Pháp thoại vấn đáp
Thở
vào, tôi biết rằng, đây là ngày cuối của khóa tu.
Thở ra, tôi mỉm cười, được ngồi chung với các thầy, các sư cô
và bạn hữu. (chuông)
Kính
thưa đại chúng,
Hôm nay
là ngày mồng 3 tháng 5 năm 2008. Chúng ta đang ở chùa Bằng A
trong khóa tu với chủ đề :
“Gieo hạt từ bi, giữ gìn đất mẹ“,
dành
cho những người trẻ.
Hôm nay
chúng ta có một buổi vấn đáp. Chúng ta có cơ hội đặt những câu
hỏi nằm lâu nay trong trái tim của mình. Chúng ta chỉ nên hỏi
các câu hỏi có dính líu đến những khổ đau, thao thức, đến sự
thực tập của chúng ta. Đừng hỏi những câu có tính cách lý
thuyết mà nên hỏi câu hỏi của trái tim. Mỗi người chỉ hỏi một
câu mà thôi. Nếu mình hỏi được một câu hay thì nhiều người sẽ
được lợi lạc cho nên mình phải hỏi câu hỏi của trái tim của
mình. Khóa tu của chúng ta không phải là khóa giáo lý mà là
một khóa tu thực tập. Người ta đã nói lý thuyết quá nhiều rồi.
Chúng ta không có thì giờ để nói lý thuyết. Chúng ta dành thì
giờ để thực tập, để nắm vững một vài phương pháp bảo hộ thân
và tâm của chúng ta. Mình chỉ hỏi những câu liên quan đến việc
thực tập. Nếu mình hỏi được câu lợi ích thì có biết bao nhiêu
người thừa hưởng được câu hỏi của mình.
Một câu
hỏi hay không cần phải dài, nó có thể rất vắn tắt. Mình có thể
hỏi cho thế hệ mình, bạn bè mình. Những ưu tư, thắc mắc, lo âu
của mình, của thế hệ mình. Buổi vấn đáp này dành ưu tiên cho
những người trẻ tuổi. Thỉnh thoảng mình đọc lên một câu hỏi
trên giấy. Nếu quý vị có một câu hỏi mà quý vị không tiện hỏi
trực tiếp, quý vị có thể viết lên một mảnh giấy và chuyền lên
trên này. Những vị nào hỏi trực tiếp thì mời lên ngồi trên ghế
bên cạnh thầy để mọi người chiêm ngưỡng dung nhan. Thường
thường sau khi ngồi lên ghế, mình nghe tiếng chuông, thở ba
hơi để đủ bình tĩnh đặt câu hỏi và tất cả chúng ta thở theo
trước khi người kia đặt câu hỏi.

Ở
đâu cũng có thể mang hạnh phúc cho người
Kính
thưa đại chúng, kính thưa các vị tôn đức, các phật tử và các
bạn trẻ.
Hôm nay chúng ta có một buổi phỏng vấn, chúng ta phải nói
thật, chúng ta đặt những câu hỏi thật, đừng sợ hãi. Chúng ta
trả lời thật, không sợ hãi. Chúng ta không chạy trốn sự thật.
Chúng ta muốn đối diện với sự thật và tìm ra giải pháp cho
những tình huống khó khăn, bức xúc. Đây là câu hỏi thứ nhất:
-
Kính bạch Thầy, kính thưa đại chúng. Con đại diện cho các sinh
viên năm cuối đang có băn khoăn, thắc mắc nhỏ. Chúng con lên
Hà nội học năm, hoặc sáu năm. Lúc ra đi với niềm tin sẽ mang
sự học của mình về xây dựng cho quê hương. Nhưng khi học xong,
con về tỉnh hỏi xem có giúp gì cho địa phương được không, thì
họ nói ngành học của con không có nhu cầu trong trong các cơ
quan hay xí nghiệp của tỉnh. Con rất băn khoăn, rất bất an khi
không biết tốt nghiệp xong, con sẽ đi đâu, về đâu? Nếu đi xa
như vào Vũng tàu, thành phố Hồ Chí Minh hay ra Quảng ninh thì
cũng có việc. Nhưng như vậy thì không chăm sóc bố mẹ được.
Bố mẹ con đã già mà chỉ có con gái.
Đi làm
thì không chăm sóc được bố mẹ mà về tỉnh thì phí năm năm mình
học, cho nên con băn khoăn…
- Con
học ngành gì?
-
Con học Đại học mỏ địa chất.
- Có
một kho vàng trong trái tim mình, làm sao mình khai thác cho
được kho vàng trong trái tim đó. Có một kho hạnh phúc trong bố
mà mẹ, mình dùng kỹ thuật mới thế nào để khai thác kho tàng
hạnh phúc đó của bố mẹ. Trong làng, trong huyện của mình cũng
thế.
Vấn đề
là làm hạnh phúc cho chính mình, cho người thân của mình và
cho những người trong hoàn cảnh của mình.
Mình đã
học và mình có thể tìm cách áp dụng điều đã học ngay trong
hoàn cảnh của mình. Trong số các thầy, các sư cô ở đây, có
nhiều vị đã học xong Đại học, ví dụ như Đại học y khoa, Đại
học kiến trúc hay Đại học khoa học. Nhưng họ đã xuất gia. Tuy
vậy không phải họ không sử dụng được những kiến thức, những
kinh nghiệm đã thu thập được trong bao nhiêu năm ở trường Đại
học.
Thầy
Pháp Dung là một kiến trúc sư trẻ tuổi tốt nghiệp ở Mỹ. Sau
khi tốt nghiệp, thầy đã đi làm vài năm và năm đó thầy có cơ
hội tham dự một khóa tu. Từ đó cái thấy của thầy về cuộc đời,
nhân sinh quan của thầy biến đổi hẳn. Thầy thấy rõ ràng
rằng, đi tu cũng là một loại kiến trúc, tại vì nhà kiến
trúc là người tạo ra không gian để người ta sống thoải mái, có
phải vậy không? Người tu cũng vậy, người tu cũng tạo ra không
gian để mình và những người chung quanh mình được sống thoải
mái. Vì vậy cho nên đi tu cũng là làm kiến trúc, mà làm cách
khác. Ý đó đã giúp cho vị kiến trúc sư trẻ cái thấy mới và
quyết định theo tăng đoàn để học ngành kiến trúc mới: kiến
trúc trái tim, kiến trúc con người. Con người của mình là
một kiến trúc, một structure. Hiện nay ở Tây phương có
một ý niệm triết học về ngành học kiến trúc con người Human
architecture. Con người là một kiến trúc, một cấu trúc, mà
nếu mình có nghệ thuật thì mình sẽ làm cho kiến trúc đó có
không gian, cung cấp cho mình sự thoái mái, an lạc hạnh phúc.
Tổ tiên đã trao truyền cho mình nhiều hạt giống kinh nghiệm,
những khổ đau, những hạnh phúc. Mình tiếp nhận từ bố mẹ và bố
mẹ tiếp nhận từ tổ tiên. Có rất nhiều tư liệu để làm ra con
người. Thí dụ mình có một đống gỗ quý, xi măng, cát… đủ thứ
nhưng mình phải sử dụng những tư liệu đó để làm ra một cái
nhà, một kiến trúc và nếu có những vật liệu ngăn cản không cho
mình có không gian, không cho mình có hạnh phúc, thì mình phải
biết tháo gỡ ra. Vì vậy mình phải biết sử dụng những tư liệu
tổ tiên ông bà đã trao truyền để kiến trúc lại con người của
mình thì tự nhiên mình có hạnh phúc.
Thầy
Pháp Dung là một kiến trúc sư trẻ, tuy rằng sau khi xuất gia
không làm kiến trúc như người thường nhưng đã có sử dụng được
kiến thức, kinh nghiệm về kiến trúc mình có để phục vụ cho
chùa, cho việc xây dựng đoàn thể tu học của mình.
Thầy
Pháp Liệu là bác sĩ y khoa chuyên về tim mạch. Tuy xuất gia,
không làm bác sĩ và chăm sóc bệnh nhân mỗi ngày nhưng kiến
thức y khoa của thầy cũng sử dụng được cho tăng thân, cho các
thầy, các sư cô, các phật tử. Thầy vừa dạy Phật pháp vừa lấy
những ví dụ về y khoa, những kinh nghiệm về y khoa thầy có để
làm cho người ta hiểu hơn phương pháp tu học. Tại vì tu là tu
tâm nhưng phải sử dụng cái thân - và các bác sĩ thấy và hiểu
thân khá rõ.
