảng: làm thế nào để quản lý, xử lý, chăm sóc thân và tâm của
mình.
Đó là đầu tư vào bước thứ nhất của sự đầu tư. Cũng như khi tôi chỉ
dẫn cách thực tập cho các nhà tâm lý trị liệu: quí vị phải lo cho
thân của quí vị trước, trước khi quí vị có thể trị liệu cho các bịnh
nhân của quí vị. Trong khi giảng dạy cho các nhà tâm lý trị liệu
Tây phương, tôi thấy có rất nhiều người không có khả năng chăm sóc
bản thân. Trong khi đó, mỗi ngày phải tiếp tới 10 hay 15 bịnh nhân,
và một hồi như vậy thì đánh mất mình luôn, gọi là burn-out,
tiêu ma luôn. Có những nhà tâm lý trị liệu không truyền thông được
với người bạn hôn phối của họ và có những khó khăn với con cái mà họ
không giải quyết được, thì làm sao họ giúp những người khác được.
Tôi biết rất nhiều về họ, tôi đã đem tâm lý học Phật giáo và những
phương pháp trong đạo Bụt ra để giúp họ thực tập. Trở về bản thân,
chăm sóc bản thân, rồi lúc đó mình mới có thể chăm sóc được cho
người kia, và mình có thể đi xa. Nếu không sẽ nửa đường đứt gánh.
Cho nên bước đầu là trở về chăm sóc bản thân. Chúng ta phải học cho
được. Chúng ta có sách, có băng, có thầy, có bạn. Chúng ta phải
nương tựa vào đó để học hỏi suốt đời. Chính tôi cũng vậy.
Đầu tư vào người bạn đồng hành
Khi đã đi được bước thứ nhứt rồi, mình đi bước thứ hai. Mình tới
giúp cho người bạn hôn phối của mình cũng làm được như vậy. Trong
người kia cũng có những dằn vặt,
những bức xúc, những đau khổ, mà mình lại rất cần sự yểm trợ của
người đó. Có những lúc về nhà trong mệt mỏi, bức xúc và mình không
nói chuyện được với người kia. Mình nghĩ rằng người kia không có khả
năng nghe được và mình rất là cô đơn. Nếu là người đối tác thì mình
thấy người kia khổ đau như vậy, mình không giúp được ý kiến, cũng
như không làm dịu được nỗi khổ niềm đau của người đó, thì mình cảm
thấy bất lực và như vậy không thể nào có hạnh phúc được. Cho nên
người bạn hôn phối của mình rất
cần được
giúp đỡ, mình phải có thì giờ chăm sóc cho người đó: anh biết
rằng em có những khó khăn, bức xúc. Anh muốn lắng nghe những khó
khăn bức xúc của em, để anh có thể giúp đỡ em được. Có thể trong quá
khứ anh đã không cẩn thận, anh đã áp đặt lên em những ý tưởng của
anh, những phương thức của anh. Đó là vì anh chưa hiểu rõ những cội
nguồn khó khăn của em. Vậy thì em hãy nói cho anh nghe, để anh có
thể hiểu được và từ nay về sau anh sẽ không áp đặt, không chỉ trích,
không lên án, không tạo ra những bức xúc với em. Đó là đầu tư
vào người bạn đồng hành của mình, rất quan trọng. Mình phải có thì
giờ cho người đó, phải lắng nghe người đó. Rồi trong những lúc khó
khăn, người đó có thể lắng nghe được mình và chia sẻ những khó khăn
của mình. Sẽ buồn biết bao nhiêu, nếu có những khó khăn bức xúc mà
về nhà mình không thể nói với người đó, chia sẻ với người đó. Người
đó có cảm tưởng bất lực, không giúp gì được mình, như vậy trong gia
đình sẽ không có hạnh phúc. Cho nên bước thứ hai là phải tới với
người kia và giúp người kia làm được điều mình đã làm được. Tức là
trở về bản thân để chăm sóc thân tâm của chính mình.
Người kia cũng phải học trở về nội tâm, phải học cách tháo gở những
khó khăn, những bức xúc. Làm dịu những cảm xúc, những sợ hãi, những
buồn lo, những tuyệt vọng của người đó. Khi đó hai người trở thành
liên minh với nhau, hai người bạn đường đích thực. Mình là người bạn
hôn phối của người kia. Người kia là một doanh nhân, mình biết rằng
hạnh phúc chỉ có được khi mình có thể giúp được người kia. Nếu nói
rằng, mình là một người đàn bà, không biết gì hết về vấn đề đó. Anh
muốn làm gì thì làm, không muốn nghe điều đó và không có khả năng
nghe những khó khăn, những bức xúc của người kia. Đó là mình không
đóng góp được gì cho hạnh phúc, cho sự nghiệp. Cho nên người doanh
nhân và người bạn hôn phối của doanh nhân đều phải thực tập như
nhau, nghĩa là phải trở về chăm sóc bản thân và hai người trở thành
liên minh. Mỗi khi về nhà, mình có những bực dọc và nếu thổ lộ
được
với người kia năm bảy phút,
và
người kia lắng nghe được, nó đỡ không biết bao nhiêu mà kể. Cho nên
sự thực tập không phải của một người mà là của hai người. Khi hai
người biết chăm sóc bản thân và chăm sóc nhau, lúc đó doanh nghiệp,
sự nghiệp của mình sẽ có một tương lai.
Đầu tư vào nhân viên
Bước thứ ba cũng làm giống như bước thứ hai. Trong doanh nghiệp, thế
nào cũng có những cộng sự viên và những nhân viên. Mình biết rằng
cộng sự viên nào, nhân viên nào cũng có những khó khăn, những bức
xúc. Mình phải có thì giờ để lắng nghe họ, lắng nghe tình trạng gia
đình
của
họ. Nếu ông là một nhà doanh thương có tài thì ông biết điều này.
Nếu ông không biết
lắng nghe và không biết được những khó khăn, những bức xúc của nhân
viên, những khó khăn về kinh tế, về tình cảm của người đó, thì người
đó không phải là một người cộng sự tốt của ông. Ông phải lưu tâm,
ông phải có thì giờ hỏi thăm họ về tình trạng sức khoẻ, về tình
trạng gia đình, về tình trạng kinh tế. Ông
phải
tỏ ra là người tri kỷ với nhân viên của ông. Người đó sẽ đem hết
lòng để góp sức xây dựng nên doanh nghiệp của ông.
Chuyện này rất rõ ràng, không phải chỉ đầu tư vào tiền bạc, công
sức, thời giờ, mà phải đầu tư trái tim của mình vào trong doanh
nghiệp. Phải biết nhìn người đó bằng con mắt thương yêu. Họ cũng có
những khó khăn, họ cũng có những bức xúc như mình, có khi nhiều hơn
mình. Nếu biết
lắng nghe thì mình là một vị bồ tát của họ, và họ sẽ là một người
trung thành với mình suốt đời. Đầu tư thì giờ, trái tim của mình như
vậy, không có uổng đâu. Kết quả sẽ rất lớn và chắc chắn doanh nghiệp
sẽ thành công nhiều hơn, mau hơn. Đừng nghĩ làm như vậy mất thì giờ,
mất tâm lực. Trong doanh nghiệp có những người cộng sự, những người
nhân viên, phải đầu tư vào những người đó, như mình đã đầu tư vào
mình và vào người hôn phối của mình. Trong vài ba tháng các vị sẽ
thấy sự thay đổi trong doanh nghiệp của các vị. Nó sẽ có sinh khí,
sẽ có tình huynh đệ, sẽ có sự đồng tâm đồng chí, và chắc chắn doanh
nghiệp sẽ đi lên.
Doanh nghiệp cũng phải thực tập như mình. Doanh nghiệp phải trở về
bản thân của doanh nghiệp, đừng chỉ lo chuyện ở bên ngoài. Không chỉ
sản xuất rồi bán mà thôi, phải trở về với bản thân của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có những khó khăn, những mâu thuẫn,
những tranh giành quyền hành, những sự hiểu lầm nhau. Các ông, các
bà phải giải quyết những vấn đề như vậy. Làm cho doanh nghiệp trở
thành một đơn vị có hạnh phúc.
Nội bộ của doanh nghiệp phải thông suốt, phải có sự truyền thông
giữa giám đốc và nhân viên, giữa những người cộng tác với nhau. Nếu
chưa được thì ông và bà chưa phải là một nhà doanh thương giỏi.
Trong đạo Phật, quí vị có thể học được rất nhiều điều để có thể áp
dụng vào ba trường hợp này. Bản thân mình, bản thân của người bạn
hôn phối và bản thân của doanh nghiệp. Mình phải đi vào trong doanh
nghiệp để làm cho doanh nghiệp có sự thông thoáng, có sự truyền
thông, có hạnh phúc, có tin cậy lẩn nhau. Ngày xưa ông Cấp Cô Độc,
Anathapindika, đã làm như vậy. Ông đã đầu tư rất hay vào bạn bè, vào
doanh nghiệp. Có lần ông bị sạt nghiệp, những nhà doanh thương cũng
có thể có ngày sạt nghiệp, vì cuộc đời là vô thường, các cuộc khủng
hoảng kinh tế thỉnh thoảng nó tới. Đừng nghĩ rằng cái đó không xảy
ra với mình. Cái đó có thể xảy ra, nhưng nếu mình biết đầu tư như
ông Anathapindika, thì vào những lúc như vậy mình không có đau khổ.
