Kính
thưa chư vị Tôn Đức, kính thưa quí vị phật tử và những người
trẻ, hôm nay ngày 30 tháng 04 năm 2008, chúng ta đang ở chùa
Bằng A và chúng ta khai mạc khóa tu dành cho những người trẻ.
Tôi 83 tuổi nhưng
tôi vẫn còn trẻ lắm.
Chủ đề
của khóa tu là: Gieo hạt từ bi - Giữ gìn đất mẹ. Năm nay
khóa tu được tổ chức trong khuôn khổ Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế, tại
Hà Nội thủ
đô nước Việt Nam, có hàng trăm quốc gia đến tham dự. Chúng ta
nguyện đem công đức tu tập trong khóa tu này để hồi hướng cho
Đại Lễ Phật Đản được thành công. Sẽ có rất nhiều bạn
Phật tử từ khắp nơi trên thế giới đến đây tu tập và cầu nguyện với
chúng ta trong ba ngày Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế.

Khai mạc
khóa tu "Giao hạt từ bi - giữ gìn đất mẹ" (chùa Bằng A -
Hà Nội 30.4 - 3.05.2008) |
Tưới
tẩm hạt giống
Trong
chúng ta đều có hạt giống của tha thứ, chấp nhận, thương yêu.
Chúng ta cần tưới tẩm hạt giống đó để chúng ta có thể tha thứ,
chấp nhận và thương yêu được. Những hạt giống đó có trong mỗi
người chúng ta, nhưng nó có thể bị bít lấp bởi những lớp buồn
phiền, giận hờn, tức tối, tuyệt vọng, thành kiến, hiểu lầm cho
nên những hạt giống đó còn ẩn tàng, chưa phát hiện lên được.
Giống như gieo hạt ngô, hạt đỗ mà chúng ta lấy tấm ny
lon phủ lên trên thì làm sao những hạt đó nẩy mầm lên được?
Hạt
giống thương yêu của chúng ta có đó, nhưng tại vì chúng ta
không biết tưới tẩm, không biết mở lòng ra thành ra những hạt
giống đó chưa đâm chồi, nẩy lộc để kết thành ra hoa trái được.
Hoa trái của hiểu biết, của thương yêu, của chấp nhận.
Chúng ta
làm khổ nhau tại chúng ta không biết tưới tẩm những hạt giống
thương yêu trong con người chúng ta. Người kia cũng vậy, người
kia có thể là vợ ta, chồng ta, cha mẹ ta, con ta hay bạn bè
ta cũng có hạt giống của thương yêu, của tha thứ, của chấp
nhận, nhưng ta có cảm tưởng người đó không biết thương, chưa
bao giờ thương ta hết, người đó chưa có hạt giống thương yêu ở
trong lòng. Đây là một tri giác sai lầm. Người đó có hạt giống
của Phật tính
đó, nhưng vì người đó không may mắn, người đó bị lớp buồn
phiền, lo âu, tức giận, bực dọc, thành kiến, hiểu lầm che lấp
làm cho những hạt giống thương yêu, tha thứ, chấp nhận không
phát hiện lên được. Nếu chúng ta là người biết tưới tẩm, chúng
ta có thể giúp cho người đó có thể tự tưới tẩm hạt giống
thương yêu trong lòng của họ. Nếu khéo léo thì trong nửa giờ,
một giờ chúng ta đã có thể tưới tẩm những hạt giống thương yêu
nơi người đó, để người đó có thể mỉm cười, tha thứ và chấp nhận
được.
Đức Quán
Thế Âm là một người có tài năng như thế, Ngài có khả năng lắng
nghe, có khả năng nói lời ái ngữ và có khả năng tưới tẩm hạt
giống thương yêu, tha thứ nơi mỗi người. Chúng ta ngồi nói cho
Ngài nghe và nghe Ngài nói, tự nhiên những hạt giống của
thương yêu, của tha thứ, của chấp nhận ở trong ta được tưới
tẩm, lòng ta thấy nhẹ đi. Những buồn phiền, những giận hờn,
những tức tối, những bức xúc của chúng ta từ từ tiêu tan.
Thương yêu, tha thứ, từ bi là một năng lượng có thể chuyển hóa
được năng lượng của giận hờn, bực bội, tức tối. Năng lượng của
từ bi, của thương yêu rất là mầu nhiệm. Khi mà chúng ta rót
năng lượng đó vào trái tim ta, tự nhiên những buồn phiền, giận
hờn, bực bội nó tiêu tan. Và khi ta rót chất liệu của từ bi
vào trong trái tim người kia, tự nhiên người kia cũng có thể
chuyển hóa, cũng có thể chấp nhận tha thứ và thương yêu
được. Gieo hạt từ bi và tưới tẩm từ bi là sự thực tập của
chúng ta. Chúng ta biết rằng ở trong mỗi con người đều có hạt
giống của thương yêu, tha thứ và nếu chúng ta biết cách tưới
tẩm, gieo rắc hạt giống đó thì chúng ta sẽ làm cho tình thương
có mặt trong đời sống hàng ngày nơi ta và nơi người kia.
Trong khóa tu này chúng ta sẽ học phương pháp gieo trồng và tưới tẩm
những hạt giống thương yêu. Nếu chúng ta thực tập ba hôm cho
đúng phương pháp thì đã có sự thay đổi trong liên hệ giữa ta
với người kia, trong phạm vi gia đình, học đường và xã hội.
Rất là mầu nhiệm.
Người không có tình thương, không có từ bi là một người cô độc, là
người bị tách rời ra khỏi xã hội, là người đau khổ cực kỳ.
Thường thường những con người đó bị ngọn lửa của giận hờn, của
bực bội thiêu đốt, người đó đang ở trong địa ngục. Vì vậy muốn
cứu người đó ra khỏi địa ngục phải làm cách nào khéo léo để
tưới tẩm những hạt giống của từ bi, của thương yêu có sẵn
trong người đó.
Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy
Đức Thế Tôn, Thầy của chúng ta nói rằng: tất cả chúng sanh người
nào cũng có Phật tính. Phật tính ở đây là khả năng hiểu,
khả năng thương. Thầy mình dạy, mình phải tin vào Thầy mình: mọi người đều có Phật tính, đều có khả năng hiểu biết và
thương yêu. Mình đừng có nghĩ rằng người kia chẳng bao
giờ biết thương yêu. Tại mình chưa biết cách đó thôi, nếu mình
biết cách, mình có thể làm sống dậy khả năng tha thứ và thương
yêu nơi người đó. Nhưng mà trước hết, mình làm cho mình thành
công rồi, mình mới có thể giúp cho người khác. Cái đó gọi là
tự độ, rồi độ tha. Nếu mình chưa tự độ được thì mình làm sao
độ tha đuợc? Cũng như mình không biết bơi, làm sao mình cứu
được người chết đuối? Cho nên mình phải học thương yêu.