Vì vậy
trong trường hợp con, thầy nghĩ khi mình ở với bố mẹ, lo cho
bố mẹ, phục vụ cho huyện xã của mình thì dù không đi làm đúng
ngành đã học, mình vẫn có thể sử dụng những kiến thức năm sáu
năm đã học để tạo ra một kiến trúc hài hòa, đẹp đẽ, có tiện
nghi cho mình, cho bố mẹ mình cho cộng đồng mình đang sống.
Đừng nghĩ rằng những cái mình học không có ích. Vấn đề là làm
thế nào mình có hạnh phúc. Khi mình xuất gia những gì mình học
được trong Trung học và Đại học, những tài năng như âm nhạc,
hội họa, tài kể chuyện, chăm sóc vườn rau… tất cả đều có thể
mang lại hạnh phúc cho chính mình và cho những người trong
cộng đồng mình sống.
Con có
bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu kiến thức như vậy, thì ở đâu
cũng có thể mang hạnh phúc cho người ta chứ không phải cứ làm
đúng ngành đó mới có hạnh phúc được. Đừng quá băn khoăn bởi ý
tưởng nếu không làm đúng ngành đã học thì uổng. Không uổng
đâu, thế nào mình cũng tìm cách sử dụng được kiến thức đã học.
Thầy chúc con thành công.
Chuyển
rác thành hoa
-
Một người con trai rất có hiếu với cha mẹ. Từ bé đến lớn sống
trong một gia đình gia giáo.
Anh đã trãi qua những mối tình nhưng vẫn không tìm được
người con gái của mình. Đến khi gặp và rất yêu một người con
gái, anh ấy lại “sốc” và không thể vượt qua những giáo điều
của xã hội vì quá khứ của người con gái đó. Một bên là người
con gái mình yêu, một bên là cha mẹ và giáo điều của xã hội,
anh đó phải làm thế nào? Bố mẹ không chấp nhận người yêu của
người con trai đó.
- Khi
yêu người nào với một tình yêu chân thật, tình yêu đó có thể
có khả năng chuyển hóa người mình yêu, thay đổi người kia một
cách triệt để. Mãnh lực của tình yêu lớn lắm. Những lầm lỡ,
vụng về của người đó trong quá khứ sẽ được chuyển hóa, nó trở
thành phân bón để nuôi bông hoa mới, cuộc sống mới. Mình đừng
chấp những lỗi lầm vụng về của quá khứ, tại vì trong đạo Phật
có phương pháp sám hối. Sám hối là làm mới lại. Trong chúng
ta, ai mà không có lỗi lầm? Nhưng nếu chúng ta thực tập phương
pháp sám hối, nguyện từ nay trở về sau không làm lại những
vụng về, lỗi lầm đó, thì con người của mình tự nhiên đổi mới.
Khi có tình yêu thì tự nhiên mình có sức mạnh để vượt thắng,
để chuyển hóa quá khứ.
Sáng
nay khi chúng ta quỳ xuống tiếp nhận năm giới, chúng ta có
trái tim rất nóng hổi, chúng ta có lý tưởng. Khi tiếp nhận năm
giới, chúng ta thấy con người chúng ta đã thay đổi. Chúng ta
biết rằng, những lầm lỡ vụng về trong quá khứ đã được chuyển
hóa một phần lớn rồi. Tiếp tục đi trên con đường này
chúng ta sẽ trở thành một con người thật mới.
Người
kia cũng vậy, khi mình thương yêu một cách đích thực, mình có
khả năng tha thứ. Mình có khả năng giúp người kia chuyển đổi
hoàn toàn. Mình tin vào sức mạnh của tình yêu. Mình không mặc
cảm và nói với người yêu của mình: Em đừng mặc cảm. Trong
quá khứ em có những lỡ lầm, nhưng nếu em tha thiết sống một
cuộc đời mới thì điều đó không trở thành vấn đề đối với anh
nữa.
Trái
tim của người con trai như vậy là trái tim rộng mở, nó rất
đúng với tinh thần đạo Phật, có khả năng tha thứ, có khả năng
ôm ấp và che chở. Nếu bố mẹ chưa chấp nhận được thì mình tìm
cách cho bố mẹ chấp nhận. Mình phải làm thế nào để bố mẹ thấy
được những khổ đau, khó khăn của người con gái kia. Bố mẹ
ơi, người đó hồi thơ ấu đã không được thương yêu, đã không
được hướng dẫn, đã không được bảo bọc nên phạm vào một vài lỗi
lầm. Người đó đáng được thương xót hơn là bị trách móc. Nhưng
người đó, theo con thấy, có khả năng làm mới, có khả năng trở
thành con người mới, nên con mới chấp nhận, con mới thương
yêu. Xin bố mẹ để một thời gian tìm hiểu con người đó. Rồi
mình tìm điều kiện, cơ hội để giúp bố mẹ hiểu được người kia.
Nếu bố mẹ chưa hiểu thì mình phải kiên nhẫn và tìm cách cho bố
mẹ một vài cơ hội để tìm hiểu. Khi hiểu được thì chấp nhận
được và thương yêu được. Quá khứ lúc bấy giờ trở thành chất
liệu nuôi dưỡng tương lai.
Trong
con người của chúng ta có hai phần, một phần là hoa và một
phần là rác. Trong vườn thế nào cũng có hoa và có rác. Một
cái hoa để lâu ngày thế nào cũng thành rác. Nhưng nếu mình là
người làm vườn giỏi, mình có thể ủ rác để làm phân rồi lấy
phân đó để nuôi hoa. Những khổ đau, những lỗi lầm trong quá
khứ là rác. Nếu mình biết chăm sóc thì rác đó sẽ thành phân
để nuôi hoa của tương lai. Không có ai là không có rác. Vườn
tôi cũng có hoa và có rác. Vườn các bạn cũng có hoa và có rác,
khác nhau là chỗ tôi biết chuyển rác thành hoa. Tôi không để
cho rác tràn lan. Vì vậy tu học có nghĩa là mỗi ngày nhận diện
được rác để làm thành hoa và giữ cho hoa bền lâu. Khi hoa trở
thành rác thì tìm cách biến rác thành hoa trở lại. Người tu là
một người làm vườn và trong xã hội này ai là người không cần
phải tu? Ai cũng cần phải tu hết. Nhà chính trị, nhà doanh
thương, nhà giáo dục, bố mẹ, con cái… người nào cũng phải tu
hết.
Tình
yêu là lẽ sống của đời
-
Thưa thầy con giờ này đang cảm thấy lãnh đạm với tình yêu. Vậy
đó là hạnh phúc hay là một dạng khổ đau. Nếu là khổ đau thì
con phải làm thế nào để hóa giải?
- Mình
phải hiểu tình yêu là cái gì, trước khi mình nói nó tốt hay
xấu? Ngày hôm kia mình đã nói tới bản chất của tình yêu. Có
thứ tình yêu chỉ có đam mê, hệ lụy và khổ đau. Tình yêu đó,
không phải là cái mà mình đi tìm. Nhưng có tình yêu trong đó
có từ, có bi, có hỷ, có xả, có sự chấp nhận, có thương yêu, có
sự dâng tặng niềm vui, có sự làm vơi nỗi khổ, tình yêu đó ai
mà không cần? Đức Thế Tôn, thầy của chúng ta rất cần tình yêu
đó và ngài đã ban phát tình yêu đó. Chúng ta là học trò của
ngài, chúng ta cũng phải nuôi dưỡng tình yêu đó. Nếu không có
tình yêu thì cuộc đời sẽ khô cằn. Cho nên mỗi người phải chế
tác tình yêu, nhưng là tình yêu đích thực. Tình yêu không hệ
lụy, tình yêu không đam mê, không hận thù thì tình yêu đó rất
cần cho nhân loại. Vì vậy, nói rằng mình lãnh đạm với tình
yêu, không được. Tình yêu là điều đẹp nhất của cuộc đời. Vấn
đề là, đó có phải là tình yêu đích thực hay là tình yêu khổ
lụy. Nếu là tình yêu đích thực thì mình phải chế tác, mình
phải làm cho nó lớn lên.
Hôm
trước chúng ta có nghe bài giảng Tứ vô lượng tâm là từ, bi
hỷ, xả. Đó là tình yêu lớn, tình yêu không có biên giới.
