Thở vào
tôi có ý thức về trái tim tôi. Tôi biết trái tim tôi đang có
mặt.
Thở ra tôi mỉm cười thân thiện với trái tim của tôi.
Trái
tim của tôi làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ. Nó bơm máu để
nuôi tế bào trong cơ thể. Nhiều khi tôi không dễ thương với
trái tim của tôi. Tôi hút thuốc, tôi uống rượu, tôi thức khuya
làm cho trái tim tôi rất đau khổ. Giờ đây tôi biết trái tim
tôi đang có mặt, tôi mỉm cười với trái tim tôi. Tôi hứa sẽ
sống như thế nào để đừng làm khổ trái tim chính tôi.

Với Tăng
thân trong khóa tu Gieo hạt từ bi, giữ gìn đất mẹ
|
Kính
thưa chư vị tôn đức,
Kính thưa các đạo hữu và các cháu.
Hôm nay
là ngày 1 tháng 5 năm 2008. Chúng ta đang ở tại chùa Bằng
trong khóa tu với chủ đề „Gieo hạt từ bi - Giữ gìn đất Mẹ“.
Hôm nay là ngày thứ hai của khóa tu.
Tưới
tẩm hạt giống thương yêu.
Hôm qua
chúng ta đã biết những hạt giống thương yêu có mặt trong từng
chúng ta. Cố nhiên chúng ta có hạt giống thương yêu, tha thứ
và chấp nhận. Nhưng chúng ta cũng có hạt giống của sự giận
hờn, buồn tủi. Mỗi khi hạt giống giận hờn, buồn tủi được tưới
tẩm thì chúng ta khổ đau, và chúng ta làm khổ đau những người
khác. Mỗi khi hạt giống thương yêu, hiểu biết được tưới tẩm
thì chúng ta thấy khỏe trong người. Chúng ta không làm khổ
chính mình và chúng ta không làm khổ người kia. Cho nên khi
thương yêu chúng ta phải biết đừng tưới tẩm hạt giống khổ đau
trong ta và đừng tưới tẩm hạt giống khổ đau nơi người khác.
Nếu người kia thương yêu ta thực sự, thì người kia cũng phải
làm như thế, nghĩa là đừng tưới tẩm những hạt giống khổ đau
của mình và đừng tưới tẩm hạt giống khổ đau nơi người khác.
Chúng
ta phải ký một hiệp ước thương yêu với người kia. Hai người,
người đó có thể là vị hôn thê, vị hôn phu của mình, chồng hay
vợ mình, cha mình hay mẹ mình và sự liên hệ giữa mình với
người đó muốn có sự tốt đẹp, muốn có sự hài hòa nên mình ký
với người đó một hiệp ước thương yêu. Mình có thể ký với người
yêu của mình, mình có thể ký với bố mình, mẹ mình, một hiệp
ước thương yêu. Này anh, anh biết trong em có những hạt
giống của thương yêu nhưng cũng có những hạt giống của
hờn tủi, của ganh tị. Nếu anh thực sự thương em thì xin anh
đừng tưới tẩm những hạt giống ganh tị, hờn tủi, buồn giận nơi
em. Nếu anh tưới thì em sẽ khổ đau và em sẽ làm cho anh khổ
đau, tại vì trong em có hạt giống của thương yêu tha thứ nhưng
cũng có những hạt giống của ganh tị, của ghen tuôn của hờn
tủi, của bực tức. Vì vậy thương em thì đừng tưới những hạt
giống xấu, mà chỉ tìm cách tưới những hạt giống tốt nơi em mà
thôi.
Đó là
mình yêu cầu người kia và mình tự hứa với người kia, em cũng
sẽ thực tập như vậy. Em sẽ không tự tưới tẩm những hạt giống
khổ đau nơi em mà em sẽ tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc và
em hứa từ nay về sau sẽ không tưới tẩm những hạt giống tiêu
cực, khổ đau, bực dọc, giận hờn, ganh tị nơi anh và mỗi ngày
em sẽ tìm cách tưới tẩm những hạt giống thương yêu, tha thứ,
chấp nhận nơi anh.
Khi hai
người thương nhau, yêu nhau, mình có thể ký với nhau một hợp
đồng như vậy gọi là hợp đồng thương yêu. Ở đạo tràng
Mai thôn bên Pháp, chúng tôi có hợp đồng đó bằng tiếng Anh,
tiếng Pháp, tiếng Đức và những thiền sinh tới tu tập thường
thường cuối mỗi khóa tu họ ký với nhau hợp đồng thương yêu đó
rồi đem về nhà thực tập.
Hợp
đồng đó mình có thể ký với người bạn hôn phối của mình, mình
có thể ký với người yêu, vị hôn thê, vị hôn phu của mình, mình
có thể ký với bố mình, mẹ mình và ký trước mặt sự chứng minh
của Tam bảo, của Bụt, của Pháp và của Tăng, tiếng Anh gọi là
peace treating hay là love treating, điều này
mình có thể làm được. Tại vì mình biết rằng trong chúng ta có
những hạt giống của hờn giận, của buồn phiền, tức tối, ganh
tị. Mỗi khi ai nói điều gì hay làm điều gì động tới hạt giống
đó thì mình đau khổ. Khi mình đau khổ, có thể mình sẽ không
kiềm chế được, mình sẽ nói, sẽ làm những điều làm cho mình đau
khổ và làm cho người kia đau khổ. Mình đâu muốn cho người kia
đau khổ đâu, nhưng vì mình đau khổ quá, nên không tự kiềm chế
được và mình sẽ nói, sẽ làm những điều gây đổ vỡ nơi người kia
và cả trong trái tim mình.
Đức
Phật là một nhà tâm học, một nhà tâm lý học đại tài. Ngài là
giáo sư dạy thương yêu rất tuyệt vời. Tôi có viết cuốn sách
nhan đề „Bụt dạy thương yêu“ trong đó nói thương yêu
nhưng làm sao đừng dìu nhau vào khổ đau, hệ lụy. Thương yêu
như thế nào để hai bên có hạnh phúc, có thảnh thơi. Xin giới
thiệu cuốn sách đó với các bạn thiền sinh ở đây. Bụt dạy
thương yêu. Trong tâm lý học Phật giáo có danh từ hạt
giống tiếng Hán Việt là chủng tử, tiếng Phạn là Bĩja.Chúng
ta có hạt giống của thương yêu, tha thứ, của hiểu biết, hy
sinh. Nhưng chúng ta cũng có hạt giống của sự giận hờn, buồn
tủi, bực tức, ganh tị. Chúng ta có đủ các thứ hạt giống. Chúng
ta có hạt giống của Bụt, nhưng chúng ta có hạt giống của ma.
Người kia cũng vậy. Người mà ta thương yêu cũng có đủ loại hạt
giống trong tâm thức của họ, gọi là tàng thức. Cuộc đời của
mình có hạnh phúc hay không là do những hạt giống tốt có được
tưới tẩm hàng ngày hay không. Cuộc đời của mình khổ đau nhiều
hay ít là do hạt giống xấu của mình có bị tưới tẩm hằng ngày
hay không. Cho nên thương yêu là phải học phương pháp tưới tẩm
hạt giống tốt mà đừng bao giờ tưới tẩm hạt giống xấu nơi mình
và nơi người kia.
