PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tớichết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 Nghệ thuật sống thiền :

Đạo Phật và Tuổi trẻ
Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương (1)

(Khoá tu 4 ngày cho GĐPT và  người trẻ tại Tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc, Lâm Đồng, từ 24.04 đến 27.04.2008)

  • Tháng 04.2008 - Chân Giác Lưu phiên tả & biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 24.04.2008
    tại tu viện Bát Nhã - Bảo Lộc (Lâm Đồng)
    Âm thanh MP3 : Phần 1 - Phần 2

Tăng thân niệm danh hiệu Bồ tát Quan thế Âm
 

Kính thưa quí vị, hôm nay là ngày 24, tháng tư, năm 2008, chúng ta đang ở tại Bát Nhã, trong khóa tu với chủ đề Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương. Đây là một khoá tu được tổ chức trong khuôn khổ lễ Phật Đản Quốc Tế tổ chức tại Việt-Nam.

 

Như ngồi trên bông sen

Chúng ta hãy tập ngồi cho thoải mái. Chúng ta thường thấy, trong chùa có tạc tượng Phật ngồi trên một bông sen. Điều đó có nghĩa là, khi Đức Thế Tôn ngồi thì Ngài ngồi rất thoải mái, rất thảnh thơi, nhẹ nhàng, như ngồi trên một bông sen. Chúng ta có thể học ngồi như Đức Thế Tôn, ngồi thoải mái như ngồi trên một bông sen.

 

Có nhiều người trong chúng ta không ngồi yên được, họ ngồi như trên một đống lửa. Khi ngồi không yên thì đứng không yên, đi cũng không yên mà nằm xuống cũng không yên. Chúng ta phải tập để ngồi yên được, ngồi thoải mái, thảnh thơi như ngồi trên một bông sen chứ không phải ngồi trên đống lửa hồng. Chuyện nầy chúng ta có thể làm được. Sau vài ngày thực tập thì chúng ta có thể làm được. Dù cho ngồi trên bãi cỏ, trên một tảng đá, ngồi dưới gốc cây hay ngồi trước máy vi tính thì chúng ta cũng có thể ngồi thoải mái giống như Đức Thế Tôn ngồi trên bông sen.

 

Chúng ta hãy tưởng tượng Đức Thế Tôn sinh ra vào thế kỷ thứ 21, chắc chắn là Ngài cũng dùng máy vi tính như chúng ta. Ngài sẽ ngồi trước máy vi tính cách rất thảnh thơi. Có thể Ngài cũng dùng điện thoại di động. Nhưng cách của Ngài dùng điện thoại di động khác với mình, Ngài dùng một cách thảnh thơi, an lạc.

 

Buông bỏ những căng thẳng trong thân

Chúng ta có những căng thẳng trong nội thân. Có một sức ép, một sự căng thẳng dồn chứa trong con người của mình. Người nào cũng có cái đó, có ít hay nhiều thôi. Nếu chúng ta không biết cách buông thư, chúng ta không buông bỏ được những căng thẳng đó thì nó sẽ đưa tới nhiều chứng bệnh, bệnh về thân trước rồi đến bệnh về tâm.

 

Thực tập để buông bỏ được những căng thẳng trong tâm là một việc rất quan trọng. 2600 năm trước, trong kinh An Ban Thủ Ý, Đức Thế Tôn đã dạy làm thế nào để trong tư thế nằm, tư thế ngồi hay tư thế đi, mình buông bỏ được những căng thẳng trong thân và trong tâm. Khi có sự căng thẳng trong thân và trong tâm thì mình bị bức xúc. Những điều mình nói có tính cách trừng phạt, lên án, buộc tội, không có tình thương. Những hành động của mình có tính cách bạo động, hung dữ, không biểu lộ được tình thương. Điều đầu tiên chúng ta phải học và làm cho được là lấy sự căng thẳng (stress, tension) ra khỏi con người của mình.

 

Ngồi là một trong những phương pháp giúp mình có thể buông bỏ những căng thẳng đó (relaxation). Một bác sĩ Hoa Kỳ tên là Benson đã viết một cuốn sách nói về hiệu năng của sự buông thư. Ông cùng một tập đoàn bác sĩ và y tá đã thực tập trong nhiều năm. Họ đã tìm ra được một sự thật rất đơn giản: Khi chúng ta làm giảm thiểu những căng thẳng trong cơ thể mình, khi cơ thể mình đã buông thư rồi thì nó có khả năng trị liệu được những chứng bệnh trong nó. Khi bị bệnh thì chúng ta đi mua thuốc uống. Nhưng nếu chúng ta vẫn giữ nguyên mức căng thẳng và dồn ép trong thân thì thuốc cũng không đủ để chữa bệnh. Nếu biết phương pháp buông thư, biết phương pháp buông bỏ những căng thẳng trong thân thì chúng ta cần rất ít thuốc hoặc là có khi không cần dùng thuốc mà cơ thể mình vẫn trị liệu được những chứng bệnh sẵn có trong người. Có nhiều chứng bệnh như nhức đầu, đau nhức, bệnh tim mạch, nó có nguồn gốc ở những căng thẳng trong thân.

 

Trong kinh An Ban Thủ Ý (Ānāpānasati-sutra), Đức Thế Tôn có dạy những phương pháp thở để chúng ta có thể buông bỏ được những căng thẳng đó. Phương pháp thở rất hay và có thể áp dụng trong tư thế ngồi, tư thế nằm, tư thể đi hay tư thế đứng. Trong khoá tu nầy chúng ta sẽ có một buổi thực tập buông thư (deep relaxation), buông thư hoàn toàn. Trong tư thế ngồi chúng ta buông thư mà trong tư thế nằm chúng ta cũng có thể buông thư.

 

Tôi đang ngồi đây trên gối ngồi của tôi. Tôi không có một sự căng thẳng nào trong cơ thể và trong tâm hồn. Tôi ngồi  rất thoải mái, tôi có thể ngồi giống như Đức Thế Tôn ngồi trên bông sen. Tôi mong muốn các bạn trẻ học được điều đó trong khoá tu nầy.