Vô lượng tâm là trái tim không có biên giới. Cái từ đó, bi đó,
có thể phát triển, có thể lớn lên không ngừng. Ban đầu thì
mình như chỉ yêu một người và làm hạnh phúc cho người đó thôi.
Nhưng nhờ tình yêu đó đi đúng đường nên sau này ôm lấy nhiều
người, ôm lấy tất cả nhân loại, ôm lấy tất cả mọi loài. Tình
yêu có thể bắt đầu từ một người nhưng nếu là tình yêu đích
thực, thì nó sẽ lớn và trái tim mình trở thành trái tim không
biên giới và mình yêu tất cả mọi người. Khi xuất gia trở thành
một thầy hay một sư cô, có nghĩa là mình không bằng lòng với
tình yêu chỉ một người. Yêu một người chưa đã, phải yêu rất
nhiều người thì mới đã.
Siddhatta trước khi xuất gia thành Phật cũng đã có Yasodhara
rất đẹp, có địa vị thái tử rất cao sang, có đứa con xinh.
Nhưng tình yêu đó không đủ làm thỏa mãn người con trai thành
Ca tỳ la vệ. Cho nên Siddhatta đã bỏ nhà ra đi tìm tình yêu
lớn. Đi xuất gia cũng là yêu, nhưng tình yêu này muốn ôm lấy
tất cả nhân loại. Cho nên tình yêu là lẽ sống của đời mình,
làm sao anh có thể lãnh đạm với nó được? Nếu không có tình
thương thì đời khô cằn lắm và giáo lý của đạo Bụt là dạy
thương yêu. Thương yêu như thế nào để đừng dìu nhau vào địa
ngục. Thương yêu như thế nào để cả hai cùng vào thiên đường và
đem thiên đường đó hiến tặng cho nhiều người.
Hăm
bốn giờ an lạc, thảnh thơi
-
Thưa Sư ông, trước đây con có một người bạn gái và sau đó con
bị khủng hoảng về tình yêu. Con người của con thay đổi hẳn.
Con có đi tập Yoga một thời gian và thấy con người con rất
khác. Một hôm nằm chung với ba mẹ, con thấy đầu con rất căng
thẳng, nếu không nắm chặc tay của ba mẹ thì con sẽ bị điên.
Thầy có thể cho con một lời khuyên để con sáng suốt hơn trong
đường đi của mình.
Tình
yêu trước và Yoga sau, hai cái đó chưa giúp được anh bạn. Bây
giờ tới khóa tu xem thử ra sao?
Trong
những ngày vừa qua, chúng ta đã học những điều cụ thể. Thứ
nhất là làm thế nào để đem lại thư thái ở trong thân. Chúng ta
có thể dùng hơi thở, bước chân để làm lắng xuống những căng
thẳng ở trong thân. Điều này rất quan trọng. Anh bạn ngồi đó
và cách của anh cho chúng ta thấy anh đang thiếu sự bình an
trong thân và trong tâm rất rõ. Khi thân thiếu bình an thì tâm
muốn bình an cũng khó. Những cảm giác, cảm xúc mình không trấn
ngự được. Vì vậy câu trả lời là anh phải đem hết tâm ý để thực
tập những điều đã dạy ở trong khóa tu. Làm thế nào trở về hơi
thở, làm thế nào trở bước chân mà làm lắng dịu thân mình trở
lại. Đem hết tất cả con người của mình để thực tập cái đó. Làm
lắng dịu, nắm cho được hơi thở, nắm cho được bước chân, nắm
cho được thân của mình, từ từ buông ra những căng thẳng trong
thân và trong tâm đã dồn chứa từng ngày. Khi nắm được thân,
nắm được hơi thở và bước chân rồi thì hy vọng mới nắm được
những cảm giác.
Hôm qua
chúng ta đã học, khi cảm xúc, cảm giác trồi lên, chúng ta phải
có chánh niệm để nhận diện, ôm ấp thì chúng ta mới yên được.
Nếu mình chưa làm được chuyện đó thì sẽ bị sự căng thẳng trong
thân và trong tâm kéo đi, mình không có tự chủ. Những điều anh
nói, cách anh nói chứng tỏ anh chưa nắm được thân, chưa nắm
được tâm. Chưa nắm được thân tức là chưa nắm được hơi thở,
chưa nắm được bước đi. Mình phải thực tập. Ví dụ buổi sáng khi
chải răng súc miệng, làm thế nào để giây phút chải răng đó
mình có sự an lạc, hạnh phúc. Trong khi chải răng tôi mỉm
cười, tôi nói đức Thế Tôn chải răng thanh thản thì mình cũng
chải răng thanh thản như thế. Khi tôi súc miệng hay làm vệ
sinh cũng vậy, tôi làm rất thanh thản. Những điều này mình
phải thực tập mỗi sáng. Thức dậy miệng mỉm cười liền:
Thức
dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời
Mình có
hăm bốn giờ mỗi ngày để sống và mình quyết sống thế nào để hăm
bốn giờ đó có an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc. Khi mình đi vệ
sinh, mình súc miệng, rửa mặt, mình tập làm thế nào để có an
lạc, có thảnh thơi, có hạnh phúc trong những giây phút đó. Nếu
làm được ba bốn ngày, tự nhiên thân tâm lắng dịu trở lại. Vì
vậy cho nên, vấn đề không phải là lý thuyết, mình có thể
khuyên anh nhiều câu, nhưng nếu anh không thực tập áp dụng
những điều căn bản mà mình đã học trong ngày thứ nhất và thứ
hai thứ ba của khóa tu thì những lời khuyên đó không có ích
lợi. Đề nghị anh về nghe lại bài giảng của những ngày đầu,
ngày thứ hai, thứ ba. Anh có thể nghe nhiều lần và đem ra áp
dụng liền. Nắm cho được hơi thở, nắm cho được bước chân, nắm
cho được những cảm xúc, cảm giác thì tự nhiên sẽ có thay đổi
và anh sẽ nhìn đời bằng con mắt trầm tĩnh hơn, yêu đời hơn và
có thể làm hạnh phúc cho người yêu, làm hạnh phúc cho bố mẹ.
Chúc anh có nhiều may mắn.
Phật ra
đời đâu phải để làm cho con khổ
-
Con theo đạo Phật, người con thương theo đạo Thiên chúa. Trở
ngại để con và người ấy đến với nhau là vấn đề theo đạo. Xin
thầy nói cho con biết, liệu con và người ấy có đến được với
nhau và có hạnh phúc được không? Cả gia đình người ấy đều là
người rất sùng đạo, muốn người ấy lấy người theo đạo Thiên
chúa mà thôi.
- Đây
là bi kịch mà tuổi trẻ gánh chịu bao nhiêu năm rồi. Bố mẹ
không muốn mình lấy người kia, người theo đạo khác, hôn nhân
dị giáo.
Trong
một chuyến đi hoằng pháp tại Đại Hàn, ở đó lần đầu tiên có một
buổi họp giữa những người Cơ đốc giáo và Phật giáo. Tôi có
tham dự ngày tu đó. Có các bà xơ, các ông cha, các mục sư và
cả các thầy, các sư cô của Phật giáo tham dự. Người ta đã nêu
ra vấn đề hôn nhân dị giáo. Tôi có nói, đạo Phật ra đời cho
người ta bớt khổ chứ không phải như rào cản làm cho người ta
khổ. Ngày xưa có người đệ tử yêu một người Công giáo và gia
đình không cho cô ấy lấy người con trai Công giáo. Bên Công
giáo cũng bắt buộc nếu cưới cô này thì cô này phải theo Công
giáo. Khi hỏi các thầy, các sư cô thì cũng không ai chịu để cô
này theo đạo Thiên chúa. Khi cô ấy đến hỏi tôi thì tôi có cái
nhìn khác. Tôi nói đạo Phật ra đời đâu phải để làm cho con
khổ. Con muốn lấy người Thiên chúa giáo thì con cứ lấy đi.
Nhưng nếu con thấy được cái hay cái đẹp của đạo Phật thì con
gắng giữ lấy. Giữ bên ngoài không được thì giữ trong trái tim.
Đức Phật rất từ bi, ngài không cần đến hình thức. Nếu mình tin
ngài, thương ngài, mình học theo hạnh từ bi của ngài thì trái
tim là đủ rồi. Người đó rất là mừng vì lần đầu tiên có một
thầy cho phép. Nhưng vài ngày sau, cô ta tới, khóc và nói:
cái đạo đẹp như thế mà bỏ đi thì con không phải là con người.
