Nhà xuất bản Random House vừa xuất bản “ Last night I dream of
peace: The diary of Đang Thuy Trâm ” do Andrew. X.Pham dịch
từ “ Hồi ký Đặng Thùy Trâm “ với lời đề tựa của Frances
Fitzgerald. Một cuốn sách được promoted khá kỹ từ nhà xuất bản
đến chính quyền Việt Nam hiện tại. Bài đề tựa của một nhà văn
thiên tả Frances Fitzgerald, tác giả của “ Fire in the lake ”
thời phản đối chiến tranh Việt Nam thập niên 1970, của một nhà
xuất bản nổi tiếng là thiên tả Random House cho một cuốn sách
tuyên truyền cho một cuộc chiến phi lý của Cộng sản “ Hồi ký
Đặng Thùy Trâm ” không làm cho tôi bất ngờ. Mà người dịch là
Andrwe.X. Phạm chuyển ngữ một tác phẩm như thế làm tôi ngạc
nhiên. Anh ta là tác giả của “ Catfish and Mandala: A
two-wheeled voyage through the landscape and memory of Viet Nam
” và có người cha là một người tị nạn Cộng sản và chính người
này cũng phụ giúp anh trong công việc chuyển ngữ. Không hiểu anh
nghĩ gì về một cuộc chiến khi dịch tác phẩm này…
Ngày phát hành sách cũng được chọn là chính ngày 11 tháng 9,
ngày mà khủng bố làm sập hai tòa nhà Trung Tâm Thương Mại Thế
Giới ở New York. Tuy nhà xuất bản nói rằng chỉ tình cờ chọn
đúng ngày chứ không phải là cố ý. Nhưng theo tôi, đó là sự cố
tình gây ấn tượng. Cũng như ở Việt nam, các hệ thống truyền
thông đã khua chiêng gõ mõ về cuốn sách này. Trước đây ít lâu,
có một nhà văn người Thái Lan tên là Montira Rato đã dịch Hồi ký
Đặng Thùy Trâm ra tiếng Thái và các báo ở trong nước như Thanh
Niên, Tuổi Trẻ, Nhân Dân,.. đã đề cập đến rất nhiều và tuyên
truyền như một bằng chứng của tiếng vang dội trên thế giới.
Không ai có thể phủ nhận lòng yêu nước chịu hy sinh của Đặng
Thùy Trâm, hay Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Thượng Lân,.. Họ viết
trong sự chân thành từ nguyên bản nhưng khi bị “ biên tập “ thì
lại khác. Họ trở thành những người hô hào người khác hy sinh mà
cho một mục đích nhiều khi mù mờ của những âm mưu chính trị.
Cũng như trong bản dịch của Andrew X. Phạm, những đoạn đề cập
đến quân đội Hoa kỳ cũng được “ biên tập “ lại cho phù hợp với
đường lối chính trị của chế độ bây giờ. Thêm hay cắt xén đi,
nguyên tác đã bị “ biên tập ” từ trước nay lại càng sai biệt.
Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, một cây bút đang sống ở trong nước,
đã nhận xét về Hồi ký Đặng Thùy Trâm và “ Mãi mãi tuổi hai mươi
“ của Nguyễn Văn Thạc như sau:
“ ...Trong cuộc chiến tàn khốc vừa qua dân tộc Việt Nam đã chịu
bao nhiêu hy sinh máu xương, đau thương mất mát và cũng đã xuất
hiện bao nhiêu người anh hùng, nhất là những người trẻ tuổi,
trong đó có Nguyễn Văn Thạc, và Đặng Thùy Trâm. Họ là những
người trẻ tuổi vô cùng trong sáng, yêu nước nồng nàn sẵn sàng
chấp nhân mọi gian khổ hy sinh vì lý tưởng độc lập tự do của tổ
quốc.
Đặc biệt hai cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm gây
xúc động sâu xa vì được viết với một giọng văn tài hoa trữ tình
hoặc giản dị nhẹ nhàng nhưng sâu lắng mô tả hiện thực cuộc chiến
diễn ra ngay trước mắt từng ngày, đi vào những xúc động nội tâm
chân thật, tinh tế đầy chất nhân văn chứ không hề lên gân cường
điệu. Người ta vô cùng khâm phục những con người như thế, không
cần gì phải đợi ai tuyên truyền tung hô. Họ viết nhật ký là viết
cho chính họ trong tâm tình riêng tư và chính vì thế sự chân
thật càng tăng thêm giá trị.
