PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tớichết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 Nghệ thuật sống thiền :

Đạo Phật và Tuổi trẻ
Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương (2)

Khoá tu 4 ngày cho GĐPT và  người trẻ
tại Tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc, Lâm Đồng, từ 24.04 đến 27.04.2008

Thở vào tôi biết tôi còn trẻ
Tám mươi ba tuổi cũng còn trẻ (cười). Ngày xưa, cách đây bảy mươi năm, hồi tôi còn là học tăng ở chùa Báo Quốc - Huế, có vị Hòa thượng trú trì tên là Phước Hậu, người gốc Thanh Hóa làm thơ rất hay, thơ của ngài có bài:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư.
Năm nay tính lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như
(Như thị ngã văn).

Và bài :

Tám trăm tuổi mới già
Tám chục cũng chưa tra
(già)

Ngày xưa ông Bành Tổ sống tới tám trăm tuổi tuổi thì mới tạm gọi là già, còn bây giờ mình mới tuổi tám mươi, chưa già.

Thở vào tôi thấy tôi đang còn trẻ
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống của tuổi trẻ trong tôi

Tuổi trẻ đi qua rất là mau. Nếu mình đang còn trẻ mà mình không hưởng sự tươi mát, nguồn năng lực của tuổi trẻ thì uổng lắm.

Thở vào tôi thấy tôi còn trẻ
Thở ra tôi mỉm cười với tuổi trẻ của tôi
.

Kính thưa đại chúng, hôm nay ngày 25 tháng 4 năm 2008, chúng ta đang ở tu viện Bát Nhã, trong khóa tu cho người trẻ với chủ đề: Lắng nghe để hiểu, Nhìn lại để thương.

Nuôi con từ khi con chưa chào đời
Chúng ta hãy tưởng tượng một cặp vợ chồng trẻ đang cãi nhau, đang làm khổ nhau và họ có một đứa bé mới sinh được sáu tháng, đang nằm trong nôi. Người chồng đôi khi có năng lượng của sự giận dữ, sự bực tức, nói ra những câu có thể làm thương tổn người vợ và người vợ trong lúc đau khổ cũng tìm cách trả lời chồng bằng những lời rất khó nghe. Hai vợ chồng trẻ phát ra năng lượng không lành mạnh. Họ nghĩ rằng em bé sáu tháng làm sao biết được, thấy được sự bất hòa của hai vợ chồng? Nhưng mà sự thật, em bé cảm thấy được. Tuy nó không hiểu, chưa hiểu được ba nói má cái gì, má ray rức ba cái gì? Nhưng nó cảm nhận được không khí bất an, nặng nề, ngột ngạt trong gia đình. Và như vậy em bé đã bắt đầu khổ từ hồi sáu tháng, từ hồi chưa đầy một tuổi.

Có nhiều người trong chúng ta đã khổ từ trong bụng mẹ, chưa sinh ra đã thấy khổ rồi. Những lời đay nghiến, buộc tội, chua chát của người cha đã đi vào người mẹ. Những cảm xúc, buồn tủi, giận hờn, tuyệt vọng của người mẹ đã thấm vào trong thai nhi. Cho nên nếu mình có ý hướng lập gia đình để sinh con, đẻ cháu, nối tiếp của dòng họ, mình phải chuẩn bị trước. Hôn nhân là bước đường có chông gai chớ không phải là không.

Tôi có đứa cháu gái lấy chồng ở Pháp, rồi hai vợ chồng sang bên Hoa kỳ để sinh sống. Cháu tôi được học thở, học cười, học buông thư từ hồi mười sáu tuổi (do chính tôi dạy). Khi bác sĩ cho biết là cháu có mang em bé thì cháu bắt đầu tụng kinh Pháp Hoa, tập thiền hành, nuôi em bé bằng hơi thở, bằng bước chân và bằng những lời kinh Pháp Hoa. Nuôi con ngay từ khi con mới tượng hình. Nếu biết nuôi con như vậy thì tuy rằng con chưa sinh ra nhưng đã được hưởng những thực phẩm ngọt ngào, trong lành, mát mẻ của người mẹ. Người chồng biết vợ mình đang mang trong người chứng tích của tình yêu “một đứa con”. Tất cả những gì mình nói, mình làm đều có ảnh hưởng tới đứa con dầu con mình mới được tượng hình. Đó là cái thấy rất là sâu.

Bà mẹ trẻ biết mình sắp có con, phải cẩn thận lắm mới được. Những gì mình ăn sẽ ảnh hưởng đến đứa con, thành ra phải chọn những thức ăn rất là lành. Nếu mình uống rượu, hút thuốc, nếu mình có những đau buồn, sợ hãi, sầu khổ, lo lắng con mình sẽ lãnh đủ hết. Giữa đứa con và mình có một liên hệ rất là mật thiết, mình chuyền cho đứa con qua một cuống nhau không những thực phẩm vật chất mà còn thực phẩm tinh thần nữa. Những buồn tủi, sầu khổ, lo lắng của mình, mình cũng chuyền cho con và những thảnh thơi, an lạc mình cũng chuyền cho con. Mình nuôi con từ khi con chưa ra đời. Mình là người con trai cũng vậy, mình biết rằng sau này mình sẽ lập gia đình với một người con gái và thế nào mình cũng có con. Mình phải chuẩn bị trước để khi có con thì đứa con không có khổ.

Gia tài quí giá nhất mà cha mẹ
để lại cho con là hạnh phúc của chính cha mẹ

Ở bên Đức, chúng tôi đang thành lập Viện Phật học Ứng Dụng Âu Châu. Trong những khóa học mình mở ra có khóa dành cho những thanh niên, thiếu nữ trẻ sắp thành lập gia đình. Chuẩn bị cho họ đàng hoàng để họ đừng có làm những lỗi lầm khi họ về với nhau như những cặp vợ chồng khác. Tôi mong rằng các thầy, các sư cô ở tu viện Bát Nhã cũng mở những khóa như vậy cho những người trẻ. Một khóa tu đặc biệt dành cho thanh niên, thiếu nữ sắp lập gia đình, ít nhất là hai mươi mốt ngày [1].