Thôi con không lấy chồng nữa. Rắc rối như thế đó!
Tại
khóa tu ở Đại Hàn lần đó tôi có nói thế này, tại sao mình
không đi đến quyết định để bên này bên kia được lấy nhau với
điều kiện người nào giữ đạo của người đó. Thương ai, mình
thương tất cả những gì thuộc về người đó. Không thể nói, tôi
thương em, chỉ thương phần này thôi chứ không thương phần kia.
Thương thì thương luôn cả tông chi họ hàng, phải không? Nếu
tình thương không được như vậy, tình thương đó chưa phải là
tình thương lớn. Mình đòi hỏi tình thương lớn. Vì vậy tôi đề
nghị người nào cứ giữ đạo của người đó. Ngày chủ nhật hai
người đi nhà thờ hết. Người này học được truyền thống tôn giáo
mới nhưng vẫn giữ tôn giáo của mình. Ngày rằm mồng một cả hai
cùng đi chùa. Thay vì có một gốc rễ tâm linh, thì mình có hai
gốc rễ. Một cây có hai gốc rễ thì vững hơn. Vì vậy cho nên
mình không kỳ thị.
Tôi đã
viết những cuốn sách về sự đối thoại giữa đạo Phật và đạo
Ky-tô. Sách của tôi bán rất chạy. Tôi viết cuốn Living
Buddha, Living Christ, dịch là Phật ngàn đời, Chúa ngàn đời.
Cuốn sách đó bán chạy lắm ở bên Tây phương. Tôi nêu ra
những cái đẹp của Phật giáo, của Thiên chúa giáo. Tôi nghĩ
rằng hai cái đẹp đó có thể đi đôi và bổ túc cho nhau. Người
Thiên chúa giáo đọc sách đó rất nhiều. Nhiều người Thiên chúa
giáo kỳ thị, không muốn học hỏi đạo Phật nhưng khi thấy những
cuốn sách, cuốn thứ nhất là Bụt ngàn đời, Chúa ngàn đời,
cuốn thứ hai là Bụt và Chúa là hai anh em thì họ tò mò
lắm. Họ muốn biết người phật tử nói gì về đạo của họ nên họ
mua để đọc. Khi họ đọc, họ có cơ hội hiểu thế nào là đạo Phật.
Nó hay như vậy đó. Tôi nhận được những lá thư của các bà xơ,
các ông cha trong tu viện kín viết cám ơn tôi. Tại vì trong tu
viện kín nhiều khi có những bức xúc, những cái kẹt, mà họ tháo
gỡ không được. Những cuốn sách tôi viết giúp tháo gỡ được cho
họ rất nhiều. Họ lấy đi những thành kiến xưa nay của họ về đạo
Phật.
Cuốn
đầu là Living Buddha, Living Christ dịch là Phật
ngàn đời, Chúa ngàn đời.
Cuốn
thứ hai là Go home, Buddha and Christ are brothers.
Về đi thôi, Bụt và Chúa là hai anh em -chứ không phải là
hai kẻ thù đâu- Hai cuốn sách đó bán rất chạy ở Tây phương,
best seller, dịch ra nhiều thứ tiếng, đã giúp hai bên tới
với nhau rất dễ dàng.
Tôi
đề nghị anh với chị cứ cưới nhau đi. Mỗi người giữ đạo của
mình và học thêm đạo của người kia. Học hết lòng, vì ở trong
mỗi đạo có châu báu riêng có cái hay riêng. Nó khác nhau nhưng
nó có cái hay riêng. Trái cam và trái xoài tuy khác nhau nhưng
nó có vị ngon ngọt riêng của nó. Nếu mình chỉ ăn cam, rồi nói,
tôi đã ăn cam rồi, tôi không thể nào ăn xoài được, thì rất
là quê. Tôi chỉ học đạo Phật thôi, tôi không cần biết đạo
Thiên chúa, rất là quê. Khi nói như vậy, mình không phải
là phật tử giỏi, vì đức Thế Tôn rất cởi mở, rất là bao dung.
Còn mình giữ thái độ hẹp hòi, mình chưa phải là phật tử giỏi.
Mình phải mở rộng ra, học đạo này, đạo kia cho biết. Thí dụ
người con gái là phật tử, mình yêu chồng thì ngày chủ nhật
mình đi nhà thờ với chồng. Mình cũng dự thánh lễ, mình cũng
nói ý kiến của mình. Nếu mình muốn học hỏi thêm thì kiến thức
của mình càng lớn. Đạo Phật của mình nhiều khi nó hay hơn nữa
khi mình so sánh với những đạo khác. Ngày rằm, mồng một, anh
chồng cũng đi chùa và vào lạy Phật. Cũng học tam
quy, ngũ giới, bát chánh đạo, tứ diệu đế. Anh chồng sẽ học
được những cái mới và như thế hai người đều có lời hết. Sinh
con ra thì để cho nó theo cả hai bên như vậy thì hòa bình, đâu
có vấn đề gì với nhau.
Tôi
có nói với các bà xơ, các ông cha, các mục sư, các thầy, các
sư cô ở Đại hàn rằng, chúng ta hãy ngồi xuống đi và đúc kết
thành văn bản để giúp cho người trẻ được yêu nhau, được sống
với nhau dưới tinh thần cởi mở bao dung đó. Nếu chúng ta cần
một trăm năm để thành công thì chúng ta cũng nên làm, tại vì
tuổi trẻ đã đau khổ hằng trăm năm nay rồi. Vì vậy lập trường
của chúng tôi là cho phép hai người trẻ yêu nhau, cưới nhau,
với điều kiện, người nào cũng có quyền giữ đạo gốc của mình và
có cơ hội học thêm đạo của người yêu nữa.
Năm
ngoái khi tới thăm nhà thờ Phát Diệm, tôi đã gặp một số các vị
linh mục. Chúng tôi đã nêu vấn đề đó ra. Các vị nói họ có thể
chấp nhận được những vấn đề tôi đề nghị. Nhưng vấn đề không
phải chấp nhận bằng miệng mà giáo hội nên có những văn bản rõ
ràng cho phép những người có đạo khác nhau, có thể cưới nhau
và giữ đạo gốc của mình. Được như vậy thì rất là hay. Nếu quý
vị viết thư cho chùa hay cho nhà thờ thì nên nói lên ý đó. Nên
nói rằng, để chấm dứt tình trạng khổ đau của người trẻ, xin
các vị lãnh đạo tôn giáo nên đi đến kết luận càng sớm chừng
nào càng tốt chừng đó cho tuổi trẻ chúng tôi.
Ăn
chay khỏe mạnh và ít đem độc tố vào trong người
-
Người con được sinh ra bởi người mẹ ăn chay trường kỳ.
Vậy về sức khoẻ, người con có được đầy đủ chất, khỏe hơn hay
dễ bị nhiễm bệnh hơn so với những trẻ có mẹ ăn thịt cá bình
thường?
-
Mình cần đến kiến thức của những nhà Dinh dưỡng học. Ăn chay
mình cũng cần những kiến thức về dinh dưỡng để thức ăn có đủ
chất bổ dưỡng. Theo kinh nghiệm của nhiều người, ăn thịt độc
lắm, nhất là những thứ thịt được chế tạo bởi những thức ăn
không lành mạnh, chẳng hạn như dùng hormon làm cho con bò
chóng lớn. Giới thanh niên, trí thức ở Tây phương lúc này ăn
chay nhiều lắm. Họ ăn chay không phải vì họ theo đạo mà ăn
chay đâu, nhưng vì họ biết ăn chay khỏe mạnh và ít đem độc tố
vào trong người hơn. Ăn chay có thể rất ngon, nhưng cái ngon
không chưa đủ. Mình cần chăm sóc như thế nào để có đủ chất bổ
dưỡng khi mình ăn chay. Chúng ta cần những cuốn sách, những
buổi hội thảo, những buổi pháp đàm để chúng ta có kiến thức
đầy đủ về vấn đề ăn chay. Riêng tôi, đã thấy nhiều vị ăn chay
mà sống trên một trăm tuổi, một trăm hai mươi tuổi là bình
thường. Thức ăn của họ rất đơn giản, họ ít bệnh tật lắm.