Đạo Bụt là đạo dạy cho chúng ta thương yêu như thế nào để đừng
đưa nhau vào chỗ hệ lụy, thù hằn. Thương yêu như thế nào để
hai người cùng được hạnh phúc, cùng được nhẹ nhàng. Thương yêu
là một nghệ thuật và nghệ thuật đó mình phải học mới được. Tôi
có viết một cuốn sách Thương Yêu Theo Phương Pháp Bụt Dạy. Tôi
mong rằng quí vị nào có cơ hội nên tìm đọc cuốn sách ấy. Đó là
những phương pháp mà Đức Thế Tôn đưa ra để chúng ta có thể học
thương yêu và làm hạnh phúc cho mình cũng như cho người.
Thương được làm bằng chất liệu của Hiểu. Nếu muốn có thương yêu phải
có hiểu biết, tại vì không hiểu được thì không thể thương được. Ví
dụ một người bố muốn thương được đứa con thì phải hiểu đuợc
đứa con. Đứa con kia tuy còn trẻ nhưng cũng có những khó khăn,
những bức xúc, những khổ đau của nó. Nếu người bố không hiểu
được những bức xúc, những khó khăn, những khổ đau, những ước
muốn thâm sâu của nó thì làm sao người bố có thể thương con
được? Càng thương thì con nó càng khổ, tại vì mình không hiểu
con. Thành ra bố muốn thương con thì phải hiểu con. Bố có thể
cầm tay con nói: con ơi, con có nghĩ rằng bố hiểu được
con không? Nếu người bố thật lòng thương con thì người bố
phải học: con ơi, bố rất thương con và muốn con được hạnh
phúc nhưng bố chưa hiểu được con vì vậy bố đã ép con làm
những điều con không muốn và bố đã làm khổ con. Bố đâu muốn
làm khổ con đâu, bố chỉ muốn con hạnh phúc thôi, nhưng vì bố
chưa hiểu con cho nên bố có những hành động, những áp lực, có
những quyết định làm cho con đau khổ. Con hãy giúp bố
để bố hiểu được những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc
của con, để bố có thể thương con được.
Nếu người bố nói được câu đó, người bố đó mới đúng là người phật tử, vì
biết xử dụng ái ngữ, biết nói lời dịu dàng, thương yêu. Mình
là con của Bụt, con của Phật, mình phải học ngôn ngữ của
thương yêu, nói được lời ái ngữ (tiếng Anh gọi là Love Speak).
Mình là con, mình cũng thực tập như thế. Có khi bố làm khổ
mình, mẹ làm khổ mình nhưng họ không biết, họ tưởng làm vậy là
thương mình? Mình phải tìm cách nói cho họ biết, nói bằng lời
ái ngữ.
Nhiều khi mình cũng làm cho bố, cho mẹ đau khổ mà mình cũng không
biết, mình cứ nghĩ rằng chỉ có bố mẹ làm cho mình đau khổ
thôi? Nếu mình biết phương pháp thở, phương pháp mỉm cười,
buông thư. Mình nhìn bố, mình thấy rằng trong bố có những bức
xúc, căng thẳng, khổ đau, bực bội
mà bố không biết cách xử lý cho nên bố mới làm khổ bố và bố làm khổ
luôn mình. Thấy được như vậy mình bắt đầu thương bố. Đó gọi là
quán, quán tự tại tức là nhìn cho sâu, nghe cho rõ. Nhìn cho
sâu, nghe cho rõ tự nhiên hiểu được, thương được. Rất là hay.
Nếu thực tập cho giỏi rồi, một ngày nào đó mình có thể tới với bố,
ngồi bên cạnh bố, cầm tay bố mình nói: bố ơi, con biết bố
có nhiều bức xúc, khổ đau, lo
lắng, bực bội trong lòng, nhưng tại vì con chưa hiểu những khổ đau,
khó khăn của bố nên con thường phản ứng lại những cái làm cho bố khổ thêm,
bực mình thêm, chứ con đâu muốn làm cho bố khổ đâu? Tại con chưa
hiểu được những đau khổ, những bức xúc, những phiền não của bố
cho nên con mới dại dột như vậy. Bố hãy giúp con, nói cho nghe
những bức xúc, những khó khăn, những đau khổ của bố cho con
biết, để con không dại dột phản ứng như là con đã làm trong
quá khứ. Mình là người con mà mình biết nói như vậy thì
mình đúng là một phật tử lý tưởng, người con yêu của đức Thế
Tôn, tại vì mình biết sử dụng ái ngữ.
Tôi có những đệ tử rất là trẻ, họ tu tập với tôi chỉ năm sáu ngày mà
họ về hòa giải được với bố, với mẹ. Rất là giỏi. Tôi rất lấy
làm hãnh diện với những người đệ tử như thế. Ở đây có nhiều
người bạn trẻ, tôi tin rằng những người bạn trẻ sau mấy ngày
tu cũng có thể về hòa giải được với bố, với mẹ của mình. Điều đó
không những đem lại hạnh phúc cho mình, cho bố mẹ mà còn đem
lại hạnh phúc cho Thầy nữa.
Mình nhớ lại một điều là: không hiểu thì không thể thương. Vì
vậy cho nên muốn thương thì phải hiểu, mà muốn hiểu thì phải
có thì giờ lắng nghe người kia và nhìn kỹ người kia.
Lắng Nghe Để Hiểu, Nhìn Lại Để Thương. Người chồng
phải biết lắng nghe người vợ, nhìn lại để hiểu, để thương
người vợ. Người vợ cũng phải làm như thế, phải có thì giờ lắng
nghe người chồng và nhìn kỹ để thấy được những bức xúc, những
khó khăn, những khổ đau của chồng và khi thấy được rồi thì
mình mới có thể thương được. Gọi là Lắng Nghe Để Hiểu, Nhìn
Lại Để Thương.
Chúng ta có bố, có mẹ, có em, có con, chúng ta phải thực tập lắng
nghe, phải thực tập nhìn lại để chúng ta có thể tha thứ, có
thể chấp nhận. Chúng ta biết rằng người cha mà không hiểu được
con thì không thể nào làm cho con hạnh phúc được. Người con
cũng vậy, nếu không hiểu được mẹ, không hiểu được những khổ
đau, bức xúc của mẹ thì người con cũng không thể nào thương mẹ
được.