Chúng
ta hãy tưởng tượng một cặp vợ chồng mới cưới. Họ có nhiều hy
vọng, họ có nhiều ước mơ nhưng họ chưa biết thương yêu và có
thể họ gây ra lầm lỡ và gây thương tích cho nhau. Ví dụ như
người vợ bắt đầu có mang em bé được hai ba tháng và hai vợ
chồng đều còn trẻ, Lần đầu tiên hai vợ chồng cãi nhau, làm khổ
nhau. Lần đầu tiên đay nghiến nhau. Tuy rằng em bé chưa sinh,
mới ba tháng trong bụng mẹ nhưng em bé đã tiếp nhận những hạt
giống khổ đau từ bố và mẹ rồi. Khi bố nói một câu đay nghiến
chua chát với mẹ, thì câu nói đó đi vào trong con người của mẹ
và nó sẽ đi tiếp vào bào thai. Tuy em bé chưa tượng hình đầy
đủ, chưa được sinh ra nhưng em bé đã tiếp nhận hạt giống khổ
đau từ bố mẹ. Cho nên khi mình là một người chồng có tu và
biết vợ mình có thai rồi thì mình phải cẩn thận lắm. Tất cả
những gì mình làm, mình nói nó sẽ ảnh hưởng trên đứa con của
mình sau này. Mình phải săn sóc, mình phải che chở, mình phải
nhẹ nhàng đối với người vợ của mình, bởi người vợ đang mang
đứa con trong bụng. Mình không nói những câu nặng, những câu
chua chát, giận hờn vì đó là thực phẩm mình sẽ trao cho con
của mình. Điều này rất là quan trọng.
Tôi có
một đứa cháu gái, khi bắt đầu có mang em bé đầu tiên thì nó
thực tập tụng kinh Pháp Hoa mỗi ngày để em bé nghe kinh. Hai
vợ chồng thực tập rất đàng hoàng. Mỗi ngày chỉ nói với nhau
những lời yêu thương thôi, không bao giờ trách móc nhau. Tại
vì tất cả những gì mình nói với nhau, mình làm cho nhau đều có
ảnh hưởng lên em bé. Khi em bé sinh ra mới ba tháng còn nằm
trong nôi, tuy nó chưa hiểu được tiếng - mới ba tháng làm sao
hiểu bố nói gì, mẹ nói gì - nhưng nếu bố mẹ làm khổ nhau thì
không khí trong nhà căng thẳng và em bé cảm nhận được sự căng
thẳng đó. Tuy là chưa biết gì, nhưng cách bố nói, giọng của
bố, giọng của mẹ làm khổ nhau vang vọng trong không gian và nó
đi vào em bé cho nên em bé tiếp tục tiếp nhận hạt giống khổ
đau. Người ta nhận thấy có những em bé, khi mở phòng đi vào
phòng em bé thì tự nhiên nó cứng lại, vì nó sợ, nó không biết
cái gì sẽ xảy ra. Khi hoàn cảnh nặng nề, ngột ngạt, do bố mẹ
gây ra thì nó cảm thấy sự ngột ngạt đó và nó gồng mình lại.
Tội nghiệp cho em bé, mới có ba tháng thôi. Mình phải cẩn thận
lắm mới được.
Nếu quý
vị là những thanh niên, thiếu nữ nghĩ tới chuyện hôn nhân, lập
gia đình, thì quý vị phải học điều đó. Trong quan hệ phải dành
thì giờ nói chuyện, tìm hiểu nhau, đừng để mất hết thì giờ vào
chuyện giải trí, ti-vi, trò chơi điện tử… phải có thì giờ ngồi
với nhau để tìm hiểu nhau. Người kia có thể trong thời thơ ấu
đã tiếp nhận những hạt giống khổ đau. Nếu mình không biết mà
cứ nói, cứ làm để tưới tẩm hạt giống đó thì người kia sẽ đau
khổ và sẽ làm cho mình đau khổ. Mình phải biết người đó trong
thời thơ ấu đã sống như thế nào? Có những người cha, người mẹ
không ý thức, nói với con những câu có thể gây thương tích cho
đứa con. Chẳng hạn nói mày không được tích sự gì hết, mày
không phải là con tao… những câu nói đó như những
gáo nước lạnh tưới vào trái tim em bé và tuy em bé mới năm sáu
tuổi, nhưng em bé đã tiếp nhận những hạt giống khổ đau của mặc
cảm. Mình làm cha, làm mẹ, mình phải cẩn thận. Mình phải biết
rằng con mình sau này hạnh phúc hay khổ đau là do bây giờ mình
có gieo trồng những hạt giống sợ hãi, mặc cảm, buồn phiền nơi
con mình hay không.
Bên Âu
châu chúng tôi có thành lập Viện Đại học Phật giáo, gọi là
Viện Phật giáo ứng dụng , Viện Phật học ứng dụng châu Âu.
Trong đó có một lớp học hai mươi mốt ngày dành cho những người
thanh niên và thiếu nữ sắp lập gia đình. Khi ghi tên học khóa
đó là họ muốn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được thành tựu
và không gây những khổ đau. Trong khóa đó mình học nhận diện
những hạt giống trong con người của mình và nhận diện những
hạt giống ở trong người kia - những hạt giống tiêu cực và tích
cực. Khi nhận diện được rồi mình mới biết cách tưới tẩm. Mình
nguyện chỉ tưới tẩm những hạt giống tích cực thôi. Những hạt
giống của tài năng, của hiểu biết, của thương yêu, tha thứ.
Mình không bao giờ tưới tẩm hạt giống của hờn giận buồn phiền,
ganh tị nơi người đó, tại vì mình biết nếu tưới tẩm người đó
sẽ khổ và người đó sẽ làm cho mình khổ. Tưới tẩm hạt giống là
một phép tu rất mầu nhiệm mà nó có kết quả rất mau. Nếu anh
thấy người kia có những hạt giống của tài năng, của hạnh phúc,
niềm tin, anh chỉ cần nói vài câu thì tự nhiên người kia tươi
lên liền lập tức. Pháp môn đó gọi là tưới hoa, mình
tưới hoa chứ đừng tưới rác. Trong mỗi người chúng ta, ai cũng
có hoa và có rác hết. Rác là phiền não, tham sân, si, mạn
nghi, tà kiến. Hoa là từ, bi, hỷ, xả, tha thứ, thương yêu.