Tuy nhiên đọc kỹ ta sẽ thấy sự chân thật trong sáng của họ cũng
đã bị nhiễm sắc tuyên truyền mà họ không tự biết. Khi họ tự hào
về con người xã hội chủ nghĩa, và giác ngộ giai cấp, căm thù đế
quốc Mỹ xâm lược hăng hái đi vào chiến trường để giải phóng miền
Nam.. có lẽ họ không bao giờ tự hỏi ” Vì sao cuộc chiến ” Câu
hỏi đó đã có sẵn câu trả lời qua công tác tuyên truyền cưỡng bức
toàn thể xã hội của bộ máy toàn trị độc quyền chân lý. Dĩ nhiên
ta không thể trách những người tuổi trẻ bị nhiễm độc tuyên
truyền vì trong hoàn cảnh đó họ không thể ý thức được và cũng
không vì thế mà lòng yêu nước, sự trong sáng và xả thân hy sinh
của họ kém đi giá trị… ”
Chiến tranh Việt Nam đã qua từ hơn 30 năm nay. Nhưng dư âm và
hậu quả vẫn còn trên mọi phương diện từ chính trị đến văn hóa,
từ xã hội đến kinh tế. Một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm
và hàng triệu người lính của hai bên tử trận. Nơi đây là chỗ thử
sức của vũ khí và chiến lược đôi bên cường quốc trong cuộc chiến
tranh lạnh. Có người gọi là cuộc nội chiến, có người gọi là
chiến tranh ủy nhiệm. Cũng như có người cho rằng đây là một cuộc
chiến của những người chống quân xâm lược ngoại bang trong khi
ngược lại có người cho rằng đây là một cuộc chiến tự vệ bảo vệ
tự do ngăn chặn làn sóng đỏ….
Thời gian qua, đã có nhiều cố gắng để truy tìm sự thực của lịch
sử. Những chứng nhân trong vai trò chính khách của mình lột trần
từng phần của lịch sử nhưng không đủ để có một kết luận xác
đáng. Phần đông là chủ quan, cục bộ trong vị trí của mình và đôi
khi là những lời chạy tội đổ thừa trách nhiệm cho người khác.
Những cuốn hồi ký, là một chứng cớ. Về chi tiết, có thể có
nhiều xác đáng nhưng ở tổng quan vẫn là những thiếu sót cố ý, có
thể là che dấu hoặc nhìn ngắm nhận định theo chủ quan riêng
mình…
Những cuốn hồi ký ấy, của những chính khách Hoa Kỳ và cả hai bên
VNCH và VNCS, đã hé lộ cho chúng ta những bí ẩn đàng sau hậu
trường. Từ Nixon tới Kissinger, từ Bùi Diễm tới Nguyễn Tiến
Hưng, từ Trần Văn Đôn đến Đỗ Mậu, Từ Hoàng văn Hoan đến Nguyễn
Văn Trấn, từ Văn Tiến Dũng đến Trần văn Trà,… Trong rừng sách
ấy, những chi tiết của sách này nhiều khi chống chỏi với sách
kia dù viết và kể chung một vài diễn tiến lịch sử. Do đó, người
đọc mới thấy rõ được cái chủ tâm cũng như vị trí của người viết.