Khi nói chuyện với những người trẻ, ai cũng đồng ý một điều là: gia tài quí giá nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con là hạnh phúc của chính cha mẹ. Nếu mà cha biết thương yêu làm hạnh phúc cho mẹ và mẹ biết chăm sóc, lo lắng cho cha. Giữa hai vợ chồng có sự hòa thuận, có niềm tin, có được hạnh phúc thì đó là món quà lớn nhất có thể để lại cho con. Nếu chúng ta làm khổ nhau thì chúng ta không có gì quý hóa để lại cho con. Con chúng ta không cần chúng ta để lại ruộng đất, nhà cửa, tiền bạc, con chúng ta có thể tự mình làm ra những cái đó. Nhưng cái quí nhất mà chúng ta có thể để lại cho con là hạnh phúc của chính chúng ta, của hai vợ chồng.

Món quà quí giá nhất mà ba mẹ để lại cho chúng con là hạnh phúc của ba má. Đó là tiếng nói của người trẻ. Ba má ơi, đừng làm khổ nhau nữa! Con khổ lắm! Từ hồi mới ba tháng, sáu tháng con đã khổ rồi. Có những lúc ba má cãi nhau, làm khổ nhau, con chịu không nổi, con không biết trốn vào đâu, con mở cửa cầu tiêu, con vô, con đóng lại, con khóc một mình ở trong đó. Ba má đâu có biết. Ba má làm khổ nhau thì con khổ cho nên thương con là phải thương từ khi con chưa ra đời.

Muốn thương thì phải hiểu. Ở trong đạo Bụt, cái Bi đi với cái Trí. Không có Trí thì không có Bi, không có Bi thì không có Trí. Bi là thương, Trí là hiểu. Nếu mình không hiểu được những khó khăn, những khổ đau, những ước vọng của người kia thì làm sao mình thương người kia được. Cho nên mình yêu ai mình phải có thì giờ để lắng nghe người đó, nhìn kỹ người đó để nhận diện ra những khổ đau, những khó khăn của người đó. Những khó khăn, khổ đau đó có thể đã bắt đầu từ khi người đó còn một, hai tuổi.

Các bạn nào đã học về Tâm lý học, Phân tâm học biết rất rõ điều đó. Những hành xử, những nói năng, những tư duy của mình có gốc rễ từ hồi mình còn ấu thơ. Những hạt giống đau khổ đã được trồng vào trong đất tâm của mình từ hồi mình còn ấu thơ. Cho nên sở dĩ người kia nói năng, hành xử không dễ thương thì có lẽ là từ hồi ấu thơ, những hạt giống của khổ đau đã được gieo trồng và từ đó tới nay, mấy chục năm chưa có cơ hội được gặp gỡ chánh pháp, gặp thầy, gặp bạn, chưa biết cách nhận diện hạt giống đau khổ đó để chuyển hóa. Và khi thấy như vậy thì mình không trách móc nữa, mình có thể thương được, mình có thể giúp người đó chuyển hóa những hạt giống khổ đau đang còn ở trong tâm.

Chính mình cũng vậy, mình cũng có thể có những hạt giống của khổ đau, của bức xúc ở trong lòng. Lâu nay mình đã từng nói những câu nói không có tình, không có nghĩa, những câu nói có khả năng làm đổ vỡ. Mình có những hành động gây đổ vỡ vì ở trong mình có những hạt giống của khổ đau. Hôm nay gặp được chánh pháp, thấy được phương pháp thực tập, mình có cơ duyên nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa lấy những hạt giống của khổ đau, giận hờn. Nếu mình làm được, mình sẽ giúp cho người kia làm được và nhiều khi người con có thể giúp được cho người cha. Hôm qua mình có nói chuyện về một đứa con gái, sau khóa tu đã về độ được cho ba, cho má. Ba má chưa có cơ duyên gặp gỡ chánh pháp, ba má chưa biết nhận diện và chuyển hóa những hạt giống khổ đau, bức xúc ở trong lòng, rất là tội nghiệp cho ba má.

Chúng ta biết rằng có những người cha rất thương con nhưng không hiểu con, không hiểu được những khổ đau, bức xúc của con. Cứ ép con làm cái này, làm cái kia. Cứ nhân danh tình thương mà làm như vậy và càng thương thì con mình càng khổ. Thương mà không hiểu chỉ làm cho người thương của mình khổ thêm. Người cha có thể tới với người con và nói rằng: Con ơi, thật tình, ba có bao giờ muốn cho con khổ đâu? Ba muốn cho con có hạnh phúc nhưng tại vì ba chưa thấy được những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc, những ước vọng của con, cho nên ba đã ép con thế này, thế kia. Ba rất là hối hận. Ba không muốn làm cho con khổ nữa, vậy con nói cho ba nghe tất cả những khó khăn, những bức xúc, những ước mơ của con để ba có thể hiểu được con, để ba có thể thương con được.

Người cha có khả năng nói với đứa con những câu như vậy. Trong đạo Bụt gọi là ái ngữ. Người vợ cũng có thể nói với chồng như vậy: Này anh ơi, em biết rằng anh có những khó khăn, những bức xúc, những khổ đau mà lâu nay em không thấy được, không hiểu được cho nên em đã làm cho anh khổ. Thật tình em không muốn nhưng tại vì em không hiểu được những đau khổ, những bức xúc của anh cho nên em mới phản ứng như vậy. Anh phải giúp em, nếu anh không giúp em thì ai giúp em nữa bây giờ? Anh nói cho em những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc của anh để em có thể hiểu, có thể thương anh được. Nếu người vợ nói được với người chồng như vậy thì người chồng sẽ mở cánh cửa trái tim của mình ra và nói cho người vợ nghe những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc của mình.

Chúng ta bận rộn quá, chúng ta lo làm ăn, chúng ta không có thì giờ ngồi với nhau để lắng nghe nhau. Không lắng nghe nhau thì không hiểu được nhau, cứ tiếp tục làm khổ nhau và làm khổ những đứa con của mình. Có thể chúng ta đem về nhiều tiền, đủ tiền hay là dư tiền nữa nhưng chúng ta vẫn khổ như thường tại vì chúng ta để hết thì giờ để lo chuyện làm ăn, lo chuyện kiếm tiền, chúng ta không có thì giờ cho tình thương. Mà tình thương là gì? Tình thương là: lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương. Trong đạo Bụt có pháp môn gọi là Lắng nghe (đế thính) và pháp môn Ái ngữ, tức là nói những lời nhẹ nhàng.

Mình có thể nói cho người kia biết những khổ đau, những uất ức của mình nhưng mình phải nói bằng giọng ái ngữ. Mình có bổn phận phải nói cho người thương của mình biết những khó khăn, khổ đau của mình. Nhưng nói làm sao để cho người kia có thể nghe được, có thể hiểu được. Nếu mình nói bằng giọng buộc tội, lên án, chua chát, cay cú thì người kia không đủ sức nghe, nghe chừng năm phút là dội liền. Cho nên ái ngữ rất cần.