Cách
ăn cũng vậy, rất quan trọng. Cũng một khúc bánh mì đó, một bát
cơm đó nhưng cách mình nhai, mình nuốt nó cho mình tiếp thu
nhiều hay ít chất bổ. Nhai kỹ, nước bọt thấm vào thức ăn rồi
nuốt vào thì những chất dinh dưỡng đi vào ruột gấp mười lần so
với nhai sơ rồi nuốt. Trong khi ăn mình đừng lo lắng, mình chỉ
ăn vừa phải thôi. Ăn theo cách đó thì lượng thức ăn tuy ít
nhưng chất dinh dưỡng mình tiếp nhận nhiều hơn, mình ít bệnh.
Chuyện không lo lắng, sầu muộn rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng
đã có nhiều sách nói về vấn đề này, sách tiếng Việt cũng như
tiếng nước ngoài. Chúng ta có thể thỉnh thoảng mời những vị
giáo sư về dinh dưỡng học về nói chuyện về vấn đề ăn uống với
chúng ta. Điều này chúng tôi cũng đã làm ở bên Pháp, bên Mỹ.
Hiện giờ các thầy, các sư cô ở các tu viện thuộc làng Mai bên
Pháp, bên Mỹ đã bỏ những sản phẩm có gốc từ động vật. Chúng
tôi không ăn sữa, phô mai, bơ nữa… chúng tôi chỉ ăn những sản
phẩm thuần túy thực vật nhưng chúng tôi vẫn khỏe mạnh như
thường. Thức ăn của chúng tôi cũng rất ngon, tại vì chúng tôi
muốn cống hiến cho trái đất cơ hội. Quý vị biết Liên Hiệp Quốc
đã báo cáo, rằng chúng ta phải giảm bớt kỹ nghệ chăn nuôi năm
chục phần trăm thì mới cứu được trái đất. Vì vậy cho nên chúng
ta phải bớt chuyện ăn thịt lại, ít nhất là năm chục phần trăm.
Cái này đưa tới sức khỏe cho con người và sức khỏe cho hành
tinh của chúng ta. Trong kinh nói con người được làm bằng chất
liệu không phải con người. Môi trường chúng ta, trong đó có
các loài động vật, thực vật, khoáng vật, nếu bị ô nhiễm thì
con người cũng bị ốm đau. Vì vậy ăn trong chánh niệm là phương
thức để cứu con người, để cứu trái đất và ăn chay có khoa học,
có phương pháp sẽ đem lại sức khỏe cho con người và sức khỏe
hành tinh của chúng ta. Đây là vấn đề cần nghiên cứu và học
hỏi thêm. Các bạn vừa tiếp nhận ba quy và năm giới nên cố gắng
bớt ăn thịt năm chục phần trăm. Đó là tình yêu, tình yêu của
mình ôm lấy cả trái đất.
Gieo
hạt từ bi, giữ gìn đất mẹ
-
Khi một phật tử trẻ xuất gia nhất tâm tu học, mà không được sự
đồng ý của cha mẹ và gia đình, thì người phật tử đó có vi phạm
đạo hiếu của người con hay không? Xuất gia có phụ thuộc vào
tướng số hay không?
-
Ngày xưa, Siddhatta xuất gia không được sự đồng ý của bố mẹ,
vua Tịnh-phạn và hoàng hậu Ma-gia. Hoàng hậu Ma-gia thì đã
tịch nhưng vua Tịnh-phạn đâu muốn thái tử đi xuất gia, phải
không? Ngài
phải trốn mà đi xuất gia. Nhưng Đức Thế Tôn đã trở về, sau khi
thành đạo và độ được cho cha, độ được cho gia đình. Vì vậy cho
nên không thể nói rằng đức Thế Tôn không có hiếu. Tuy người
xuất gia không đem tiền bạc về nuôi cha mẹ, nhưng người xuất
gia có thể nuôi cha mẹ bằng tâm linh. Tôi thấy người xuất gia
nào tu thành công thì gia đình được thừa hưởng hết. Có những
người đi xuất gia không được bố mẹ đồng ý và giận một hai năm
không nói chuyện. Nhưng nếu người con tu thành công thì sau
này bố mẹ rất hãnh diện về con mình và cùng đến chùa tu ba
tháng, năm tháng rất là hay. Ban đầu tuy có khó khăn nhưng về
sau thường tốt đẹp. Bố mẹ thường nghĩ, đi xuất gia là khổ và
sống đời sống khổ hạnh, buồn tẻ không được vui chơi và đánh
mất tuổi trẻ của mình. Nhưng như vậy là lầm. Vô tới chùa thấy
các thầy, các sư cô tu học tươi mát, hạnh phúc thì bố mẹ sẽ
không còn nghĩ như vậy nữa. Thành ra nếu bố mẹ chưa đồng ý thì
tìm cách mời bố mẹ tới chùa. Tới chùa nào có các thầy, các sư
cô trẻ có hạnh phúc, đang có khả năng giúp đời độ người, có
chí hướng lớn thì bố mẹ sẽ thay đổi lập trường và sẽ cho mình
đi xuất gia.
Ngày
xưa tôi cũng làm như vậy. Tôi tìm cách để bố mẹ cho phép tôi
đi xuất gia bằng những phương tiện khéo léo dù mình mới mười
sáu tuổi nhưng mình cũng đã có thể làm những việc đó rồi. Mình
chỉ xuất gia khi thấy nếu không xuất gia, thì không chịu nỗi.
Phải muốn hơn một trăm phần trăm mới được, như Siddhatta thì
mới nên đi xuất gia. Chứ mới chín mươi phần trăm thì chưa nên
đi xuất gia. Bởi vì xuất gia phải có một chí hướng rất lớn.
Mình xuất gia không phải vì trốn đời, mà muốn đi vào đới, giải
quyết khổ đau khó khăn của mình trước rồi sau đó đi vào cuộc
đời để giúp đời giúp người. Như vậy cần phải có nghị lực rất
lớn. Nếu gặp khó khăn ngoài đời mà mình chùng bước thì đừng
nên xuất gia, tại vì đi vào bên trong đời sống xuất gia có thể
khó, cần một năng lượng, ý chí lớn mới thành công được.
Nói
rằng đi xuất gia nhưng kỳ thực mình đi vào một gia đình mới,
có anh có chị, có em, có thầy hướng dẫn bảo hộ mình, nuôi
dưỡng mình trên con đường đạo, mình có thể có hạnh phúc lắm.
Tình thầy trò, tình huynh đệ cũng nuôi dưỡng mình lắm. Vì vậy
đi xuất gia mình được bao bọc bởi tình yêu, tình thương, không
phải cô đơn như bố mẹ mình tưởng đâu. Xuất gia không phải là
trốn đời, mà chuẩn bị đi vào đời để giúp đời. Phải có ý chí
rất lớn, mới được. Vì vậy, muốn đi xuất gia chín mươi phần
trăm chưa đủ đâu, phải hơn một trăm phần trăm, mới nên đi.
-
Tuổi con, tuổi ba mươi dường như con đang có mọi cái. Con là
giảng viên Đại học, ba mẹ con hiểu tất cả những cái mà con
muốn làm và luôn luôn ủng hộ, trừ ý định xuất gia của con. Mặc
dù con đã có ý định này rất lâu, từ trước đây cả mười bốn năm,
khi con mới mười bảy, mười tám tuổi. Nhà con chỉ có hai chị em
gái, chị gái con thì không lấy chồng. Bây giờ mọi người trong
bà con nội ngoại đều muốn con lấy chồng, mọi kỳ vọng đều dồn
vào con. Con thì chỉ muốn phụng sự đức Phật. Con nên làm thế
nào để thuyết phục gia đình, dòng họ và bạn đồng nghiệp của
con. Khi con vừa mới hé mở ý định đi tu thì thầy trưởng khoa
của con cũng nói rằng, đấy là một ý định điên rồ, vì con được
học hành tử tế, không có gì phải làm như thế, mặc dù con hiểu
đấy là chân lý của con.