 

Khôi phục lại hạnh phúc gia đình

Cách đây khoảng 20 năm, có một cô thiếu nữ tới ghi tên học một một khoá tu cho người lớn được tổ chức tại miền Nam tiểu bang California Hoa Kỳ. Cô có khó khăn với ba cô. Ba cô là một nhà văn và cũng là một nhà thơ. Vậy mà cô không truyền thông được với ba. Hai cha con không nói chuyện được với nhau. Có những khó khăn không giải tỏa được giữa hai cha con. Người nào cũng có sự bực bội ở trong lòng. Cha giận con, con trách cha và hai bên không biết làm cách nào để tháo gỡ. Cô thiếu nữ đã ghi tên cho năm ngày ở khóa tu tổ chức tại một trại nghỉ hè của thanh niên Mỹ. Sau khi tu năm ngày cô trở về nhà và đã hoà giải được với ba cô. Qua năm sau thì cô thuyết phục được ba cô ghi tên tham dự khóa tu. Người con có thể giúp đỡ cho cha, cho mẹ hòa giải được với nhau. Đó là chuyện thường xảy ra trong các khóa tu mình tổ chức cho người trẻ tại Tây Phương.

 

Tại Làng Mai Pháp quốc, mỗi mùa hè có hàng ngàn thiền sinh tới tu tập, trong đó số người trẻ rất đông. Có tất cả 45 nước đến. Những người trẻ tới với nhau và họ có chương trình tu tập riêng. Năm nay chúng ta bắt đầu thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Tử Âu Châu. Mỗi nước đều có thanh niên Phật tử như người Anh, người Mỹ, người Áo, người Tây Ban Nha, người Đức v.v.. Những thanh niên Tây Phương thực tập cũng thành công lắm. Họ đem sự thực tập về nhà giúp bố mẹ hòa giải lại với nhau.

 

Ở nước Pháp năm 2007, số thanh niên bỏ nhà ra đi là 46000 người. Vì không khí giữa bố mẹ quá căng thăng và sự truyền thông giữa bố mẹ và con cái có khó khăn nên cuối cùng người trẻ phải tìm cách bỏ nhà ra đi. Mỗi ngày có khoảng 33 thanh niên Pháp tự tử tại vì họ tuyệt vọng, họ không giải quyết được sự bế tắc. Thanh niên đến Làng Mai tu tập hoặc tham dự khóa tu mình tổ chức tại các nước khác. Trước hết, họ học phương pháp buông thư để làm giảm thiểu những căng thẳng trong thân và trong tâm. Họ học nhìn lại cho kỹ, lắng nghe cho hiểu. Khi có lòng thương và trí tuệ thì mình mới có thể giúp cho ba mẹ mình, mình có thể khôi phục lại hạnh phúc gia đình đã bị đánh mất từ lâu nay.

 

Cô thiếu nữ đó đã về hòa giải được với bố, một nhà văn. Cô giúp cho bố mẹ hòa giải lại với nhau và năm sau cô đưa bố mẹ đến tham dự khóa tu. Số lượng người trẻ đến tu tập rồi sau đó về hòa giải được với cha mẹ, giúp được gia đình, số lượng đó rất nhiều. Họ giúp thiết lập lại sự truyền thông giữa cha và mẹ và sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái. Khi làm được rồi thì chúng ta có thể chia sẻ phương pháp của chúng ta với những người trẻ khác để họ cũng làm được như chúng ta.

 

Khóa tu nầy tuy ngắn ngủi, chỉ có bốn ngày, nhưng nếu thực tập hết lòng thì chúng ta có thể làm được rất nhiều chuyện. Chúng ta đừng phí thì giờ nói chuyện và làm những việc không bổ ích. Chúng ta để thì giờ quí báu đó mà thực tập cho được. Chúng ta có thể thay đổi được không khí trong gia đình. Chúng ta có thể giúp tái lập truyền thông giữa con cái và cha mẹ hoặc giúp cha mẹ truyền thông được với nhau. Chuyện đó chúng ta có thế làm được cũng như nhiều người đã làm được. Tội nghiệp cho 46.000 thanh niên Pháp đã bỏ nhà ra đi trong năm 2007! Tội nghiệp cho hơn 33 thanh niên phải tự tử mỗi ngày vì hoàn cảnh bị bế tắc! Số lượng người trẻ tự tử bên Anh, bên Mỹ còn nhiều hơn nữa. Ở Việt-Nam, số lượng đó cũng đã khá nhiều rồi đó!

 

Tôi rất mong người trẻ tiếp nhận được giáo lý và sự thực tập của Đức Thế Tôn để trị liệu thân tâm mình và đem lại nguồn vui sống cho chính mình. Có như vậy thì sau đó mình mới có thể giúp được anh em, gíup được cha mẹ, giúp được bạn bè cũng làm được như mình. Chúng ta có thể giúp được rất nhiều người!

 

Có hiểu mới có thương

Trên đời, có rất nhiều người có hạnh phúc. Người khổ thì nhiều rồi, nhưng cũng có người có hạnh phúc. Không hẳn là phải có tiền bạc, quyền uy hay sắc dục cho nhiều thì mới có hạnh phúc. Những người có hạnh phúc nhất là những người có tình thương, những người có tình thương trong trái tim, ban phát được tình thương trong đời sống hằng ngày của mình và làm cho người khác có hạnh phúc. Dù mình không có tiền bạc nhiều, không có danh vọng, uy quyền trong xã hội, nhưng với tình thương thì mình có hạnh phúc và có thể dâng tặng hạnh phúc cho nhiều người. Có nhiều người như vậy, xuất gia cũng như tại gia. Tôi đã gặp và đã chứng thực được điều đó.

 

Khóa tu của chúng ta có chủ đề Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương. Hiểu và thương là hai yếu tố của hạnh phúc. Chúng ta có thể chế tác hiểu và thương bằng sự tu tập của mình. Không có hiểu thì không có thương. Hãy tưởng tượng một người cha không hiểu được con mình. Ông không hiểu được những khó khăn, những khổ đau của đứa con. Càng thương thì ông càng làm cho nó khổ. Tại vì thương mà bắt ép con phải nghĩ như cách mình nghĩ, phải làm như cách mình làm, phải nói như cách mình nói, phải suy tư theo cách suy tư của mình. Vì vậy càng thương thì càng làm cho người thương của mình khổ. Muốn thương thì phải hiểu, trước hết là phải hiểu những khó khăn, những khổ đau, bức xúc của người kia. Làm thế nào để hiểu được? Nhiều khi mình không hiểu được cái khó khăn, cái khổ đau, bức xúc của chính mình thì làm sao mình hiểu được cái khó khăn, cái khổ đau, bức xúc của người kia?

