Kính thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày 26 tháng tư năm 2008. Chúng ta đang ở tại tu
viện Bát Nhã Lâm Đồng trong khóa tu dành cho người trẻ với đề
tài : Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương.
Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ.
Hôm nay là ngày thứ ba của khóa tu nhưng tôi nhận thấy rằng có
nhiều ngưòi trong chúng ta chưa nắm được bước chân của mình,
đi vẫn còn hấp tấp, lúc đi vẫn chưa chú ý tới bước chân. Nếu
như vậy khi về nhà mình sẽ không thể tiếp tục được. Không nắm
được bước chân, không nắm được hơi thở thì chúng ta không thể
nào nắm được tâm ý của mình. Mà không nắm được tâm ý thì không
thể nào thành công được trong việc tu tập và chuyển hóa. Chúng
ta chỉ có bốn ngày thôi, chúng ta phải biết lợi dụng tối đa
thì giờ để nắm cho được pháp môn tu tập.

Hơn 2000 Phật tử đa số là người trẻ nghe pháp thoại của
Sư Ông
tại thiền đường Cánh đại bàng của tu viện Bát Nhã, Bảo
Lộc, tỉnh Lâm Đồng. |
Ở Thái Lan có những con voi hoang, người ta phải điều phục
chúng để con voi có thể chuyên chở được. Muốn điều phục, người
ta dùng những chiếc xích sắt cột chân voi, và vồ sắt gõ lên
đầu nó. Nhiều tuần lễ sau voi mới thuần và người ta mới sử
dụng voi được. Tâm ý chúng ta cũng giống như những con voi
hoang. Chúng ta cần những sợi xích để cột lại, nhưng những sợi
xích này không phải bằng sắt mà là những sợi tơ rất đẹp. Đó là
hơi thở và bước chân.
Nếu quý vị không nắm được hơi thở của mình, thở vào mà mình
không biết rằng mình đang thở vào. Nếu mình không nắm được
bước chân, đi mà không biết là mình đang đi thì có cách gì để
quý vị nắm được tâm ý? Cho nên trong khóa tu này chúng ta phải
nhắc nhở nhau nhiều lần là phải cố gắng nắm cho được hơi thở
và nắm cho được bước chân. Nếu không sẽ không nắm được con voi
hoang trong tâm ý của mình. Không nắm được tâm ý thì làm sao
điều phục được những cái giận, cái buồn, lo lắng, sợ hãi và
công phu của chúng ta sẽ trở nên uổng phí nếu chúng ta không
đem hết tấm lòng và năng lượng để sử dụng thời gian trong khóa
tu.
Khi có mười lăm phút riêng cho mình, thay vì quý vị đi tìm một
người bạn để nói chuyện hay chụp hình, thì quý vị thử tập đi.
Thở vào một hơi, đi một bước thôi và đi chậm, thiền đi chậm.
Khi thực tập được thiền đi chậm rồi thì khi đi nhanh mình cũng
đi trong chánh niệm được. Thở vào một hơi và bước một bước,
đem hết tâm ý dồn vào đôi chân của mình và mình bước một bước,
để ý sự xúc chạm giữa chân mình và mặt đất. Phải đầu tư một
trăm phần trăm cả thân và tâm mình vào bước chân thì mới có
thể trở về được với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây.
Bây giờ và ở đây
là địa chỉ của sự sống mầu nhiệm. Mỗi hơi thở phải có
khả năng đưa chúng ta trở về với giây phút hiện tại và ở đây.
Ở đây là không gian và bây giờ là thời gian. Sự sống chỉ có
thể có mặt trong thời gian này và không gian này. Đức Thế Tôn
dạy: Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới. Chỉ có giây
phút hiện tại mới chứa đựng sự sống mà nếu chúng ta đánh
mất giây phút hiện tại thì chúng ta đánh mất sự sống. Cho nên
sự thực tập căn bản của chúng ta là sử dụng hơi thở và bước
chân để trở về với giây phút hiện tại và ở đây. Vì vậy phải
đầu tư một trăm phần trăm thân và tâm mình vào hơi thở để hơi
thở đem mình trở về với giây phút hiện tại bây giờ và ở đây.
Phải đầu tư một trăm phần trăm cả thân và tâm vào bước chân
thì bước chân đó mới đưa mình về bây giờ và ở đây. Không thể
nào làm khơi khơi được. Hơi thở tuy mong manh như sợi tơ trời
nhưng nếu biết cách thì mình có thể trói được con voi hoang.
Bước chân của mình nhẹ nhàng và thanh thoát nhưng nó là cũng
là sợi tơ trói được voi hoang.
Đời Trần có một vị thiền sư cư sĩ tên là Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Ông là anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo, tên của ngài là Trần
Quốc Tung. Ngài tu thiền rất giỏi. Ngài đã chứng ngộ và dạy
thiền trở lại cho vua Trần Nhân Tôn. Sau này nhà vua đã xuất
gia. Trong những thơ văn, thi kệ của Tuệ Trung Thượng Sĩ có
câu rất hay như: Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ. Chỉ cần
sợi tơ sen, liệng ra có thể trói được con cọp dữ. „Phóng
tước liên ty phược hổ nhi“ dịch ra là liệng sợi tơ sen
trói mãnh hổ. Khi bẻ đôi một cọng sen rồi kéo ra thì hai đoạn
vẫn còn nối nhau bằng những sợi tơ, rất mong manh. Nhưng người
tu khôn khéo, chỉ cần sợi tơ sen liệng ra là có thể trói được
con cọp dữ, con voi hoang. Sợi tơ sen đó là hơi thở và bước
chân. Trong khóa tu này quý vị đã được trao truyền hai sợi tơ
sen đó là hơi thở và bước chân, quý vị phải sử dụng để trói
tâm của mình lại. Tâm mình như con voi hoang, con cọp hoang.