Hôm đó
là ngày Phật đản bên Pháp. Phật tử từ nhiều thành phố khác
nhau tới làng Mai. Trong khi thuyết pháp về đề tài tưới tẩm
hạt giống thương yêu, tôi thấy trong thính chúng có một thiếu
phụ vừa nghe pháp vừa khóc, lấy khăn tay lau nước mắt suốt
thời gian nghe pháp thoại. Hai vợ chồng đó từ thành phố
Bordeaux tới, thành phố của rượu vang. Sau buổi thuyết pháp
tôi tìm gặp người chồng và chỉ nói với ông ta một câu: cái
hoa của anh nó hơi héo, anh phải tưới. Chỉ nói một câu
thôi nhưng anh ta giật mình, anh ta tỉnh thức. Sau buổi lễ, ăn
cơm xong, hai vợ chồng lái xe về Bordeaux. Trong khi lái xe,
anh thực tập tưới tẩm hạt giống hạnh phúc của người vợ. Đường
từ làng Mai về Bordeaux chỉ có một giờ mười lăm phút, nhưng
anh ta thực tập rất hay. Về đến nhà chị vợ tươi như một bông
hoa, mấy đứa con rất ngạc nhiên.
Người
kia có hạt giống của hạnh phúc, của tình thương, của hiểu
biết. Nếu mình nhận diện được những hạt giống đó mà mình tưới
thì chỉ cần nửa giờ, một giờ là người kia tươi như bông hoa
ngay. Xin các bạn học phương pháp này. Bố mình cũng có hạt
giống của hạnh phúc của thương yêu, mẹ mình cũng có hạt giống
của tài năng và khi mình nói một lời khen ngợi, nói một lời
biết ơn, mình tưới tẩm hạt giống đó thì trong vòng năm bảy
phút là mình thấy sự đổi khác liền, có hiệu quả liền lập tức.
Đó là một trong những phương pháp đức Thế Tôn đã dạy mình:
Tưới tẩm những hạt giống tốt.
Đề tài
khóa tu của chúng ta là gieo hạt từ bi. Nhưng gieo hạt
xong thì phải tưới, chứ gieo hạt xong để đất khô thì làm sao
hạt nảy mầm được. Gieo hạt thương yêu, gieo hạt từ bi, gieo
hạt hiểu biết và mỗi ngày đều tưới tẩm hết. Nếu chúng ta biết
thực tập như vậy thì chúng ta có thể nuôi tình thương, nuôi
tình yêu đó và tình yêu sẽ không bao giờ chết, tình yêu sẽ
không bao giờ trở thành hận thù. Nếu không biết tu thì tình
yêu lúc ban đầu quý như vậy, đẹp như vậy nhưng vì dại dột nên
có thể một hai năm sau, tình yêu đó có thể chết và trở thành
hận thù.
muốn
thương thì phải hiểu
Hôm qua
chúng ta đã học được một điều quan trọng. Đức Thế Tôn đã dạy
muốn thương thì phải hiểu. Nếu không hiểu được người kia thì
không thể nào thương người kia được và làm cho người kia có
hạnh phúc. Mà hiểu, trước hết là hiểu cái khó khăn, cái khổ
đau của người đó. Có thể người đó từ hồi còn ấu thơ đã tiếp
nhận những hạt giống của khổ đau rồi, cho nên mình cần có thì
giờ ngồi, thăm hỏi người đó để biết trong thời thơ ấu người đó
có những khổ đau gì. Mình lắng tai nghe, mình tìm hiểu người
đó. Khi hiểu rồi thì mình biết mình sẽ cần nói gì và không nên
nói gì, mình cần làm gì và không nên làm gì cho người kia khỏi
khổ. Đó là nguyên tắc của sự thực tập.
Có
những người trẻ hờn oán bố của họ, mẹ của họ. Họ thấy bố mẹ họ
hình như không thương yêu họ. Sự thực là bố nào mà không
thương con, mẹ nào mà không thương con nhưng vì chưa hiểu được
con, chưa hiểu được những khó khăn bức xúc khổ đau của con cho
nên chưa biết cách thương chứ không phải không thương. Cha mẹ
áp đặt lên con những ý tưởng của mình và bắt con phải làm
những điều mà mình tưởng là tốt cho con. Nhưng càng thương thì
càng làm cho con khổ thêm vì bố chưa hiểu con. Vì vậy mình
phải tìm cách giúp bố hiểu mình. Mà muốn bố hiểu mình thì
trước hết mình phải hiểu bố, mình phải biết lắng nghe bố.
Bố ơi con biết trong bố có những bức xúc, những khổ đau, những
khó khăn mà con chưa thấy được vì vậy cho nên có khi con đã
phản ứng lại, có khi con đã thách thức bố, con rất là dại dột.
Con làm cho bố đã khổ rồi lại khổ thêm về con, con rất hối
hận. Nói được câu đó là hay lắm. Đó là lời nói thương yêu,
gọi là ái ngữ, loving speak. Bố ơi, con không muốn làm bố
khổ đâu, con muốn làm cho bố có hạnh phúc nhưng nếu con không
hiểu được những khổ đau khó khăn của bố làm sao con có thể
thương bố. Bố nói cho con nghe đi, cái gì là những khó khăn
của bố, những bức xúc của bố. Mình để thì giờ ra nghe bố,
hay là mình để thì giờ ra để nghe mẹ và nếu mình thật sự muốn
nghe, muốn hiểu thì bố sẽ nói cho mình, mẹ sẽ nói cho mình.
Tại vì mình chưa bao giờ có thì giờ để làm chuyện đó hết.
Nguyên tắc mà Bụt dạy là muốn thương thì phải hiểu, muốn hiểu
thì phải lắng nghe, phải nhìn cho kỹ. Khi mình trở thành người
tri kỷ của bố, mình hiểu được bố, mình sẽ nói, tội nghiệp
bố quá, vậy mà lâu nay con dại dột, con thách thức bố. Nếu
mình trở thành người tri kỷ của bố thì bố sẽ lắng nghe mình.
Bố sẽ lắng nghe những khó khăn, những khổ đau những ước vọng
của mình thì bố sẽ không áp đặt những ý của bố ép mình làm
những điều mà bố muốn mình làm. Nó có qua có lại. Nếu mình
hiểu được bố, thương được bố thì bố sẽ có thể lắng nghe mình
và tình trạng khó khăn lâu nay chỉ cần vài ngày thôi là chấm
dứt được. Pháp môn của đức Thế Tôn rất là mầu nhiệm: pháp
môn lắng nghe, pháp môn ái ngữ. Ái ngữ là nói những lời có
tình, có nghĩa.