Người chồng cần phải học phương pháp ái ngữ để nói cho người vợ nghe tất cả khó khăn, khổ đau  của mình. Nói một giờ chưa đủ thì nói hai giờ, nói một ngày chưa đủ thì nói hai ngày nhưng lời nói đó không có tính cách lên án, buộc tội, chua chát, cay đắng thì người kia mới có khả năng nghe được. Chớ còn người kia cũng có hạt giống của khổ đau, của giận hờn mà nếu mình nói bằng giọng chua chát, phê bình, chỉ trích, lên án thì trong khi mình nói, mình tưới tẩm những hạt giống bực bội, tức tối của người kia thì người kia nghe được năm phút là dội, không thể nghe mình được nữa. Cho nên mình phải học nói lời ái ngữ, nói hết sự thật nhưng nói bằng giọng ái ngữ mà chỉ cần thực tập vài ba ngày là có thể làm được như vậy.

Phương pháp gỡ bom
Có một bà người Công giáo vì không truyền thông được với ông chồng nên bà có ý định muốn tự tử. Ông không hiểu bà, ông làm khổ bà. Con người của ông dồn chứa đầy sự giận dữ, bực bội, giống như trái bom sắp nổ. Mấy đứa con không dám tới gần cha, bà vợ cũng không không dám tới gần chồng. Có bữa ông giận dỗi, ông xô cái bàn ăn, cơm nước rơi xuống hết. Giận đến như vậy. Sự bực tức, sự bạo động của ông đã dồn chứa lâu ngày thành ra ai cũng sợ, không ai dám tới gần. Ông có cảm tưởng rằng vợ con ông đều tẩy chay ông hết, nên ông càng giận thêm nữa. Tại họ sợ ông chứ đâu phải họ tẩy chay.

Sống trong tình trạng đó nhiều tháng, nhiều năm bà tuyệt vọng quá thành ra bà có ý định muốn tự tử. Bà quen thân với một bà Phật tử nên kể cho bà này nghe về ý định của mình. Bà Phật tử biết rõ hoàn cảnh của bạn mình nên mới đề nghị: Chị ơi, cuốn băng giảng này của Thầy em, thầy em dạy về phương pháp gỡ bom, chị mở ra nghe thử xem có giúp ích được gì không? Bà Công giáo là người sùng đạo nên cũng hơi giáo điều, nói mình là người đạo Chúa mà nghe băng giảng về đạo Phật, chắc là không nên, thành ra bà không chấp nhận.

Nhưng tới bữa đó, bà muốn tự tử thiệt, bà điện thoại cho bà bạn Phật tử. Bà Công giáo nói: chiều nay em chết. Bà Phật tử được tin, cố gắng tìm cách để giúp bạn mình lần cuối: Chết thì chết nhưng trước hết phải tới thăm em cái đã, thăm em xong rồi hãy chết. Bà Công giáo nói: Ok!

Bà lấy taxi tới. Bà Phật tử rót trà mời bạn rồi nói: Chị nói em là người bạn duy nhất trong đời của chị, vậy mà em chỉ yêu cầu  chị có một chuyện thôi là chị nghe bài giảng này của Thầy em “phương pháp gỡ bom”, sau đó chị muốn chết thì chết mà chị không làm. Vậy thì chị đâu có coi em là bạn thân duy nhất trên đời của chị nữa. Bà này nghe nói động lòng: thôi được, mình nghe xong cuốn băng rồi mình về mình chết cũng được. Cuốn băng giảng về Nghệ Thuật Gỡ Bom, về phương pháp giúp buông bỏ những giận hờn, bực bội, căng thẳng bị dồn chứa lâu ngày.

Khi bà Công giáo chấp nhận thì bà Phật tử rất là mừng. Bà kéo màn, đóng hết mấy cánh cửa lại rồi rút lui để bà Công giáo ở lại một mình nghe băng giảng. Bà Công giáo là người trí thức, đã đậu tiến sĩ rồi. Ông cũng đậu tiến sĩ rồi nhưng mà hai bằng tiến sĩ không giúp cho họ có hạnh phúc. Mấy đứa con đều học đại học, sắp ra trường, ở nhà không túng thiếu vậy mà không có hạnh phúc gì hết. Khổ đến nỗi người vợ không còn muốn sống trên cõi đời này nữa.

Trong khi nghe cuốn băng thì bà khám phá nhiều điều mới lạ. Lâu nay bà tưởng chỉ có bà là khổ thôi và ông là người làm khổ bà. Ai dè, nghe cuốn băng, bà thấy rất rõ: mình khổ, ông cũng khổ. Mà ông khổ như vậy, không phải là do chính ông mà mình cũng có đóng góp một phần vào cái khổ của ông. Bà thấy được phần trách nhiệm trong sự đau khổ của người chồng.

Nói như vậy nghĩa là trong khi bà nghe băng giảng thì bà giác ngộ. Giác ngộ không phải là chuyện gì ghê gớm lắm đâu, giác ngộ tức là bắt đầu hiểu. Có những giác ngộ lớn và những giác ngộ nho nhỏ mà những giác ngộ nho nhỏ đưa tới giác ngộ lớn. Cuốn băng đó giúp mình thấy rõ được sự thật: trước hết không phải chỉ mình là nạn nhân mà ông cũng là nạn nhân, không phải chỉ mình khổ mà ông cũng khổ. Trong cái khổ của ông, mình có đóng góp chớ không phải không. Tại vì khi mới cưới nhau về, hai người nói với nhau những lời ngọt như mật mà trước khi cưới lại còn ngọt hơn mật nữa: Em ơi, nếu không có em thì đời anh đâu có nghĩa gì đâu? Nếu không có em, chắc anh chết quá! Nhưng sau này mình suy nghĩ ngược lại: Trời ơi, sống với ông này một trăm năm chắc mình chết quá, như bị ở tù chung thân.