Tôi đọc sử, được ghi chép lại trong các kinh điển. Có lần ông
Anathapindika bị phá sản, không còn một đồng nào, chính thức ăn cũng
thiếu cho gia đình, nhưng ông không có khổ. Vì trong khi làm doanh
nghiệp ông đã đầu tư rất nhiều vào nhân viên và bạn bè. Trái tim của
ông Anathapindika là một trái tim rất lớn, một trái tim rất hào
phóng. Các bạn của ông cần gì thì ông giúp liền. Những người hầu hạ
ông, những người tôi tớ của ông (ngày xưa gọi là tôi tớ, hầu hạ),
những người cộng sự của ông, ông lắng nghe, ông giúp đỡ họ rất
nhiều. Cho nên khi ông lâm vào tình trạng khó khăn thì các bạn tới,
những người tôi tớ làm công cho ông tới và giúp ông. Ông gây dựng
lại sự nghiệp trong vòng nửa năm. Đó là chuyện đã xảy ra cho
Anathapindika và mình phải chuẩn bị chuyện đó. Có thể một ngày nào
đó, mình sẽ lâm vào tình trạng thất bại trong doanh nghiệp. Nó có
thể xảy ra và nó đã xảy ra cho nhiều người. Nhưng nếu mình làm theo
phương pháp của Anathapindika và mình biết đầu tư, thì những cái đó
không bao giờ mất. Những gì mình đầu tư về phương diện tình người,
nó sẽ còn mãi mãi. Tôi mong rằng quí vị có thể thấy được điểm quan
hệ này. Khi mình có một địa vị, quyền bính, mình nên lợi dụng địa
vị, quyền bính của mình để đầu tư vào con người, đầu tư bằng trái
tim. Cái đó sẽ không bao giờ mất.
Cướp
có thể vào nhà mình cướp hết, vào nhà băng của mình cướp hết. Nhưng
cái ông bà đầu tư bằng trái tim, không có tên cướp nào có thể lấy đi
được. Chính cái đó nó sẽ cứu mình trong những lúc khó khăn, những
lúc bức bách trong đời sống của mình.
Trong đạo Phật người ta nói tới năng lượng gọi là chánh niệm:
niệm, định và tuệ là ba năng lượng mà người tu phải chế
tác. Niệm là khả năng nhận diện được cái gì đang xảy ra. Thí dụ như
khi tôi thở vào, tôi biết rằng tôi đang thở vào, tôi nhận diện được
hơi thở vào, đó là niệm. Năng lượng nhận diện được cái gì đang xảy
ra. Khi đang đi mà tôi biết là tôi đang đi, đó là chánh niệm khi đi.
Khi uống trà, tôi biết là tôi đang uống trà, gọi là chánh niệm khi
uống trà. Khi thở, tôi biết là tôi đang thở, đó là chánh niệm về hơi
thở: mindfullness of breathing, mindfullness of walking,
mindfullness of drinking. Năng lượng đó bất cứ một người nào
cũng có thể chế tác được. Niệm tức là năng lượng giúp cho mình có
mặt bây giờ và ở đây. Để biết những gì đang xảy ra trong thân, trong
tâm và trong hoàn cảnh.
Câu thần chú thứ nhứt:
Khi thương ai, mình biết rằng món quà quí nhứt mà mình có thể tặng
cho người thương của mình không phải là tiền, không phải là xe hơi,
không phải là nhà mà là sự có mặt của mình. Món quà quí nhất mà mình
có thể tặng cho người thương của mình là sự có mặt tươi mát, dễ
thương của mình. Nếu ông bận quá, không có thì giờ thì làm sao
thương được. Thương có nghĩa là có thì giờ cho người mình thương.
Thương vợ cũng vậy, thương con cũng vậy, thương chồng cũng vậy. Mình
phải có thì giờ để mình có mặt cho chồng, cho con, cho vợ.
Có một cậu con trai 11 tuổi. Bố nó nói: này con, ngày mai là sinh
nhật con, con muốn cái gì bố sẽ mua cho. Ông ta giàu có nức khố
đổ vách. Ông có thể mua bất cứ cái gì mà đứa con muốn, nhưng đứa con
không cần gì hết, nó cần một cái nhưng rất là khó. Bố nó rất bận
rộn, không có thì giờ cho mẹ và cho nó. Bố nó đi như một mũi tên,
không có thì giờ cho gia đình. Nó có bố nhưng có cảm tưởng như là
không có. Bố không có thì giờ để chơi, để ngồi với con. Nó không
biết trả lời ra sao. Rốt cuộc thì nó tìm ra câu trả lời: cái mà
con muốn là bố, con không muốn một cái gì khác. Nếu người cha
biết rõ tình trạng, người cha sẽ thực tập chánh niệm. Sẽ đem theo
hơi thở, đem tâm trở về với thân để có mặt trong giây phút hiện tại.
Nhìn vào đôi mắt của đứa con và nói: con ơi, bố đang có mặt ở đây
cho con, bố đang có mặt thiệt sự cho con đây mà. Đó là món quà
quí nhứt.
Đôi khi bố ngồi đó, nhưng bố không có mặt ở đó, vì bố bị thu hút vào
lo lắng, tính toán của bố. Thành ra bố có mặt ở đó mà như không có.
Mình tới vỗ
vai: có ai ở nhà không? Chỉ có xác mà không có hồn. Khi về
nhà, có thể mình chỉ về với cái xác thôi, cái hồn của mình không có
ở đó cho người vợ của mình, cho người con của mình, rất là tội
nghiệp. Nếu người bố đó thông minh thì sẽ học được phương pháp của
Bụt dạy. Đi một vài bước, thở một vài hơi, đem tâm trở về với thân.
Nhìn con, thấy rõ con đang có mặt ở đó. Mỉm
cười với con: con ơi, bố đang có mặt thực sự cho con đây, tới đây
bố ôm một cái. Đó là món quà quí nhất mà mình có thể trao tặng
cho người mình thương. Thành ra ông phải học cái này. Đi làm về ông
có thể nhìn vào người hôn phối của ông. Ông nói: em ơi, em có
biết gì không? Anh đang có mặt cho em đây.
Quí vị có đọc quyển Bông
hồng
cài
áo
chưa? Đó là phép thực tập: mẹ ơi, mẹ có biết gì không? Mẹ có biết
là con thương mẹ không? Do you know then
I
love you?
Đâu cần nhiều thì giờ, chỉ cần một giây chánh niệm là có thể làm
được điều đó. Năng lượng chánh niệm đó sẽ ôm lấy cả hai người. Đó
là năng lượng của tình thương. Giây phút đó sẽ là giây phút người ta
nhớ hoài, nhớ mãi, bất diệt.
Bông hồng cài áo
tôi viết vào năm 1962. Trong đó, quí vị đọc không phải như một bài
thuyết pháp, nhưng kỳ thực là một bài thuyết pháp, là một sự thực
tập.
Mình phải trân quí những gì bây giờ mình đang có, để mai này khi cái
đó không còn nữa mình không có tiếc thương. Mẹ là một bảo vật, phải
trân quí ngày hôm nay. Người hôn phối của mình cũng vậy, đang có mặt
ngày hôm nay và mình phải đọc câu thần chú, không cần phải đọc bằng
tiếng Phạn, đọc bằng tiếng Việt: em ơi, anh đang có mặt thực sự
cho em đây. Anh ơi, em đang có mặt thực sự cho anh đây. Có thể
ông lái xe và bà ngồi bên cạnh, nhưng tâm ý của ông hoàn toàn bị thu
hút vào các công việc của ông. Ông có thể vừa lái và hát nho nhỏ một
câu, nhưng tâm ông hoàn toàn để chỗ khác. Bà ngồi bên ông như là
không có. Bà bị loại ra khỏi vòng chiến, khỏi sự có mặt của ông. Bà
sẽ chết khô, chết héo nếu cứ ngồi như vậy hoài. Tại vì ông nghĩ tới
những cái khác, không bao giờ ông nghĩ tới bà, dầu bà ngồi sát bên
ông.
Khi thương, mình phải ôm lấy người mình thương bằng niệm,
bằng sự chú ý, niệm là sự chú ý. Khi người kia được sự chú ý, người
kia sẽ nở ra như một bông hoa. Vì vậy cho nên sự có mặt của mình quí
giá nhất mà mình có thể tặng cho người thương. Dầu người đó là mẹ,
là cha, là con hay là người bạn hôn phối của mình. Ông đừng mắc cỡ,
bà đừng mắc cỡ,
thực tập câu thần chú: do you now that I am here for you - Em có
biết là anh có mặt cho em đây không? Câu nói đó chứng tỏ rằng
mình có mặt thực sự, và mình đang ôm lấy người thương của mình bằng
năng lượng của sự có mặt đó. Năng lượng đó tên là niệm -
The energy of being there. Chữ niệm gồm có hai phần, một phần là
chữ tâm, cái tâm của mình. Một phần là chữ giây phút hiện tại. Cái
tâm của mình trở về với giây phút hiện tại, để nhận diện người
thương của mình, để nhận diện cái gì quí báo mà mình đang có.