Tôi xin
kể một chuyện thật về việc tưới tẩm hạt giống tốt. Có một cặp
vợ chồng sống tại Paris. Người chồng có địa vị lớn trong xã
hội, làm chủ một công ty. Người vợ cũng là dân trí thức, có
bằng tiến sĩ nhưng hai vợ chồng không hạnh phúc. Tiền bạc họ
không thiếu, nhà cửa to đẹp, lương tiền khá nhưng không có
hạnh phúc. Vì vậy ông chồng không tìm thấy sự thoải mái khi về
nhà và ông tìm cách ít về nhà càng nhiều càng tốt chừng đó,
tại vì về nhà đâu có hạnh phúc gí, hai vợ chồng nhìn nhau
không có được và không có khả năng nói những lời thương yêu
với nhau. Tuy tiền bạc không có thiếu, những tiện nghi của đời
sống vật chất không thiếu. Hôm đó ông điện thoại về và nói,
tối nay anh không về ăn cơm đâu nhe, anh phải đi New York tại
vì có buổi họp bên đó. Bà vợ đã quen với chuyện đó, dù
ông chồng có về nhà cũng không hạnh phúc gì mấy. Bà đi tìm
hạnh phúc bằng cách đọc sách hoặc đi họp với những bà bạn
khác, hoặc là coi ti-vi hoặc làm việc xã hội để mà bớt sự
trống trãi trong lòng. Biết bao nhiêu gia đình như vậy, không
có hạnh phúc. Ban đầu thì chỉ cần nhìn nhau cũng đủ no, ban
đầu thì nói với nhau những lời rất ngọt ngào. Nếu vắng em
thì đời chẳng còn nghĩa lý gì hết, nói những câu ngọt ngào
như vậy nhưng bây giờ đây thì không nhìn nhau được và không
nói với nhau được những lời như thế.
Có một
nhà văn Pháp tên là Antoine Saint Exupéry tác giả cuốn Le
Petit Prince, Hoàng tử bé có viết một câu như sau: Yêu
nhau không phải ngồi đó mà nhìn nhau mà cùng nhìn về một
hướng. Một câu rất hay, nếu hai người cùng chung một lý
tưởng thì hạnh phúc lớn. Ý của nó như vậy. Bây giờ có nhiều
cặp vợ chồng họ nhìn nhau không được, họ cùng nhìn về một
hướng ti vi cho đỡ khổ. Hướng này là hướng ti vi chứ không lý
tưởng gì hết. Hai vợ chồng ăn cơm xong, lên phòng khách mở ti
vi ra ngồi ở đó cho hết thì giờ rồi đi ngủ, không nhìn nhau
được, tại vì nhìn nhau không có hạnh phúc nữa.
Cặp vợ
chồng này cũng thế, nhìn nhau không hạnh phúc nữa thành ông đi
tìm hạnh phúc riêng của ông và bà đi tìm hạnh phúc riêng của
bà. Họ chưa phạm giới tà dâm, chưa có những liên hệ bất chính
với một người đàn bà hay đàn ông khác nhưng họ không có hạnh
phúc. Họ đi tìm sự khuây khỏa trong một hướng khác. Ông tìm
khuây khỏa trong công việc. Khi ông gọi điện thoại về nói anh
không thể về được, anh phải đi New York để đi công việc thì bà
ta cũng dửng dưng thôi. Ông về cũng không có hạnh phúc gì.
Chiều
hôm đó bà ta muốn thay áo để đi chơi. Mở tủ áo ra, trong tủ có
biết bao nhiêu là áo đẹp mà lâu nay không mặc. Mở tủ áo ra bà
thấy có một cái hộp trong đó bà cất chứa những lá thư tình mà
ông đã viết cho bà từ hồi hai người chưa cưới. Ngày xưa ở Việt
Nam có hộp bánh gọi là bánh LU bằng thiếc rất đẹp. Các
cô thường hay dùng hộp đó để giữ những lá thư tình mà người
con trai đã viết cho mình. Gần mười năm nay bà đâu đụng tới
những lá thư đó. Hôm nay thấy nó tự nhiên bà có cảm giác xao
xuyến trong lòng. Bà nhớ lại thời quá khứ khi mà ông như vị
hoàng tử, chìu chuộng bà rất nhiều và nói những lời rất ngọt.
Tò mò bà mở hộp bánh LU ra. Bà đọc một lá thư của hơn
bốn mươi lá thư mà bà đã cất giữ. Những lời ngọt ngào, thương
yêu của lá thư tình cũ tưới tẩm hạt giống kỷ niệm hạnh phúc
ngày xưa. Bà cảm thấy dễ chịu như trong nắng hạn gặp cơn mưa
rào. Bà thấy dễ chịu nên đứng đọc tiếp. Đọc xong, bà thấy
khỏe. Bà lấy thêm lá thư thứ hai để đọc, càng đọc càng thấy
khỏe. Đây không phải là bà tu nhưng vì vô tình bà để cho những
hạt giống thương yêu, hạnh phúc ngày xưa được tưới tẩm bởi
những lá thư. Bây giờ ông đâu còn khả năng nói những lời như
vậy, nhưng những lá thư của ông còn đó và đọc những lá thư đó
thì tự nhiên những hạt giống hạnh phúc ngày xưa được tưới tẩm.
Chuyện này rất là khoa học nên nếu quý vị có giữ những lá thư
như vậy, đừng đốt đi nhé. Nếu thư viết bằng e-mail thì nên in
lại để dành đừng delete nó mà uổng.
Đứng
mỏi chân bà bê luôn cả hộp bánh bích quy để lên bàn đọc từ lá
thư này sang lá thư khác, luôn bốn mươi mấy lá thư. Tại vì đọc
thấy khỏe quá đi. Những hạt giống thuơng yêu kỷ niệm ngày xưa
được tưới tẩm và bà tìm lại được chàng hoàng tử đẹp trai,
ga-lăng, dễ thương ngày xưa. Trong khi quán chiếu bà thấy rõ
vì sao anh ấy bây giờ không nói được nhưng lời yêu thương như
vậy mà chính mình cũng không nói được với anh ấy những lời yêu
thương như vậy. Nhưng sau khi đọc xong bốn mươi mấy lá thư rồi
thì bà có cảm tưởng bà có thể nói lại những lời yêu thương mà
ngày xưa bà đã nói. Bà quyết định ngồi xuống viết cho ông một
lá thư nhắc lại những ngày xưa hai người đã có những tháng
ngày hạnh phúc. Không nghĩ đến chuyện đi chơi nữa, ngồi xuống
đó, đọc xong bốn chục lá thư và lấy giấy ra viết một lá thư để
nhắc lại hạnh phúc ngày xưa.
Tại sao
ngày xưa mình có hạnh phúc mà bây giờ hạnh phúc không còn nữa?
Ai lấy hạnh phúc đó đi, nếu không phải chính mình, chính sự
vụng dại, vụng về của mình? Quý vị biết trong khi viết lá thư
đó, bà luôn luôn nghĩ tới giai đoạn vàng son ngày xưa. Vì vậy
cho nên thời gian viết thư nửa giờ, bốn mươi phút cũng chính
là thời gian tưới tẩm hạt giống hạnh phúc ngày xưa, tưới tẩm
hạt giống tình nghĩa ngày xưa.
Phương
pháp tưới tẩm hạt giống này rất là hay. Quý vị về thực tập đi,
sẽ thấy hiệu năng rất là lớn. Bà viết: Anh yêu quý của em.