Nghe cuốn băng phật pháp thì có cơ hội quán chiếu trở lại để thấy rằng: năm, sáu năm nay mình chưa bao giờ nói với ông được lời ngọt ngào như ngày xưa. Ngày xưa viết những lá thơ rất ngọt ngào, nói những câu rất ngọt ngào nhưng bây giờ tại sao mình không nói được như vậy nữa? Tại vì mình chứa chấp nhiều bực bội, nhiều khổ đau, mình đánh mất khả năng nói những lời ngọt ngào. Khi mình không nói được những lời ngọt ngào và ái ngữ thì mình đánh mất sự truyền thông giữa hai bên. Khi hai bên không truyền thông được nữa thì chứa chấp những tri giác sai lấm về nhau. Ban đầu là người bạn, bây giờ là người thù, nhìn nhau với đôi mắt thù nghịch. Lâu nay mình cứ nghĩ rằng sở dĩ mình khổ là tại vì người đó, người đó là người làm cho mình khổ. Sau khi nghe xong cuốn băng, mình thấy rõ: cái khổ của mình là do mình một phần lớn và cái khổ của người kia cũng do mình một phần.

Phương pháp hay nhất để có thể gỡ bom là lắng nghe những khổ đau, những khó khăn, những bức xúc của người kia. Khi lắng nghe được một giờ đồng hồ thì người kia đỡ khổ rất nhiều. Ở trong đạo Phật có đức Quan Âm rất giỏi trong chuyện lắng nghe. Quán âm tức là lắng nghe tiếng nói của cuộc đời. Đức Bồ Tát Lắng Nghe tức là Bồ Tát Quan Thế Âm, vị Bồ tát lắng nghe với lòng từ bi. Mình biết là người kia có những khổ đau, mình ngồi lắng nghe cho người kia bớt khổ gọi là Bi thính, Bi thính là nghe với lòng từ bi. 

Thành ra khi người vợ nói người chồng: anh ơi, em biết rằng trong anh có những bức xúc, khổ đau, khó khăn mà em chưa hiểu được, em rất muốn lắng nghe anh, anh nói cho em nghe đi, những khổ đau, bức xúc của anh để em có thể hiểu, để em có thể thương anh được, anh giúp cho em đi. Đó gọi là ái ngữ. Khi người chồng nghe những lời nói đó, tự nhiên trái tim mở ra vì lâu nay ông chưa bao giờ nghe bà nói với ông được một câu như vậy.

Tự nhiên nghe xong cuốn băng, bà Công giáo muốn về thực tập “gỡ bom” liền nhưng bà Thật tử can: chưa được đâu chị ơi, chị đang còn yếu lắm, chị chưa có thực tập, chị lắng nghe ông chừng mười phút rồi chị nổi sân si lên là hư bột hư đường hết. Chị phải thực tập ít nhất là một tuần lễ mới có thể gỡ bom được, chớ không bom nổ tan xác chị luôn. Thầy em sắp qua Mỹ, sẽ mở hai khóa tu, một khóa cho người Mỹ và một khóa cho người Việt, chị ghi tên vào khóa tu nói tiếng Việt đi, sau khóa tu sáu ngày đó em nghĩ chị mới có thể về thực tập gỡ bom được. Bà Công giáo đó chấp nhận.

Trong khóa tu đó bà Công giáo đó là một trong những người thực tập giỏi nhất, giỏi hơn rất nhiều Phật tử. Tuy mình là Phật tử lâu đời rồi nhưng mình thực tập sơ sơ, không đem hết lòng ra thực tập, vì vậy chưa chắc mình là người Phật tử mà mình thực tập hay bằng người Công giáo. Đối với bà Công giáo này đây là vấn đề sống chết cho nên đem hết tất cả tâm hồn ra thực tập, nào thở, nào buông thư, nào nhận diện những tâm hành giận dữ, bức xúc, tuyệt vọng của mình. Sau sáu ngày thực tập, bà cảm thấy người bà nhẹ ra vì những hạt giống của hiểu, của thương được tưới tẩm. Bà thấy rất là tội nghiệp cho ông chồng, bà muốn trở về để cứu lấy ông của chồng mình. Khi có ý định cứu vớt, giúp đỡ thì mình đã thành vị Bồ tát rồi. Trở thành vị Bồ tát không phải là chuyện quá khó như mình tưởng tượng đâu? Khi lòng mình có tình thương, muốn giúp cho người kia bớt khổ là mình đã trở thành vị Bồ tát nhỏ rồi. Không phải là chuyện xa xôi đâu!

Ái ngữ và lắng nghe
Đêm đó, bà về, bà đi những bước chân rất là nhẹ, thở những hơi thở rất là nhẹ. Bà đã học được phương pháp lắng nghe, đã học được phương pháp ái ngữ rồi, bà quyết tâm về thực tập để gỡ bom cho chồng, bà áp dụng đúng những điều bà thực tập trong khóa tu: Ông ơi, tôi biết là năm, sáu năm nay ông khổ lắm. Tôi đã không giúp được gì ông mà tôi còn làm cho tình trạng tệ hại hơn, tôi đã trách móc, tôi đã đay nghiến ông. Tôi hối hận lắm, tôi đâu có muốn làm cho ông khổ đâu nhưng tại vì tôi chưa hiểu được những nỗi khổ, niềm đau của ông cho nên tôi mới dại dột như vậy. Ông hãy tha thứ cho tôi. Ông phải giúp tôi mới được, ông phải nói cho tôi nghe những khổ đau, những khó khăn, những bức xúc của ông để cho tôi hiểu (nếu không hiểu thì làm sao thương được). Tội nghiệp tôi lắm, ông giúp cho tôi đi.

Bà về, bà nói được như vậy và quý vị có biết là chuyện gì xẩy ra không? Ông ôm mặt, ông khóc, khóc như đứa con nít. Tại vì lâu nay, sáu bảy năm trời nay bà chưa bao giờ nói với ông với giọng nhẹ nhàng như vậy! Nói toàn giọng bà chằng không hà, đay nghiến, chua chát, trách móc, lên án, buộc tội.

Khi mình dùng ái ngữ thì mình mở được cánh cửa trái tim của người kia. Khi bà thấy ông khóc thì bà biết là có hy vọng, trái tim đã mở rồi, không có đóng im ỉm, khóa lại mười lần như trước nữa. Bà thấy được thế, bà đi tiếp nữa: Tội nghiệp tôi mà ông, tôi khổ lắm, tôi đâu có muốn làm cho ông khổ đâu. Tại tôi chưa hiểu được ông, ông thương tôi đi, ông nói cho tôi nghe đi. Và bắt đầu ông nói những khó khăn, khổ đau của ông cho bà, bà lắng nghe. Trong khi ông nói, bà nhận thấy ông có nói nhiều điều rất sai lầm, ông có những tri giác rất sai lầm. Nhưng bà không nói gì hết, tại vì bà biết nếu bà cắt lời ông, bà sửa sai ông ngay lúc đó, ông mất hứng, ông sẽ không nói nữa. Điều này bà học được trong khóa tu.