Đó là câu thần chú thứ nhất, các ông các bà phải học thuộc để mà
thực tập với con, với chồng, với vợ, với mẹ, với cha. Rất là dễ, tôi
không có giảng lý thuyết xa vời, trừu tượng tôi chỉ muốn cống hiến
cho quí vị những phương pháp thực tập rất cụ thể. Quí vị có thể làm
ngay chiều hôm nay, tối hôm nay. Quí vị có thể dùng điện thoại di
động, thực tập từ sở làm cũng được. Không có chuyện gì nhưng cũng
kêu về cho bà: em ơi, em biết gì không? Anh đang nghĩ tới em đây.
Có tốn bao nhiêu thì giờ đâu, nhưng hiệu năng của nó vô cùng lớn.
Ông cũng có thể gởi e-mail được, chỉ có một vài phút thôi.
Câu thần chú thứ hai:
Khi được người kia chú ý và công nhận là mình đang có mặt, thì mình
có cảm giác sung sướng là mình đang được thương. Được thương có
nghĩa là được công nhận đang có mặt. Ông lái xe, ông nghĩ chuyện
khác, bà ngồi kế bên mà như không có mặt. Ông hãy nói cái gì để ý
thức được rằng bà đang có mặt bên ông và ông trân quí sự có mặt đó.
Thì đây là câu thần chú thứ hai, cũng bằng tiếng Việt, rất là dễ học
thuộc: em ơi, anh biết rằng em có mặt đó cho anh và anh rất hạnh
phúc. Mẹ ơi, con biết rằng mẹ đang còn sống đó với con mà con
rất là hạnh phúc. Bố ơi, con biết rằng bố đang sống với con và con
hạnh phúc quá chừng. Anh ơi, em biết rằng anh đang có mặt cho em,
cho các con, em hạnh phúc quá chừng. Câu thần chú đó đâu có khó
thực tập. Khi ông bà thực
tập thì phép lạ biểu hiện liền lập tức. Tôi cam đoan rằng nó sẽ có
hiệu năng. Nếu ông có niệm và có định, tức là tâm ông hoàn toàn có
mặt trong giây phút hiện tại. Ông mở trái tim ra và thực tập thì câu
thần chú đó luôn luôn có hiệu nghiệm.
Câu thần chú thứ ba:
Khi ông có mặt rồi thì cố nhiên có những khó khăn gì, có những khổ
đau gì xảy ra cho bà ; hay là bà thấy có những khó khăn, khổ đau nào
xảy ra cho ông thì bà biết liền. Mình chỉ cần nhìn mặt người đó là
biết có cái gì đó không ổn. Nhờ thực sự có mặt nên mình nhận ra
được, khi nhận ra được thì mình phải có mặt cho người đó. Và câu
thần chú thứ ba như thế này: em ơi,
anh
biết rằng em đang có khó khăn, em đang có khổ đau, vì vậy cho nên
anh có mặt cho em đây –
I know Darling you are suffe there for I am for you. Anh ơi, em
biết rằng anh có khó khăn, buồn khổ, em có mặt cho anh đây. Bà
thực tập đi, ông thực tập đi rồi sẽ thấy hiệu năng rất lớn của câu
thần chú này.
Thường thường quí vị nghe những câu thần chú bằng tiếng Phạn, nhưng
đây là câu thần chú bằng tiếng Việt. Tôi đã chế tác và tôi đã trao
truyền cho không biết bao nhiêu người thực tập. Câu thần chú đó được
dịch ra tiếng Tàu, tiếng Nhật Bổn, tiếng Đại Hàn... Hiện giờ ở bên
đó đang có những người đang thực tập những câu thần chú như vậy.
Thành
công của mình không là thất bại của người kia
Khi doanh nghiệp biết trở về với chính nó và giải quyết những mâu
thuẫn,
những bế tắt lập lại thông thoáng và tin cậy lẫn nhau, thì doanh
nghiệp sẽ thành công. Lúc đó mình mới có thể đi bước thứ tư là liên
hệ làm việc với những doanh nghiệp khác. Muốn cho doanh nghiệp kia
đừng phản bội mình, đừng tranh đua với mình, thì mình cũng có thể
giúp doanh nghiệp kia làm được những gì mình đã làm. Theo tinh thần
của đạo Phật, sự thành công của mình không hẳn là phải mua bằng sự
thất bại của người kia. Tại sao người kia thất bại thì mình mới
thành công được. Tại sao mình không thể cùng thành công với nhau.
Nói như những nhà chính trị bây giờ là hai bên cùng có lợi. Ở đây
mình không nói lợi mà là hai bên đều thành công. Có lợi chưa
chắc đã thành công. Có lợi mà không có hạnh phúc thì không có thành
công. Cho nên những đối tác của mình, những hảng xưởng, doanh nghiệp
mà mình làm việc chung, mình có thể làm trên cơ bản của tình huynh
đệ. Mình không có mong chờ sự thất bại của họ để mình thành công.
Mình nói rõ như vậy: tôi cũng muốn anh thành công. Tôi không
muốn anh thất bại để tôi thành công. Mình nói và làm như vậy thì
đối tác kia sẽ cộng tác lâu dài với mình.
Thưa quí vị, tôi đã mở những khoá tu-tập
cho giới doanh thương ở Tây phương. Khoá đầu tiên mở tại Làng Mai,
Pháp quốc. Những bài giảng của tôi, hôm nay tôi trích một ít để hiến
tặng cho quí vị, nó nằm trong những bài giảng đã được đánh máy ra và
in lại thành một tập, được xuất bản từ Đại Hàn. Bằng tiếng
Hàn trước và tiếng Anh sau đó. Sách bán rất chạy, có tựa đề tiếng
Anh là The art of power, Nghệ thuật xử dụng quyền
lực. Có một đạo hữu đã dịch ra tiếng Việt với tựa đề là
Quyền lực và hạnh phúc. Trong đó có những chỉ dẫn để quí vị
có thể tham cứu thêm.
***
Tôi xin kể tiếp câu chuyện của thương gia Anathapindika – ông Cấp Cô
Độc. Khi ông Cấp Cô Độc đưa 500 người doanh nhân tới gặp Đức Thế
Tôn, Ngài đã dạy kinh Người Áo Trắng (người tu mặc áo nâu, người cư
sĩ mặc áo trắng). Kinh người áo trắng. Nếu muốn đọc,
quí vị có thể thấy
trong sách Nghi thức tụng niệm đại toàn của nhà xuất
bản Tôn giáo. Trong đó có nhiều kinh nói về ông Anathapindika. Hôm
đó, Đức Thế Tôn đã dạy cho các nhà doanh thương một bài thực tập, để
các nhà doanh thương có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút
hiện tại: hiện pháp lạc trú. Ngài nói rằng, chỉ cần tu
tập theo năm giới và bốn phép trì niệm, là có thể có hạnh phúc trong
giây phút hiện tại. Bốn trì niệm là: niệm Phật, niệm Pháp, niệm
Tăng, niệm Giới. Niệm tức là có ý thức, đem nó về giây phút hiện
tại. Chúng ta đã được nghe bài Tam qui, tức là quay về nương tựa
Bụt, quay về nương tựa Pháp, quay về nương tựa Tăng. Về nương Bụt
trong con, về nương
Pháp
trong con, về nương
Tăng
trong con. Trong mình cũng có Phật,
Pháp
và
Tăng.
Phật
-
Pháp
-
Tăng
Phật là khả năng hiểu và thương rất lớn. Người nào có khả năng hiểu
biết lớn, thương yêu lớn, người đó là Phật. Có những Phật lớn và
Phật nhỏ.
Khi giảng dạy những phương pháp chế tác hiểu biết và thương yêu, thì
những điều giảng dạy đó là Pháp. Pháp có thể giảng dạy cũng như áp
dụng. Khi áp dụng thì Pháp đó không phải bằng lời nữa. Một người có
áp dụng Pháp, mình nhìn thấy được. Thái độ rất là thong dong, vững
chải, có đầy hiểu và đầy thương, mình biết rằng trong con người này
có Pháp. Dầu người đó không có thuyết pháp, nhưng cách đi, đứng,
nằm, ngồi, nói chuyện, tiếp xử với đầy hiểu biết, đầy thương yêu đầy
thảnh thơi, thì mình biết rằng Pháp đó là Pháp sinh động: living
dharma. Còn Pháp kia là Pháp nói, là spoken dharma.
Tăng là đoàn thể thực tập theo Pháp đó. Tăng không hẳn là người xuất
gia, có thể là một nhóm người tại gia. Vì chữ tăng là từ chữ shanga,
và Shanga là Community, có nghĩa là đoàn thể. Tăng có thể gồm có nam
xuất gia, nữ xuất gia, nam cư sĩ, nữ cư sĩ. Hoặc là xuất gia không,
hoặc là tại gia không cũng được, cũng gọi là Tăng.