Mình muốn thương nhưng chưa chắc mình thương được? Tại vì mình chưa
hiểu. Chúng ta phải có nhiều thì giờ cho nhau, chúng
ta phải học nói câu đó: mẹ ơi, mẹ có nghĩ là con hiểu được
mẹ không? Chắc chắn là chưa hiểu được nhiều đâu. Mình
tưởng là đã hiểu được nhiều lắm, nhưng thật ra mình còn mù
mờ lắm về người kia.
Khi mình yêu một người nào, mình biết rằng tình yêu đó rất quí
giá, mình không muốn đánh mất tình yêu đó. Nhưng nếu mình
không biết cách, tình yêu ban đầu sẽ thành hận thù sau này.
Mình phải trân quí tình yêu và muốn nuôi
lớn tình yêu đó,
mình
phải thực tập lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương. Có những
cuộc tình ban đầu rất đẹp, người ta nói rằng: không có em
thì anh sẽ chết, đời anh không có nghĩa lý gì hết. Ban đầu
thì nói như vậy nhưng mà ở với nhau vài ba năm thì nói:
nhưng mà sống với cô này suốt đời chắc mình chết. Ban đầu
là tình yêu nhưng sau này nó trở thành ngục tù, mình có muốn ở
tù chung thân đâu? Vì vậy mình phải cẩn thận, tình yêu là một
cái gì mình phải xây dựng, mình phải nuôi dưỡng, nếu không
nuôi dưỡng thì tình yêu sẽ chết, tình yêu sẽ trở thành hận
thù.
Đức Thế Tôn có nói: Cái gì cũng cần phải có thực phẩm,
nếu không có thực phẩm thì cái gì cũng chết. Tình
thương cũng vậy, nếu mình không biết nuôi dưỡng thì tình thương
cũng sẽ chết. Cho nên mình phải có thì giờ tới với người yêu của mình, mình thở
cho khỏe, rồi nhìn vào mắt người yêu mình nói: anh ơi,
anh có thể nghĩ là em hiểu được anh không? Nếu em chưa hiểu
được anh thì nhờ anh giúp để em có thể hiểu được anh. Em biết
rất rõ là nếu em không hiểu anh thì em không thể nào thương
anh được, em sẽ làm cho anh khổ. Nếu nói được lời
đó với tất cả sự tha thiết thì người kia sẽ nói cho mình nghe
những khổ đau, những bức xúc của họ. Khi người kia nói rồi,
mình phải cẩn thận, đừng nên nói gì, làm gì để cho người kia
khổ. Điều này cũng đúng với bố, với mẹ. Mình phải có thì giờ
tìm hiểu những nỗi khổ, niềm đau của bố, của mẹ, ngồi lắng
nghe bố mẹ, khi hiểu rồi thì mình chấp nhận, mình không buồn
giận nữa, mình không bỏ nhà ra đi nữa.
Ở bên Pháp hồi năm ngoái (năm 2007) số thanh niên giận bố mẹ bỏ nhà
ra đi là 47 nghìn đứa. Trong số đó, có gần 10 nghìn đứa đi tìm
một người trên mạng lưới internet, người chưa bao giờ
gặp gỡ. Lấy một số tiền của bố mẹ rồi bỏ nhà ra đi, đi vào
cuộc phiêu lưu rồi đánh mất sự trong trắng của mình, đánh mất
cuộc đời của mình và có đứa chết trong những chuyến đi như
vậy.
Dân số Pháp bây giờ ít hơn dân số Việt Nam. Dân số chúng ta đã lên
tới 82 triệu và rất nhiều người còn rất trẻ. Có
những người trẻ đang bị bức xúc, đang có khó khăn với bố, với
mẹ. Có những người trẻ đã bỏ nhà ra đi, có những người trẻ đã
làm tan vỡ cuộc đời mình vì nghe theo những lời đường mật,
những lời dụ dỗ trong internet và có những người trẻ đã nhảy
xuống sông tự tử.
Chúng ta phải học hỏi những phương pháp mà đức Thế Tôn đã dạy để tháo gỡ
những bế tắc, để đem lại hòa khí trong gia đình, để giúp cho
bố, cho mẹ, để chăm sóc và xử lý các con, đừng để cho nó bị
bức xúc quá. Khi nó bị bức xúc quá, khổ đau quá mà mình không
xử lý được nó có thể đi tìm quên lãng bằng rượu, bằng ma túy,
bằng tình dục và làm tan nát cuộc đời mình. Bao nhiêu người trẻ đã
tàn phá thân tâm của mình trong cuộc đi tìm sự quên lãng. Cho nên nguy
hiểm lắm.
Trong khóa tu này mình sẽ có cơ hội ngồi với nhau, bàn với nhau
những phương pháp mà mình có thể sử dụng để gỡ
rối cho bản thân mình, giúp cho người thân trong gia đình mình
gỡ rối và thiết lập sự truyền thông giữa mình với bố mẹ, giữa
mình với các con của mình. Nếu biết cách thì chỉ
trong vòng bảy ngày, mười ngày chúng ta có thể thay đổi được
tình trạng, đem lại hạnh phúc cho gia đình. Rất là
hay.
Ở bên Tây phương, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều khóa tu như thế
này, một khóa sáu bảy ngày cho thiền sinh Tây phương. Mỗi khóa
có thể có cả ngàn người tới tham dự, ở với nhau luôn sáu ngày
đêm, thực tập rất miên mật và sau khóa tu đó,
nhiều người có thể hòa giải được với những người thân của
mình, tái lập được truyền thông giữa mình với người kia. Mà
trước đó không nhìn nhau được, không nói đuợc với nhau những
lời nhẹ nhàng. Nhưng sau khóa tu năm sáu ngày đã có thể
thương được và nói được những lời ái ngữ. Pháp Bụt rất cao
siêu, rất mầu nhiệm mà chúng ta có thể thực tập được.
Hơi thở có ý thức
Bây giờ chúng ta bắt đầu từ chỗ bắt đầu. Trước hết chúng ta phải học
lấy bớt đi những căng thẳng trong thân và trong tâm. Đó là
bước đầu của sự thực tập. Trong ta, người nào cũng có những căng
thẳng, những đau nhức trong thân và trong tâm. Nếu không biết cách xử lý và buông bỏ,
chúng ta
sẽ càng ngày càng chất chứa thêm nhiều căng thẳng, chúng ta sẽ nói, sẽ làm những điều rất dễ gây đổ vỡ. Cho nên việc đầu
tiên là phải buông thư thân và tâm. Trong kinh Quán Niệm Hơi
Thở, Đức Thế Tôn có dạy mười sáu phương pháp thở để tháo gỡ
những khổ đau ở trong thân và trong tâm. Rất là hay. Ở trong
Nhật Tụng Thiền Môn năm 2010 sẽ có kinh đó. Bài tụng thứ ba
như thế này.
Thở vào
tôi có ý thức về thân thể tôi.