Trong khi mình lắng nghe, mình phải thở và mình phải nhắc mình rằng lắng nghe như vậy chỉ với mục đích duy nhất là cho người kia có dịp tuôn ra hết những sầu khổ trong trái tim để cho người kia bớt khổ. Mà nếu mình tìm cách sửa sai, cắt đứt người ta trong khi người ta nói, thì người ta không có cơ hội nói nữa. Cho nên dầu người kia có nói những lời buộc tội, có những tri giác rất là sai lầm, có những lời nói có vẻ chua chát hoặc là lên án, mình vẫn tiếp tục lắng nghe. Mình nói rằng ông này có những tri giác sai lầm nhưng mà bây giờ mình không được phép cắt lời ông hoặc sửa sai ông. Đời còn dài, có thể tuần sau, tuần sau nữa mình sẽ có dịp cho ông biết, sẽ cho ông một số thông tin để ông có thể chỉnh lý lại nhận thức của ông nhưng bây giờ thì không, bây giờ chỉ lắng nghe thôi.

Bằng tiến sĩ phải học đến bảy, tám năm nhưng có tháo gỡ được trái bom không? Mà khóa tu chỉ có sáu ngày thôi mà bà tháo được trái bom. Đêm đó ông có dịp nói cho bà nghe tất cả những khó khăn, khổ đau của ông. Tuy trong lời nói của ông có những tri giác sai lầm về bản thân, cũng như về bà, nhưng bà không cắt lời. Bà nói: tội nghiệp anh quá, vậy mà em không biết. Em hứa từ đây về sau em không làm như vậy nữa, không nói như vậy nữa. Chỉ cần nói chừng đó thôi, rất là khéo léo.

Sự tu tập hành trì cần sự khéo léo, tu là một nghệ thuật chứ không phải lao tác hay lao động gì mệt nhọc đâu. Lắng nghe, ái ngữ là một nghệ thuật. Một nghệ thuật rất cao.

Đêm đó là đêm hòa giải, có tính cách trị liệu cho cả hai ông bà. Tại vì ông nói ra được, bà giúp cho ông nói ra được, giúp ông cất đi được gánh nặng trong lòng. Sự thành công của bà rất lớn, dầu bà mới tu có sáu ngày, dầu bà không phải là Phật tử, chưa quy y, chưa thọ trì năm giới. Có nhiều người Phật tử quy y mười năm rồi, thọ năm giới mười năm rồi nhưng đâu có thành công, vẫn sống trong địa ngục với người chồng của mình và tiếp tục làm khổ những đứa con.

Tôi có những đệ tử như vậy, tôi rất hãnh diện, mới tu có sáu ngày thôi mà đã giải quyết được vấn đề của mình, của gia đình mình. Rất là hay!

Một chứng tích của sự thành công là bà dụ được ông ghi tên cùng với bà tham dự khóa tu thứ hai giảng bằng tiếng Anh cho người Mỹ. Tại vì ông thấy bà vợ mình mới đi thực tập có sáu ngày mà về thay đổi quá nhiều, ông tìm lại được người đàn bà dịu dàng, ngọt ngào năm xưa. Và vì vậy ông mới tin vào chánh pháp, tuy ông là người Công giáo, ông chấp nhận ghi tên vào khóa tu dành cho những người Mỹ. Cũng như bà, ông tu hết lòng. Chỉ sáu ngày thôi, tham dự hết tất cả hoạt động của khóa tu: ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm trong im lặng, pháp đàm, buông thư, làm mới, nhận diện, ôm ấp hạt giống khổ đau, chuyển hóa, học ái ngữ, học lắng nghe.

Ở Mai Thôn đạo tràng chúng tôi đã tổ chức hàng ngàn khóa tu như vậy ở tại Âu châu và Mỹ châu. Cũng biết bao cặp vợ chồng, cha con, mẹ con hoà giải với nhau được là nhờ những khóa tu như vậy. Mình đừng có tưởng mình là người Phật tử có quy y rồi, có thọ giới rồi là mình thực tập giỏi hơn người Công giáo hay người Tin lành đâu, chưa chắc. Người Tây phương họ không tu thì thôi, nhưng một khi họ quyết định tu, họ tu rất đàng hoàng, họ không có tu khơi khơi như mình. Trong buổi thiền trà để kết thúc khóa tu thứ hai bằng tiếng Anh, ông ta chia sẻ: Thưa các vị thiền sinh bạn, tôi xin giới thiệu với quí vị một vị Bồ tát của đời tôi, người đã cứu tôi thoát khỏi địa ngục. Vị Bồ tát đó là người này, là v tôi. Ông nói được câu như vậy.

Sau khóa tu đó rồi thì có một ngày tu quán niệm cho bốn ngàn người ở tại một trung tâm. Hai ông bà rất vui, rũ ba đứa con sinh viên cùng tham dự ngày quán niệm. Xong ngày quán niệm rồi ông bà mới lại chào và kể lại cho chúng tôi nghe những gì đã xẩy ra trong mấy tuần vừa qua, sự chuyển hóa của gia đình, của hai vợ chồng và ba đứa con.

Trong buổi nói chuyện với đồng bào, tôi nói rằng: người ta là đạo Công giáo, người ta chưa quy y, chưa thọ giới, người ta đi tu có sáu ngày thôi mà họ đã đạt được kết quả như vậy, hòa giải được giữa hai vợ chồng, hòa giải được giữa người chồng và các con thì mình là người Phật tử chắc chắn mình cũng làm được như vậy, ít nhất cũng bằng vậy. Chúng ta không để cho tình trạng khổ đau kéo dài, chúng ta đừng để địa ngục giam hãm cuộc đời ta. Chúng ta có pháp môn, chúng ta có chìa khóa để mở cửa địa ngục, phá địa ngục. Chìa khóa đó là ái ngữ, là lắng nghe. Lắng nghe để hiểu được những khổ đau, những khó khăn. Nhìn lại để thấy được những khó khăn, những khổ đau của người mình thương. Mình nhìn bằng con mắt từ bi, mình nghe bằng lỗ tai từ bi, mình giúp nhau điều chỉnh lại những nhận thức sai lầm mà mình có về nhau, mình đã hiểu lầm nhau. Do mình hiểu lầm nhau nên mình coi nhau như thù nghịch. Vì vậy xin các vị thiền sinh, nhất là các bạn trẻ trong khóa tu này làm sao học và nắm cho được phương pháp ái ngữ và lắng nghe. Không khó lắm đâu, làm được!