Nếu muốn tiếp tục thực tập sau một khoá tu, mình nên thiết lập một
nhóm người địa phương để cùng tới nhau tu tập, gọi là dựng Tăng:
Shanga building. Nếu quí vị muốn tìm thấy con đường hay, lợi ích
cho mình, quí vị nên tìm các bạn, thiết lập một nhóm người để cùng
tổ chức tu tập với nhau. Quí vị cũng có thể chọn những người bạn
trong giới doanh thương, để tổ chức lâu lâu tới với nhau một ngày,
cùng thực tập với nhau để bảo hộ nuôi dưỡng cho nhau. Đó gọi là
xây dựng tăng, rất cần. Các luật gia cũng làm như vậy, các y sĩ
họ cũng đã làm như vậy. Họ thiết lập những tăng thân cho luật gia,
những tăng thân cho y gia, những tăng thân cho các nhà tâm lý trị
liệu. Họ tới để thực tập với nhau, sống với nhau trong hai ngày,
ngồi với nhau, thở với nhau, đi với nhau. Chia sẻ những kiến thức,
những kinh nghiệm thực tập với nhau, gọi là dựng tăng. Mình nương
vào đó, gọi là qui y
Tăng.
Tăng đây không có nghĩa chỉ là thầy tu xuất gia. Tăng ở đây có nghĩa
là Đoàn thể đang thực tập theo pháp môn mầu nhiệm. Nếu quí vị chỉ
thực tập ba câu thần chú đó thôi và thực tập chung như một gia đình,
đó gọi là Gia đình Tăng. Nếu trong một lớp học, thầy giáo và các học
sinh biết thực tập như vậy thì gọi là Học đường Tăng. Tăng có nghĩa
là community, hội đoàn, nhóm người. Khi mình dựng nên được một Tăng
thì có biết bao nhiêu người trở về, họ nương tựa vào đó để thực tập.
Thành ra có công đức rất nhiều. Tại sao mình không thành lập một
Doanh thương Tăng, để cho các bạn doanh thương có cơ hội gặp gở
nhau, nâng đỡ nhau, thực tập với nhau.
Trì niệm năm giới
Năm giới là sự thực tập rất cụ thể của chánh niệm, sự thực tập của
thương yêu và bảo hộ. Nếu quí vị nghiên cứu năm giới đó, quí vị thấy
đây là phương pháp thực tập rất cụ thể để nuôi dưỡng tình thương
trong người của mình, trong gia đình và trong thế giới của mình.
Tháng ba năm 2000, tổ chức Unesco có phát hành Tuyên cáo 2000,
gọi là Manifesto 2000. Đưa ra 6 điểm thực tập để cứu
lấy tuổi trẻ, cứu lấy địa cầu. Liên Hiệp Quốc đã ra một nghị định
trước đó, lấy 10 năm đầu của thiên niên kỷ làm thập niên để thực tập
tình thương, thực tập bất bạo động. Tôi đã có dịp ngồi với một số
các vị có giải Nobel hoà bình và thảo ra được những điểm của
Manifesto 2000. Sáu điểm trong đó tương đương với năm giới trong đạo
Phật. Manifesto 2000 đã được Unesco phát ra. Chúng tôi tin rằng, nếu
mọi người trên trái đất thực tập theo sáu điểm của Manifesto thì thế
giới sẽ có hoà bình, sẽ có an lạc, sẽ cứu được trái đất. Sau đó một
năm, số người ký vào Manifesto, hoặc bằng online, hoặc bằng thơ từ
đã lên tới 75 triệu người. Trong đó có thủ tướng Việt Nam, có nhiều
vị lãnh tụ của các quốc gia ký vào đó.
Người ta đồng ý đó là con đường thoát của nhân loại. Nhưng sau khi
ký người ta không có cơ hội thực tập. Vì vậy cho nên muốn thực tập
là phải có Tăng thân. Theo truyền thống của mình, sau khi thọ trì
năm giới rồi, mỗi tháng phải họp nhau để tụng đọc giới đó một lần.
Tham dự pháp đàm để xem mình thực tập tới đâu, và làm thế nào để
thực tập hay hơn nữa. Nhờ đó người ta mới thực tập. Còn đồng ý ký
vào, rồi sau đó bỏ quên thì đâu có ích lợi gì. Cho nên Manifesto tuy
có sáu điểm tương đương với năm giới, nhưng người ta chỉ ký và đồng
ý thôi, người ta không có cơ hội đem áp dụng vào đời sống cá nhân,
đời sống gia đình và xã hội.
Cái khác trong đạo Phật là sau khi thọ giới rồi, mình phải tụng giới
mỗi tháng hai lần, phải tham dự pháp đàm, phải kiểm điểm coi thử
mình đã thực tập tới đâu rồi. Sự thực tập của mình phải để cho người
khác trông thấy, không phải là mình khoe, nhưng phải apparent.
Chúng tôi có tu viện Lộc Uyển tại bang California. Tu viện có 400
mẩu Anh đất núi và đất rừng. Chúng tôi tổ chức bảo vệ sinh môi rất kỹ,
chúng tôi tôn trọng các loài thực vật và động vật ở trên đó. Từ ngày
chúng tôi về tới đó, các loài cây cối và động vật ở trên đó rất là
hạnh phúc. Hiện giờ tu viện Lộc Uyển ở bên Mỹ không dùng nhiệt điện
nữa. Chúng tôi dùng toàn năng lượng mặt trời. Có khi cả ngàn người
tu tập trên đó mà năng tượng mặt trời vẫn đủ. Như vậy chúng tôi đã
đóng góp vào vấn đề giảm thiểu ô nhiễm.
Tại tu viện Lộc Uyển,
mỗi tuần chúng tôi nguyện một ngày không xử dụng xe hơi, gọi là car
free day. Vì không dùng xe hơi một ngày là đỡ một ngày. Một ngày
mình không làm ô nhiễm. Một ngày không
gây
ra
phản ứng nhà kính. Mình coi đó như phẩm vật cúng dường Tam Bảo, cúng
dường cho đất mẹ. Tu viện Lộc Uyển đã sửa những chiếc xe hơi, không
chạy bằng xăng nữa, mà chạy bằng dầu thực vật. Khi xe đậu, quí vị có
thể ngửi thấy mùi khoai tây chiên! Tại vì chúng tôi đi xin những dầu
chiên của restaurants về lọc, chúng tôi chạy xe hơi bằng những loại
như vậy, và đóng góp vào việc bảo hộ môi trường của trái đất.
Chúng tôi không nói miệng, chúng tôi sống như vậy và làm như vậy,
cho nên người theo rất đông. Các bạn hữu người Mỹ được nghe và thấy
chúng tôi thực tập như vậy, và họ theo rất đông. Trên mạng hình như
là car-free-days.org có nhiều người lên để phát nguyện, thực tập mỗi
tuần một ngày không xe hơi để cúng dường cho đất mẹ. Cho đến nay
chúng tôi đã nhận được sự hiến tặng hơn 60 ngàn ngày không xe hơi.
Ngày 22.9 sắp tới, ngày toàn cầu khuyến khích không đi xe hơi. Chúng
tôi nghĩ rằng sẽ có đủ con số 100 ngàn ngày không xe hơi để cúng
dường cho trái đất, cúng dường cho Đức Phật. Nói là làm, đó là thân
giáo, tức là dạy bằng hành động của mình. Living Dharma,
không phải là Spoken Dharma. Pháp hành chứ không phải
Pháp
nói.
Năm giới, nếu
nghiên cứu kỹ,
chúng ta thấy đó là những thực tập rất cụ thể để nuôi dưỡng
tình thương và sự hiểu biết, bảo hộ bản thân, bảo hộ
gia đình, bảo hộ trái đất. Mỗi khi có một khoá tu ở Mỹ châu, Âu
châu, thường thường có hàng trăm người quì xuống tiếp nhận năm giới
để thực tập. Họ biết rằng có được năm giới tức là có con đường đi,
con đường thoát cho nhân loại.
Giới thứ nhứt là bảo hộ sự sống. Giới thứ hai là thực tập hiến tặng.
Đừng có trộm cướp, lạm dụng, đừng khai thác quá mức tài nguyên của
trái đất. Giới thứ ba là không lạm dụng tình dục, trung kiên với sự
cam kết của mình, không làm cho gia đình mình tan nát vì thói tà
dâm. Giới thứ tư là xử dụng ái ngữ
và
lắng nghe, để thiết lập lại truyền thông đã mất giữa vợ chồng, cha
con, mẹ con, để đem hạnh phúc trở lại.
Thực
tập
giới
này rất là mầu nhiệm, chúng tôi đã giúp cho vô số các cặp vợ chồng,
cha con tái lập lại truyền thông, làm hòa với nhau, đem lại hạnh
phúc. Giới thứ năm là tiêu thụ và sản xuất trong chánh niệm. Xử dụng
tài nguyên trái đất như thế nào để đừng làm ô nhiễm đất mẹ.
Các nhà doanh thương phải nghiên cứu những giới này, nhứt là giới
thứ năm. Vì nếu công nghiệp của mình đang làm ô nhiễm trái đất làm
cho con cháu mình sau này tiếp nhận một gia tài nghèo nàn, hư hỏng,
khô cằn do sự khai thác không nương tay của mình. Chúng nó sẽ đau
khổ rất nhiều. Quí vị biết rằng, Trung quốc trong 30 năm vừa qua đã
khai thác thiên một cách quá vô trách nhiệm. Chỉ vì có ước muốn theo
kịp các nước Tây phương, mà đã khai thác thiên nhiên một cách không
thương tiếc. Và hiện bây giờ thiên nhiên bắt đầu quật trở lại, bao
nhiêu tai nạn đã xảy ra dồn dập. Các con sông ở bên Trung quốc đã ô
nhiễm đến mức không thể chịu đựng được nữa. Tôi nghĩ rằng với sự
giác ngộ này, các nhà doanh thương Việt Nam sẽ không đi vào vết chân
của Trung Quốc. Chúng ta phải dẫn dắt, lãnh đạo doanh nghiệp của
chúng ta như thế nào, để chúng ta có thể bảo vệ được quê hương, bảo
vệ được thiên nhiên, bảo vệ được đất mẹ. Đó là nội dung của giới thứ
năm.