 

Khóa tu nầy giúp mình làm thế nào để buông thư được những căng thẳng trong thân và trong tâm. Mình bắt đầu nhìn lại và lắng nghe. Khi có cơ hội ngồi lại và lắng nghe thì tự nhiên mình hiểu được mình, mình thương được mình. Có những người không thế nào thương được chính bản thân mình. Khi mình hiểu và thương được mình thì mình mới hiểu và thương được người khác. Mình không hiểu và thương được mình thì làm sao mình hiểu và thương được người khác? Đó là sự thật rất đơn giản!

 

Thực tập hơi thở

Mỗi khi nghe chuông chúng ta dừng sự nói năng, đừng suy nghĩ gì nữa và trở về với hơi thở: Thở vào, chúng ta để ý tới hơi thở vào. Thở ra, chúng ta để ý tới hơi thở ra. Trong khi thở vào, ta ý thức được hơi thở vào. Trong khi thở ra, ta buông thư toàn thân. Đây là bài tập trong kinh An Ban Thủ Ý:

 

Thở vào, tôi ý thức được toàn thân của tôi.

Thở ra tôi buông bỏ những căng thẳng trong toàn thân của tôi.

Bài nầy, mình phải tập cho được và tập cho thành công. Sự thật là trong cơ thể của mình có những căng thẳng, những đau nhức, sầu khổ, những lo lắng, giận hờn. Mình phải công nhận sự có mặt của những cái đó. Mình phải biết cách buông bỏ những căng thẳng. Có làm vơi đi những căng thẳng, sầu khổ, nặng nề trong thân và trong tâm thì mình mong đi xa hơn được. Nếu chưa làm được thì không thể nào đi xa được.

Khi thở vào mình thấy hình hài của mình đang có mặt và trong hình hài đó có sự căng thẳng, có sự dồn nén, có sự đau nhức. Quí vị cũng biết rất rõ là khi có căng thẳng nhiều thì có đau nhức nhiều và khi sự căng thẳng ít  đi thì sự đau nhức cũng bớt đi.

Thở vào,  tôi ý thức được sự có mặt của thân thể tôi.

Breathing in, I am aware of my own body.

Khi thở vào mình đừng để ý đến chuyện gì khác. Mình thấy thân thể mình đang có mặt với những căng thẳng của nó. Tội nghiệp cho thân thể, nó có những căng thẳng, nó có những đau nhức. Mình bắt đầu thương, mình thương thân thể của mình trước.

Thở vào, tôi ý thức được sự có mặt của thân thể tôi với những căng thẳng và những đau nhức. Thở ra, tôi thực tập buông bỏ những căng thẳng và những đau nhức đó trong thân tâm.

Khi thở ra, tôi buông thư hết. trong con người của chúng ta có biết bao nhiêu là cơ bắp. Ngay trên mặt đã có trên ba trăm cơ bắp. Khi mình căng thẳng, giận hờn, lo lắng, thì những cơ bắp co rúm lại. Nhìn vào kính, mình thấy mặt mình giống như trái bom sắp nổ. Và bệnh tật phát sinh từ những căng thẳng đó. Chúng ta cứ cho phép nhưng căng thẳng dồn lại mỗi ngày một ít cho đến khi chúng ta ngã bệnh. Phương pháp thực tập nầy là để chống căng thẳng (stress). Bài tập thứ ba là:

Thở vào, tôi ý thức được thân thể tôi có căng thẳng, đau nhức.

Thở ra, tôi buông thư, tôi buông bỏ những căng thẳng, đau nhức.

Khi thở ra thì đồng loạt, mình để cho những căng thẳng trong bắp thịt rơi rụng hết. Lúc đó nhìn vào gương thì thấy mặt mình rất khác. Mình có thể nhìn vào kính để thực tập. Và mình nên thực tập nụ cười. Cười được thì tự nhiên ba trăm bắp thịt trên mặt mình buông thư liền.

Trong khi thở vào mình ý thức toàn thân và sự đau nhức trong đó. Trong khi thở ra thì mình mỉm cười. Mỉm cười là một hình thái tập yoga. Ngồi cho thoải mái cũng là một loại yoga. Khi thở ra, mình thở nhè nhẹ, buông thư và mình mỉm cười thì mình tạo ra một trạng thái nhẹ nhàng, thư thái trong thân.

Thở vào tôi ý thức toàn thân

Thở ra tôi buông thư toàn thân

Đó là bài tập Đức Thế Tôn dạy  mà mình phải làm cho được. Bây giờ chúng ta làm chung, thầy trò cùng làm chung. Nghe một tiếng chuông thì mình thở vào và ý thức toàn thân, mình thở ra  và buông thư những căng thẳng trong toàn thân.

 

Thực tập là một hạnh phúc

Muốn được thành công thì mình đừng coi sự thực tập nầy là một cố gắng, một sự gò ép. Thở vào có thể là một hành động rất dễ chịu.

 

Tôi thở vào và tôi thích thú khi được thở vào

Hãy tưởng tượng mình bị nhốt trong một căn phòng nhỏ hẹp và có mùi hôi, mùi mốc và không có không khí trong lành. Sau hai giờ đồng hồ, người ta mở cửa cho mình ra. Không khí ở ngoài rất trong lành. Mình thở và thấy khoan khoái vô cùng. Thở vào, tôi cảm thấy khoan khoái trong khi thở vào. Hai lá phổi của tôi còn tốt, tôi không bị suyễn và không khí ở Bảo Lộc khá tốt. Thở vào là có thể có hạnh phúc liền. Thở ra mình mỉm cười và buông thư hết những căng thẳng trong cơ thể của mình.