Tôi nhớ có một khóa tu ở miền Bắc nước Đức dành cho sáu trăm người Đức. Tới cuối ngày tu thứ năm, sau khi đã học chuyện ái ngữ, lắng nghe, buông thư, ôm ấp và nhận diện khổ đau thì tôi mới ra một bài tập là: Thưa quí vị thiền sinh, từ giờ này đến mười hai giờ khuya ngày hôm nay, quí vị đem áp dụng liền những gì mà quí vị  học để hòa giải với những người thân mà quí vị đang khó khăn. Quí vị được phép sử dụng điện thoại di động để thực tập ái ngữ và lắng nghe. Xin quí vị áp dụng phương pháp lắng nghe và ái ngữ để hòa giải cho được với những người thân mà quí vị có khó khăn và hạn chót là mười hai giờ khuya đêm nay. Trong khóa tu thường thường không có được đọc sách, không có được coi ti vi, không được nghe radio, không được nghe nhạc, không được sử dụng điện thoại là để cho có thì giờ hạ thủ công phu vào trong khóa tu, còn nếu mình sử dụng radio, điện thoại, mp3, máy vi tính, mạng lưới thì làm sao mà tu được thì cho nên phải dẹp hết những thứ đó mới tu được.

Sáng hôm sau, có bốn người Đức khoảng từ ba mươi đến bốn mươi tuổi lên báo cáo là tối hôm qua họ đã dùng điện thoại di động, họ thực tập lắng nghe và ái ngữ, họ đã hòa giải được với ba của họ. Họ nói: lạ quá con không ngờ rằng con có thể nói với ba con bằng những lời nói nhẹ nhàng và dịu dàng như vậy. Trước khóa tu con không nghĩ rằng con nói được những lời ái ngữ như vậy, chỉ năm ngày tu thôi mà tâm con dịu đi, trận mưa đã làm thấm ướt mảnh đất tâm của con và tự nhiên con có khả năng nói được những lời nói dịu dàng. Con đã gỡ ra được và ba con với con đã hòa giải với nhau. Con xin báo tin để cho Thầy mừng. Và tôi biết chắc chắn có người khác cũng làm được như vậy nhưng họ mắc cỡ, họ không dám lên báo cáo thôi. Tôi cũng còn nhớ khóa tu ở Macao, Hồng Kông có một bà sau khi thực tập báo cáo đã dùng điện thoại hòa giải được với con, hòa giải được với chồng nhờ phương pháp lắng nghe và ái ngữ.

Mình phải thở, phải buông thư và nhận diện những khổ đau trong lòng của mình, phải nhìn cho kỹ, lắng nghe cho rõ để có thể thương được người kia, khi đã thương rồi thì nói lời ái ngữ rất là dễ dàng. Có một sự thật, sự thật hiễn nhiên là không hiểu là không thể thương được. Phải hiểu những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc về những tri giác sai lầm của người kia. Khi người kia có tri giác sai lầm mà mình trừng phạt cũng không ích lợi gì, mình phải hiểu để tìm cách gỡ rối cho họ, giúp họ điều chỉnh lại những tri giác sai lầm của họ. Và làm sao giúp họ điều chỉnh lại những tri giác sai lầm của họ được nếu mình không lắng  nghe? Cho nên có thì giờ để lắng nghe người kia rất là quan trọng.

Cha ngồi lắng nghe con hoặc con ngồi lắng nghe cha: Ba ơi, ba có những bức xúc, những khó khăn, những khổ đau lâu ngày mà ba không nói ra được, do đó ba khổ rất nhiều và ba đã làm khổ má. Con đâu muốn ba khổ, trong quá khứ có lần con đã cứng đầu, con đã phản ứng, con đã thách đố ba là cũng tại vì con dại dột, con chưa thấy những khổ đau, khó khăn của ba, con hối hận lắm. Ba nói cho con nghe đi để con có thể hiểu và thương ba hơn. Nếu mình nói được như vậy thì ba mình sẽ nói cho mình nghe những khó khăn, những khổ đau. Trong khi mình lắng nghe mình mới thấy được ba mình có những điểm sai, những chỗ sai rồi vài tuần sau mình dùng cách khéo léo, cung cấp cho ba những dữ kiện, những thông tin giúp cho ba điều chỉnh lại nhận thức của ba để ba hết giận, ba hết buồn. Hiểu lầm là chuyện cơm bửa, phải giúp nhau điều chỉnh nhận thức, tri giác sai lầm.

Đức Thế Tôn dạy tất cả những khổ đau của ta đều phát xuất từ vọng tưởng, vọng tưởng tức là tri giác sai lầm.  Trong tâm kinh có dùng chữ viễn ly, điên đảo, vọng tưởng. Viễn ly là xa lìa. Điên đảo là chống ngược lại, trắng cho là đen, đen cho là trắng, cao nói là thấp, thấp nói là cao. Vọng tưởng tức là tri giác sai lầm, tưởng là tri giác, vọng là sai lầm. Trong ta có vọng tưởng, có tri giác sai lầm, trong người ta thương cũng có vọng tưởng, cũng có tri giác sai lầm và vì những vọng tưởng, vì những tri giác sai lầm mà ta làm khổ nhau cho nên mình yêu ai, mình thương ai phải giúp cho người kia điều chỉnh những tri giác sai lầm của họ, lấy ra khỏi họ những cái vọng tưởng. Mà mình phải tự lấy vọng tưởng của mình ra và đôi khi mình còn cầu cứu người kia giúp cho mình để mình có thể lấy tri giác sai lầm của mình ra nữa.

Thương là hiến tặng niềm vui và hạnh phúc
Ở bên tiểu bang California có một anh chàng rất là đẹp trai, tốt nghiệp đại học, thông minh, ra làm giám đốc một hãng lớn, lương rất cao, nhà cửa rất là đẹp và có nhiều bạn gái rất là xinh đẹp. Nhưng bà mẹ, bà quan sát thì bà thấy thấy anh chàng này đặc biệt chú ý tới một cô, theo bà cô này đâu phải xinh nhất đâu? Có nhiều đứa rất là ngộ, rất là xinh mà nó không để ý, nó chỉ để ý cô này, cái cô hơi đen và hơi thấp một chút. Bữa đó bà nói chuyện, tâm sự với con: con ơi, má thấy nhiều đứa ngộ quá, đẹp quá, xinh quá mà tại sao con không để ý đến mà để ý đến con nhỏ này. Anh chàng không trả lời được. Nhưng sau đó (ngủ một đêm), trong buổi ăn sáng, anh ta tìm ra câu trả lời: Má ơi, tại vì nó hiểu con đó má.