Khi phát nguyện tu tập, học hỏi theo năm giới thì tự nhiên mình có
hạnh phúc rất lớn vì biết rằng mình có con đường đi. Những người mà
họ không biết đi về đâu họ mới khổ đau. Mình có con đường đi, con
đường tâm linh. Nó đem lại sức khoẻ cho chính mình, cho gia đình,
cho quê hương, cho đất nước và cho tinh cầu của mình, thì mỗi bước
chân là hạnh phúc. Đức Thế Tôn đã nói như vậy, niệm Phật, niệm Pháp,
niệm Tăng và niệm Giới, là đủ để mình sống hạnh phúc trong giây phút
hiện tại. Với thành công đó, không bao giờ mình trở thành nạn nhân
của sự thành công. Vì có nhiều người sinh nghề tử nghiệp, chính mình
trở thành nạn nhân của sự thành công của mình. Còn nếu tu tập theo
năm giới, mình không bao giờ trở
thành
nạn nhân từ sự thành công của mình. Tại vì mình có con đường tâm
linh, có con đường của cha ông để lại từ hai ngàn năm nay.
Có một
phu nhân của một vị cao cấp trong đảng,
trong chính quyền. Một hôm tới xin tôi cầu nguyện cho ông nhà và cho
gia đình. Tôi biết rằng trong tâm bà có những lo lắng, những sợ hãi.
Cần yên tâm bằng cách nhờ một thầy có đức độ để cầu nguyện cho, cái
đó cũng dễ hiểu. Tôi có nói với vị ấy như thế này: tôi sẽ làm, vì
đó là phận sự của chúng tôi, là phải gởi năng lượng cho mọi người
khi cần đến. Tâm của mình là một năng lượng rất lớn, nếu biết xử
dụng tâm thì mình
sẽ
ảnh hưởng đến hoàn cảnh. Tâm của mình thay đổi được thế giới. Quí vị
cũng biết rất rõ sự lên xuống của đồng Mỹ kim. Trước hết là do tâm
của mình, không phải do những thực tại khách quan về kinh tế. Sự lên
xuống của giá dầu xăng cũng vậy. Sự sợ hãi của mình đóng một vai trò
rất lớn trong sự lên xuống của đồng tiền, của dầu xăng. Chính tâm
của mình làm ra giá trị của đồng Euro, hay là đồng Dollar.
Ảnh hưởng của tâm rất lớn, nếu hành động trên cái tâm của lo lắng,
sợ hãi, hận thù, thì thế giới sẽ khổ đau rất nhiều. Nếu làm việc,
hành động trên cái tâm của thương yêu, tha thứ, thì thế giới sẽ có
hạnh phúc. Cho nên mười thầy, hai mươi thầy, ba mươi đạo hữu ngồi
với nhau để gởi năng lượng lành cho một người có bịnh, người đó thế
nào cũng nhận được năng lượng lành. Khi quí vị phát khởi ra tâm niệm
từ bi, không muốn thù oán, không muốn làm cho người ta khổ đau, thì
tâm niệm từ bi đó trước hết có ảnh hưởng rất tốt trên sức khoẻ của
quí vị. Nếu quí vị phát khởi một tâm niệm của hận thù, thì cái đó có
hại cho sức khoẻ của mình và sau đó nó có hại cho sức khoẻ của thế
giới. Nếu mỗi ngày mình biết phát ra tâm niệm của thương yêu, tha
thứ, thì trước hết mình là người được hưởng, còn người kia được
hưởng sau.
Lời nói cũng vậy, nói ra lời nói nhẹ nhàng, tha thứ, đùm bọc, thương
yêu thì chính mình thấy khoẻ trước, rồi người kia được hưởng sau. Vì
vậy cho nên tam nghiệp là tư tưởng, lời nói và hành động.
Thân-khẩu-ý phải đi theo con đường của Phật dạy, tức là Chánh tư
duy, Chánh ngữ và Chánh nghiệp. Chánh tư duy tức là tư duy theo
chiều hướng của tha thứ, thương yêu, nâng đỡ lẩn nhau. Chánh ngữ là
nói những lời không phải để trừng phạt, để trách móc, để lên án, để
buộc tội. Mà nói những lời để làm cho người kia có niềm tin và hy
vọng, tự tin và tháo gở được những khổ đau, gọi là Chánh ngữ. Mỗi
ngày mình có thể phát ra những tư tưởng như vậy, nói ra được những
câu nói như vậy và chuyển đổi sức khoẻ của mình, chuyển đổi sức khoẻ
của người kia và của thế giới. Mình có thể làm được rất là nhiều mà
không hẳn cần tiền, chỉ cần cái tâm mà thôi.
Tôi đã nói với vị phu nhân đó: Tôi làm theo sức của tôi thôi. Ông
bà không làm gì hết thì không hiệu nghiệm lắm, vì vậy cho nên tôi đề
nghị là mỗi hai tuần ông bà phải tổ chức tụng đọc năm giới. Chỉ cần
thắp một cây hương, ngồi xuống với nhau và tuyên đọc năm giới. Tức
là con đường của Phật, là sự thực tập rất cụ thể của hiểu và của
thương. Như vậy đời sống của ông, của bà sẽ tạo ra tần số có thể
tiếp xúc với tần số của các vị Phật, Bồ Tát. Như vậy năng lượng của
bảo hộ, của sự che chở chắc chắn sẽ có. Vị phu nhân đó đã hiểu
và hứa rằng sẽ về nói chuyện với ông chồng, hai người cùng thực tập
với nhau.
Hiện
bây giờ chánh sách của nhà nước
là bài trừ mê tín, bài trừ tham nhũng. Vì nạn mê tín và nạn tham
nhũng đang hoành hành ở đất nước ta rất nhiều, nhất là ở miền Bắc.
Tôi có vô một chùa, ở đó thờ rất nhiều Phật và Bồ Tát, và trong tay
tượng Phật và tượng Bồ Tát nào cũng có tiền hết. Người ta tới đút
lót cho các vị Bồ Tát, các vị Phật. Tất cả chư Phật, chư Bồ Tát đều
trở nên những người tham nhũng. Cái đó đâu phải đạo Phật. Người ta
nói: Phật và chư Bồ Tát còn ăn hối lộ, tại sao mình không ăn.
Cho nên đây là lúc hơn bao giờ hết, mình cần phải đem chánh pháp ra
để giúp bài trừ mê tín, bài trừ tham nhũng.
Tôi tin rằng trong việc theo đuổi sự nghiệp của các vị, quí vị có
thể đóng góp tích cực vào việc này để giúp dân giúp nước. Tiềm lực
của dân tộc rất lớn, đức tin của người Việt rất lớn. Nếu chúng ta
không khai thác đúng để phát triển năng lượng hiểu và thương. Cứ để
cho mấy ông thầy cúng, mấy ông thầy phù phép lợi dụng. Người ta sẽ
khai thác năng lượng đó để làm phát triển sự mê tín và sự tham
nhũng. Xin quí vị giúp cho một tay. Tôi đã về quê hương ba lần. Tôi
đã quan sát. Tôi thấy những tiềm lực rất lớn lao của dân tộc, của
đất nước mà chúng ta có những rào cản, chúng ta có những khó khăn.
Chúng ta cùng nắm tay nhau để vượt những rào cản và những khó khăn
đó. Để xử dụng được nguồn năng lượng vĩ đại của đất nước, của dân
tộc, của văn hoá. Đưa đất nước đi lên, không đi vào vết chân của
những người đi trước đã làm ô nhiễm đất nước, đã nuôi dưỡng mê tín,
đã nuôi dưỡng tham nhũng.
Tôi rất vui có được ngày hôm nay làm việc và thực tập chung với quí
vị. Bây giờ chúng ta dành ra 10, 15 phút. Nếu có câu hỏi nào quí vị
muốn đặt thì đây là cơ hội.

Thiền sư và Tăng thân
trong giờ Pháp thoại. (photo LĐO)
Nhân duyên tương tác là phải giữa hai người?
Thưa Thầy, hạnh phúc, tương
duyên là cái mối của người này với người khác, cho và nhận chứ không
thể một chiều. Con là giám đốc của một công ty lớn. Con đối xử rất
tốt và đầu tư rất lớn vào những người làm việc cho con, nhưng họ vẫn
bỏ ra đi là vì sao? Tại sao con phải giữ họ, trong khi họ muốn bỏ ra
đi. Nhân duyên tương tác là phải giữa hai người. Xin Thầy chỉ giáo
cho điều đó.