Thở vào, tôi cảm thấy hạnh phúc, thích thú.

Thở ra, tôi cảm thấy thoải mái, buông thư.

Thực tập là một hạnh phúc chứ không phải là một cực hình. Nếu thực tập mà mình thấy khổ là không đúng theo pháp môn Đức Thế Tôn dạy. Trong khi thở mình phải thấy hạnh phúc, dễ chịu thì mới đúng.

 

Ngồi cho an, ngồi cho lạc

Khi ngồi mà mình thấy khổ, thấy gò bó là không đúng. An tọa có nghĩa là ngồi yên, ngồi yên thì có hạnh phúc và an lạc. Ngồi mà bồn chồn như bị lửa đốt thì làm sao có hạnh phúc, có an lạc được? Khi ngồi mình có an lạc mà khi thở mình cũng có an lạc. Có an mời có lạc. Thân có an thì tâm mới an. Bước đầu là mình làm cho thân an. Làm cho thân an là lấy đi những đau nhức, những căng thẳng trong thân. Trong tư thế nằm hay ngồi mình cũng có thể làm được như vậy.

 

Trong tư thế đi mình cũng đi được thoải mái như vậy. Ngày mai, mình sẽ đi thiền hành chung với nhau. Mỗi bước chân đều đem đến hạnh phúc và an lạc. Có người đi như bị ma đuổi. Phần lớn trong xã hôi chúng ta, người nào cũng đi như bị ma đuổi. Chỉ có một số rất ít người biết đi và biết thưởng thức từng bước chân một. Về Bát Nhã, trong khóa tu, mình thử tập đi những bước chân như vậy. Mỗi bước chân là an lạc, mỗi bước chân là hạnh phúc, mỗi bước chân là thảnh thơi.

 

Khi ngồi, mình không gồng mình. Có người có chú tâm muốn ngồi thiền, muốn tu. Nhưng vì gồng mình quá nên chỉ được mười lăm phút thì lại đau nhức thêm. Tại vì họ không biết cách ngồi. Ngồi mà đau nhức thêm thì ngồi làm gì? Mình phải học ngồi cho thoải mái dù là ngồi trước máy vi tính hay ngồi lái xe. Phải ngồi cho an, ngồi cho lạc. Mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên là chúng ta học ngồi với nhau, ngồi yên. Ngồi yên là một nghệ thuật, chỉ cần ngồi thôi mà có hạnh phúc.

 

Cách đây mười mấy năm, có ông tổng thống Nam Phi tên Nelson Mandala. Ông qua nước Pháp thăm ông tổng thống Pháp. Báo chí hỏi: Thưa tổng thống, chúng tôi tò mò muốn biết tổng thống ưa gì nhất? Trong đời sống hằng ngày, tổng thống ưa làm gì nhất? Ông Nelson nói: Cái tôi ưa nhất là được ngồi yên. Tôi bị tù mười mấy năm. Khi được thả ra và được bầu làm tổng thống, từ lúc đó đến nay, tôi chưa có cơ hội được ngồi yên. Công việc quá nhiều, tôi không có thì giờ để thở, để ngồi, để ăn cơm cho thoải mái. Cái tôi thiếu và cần nhất là được ngồi yên.

 

Tờ nhật báo Le Monde ở Paris đã đăng lại tin đó. Tôi đọc tờ báo và mỉm cười nghĩ: “Ông tổng thống đó, nếu mình cho ông một ngày để ngồi thì chưa chắc ông đã biết cách ngồi”. Ngồi yên để có hạnh phúc khó lắm, mình phải học mới làm được. Mình quen bận rộn, lăng xăng rồi, bây giờ mình ngồi yên không được. Ngồi yên là một nghệ thuật mà mình phải học. Ngồi yên là an tọa và người làm mẫu mực cho an tọa là Đức Thích Ca Mâu Ni, là Thầy của mình, là Bụt. Nếu muốn làm một người học trò, một người bạn, một người tiếp nối Đức Thế Tôn thì trước hết mình phải học ngồi yên. - Bạch Đức Thế Tôn, con có thể ngồi yên được. Con xứng đáng làm con của Ngài. Con xứng đáng là sự tiếp nối của Ngài. Chỉ cần ngồi yên là có thể xứng đáng được gọi là sự tiếp nối của Đức Thế Tôn. Ngồi cho yên, tất cả mọi cái sẽ yên khi mình ngồi yên. Yên vui nơi nầy, yên khắp mọi phương.

 

Buổi sáng, chúng ta tập ngồi, ngồi không phải để thành công hay là để chứng cái gì. Ngồi trước hết là để có an và  có lạc. Trong khi ngồi chúng ta phải biết thở. Thở vào, chúng ta cảm thấy thích thú khi thở vào. Thở ra, chúng ta buông thư hết những căng thẳng, chúng ta mỉm cười. Một người mà có thì giờ, có cơ hội làm được như vậy trong đời sống  mới nầy thì người đó là một người có văn hóa, một người có văn  minh. Một người biết ngồi yên, một người có khả năng ngồi yên rất hiếm có trong xã hội của mình.

 

Thực tập với trái tim thương yêu

Mình rất mong ba mình, mẹ mình có thể ngồi yên được. Trong gia đình mà có người có khả năng ngồi yên thì chắc chắn là gia đình đó có hạnh phúc. Ngồi yên là một nghệ thuật mà mình có thể học được. Mình có thể ngồi cho cha, cho mẹ, cho tổ tiên, ông bà. Có nhiều khi ngồi thiền tôi quán chiếu như thế nầy: Ba ơi, ba ngồi với con đi! Tôi biết rất rõ là ba tôi đang có mặt trong từng tế bào cơ thể tôi. Mẹ tôi cũng vậy! Bà cũng đang có mật trong từng tế bào cơ thể tôi.

 

Nói rằng ba đã chết, mẹ đã chết, nói như vậy chỉ đúng một phần rất nhỏ. Ba còn sống trong mình, mẹ cũng còn sống trong mình và tất cả tổ tiên nhiều đời cũng đang có mặt trong từng tế bào cơ thể mình. Khi mình ngồi yên được thì các vị cũng được ngồi yên. Bây giờ mình được gặp thầy, gặp bạn, mình học được cách ngồi yên thì khi ngồi, mình ngồi cho ba, mình ngồi cho má:

 

- Ba ơi! Con ngồi với sống lưng của ba đây!