Anh ta là nhà khoa học nhưng anh ta cũng ưa làm thơ và mỗi khi đọc thơ cho bạn nghe thì chính cô nàng này lắng nghe và nói ra những câu chứng tỏ đã hiểu được rất sâu sắc tình cảm, tư duy của anh ta. Anh ta tìm được người tri kỷ, tìm được người hiểu mình. Cô bạn gái đó, tuy da không trắng (hơi ngâm ngâm đen), không xinh bằng mấy cô khác nhưng cô này hiểu được mình, là người sẽ mang lại cho mình nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Câu này là tôi nói cho những người trẻ. Phải cẩn thận, đừng để bóng dáng bên ngoài đánh lừa mình, đừng bị bằng cấp xã hội hay bóng sắc bên ngoài đánh lừa mình, phải nhìn cho kỹ, coi người kia có khả năng hiểu được mình hay không? Mình chọn được bạn đường trăm năm là vấn đề rất quan trọng. Khi mình nói chuyện với một người mà người đó luôn luôn cắt lời mình, không chịu lắng nghe mình thì mình biết rằng nếu mình lấy anh chàng đó hay cô nàng đó thì mình sẽ khổ suốt đời, đó là án chung thân khổ sai. Điều đó có khó gì đâu, chỉ cần chú ý một chút là biết. Người không có khả năng lắng nghe mình, người không có khả năng hiểu được mình chỉ có thể làm mình khổ suốt đời mà thôi. Dầu người đó có tiền bạc, có danh vọng, có địa vị lớn trong xã hội, người đó cũng sẽ làm khổ mình và các con của mình sau này thôi. Cho nên phải để ý, phải chọn người có khả năng hiểu được mình và biết lắng nghe mình. Đó là điều kiện căn bản để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Khi mình thương ai, mình đâu có muốn làm cho người đó khổ, thương có nghĩa là đem hạnh phúc lại cho người đó, thương mà làm cho người ta khổ thì đâu phải là thương. Thương tức là hiến tặng niềm vui và hạnh phúc và làm sao có thể hiến tặng cho người kia hạnh phúc khi mình không hiểu người kia? Cha muốn thương con là phải hiểu con mà con muốn thương cha là phải hiểu cha. Mình thương ai mình phải tới người đó và mình phải hỏi câu này: Anh ơi, anh có nghĩ rằng em đã hiểu được anh chưa? Em đã thấy được những khổ đau, những bức xúc, những ước mơ của anh chưa? Nếu chưa thì anh dạy cho em đi. Anh biết rất rõ là nếu em không thấy được những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc, những ước mơ của anh thì làm sao em có thể thương anh, làm cho anh hạnh phúc được? Nói cho em nghe đi là em có hiểu anh phần nào chưa?

Trong liên hệ tình yêu mình phải có khả năng hỏi những câu như vậy và cha mẹ mình cũng có khả năng hỏi những câu như vậy. Người vợ hỏi chồng: Anh ơi, anh có nghĩ rằng em đã hiểu được anh chưa? Em có thể là người bạn đường, người bạn đồng hành của anh không, có xứng đáng không? Nếu em chưa hiểu anh thì anh giúp em đi. Lời nói rất là quan trọng. Nếu má chưa nói được câu nói đó với ba câu đó thì khuyên má nói câu đó với ba đi. Có thể chưa trễ lắm đâu, câu nói đó rất là hay. Khi mình thương thật sự thì mình phải có khả năng nói câu nói đó, đặt câu hỏi đó. Tại vì không hiểu được thì không thể nào thương và làm hạnh phúc cho người kia được, rõ ràng là như vậy.

 

***

Ngày hôm nay có pháp đàm, mình sẽ pháp đàm về nghệ thuật lắng nghe và ái ngữ. Lắng nghe và ái ngữ là những chìa khóa mở cửa hiểu và thương, giúp cho mình và giúp cho người kia điều chỉnh lại những tri giác sai lầm về nhau. Một sự thật rất đơn giản: không hiểu thì không thương được.

Trong khóa tu, cái mình phải học trước hết là lấy khỏi thân tâm của mình những căng thẳng, những dồn nén, những bức xúc, phải buông thư thân và tâm. Và cái thứ hai mình phải học là nhận diện những khổ đau đang có mặt trong mình, những giận hờn, những buồn tủi, những tuyệt vọng, những cái ganh tỵ, sợ hãi trong con người của mình. Trong chúng ta người nào cũng có hạt giống của sợ hãi, của khổ đau, của tuyệt vọng, của ganh tỵ. Mình phải có khả năng nhận diện và ôm ấp những nỗi khổ, niềm đau đó để làm cho nó nhẹ bớt, giống như là đứa con của mình, khi nó khóc, nó đau, mình phải nhẹ nhàng ôm nó vào lòng để cho nỗi khổ niềm đau của đứa bé êm dịu lại. Đây cũng là một nghệ thuật. Khi cái buồn, cái giận bắt đầu trào lên, mình phải biết cách xử lý, nếu mình không biết cách xử lý, mình sẽ nói và làm với áp lực của cái buồn, cái giận của mình thì tan vỡ hết. Cho nên phải sử dụng hơi thở và bước chân để nhận diện và ôm ấp cái buồn, cái giận của mình, nhìn sâu vào trong lòng nó, làm dịu cho nó xuống.

Lắng dịu những nỗi khổ niềm đau
Trong Kinh An Ban Thủ Ý (Quán Niệm Hơi Thở) có một bài tập về phương pháp lắng dịu những cảm xúc của mình như là giận, buồn hay là tủi.

Thở vào tôi nhận diện được cảm xúc trong tôi.
Thở ra tôi làm lắng dịu những cảm xúc trong tôi.

Đó là bài tập thứ bảy mà Đức Thế Tôn đề nghị trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Khi nào mình có cái giận, cái buồn, cái lo, cái sợ thì đó là cảm xúc. Mình thở vào, mình phải nhận diện cái cảm xúc đó và nhờ năng lượng chánh niệm nên mình có thể nhận diện được cảm xúc đó.