Bà viết được như vậy chứ lâu nay bà đâu nói được như vậy nhưng
vì những hạt giống hạnh phúc được tưới tẩm rồi nên bà viết
được những câu như vậy. Rồi bà nhắc lại những kỷ niệm êm đềm
ngày xưa. Thành ra thời gian nửa giờ, bốn mươi phút viết lá
thư đó, bà thấy rất là khỏe. Bà bỏ thư vào bì rồi mang lên bàn
giấy của ông.
Bà tiếp
xúc được thế giới của hạnh phúc ngày xưa, thế giới của kỷ
niệm, thế giới đó nằm ngay trong tâm mình chứ không phải nằm
ngoài và bà đi ngủ với tâm trạng đó, rất là khỏe.
Nếu
mình cứ để những hạt giống của bực bội giận hờn tưới tẩm thì
mình sẽ ngủ không ngon, mình sẽ bồn chồn, bực bội. Vì vậy mình
phải làm thế nào để những hạt giống của hạnh phúc, của thương
yêu được tưới tẩm thì mình sẽ ngủ ngon.
Sáng
hôm sau ông gọi về từ New York.
Ông nói
buổi họp bị kéo dài, chắc có lẽ anh phải ở thêm một vài
ngày nữa. Ông tìm cách ở lại càng lâu càng tốt, vì về nhà
cũng không hạnh phúc gì -có nhiều ông như vậy lắm- nhưng bà
trả lời rất là hay, nếu cần thì anh cứ ở thêm, em chờ cũng
không sao -giọng bà ngọt- Đây là lần đầu tiên sau nhiều
năm, bà nói ngọt được với ông tại vì những lá thư kia là những
cứu tinh, nó tưới tẩm hạt giống hạnh phúc và kỷ niệm của bà.
Bây giờ quý vị cứ viết e-mail không, xong rồi thì delete
thì rất uổng. Những lá thư tình mình phải cất cho kỹ, được
không? Viết tay được thì rất hay.
Bà đã
nói vậy, nếu cần thì anh cứ ở lại, không sao, em có thể chờ
được, nhưng bà nói bằng giọng ngọt ngào. Khi ông đặt máy
xuống rồi, ông ngạc nhiên. Tại sao giọng bà hôm nay ngọt như
vậy? Hạt giống hạnh phúc trong ông được tưới tẩm vì người đàn
bà này bao năm qua chưa nói với mình được một câu ngọt ngào
như thế mà hôm nay tự nhiên lại nói được. Vì thế qua cú điện
thoại đó, bà đã tưới tẩm hạnh phúc của ông. Bởi vậy ông thu
xếp về nhà sớm. Nó có tác động dây chuyền. Khi mình nhẹ nhàng,
có hạnh phúc thì người kia có nhiều cơ hội hơn. Mình phải tu
cho mình trước mới giúp cho người kia. Mình phải tự độ trước
mời độ tha được. Ông chồng thấy việc ở lại thêm cũng không cần
thiết lắm mà tiếng nói của bà vợ sao mà nó ngọt ngào. Thật
ngạc nhiên, ông muốn tìm về.
Đối với
bà, việc ông về sớm hay muộn cũng không sao nhưng chuyện quan
trọng là viết được lá thư. Bà đã nói được những lời thương yêu
và tưới tẩm được những hạt giống hạnh phúc ở trong bà, nên bà
ngủ ngon. Khi ông về, ông mở cửa vào, lên phòng ông và thấy lá
thư, ông ở trên đó rất là lâu. Lá thư chỉ cần đọc trong mười
phút là xong, nhưng ông đã ở trên đó cả giờ đồng hồ. Tại vì
trong khi đọc lá thư thì tất cả những hạt giống của hạnh phúc,
của kỷ niệm ngày xưa được tưới tẩm. Ông thương bà vô cùng và
cảm thấy hối hận đã từng nói nhưng câu cay đắng giận hờn trong
những năm vừa qua. Thời gian ở trên lầu là thời gian chuyển
hóa, nhờ lá thư của bà. Khi ông đi xuống thì ông đã trở nên
một người khác, và người đàn bà tìm lại được người đàn ông của
mình của những năm đầu. người đàn ông tìm lại được người đàn
bà của những năm đầu. Đó là nhờ những lá thư tưới tẩm được hạt
giống của hạnh phúc.
Câu
chuyện này giúp quý vị thấy được pháp môn tưới tẩm hạt giống
tốt, rất là quan trọng. Trong sách Nhật tụng thiền môn
có một bài tụng gọi là Tưới tẩm hạt giống tốt. Quý vị
nên biết, nếu thực tập đàng hoàng thì chỉ trong vòng mười lăm
phút, bắt đầu có kết quả, thay đổi được tình trạng, đem lại
được niềm vui ngay.
chuyển hóa những tập khí
Tôi
tiếp xúc với người trẻ thường xuyên, người trẻ tây phương cũng
như người trẻ Việt nam và tôi hiểu được họ. Những hạt giống
khổ đau của họ có thể đã được bố mẹ của chính mình gieo trồng
từ hồi còn ấu thơ. Bố mẹ đâu muốn làm như vậy nhưng tại bố mẹ
chưa biết cách thương, chưa biết cách giữ gìn cho nên mới gieo
vào trong con cái những hạt giống của mặc cảm, khổ đau, tủi
hờn. Người trẻ thường đồng ý với nhau là gia tài quý nhất mà
bố mẹ có thể để lại cho con là hạnh phúc của chính bố mẹ chứ
không phải là trương mục trong ngân hàng hay nhà đất. Nếu bố
mẹ biết thương nhau, chăm sóc nhau và làm cho nhau có hạnh
phúc thì đó là điều quý nhất mà đứa con có thể tiếp nhận và
sau này khi có chồng, có vợ thì tự nhiên nó làm được như vậy,
bởi nó học được của bố mẹ nghệ thuật của sự thương yêu. Cho
nên quý vị cần nhớ, nếu mình lỡ có một số vết thương trong
lòng từ hồi còn thơ ấu mà chưa được chuyển hóa thì sau này
mình sẽ trao truyền những vết thương đó cho con mình. Mình
phải tu tập, phải chữa lành những vết thương của hồi ấu thơ
thì mình sẽ không làm khổ người bạn hôn phối của mình và mình
sẽ không làm khổ những đứa con của mình.
Năm đó
có em bé tên là bé Thơ, bảy tuổi, tới làng Mai để tu học vào
mùa hè. Nó đang chơi với những bé khác trên cái võng. Nó đẩy
võng như thế nào đó mà bị té u đầu, sứt trán, máu chảy. Anh nó
mới mười hai tuổi thôi, thấy em gái của mình bị té chảy máu
thì đùng đùng nổi giận, mắng em gái: Mày là đồ ngu, tại sao
để té chảy máu như thế, mày là đồ ngu. Muốn la mắng em như
thế nhưng vì cậu anh này đã từng qua làng Mai thực tập hai mùa
hè rồi nên biết rằng mình không nên nói câu đó. Thay vì nói
câu đó thì quay lại tập thở, tập đi những bước chân an lạc
trong khi có người khác chăm sóc cho em mình.
Nhìn
cho kỹ thì cậu con trai đó có rất nhiều nội kết với ông bố.