- Mẹ ơi! Con đang ngồi với hai lá phổi của mẹ!

Hai mẹ con cùng thở vào, th ra, rất vui, trái tim của mình đầy ấp thương yêu. Mình thấy mẹ cả đời tần tảo, lo làm nuôi gia đình. Ít khi nào bà được ngồi yên, bà không biết thở vào một cách thích thú, không biết thở ra mỉm cười và buông thư. Bây giờ mình làm cho má, cho ba. Mình thấy cha mẹ đang sống trong mình và mình truyền thông được với cha mẹ một cách toàn hảo. Mình là cha mình, mình là mẹ mình. Mình là sự tiếp nối của cha mẹ mình. Mỗi hơi thở là tình thương. Mỗi nụ cười cũng là tình thương.

Mỗi khi mình mỉm cười được và làm buông thư tất cả bắp thịt trong cơ thể thì cha mẹ mình cũng được buông thư. Mỗi khi mình bước được một bước chân an lạc, thảnh thơi, thì cha mẹ trong mình cũng đi được an lạc thảnh thơi. Mình thương hai mươi bốn giờ đồng hồ một ngày, khi thở cũng thương, khi ngồi cũng thương. Mình thương bản thân mình. Mình thương cha, mình thương mẹ, cha mẹ ở trong mình và ở ngoài mình. Tại Bát Nhã có những bài thực tập đơn giản rất hay, quí vị hãy ráng tập cho được một vài bài:

Thở vào, tôi ý thức được sự có mặt của ba tôi trong từng tế bào cơ thể tôi.

Thở ra, tôi mỉm cười với ba tôi trong từng tế bào cơ thể tôi.

Thở vào, tôi ý thức được sụ có mật của má tôi trong từng tế bào cơ thể tôi.

Thở ra, tôi mỉm cười với má tôi trong từng tế bào cơ thể tôi.

 

Lúc đó có sự truyền thông giũa mẹ và con. Thở vào, tôi mời ba tôi cùng thở vào với tôi. Hai cha con cùng thở vào vì thân nầy tuy là thân mình nhưng cũng là thân của ba. Thở vào con thấy khỏe quá, ba có thấy khỏe như con không ? Hai cha con cùng thở vào, thở ra và  tất cả đều là tình thương. Nhiều khi mình thương mà mình không tỏ lộ được tình thương của mình. Thở như vậy là mình tỏ lộ được tình thương. Thở vào, con mời má cùng thở với con. Phổi nầy cũng là phổi của má chứ nào phải của riêng con. Không có má thì làm sao có hai lá phổi nầy.

 

Khi dạy đạo Phật cho Tây Phương, tôi thường dùng hình ảnh của hạt bắp và cây bắp. Khi gieo một hạt bắp xuống đất thì năm hay mười ngày sau nó thành ra cây bắp con. Mình không thấy hạt hạt bắp nữa. Mình chỉ thấy cây bắp thôi và mình tưởng hạt bắp đã chết rồi. Nhưng hạt bắp không chết, hạt bắp vẫn còn dưới hình dạng mới của nó là cây bắp con.

 

Tuy mình là con, nhưng nhìn kỹ thì mình thấy có ba mẹ trong mình. Mình là sự tiếp nối của cha mẹ, giống như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Khi mình nói:

 

- Má ơi, mời má cùng thở với con. Hai má con mình cùng thở. Thì tự nhiên  hai má con cùng thở vô rất là hay, rất là mầu nhiệm!

- Má ơi, con thở vô thấy khỏe quá! Má có thấy khỏe như con không? Con thở ra, buông thư. Con thấy nhẹ nhàng, má có thấy nhẹ nhàng như con không?

Thực tập thiền như vậy thì mình sẽ không bao giờ thấy buồn ngủ tại vì mình thực tập với trái tim thương yêu. Hai lá phổi nầy cũng là hai lá phổi của ba. Trái tim nầy cũng là trái tim của mẹ. Tu là tu cho cha, cho mẹ, cho tất cả dòng họ tổ tiên, chứ không phải chỉ cho riêng mình.

Trong khóa tu nầy, quí vị phải nắm cho vững một số bài thực tập để áp dụng vào cuộc đời mình, Khi lái xe, làm việc, lúc giặt áo, tưới rau, khi ngồi trước máy vi tính, mình có thể thực tập được với hình hài, với hơi thở, với trái tim đầy thương yêu của mình. Mình thực tập suốt cả ngày chứ không phải chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, Bụt có dạy 16 phương pháp thở rất là mầu nhiệm. Tôi mong các bn trẻ tìm kinh đó để học và đem áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình. Các nhà khoa học, các bác sĩ cũng nhận thấy rõ công dụng của sự buông thư, công dụng của hơi thở. Lúc sắp chích một mũi thuốc, khi mà bệnh nhân sợ quá, tay gồng lên thì bắp thịt rất cứng. Bắp thịt cứng quá thì đâm kim vô rất khó và bệnh nhân lại bị đau. Lúc đó cô y tá nói: “Thở đi! Thở với tôi đi! Thở vô buông thư đi!” và khi bệnh nhân đang thở ra thì cô đâm mũi kim vô rất là nhẹ và không đau. Sự buông thư những căng thẳng quan trọng vô cùng. Khi không có sự căng thẳng thì mình không còn sự bực tức. Mình nói năng và mình hành động có tình thương nhiều hơn. Mình sẽ không làm hư sự liên hệ của mình với người khác. Vì vậy tập ngồi, tập thở để buông thư thân tâm rất là quan trọng.

 

Trong khóa tu, chúng ta cũng tập đi. Tập đi là một phương pháp mầu nhiệm không thua gì tập ngồi và tập thở. Hôm nay tôi đề nghị một bài tập ngắn để quí vị thực tập: chữ thứ nhất là sự sống, chữ thứ hai là phép lạ, chữ thứ ba là trị liệu và chữ thứ tư là thảnh thơi. Khi đi mình đọc một câu kệ: Mỗi bước chân là sự sống.