Thở vào, mình chú ý tới sự có mặt của thân thể. Khi chú ý, mình thấy
trong thân thể có những đau nhức, những căng thẳng. Người nào
có quá nhiều sự căng thẳng khi nhìn, mình thấy, giống như trái
bom sắp nổ.
Chúng ta sống trong xã hội mà ít người có thì giờ. Người nào cũng
gấp gáp, cũng bị áp lực, cũng bị căng thẳng, cho nên chúng ta
ít nhiều gì cũng có sự căng thẳng. Tôi là người thực tập
theo Bụt từ lâu rồi, tôi ngồi đây, tôi không có gì căng thẳng
gì hết, tôi rất là thoải mái, tôi không lo lắng, không buồn
phiền, không giận hờn, ở trong thân cũng như trong
tâm. Tôi ngồi rất thoải mái, tôi không gồng mình. Các
bạn, quí vị cũng có thể làm được như vậy. Người ta tạc tượng
cho
Đức Thế Tôn ngồi trên một đóa sen có nghĩa gì? Ngồi trên một đóa sen tức là
ngồi thoải mái, nhẹ nhàng, tươi mát. Còn chúng ta không ngồi
trên đóa sen thì chúng ta ngồi trên cái gì? Trên đống than
hồng. Chúng ta không ngồi yên đuợc, chúng ta bồn chồn, chúng
ta căng thẳng vì thế chúng ta phải tập ngồi yên như Đức Thế
Tôn an tọa. Thầy mình ngồi yên được trên một đóa sen. Tại sao
mình không ngồi yên được? An tọa là ngồi yên, không có thấp
thỏm, không có căng thẳng và nếu mình thực tập những phương
pháp thở mà Đức Thế Tôn trao truyền, mình cũng có thể sẽ làm
được như vậy. Đây là bài tập mà quí vị có thể thực tập từ ngay
giờ phút này.
Thở vào
tôi có ý thức về toàn thân tôi.
Breathing in, I am aware of my own body.
Biết
rằng thân thể mình, hình hài mình đang có mặt và trong đó có
sự đau nhức, sự căng thẳng. Tại vì công việc quá nhiều, học
hành quá nhiều, lo lắng quá nhiều. Thế nào cũng có căng thẳng,
vì vậy:
Thở vào tôi có ý thức toàn thân
Thở ra tôi buông thư toàn thân
Breathing in, I am aware of my own body
Breathing out, I release tension my own body
Tôi
buông bỏ tất cả những căng thẳng trong cơ thể. Buông bỏ như
thế nào? Có sự căng thẳng ở trên vai, có sự căng thẳng các cơ
bắp ở trên mặt.
Trên
mặt mình có khoảng 300 cơ bắp,
mỗi
khi giận,
khi
lo,
khi
căng
thẳng, nhìn vào gương chúng ta thấy rất rõ. Mà nếu chúng ta
thở vào, ý thức đuợc sự căng thẳng đó, thở ra mỉm cười buông
thư thì mặt chúng ta khác liền lập tức, trong hai giây đồng hồ
thôi, không có nhiều. Trên vai quí vị có sự căng thẳng, quí vị
ngồi cho yên rồi buông thư, buông thư, đừng để có sự căng
thẳng trên vai.
Mỉm
cười hay lắm, đó là Yoga mà, Yoga miệng. Ngồi thoải mái, lưng thẳng, không có gồng. Tôi ngồi thẳng nhưng tôi có gồng
đâu?
Rất buông thư. Thành ra quí vị, trước hết phải tập ngồi trên
đóa sen, đừng có ngồi trên đống than hồng. An tọa là ngồi yên,
ngồi yên là một nghệ thuật. Ở trong xã hội chúng ta ít người
được ngồi yên lắm. Các nhà chính trị không biết ngồi yên. Các
nhà kinh doanh lại càng không biết ngồi yên. Vì vậy tất cả
trong chúng ta đều phải học theo Bụt, ngồi yên trước đã.
Thở vào tôi có ý thức về toàn thân tôi.
Thở ra tôi buông thư hết tất cả những căng thẳng trong toàn
thân tôi, tôi mỉm cười.
Bây
giờ chúng ta thực tập chung nhé. Một phút thôi. Nghe tiếng
chuông, chúng ta bắt đầu thực tập :
Thở vào ý thức toàn thân, thở ra mỉm cười và buông thư.
Ngồi
như ngồi chơi vậy thôi, đừng có gồng.
Ý
thức toàn thân, buông thư toàn thân.
Ý
thức toàn thân, buông thư toàn thân, mỉm cười.
Tôi
không có cố gắng gì hết, tôi làm tự nhiên như tôi thở vậy
thôi. Ngồi cũng thế, đi cũng thế, không bị lôi cuốn bởi sự gấp
gáp, luôn luôn là buông thư. Ngồi cũng buông thư mà đi cũng
buông thư. Quí vị cũng có thể tập được.
Các nhà khoa học họ cho biết rằng nếu ta dồn chứa sự căng
thẳng ở trong thân thì chúng ta sẽ bệnh, sẽ ốm. Nhiều chứng
bệnh phát sanh từ những căng thẳng (Stress) và vì vậy chúng ta
phải thực tập buông thư, trong tư thế ngồi hoặc trong tư thế
nằm.
Trưa
nay sư cô Chân Không đã hướng dẫn một giờ buông thư toàn thân
trong tư thế nằm cho một số các vị phật tử ở đây. Có nhiều vị
trong khi thực tập buông thư thấy khỏe quá, ngủ cho đến nghe
chuông mới thức dậy. Chúng ta làm thế nào để sau này khi có
năm mười phút chúng ta cũng có thể thực tập buông thư
được, trên giường, trên ghế đá công viên, trên bãi cỏ, chúng
ta có thể nằm xuống đem sự chú ý vào hơi thở.
Chúng ta thở vào, chúng ta ý thức toàn thân.
Chúng ta thở ra, chúng ta buông thư toàn thân.
Năm
phút đã có sự khác biệt rồi, huống hồ là mười lăm phút. Nếu
mỗi ngày chúng ta thực tập mười lăm phút, chúng ta có thể ngăn
ngừa được chứng căng thẳng. Ở nhà thay vì coi ti vi từ giờ này
sang giờ khác, chúng ta tắt ti vi đi, mời mọi người cùng thực
tập.
Một
người trong gia đình hướng dẫn mọi người buông thư trong mười
phút. Đó mới đúng là gia đình phật tử, một gia đình văn minh.
Trong ngày cứ sau vài ba giờ đồng hồ làm việc, chúng ta có thể
buông thư, trong tư thế ngồi hay trong tư thế nằm cũng được.
Thở vào tôi ý thức về toàn thân tôi.