Nếu mình không hết lòng đầu tư vào, không hạ thủ công phu thì
làm sao mà thành công được. Hôm nay đã là ngày thứ ba của khóa
tu mà vẫn có những người còn đi hấp tấp, không nắm được bước
chân. Mà không nắm được bước chân thì cũng không nắm được hơi
thở. Như vậy công phu dành cho khóa tu sẽ uổng phí. Vì vậy thì
giờ còn lại chúng ta nên trân quý. Đừng nên bận tâm vào việc
chụp hình, nói chuyện, không ích lợi cho sự tu học của chúng
ta.
Nếu chúng ta có mười lăm phút, chúng ta thử đi thiền một mình.
Thở một hơi, để hết tâm ý vào hơi thở, đi một bước, làm sao
cho bước chân đem mình về giây phút hiện tại, bây giờ và ở
đây, một trăm phần trăm. Thở vào, bước một bước: Con đã về,
con đã tới. Đã về trong giây phút hiện tại, đã tới giây
phút hiện tại. Đó là địa chỉ của những mầu nhiệm của sự sống.
Nếu mình chưa về được trong giây phút hiện tại thì đừng bước
thêm một bước nào nữa. Cứ dẫm bàn chân tại chỗ và thở cho đến
lúc nào về được một trăm phần trăm nơi giây phút hiện tại, bây
giờ và ở đây thì lúc đó mình mỉm cười đắc thắng, rồi bước thêm
bước khác, còn nếu không mình không bước thêm nữa. Mình phải
đầu tư một trăm phần trăm, cả thân và tâm mình vào một bước
chân. Cái đó gọi là hạ thủ công phu. Tu như vậy mới thành
được. Chứ tu khơi khơi thì đâu được. Nói rằng đã về, đã tới
trong giây phút hiện tại nhưng có thể mình chỉ mới về được
chừng mười hay hai chục phần trăm. Tám mươi phần trăm còn lại
vẫn bay lông bông theo quá khứ hoặc tương lai, ở những chỗ
khác thì bước chân đó chưa thành công được. Đây là một thách
đố. Chúng ta ai cũng có khả năng bước một bước và trở về hoàn
toàn trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với sự sống mầu
nhiệm của giây phút hiện tại. Nếu chúng ta chưa làm được là
tại vì chúng ta chưa quyết tâm mà thôi, chứ hễ có quyết tâm,
thì chỉ cần một hơi thở, một bước chân, chúng ta sẽ thiết lập
được cả thân và tâm trong giây phút hiện tại. Bước được một
bước thành công, đầu tư cả thân tâm để bước một bước thành
công thì mình biết rằng mình có thể thành công hai bước hay là
ba bước.
Bên Pháp, tôi có một cầu thang lên lầu, mười tám bực cấp. Mỗi
khi tôi đi lên đi xuống, mỗi bước là đều an trú trong giây
phút hiện tại một trăm phần trăm. Tôi đã đi như vậy gần ba
mươi năm. Đi lên cũng vậy, đi xuống cũng vậy, không có bước
chân nào lọt ra khỏi giây phút hiện tại. Vì vậy khi sang Trung
quốc, lên Ngũ Đài Sơn, mỗi bước chân cũng leo như vậy. Lên đến
đỉnh Ngũ Đài Sơn vẫn rất khỏe vì mình không đi như ma đuổi.
Mỗi bước chân đều có an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc, trong khi
những người du lịch thì đi hấp tấp và lên đến đỉnh thì mệt
nhoài, chảy mồ hôi, mồ kê.
Hôm đó phái đoàn chúng tôi áp dụng thiền hành để leo Ngũ Đài
Sơn. Phái đoàn có khoảng bảy tám chục người. Cô hướng dẫn viên
hôm đó bị buộc phải đi chậm lại, vì chúng tôi không muốn đi
như bị ma đuổi. Cô cầm cờ đi trước nhưng cô không thể nào đi
nhanh được vì chúng tôi ai cũng muốn thực tập, nên leo Ngũ Đài
Sơn thời gian dài gấp mười lần những người khác, vì mình muốn
nếm hương vị an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc trong mỗi bước
chân. Tăng thân thực tập rất vững, nên cô ấy đành đi theo
thôi. Khi nói chuyện với người đồng nghiệp trên xe buýt, cô
nói bằng tiếng Hoa, cô nghĩ là chúng tôi không hiểu, ai dè
trong chúng tôi có một sư cô gốc Hoa. Cô nói, ông thầy này lợi
hại quá. Tôi đã từng hướng dẫn hằng ngàn nhóm du lịch lên núi,
lần nào cũng mệt nhoài. Thế mà lần này lên đến đỉnh không thấy
mệt gì cả. Những bước chân giúp cho mình tiếp xúc được với sự
sống mầu nhiệm trong từng giây, từng phút. Ở Làng Mai chúng
tôi thực tập như vậy. Ở Bát Nhã, chúng tôi thực tập như vậy.
Nếu cần phải đi từ phòng mình đến nhà tắm, tới thiền đường hay
thực đường thì luôn luôn mình áp dụng phương pháp thiền đi
trong chánh niệm. Không phải trong khóa tu mình mới làm mà
ngoài khóa tu, mình cũng làm như vậy. Hễ cần phải đi là áp
dụng phương pháp đi trong chánh niệm. Đi với đại chúng đông
đảo, mình đi như vậy đã đành. Đi một mình, mình cũng tập đi
như vậy và tôi đã đi như vậy. Vậy quý vị trong thời gian còn
lại cố gắng nắm cho được hơi thở, nắm cho được bước chân, để
đem pháp môn về thực tập cho mình và cho gia đình mình.