Vậy chánh niệm là gì? Chánh niệm là năng lượng rất là lành, rất là tốt mà chúng ta chế tác trong khi chúng ta  thực tập. Khi chúng ta đi chúng ta ý thức được từng bước chân gọi là đi trong chánh niệm. Khi chúng ta thở, chúng ta ý thức được từng hơi thở, đó là thở trong chánh niệm. Khi uống trà và ý thức được mình đang uống trà gọi là uống trà trong chánh niệm. Khi ăn cơm biết mà biết mình đang ăn cơm, biết những gì đang xẩy ra, gọi là ăn cơm trong chánh niệm. Khi mình thực tập như vậy thì năng lượng chánh niệm bảo hộ mình và khi mình giận mà mình biết là mình giận đó là chánh niệm về giận. Cái giận là một năng lượng có tính cách phá hoại còn chánh niệm là năng lượng có khả năng nhận diện và ôm ấp làm cho nó lắng dịu xuống.

Tu là gì? Tu là chế tác năng lượng chánh niệm bằng cách thở, bằng cách ngồi, bằng cách đi. Với năng lượng chánh niệm mình có thể nhận diện, ôm ấp được nỗi khổ, niềm đau của mình và làm cho nó dịu xuống. Cũng như một bà mẹ khi thấy hài nhi nó khóc thì dịu dàng ôm nó vào lòng, năng lượng của bà mẹ nó từ từ đi vào trong con người của em bé để em bé bớt khổ. Ở đây cũng vậy, chánh niệm như bà mẹ và niềm đau của mình như là hài nhi, chánh niệm ôm lấy hài nhi và trong mười phút hay mười lăm phút thì tự nhiên nỗi khổ, niềm đau của hài nhi sẽ bớt đi. Đó là bài tập thứ bảy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở.

Thở vào tôi nhận diện nỗi khổ, niềm đau trong tôi
Thở ra tôi ôm lấy nỗi khổ, niềm đau trong tôi và làm cho nó dịu xuống.

Giống hệt như bài tập thứ ba:

Thở vào tôi có ý thức về hình hài tôi và những căng thẳng
Thở ra tôi buông bỏ những căng thẳng ở trong tôi

Một bên là về thân, một bên là về tâm. Giáo lý của Đức Thế Tôn rất là khoa học. Hiện giờ các nhà trị liệu ở Tây phương bắt đầu chú ý tới giáo lý này và họ đã đem ra áp dụng. Mỗi khi mình giận, mình buồn, mình đừng có gì hết, đừng có hành động gì hết tại vì nói và làm trong những tâm hành đó sẽ gây đổ vỡ. Những lúc đó là những lúc mình phải trở về để thực tập hơi thở và bước chân để nhận diện những nỗi khổ, niềm đau, ôm ấp nó và làm cho nó lắng dịu xuống. Đây là bài học thứ hai và phải làm cho được trong khóa tu. Bà Công giáo đó làm được cho nên bà mới thành công.

Cái thứ ba mình phải học được là lắng nghe và ái ngữ để có thể thiết lập được truyền thông và hòa giải được với người thương. Dễ gì có khóa tu mà trong đó mình học được nhiều phương pháp rất là cụ thể như vậy. Cho nên khóa tu là một cơ hội lớn. Mình phải để thì giờ học hỏi và nắm cho được những phương pháp thực tập căn bản đó. Chúng ta chia ra thành nhiều gia đình để pháp đàm (đừng có nói chuyện trên trời dưới biển, đừng có nói chuyện giáo lý quá thâm uyên), hãy để thì giờ tập trung vào những vấn đề thực tế, thiết yếu: Làm thế nào để nhận diện, ôm ấp những nỗi khổ, niềm đau, làm cho lắng dịu lại? Làm thế nào để thành công trong sự thực tập ái ngữ và lắng nghe?

Tâm hành giác là ngôn từ hơi xưa trong kinh. Tâm hành giác tức là nhận diện tâm hành của mình. Tâm hành đây tức là nỗi khổ, niềm đau. Thở vào nhận diện những cơn giận, cơn buồn của mình. Khi thở ra thì gọi là an tịnh tâm hành. Dịch theo ngôn ngữ mới là làm lắng dịu những nỗi khổ, niềm đau đó.

Thở vào tôi ý thức nỗi khổ, niềm đau đang có mặt trong tôi.
Thở ra ôm ấp và làm lắng dịu lại những nỗi khổ, niềm đau đang có mặt trong tôi.

Trong khi đi thiền hành hay ngồi thiền thì mình thực tập như vậy. Đưa tới sự lắng dịu rất là quan trọng và chúng ta phải nắm cho được. Ngày mai sẽ tiếp tục bài pháp thoại.

------------------------

Chú thích:

[1] Giáo trình Thực tập chánh niệm để duy trì hạnh phúc vững bền trong đời sống lứa đôi:
- Nhận diện những cảm thọ hạnh phúc hay đau khổ nơi tự thân hay nơi người kia.

- Biết cách chấp nhận và xử lý những cảm thọ bằng cách quán chiếu bản chất, nền tảng và nguồn gốc của chúng.

- Chế tác hạnh phúc từ những chất liệu nuôi dưỡng có mặt trong tự thân cũng như chung quanh trong từng giây phút.

- Nhìn sâu vào gốc rễ của mình và của người kia để hiểu được nguồn gốc của cách hành xử của mình và của người kia.

- Nhận ra được những hạt giống thiện và bất thiện trong tâm thức mình và trong tâm thức người kia. Và quyết tâm thực tập pháp môn tưới hoa cho những cách suy tư, nói năng và tiêu thụ tốt của người kia.

- Lắng nghe với lòng từ bi để nhận diện và thấu hiểu những đau khổ cũng như hạnh phúc nơi chính mình và nơi người kia.

- Thực tập pháp môn Làm Mới để tái lập và gia tăng phẩm chất truyền thông.

- Nhận diện và thường xuyên xét lại những tâm nguyện và lý tưởng riêng cũng như chung của mỗi người.

- Thực tập pháp môn Tứ vô lượng tâm.

 

Để đào sâu tuệ giác và kỹ năng đạt được trong khóa học này, sau khi có chứng chỉ học viên có thể xin học tiếp các môn học sau:

- Tứ Vô Lượng Tâm - Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy.

- Phương pháp đối trị với tâm hành “giận” và với những cảm xúc đau đớn và mãnh liệt khác.

- Phương thức giải quyết  “xung đột” và thiết lập “truyền thông”.

- Kinh An ban thủ ý - Hơi thở của Bụt.

- Kinh Người áo trắng - Quay về nương tựa Tam bảo; Thực tập Ngũ giới; Bốn phép Tùy niệm.

- Tìm hiểu về Dòng tu Tiếp hiện: Lịch sử; Hiến chương; 14 giới; Đạo Bụt dấn thân.

 

 

Bài kế : Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương (3)

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.