Chiến tuyến vẫn còn đó, dù đã hơn ba mươi năm viết về lịch sử,
nhưng không phải lịch sử từ sự thực. Mà, chỉ là sự nhìn lại từ
những góc cạnh khác nhau. …
Với những người Cộng sản Việt Nam, tuyên truyền ở một vị trí
xung yếu. Tất cả, trên mọi phương diện đều phục vụ cho một mục
tiêu: tạo một bánh vẽ tốt đẹp để cưỡng bách bắt mọi người phục
vụ theo đường hướng định sẵn. Nhà văn Alekxandr Solzhenitsyn
trong diễn văn đọc khi nhận giải Nobel về văn chương đã viết về
tính chất của các chế độ độc tài toàn trị như sau:
“ … Ai là người sẽ đặt câu hỏi với chúng ta: văn học sẽ làm được
gì để chống trả lại sự công hãm khốc liệt của cường quyền công
khai? Là : chúng ta phải nhớ mãi rằng bạo lực không thể đơn độc
một mình và cũng không có khả năng tồn tại duy nhất, nó bắt buộc
phải bắt tay với sự dối trá. Giữa bạo lực và dối trá có mối quan
hệ sâu sắc ruột thịt tự nhiên : bạo lực được che đậy kín đáo
bằng dối trá và dối trá cũng nhờ vào bạo lực để tồn tại. Nếu có
một kẻ nào tự nhận bạo lực là phương pháp áp dụng của mình thì
bắt buộc phải chọn dối trá làm chỉ nam hướng dẫn. Khi khởi đầu
quyền thế, bạo lực nghiễm nghiên công khai và rất là kiêu hãnh.
Nhưng khi đã bành trướng, đủ sức mạnh áp chế với vị trí độc tôn
của mình, nó lại cảm thấy bất an với dông bão chung quanh và chỉ
thấy sẽ tồn tại được nếu cứ tiếp tục dối trá. Và dối trá đã sẵn
được ngụy trang bằng nhũng ngôn từ ngọt ngào hoa mỹ. Bạo lực
không nhất thiết luôn luôn bóp cổ bẻ họng trực tiếp dân chúng mà
phần đông chỉ đòi hỏi từ nhân dân của chúng một lời thề từ dối
trá, để có mặt trong vai trò ấy một cách tự nguyện.
Bước giản dị của một người dũng cảm để chống lại là không tham
dự cào trò dối trá và không đi theo những việc làm dối trá. Nếu
bắt buộc cứ để nó ngự trị và nếu thống trị cả toàn cầu cũng
chẳng sao, ta không đứng về phía nó! nhà văn và nghệ sĩ còn có
thể tích cực hơn nữa : chiến thắng sự dối trá. Trong cuộc chiến
sinh tử này, nghệ thuật bao giờ cũng đã và đang chiến thắng.
Sự ấy hiển nhiên, không một ai có thể chối cãi. Dối trá có thể
lừa được rất nhiều thứ trên thế gian này nhưng chỉ bị một khắc
tinh : nghệ thuật… “
Trở lại với hiện tình Việt nam tình trạng tụt hậu hiển nhiên rõ
ràng. Từ mọi mặt, là sự sa sút tràn đầy. Xã hội tha hóa, giáo
dục xuống cấp, con người chạy theo tiền bạc, luật pháp bất công,
kinh tế trì trệ, tham nhũng tràn lan, văn chương lạc hướng.
Trong khi ấy, có một động lực thúc đẩy xã hội thay đổi con người
thay đổi, khuynh hướng đòi tự do dân chủ. Chiến tranh mới tiếp
diễn, giữa cái thiện và cái ác, giữa độc tài và dân chủ, giữa
công bằng và bất công. Và, những người có quyền lực trong tay
đã dùng phương cách dối trá tạo một chiêu bài mới dùng lòng ái
quốc và tự ái dân tộc làm sống lại những thần tượng xưa thời
chiến tranh. Đây không phải lần đầu tiên mà Đảng cộng sản đã
dùng thủ thuật ấy. Thời chiến tranh chống Pháp đã có những anh
hùng, “ thật “ có “ ma ” có, nào Lê Văn Tám, nào Phan Đình
Giót, Bế Văn Đàn, Nguyễn Văn Cừ…, với những chiến tích như lấy
thân mình làm đuốc sống phá kho đạn, lấy thân chèn pháo, khi
xung phong tự mình chặt cánh tay bị thương để liều mình lao vào
quân thù,…
Bây giờ, những mẫu nhân vật như thế lại có một phong trào để làm
sống lại. Những cuốn nhật ký được giở ra với mục đích : làm sống
lại những người đã chết…
Khi lời nói của những người sống, qua những trang hồi ký mất đi
giá trị. Khi lý tưởng hư vô, hưởng thụ, trọng tiền bạc, bất kể
và không nghĩ tới ngày mai chỉ biết hôm nay thành suy nghĩ của
phần đông mọi người. Khi còn chiến tranh thuở ấy, thành chiến sĩ
là một con đường độc đạo phải qua cho tất cả thế hệ thanh niên.