-
Ngày xưa có những ông vua đi xuất gia. Việt Nam mình có vua
Trần Nhân Tông đi xuất gia, có sao đâu. Vua đã làm vẻ vang cho
cả nước. Siddhatta cũng là một vị hoàng tử bỏ ngôi vua đi xuất
gia, tại vì họ muốn thương yêu, muốn làm việc gì lớn, nên phải
tránh cuộc đời. Chúng ta biết có nhiều bậc cha mẹ quan niệm
sai lầm về việc xuất gia. Họ nghĩ có thất bại trong cuộc đời
mới nên đi xuất gia. Nghĩ như vậy thì oan lắm. Oan cho đức
Phật và oan cho giáo đoàn. Xuất gia là vì có lý tưởng lớn,
nguyện vọng lớn mới đi xuất gia chứ đâu phải thất bại trong
cuộc đời mới đi xuất gia. Vì vậy cần giúp bố mẹ điều chỉnh
nhận thức đó. Với lại nghĩ rằng đi xuất gia thì đời sống thiếu
niềm vui, điều này rất trật. Mấy ngày qua quý vị đã học sự
thực tập của mình đem niềm vui tới mỗi hơi thở, mỗi bước chân,
có an và có lạc. Tu đúng theo pháp môn thì giây phút nào cũng
an cũng lạc hết. Vì vậy mình phải khai thị, phải giúp bố mẹ
thấy được. Chỉ khi nào thấy được thì mới thay đổi ý kiến mà
thôi.
Mình
không nên đi xuất gia để phụng sự đức Phật. Đức Phật đâu cần
mình phụng sự. Mình chỉ nên phụng sự chúng sinh thôi. Đức Phật
đâu có gì đau khổ mà mình cần phụng sự ngài. Chỉ có chúng sinh
mới khổ đau và cần đến mình. Đức Thế Tôn đã khởi xướng một sự
nghiệp rất lớn, một sự nghiệp tinh thần đạo đức. Sự nghiệp của
ngài thành công rất lớn và bây giờ có hằng trăm triệu người
đang đi trên sự nghiệp đó, gieo rắc tình thương, giữ gìn trái
đất. Đó là lý tưởng của đức Thế Tôn. Gieo hạt từ bi, giữ
gìn đất mẹ, tại vì trong cuộc đời họ gieo hạt hận thù, hạt
đam mê, hạt tuyệt vọng vì vậy cuộc đời có nhiều khổ đau. Mình
đi theo con đường của đức Thế Tôn, mình gia nhập vào sự nghiệp
của ngài, cuộc đời của mình chỉ dùng vào một việc, gieo hạt
thương yêu, gieo hạt từ bi, gieo hạt hạnh phúc và giữ gìn đất
mẹ.
Nếu
mình muốn bố mẹ yểm trợ mình phải tìm mọi cách điều chỉnh lại
nhận thức của bố mẹ về sự xuất gia. Ví dụ như mời bố mẹ vào tu
viện Bát Nhã xem các thầy, các sư cô tu học như thế nào, giúp
đời độ người như thế nào. Có những người mới có hai mươi tuổi
thôi mà đã giúp được không biết bao nhiêu người với sự tươi
mát, sự thành công của mình. Đâu cần phải tu năm bảy năm mới
giúp đời được, chỉ cần tu sáu tháng là đã giúp được người,
giúp các thầy các sư cô lớn tổ chức những khóa tu như thế này.
Cách đi đứng nằm ngồi tỏa chiếu sự an lạc, gây niềm tin cho
người khác. Chỉ cần một sư cô trẻ, một thầy trẻ đi những bước
chân cho vững chãi, thảnh thơi, an lạc, người ta nhìn vào đó
người ta có niềm tin nơi Phật pháp chứ không phải lên thuyết
pháp người ta mới thấy được Phật pháp. Chúng ta thuyết pháp
bằng cách chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, uống nước, trò
chuyện có bình an, có thảnh thơi, có hạnh phúc. Vì vậy cho
nên, tu độ vài ba tháng mà thành công là độ đời được rồi. Chứ
không phải như bác sĩ. Học mười năm xong mới tốt nghiệp, làm
bác sĩ y khoa chưa giỏi đâu, phải hành ngề vài chục năm mới
thực sự giỏi. Trong khi đó giáo pháp của đức Thế Tôn không cần
thời gian. Nếu mình biết thở vào cho đúng thì khỏe liền trong
khi thở vào. Thở ra nhẹ thì khỏe liền khi thở ra. Nó không cần
thời gian, gọi là vượt thắng thời gian. Thầy chúc con
may mắn, làm sao giúp bố mẹ thấy được sự thực.
-
Kính thưa Sư ông, con rất ngưỡng mộ đời sống của người tu sĩ.
Con thành tâm xin Thầy giảng giải cho con điều kiện để xuất
gia vì hiện giờ con chưa có gia đình. Cuộc sống của người tu
sĩ phải chính thức đi theo con đường nào, học Phật như thế
nào? Cuộc sống của người tu sĩ có những khó khăn và khác với
người cư sĩ như thế nào?
-
Theo cách thông thường là mình là mình phải tới chùa ở vài ba
tháng để quan sát để xem thử đời sống ở chùa có phù hợp với
mình hay không. Các thầy thức dậy rất sớm, ngồi thiền tụng
kinh. Mình có làm được như vậy hay không? Các thầy thực tập
nghiêm mật trong từng bước chân, từng hơi thở. Mình có thích
làm vậy hay không? Các thầy có tâm niệm giúp đời mình có muốn
giúp không? Đi tu không phải cho riêng mình mà đi tu cho gia
đình, cho dòng họ, cho đất nước, cho quê hương. Mình phụng sự
cho tất cả. Cũng như khi lập gia đình, mình phải tìm hiểu
người đối tác của mình, mình phải biết anh đó, cô đó, tính khí
thế nào. Đi tu cũng vậy, mình phải đến ở chùa ba tháng, sáu
tháng để quan sát xem thử đây có phải là nếp sống mà mình muốn
tiếp nhận hay không, và cũng để các thầy, các sư cô xem người
này có hạt giống của người xuất gia hay không? Hai bên phải
đồng ý mới được. Đồng ý đơn phương thì cũng không được. Mình
phải ở lại ba tháng sáu tháng, các thầy các sư cô thấy mình có
hạt giống của người xuất gia hay không? Khi mình làm đơn xin
phép được xuất gia thì người ta sẽ họp lại người ta nói Yes
hay là No nhưng người ta có thể nói chưa Yes
nhưng cũng chưa No. Chưa No nhưng mà cũng chưa
Yes, thì mình phải ở thêm để chứng tỏ mình có khả năng hòa
hợp an vui trong chúng. Nếu mình là người khó tính, mình không
có khả năng hòa hợp với những người khác, thì mình không được
xuất gia đâu. Vì vậy, hai bên đối tác phải tìm hiểu nhau và
mình có cơ hội tìm hiểu nếp sống của người xuất gia, các thầy,
các sư cô trong chùa có cơ hội tìm hiểu mình có hạnh phúc
trong đời sống xuất gia không? Đó là điều kiện thứ nhất.
Cố
nhiên mình phải học nhiều năm. Mình phải làm sa di, sa di ni
ít nhất là ba năm sau đó mình mới được thọ giới lớn để làm
thầy hay sư cô. Mình học nhiều năm giáo lý và phương pháp thực
tập, đi theo các thầy các sư cô tổ chức các khóa tu để học
hỏi, lắng nghe những khổ đau của cuộc đời, quán sát xem các
thầy, các sư cô giúp đỡ như thế nào để bắt chước như một sinh
viên y khoa đi theo các bác sĩ y khoa vào trong bệnh viện để
chẩn bịnh, để học hỏi cách đối trị chứng bệnh đó. Mình được
đào tạo như vậy trong nhiều năm mới trở thành một vị tu sĩ
giỏi giúp đời được. Theo truyền thống của chúng tôi khi đã
xuất gia, mình không sống riêng một mình nữa. Mình sống cùng
tăng đoàn, mình làm việc chung với tăng đoàn, không sống riêng
lẻ một mình một cõi. Vì vậy mình được tăng đoàn bảo hộ. Đi đâu
ít nhất cũng có hai người. Khi tổ chức một khóa tu để giảng
dạy mình đi nhiều người. Ở trong chùa rất là khác, mình không
có laptop riêng, không có xe hơi riêng, không có xe máy riêng,
không điện thoại riêng, tất cả thuộc về chùa hết. Mình chỉ có
thân của mình thôi. Mình có quyền sử dụng những tiện nghi đó
của chùa, mình cũng không có trương mục ngân hàng riêng. Mình
hoàn toàn hai tay trắng nhưng mình rất giàu. Đi tu là như vậy
đó. Không có cái gì hết nhưng mà có tất cả. Ví dụ mình giúp
thầy để tổ chức một ngày tu thì mình có thể sử dụng máy tính
của chùa được. Hoặc mình được giao cái điện thoại để làm việc.