 

Khi thở vào mình bước hai bước. Bước thứ nhất mình đọc “mỗi”, bước thứ hai mình nói “bước chân”. Khi thở ra mình mình đọc “là sự sống”. Khi bước đi thì mình ngưng mọi suy nghĩ, mình chỉ chú ý tới sự xúc chạm giữa bàn của mình và mặt đất, mình đem sự chú tâm đặt dưới gang bàn chân. Mình có thể đi trên cỏ hay trên đường đá.

 

Mỗi bước chân là sự sống

Sự sống là một điều rất là mầu nhiệm. Sự sống có mặt trong ta và xung quanh ta. Có người không tiếp xúc được với sự sống, không tiếp xúc được với sự sống thật sự. Khi đi vào mạng là mình đi vào một thế giới ảo. Khi đọc một cuốn tiểu thuyết là mình đi vào một thế giới ảo. Khi coi phim thì mình đi vào một thế giới ảo. Đi thiền hành là mình tiếp xúc được với sự sống thật sự. Mỗi bước chân giúp mình tiếp xúc được với sự sống thật và tất cả sự mầu nhiệm của nó: trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở, suối chảy. Tất cả là những mầu nhiệm của sự sống, sự sống có mặt trong mình và xung quanh mình,

 

Hai mắt của mình rất mầu nhiệm. Hai mắt của mình đang tốt. Chỉ cần mở mắt ra là mình có thể thấy tất cả những gì mình muốn thấy: trời xanh, mây trắng, liễu lục, bông hồng. Mình thấy được nét mặt của người mình thương là nhờ mình có hai mắt. Một thiên đường của màu sắc và của hình dáng đang có mặt cho mình trong cuộc sống hiện thực mà mình chỉ cần mở mắt ra là có thể tiếp xúc ngay được.

 

Trong khi đó, có nhiều người trẻ đi tìm một thế giới ảo để sống. Họ không có khả năng sống được trong thế giới hiện thực. Đi thiền hành là một phương pháp để tiếp xúc được với thế giới thật trong đó có mình và có hoàn cảnh của mình.

 

Trái tim của ta là một mầu nhiệm. Nó đập không ngừng nghỉ trong hai mươi bốn giờ đồng hồ một ngày để nuôi những tế bào trong cơ thể. Có khi tới hai mươi tuổi rồi mà mình chưa thật sự tiếp xúc đuợc với trái tim của mình. Mình chưa biết trái tim của minh nằm ở vị trí nào trong người của mình. Mình không biết trái tim mình đang làm gì trong đó? Mình hoàn toàn quên lãng trái tim của mình. Mình không dễ thương với trái tim của mình.

 

Thở vào, tôi ý thức là trái tim tôi đang còn đó.

Thở ra, tôi mỉm cười ưu ái với trái tim của tôi.

Tội nghiệp cho trái tim của tôi! Trái tim của tôi làm việc suốt ngày không ngừng nghỉ. Vậy mà tôi còn làm tình, lam tội trái tim của tôi bằng cách uống rượu, hút thuốc, thức khuya. Để tay lên trái tim, tôi thở vào để thấy được sự có mặt của trái tim. Khi thở ra tôi lấy năng lượng thân thiện cho trái tim thì trái tim sẽ được an ủi.

Trong cơ thể của mình có bao nhiêu là sự mầu nhiệm như hai mắt và trái tim. Như là buồng gan của mình, có khi mình ăn nhiều chất béo hay mình uống rượu, mình làm hại gan mình. Gan mình kêu cứu mà mình không nghe.

Thở vào, tôi ý thức được sự có mặt của buồng gan tôi.

Thở ra, tôi mỉm cười và thương xót buồng gan tôi.

Thực tập như vậy trong vài ngày thì mình sẽ ngưng uống rượu, mình sẽ ngưng ăn những chất độc có hại cho buồng gan của mình . Đó là gọi là giác ngộ. là giải thoát.

Có một thế giới của sự sống rất là mầu nhiệm. Bông hoa nầy cũng rất là mầu nhiệm, vậy mà mình không có thì giờ để nhìn bông hoa. Mỗi bước chân đưa mình về với giây phút hiện tại để mình có thể tiếp xúc được với sự sống. Những mầu nhiệm của sự sống nuôi dưỡng mình, nó làm cho cuộc đời sáng lên. Mỗi bước chân là sụ sống có nghĩa là như vậy.

Các bạn trẻ có những buồn khổ, có những lo lắng cho nên họ đi tìm quên lãng trong thế giới ảo của phim ảnh, của mạng lưới. Các bạn nên học trở về tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống hiện tại. Những mầu nhiệm đó có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu cho thân và tâm của mình.

Câu “Mỗi bước chân là sự sống” đơn sơ nhưng rất sâu sắc. Với mỗi bước chân, tôi tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm. Đây không phải là tụng kinh bằng miệng. Mình bước đi như thế nào để mỗi bước chân đều có thể giúp mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Lúc đó mình mới thành công! Đó là thiền hành! Thiền hành là đi những bước chân giúp mình tiếp xúc được với sự sống thực tại chứ không phải là một thế giới ảo mà người thanh niên thời đại tìm tới để trốn tránh sự thật.

Mỗi bước chân là sự sống

Sự sống rất là mầu nhiệm. Sự sống là một tặng phẩm lớn của đất trời cho mình. Mình có sự sống mà mình không biết trân quí, mình liệng nó đi để vào một thế giới ảo. Mỗi bước chân là sự sống, đó gọi là tỉnh thức. Bụt có nghĩa là tỉnh thức. Buddha là người tỉnh thức. Người tỉnh thức là một người không sống trong thế giới ảo mà sống trong thế giới thực tại.

   Mỗi bước chân là sự sống

   Every step is life

Mình đừng nên nói suông, mình phải làm! Mỗi bước chân nào cũng giúp cho mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong mình và xung quanh mình. Khi thực tập thành công rồi thì mình đi sang chữ thứ hai là phép lạ (miracle).