- Tôi nghĩ là sự thực tập lắng nghe sẽ đem lại câu trả lời. Có
nguyên do gì đó, khiến cho người đó không được thoải mái lắm với
doanh nghiệp này và muốn đi tới một doanh nghiệp khác. Có thể không
hẳn là doanh nghiệp khác trả tiền nhiều hơn. Vì vậy cho nên mình có
cảm tưởng là mình đã làm hết sức để tỏ thiện chí với người kia,
nhưng có thể đó là cái ý của mình thôi. Mình phải lắng nghe người
kia
xem
họ có những bức xúc nào, những khó khăn nào, những nhu yếu nào mà
mình chưa đáp ứng được khi đó mình mới hiểu được lý do tại sao họ bỏ
mình, họ đi. Vì đôi khi những cái mình hiến tặng cho họ, họ không
cần, họ cần những cái khác mà mình không hiến tặng. Điều này chỉ có
thể hiểu được, khi hai bên ngồi lại nói chuyện thân tình với nhau.
Đôi khi có thể là sự truyền thông chưa thật sự có, có thể có sự
chênh lệch giữa hai người. Chỉ có thể nói chuyện với tư cách là ông
chủ và nhân viên, chưa nói chuyện được giữa hai đối tác như là hai
người bạn. Cái tình đó phải là tình bạn. Khi người ta là bạn với
nhau, người ta mới có thể nói được những điều trong lòng cho mình
nghe. Tôi đề nghị rằng ông về, ông ngồi xuống, không phải là với tư
cách của một ông chủ, mà là với tư cách của một người bạn, thì người
kia sẽ nói cho ông nghe: tại sao.
Hạnh phúc là gì, có đo được không?
Bạch Thầy, xin Thầy cho con biết hạnh phúc là gì, có đo được không.
Tại vì đối với doanh nhân, đối với những người làm công tác khoa học
kỹ thuật, mọi thứ đều đo được bằng những con số. Thì hạnh phúc có đo
được không? Xin mạn phép hỏi Thầy, Thầy có đo được hạnh phúc của
Thầy không? Mỗi ngày hạnh phúc của Thầy được mấy giờ?
- Hạnh phúc của tôi không có đo được, tại vì nó lớn quá đi, không có
thước nào, không có cân nào có thể đo được. Quí vị biết được điều
đó, thí dụ như tình thương, khi mà có tình thương thì đố quí vị đo
được hay là cân được. Nhưng thường thường người ta
hỏi
rằng: hạnh phúc là gì? Khi có người ta không nhận biết, khi mất rồi
người ta mới biết rằng nó vừa mới bỏ đi. Bởi vì vậy niệm là
quan trọng, niệm tức là khả năng nhận diện rằng bây giờ ta đang có
hạnh phúc. Hạnh phúc đang có đó nhưng quí vị không biết là nó đang
có, nên quí vị không biết trân quí. Thành ra vấn đề ở chỗ niệm hay
là không niệm.
Trở về với giây phút hiện tại để nhận diện rằng, mình đang có những
điều kiện hạnh phúc. Đôi khi những điều kiện đó dư để cho mình có
hạnh phúc, nhưng vì mình không có khả năng tiếp xúc với điều kiện để
biết rằng: đó là hạnh phúc. Mình nghĩ rằng còn thiếu điều
kiện này, điều kiện kia cho nên đạp lên hạnh phúc mình đi. Đó là sự
dại dột của nhiều người. Cho nên lời dạy của Đức Phật là trở về với
hiện tại và thấy được những điều kiện hạnh phúc đang có mặt. Khi
nhận diện được rồi thì tự nhiên hạnh phúc tràn trề liền lập tức.
Điều này đúng với hầu hết tất cả chúng ta. Có những người
trong chúng ta có một ít bịnh, sức khoẻ không toàn hảo, tiền bạc
không có dư giã như người khác, nhưng vẫn hạnh phúc tràn trề như
thường. Cái đó do tâm của mình nhiều hơn là những yếu tố khách quan
bên ngoài. Một giờ đồng hồ nếu biết sống, nó đem lại rất nhiều hạnh
phúc. Hạnh phúc có thể rất lớn.
Ví dụ như chúng ta có được cơ hội về đây sống chung với nhau một đêm
và một ngày. Bây giờ đây, mỗi người trong chúng ta đều đã nếm thử
một chút hạnh phúc đó. Trước khi tới chúng ta đâu có ngờ rằng, chúng
ta sẽ có kinh nghiệm đó, và khi đi về rồi, một người bạn hỏi ta, ta
cũng khó để có thể nói lại được những gì chúng ta có kinh nghiệm ở
đây. Thành ra nói chuyện cân, đo hạnh phúc, tôi thấy nó hơi tức
cười. Hạnh phúc có nhiều hay có ít, hạnh phúc bền hay không bền là
do trái tim của mình, do tâm của mình, do nhận thức của mình. Hạnh
phúc thật sự chỉ có thể có mặt, khi có sự yên ổn trong thân và trong
tâm. Nếu thân không an, có quá nhiều căng thẳng, đau nhức thì không
có hạnh phúc được. Nếu tâm có nhiều lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng,
cũng không có hạnh phúc. Cho nên thân an và tâm an, lúc đó mới có
hạnh phúc. Do đó mình có danh từ an lạc. Nếu không có an thì
không có lạc. Cho nên an là sự thực tập. Nếu mình thực tập an
được thì lạc sẽ tự nhiên tới. Sự thực tập này không phải chỉ
ở thân, mà còn phải thực tập bằng tâm nữa.
Đám cưới ở Làng Mai
Bạch Thầy, vợ con qui y từ nhỏ và đã ăn chay ba năm nay. Nhưng vợ
con là chủ một doanh nghiệp nhà hàng tiệc cưới, do đó hàng ngày giết
không biết bao nhiêu là gà, heo. Như vậy Thầy có lời khuyên gì cho
con trong chuyện cầu nối giữa hai vợ chồng với nhau, để làm sao kéo
vợ con về được.
- Ở bên Làng Mai, chúng tôi thỉnh thoảng làm đám cưới cho những cặp
trẻ người Việt hay người Tây phương. Đám cưới ở Làng Mai rất đẹp. Có
thiền hành, có ngồi thiền, có nghi lễ, có đủ mọi thứ. Nó đẹp, cho
nên những người đã cưới nhau cách đây ba bốn chục năm, bây giờ muốn
làm đám cưới trở lại. Cố nhiên là Làng Mai đâu có cần giết con gà,
con heo nào đâu. Vì vậy cho nên tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta giới
thiệu nghi thức đám cưới đó cho những cặp vợ chồng chưa cưới, chắc
chắn họ sẽ chọn loại đám cưới đó. Thanh thoát vô cùng, đẹp vô cùng.
Có chiều hướng tâm linh rất cao. Rất thanh thoát mà không tốn kém,
cũng không có sát sanh. Nhưng làm sao thuyết phục được, nếu người ta
không tới để mà thấy. Ở trong kinh có nói rằng, giáo pháp của Đức
Thế Tôn phải tới và thấy tận mặt. Cũng như chúng ta đã ngồi chung
với nhau, đi thiền hành chung với nhau, đó là pháp. Tôi đố quí vị về
kể lại cho những người khác được, kể lại nó không thể giống như sự
thật. Vì vậy giáo pháp là phải tới và thấy tận mắt – to come to
see yourself. Nếu các thầy, các sư cô ở Việt Nam, ở tu viện Từ
Hiếu, Bát Nhã có thể tổ chức được những đám cưới như vậy để làm mẫu.
Nếu những chủ nhà hàng tới coi đám cưới đó, thì sẽ buông bỏ cách của
mình. Những cặp sắp lấy nhau, họ thấy được đám cưới như vậy, rồi họ
sẽ đòi làm đám cưới như thế. Tôi tin chắc như vậy. Vì đã có những
người lấy nhau đã ba bốn chục năm rồi, khi thấy đám cưới đó, vẫn
muốn làm đám cưới lại.
Điều gì Thầy đang trăn trở nhất?
Bạch Thầy, chúng con được biết là suốt cuộc đời của Thầy là hy sinh.
Ngoài chuyện tu tập Phật-pháp, Thầy còn hy sinh và trăng trở rất là
nhiều cho tổ quốc Việt nam này. Trong thời đại này, trong cơn bão
này, trong cơn khủng hoảng kinh tế này. Thầy có một trăn trở gì mà ở
đây có đông đảo doanh nhân, Thầy nói cho chúng con nghe một điều mà
doanh nhân cùng đóng góp với Thầy để chia sẻ, để cùng với đất nước
giải quyết để qua cơn khủng hoảng, khó khăn trong giai đoạn này. Một
điều mà Thầy đang trăn trở nhất.
- Ngày xưa khi còn trẻ, lúc mới có 14, 15 tuổi. Tôi đã đọc trong
sách báo,
và
trong lịch sử của Việt Nam, đạo Phật đã đóng góp sự xây dựng một
quốc gia có kỹ
cương, đã đem lại hoà bình cho đất nước nhiều trăm năm. Vào những
thời đại như Lý và Trần, đạo Phật rất là hưng thạnh. Hòa bình kéo
dài, tình thương rất là sâu đậm.
Học
giả Hoàng Xuân Hãn có viết trong cuốn sách Lý Thường Kiệt
rằng: đời Lý là đời thuần từ nhứt lịch sử Việt Nam. Thuần từ
nhứt, tức là có tình thương nhứt. Đời Trần đã tiếp tục đời Lý, có
những ông vua như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông.
Người nào cũng có tu thiền, người nào cũng có thực tập và đất nước
có hoà bình. Đất nước hùng mạnh, có thể đánh đuổi được những binh
lực rất hùng hậu như là quân nhà Nguyên.