Trong bài pháp thoại ngày đầu, chúng ta có nói đến nghệ thuật
buông thư những căng thẳng trong hình hài, thân thể của mình.
Chúng ta học thở, học đi, học ngồi, học mỉm cười để có thể
buông thư được. Quý vị đã tham dự buổi thiền buông thư do sư
cô Chân không hướng dẫn. Mình phải tiếp tục thực tập những
điều đó sau khóa tu vì mình biết rằng nếu cứ dồn chứa những
căng thẳng thì mình sẽ bịnh. Dồn chứa luôn những cau có, bực
tức, mình sẽ làm khổ mình và làm khổ cả những người thương.
Cho nên đề tài của bài pháp thoại đầu tiên là buông thư.
Bài pháp thoại thứ hai nói đến nhận diện những cảm xúc:
những cái buồn, cái giận, cái lo, cái ganh ghét của mình và ôm
ấp lấy bằng năng luợng chánh niệm để làm cho vơi nhẹ đi những
nỗi khổ niềm đau của mình. Mình cố gắng thực tập cho được mỗi
khi có nỗi buồn, cơn giận. Đừng nói năng gì hết, đừng làm gì
hết, đừng phản ứng. Trở về với hơi thở, trở về với bước chân,
nhận diện nỗi khổ, niềm đau đó và làm cho nó nhẹ nhàng ra. Nếu
mình làm ăn khá hơn thì sử dụng phương pháp ái ngữ và lắng
nghe để nhìn sâu vào nỗi khổ, niềm đau đó và thấy được gốc
rễ của mình. Trong bài pháp thoại đó, mình cũng học được pháp
môn „ái ngữ và lắng nghe“ để mình có thể tái lập truyền thông
giữa mình với người kia và hòa giải cho được. Đây là những đề
tài thiết thực. Tới khóa tu mình phải nắm cho được, học cho
được thì mới không uổng công.
Từ
Gia
Đình
Phật
Tử
đến
European Buddhist Youth for Healthy and Compassionate
Society
Hôm trước tôi có nói ở Pháp, năm vừa qua - năm 2007- số thanh
thiếu niên bỏ nhà ra đi là bốn mươi bảy ngàn em. Mỗi ngày có
trung bình ba mươi lăm thanh niên, thiếu nữ tự tử vì những bức
xúc, giận hờn, tuyệt vọng trong khung cảnh gia đình của mình.
Phụ huynh bất lực, các thầy cô giáo cũng bất lực không làm sao
để giúp được cho những thanh thiếu niên đó. Nhưng nếu biết sử
dụng phương pháp của Bụt dạy thì mình có thể giúp cho họ được.
Vì vậy cho nên trong khóa tu dành cho người trẻ mình phải học
được những phương pháp đó. Trong số những người bỏ nhà ra đi
có khoảng mười ngàn người trẻ, ra đi tìm một người mà nó đã
làm quen được trong mạng lưới Internet. Chúng hứa hẹn cái gì
với nhau rồi một hôm nào đó đánh cắp ít tiền của cha mẹ và bỏ
nhà ra đi. Nó chưa biết người đó là ai, chỉ nói chuyện,
chat và nghĩ rằng người con trai đó là một chàng hiệp sĩ
có thể cứu mình ra khỏi hoàn cảnh tuyệt vọng, hoặc cô gái đó
là người lâu nay mình thường mơ tưởng mà chưa từng gặp được vì
vậy cho nên mình đi vào trong net, mình trở thành một
con người khác và mình mong ước gặp được người dễ thương mà
mình chưa gặp trong cuộc đời thực.
Có hai thế giới, một thế giới thực và một thế giới ảo.
Trong thế giới thực này mình đã không có khả năng tiếp xúc
được với những kỳ diệu của cuộc sống, mình chỉ tiếp xúc được
với những giận hờn, bạo động, khó khăn. Cho nên mình đã từ bỏ
thế giới thực để đi vào thế giới ảo. Thế giới ảo đó là thế
giới của Internet. Biết bao thanh niên thiếu nữ đã bỏ nhà ra
đi là vì những hứa hẹn của người trong Internet.
Có một ông chừng bốn mươi lăm tuổi, nhưng trong Internet ông
tự biến thành chàng sinh viên hai mươi lăm tuổi và đi dụ các
cô thiếu nữ. Ông ta tung ra cái lưới (net) và tóm được
trong lưới của mình những cô gái vị thành niên, phá hoại cuộc
đời của những cô gái vị thành niên đó, rất là tội. May thay
cảnh sát đã tìm ra và ông ta đã ở tù. Vì vậy chuyện con cái
bất bình với bố mẹ, cảm thấy bức xúc trong gia đình, đi tìm
một thế giới hứa hão để trốn tránh… chuyện đó đã xảy ra ngay
trong xã hội của chúng ta.