Thở
ra tôi buông thư toàn thân.
Tôi
buông bỏ những căng thẳng trong toàn thân. Bài tập này là bài
tập thứ ba trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Quí vị nắm cho vững
để những khi có bức xúc, có mệt mỏi hãy đem ra thực tập và quí
vị thực tập chừng năm, mười phút sẽ thấy khác hẳn. Có những
đĩa kinh, đĩa nhạc với lời kinh, lời nhạc nhẹ nhàng, êm dịu
chúng ta có thể vặn lên trong khi chúng ta làm buông thư, rất
là hay.
Nghỉ ngơi buông thư
Có
một bác sĩ tên là Benson, người Mỹ, ông ta nghiên cứu cùng với
một số các bác sĩ và các y tá khác về sự buông thư.
Trong
bệnh viện của họ, họ áp dụng phương pháp thở của Đức Thế Tôn
rất thành công. Họ chú ý rằng mỗi khi mình để tâm vào hơi thở
của mình, đừng suy nghĩ đến chuyện quá khứ, chuyện tương lai,
chuyện công việc,
thở
vào chỉ biết là mình đang thở vào thôi, đừng suy nghĩ chuyện
này chuyện kia và thở ra thì buông thư, tự nhiên cơ thể mình
bắt đầu có khả năng trị liệu được những chứng bệnh trong người
của
mình. Trong mình có sự căng thẳng thì dầu uống thuốc cũng khó,
việc chữa trị sẽ lâu hơn, còn nếu mình có sự buông thư thì
nhiều khi không cần thuốc. Cơ thể có khả năng tự chữa lành
những bệnh tật,
rất
là hay.
Đó
là tiếng nói của khoa học bây giờ.
Chúng ta biết rằng những con thú ở trong rừng làm gì có bác
sĩ, có nhà phẫu thuật đâu. Một con thú trong rừng bị bệnh, bị
thương nặng thì tuệ giác truyền lại từ nhiều thế hệ cha ông
của nó là tìm một chỗ vắng nằm xuống, đừng có lo chạy đi kiếm
mồi, đừng chạy theo con cái, con đực.
Nằm
xuống để cho cơ thể nghỉ ngơi và khi mà cơ thể nghỉ ngơi thì
có thể chữa lành được thương tích. Đó là tuệ giác của loài vật
trong rừng. Nó nằm không nghĩ đến chuyện ăn, chuyện đi, chuyện
chạy theo một con thú khác, tự nhiên ba hoặc bốn ngày nó có
khả năng đứng dậy được, bệnh nó lành.
Từ
ngày xưa con người cũng có tuệ giác đó. Sự nghỉ ngơi, buông
thư có tác dụng trị liệu, làm lành chứng bệnh trong thân và
trong tâm. Nhưng bây giờ chúng ta quên mất tuệ giác đó, chúng
ta chỉ biết đi bác sĩ, mua thuốc uống vào cho thật nhiều,
chúng ta không biết buông thư. Buông thư là phương pháp rất là
hay giúp cho thân của chúng ta tự trị liệu lấy. Thí dụ khi
chúng ta thái rau, cắt trúng vô ngón tay, chúng ta đâu phải
làm gì đâu, chúng ta chỉ cần rửa vết thương cho sạch, mấy giờ
đồng hồ sau tự nhiên vết thương lành. Cơ thể biết cách chữa
trị, tự chữa trị nếu mình cho phép cơ thể làm như vậy. Nếu
mình biết cách cho cơ thể nghỉ ngơi, buông thư cơ thể có thể
chữa trị được nhiều chứng bệnh lắm. Đây là tuệ giác. Bài tập
thứ ba trong kinh Quán Niệm Hơi Thở có tính cách trị liệu, có
công năng trị liệu rất là cao. Mỗi người chúng ta phải thực
tập.
Tôi
nói sơ qua về cách ngồi: khi mình ngồi, mình phải ngồi trên
tòa sen chứ đừng ngồi trên đống than hồng. Lưng mình thẳng
nhưng không có gồng, buông thư. Khi ngồi xuống lập tức để ý
tới hơi thở.
Thở vào thì mình biết là mình đang thở vào
Thở ra thì mình biết là mình đang thở ra
Mình
chỉ chú tâm vào hơi thở thôi, tự nhiên mình quên hết chuyện
quá khứ, chuyện tương lai, quên hết những dự án, những sầu
khổ, những lo lắng của mình. Tập trung tâm ý vào hơi thở vào,
tập trung tâm ý vào hơi thở ra, để ý thân, buông thư toàn
thân, phục hồi sự an lạc ở trong thân. Khi ngồi thiền, đó là
chuyện trước hết mình làm. Nếu không phục hồi được sự an lạc
trong thân thì khó mà phục hồi được sự an lạc trong tâm. Phải
bắt đầu từ thân trước, tu thân trước rồi mới tu tâm sau. Trong
lòng mình có nhiều bức xúc, giận hờn, buồn bã, tuyệt vọng cần
phải được chăm sóc nhưng trước hết mình phải biết chăm sóc cái
thân của mình. Mình sẽ dùng hơi thở và bước chân để chăm sóc
cái thân của mình. Để hết tâm ý vào hơi thở, đừng nghĩ chuyện
gì khác.
Thở vào, tôi đang thở vào, thở vào rất là dễ chịu.
Thở vào, tôi thấy thích thú trong khi thở vào.
Thở
vào đâu phải là cực hình đâu. Thử tưởng tượng, khi bị nghẹt
mũi, mình không thở được, nhưng bây giờ hai lỗ mũi thông,
không khí trong lành, thở vào thật dễ chịu.
Thở vào tôi cảm thấy dễ chịu thích thú trong khi thở vào và có
cảm giác khoan khoái trong khi thở vào. / Thở ra tôi có cảm
giác thích thú trong khi thở ra.
Ngay
chuyện thở vào, thở ra đã có thể đem lại hạnh phúc cho mình
rồi. Ngồi yên để thở vào, thở ra là đủ để có hạnh phúc rồi. Và
mình có thể đi xa hơn, mình biết rằng mẹ hay bố đôi khi chưa
có học được phương pháp này cho nên trong khi ngồi thở mình
nói: bố ơi, bố thở vào với con đi, hai bố con cùng thở vào
nè, hai bố con cùng thở ra nè.
Mình
là người phật tử, mình có cái nhìn sâu hơn người ngoài: bố
mình không phải ở ngoài không đâu, bố mình cũng có ở trong
mình nữa, bố mình có mặt trong từng tế bào cơ thể mình.
Chuyện đó rất khoa học. Bố ở ngoài và bố ở trong, nếu mình
chưa chăm sóc bố ở ngoài được thì mình chăm sóc bố ở trong
trước, dễ hơn.