 

Mỗi bước chân là phép lạ

Tổ sư Lâm Tế có nói: Phép là không phải là đi trên mây, trên nước mà là đi trên mật đất, gọi là địa hành thần thông. Mỗi bước chân làm mình thức tỉnh. Mình biết mình đang còn sống và mình đang đi trên hành tinh xinh đẹp nầy.

 

   Mỗi bước chân là phép lạ

   Every step is a miracle.

Mình hãy tưởng tượng có một người đang nằm hấp hối, chờ chết. Người đó dù có muốn đi thêm một bước cũng không thể nào đi được. Mỗi bước chân là vô giá. Đức Thế Tôn là người có khả năng đi những bước chân có công năng đem lại hanh phúc. Mình biết giá trị của sự sống và giá trị của từng bước chân. Mình đang được sống và đang được đi trên hành tinh nầy mà mình không có hạnh phúc.

Có những phi hành gia không gian bay lên thượng tầng không khí và đi vào không gian. Họ ở đó sáu ngày, hai mươi ngày. Họ nói, trên đó buồn lắm, không có gì hết. Thở thì phải đem theo không khí để mà thở. Không có cơm ăn, họ phải đem theo những viên thuốc nho nhỏ, mỗi ngày ăn vài viên. Khi trở về lại trái đất và được đi trên thảm cỏ xanh thì họ sung sướng cực kỳ. Không có chỗ nào đẹp hơn trái đất, có suối chảy róc rách, có cá bơi lội trong suối, có rêu, có cây cỏ, có những con đường đất hai bên có bờ cỏ xanh, có những con nai, những con chim. Không nơi nào đẹp bằng trái đất.

   Mỗi bước chân là phép lạ

   Every step is a miracle

Tổ Lâm Tế nói: Phép lạ không phải là đi trên mây hay trên than hồng. Phép lạ là đi trên mặt đất (địa hành thần thông). Nếu quí vị có pháp danh bắt đấu bằng chữ Tâm, chữ Nguyên, chữ Quảng hay chữ Nhuận thì quí vị đều là con cháu của tổ sư Lâm Tế. Ngài đã nói: Đi trên mặt đất là một phép lạ.

   Mỗi bước chân là phép lạ

Mỗi bước chân là vô giá. Mỗi bước chân đem lại sự nuôi dưỡng tại vì đời sống rất là mầu nhiệm. Đi như vậy thì tật bệnh được tiêu trừ. Mình không đi như bị ma đuổi. Mỗi bước chân mà an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc thì tự nhiên tật bệnh được tiêu trừ.

 

Mỗi bước chân là trị liệu

Every step is a healing. Nếu mình có đau nhức, có buồn khổ. Có bệnh tật, thì đi thiền hành có thể chữa lành được. Mỗi bước chân mình đi thảnh thơi, vững chãi, an lạc. Mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống thì mỗi bước chân đều có khả năng trị liệu. Mình đừng chỉ tin vào thuốc men. Mình phải tin vào sự buông thư, tin vào sự thực tập buông thư và nuôi dưỡng. Thiền có tác dụng buông thư, nuôi dưỡng và trị liệu. Người nào cũng có một ít bệnh, không nhiều thì ít. Sự thực tập ngồi, thực tập thở và thực tập đi lấy ra được những lo lắng, những buồn phiền, những căng thẳng trong thân và trong tâm. Thiền có khả năng  nuôi dưỡng và trị liệu.

 

   Mỗi bước chân là trị liệu

Chỉ cần đi thiền là tật bệnh có thể được tiêu trừ.

 

Mỗi bước chân là thảnh thơi

Thảnh thơi là không bận rộn, không lo lắng. Phần lớn trong chúng ta, người nào cũng có lo lắng, cũng có bận rộn. Có rất nhiều Nguyễn văn Lo, rất nhiều Trần thị Sợ trong chúng ta. Những lo lắng, sọ hãi làm cho chúng ta không được thảnh thơi. Mình bước đi như thế nào để những sợ hãi, những lo lắng rơi rụng thì mình mới thành công được.

 

   Mỗi bước chân là thảnh thơi

Chúng ta buông bỏ hết. Đối với tất cả những mầu nhiệm như vậy mà ta không hưởng, ta cứ bị giam cầm trong những lo lắng, sợ hãi, thì tội nghiệp quá! Chúng ta phải học như Đức Thế Tôn, đi được từng bước chân thảnh thơi, an lạc như Ngài.

   Mỗi bước chân là thảnh thơi

Khi bước những bước thảnh thơi thì bước chân đó có khả năng trị liệu và nuôi dưỡng mình.

Nắm vững phương pháp thực tập

Chúng ta tập nắm cho được kỹ thuật ngồi, ngồi cho yên, cho thảnh thơi, cho an lạc. Chúng ta tập nắm cho được kỹ thuật thở, thở làm sao để chúng ta có hạnh phúc khi thở vào, chúng ta có buông thư khi thở ra và chúng ta mỉm cười được, mỉm cười với tình thương.

 

Chúng ta thực tập như thế nào để mỗi bước chân tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, để mỗi bước chân đều có tính cách trị liệu. Nếu ta đi được những bước chân và thở được hơi thở đem lại sự thảnh thơi thì đó là thiền mà chúng ta cần và ai cũng có thể làm được. Những người trẻ đều làm được và còn có thể làm hay hơn nữa.

 

Chúng ta phải chuẩn bị nhiều ngày tháng để có thể về tu viện tu chung với nhau  bốn ngày. Vì vậy chúng ta phải trân quí những thì giờ ở đây. Chúng ta phải sử dụng những thì giờ đó để học cho được, nắm cho được những phương pháp thực tập. Có những thầy, những sư cô, tuy còn trẻ nhưng đã nắm vững được phương pháp. Có những vị cư sĩ, tuy mới thực tập có sáu tháng, nhưng đã nắm được khá vững rồi. Họ có mặt trong khóa tu và chúng ta có thể học hỏi từ họ.

 

Làm sao trong khi ngồi mình có an, có lạc, có thảnh thơi. Học như thế nào để trong khi thở, mình thấy mỗi hơi thở đều có tác dụng trị liệu và buông thư, đem lại an lạc và hạnh phúc. Học như thế nào để khi đi, mình thấy mỗi bước chân đem lại hành phúc, thảnh thơi và an lạc. Điều đó, không cần phải nhiều ngày mới có thể học được, chỉ cần vài giờ đồng hồ để tâm vào là mình có thể nắm vững được rồi.