Ông bố là người rất nóng tính. Mỗi khi cậu bé đi chơi vấp té
thì ông ta luôn luôn mắng, ông ta chửi, thay vì đến nâng đỡ
cho con, chăm sóc cho con, thì ông ta chửi con, mày là đồ ngu…
Cách hành xử như vậy đi vào đứa con trai và đứa con trai cũng
hành xử như vậy đối với em gái. Nó có sự trao truyền. Những
hạt giống khổ đau của mình tiếp nhận mà nếu mình không tu tập
chuyển hóa thì mình sẽ trao truyền cho con mình sau này. Khi
cậu con trai mở miệng ra mắng nhiếc em thì cậu ta thấy được
một sự thực là mình sắp hành xử giống như bố mình, không có gì
khác hết. Mình rất hận bố vì cách hành xử của bố và bây giờ
mình cũng đang muốn hành xử giống hệt như bố đối với em gái.
Đó là sự giác ngộ, đó là sự tỉnh thức. Sự tỉnh thức đó giúp
cho cậu con trai không mắng nhiếc đứa em, trái lại xoay mình
lại để tập thở và tập thiền hành. Trong khi đi thiền hành,
bước những bước chân an lạc làm dịu những đau khổ xuống thì
cậu con trai đó khám phá ra một điều là bố mình có lẽ tiếp
nhận hạt giống này từ ông nội. Bố mình chỉ là nạn nhân thôi
tại vì bố đã tiếp nhận hạt giống đó nhưng bố chưa có cơ hội để
tu tập, để chuyển hóa, cho nên đã trao truyền lại cho mình và
nếu mình không tu tập thì mình sẽ trao truyền lại cho con mình
sau này. Vì vậy mình phải tu tập để chuyển hóa thói quen này.
Nếu thành công thì mình sẽ trở về giúp cho bố. Bố ơi, con
không giận bố nữa, tại vì bố cũng là nạn nhân của sự trao
truyền từ ông nội. Khi thấy bố mình là nạn nhân của sự trao
truyền, bố mình chưa có cơ hội để chuyển hóa thì bao nhiêu
giận hờn của cậu con trai đối với bố tự nhiên tan hết. Mới
mười hai mười ba tuổi mà đã thành công trong sự tu tập được
rồi. Tại vì trước đó cậu có một mối hận nơi bố nhưng sau đó
nhận diện ra rằng, bố vì không tu tập nên đã trao truyền hạt
giống đó cho mình, tập khí xấu đó cho mình. Nếu mình không tu
tập, mình sẽ trao truyền lại cho con mình. Mình không muốn làm
như vậy, mình muốn chuyển hóa. Mình thấy bố mình cũng là nạn
nhân thôi cho nên mình tha thứ được cho bố mình. Người con
trai đó bây giờ đã có chức vụ lớn trong xã hội, đã bắt đầu có
con và cố nhiên sẽ không lập lại những lỗi lầm của bố. Cái đó
gọi là luân hồi. Luân hồi tức là kiếp này truyền sang kiếp
khác. Mình chỉ để cho những cái đẹp, cái hay đi luân hồi thôi
còn những cái xấu cái tiêu cực chấm dứt đừng cho nó đi tới.
Những thói quen, những tập khí xấu, mình phải chuyển hóa bằng
sự tu tập.
Cụ thể
mình có thể làm được những gì? Mình tu thiền, mình có thể lấy
ra một tờ giấy, viết xuống những cái ưu, những hạt giống tốt
nơi người kia, mình quán chiếu, mình thấy được những hạt giống
tốt nơi người kia mình viết xuống. Người mình thương có những
hạt giống tốt này, mình kể tên ra, gọi tên hạt giống tốt đó
ra. Có thì giờ mới nhận diện được những hạt giống tốt của
người đó. Người đó là người con trai, người đó là người con
gái mà mình đang gặp, đang thương đang yêu thì phải ngồi
xuống. Mình nói trong anh và trong em có những hạt giống tốt
này, kể ra cho hết và mình lật trang kia và nói trong anh có
những hạt giống xấu này, nếu chưa biết rõ thì phải hỏi thêm.
Kể ra cho hết và mình cầu xin người kia, anh có những hạt
giống tốt nào và anh có những hạt giống xấu nào, nói cho anh
nghe đi.
Thương
yêu nhau phải giúp nhau để hai bên hiểu nhau thêm. Tu tập là
chuyện rất cụ thể, rất khoa học, một giờ làm việc như vậy thôi
là đã tiến bộ rất nhều rồi. trong quá trình giao tiếp liên hệ
với nhau thì cái hiểu đó càng ngày càng lớn, cái hiểu càng lớn
thì cái thương cũng càng lớn. Tại vì không có hiểu nên không
thương. Hiểu ít thì thương ít, hiểu nhiều thì thương nhiều.
Cái thương làm bằng chất liệu là cái hiểu, cho nên mình phải
hiểu nhau va đừng mong cầu người kia chỉ có hạt giống tốt.
Không ai chỉ có toàn hạt giống tốt. Người nào cũng có hạt
giống tốt và cũng có hạt giống xấu. Thấy được rồi thì mình cam
kết đừng tưới tẩm hạt giống xấu. Mỗi ngày mình tìm cách tưới
những hạt giống tốt thì hạnh phúc là một điều chắc chắn sẽ
có.
Có một
anh chàng thiền sinh Hoa kỳ đến làng Mai tu tập và ở trên xóm
Thượng. Làng Mai có xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Trung, xóm Đoài,
xóm Mới. Những thanh niên độc thân thì ở xóm Thượng. Anh chàng
thiền sinh Hoa kỳ đó một hôm được giao cho một bài tập, viết
xuống những đức hạnh, những tính tốt của bố, của mẹ. Kê ra
những hạt giống tốt mà mình thấy nơi bố, nơi mẹ. Những hạt
giống của tài năng của hạnh phúc mà mình thấy nơi bố và mẹ. Bố
thế nào cũng đã trao truyền những hạt giống đó cho mình. Mình
có tài năng gì đó, đừng tưởng là tự mình mình có. Cái đó là do
bố trao truyền. Có thể bố tiếp nhận hạt giống đó từ ông nội,
ông cố và bố đã trao truyền cho mình. Tuy rằng ngoài hình thức
bố không có những tài năng mình có nhưng mình đừng tưởng tài
năng tự nhiên mình có. Tài năng đó là từ những thế hệ tổ tiên
trao cho bố rồi bố trao cho mình đó. Sở dĩ mình thấy được tài
năng đó là tại vì mình có hoàn cảnh tốt. Khi có hoàn cảnh tốt
thì hạt giống tài năng được phát triển.