Thở vào con biết bố đang có mặt trong từng tế bào cơ thể con.
Thở ra con mỉm cười với bố trong từng tế bào cơ thể con.
Một
bài tập rất hay: thở vào, bố ơi con biết bố đang có đó, bố
thở vào với con đi, buồng phổi này cũng là phổi của bố đấy
chứ, đâu là phổi của con không? Hai bố con cùng thở vào, khỏe
quá, nhẹ quá. Thở vào con cảm thấy rất là khỏe, bố có thấy
khỏe như con không? Trong khi hít thở như vậy đã chế tác
được tình thương, rất là hạnh phúc.
Thở ra con thấy nhẹ quá đi, bố có thấy nhẹ như con không?
Đó
là thở bằng tình thương. Còn mẹ nữa, mẹ tất tả ngược xuôi lo
lắng cho chồng cho con suốt cả một đời, chắc mẹ chưa bao giờ
có cơ hội để học ngồi, học thở cho thoải mái, thảnh thơi. Mẹ
ơi, con biết mẹ có mặt trong từng tế bào cơ thể con. Bây giờ
con mời mẹ cùng thở vào với con nè. Hai mẹ con cùng thở vào,
hai mẹ con cùng thở ra.
Hai mẹ con cùng thở vào, cùng thấy hình hài này tuy là của con
nhưng cũng là của mẹ. / Thở ra mẹ con mỉm miệng cười, khi con
cùng mỉm cười thì mẹ cũng mỉm cười như con.
Người nào làm cũng được, quí vị làm một phút, hai phút, quí vị
sẽ thấy rất là hay, rất là khỏe. Trái tim mình đầy ấp thương
yêu.
Thở vào con thấy nhẹ quá, mẹ có thấy nhẹ như con không?
Thở ra con thấy khỏe quá, mẹ có thấy khỏe như con không?
Đó là có hiếu
đấy. Khi mình khỏe nhẹ, mình an lạc, mình thảnh thơi rồi, mình
giúp mẹ ở ngoài rất là dễ. Thành ra mình phải giúp mẹ ở trong
trước rồi mới giúp mẹ ở ngoài sau. Bố cũng vậy, đừng bắt đầu ở
ngoài, mình giúp bố ở trong trước, dễ hơn nhiều và sau khi
thành công rồi mình sẽ giúp bố ở ngoài.
Tôi ở từng tuổi
này rồi, tôi vẫn thực tập với bố tôi, với mẹ tôi, tôi thấy bố
tôi chưa chết, chưa mất đang còn sống trong ở tôi.
Bố ơi, bố thở
với con đi.
Hai bố con cùng thở vào.
Mình thấy sự sống
quá mầu nhiệm. Bố ngày xưa cũng có cố gắng tu nhưng mà chưa có
thành công lắm, tại vì bận rộn quá đi. Bây giờ con được đi
xuất gia, con có nhiều thì giờ để tu, con tu luôn cho bố, bây
giờ con thảnh thơi, bố được thảnh thơi. Mình tu chung mà, mình
đâu phải tu riêng cho cá nhân mình, mình tu cho cả gia đình,
cho giòng họ, cho đất nước của mình. Rất là vui! Sau này nếu
tôi sanh trở lại, tôi đi tu nữa. Tại đi tu hạnh phúc quá đi,
giúp được nhiều người quá đi.
Bố ơi, con
đang thở vào và con đang có hạnh phúc, bố có biết điều đó
không?
Tôi thường nói
chuyện với bố, với mẹ mỗi ngày: bố con mình thành công rồi,
bây giờ con thảnh thơi tức là bố thảnh thơi. Ngày xưa bố cũng
có thực tập tụng kinh, niệm Phật nhưng vì công việc hơi nhiều
thành ra bố không có đi xa được, bây giờ con được đi tu, con
thành công tức là bố thành công. Khi mình có hạnh phúc,
mình phải nói cho người kia biết liền là mình hạnh phúc. Khi
mình thương ai thì mình cảm thấy có hạnh phúc thì mình phải
nói cho người kia biết mình rất hạnh phúc.
Bố ơi, bố biết
là con đang có hạnh phúc không?
Mẹ ơi, mẹ có biết là bây giờ con đang thảnh thơi không?
Bố mình, mẹ mình
đang có ở trong mình, bố mình, mẹ mình sẽ rất là sung sướng
khi mình có thảnh thơi, có hạnh phúc. Ngồi thiền làm cho mình
có hạnh phúc liền, chứ không phải tu năm năm, mười năm mới có
hạnh phúc. Ở đây có nhiều thầy, nhiều sư cô trẻ đó, trong buổi
pháp đàm, quí vị hỏi các thầy, các sư cô thực tập như thế nào
để mình bắt chước. Có nhiều thầy, nhiều sư cô mới xuất gia có
bức xúc, có khó khăn với bố mẹ nhưng tu một hồi, tự nhiên biết
cách tháo gỡ những bế tắc và giúp được cho bố mẹ. Mình cũng có
thể làm được như vậy, tuy rằng mình chỉ có mấy ngày bên nhau
thôi.
Từng bước nở
hoa sen
Bây giờ sang qua
phương pháp đi. Mình ngồi xong thi mình đi. Có thể hôm nay hay
ngày mai mình đi thiền hành với nhau. Thiền hành như như thế
nào để mỗi bước chân nó đem lại an lạc, thảnh thơi, trị liệu.
Mỗi bước chân
là sự sống
Mỗi bước chân là an lạc
Mỗi bước chân là trị liệu
Mỗi bước chân là thảnh thơi
Có nhiều cách đi
thiền, có cách đi chậm và có cách đi mau hơn. Thiền đi chậm là
mỗi bước chân đi theo mỗi hơi thở, thiền đi chậm mình nên thực
tập khi một mình thôi. Thở vào một hơi, mình bước đi một bước
và có thể nói rằng: mỗi bước chân là sự sống, tức là với từng
bước chân mình tiếp xúc với sự sống, sự sống thật. Sự sống có
những mầu nhiệm của nó như trời xanh, mây trắng, trăng vàng,
mây bạc, chim hót, thông reo, hoa nở, những con người sống
chung quanh mình. Đó là những mầu nhiệm của sự sống.
Hai con mắt mình
thật mầu nhiệm, hai con mắt mình mở ra là tiếp xúc với bao
nhiêu mầu sắc. Một thiên đường của mầu sắc đang có mặt chỉ cần
mình mở mắt ra là thấy được. Lỗ tai mình cũng mầu nhiệm, mình
nghe tất cả âm thanh, mình nghe được tiếng nói của người
thương, mình nghe được tiếng hát, mình nghe được tiếng chim,
mình nghe được tiếng suối.