Là người thanh niên, là người trẻ, chúng ta có một bầu nhiệt
huyết và muốn làm cái gì đó cho cuộc đời. Nhưng nhìn quanh
chúng ta thấy có những tranh chấp, những ganh tỵ, những nhỏ
nhen, những bạo động, những căm thù và chúng ta chán. Có những
thanh niên thiếu nữ rất có lòng, họ ước muốn làm cái gì đó để
cuộc đời của họ có ý nghĩa, có lý tưởng. Họ muốn đóng góp vào
việc giúp đời, giúp dân, xóa đói, giảm nghèo, tranh đấu cho
công bằng xã hội, tranh đấu cho môi trường… toàn là những lý
tưởng rất cao, rất đẹp. Nhưng khi làm việc với nhau thì đụng
chạm, giận hờn nhau và sau một thời gian sáu tháng, một năm
thì tan rã. Những nhóm như vậy rất là đông. Khắp các nước có
những nhóm như vậy. Họ là những nhóm thanh niên thiện nguyện
muốn dấn thân vào cuộc đời để giúp đỡ, cứu người. Nhưng vì họ
không có một chiều sâu tâm linh, không có một căn bản đạo đức,
cho nên họ không thể đi xa được và những nhóm đó tan rã rất
mau chóng.
Vào khoảng những năm 1935, 1936 ở Huế có một vị Phật tử rất
giỏi tên là Tâm Minh Lê Đình Thám. Bác sĩ Thám đã thành lập
đoàn thanh niên phật tử gọi là Thanh niên Phật học đức dục,
dạy cho đoàn thanh niên đó một lý tưởng độ đời, giúp người.
Mục đích của đoàn thanh niên đó không phải là tranh đấu cho
công bằng xã hội, tranh đấu cho nhân quyền hay tranh đấu xóa
đói giảm nghèo, mà làm thế nào để đào tạo cho mình có một căn
bản đạo đức và để giúp nâng cao phẩm chất đạo đức ở trong xã
hội vì vậy đoàn thể đó có tên là Đoàn Phật học đức dục.
Đức dục là giáo dục về đức hạnh. Giáo dục có ba thứ. Trí
dục học hỏi kiến thức, thể dục là luyện tập cho
thân thể khỏe mạnh và đức dục là rèn luyện một nền tảng
đạo đức. Mục đích của đoàn đó không phải để làm việc cứu tế xã
hội hay để giảm nghèo, tranh đấu cho nhân quyền, tranh đấu cho
hòa bình, dân chủ. Không phải. Mục đích chỉ để nâng cao đạo
đức của cá nhân, của gia đình, của xã hội. Và quý vị cũng đã
biết, đoàn phật học đức dục cũng chính là Gia đình phật hóa
phổ và cuối cùng đã thành lập được Gia đình phật tử
là tổ chức giáo dục của truyền thống phật giáo Việt nam với
ước ao làm sao trao truyền cho tuổi trẻ Việt nam một căn bản
đạo đức để lớn lên chúng không phải khổ đau và có thể giúp đời
được.
Hồi Hòa thượng Thích Thiện Minh còn làm Tổng vụ trưởng tổng vụ
thanh niên, hội Phật giáo thế giới tức là World Budhist đã
trao cho Việt nam trách nhiệm tổ chức Đại hội Thanh niên
Phật tử Thế giới. Nhưng vì chiến tranh cho nên đại hội đó
đã không thành công. Đó là vào năm 1973.
Gia đình phật tử là một đặc sản của Phật giáo Việt nam, văn
hóa Việt nam. Gia đình phật tử đã có một lịch sử hơn sáu mươi
năm. Chúng ta có chương trình huấn luyện từ cấp oanh vũ trở
lên và khi ban tổ chức lễ Phật đản quốc tế nói chuyện với tôi
về việc làm sao để lễ Phật đản quốc tế Việt nam nổi bật lên
thì tôi có đề nghị đem Gia đình phật tử ra để trình
diện, tại vì Gia đình phật tử là một tổ chức giáo dục
thanh thiếu niên rất đặc biệt Việt nam. Ban tổ chức rất thích
nhưng ác hại thay, Gia đình phật tử Việt nam bây giờ đang bị
chia rẽ trầm trọng, cho nên mình không thể đem ra khoe được.
Tôi đề nghị khi Phật giáo quốc tế tới thì mình giới thiệu hai
cái, đặc biệt chỉ ở Việt nam có mà thôi. Một là Đạo Phật nhập
thế, đạo Phật dấn thân, đạo Phật đi vào cuộc đời. Đạo phật có
mặt trong các lãnh vực giáo dục, y tế, kinh tế. Tại vì trên
thế giới hiện nay có phong trào Đạo Phật dấn thân tiếng Anh
gọi là Engaged Buddhism mà phong trào đó có nguồn gốc từ
Việt nam. Từ khoảng năm 1954, chúng tôi đã viết những cuốn
sách Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo phật hiện đại hóa.
Đạo Phật được thực tập không phải chỉ có mặt trong chùa mà có
cả trong mọi mặt đời sống của xã hội, trong các lãnh vực kinh
tế, y tế, giáo dục, văn hóa… Bây giờ quốc tế đã công nhận ý
tưởng đạo Phật nhập thế, đạo Phật dấn thân, đạo Phật đi vào
cuộc đời là có gốc rễ từ Phật giáo Việt nam. Vì vậy khi có
nhiều phái đoàn quốc tế đến dự lễ ở Hà nội thì mình nên trình
bày cái đó, thực hiện một cuộc triễn lãm rằng chúng ta đã đem
đạo Phật đi vào cuộc đời như thế nào. Đạo Phật không chỉ nằm
trong chùa, đạo Phật nằm trong những lãnh vực khác như xã hội,
văn hóa, nghệ thuật, giáo dục,.. Đó là một cái chúng ta có thể
giới thiệu với Phật giáo thế giới.
Cái thứ hai chúng ta có thể giới thiệu nữa, đó là Gia đình
Phật tử Việt nam. Nhưng ác thay, Gia đình Phật tử Việt nam vì
hoàn cảnh đang bị chia rẽ trầm trọng. Thành ra không giới
thiệu được, rất uổng.