Nhưng cái máy tính đó, xe hơi đó, điện thoại đó, thuộc về của
chùa không thuộc về mình. Đi tu là như vậy. Thời thơ ấu trong
quá khứ mình có những khó khăn với bố với mẹ thì trong thời
gian tu tập mình có thể có khó khăn với thầy, với các sư anh
sư chị. Mình tiến bộ chậm hơn những người khác, tùy theo
người. Có
người tu rất là mau, là dễ. Có người phải lận đận lao đao mới
vượt thoát được nhưng khi vượt thoát được rồi mình sẽ trở nên
cứng cáp để giúp đời.
Gọi
tên cái sợ
- Thưa thầy
con là sinh viên năm thứ nhất trường kinh tế. Thú thật năm thứ
nhất đối với con, con thấy một số môn học mà con không thích
một tí nào cả.
Thậm chí rất sợ. Con có nghe thầy khuyên khi sợ thì
hãy chánh niệm nhận diện nó thì sẽ bớt cái sợ của mình. Con
tuy đã chánh niệm nhưng vẫn sợ, có lẽ do cách chánh niệm của
con không có tốt lắm mà thực sự bây giờ con đang gặp một số
khó khăn rất lớn trong học hành. Con xin thầy cho con lời
khuyên nào đó để nhận diện nỗi sợ hãi trong môn học của con.
Xin cảm ơn Thầy.
- Mình sợ nhưng
trước hết mình phải hỏi mình sợ cái gí? Sợ người ta chê, sợ bị
bỏ rơi, luôn luôn phải có cái gì để sợ. Sợ con đường xa, sợ
khó khăn hay sợ cái gì? Yêu luôn luôn là yêu cái gì ? Buồn là
buồn cái gì. Mình cũng phải gọi tên cái sợ của mình ra. Con sợ
cái gì bây giờ ?
- Con thưa
thầy hình như con sợ thất bại. Con đã cố gắng học, đã cố gắng
chăm nhưng không hiểu sao mỗi lần làm kiểm tra con lại không
được điểm cao, con có cảm giác bất lực. Thực sự con luôn cố
gắng, không bao giờ bỏ cuộc, có nghĩa là bài kiểm tra này kém,
tiếp tục bài kiểm tra khác, và thực sự con không biết đường đi
của mình thế nào cho thoát khỏi.
- Sợ hãi là một
đề tài rất lớn. Trước hết là mình sợ mình không thành công,
không hơn người, không bằng người, sợ thua người. Chúng ta
người nào cũng có những hạt giống của tài năng mà tổ tiên để
lại. Chúng ta không có tài năng về cái này nhưng có tài năng
về cái khác. Không ai là không có tài năng. Vấn đề là có ai
giúp mình khám phá tài năng của mình hay không ? Đôi khi ngành
này không phải là ngành của mình. Đôi khi mình học mà mình
không thích vì ngành này không phải là ngành của mình. Thành
ra phải nhìn lại mình và nhờ bố mẹ giúp mình nhìn lại xem thử
mình có tài năng, thích thú về ngành nào. Thế nào cũng sẽ có
một ngành mình thích. Nếu được đi theo ngành mình thích thì
mình sẽ có sự say mê. Sự thích thú đó nó làm cho mình không bị
sợ hãi. Điều này rất là quan trọng. Không ai là không có tài
năng. Cho nên mình tự khám phá hoặc nhờ người khác khám phá
xem thử tài năng của mình mình đi vế hướng nào, mình khai thác
hướng đó. Nếu là bố mẹ giỏi, mình có thể khám phá tài năng con
mình từ hồi nó mới ba bốn tuổi để hướng dẫn cho nó. Mình cũng
vậy, phải sống có chánh niệm, quán sát người chung quanh, quán
sát chính mình. Có những lúc mình đâm ra thích thú một cái gì
đó. Mình có cảm tưởng nếu mình được đi theo con đường đó, nếu
mình được học hỏi trao dồi về phương diện đó thì mình sẽ hạnh
phúc. Lúc đó mình đã tìm được tài năng của mình. Mình không
cần làm giống như những người khác. Mình có thể khác và chính
cái khác đó làm cho mình hạnh phúc. Vấn đề là mình tìm được
con đường của chính mình. Vì vậy cho nên mình cần thực tập
nhìn sâu và lắng nghe. Nhìn sâu vào mình và lắng nghe chính
mình. Coi thử trong chiều sâu của mình, mình ước mơ cái gì,
mình muốn cái gì. Khi tìm ra được rồi thì mình sẽ nói với bố,
với mẹ, chính con đường đó, cái hướng đó, mình muốn đi theo.
Còn nếu không thì cái sợ cứ đi theo. Tại sao mình phải làm
việc mà mình không thích. Môn này mình không thích học, tại
sao mình phải học. Ví dụ bắt tôi làm thủ tướng, tôi sợ lắm.
Đang làm thầy tu sung sướng như thế mà phải làm bộ trưởng, làm
thủ tướng thì khổ lắm. Có nhiều người ưa làm thủ tướng, làm bộ
trưởng nhưng thầy Nhất Hạnh rất sợ chuyện đó. Mỗi người chúng
ta có một con đường, mỗi người có một sở thích và chúng ta
phải tìm ra được con đường của mình, sở thích của mình thì sẽ
không còn sự sợ hãi nữa. Thành công là để làm gì? Thành công
là để hạnh phúc phải không? Nếu thành công mà không hạnh phúc
thì thành công để làm gì? Có bằng cấp để làm gì ? Không có lý
là để có công ăn việc làm, đủ tiền lương, trả tiền nhà, tiền
xăng tiền điện thôi sao ? Nếu cuộc đời như thế thì buồn quá
đi. Mình phải có cái gì thích, mình theo đuổi nó đem lại sự
thỏa mãn cho mình. Khi mình học, vì con người của mình có nhu
yếu tìm hiểu. Các nhà khoa học nghiên cứu vì họ tò mò muốn
hiểu. Thế nên họ thức khuya tìm tòi. Họ đang khao khát tìm
hiểu cái đó. Vì vậy khi mình học một ngành nào, mình phải
thích ngành đó, thì học cái đó mới bổ. Còn ghét cái đó thì đó
không phải con đường của mình đi. Mình có nhu yếu tìm hiểu và
thương yêu, hai nhu yếu đó mà thỏa mãn thì mình có hạnh phúc.
Nếu đi trên con đường mà không thỏa mãn được nhu yếu hiểu và
thương thì đâu có hạnh phúc được. Cho nên phải đặt lại vấn đề
là con đường này có phải là con đường mình muốn đi hay không?
Đêm nay con thức để con suy nghĩ chuyện đó đi. Cám ơn con.
An
trú trong hiện tại
- Con kính
thưa Sư ông. Đến chùa con được nghe các thầy và các sư cô dạy
rất nhiều về cách ăn thiền, ngồi thiền, thở thiền và đi thiền.
Hầu như mọi tư thế, mọi hành động con đều có thể thực hiện
được nhưng riêng việc đi thiền con không thể nào chú tâm như
các thầy dạy, là không nghĩ về quá khứ tương lai. Mỗi lần đi
thiền con cứ nhớ về người em đã khuất của con, lòng con cảm
thấy đau khổ và mất mát rất nhiều. Song càng cố gắng con lại
càng không thoát ra khỏi. Vậy con xin sư ông cho con một lời
khuyên.
- Chúng ta thường
không biết trân quý những gì mình đang có và đến khi cái đó
mất rồi, chúng ta mới tiếc. Có một ông bác sĩ trẻ định nghĩa
hạnh phúc như thế này, hạnh phúc là cái gì khi đang có thì
không biết nó đang có, chỉ khi nào nó mất thì mình mới biết nó
đã có. Đó là bi kịch của con người. Tu có nghĩa là nhận diện
được những điều kiện hạnh phúc. Ví dụ mắt mình đang còn sáng,
mình phải hạnh phúc với cái đó. Trái tim của mình chưa có vấn
đề, mình phải hạnh phúc với cái đó. Hai chân mình khỏe mình có
thể chạy, nhảy được. Bố mẹ mình còn sống, phải biết tận hưởng
sự có mặt của bố mẹ… Có không biết bao nhiêu điều kiện của
hạnh phúc mình đang có mà mình cứ phóng tâm vào quá khứ, phóng
tâm vào tương lai, thì mình bỏ mất sự sống. Cho nên phương
pháp của Bụt dạy là an trú trong hiện tại, trở về hiện
tại để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mình đang có. Mỗi
bước chân, mỗi hơi thở đem mình về với hiện tại để mình thấy
mình đang hạnh phúc, đang có những điều kiện của hạnh phúc.