Cuộc sống có rất
nhiều mầu nhiệm mà trong đời sống hàng ngày, mình không tiếp
xúc được những mầu nhiệm đó, mình đánh mất mình trong giận
hờn, buồn tủi. Giận hờn, buồn tủi là những chất độc, nó làm
ung thối đời mình. Trong khi đó tiếp xúc được với sự sống, với
những mầu nhiệm của sự sống thì mình đuợc nuôi dưỡng và được
trị liệu. Mình tiếp xúc được với thiên nhiên, với trăng vàng,
mây bạc, với không khí trong lành, với bình minh. Rất là hay.
Người trẻ bây giờ
bị bức xúc nhiều, bị khổ đau nhiều, muốn thoát ly ra khỏi sự
sống, đi vào trong thế giới ảo của mạng lưới, thế giới đó là
thế giới ảo, trong khi mình bỏ thế giới thực đi mà đi vào thế
giới ảo.
Thế giới thực bao
gồm thân thể mình mà thân thể mình có nhiều cái mầu nhiệm ở
trong đó. Trái tim này mầu nhiệm, buồng phổi này mầu nhiệm, lá
gan này mầu nhiệm, con người của mình là một mầu nhiệm, quả
cam mình cầm trên tay là mầu nhiệm. Cây cam phải để ra ba
tháng, bốn tháng hay năm tháng mới làm ra được một quả cam.
Ban đầu thì có hoa cam, rồi có nắng, có mưa đi ngang qua, rồi
một quả cam xanh nhỏ xíu lớn lên từ từ, nhiều tháng sau mới có
được quả cam mà mình cầm trên tay. Khi mình nhìn quả cam, mình
thấy được sự mầu nhiệm của sự sống và mình bóc quả cam ra, rồi
ăn từng múi với ý thức sáng tỏ, tự nhiên thấy hạnh phúc rất là
lớn. Còn trong khi ăn cam mà đầu của mình đến chuyện công
việc, lo lắng, buồn tủi thì tội nghiệp cho quả cam quá. Quả
cam đó là một trong những mầu nhiệm của sự sống.
Đạo Bụt là giúp
cho mình tỉnh dậy để tiếp xúc với sự sống của mầu nhiệm. Budd
có nghĩa là thức dậy, Buddha là người đã thức dậy rồi. Mình
học theo Bụt là học để thức dậy. Mình đang ở trong một giấc
mơ, mình đi tìm một thế giới ảo để quên đì sự sống mầu nhiệm.
Hơi thở và bước chân đưa mình trở về với giây phút hiện tại để
mình tiếp xúc với mầu nhiệm của sự sống. Khi mình thở vào :
Mỗi bước chân
là sự sống.
Tôi muốn tiếp xúc
với sự sống mầu nhiệm đó chứ tôi không muốn trốn chạy đi tìm
sự quên lãng ở trong rượu, trong ma túy, ở trong internet. Đó
là thức tỉnh, tỉnh thức.
Mỗi bước chân
là sự sống
Bước như thế nào
để khi bàn chân mình tiếp xúc với mặt đất là mình tiếp xúc
được với sự sống mầu nhiệm.
Mỗi bước chân
là sự sống.
Mình trở về với
sự sống với từng bước chân. Mình không có trốn chạy sự sống,
mình trở về với sự sống. Những mầu nhiệm của sự sống sẽ nuôi
dưỡng mình, sẽ chữa trị cho mình. Mình để cho sự sống thấm vào
cơ thể mình, thấm vào tâm hồn mình. Chúng ta biết rằng thiên
nhiên có công năng trị liệu những buồn phiền, những lo lắng,
những bệnh khổ của mình. Thành ra khi thở vào một hơi, bước
một bước. Bước chân này tôi tiếp xúc với sự sống, bước chân
và hơi thở đưa tôi về sự sống mầu nhiệm. Khi mà quí vị thở ra,
quí vị nói rằng :
Mỗi bước chân
là phép lạ
Tiếng anh là
miracle, là thần thông. Mình có một vị Tổ sư thiền rất là giỏi
tên là Lâm Tế, ngài nói mỗi bước chân là thần thông, đi trên
mặt đất là thần thông. Tại vì mình đi như thế nào để tiếp xúc
được với những mầu nhiệm của trái đất thì bước chân trên mặt
đất đã là thần thông rồi, chứ không phải bước chân trên nước,
trên mây mới là thần thông. Người ta tưởng phép lạ là đi trên
mây hay là đi trên mặt nước, nhưng đi trên mặt đất nếu có sự
tỉnh thức, tiếp xúc được với sự sống, đó là thần thông rồi.
Ngài gọi đó là địa hành thần thông, địa hành là đi trên đất,
không cần phải đi trên nước mới là thần thông, đi trên đất là
thần thông rồi.
Quí vị nên biết
một người sắp chết, nằm để chờ chết, dầu có muốn đứng dậy bước
một bước cũng không bước được, bây giờ có bỏ ra 100 triệu đô
la để có thể bước được một bước chân cũng không thể nào bước
được. Mình đang còn sống, hai chân mình đang còn khỏe, mình
muốn bước bao nhiêu bước cũng được, mỗi bước chân đều có thể
tiếp xúc với sự sống, mỗi bước chân là phép lạ mình phải trân
quí. Chớ đến khi bệnh, rồi nằm liệt giường, lúc đó không còn
bước được một bước nào nữa hết cho nên cái ý thức đó, sự tỉnh
thức đó giúp cho mình biết rằng mỗi hơi thở mỗi bước chân là
quý giá vô cùng, sự sống quý giá vô cùng, mình đừng bỏ phí
tuổi trẻ, mình đừng bỏ phí sự sống, đây là đạo tỉnh thức, giúp
cho mình trở về với sự sống và có một đời sống thật là sâu
sắc.
Mỗi bước chân
là sự sống.
Mỗi bước chân là phép lạ.
Vô giá ! Anh
không thể mua được một bước chân. Khi anh không bước được nữa
là hết! Chắc chắn khi mình đang còn sống thì mình biết rằng
mình đang còn sống. Hai chân của mình khỏe, mình đi được, mình
nhảy được, mình chạy được những bước như thế, đó là phép lạ.
Mỗi bước chân
là sự sống.
Mỗi bước chân là phép lạ.
Đi được như vậy
là mình đi như một con người tự do. Tự do là gì? Tự do
nghĩa là không bị những phiền não, những lo lắng áp đảo mình.