Nhưng dù không bị chia rẽ thì nó cũng chưa khoẻ được là vì Gia
đình phật tử của mình nó hơi xưa, hơi cũ, nó không hiện đại
nữa. Tôi còn nhớ vào những năm 1948, 1949, 1950 có một số các
thầy trẻ như thầy Minh Châu, thầy thiên Ân, thầy Đức Tâm, thầy
Chơn Trí, thầy Trí Không đã ngồi lại với nhau để làm một tập
tài liệu giúp Gia đình phật tử học hỏi. Tập tài liệu đó gọi là
Phật pháp. Đã sáu mươi năm rồi chúng ta vẫn còn sử dụng những
tư liệu đó. Thường thường sách giáo khoa mỗi năm phải có một
ấn bản mới. Sách giáo khoa của Gia đình phật tử đã năm sáu
chục năm rồi mà chưa có sách mới. Thành ra tư liệu sử dụng để
giảng dạy và thực tập cho các cấp, các em thiếu rất nhiều. Năm
1989 hay 1990 gì đó, tôi có tổ chức những khóa tu như thế này
cho Gia đình phật tử ở bên Hoa kỳ, tổ chức liên tiếp ba khóa
như vậy, tôi đã đưa ra và cống hiến những tư liệu để làm mới,
đổi mới, làm giàu cho Gia đình phật tử. Hôm qua tôi có giới
thiệu cho quý vị cuốn Đạo Phật của tuổi trẻ. Đó là
những bài pháp thoại mà tôi nói trong những khóa tu dành cho
Gia đình phật tử. Nếu quý vị đọc cuốn đó, quý vị sẽ thấy trong
đó có rất nhiều tư liệu mình có thể sử dụng để làm mới tổ chức
thanh thiếu niên phật tử của mình. Đạo Phật của tuổi trẻ,
đây là tài liệu dành cho Gia đình phật tử để có thể cải tổ,
làm mới, đổi mới nội dung cũng như hình thức của tổ chức phật
tử trẻ ở nước ta.
Trong mấy chục năm qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa tu như
thế này cho người Tây phương, người lớn cũng như giới trẻ.
Hiện giờ các nước ở Tây phương, nước nào cũng có những nhóm
phật tử trẻ. Chúng tôi dự trù tháng sáu hoặc tháng bảy năm nay
sẽ thành lập đoàn thanh niên phật tử châu Âu và đặt một tên
gần giống với đoàn phật học đức dục mà ngày xưa bác sĩ Thám đã
đặt. Tôi có nghĩ ra một tên bằng tiếng Anh, có nghĩa là đoàn
thanh niên phật tử phục vụ cho một lý tưởng, phục vụ cho một
xã hội lành mạnh và có từ bi. Tiếng Anh là Buddhist Youth
for Healthy and Compassionate Society; European Buddhist
Youth for Healthy and Compassionate Society: Đoàn phật
tử Âu châu phục vụ cho một xã hội lành mạnh và có tình thương,
có lòng từ bi. Tại vì các tệ nạn xã hội bây giờ rất nhiều. Rất
nhiều bạo động, rất nhiều căm thù, nhiều tuyệt vọng. Đoàn
thanh niên phật tử Âu châu đó sẽ được giáo dục trên căn bản
của năm giới, sẽ thực tập năm giới trong phạm vi gia đình của
mình, trong cộng đồng của mình và sẽ đi ra cuộc đời để phục
vụ cho xã hội trên cơ bản của năm giới.
Năm
giới là sự thực tập tình thương.
Ngày hôm qua đại chúng đã được nghe thầy Nguyện Hải và các vị
khác thuyết trình năm giới. Năm giới ở Tây phương chúng tôi
gọi là năm phép thực tập chánh niệm (Five Mindfulness
trainings). Nghiên cứu cho kỹ thì thấy năm giới là sự thực tập
rất cụ thể của lòng từ bi, của tình thương. Nếu thực tập đúng
theo năm giới thì mình bảo hộ cho thân tâm của mình không rơi
vào cạm bẩy của sắc dục, của ma túy, của sự dối trá lường lọc,
của bạo động, căm thù. Mình nuôi dưỡng được tình thương của
mình. Nếu nghiên cứu kỹ lưỡng năm giới mà quý vị đã được nghe
trình bày ngày hôm qua thì chúng ta sẽ thấy năm giới là sự
thực tập tình thương.
Giới thứ nhất là bảo vệ sinh mạng.
Không những là sinh mạng của con người mà còn là sinh mạng của
các lòai, kể cả thực vật và khoáng vật nữa. Bảo hộ môi trường
cũng thuộc phạm vi của giới thứ nhất. Giới thứ nhất rất hiện
đại. Chúng ta không phải chỉ bảo hộ con người, chúng ta còn
bảo hộ sự sống của cây cỏ, sự sống của các loài động vật đang
bị diệt chủng, chúng ta phải bảo vệ sông hồ, bảo vệ không khí,
bảo vệ đất đừng để cho bị ô nhiễm. Vì vậy giới thứ nhất của
Bụt rất là hiện đại.
Giới thứ hai là thực tập hiến dâng mà đừng tìm cách chiếm đoạt
tài sản của những người khác.