Anh
chàng thiền sinh Mỹ đó nói rằng bài tập này hơi khó. Nói về
những đức tính tốt của bố thì dễ quá đi nhưng nói về những đức
tính tốt của mẹ thì khó quá. Mẹ hình như không có hạt giống
tốt nhiều, không có đức tính tốt nhiều tại vì anh chàng có vấn
đề với mẹ. Khi có vấn đề, có khó khăn với mẹ thì con mắt mình
bị che lấp, không thấy được những tích cực của mẹ. Mình bị
những điểm tiêu cực che. Mình không biết rằng tài năng, hạnh
phúc của mình do mẹ trao truyền rất là nhiều. Vì khó khăn với
mẹ nên tưởng rằng mẹ không có gì tốt, có gì đẹp hết. Chỉ có bố
mới trao truyền cho mình những cái tốt đẹp đó. Nhưng mà là một
thiền sinh nên phải làm bài cho thầy, phải ngồi xuống quán
chiếu, phải viết xuống tất cả những đức hạnh, tài năng của mẹ.
Trong quá trình làm việc đó anh ta khám phá ra mẹ có nhiều hạt
giống rất tốt và mình đã tiếp nhận từ mẹ những hạt giống tốt
đó. Vì tu thiền là gì? Tu thiền là có thì giờ nhìn cho kỹ,
nhìn cho sâu, gọi là quán chiếu, looking deepling.
Khi anh chàng có thì giờ tìm ra những đức tính tốt, những tài
năng, những hạnh phúc của mẹ thì khám phá ra mẹ mình rất là
giàu có. Trong thời gian đó, hạt giống hạnh phúc trong anh ta
được tưới tẩm, thấy niềm biết ơn đối với mẹ dâng lên và trái
tim nó êm dịu lại. Vì vậy bài tập này cũng để tưới tẩm hạt
giống hạnh phúc, hạt giống tốt. Quý vị có thì giờ làm chuyện
đó không? Ngồi xuống lấy tờ giấy và viết những đức tính của
bố, của mẹ. Những tài năng, sự kiên nhẫn, can trường những hạt
giống bố có, mẹ có. Chắc chắn thế nào cũng có. Thế nào trong
chúng ta cũng có những hạt giống của Lạc Long Quân, của Lý
Thường Kiệt, của Trần Thái Tông… Nhìn cho kỹ mới thấy được.
Trở lại
câu chuyện của thiền sinh Mỹ. Sau khi anh ta ngồi một giờ đồng
hồ, anh ta viết xuống được những tích cực của mẹ thì tự nhiên
anh ta khám phá ra mình có bà mẹ tuyệt vời mà lâu nay mình
không biết hưởng. Vì có những khó khăn giận hờn mẹ mà con mắt
mình bị mù, bị bít lấp không thấy được những quý giá của bà mẹ
mà mình cũng có nhờ mẹ trao truyền. Sau thời gian tưới tẩm
chừng vài giờ đồng hồ, anh ta có phấn khởi. Anh ngồi xuống
viết một lá thư cho mẹ trong tâm trạng thương yêu. Mẹ ơi,
hôm nay nhờ tu tập con khám phá được con có một bà mẹ rất
tuyệt vời. Viết một lá thư tình cho mẹ mình, rất là hay.
Trong khi viết, mình tưới tẩm hạt giống của thương yêu, tình
nghĩa nơi mình.
Anh ta
từng than vản với vợ của anh về mẹ, thời gian anh có khó khăn
với mẹ. Nhưng sau đó thì anh ta viết được lá thư và trong đó
anh ta nói con mới khám phá ra được là con có một bà mẹ tuyệt
vời. Sau khi gởi lá thư đi anh rất hạnh phúc. Mấy ngày sau chị
vợ gọi điện thoại sang nói rằng nhận được lá thư của anh, mẹ
hạnh phúc lắm. Mẹ nói mẹ tìm lại được đứa con tuyệt vời của
mẹ. Mẹ tiếc là bà ngoại không còn sống. Nếu ngoại còn sống thì
mẹ cũng sẽ viết lá thư như vậy cho bà ngoại. Tác động dây
chuyền, rất hay. Cái xấu có tác động dây chuyền, nhưng cái tốt
cũng có tác động dây chuyền. Nghe như vậy, anh chàng viết thêm
một lá thư thứ hai: Theo những điều con được học ở làng
Mai, bà Ngoại con chưa chết đâu, bà Ngoại con vẫn còn sống
trong từng tế bào cơ thể mẹ. Mẹ cứ viết lá thư đó đi. Khi mẹ
viết thì bà ngoại của con sẽ đọc, đọc ngay trong khi viết.
Đừng tưởng bà ngoại đã mất rồi. Bà ngoại vẫn còn sống ở trong
con, trong mỗi tế bào cơ thể của con và mỗi tế bào cơ thể mẹ.
Xin mẹ cứ viết lá thư đó đi. Đó là tuệ giác của một thiền
sinh tới làng Mai tu học, có được cái thấy như vậy, cái thấy
rất là sâu. Cái đó gọi là quán chiếu. Bà mẹ đã viết lá thư đó.
Chúng ta thấy rất rõ, phương pháp này đâu có khó khăn gì mấy
nhưng hiệu năng của nó vô cùng. Phương pháp tưới tẩm hạt giống
tốt nơi mình và nơi người mình thương.
Từ,
Bi, Hỷ, Xả
Chúng
ta từng nghe tới bốn chữ Từ, Bi Hỷ, Xả. Cái đó gọi là
bốn vô lượng tâm. Vô lượng tâm là tình thương không có
biên giới. Vô lượng là không đo được. Vô lượng tâm là trái tim
không có biên giới.
Từ là đem lại hạnh phúc.
Tình
yêu, tình thương chân thật luôn luôn có khả năng đem lại hạnh
phúc. Nếu không đem lại hạnh phúc thì cái đó chưa phải là từ,
chưa phải là tình thương đích thực. Đem lại hạnh phúc cho mình
và đem lại hạnh phúc cho người mình thương. Tình yêu chân thật
phải có chất liệu của từ. Từ tiếng Phạn là Matri. Matri tức
tình bạn. Tình bạn này đem lại hạnh phúc cho chính mình, cho
người. Muốn hiến tặng cho ai hạnh phúc, mình phải hiểu người
đó. Mình không thể áp đặt được. Mình tưởng làm cho người đó
hạnh phúc nhưng thực ra làm cho người đó khổ. Thành thử cái
hiểu làm nền tảng cho cái thương.
Có bà
nọ ép con gái mặc áo dài đỏ mà con gái thì ghét mặc áo dài đỏ.
Tại hồi còn con gái bà rất thích mặc áo dài đỏ nhưng mẹ của bà
không cho. Khi có con, bà muốn con gái mặc áo dài đỏ để thỏa
mãn ước vọng của bà thời còn trẻ. Nhưng cô gái này không
thích.