Cho nên gọi là tự do, gọi là giải thoát. Tự do đây không phải
là tự do chính trị mà tự do đối với phiền não, với những tham
đắm, những đam mê, những giận hờn, những thù hận,
những cái đó
không ảnh hưởng được mình, vì vậy cho nên mình tự do. Mình bước
đi với tư cách là con người có tự do, tiếp xúc với sự sống,
tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, không cần tiền bạc,
không cần danh vọng, không cần bằng cấp nhiều, chỉ cần có tự
do thôi là mỗi bước chân, mỗi hơi thở có thể đem lại hạnh phúc
rất là nhiều. Quí vị có tin không? Đang có những người sống
được như thế. Hạnh phúc không cần phải quyền lực, tiền bạc,
danh vọng mà chỉ cần tỉnh thức. Thở một hơi có tỉnh thức, bước
một bước có tỉnh thức là có hạnh phúc.
Mỗi bước chân
là sự sống.
Mỗi bước chân là phép lạ.
Mình đừng tuyên
bố suông. Bước chân phải tiếp xúc được với sự sống, nếu chưa
tiếp xúc được với sự sống thì đừng bước thêm nữa, cứ để chân
đứng yên đó đến khi nào tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm,
mới mỉm cười (đắc thắng), rồi mình bước bước thứ hai. Mình
phải thách đố mình, mình không có tu khơi khơi, mình phải làm
cho được. Trong khi mình bước bước chân như vậy, mình phải đầu
tư một trăm phần trăm thân và tâm mình vào bước chân mới có
thể tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm.
Mỗi bước chân
là sự sống.
Bước bước chân
nào mình phải thành công bước chân đó, nếu không mình không
bước nũa, mình cứ để chân như vậy cho đến khi nào mình tiếp
xúc được với sự sống, mình mới mỉm cười (nụ cười thắng lợi),
rồi mình bước bước khác. Vì vậy cho nên nếu đi thiền hành
chậm, mình nên đi một mình để không có người nào thúc mình
phải đi tới.
Mỗi bước chân
là sự sống
(quí vị nhớ chưa?)
Mỗi
bước chân là phép lạ
Câu thứ ba là :
Mỗi bước chân
là trị liệu
Trong người của
mình có chút bệnh khổ. Bị stress, bị căng thẳng là mình bệnh
rồi. Nếu mình có trầm cảm, nếu mình có những chứng bệnh lâu
nay chưa lành là do lo lắng, do sầu khổ, do sự căng thẳng. Bây
giờ mình đi cho thảnh thơi, mình đi mà không bị quá khứ và
tương lai áp đảo. Mình đi làm sao để mình an trú trong giờ
phút hiện tại, tiếp xúc được với sự sống, tiếp xúc được với
phép lạ của sự sống tự nhiên những bước chân đó có công năng
trị liệu, chữa lành được những thương tích trong người của
mình. Người ta cứ nghĩ có thuốc mới chữa được tuyệt bệnh của
mình nhưng chính hơi thở và bước chân có công năng trị liệu
rất là lớn.
Mỗi bưóc chân
là sự sống.
Mỗi bước chân là phép lạ.
Mỗi bước chân là trị liệu.
Mỗi bước chân là thảnh thơi.
Thảnh thơi tức là
giải thoát. Hạnh phúc không bao giờ có được nếu mình không có
sự thảnh thơi. Một người không có thảnh thơi là một người
không có hạnh phúc. Thảnh thơi ở đây là không lo lắng, không
buồn phiền, không giận dữ. Dầu mình ăn một bát cơm với rau
luộc nếu có thảnh thơi thì rất là hạnh phúc, còn nếu mình
không có thảnh thơi, lo lắng, buồn phiền thì ăn bát vàng cũng
không có hạnh phúc. Quí vị biết điều đó, cho nên khi đi thiền
hành, quí vị thực tập bốn cái.
Mỗi bước chân
là sự sống.
Mỗi bước chân là phép lạ
(vô giá).
Mỗi
bước chân là trị liệu.
Mỗi bước chân là thảnh thơi.
Đó là khi đi một mình. Khi đi đông, mình đi chậm quá thì bị
kẹt đường, thành phải đi mau hơn, phải đi hai bước hoặc ba
bước.
Mỗi bước chân là sự sống.
Khi thở vào đi
hai bước, thở ra: là sự sống. Đi thành công rồi chuyển câu thứ
hai :
Mỗi bước chân
là phép lạ.
Thấy rõ ràng là
mình đang thực hiện phép thần thông. Khi thành công mình sang
câu thứ ba :
Mỗi bước chân
là trị liệu.
Cảm thấy trong
người mình đang được trị liệu, đang từ từ thảnh thơi, khỏe ra.
Sự trị liệu xẩy ra trên từng bước chân, mình biết được, mình
cảm thấy được, đi như thế sẽ hết bệnh.
Quí vị hãy tin
vào Đức Thế Tôn, nhiều người đã làm và nhiều người đã thành
công.
Mỗi bước chân
là trị liệu.
Mỗi bước chân là thảnh thơi.
Câu cuối cùng rất
hạnh phúc.
Hôm nay tôi trao
truyền cho quí vị chỉ hai cách thôi đấy. Xin tiếp nhận cho
đàng hoàng :
- Một là ngồi :
ngồi như thế nào để buông thư thoải mái. Thở cho cha, thở cho
mẹ, thở cho người yêu.
- Hai là đi : đi
những bước chân như thế nào để cho mình trở thành con người tự
do.
Là
học trò Đức Thế Tôn, mình phải tập ngồi như Đức Thế Tôn trên
hoa sen, mình phải đi như Đức Thế Tôn, có thoải mái, có thảnh
thơi, đi như một con người tự do.
Ngày mai tôi sẽ
nói một bài pháp thoại khác : làm thế nào xử lý những khổ đau,
những bức xúc, những giận hờn, những tuyệt vọng ở trong con
người của mình. Chúc quí vị có một khóa tu hạnh phúc, có cơ
hội để nghỉ ngơi, buông thư, có cơ hội để nhìn kỹ, lắng nghe
để thiết lập lại sự truyền thông với gia đình, học đường, xã
hội.
Sư cô Chân Không
nhắn là : nếu mình không ở lại đây, mình về nhà thì từ đây về
nhà mình nên áp dụng liền phương pháp đi và phương pháp thở.
Thay vì về ngồi xem ti vi thì tắt ti vi để tập buông thư, thực
tập ngồi thiền như là mình đang ở trong khóa tu vậy, mình đem
khóa tu về nhà. Nói với bố rằng: Bố ơi, con đang ở trong
khóa tu đấy nhé, đừng có mở ti vi để cho con thở, con ngồi
thiền.
Chúng ta sẽ gặp
nhau ngày mai. Bây giờ chúng ta tháo chân ra xoa bóp và mỉm
cười với hai chân: tội nghiệp hai chân quá đi.
Bài kế >>
|