Chúng ta biết rằng trong xã hội hiện nay, nạn tham nhũng lan
tràn từ trên xuống dưới. Đảng và chính quyền cố gắng hết sức
mà vẫn chưa làm được gì nhiều. Chúng ta biết rõ, để đối phó
với nạn tham nhũng, đối phó với những tệ nạn xã hội như ma
túy, đĩ điếm, như tự tử, hay cảnh gia đình tan rã… thì sức
mạnh của pháp luật không đủ. Phải cần có đạo đức và đạo đức đó
cần phải được dạy dỗ và thực tập tươi vui ngay từ khi em bé
còn nhỏ tuổi. Đó là lý tưởng của người thanh niên trong đoàn
thanh niên phật tử phục vụ cho một xã hội lành mạnh và có lòng
từ bi. Tại vì xã hội bây giờ dữ quá, đầy bạo động, tranh chấp
nhau, công kích, đập phá nhau không thương tiếc, không có lòng
từ bi. Một xã hội có quá nhiều thác loạn, không có chút từ bi
như vậy thì làm sao xã hội đó hạnh phúc cho được! Cho nên lý
tưởng của người thanh niên Phật tử là làm cách nào để nuôi
dưỡng lòng từ bi, nuôi dưỡng đạo đức trong con người của mình
để có thể sử dụng năng lượng từ bi, năng lượng hạnh phúc đó
đem ra giúp đời, độ người. Giáo dục là một trong những phương
tiện rất hay.
Giới thứ ba ngăn ngừa những tan rã gia đình, những cuộc tình
duyên, không tà dâm, không lạm dụng tình dục đối với người
trẻ, đối với con nít.
Nạn tà dâm đã làm tan vỡ không biết bao nhiêu gia đình. Cái
này quý vị chỉ cần nhìn quanh sẽ thấy. Những đứa con được sinh
ra và lớn lên trong những gia đình như vậy thì không thế nào
có hạnh phúc được. Sống với nhau nửa năm, một năm lại phải
chia tay, vì sự chung thủy không có, vì họ không được học hỏi
và thực tập giới thứ ba.
Giới thứ tư là nghệ thuật lắng nghe và ái ngữ
để tái lập được truyền thông, hòa giải được với nhau mà hôm
qua chúng ta đã học, cũng dạy về tình thương, rất quan trọng.
Giới thứ năm là tiêu thụ cho có chánh niệm.
Đừng ăn uống, thưởng thức những tác phẩm, những hàng hóa có
nhiều độc tố vào thân và tâm của mình. Coi tivi, đọc sách báo
chúng ta đưa những thác loạn, bạo động, thèm khát vào trong
thân và tâm của chúng ta. Trẻ con bây giờ đang có nhiều chất
liệu của bạo động, của căm thù, của thèm khát ở trong nó. Cho
nên giới thứ năm, tiêu thụ trong chánh niệm, rất quan trọng.
Không chỉ những thức ăn, thức uống đưa vào cơ thể qua miệng mà
cả những sản phẩm tiêu thụ như sách báo, phim ảnh, âm nhạc đều
có thể chứa đựng những độc tố của sự căm thù, sự thác loạn,
của bạo động. Vì vậy giới thứ năm cũng rất quan trọng.
Chúng ta cần tổ chức học hỏi năm giới nhiều tháng, nhiều năm,
chúng ta mới nắm vững được. Nếu chúng ta thuộc về đoàn thanh
niên có chí nguyện tạo ra xã hội lành mạnh và có lòng từ bi
thì chắc chắn chúng ta phải thực tập năm giới. Chúng ta phải
truyền bá năm giới để năm giới được thực tập trong tất cả các
gia đình. Vì vậy mục tiêu của đoàn thanh niên này, hay của Gia
đình phật tử không phải là tranh đấu cho nhân quyền, không
nhằm tranh đấu cho xóa đói giảm nghèo mà tranh đấu cho một xã
hội lành mạnh, không có những tệ nạn xã hội như ma túy, đĩ
điếm, tham nhũng, con người sống với nhau có được chút tình
thương. Cho nên Buddhist Youth for Healthy and
Compassionate Society phục vụ cho một xã hội lành mạnh
và có tình thương. Trong các quốc gia mà chúng tôi đã mở các
khóa tu, chúng tôi đã thành lập nhiều Tăng thân, tức là những
nhóm người ở địa phương để thực tập. Như ở Luân đôn, thủ đô
của Anh đã có mười Tăng thân như vậy. Các tăng thân thường họp
nhau lại mỗi tuần để tụng năm giới, ngồi thiền, đi thiền hành
chung với nhau, ăn cơm im lặng chung với nhau, giống hệt các
khóa tu như vậy. Có cả ngàn tăng thân khắp các nước và sự thực
tập căn bản vẫn là năm giới.

Hơn 400 người Ý quy y Tam Bảo và xin thọ trì 5 giới
sau 7 ngày tu học với Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng
đoàn Làng Mai.
(Khóa tu được tổ chức tại thành Roma từ 21 đến
27.03.2008). |
Nếu quý vị có dịp qua làng Mai hoặc tham dự các chuyến hành
đạo của chúng tôi tại các nước Âu châu hoặc Mỹ châu quý vị sẽ
thấy rằng tại các khóa tu mà chúng tôi tổ chức, thiền sinh Tây
phương họ quy y hằng loạt có thể tới sáu trăm người một lần. Ở
Việt Nam tôi chưa thấy lễ quy y nào mà có sáu bảy trăm người.