 

Khi thấy một người đang đi những bước chân an lạc và thảnh thơi thì tự nhiên mình cũng muốn trở về và đi những bước an lạc, thảnh thơi như vậy. Mình không khơi chuyện với người kia, không làm cho người đó mất sự thực tập. Mình cứ để người đó đi những bước an lạc, thảnh thơi. Mình đi bên cạnh người đó và cũng đi những bước an lạc, thảnh thơi trong im lặng. Cảnh tượng đó rất đẹp, chúng ta phải yểm trợ cho nhau trong sự thực tập.

 

Trong khóa tu chúng ta đừng nói chuyện nhiều, chỉ khi nào cần lắm thì chúng ta mới nói. Chúng ta chỉ nói trong những buổi pháp đàm để chia sẻ kinh nghiệm tu tập. Chúng ta đã nói những chuyện ngoài đời khá nhiều rồi. Vào khóa tu, chúng ta đừng xài phí thì giờ cho những chuyện ngoài đời. Chúng ta để thì giờ tập thở, tập ngồi, tập đi. Nếu biết sử dụng thì giờ thì trong bốn ngày, chúng ta sẽ học được rất nhiều.

 

Ăn cơm với tình thương

Khi ăn cơm thì chúng ta ăn như thế nào, để trong mấy chục phút ăn cơm, chúng ta có sự an lạc, thảnh thơi và có hạnh phúc. Khi gắp một miếng đậu hủ lên, tâm của ta phải để nơi miếng đậu hủ. Nhìn miếng đậu hủ hay miếng dưa cải thì mình thấy rằng, đây là một tặng phẩm của đất trời. Mặt trời, đám mây, đất nước đã tụ họp lại làm ra miếng đậu hủ, miếng dưa cải nầy để nuôi dưỡng mình. Mình nhận diện nó và nói:

 

Thở vào, tôi biết đây là miếng đậu hủ.

Thở ra, tôi mỉm cười đưa miếng đậu hủ vào miệng và tôi nhai.

Tôi không suy nghĩ đến chuyện gì hết. Tôi chỉ nhai và tiếp nhận miếng đậu hủ hay là miếng dưa cải như là tiếp nhận một đại sứ của đất trời gởi tới để nuôi tôi và tôi rất biết ơn!

Mình nhai và mình đừng suy nghĩ tới chuyện quá khứ hay chuyện tương lai. Trong khi nhai thì mình có hạnh phúc. Mình được cả vũ trụ nuôi dưỡng. Trong miếng đậu hủ có sự có mặt của vũ trụ, có đám mây làm ra mưa, có ánh sáng mặt trời nuôi dưỡng cây đậu nành, có người nông phu trồng cây đậu nành v.v.. Đừng nhai những lo lắng, sầu khổ của mình. Nhai đi nhai lại những lo lắng, sầu khổ để làm gì? Nó sinh ra những chất độc trong người. Mình chỉ nhai đậu hủ thôi, đừng nhai những đau khổ, sầu héo, lo toan của mình. Mỗi miếng ăn như vậy có khả năng trị liệu và nuôi dưỡng.

Ăn cơm như như thế nào để có sự an lạc, thảnh thơi, có tình huynh đệ trong khi ăn, thì ăn cơm mới đúng là thiền. Vì vậy trong khi ăn chúng ta không nói chuyện để chúng ta quán chiếu. Ăn cơm có thể là một thời gian có hạnh phúc. Có khi chỉ cần mười lăm, hai mươi phút để ăn cơm, chúng ta phải ăn như thế nào để thời gian đó là thời gian mà ta có hạnh phúc. Chúng ta ăn chm, nhai cho kỹ và cảm thấy mình đang có hạnh phúc, ăn trong buổi sáng, buổi trưa hay buổi chiều cũng vậy.

Mỗi khi nghe tiếng chuông đại hồng hay chuông gia trì thì đang nói gì chùng ta cũng phải ngưng lại dù là chúng ta đang nói pháp hay đang pháp đàm. Chúng ta ngưng lại và trở về với hơi thở:

Thở vào, tôi ý thức được toàn thân với những đau nhức, những căng thẳng.

 

Thở ra tôi buông thư toàn thân.

Hoặc là:

Thở vào, tôi thích thú được thở vào.

Thở ra, tôi thấy nhẹ nhàng.

Có những bài kệ đã được phổ nhạc, chúng ta nên học thuộc những bài kệ đó để thực tập trong khi ngồi, trong khi đi hay trong khi ăn cơm.

Ăn cơm trong bản môn

Nuôi sống cả tổ tiên

Mở đường cho con cháu

Cùng tìm lối đi lên

Trong khi ăn cơm thì mình nuôi tổ tiên trong mình. Tổ tiên mình đang còn sống, đang có mặt trong mỗi tế bào của cơ thể mình. Mỗi miếng cơm là để nuôi cha, nuôi mẹ, nuôi tổ tiên, chứ không phải chỉ nuôi hình hài riêng của mình. Ăn cơm như vậy là ăn cơm với tình thương. Khi mình đưa vào cơ thể những chất độc như là ma túy thì tội nghiệp cho tổ tiên mình. Ăn với tình thương là sự thực tập của mình.

Xin chúc các bạn trẻ ngủ ngon đêm nay. Sáng mai thức dậy, mình sẽ được ngồi yên chung với nhau, mình ngồi cho cha, mình ngồi cho mẹ.

Ba ơi, ba thở với con! Hai cha con mình cùng thở.

Mẹ ơi, mẹ thở với con! Hai mẹ con mình cùng thở.

Thở vào, con thấy khỏe! Mẹ có thấy khỏe với con không?

Mình thực tập như vậy! Có nhiều bài rất hay, mai mốt quí vị sẽ học thêm. Quí vị ngủ cho ngon. Sáng mai gặp lại mình sẽ ngồi thiền chung, mình sẽ ăn sáng chung và đi thiền hành chung.

 

Bài kế : Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương (2)

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.