Tôi nhớ một giai đoạn lịnh sử, là sau khi chúng ta đã đuổi được quân
Nguyên. Thám tử đã trình lên một rương tài liệu. Trong đó có những
lá thơ của một số các quan trong triều, muốn thông đồng với giặc. Để
trong trường hợp Đại Việt thất bại, họ còn giữ được một vài chức vụ
của họ. Tức là, có những người có hạt giống của phản bội. Vua Trần
Thánh Tông trong buổi họp triều đã nói như thế này: này quí vị,
có phải là mục đích của chúng ta là đánh đuổi quân giặc để dành lại
độc lập cho đất nước hay không? Nếu đúng như vậy là ta đã thành công
rồi, chúng ta đạt được mục đích rồi. Thì đây là lúc chúng ta tới với
nhau một khối, đừng có chia rẽ, chúng ta thống nhất nhân tâm lại.
Tôi đề nghị mình đem cái rương tài liệu này đốt, để cho an lòng trăm
họ. Trước mặt bách quan, vua Trần Thánh Tông ra lịnh đem đống
tài liệu đó đốt trước mặt mọi người. Tất cả đều vui mừng, những cái
như vậy chỉ có thể làm với trái tim thuần khiết, nhân từ của một
người Phật tử mà thôi. Tha thứ để làm đoàn kết.
Tôi cũng có trình bày với các vị lãnh đạo quốc gia. Chúng ta đã
thống nhất được lãnh thổ, bây giờ chúng ta phải làm thế nào để thống
nhất được lòng người, Nam Bắc một nhà. Đây là chuyện chúng ta có thể
làm chung với nhau được. Đạo Phật ngày xưa đã giúp cho vua A Dục
thống nhất được toàn cõi Ấn Độ, thống nhất được lòng người ở Ấn Độ.
Đạo Phật có thể đóng góp rất nhiều cho sự thống nhất lòng người ở
Việt Nam, sau khi chúng ta đã thống nhất được đất nước. Năm ngoái về
đây, tôi có được phép nhà nước tổ chức những trai đàn chẩn tế cầu
nguyện cho tất cả mọi người, người Nam cũng như người Bắc, người
cộng sản cũng như người chống cộng sản, đều được chấp nhận bình đẳng
với nhau. Gọi là Trai đàn Bình đẳng Giải oan Chẩn tế. Đồng bào Nam
cũng như Bắc đã có cơ hội tới với nhau, không phân biệt chủng tộc,
không phân biệt màu da, tôn giáo hay là ý thức hệ, hay là đảng phái
chánh trị, ôm lấy nhau mà khóc và cầu nguyện cho những người đã
khuất, dầu người đó là người Nam hay người Bắc, người cộng sản hay
là người chống cộng sản. Đó là hành động phát xuất từ trái tim
thương yêu, nó có công dụng thống nhất lòng người. Nó cần thống nhất
nhân tâm.
Điều đó chúng ta chưa làm xong, chưa làm được. Tôi nghĩ rằng chúng
ta có những tiềm lực. Đạo Phật là gia sản tinh thần quí giá của dân
tộc, gia sản đó không phải chỉ riêng cho người Phật tử, mà gia sản
đó là chung cho tất cả mọi người. Dầu theo Công giáo hay Tin lành,
mình cũng có được, đó cũng là phần gia sản của mình. Người Cộng sản,
người Công giáo, người Phật tử đều được thừa hưởng cái gia sản đó.
Đạo Phật mới nhìn qua, người ta có cảm tưởng đó là một giáo lý, một
tôn giáo có tính cách tín mộ, khấn cầu. Nhưng nếu nhìn cho sâu, chọc
thủng được cái vỏ bên ngoài, đi vào trong thì đó là một kho tàng tuệ
giác rất lớn. Một nguồn tuệ giác nếu biết xử dụng, mình giải quyết
không biết bao nhiêu là vấn đề. Mình tháo gở những khó khăn của bản
thân, của gia đình, của cộng đồng, của đất nước. Tháo gở bằng tâm từ
bi, tháo gở bằng trí tuệ hiểu biết. Nếu chúng ta áp dụng tuệ giác
đó, chúng ta sẽ thành công với tư cách một cá nhân, một sự nghiệp và
với tư cách của một người công dân. Chúng ta sẽ đem sự hiểu biết và
thương yêu tới cho mỗi người.
Niềm thao thức của tôi là làm thế nào để chúng ta có thể tới với
nhau, xử dụng được nguồn tuệ giác của đạo Phật, gia sản tinh thần
của đất nước. Để giải quyết những vấn đề hiện đang có, những tệ nạn
xã hội đang lan tràn. Bao nhiêu thanh niên tự tử hàng ngày, bao
nhiêu cặp vợ chồng bị ly tán, bao nhiêu gia đình đổ vỡ. Xì ke, ma
tuý nghiện ngập, tự tử, tham nhũng, mê tín. Tất cả những điều đó là
những điều chúng ta phải xác nhận là đang có và đang phát triển. Thì
với sự thực tập này, với giáo dục này, với đạo lý này chúng ta có
thể đương đầu được. Chúng ta có thể làm giảm thiểu tệ nạn đó, chúng
ta có thể xây dựng lại được gia đình, chúng ta có thể xây dựng lại
được học đường, xây dựng lại được xã hội. Cha ông chúng ta đã xử
dụng được đạo Phật để xây nước, dựng nước thì tại sao chúng ta không
làm được chuyện đó. Đó là niềm thao thức của chúng tôi.
Hiện bây giờ chúng tôi đang cống hiến nền đạo đức đó cho Tây phương.
Tây phương đang xử dụng được tuệ giác đó, thì không có lý nào có gốc
gác Việt Nam, mà bây giờ đây mình không xử dụng được. Chúng tôi tin
chắc rằng pháp môn thực tập thành công đối với trí thức và giới trẻ
ở Tây phương. Đem về Việt Nam thế nào cũng sẽ thành công. Trong
những lần vừa qua, khi chúng tôi về tổ chức những khoá tu cho người
trẻ, cho người trí thức thì thấy rằng giới trẻ, giới trí thức ở Việt
Nam đáp ứng một cách rất nồng nhiệt. Nếu các nhà chánh trị, nếu các
giới doanh thương nhận thấy được điều đó thì sẽ ủng hộ cho công việc
tổ chức những sinh hoạt của chúng ta như ngày hôm nay. Để cho những
giới trẻ, giới trí thức tìm thêm con đường tâm linh. Nếu chúng ta
chưa có chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày thì chúng ta
vẫn còn mờ mịt. Khi có con đường đi rồi thì ta không còn lo sợ nữa.
Ta biết làm thế nào để giải quyết vấn đề hiện bây giờ chúng ta đang
có. Thành ra chúng ta phải tin vào giá trị hiệu năng của gia sản
tinh trần, gia sản văn hoá của cha ông mình để lại. Ngày xưa đã
thành công thì không có lý bây giờ không thành công. Ở Tây phương
thành công thì không có lý ở Việt Nam không thành công. Tôi xin quí
vị để ý cho điều đó.
Nghiệp?
Bạch Thầy, gần đây các vùng kinh tế thuộc châu Á nổi lên phát triển
rất mạnh và cũng gần đây thiên tai tàn phá châu Á là nhiều nhất. Đây
có phải là nhân quả không? Và như vậy thì phải hiểu như thế nào về
nhân quả trong doanh nghiệp, nhân quả của một quốc gia, thưa thầy.
- Trong đạo Phật có danh từ nghiệp. Nghiệp ở đây có nghĩa là
hành động. Chữ Karma có nghĩa là hành động. Hành động dưới ba dạng
là: tư duy, nói năng và động tác. Tư duy có ảnh hưởng trên sự sống.
Nói năng và hành động cũng có ảnh hưởng đến sự sống. Tư duy còn gọi
là ý nghiệp, nói năng gọi là khẩu nghiệp và làm có nghĩa là thân
nghiệp. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Như trong bài giảng, khi
phát khởi một tâm niệm lành, một tư duy lành thì nó có khả năng chữa
trị cho mình và chữa trị cho thế giới. Khi nói lên một điều lành thì
chữa trị được cho mình và cho thế giới. Khi làm một điều lành thì
bảo vệ được cho mình và cho thế giới. Cái đó gọi là thiện nghiệp.
Còn nếu phát khởi
ra tư duy hận thù, đam mê, ích kỷ thì cái đó hại cho sức khoẻ mình
và cho thế giới. Nói năng cũng vậy và hành động cũng vậy. Nó gây tan
nát, nó gây hư hỏng gọi là ác nghiệp, là tà nghiệp. Chúng ta phải
gây nghiệp tốt gọi là thiện nghiệp. Trong đời sống hàng ngày với tư
cách của một con người, một người cha, một người mẹ, một người thầy,
một người anh, một người chị, một nhà giáo, một nhà doanh thương thì
luôn luôn chúng ta có khả năng tạo nghiệp tốt. Tạo nghiệp tốt thì sẽ
có nghiệp báo tốt. Tạo nghiệp xấu thì có quả báo xấu.