Tại New York, Roma, tại Los Angeles đã có những lễ truyền ba
quy và năm giới cho cả bảy trăm người, họ quỳ xuống tiếp nhận
năm giới rất là cảm động. Họ là những người Tây phương gốc
Thiên chúa giáo và gốc Do thái giáo. Đối với người Việt, thì
quy y và thọ năm giới là chuyện bình thường. Nhưng đối với
người Tây phương, những người gốc Thiên chúa giáo, Tin lành,
Cơ đốc giáo, Do thái giáo mà quay về nương tựa Bụt, quay về
nương tựa Pháp, quay về nương tựa Tăng và tiếp nhận năm giới
để hành trì là chuyện rất khó. Vậy mà khóa tu nào vào ngày
chót cũng đã có hằng trăm người quy y. Khi có một người quy y,
giữ năm giới, mình cũng mừng cho họ vì có năm giới tức có một
sức mạnh tâm linh nó bảo hộ được cho mình, bảo hộ được cho gia
đình không bị tan rã. Bên Cơ đốc giáo, sức mạnh của Cơ đốc
giáo là sự cầu nguyện, cầu nguyện Chúa. Bên đạo Phật là sự giữ
giới. Nếu chúng ta giữ năm giới cho vững chãi, chắc chắn gia
đình chúng ta không bị tan rã, có khó khăn thì thế nào cũng có
thê hòa giải được với nhau, nuôi dưỡng tình thương và làm chỗ
nương tựa cho nhiều ngươi trong xã hội. Cho nên năm giới là
phương pháp thực tập rất cụ thể và đó là tình thương đích
thực. Sư cô Chân Trang Nghiêm báo cáo là trước khi xuất gia cô
đã được đọc năm giới và cô nghĩ rằng nếu mọi người trong thế
gian đều thực tập theo năm giới thì hòa bình an lạc dễ như
chơi.
Ngày mai có lễ truyền Tam quy- Ngũ giới, quý vị có cơ hội tiếp
nhận. Khi mình lạy Phật, mình biết Phật là thầy của mình, đưa
đường chỉ lối cho mình. Nhưng mà mình hướng về bức tượng để
lạy, bức tượng bằng xi-măng hoặc bằng đá. Khi mình thọ trì năm
giới thì Phật, đức Thế tôn đi vào trong trái tim của mình liền
chứ không phải ở cái tượng ngoài nữa. Tại vì bản chất của Phật
là Pháp. Nếu Phật mà không có Pháp thì đó không phải là Phật.
Năm giới đích thực là Pháp. Vì vậy khi mình quỳ xuống để tiếp
nhận năm giới là mình đã đưa Phật vào trong trái tim. Nếu mình
giữ năm giới cho vững chãi, cho hết lòng thì luôn luôn mình
được Phật bảo hộ, ngày cũng như đêm không còn sợ hãi gì nữa.
Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ. Vì vậy cho nên
Pháp tự thân. Đâu có Pháp là đó có Phật. Đừng nghĩ rằng Phật
là bức tượng bằng đồng, bằng đá, bằng vàng hay bằng thạch cao.
Không phải. Bản chất của Phật là Pháp. Năm giới là Pháp rất là
cụ thể. Khi quý vị phát nguyện giữ năm giới cho đàng hoàng thì
ngày đêm lúc nào cũng được sự gia trì, bảo hộ của Phật. Chuyện
này rất là chắc chắn, không lo sợ nữa. Trong bất cứ tình huống
nguy hiểm nào mà mình biết rằng năm giới mình giữ cho vững,
năm giới mình không vi phạm, thì mình đang được sự che chở của
Tam bảo. Vì vậy người thanh niên lấy năm giới làm phương châm,
làm bản chất, làm lý tưởng đi vào cuộc đời để làm đẹp cuộc
đời, làm cho cuộc đời lành mạnh, xóa bỏ những tệ nạn xã hội
như ma túy, đĩ điếm, tự tử, tham nhũng, tuyệt vọng v.v… Đó là
một lý tưởng rất là đẹp.

Cách chào
Hướng Đạo |

Ấn Cát
tường GĐPT |

Chào 5 Giới
? |
Tổ chức hướng đạo sinh khi họ chào nhau, họ chào như vầy: ba
ngón tay đưa lên tượng trưng cho ba lời nguyền là phụng thờ tổ
quốc, giúp ích mọi người và tuân theo luật đoàn. Gia đình phật
tử mỗi khi chào nhau thì bắt ấn cát tường. Bây giờ nếu mình
thành lập đoàn thanh niên phật tử, dùng năm giới để làm căn
bản, không có lý mình đưa năm ngón tay lên để chào?
***
Chúng
ta phải nương nhau và bảo hộ cho nhau
Chiều nay, nếu có pháp đàm, các bạn trẻ nên ngồi lại. Một mặt
mình phải đổi mới Gia đình phật tử mới được. Mặt khác mình
phải nghĩ cách trao truyền cho thế hệ trẻ một lý tưởng, mà lý
tưởng đó là giúp xã hội này lành mạnh hơn, tại vì xã hội chúng
ta đang đau yếu. Tệ nạn xã hội càng ngày càng tăng, pháp luật
bó tay, không đủ sức để ngăn ngừa những tệ nạn xã hội đó. Xã
hội đang trông chờ vào người Phật tử.