Bà ghét
con gái. Con gái buồn, con gái giận. Trong Nam có trái sầu
riêng, đắt tiền nhưng được nhiều người ưa lắm. Có nhiều người
thích trái sầu riêng đến độ ăn xong lấy vỏ sầu riêng cột dưới
chân giường để mùi sầu riêng thoang thoảng. Còn tôi thì tôi sợ
mùi sầu riêng lắm. Lần đầu tiên tôi nếm mùi sầu riêng là trong
bữa cơm có nhiều vị khách quý. Bữa cơm qua đường, đắp y vàng,
ăn cơm nghi thức. Tôi không biết đó là múi sầu riêng, tôi
tưởng là múi mít. Thấy các thầy khác gắp một miếng, tôi cũng
gắp một miếng nhưng bỏ vào mồm rồi thì tôi kẹt cứng, không thể
nào nhổ ra được. Tôi biết rằng tôi không thể ăn được trái sầu
riêng. Một hôm, trên bàn Phật có ai dâng cúng trái sầu riêng
và đến phiên tôi tụng kinh Pháp Hoa, nhưng mùi sầu riêng làm
cho tôi không tập trung được thành ra tôi đứng dậy lấy cái
chuông úp trái sầu riêng lại. Hôm đó tôi tụng kinh không có
chuông, chỉ có mõ. Tụng xong, tôi giải phóng trái sầu riêng.
Nếu quý vị nói tội nghiệp thầy Nhất Hạnh, làm việc quá nhiều,
bắt thầy ăn sầu riêng, thì tôi khổ đau lắm. Nếu quý vị không
hiểu tôi mà ép tôi ăn sầu riêng thì sẽ làm cho tôi khổ. Cũng
như vậy đó, muốn hiến tặng người thương thì mình phải biết
người đó cần cái gí, có cần cái đó không? Mình thương con
mình, thương chồng hay thương vợ của mình cũng vậy. Càng
thương thì mình càng làm cho người kia khổ khi mình áp đặt
người đó vào những trạng huống mà người đó không thích. Vì vậy
cho nên cái hiểu nó làm ra cái thương. Từ cũng vậy. Từ tức
hiến tặng niềm vui. Muốn hiến tặng niềm vui mình phải biết
người đó cần cái gì và không cần cái gì. Chính mình cũng vậy,
mình cần niềm vui. Những cái mình không cần thì đừng áp đặt
lên chính mình, cái người khác không cần thì đừng áp đặt lên
người khác. Cái hiểu nó đưa tới cái thương. Thương là một nghệ
thuật. Thương là làm hạnh phúc cho người kia. Cái ý muốn làm
hạnh phúc cho người kia là một chuyện mà nguời kia có hạnh
phúc hay không là chuyện khác. Thành ra từ không phải chỉ
là ý muốn làm cho người kia hạnh phúc, mà còn là khả năng làm
cho người kia hạnh phúc. Khả năng đó là khả năng hiểu được
mới thương được, mới dâng tặng hạnh phúc được. Đó là ý nghĩa
của từ. Khi nhìn lại liên hệ của ta với người kia, chúng ta tự
hỏi, trong tình thương của chúng ta, có chất liệu của từ hay
chưa, ta đã hiểu được người đó hay chưa? Ta có thể dâng tặng
cho người đó niềm vui hằng ngày hay chưa, những lời nói, những
cử chỉ có thể làm ra hạnh phúc cho người đó? Đó là yếu tố đầu
của thương yêu là Từ.
Yếu tố thứ hai của tình thương yêu là Bi. Bi là khả năng
lấy đi những khổ đau ở người kia.
Người
kia có những khổ đau, những bức xúc, những khó khăn. Nếu mình
lấy ra được, hoặc mình chuyển hóa được thì gọi là Bi. Người
mình thương có thể là vị hôn phối của mình, vợ mình, chồng
mình, con mình hay bố mẹ mình… có những khổ đau bức xúc, lo
lắng buồn khổ. Nếu mình có khả năng lấy buồn khổ ra khỏi người
đó thì gọi là Bi. Trong tình thương của quý vị, có chất liệu
của Bi hay chưa? Nếu quý vị không hiểu được, không nhận diện
được những khổ đau đó, thì làm sao lấy ra được? Trái lại quý
vị có thể dồn thêm những khổ đau cho người đó nữa. Vì vậy nhìn
lại đi, xem trong tình thương của mình với người kia có chất
liệu của Bi hay không?
Yếu
tố thứ ba của tình thương đích thực là Hỷ.
Hỷ tức là niềm
vui.
Tình thương đích
thực thì nó đem lại niềm vui cho mình và cho người kia. Còn
thương nhau mà mỗi ngày làm cho nhau khóc hoài thì cái đó
không có Hỷ. Dìu nhau vào thế giới sầu muộn, khổ đau, khóc
thương thì đâu phải tình thương đích thực. Thành ra phải xét
lại, coi thử tình thương của mình với người kia có yếu tố của
Hỷ không?
Yếu tố thứ tư của tình thương đích thực là Xả.
Xả tiếng Phạn
là Upeksa, có nghĩa là không kỳ thị, không phân biệt. Khi
mình thương ai thì mình với người đó trở nên là một, không
ranh giới nữa. Niềm vui của người đó là niềm vui của mình. Khổ
đau của người đó là khổ đau của mình. Thấy được như vậy thì
biết rằng trong tình thương của mình có yếu tố thứ tư, yếu tố
Xả. Những gì mình làm cho người đó là làm cho mình, những gì
làm cho mình cũng làm cho người đó, không có sự phân biệt giữa
mình với người đó nữa. Hạnh phúc là hạnh phúc chung, đau khổ
là đau khổ chung. Khi một người cha và một người con thương
nhau thì hạnh phúc là hạnh phúc chung mà khổ đau cũng là khổ
đau chung. Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Hạnh phúc
là vấn đề của cả hai người. Nếu cha mình tiếp tục khổ đau thì
không có cách gì mình có hạnh phúc được. Nếu con mình khổ đau
thì là cha, mình không thể nào có hạnh phúc được. Vì vậy phải
thấy rằng, hạnh phúc của con là hạnh phúc của chính mình và
khổ đau của con là khổ đau của chính mình. Hạnh phúc của cha
là hạnh phúc của chính mình, khổ đau của cha là khổ đau của
chính mình. Thấy được như vậy thì trong tình thương có yếu tố
thứ tư là yếu tố Xả, không kỳ thị.
Giáo lý về sự
thực tập thương yêu trong đạo Bụt rất là sâu và mình học suốt
đời cũng chưa hết phương pháp thương yêu trong đạo Bụt, đạo
Phật. Khi tình thương của mình có yếu tố thứ tư, không kỳ thị,
không phân biệt, hạnh phúc và khổ đau là của chung cả hai
người chứ không phải của riêng từng người thì lúc đó mình
biết tình thương của mình là tình thương đích thực, Từ ,Bi,
Hỷ, Xả. các bạn nên tìm hiểu thêm trong những buổi pháp đàm.
Mình tìm hiểu thêm thế nào là tình thương đích thực, tình
thương chân thật, true love. Mà hễ có tình thương đích
thực rồi thì chắc chắn là có hạnh phúc. Mình sẽ không dìu nhau
đi vào địa ngục, mình dìu nhau đi vào Tịnh độ, vào Thiên
đường.
<<Bài
trước |
Bài kế
>> |