Mình không cần tìm những điều kiện đó trong quá khứ hay tương
lai. Khi người thân của mình đang sống thì mình phải chú ý đến
người đó. Mình phải nói những câu nói, phải làm những hành
động để người đó có hạnh phúc ngay ngày hôm nay. Đừng để người
đó chết rồi mới tiếc nuối và nói khổ chưa!
Khi người đó đang
sống mình đã không nói một lời dễ thương, mình đã không có cử
chỉ dễ thương và quá khứ trở thành ngục tù của hối hận. Mình
mất đi một người thân, nhưng mình còn nhiều người thân khác.
Mình phải học bài học từ quá khứ. Nếu trong quá khứ mình đã
không để ý và thừa hưởng sự có mặt của người đó, thì bây giờ
mình có những người thân khác, mình phải trân quý những người
còn lại. Mình phải biết nói những câu nói, những cử chỉ thương
yêu để sau này nếu người đó không còn thì mình không bị hối
tiếc nữa. Đó là thái độ khôn ngoan của chánh niệm. Chánh niệm
là khả năng giúp mình nhận diện những gì đang có để mình có
thể trân quý trong giây phút này, nó đem lại cho mình hạnh
phúc. Tập như vậy rồi thì mình biết trân quý những gì đang có
trong hiện tại, nó có tính cách nuôi dưỡng, có tính cách trị
liệu và mình không bị giam hãm trong ngục tù sự hối hận của
quá khứ. Trong giây phút hiện tại, có những người đang sống
bên mình, mình cần phải chăm sóc và thương yêu. Nếu mình đang
thực sự chăm sóc thương yêu những người đó thì đâu có thì giờ
mà tiếc thương hối hận về quá khứ. Giả dụ như ngày xưa mình đã
vô tình nói một câu gây thương tích cho người kia, người kia
đã mất nên mình không có cơ hội xin lỗi. Ví dụ như ngày xưa có
nói một câu không dễ thương với bà ngoại bây giờ bà ngoại mất
rồi, mình rất hối hận, mình mang theo nỗi khổ niềm đau đó.
Theo phương pháp đạo Phật, mình đừng tiếc nuối, ngồi lại cho
yên và thấy được bà ngoại đang có mặt trong từng tế bào của cơ
thể. Đừng tưởng bà ngoại mất rồi. Bà ngoại thực ra vẫn đang
còn sống trong từng tế bào, và nói, Ngoại ơi, con biết
ngoại đang có trong con. Ngày xưa con dại dột đã nói câu đó.
Nhưng bây giờ con thấy con không dại dột, con hứa với Ngoại từ
nay về sau con sẽ không nói với ai câu nói đó nữa.
Nói xong thì mình
thấy bà ngoại trong mình mỉm cười tha thứ cho mình liền lập
tức. Pháp môn này rất là hay. Người ta nói không thể trở về
quá khứ để hàn gắn, nhưng mình có thể đem quá khứ vào hiện tại
và chữa lại quá khứ. Tương lai cũng vậy, mình đem tương lai
vào hiện tại và thiết kế tương lai, tại vì tương lai được làm
bằng chất liệu hiện tại. Nếu không có hiện tại làm gì có tương
lai ? Cho nên chăm sóc hiện tại tức tạo tác cho mình một tương
lai. Ngồi đó lo lắng sợ hãi tương lai thì vừa làm hư tương lai
mà nó cũng làm hư luôn hiện tại. Vấn đề là phải đem tương lai
về hiện tại, nghiên cứu thiết kế và như vậy mình vẫn an trú
trong hiện tại. Trong hiện tại mình tiếp xúc cho sâu sắc, thì
mình có thể tiếp xúc cả quá khứ và tương lai trong hiện tại.
Hiện tại chứa đựng quá khứ và chứa đựng cả tương lai. Sử dụng
hiện tại với một trăm phần trăm con người mình tức là mình
chữa được quá khứ và xây dựng được tương lai.
Ngày tháng không bằng tính khí
- Con kính
bạch Sư ông, quý thầy, quý sư cô và đại chúng. Con đến đây xin
tham vấn với Sư ông hai câu hỏi : Phong tục tập quán Việt nam
rất khắt khe, rất khó về vấn đề tuổi tác, coi ngày, coi tháng,
coi tuổi trong chuyện tình cảm. Nếu không tốt thì không đến
với nhau được. Theo Sư ông như vậy thì đúng hay sai.
- Ngày tháng theo
thầy không quan trọng bằng tính khí. Nếu tính khí mình hợp
nhau, có thể bổ túc cho nhau thì đủ rồi. Theo đức Thế Tôn thì
ngày nào cũng tốt hết. Mình phải trân quý bất cứ ngày nào, giờ
nào. Ăn thua tâm của mình tốt thì ngày nào cũng tốt, giờ nào
cũng tốt hết. Còn nếu tâm mình xấu thì ngày nào cũng xấu hết.
Đừng tin quá vào lịch kia. Nếu thấy tính khí hợp, thấy sống
với nhau có hạnh phúc, không có hiềm khích, không đổ vỡ mình
đi đôi với người đó, mình hạnh phúc với người đó thì quan
trọng nhất rồi đừng tin quá vào ngày tháng tốt, xấu. Nên coi
thử trái tim mình tốt hay xấu, trái tim người kia, tốt hay
xấu, thói quen của mình tốt hay xấu, thói quen người kia tốt
hay xấu. Cái đó quan trọng hơn nhiều. Nói như vậy có người sẽ
không đồng ý, nhưng đó là sự thực tập của tôi. Ngày chúng tôi
rời Pháp để về Việt Nam, ngày đó trong lịch ghi rất xấu. Nhưng
chúng tôi nói mình đi làm Phật sự, mình đi làm công việc
thương yêu thì ngày nào cũng là ngày tốt hết. Mà quả thật như
vậy, chúng tôi tới đây rất tốt.
Tuổi tác không
quan trọng bằng tính tình hợp nhau. Nếu mình thấy tính tình
hợp nhau thì cái đó tốt rồi. Tuổi tác để phản ánh cái hợp hay
không hợp. Thế nên nếu mình thấy không hợp thì dầu tuổi tác có
hợp cũng không nên. Nhưng nếu tính tình hợp rồi thì dầu tuổi
tác không hợp cũng vẫn đi tới như thường. Phải thực tế, đừng
tin vào những cái trừu tượng. Đừng bộp chộp nóng nảy, phải có
thì giờ tìm hiểu nhau và nếu mình thấy có thể sống với nhau an
lạc hòa bình lâu dài thì cái dó là quan trọng nhất. Nếu tuổi
tác phù hợp thì tốt, nếu không phù hợp thì vẫn đủ cho mình đi
tới như thường.
***
Chúng ta phải
chấm dứt bây giờ đây. Chúng tôi xin báo tin cho quý vị, nhất
là các bạn trẻ, là Thượng tọa Bảo Nghiêm trú trì chùa Bằng A
đã đồng ý mỗi năm chúng ta có thể tổ chức hai khóa tu như thế
này tại đây. Mình có thể mời các thầy, các sư cô ở tu viện Bát
Nhã và tổ đình Từ Hiếu ra cộng tác với các thầy các sư cô ở
chùa Bằng A và chùa Đình Quán để tổ chức những khóa tu như vậy
cho chúng ta. Chúng ta sẽ có cơ hội tiếp tục những gì chúng ta
đã bắt đầu trong những ngày vừa qua. Chúng ta rất biết ơn
Thượng tọa Bảo Nghiêm đã chuẩn bị rất chu đáo cho khóa tu để
chúng ta có cơ hội đến với nhau như một gia đình tâm linh, có
cơ hội tưới tẩm những hạt giống của thương yêu, của hiểu biết.
Mong rằng khi khóa tu chấm dứt, chúng ta trở về tiếp tục
gieo hạt từ bi giữ gìn đất mẹ, tưới tẩm hạt giống thương
yêu nơi mình và nơi những người khác trong gia đình và ngoài
xã hội.
Chúng ta sẽ có cơ
hội gặp lại nhau trong những ngày tu sắp đến. Có thể là chúng
ta có mỗi tháng một ngày tu như thế này và mỗi năm hai khóa tu
như thế này. Chuyện này không tốn kém gì hết. Chúng ta có thể
làm được và nó sẽ đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người.
<<
Bài trước
<<
|