Phật tử có những phương tiện rất cụ thể, đó là sự học hỏi và
hành trì năm giới. Đừng tưởng năm giới là dễ. Học hỏi năm giới
càng ngày càng sâu, tìm ra những biện pháp để thực tập năm
giới trong đời sống cá nhân, đời sống gia đình, đời sống học
đường, đời sống xã hội, đó là một lý tưởng rất lớn. Quý vị là
những người trẻ và nếu muốn có con đường đẹp cho lý tưởng, cho
tương lai thì năm giới của đức Thế tôn là lý tưởng của tình
thương. Tình thương này không phải là tình thương hệ lụy, tình
thương đau khổ. Quý vị thường nghe những bài hát tình sầu trên
radio, bài nào cũng than hết. Em không yêu tôi thì chắc tôi
chết mất. Tại sao em nỡ lòng nào bỏ tôi… cứ rên rỉ như vậy
thì có cứu ai được đâu. Tình này là tình rất lành mạnh. Năm
giới là một tình thương rất lớn. Nếu người thanh niên lấy năm
giới làm bản chất của lý tưởng tình thương thì người thanh
niên có tình thương rất là đẹp cho cuộc đời cũng như cho người
khác. Khi mình có năm giới rồi, có lý tưởng rồi thì đâu cần
phải đi vào net để nương tựa, để bị sa vào lưới của
những con yêu râu xanh kia. Con yêu râu xanh trong Internet
nhiều lắm, các bạn trẻ nên chú ý.
Tôi thỉnh thoảng cũng lên mạng. Nhưng mỗi lần tôi lên mạng là
để kiếm tư liệu nghiên cứu. Những tư liệu về khoa học, thường
thường tôi lên mạng là để biết những khám phá mới của khoa học
não bộ thần kinh, khoa học vật lý thôi. Mạng có ích lợi, nhưng
mạng cũng rất nguy hiểm. Vì vậy tại làng Mai, Pháp quốc, tại
tu viện Lộc uyển, tại tu viện Thanh Sơn, tu viện Bích Nham,
tại các đạo tràng của chúng tôi thì các thầy, các sư cô cũng
như các Phật tử theo nguyên tắc mỗi khi lên mạng, không được
đi một mình, phải luôn luôn có một người đi theo gọi là đệ nhị
thân, nếu không thì phạm giới. Đi một mình vào trong mạng có
thể bị sa vào mê cung của net, rất nguy hiểm. Cho nên
mình không cấm lên mạng, nhưng mỗi lần lên mạng là phải có
thân thứ hai đi theo để yểm trợ cho mình.
Ở bên Pháp, bên Mỹ, bên Đức… các thầy, các sư cô mỗi khi đi
chợ, ra bưu điện, hay đi công việc cho chúng, luôn luôn phải
đi hai người. Lên mạng để làm việc gì đó cũng phải đi hai
người. Nó đã trở thành truyền thống và đó chính là sự thực tập
giới. Chúng ta phải nương vào nhau và bảo hộ cho nhau.
Ở Làng Mai, các thầy, các sư cô không ai có địa chỉ E-Mail
riêng. Chỉ có một địa chỉ chung. Muốn gởi thư thì gởi vào đó
rồi in ra đưa lại từng người chứ không có địa chỉ E-mail
riêng. Cái đó giúp ích rất nhiều. Máy tính cá nhân đều được
cúng dường cho đại chúng hết, khi cần để đánh bài hay làm việc
cho chúng thì vào văn phòng làm. Vì vậy các thầy, các sư cô
sống trong đó được bảo hộ rất vững chãi, khó mà sa vào những ổ
nhện của những con yêu râu xanh kia. Những điều này người trẻ
phải học cho được. Ở đây có nhiều người trẻ tham dự khóa tu,
các bạn phải họp nhau lại. Chúng ta có nhiều vấn đề, chúng ta
có nhiều hiểm nguy, người trẻ có thể táng thân mất mạng, có
thể đánh mất cuộc đời mình rất dễ dàng. Vì vậy chúng ta cần
ngồi lại, vạch một con đường căn cứ trên năm giới, căn cứ trên
lý tưởng của đạo Bụt, của tình thương mà xây dựng cho đời sống
cá nhân mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng của mình và
phục vụ cho xã hội lành mạnh và có tình thương.
Năm 1964 tôi có thành lập phong trào thanh niên gọi là Thanh
niên phụng sự xã hội. Trong đó các thầy, các sư cô trẻ và các
phật tử trẻ, được huấn luyện và đi vào thôn xóm để giúp dân,
tổ chức lại đời sống xã hội. Đứng về bốn phương diện, y tế,
kinh tế, giáo dục và tổ chức. Chúng tôi đào luyện các người
trẻ đi vào thôn làng để giúp dân làng tổ chức thiết lập những
trường học chống lại nạn thất học của trẻ em ở miền quê. Chúng
tôi lập ra những bệnh xá rất đơn sơ chăm sóc cho cả người lớn
cũng như trẻ con những thứ bệnh đơn giản. Chúng tôi đứa các
sinh viên y khoa, các bác sĩ trẻ về giúp. Chúng tôi chỉ cho họ
thành lập những hợp tác xã, tổ chức những tiểu công nghệ để
cho họ có thêm ngân sách gia đình của họ và chúng tôi giúp dân
quê giúp đỡ lẫn nhau. Trường thanh niên phụng sự xã hội đã đào
tạo ra hàng ngàn cán bộ như vậy. Trong số các huynh trưởng
cũng đã có những vị từng là tác viên xã hội của trường thanh
niên. Năm nay chúng tôi có dự tính sẽ lập đoàn thanh niên Phật
tử ở Âu châu. Chiều nay có cơ hội chúng ta ngồi lại bàn về đề
tài này. Làm thế nào để xây dựng lại một gia đình phật tử mới
có sinh lực, có phương pháp tu học, có kiến thức đầy đủ, có lý
tuởng của năm giới. Nếu cần chúng ta sẽ thành lập đoàn sinh
viên phật tử, đoàn thanh niên phật tử, lấy năm giới làm sức
mạnh của bản chất, làm lý tưởng của chúng ta. Nếu được như
vậy, đời chúng ta sẽ có hướng đi và chúng ta sẽ giúp đỡ được
rất nhiều người.
Bài
kế :
Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương (4)
|