Nghiệp không phải là vấn đề của riêng cá nhân. Nó có vấn đề cộng
đồng, gọi là cộng nghiệp – collective karma. Nếu chúng ta
cùng chết trong một trận động đất, hay là cùng chết trong một cơn
sóng thần. Dầu cho chúng ta ở bên Hoà Lan, chúng ta có cùng nghiệp
đó thì chúng ta cũng qua đấy để chết chung. Khi gánh chịu những tai
nạn chung như vậy, gọi là cộng nghiệp. Trong nghiệp mình phải
phân biệt biệt nghiệp và cộng nghiệp. Trong cộng
nghiệp có biệt nghiệp. Ví dụ như khi mình lái xe buýt, thị giác thần
kinh của mình không chỉ có liên hệ tới mình không thôi, mà nó còn
liên quan tới tất cả mọi người ngồi trên xe. Thành ra con mắt của
mình và thị giác thần kinh của mình, không phải là sở hữu riêng của
mình. Giá trị của sự lành mạnh của con mắt mình cũng như là tuệ giác
đó, nó có liên hệ tới sinh mạng của người ngồi trên xe buýt. Cho nên
nói rằng: con mắt của tôi là của tôi, thị giác thần kinh của tôi là
của tôi là không đúng. Nó cũng là của người khác nữa. Do đó khi chăm
sóc cho mình tức là chăm sóc cho cha, cho mẹ, cho trái đất. Gọi là
giữ thân cho mẹ. Đó cũng là một phần bài trường ca mẹ Việt Nam
của Phạm Duy. Mình giữ cái thân này cho mạnh khoẻ, cho nhẹ nhàng.
Cái đó không phải là giữ cho mình không, mà còn giữ cho tổ tiên, giữ
cho cha mẹ và cũng giữ cho các thế hệ tương lai. Đó là giáo lý vô
ngã. Không có gì là của riêng một cách hoàn toàn, và cũng không có
gì là chung một cách hoàn toàn. Biệt nghiệp và cộng nghiệp đan lại
với nhau. Thành ra bất cứ một cái gì mình làm có tính cách xây dựng,
bảo hộ, thì không những mình được hưởng mà rất nhiều người chung
quanh cũng được hưởng. Bất cứ cái gì mình làm có tính cách phá hoại,
ô nhiễm thì không phải chỉ có một mình mình chịu đựng, mà có những
người xa gần cũng chịu đựng. Bởi vậy bây giờ thiên tai nó xảy ra
khắp nơi, ở bên Mỹ cũng có bão tố, cũng có cháy rừng. Ở Á châu cũng
có.
Á châu lâu nay chúng ta có đạo đức Đông phương. Nhưng có một thời
chúng ta coi nhẹ đạo đức Đông phương và nhìn về Tây phương. Để ham
muốn vào sự phát triển công nghệ và kỹ thuật. Chúng ta bỏ bê giá trị
đạo đức Đông phương của chúng ta. Trong khi đó một số người ở Tây
phương, họ bắt đầu chú ý tới đạo đức Đông phương của chúng ta. Chính
ngay trong giới khoa học cũng nói với nhau rằng: những cái mà
khoa học bây giờ đang tìm ra, đạo đức Đông phương ngày xưa đã tìm ra
rồi. Như học giả Oppenheimer có nói rằng: khoa học Tây phương
chỉ có thể chứng minh được bằng toán học và bằng những thí nghiệm
rằng tuệ giác Đông phương ngày xưa tìm ra là đúng. Cho nên bây
giờ không còn Đông phương và Tây phương riêng rẽ nữa. Chúng ta đã
hoà nhập với nhau, đã toàn cầu hoá. Và cái nghiệp đã trở thành
nghiệp chung rồi. Bên này khủng hoảng thì bên kia sẽ khủng hoảng.
Bên kia khủng hoảng thì bên này sẽ khủng hoảng. Chúng ta đang lâm
vào trường hợp đồng sinh cộng tử. Thành ra không có hy vọng rằng chỉ
mình được an toàn. Và nếu có gì xảy ra thì xảy ra cho bên kia thôi,
đừng hy vọng như vậy. Chúng ta lo cho người cũng là lo cho mình, cái
đó là tương tức - interbeing. Phải thấy như vậy thì hành động mới
chính xác. Cho nên trong doanh thương, doanh nghiệp mình phải thấy
bất cứ một cử chỉ, một hành động của mình, một sự khai thác nào của
mình cũng có ảnh hưởng toàn cầu. Mình phải có trách nhiệm về đất mẹ.
Tên chủ đề của bài thuyếp pháp hôm nay là gieo hạt từ bi. Mỗi
giây phút đều có gieo hạt từ bi, tức là phải thực tập tình thương.
Gieo hạt từ bi là phương pháp duy nhất để giữ gìn đất mẹ. Đất mẹ đây
là tổ quốc, đất mẹ đây là trái đất, là hành tinh của chúng ta.
Xin Thầy cho biết về Làng Mai?
Con xin hỏi một câu cuối cùng. Xin Thầy cho biết về Làng Mai. Như
vậy thì doanh nhân có thể tổ chức đi thăm Làng Mai và tu tập ở Làng
Mai hay không? Chúng con hình dung là rất khó, vì doanh nhân chúng
con chỉ tu có một nửa thôi.
- Ông giám đốc của hảng Ford cũng có tới tu viện của chúng tôi để
tu. Tôi có tặng cho ông ta một cái chuông. Mỗi ngày ông
thỉnh chuông và thở. Các doanh nhân và các nhà chánh trị thỉnh
thoảng tới Làng Mai. Có những ông dân biểu tới Làng Mai rồi cũng đi
khất thực, cũng đi rửa bát, giống hệt như những người khác. Tu học
cũng đàng hoàng lắm. Mỗi năm vào mùa hè tại Làng Mai, thiền sinh từ
các nước về rất đông. Làng Mai rất là đơn sơ, đơn sơ một cách lạ kỳ.
Chúng tôi biến
những chuồng bò thành thiền đường ; biến những nhà chứa rơm trước
kia
thành cư xá. Nhưng tới mùa hè thì các thiền sinh nườm nượp từ các
quốc gia về. Thường thường mình đếm trong mỗi mùa hè là từ 45 đến 50
nước. Thật là một trung tâm quốc tế. Nó ngược lại với chỗ này, chỗ
này sang bao nhiêu thì nó bình dị bấy nhiêu. Mùa hè cắm lều được,
nên chúng tôi tiếp nhận được rất nhiều thiền sinh. Đủ các giới, phần
lớn là giới trẻ, giới trí thức. Có những người đem cả gia đình tới
tu học và họ ở một tuần. Ở Làng Mai, nếu tới thì anh tới ít nhứt là
một tuần, nếu
chỉ tới một ngày thì được khuyên là đừng nên tới. Tại vì không có
thấm, một tuần thì tạm thấm để về tiếp nối được. Có những cặp vợ
chồng họ tới một tuần, rồi họ thấy muốn ở thêm tuần nữa, hai tuần và
có những gia đình họ ở luôn bốn tuần. Bởi vậy, nếu mình về Làng Mai
thì hoặc chọn một tuần, hai tuần, ba tuần hoặc bốn tuần.
Thường thường sau khoá tu mùa hè, chúng tôi đi giảng dạy ở các nước
như Hoa Kỳ, Anh, Đức, v.v... Mỗi nước họ đòi hỏi mỗi năm phải cho họ
một khoá tu, mà ở Tây phương có biết bao nhiêu là nước. Á Đông cũng
có bao nhiêu là nước: Thái Lan, Hồng Kông mỗi năm cũng đòi một khoá.
Bây giờ Malaysia, Indonesia, v.v… ở đâu cũng đòi, thành ra chúng tôi
thiếu giáo thọ. Nếu quí vị có ai phát tâm tu tập để thành giáo thọ,
cái đó có thể gọi là doanh thương tâm linh, để đem hòa bình an lạc
cho thế giới. Chúng tôi không quảng cáo, nhưng vì tu học về họ
chuyển hoá,
họ hạnh phúc nên họ đồn với nhau, cho nên càng ngày thiền sinh tới
càng đông. Nếu quí vị qua được bên Pháp, trước hết nên nhớ rằng điều
kiện bên đó rất là khiêm nhượng. Quí vị có khi phải nằm ở trong
liều, phải ngủ trong túi ngủ để tu tập, không có (khách sạn) bốn
sao, ba sao đâu. Có một nhà doanh thương, ông Developer. Ông làm ra
từng thành phố một, vậy mà khi tới Làng Mai ông phải ngủ trong một
cái liều. Vì ông ấy dài quá, thành ra ông nằm ở trong, mà chân lòi
ra khỏi liều một khúc. Nhưng sau khoá tu ông trở thành một người hộ
pháp rất lớn. Ông đã giúp cho trung tâm tu học Làng Mai bên Mỹ.
Chúng tôi mong quí vị có thì giờ tới Làng Mai tu tập và nên nhớ rằng
Làng Mai không phải là chỗ tham quan, hành hương. Làng Mai là nơi tu
tập, vì vậy cho nên cố gắng ít nhất là bảy ngày thì mới thấm được.
Quí vị có thể đem theo các cháu. Có các thầy, các sư cô sẽ lo chương
trình tu học cho các cháu.
Bây giờ xin mời sư cô Chân Không
hát
bài
Le
Sourire,
sư cô có thể hát bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Bài này là bài đặc
biệt của Làng Mai, do một vị giáo thọ
của
Làng sáng tác.
|