Khi sự hô hào chiến đấu chống xâm lăng thành khẩu hiệu bắt mọi
người đi theo. Lúc ấy, có những mẫu người đã chết trỗi dậy. …
Những người ấy là ai? Là người viết “ Hồi ký Đặng Thùy Trâm”,
là Nguyễn văn Thạc của “ Mãi mãi tuổi hai mươi”, là Hoàng
Thượng Lân của “ Nhật ký tài hoa ra trận ”… Những người ấy,
xương thịt đã mủn nát theo tháng ngày, bây giờ xuất hiện lại,
sống lại, trong cái ồn ào cố ý. Cả một nước, bị tham dự vào
một trò chơi dối trá…
Không phải tình cờ, mà tất cả những lãnh tụ đồng thanh tán
thưởng những tác phẩm văn nghệ như thế. Thủ tướng Phan Văn Khải,
Cựu Tổng Bí Thư Đảng Lê Khả Phiêu nói về những cuốn nhật ký thì
ít mà nhấn mạnh về sự thúc đẩy hy sinh thì nhiều.
Trong lá thư gửi báo Tuổi Trẻ, Phan Văn Khải viết: “ tôi nhớ lại
điều đã nêu thành chủ đề của bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 30
năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “ Đưa đất
nước tiến kịp thời đại với ý chí mãnh liệt như ý chí giành độc
lập thống nhất ” Tấm gương của Thùy Trâm và Thạc làm cho khát
vọng đổi mới và phát triển đất nước càng thấm sâu trong mọi
người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài, tạo khí thế mới
trong lao động học tập và rèn luyên vì sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ tổ quốc… ”
Lê Khả Phiêu thì kêu gọi hơn : ” Lớp tuổi 20 hiện nay hãy thể
hiện lòng biết ơn sự ngưỡng mộ của mình với những người đi trước
những anh hùng liệt sĩ bằng hành động và trái tim của tuổi trẻ…
Đó là sự cống hiến sức lực trí tuệ tài năng của mình cùng cả dân
tộc đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, đưa vinh quang hạnh
phúc cho mọi người, của mọi người. Nối tiếp truyền thống anh
hùng của cha anh góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới
xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc làm cho dân tộc ta bước lên đài hạnh
phúc. Đó chính là giá trị đích thực của lẽ sống tuổi trẻ Việt
Nam trong thế kỷ mới… ”
Nguyên Ngọc, nhà văn thuộc khuynh hướng đòi đổi mới, người đã
viết về một mẫu chân dung anh hùng người thiểu số tên Núp trong
truyện ký “ Đất nước Đứng lên ”, cũng tán tụng: ” những ngày
này, chúng ta cứ như đang được sống trong một chuyện cổ tích
thần kỳ, một cổ tích hiện đại một cô gái tuổi 20 mất cách đây đã
35 năm bỗng như sống dậy sinh động lạ thường và đánh thức trong
mỗi chúng ta và trong toàn xã hội không chỉ những cảm xúc nồng
cháy mà cả những nghiệm suy sâu xa về lẽ sống, cách sống ở đời
buộc mỗi chúng ta bỗng phải giật mình tự nhìn lại, tự soát lại
mình rành mạch hơn, thẳng thắn hơn nghiêm khắc hơn, tự hỏi mình
đang sống như thế nào đây, mình sống hôm nay có thật sự xứng
đáng không hay đã để phôi pha mất những gì tốt đẹp nhất mà chính
chúng ta, xã hội chúng ta đã tạo nên được một thời… ”
Thế mà, Vương Trí Nhàn, người “ biên tập ” “ Nhật Ký Đặng Thùy
Trâm ” lại viết rằng việc giới thiệu tác phẩm này không phải là
đưa ra một tấm gương ngõ hầu mang đến những lời giáo huấn cho
thế hệ trẻ ngày nay. Quyển này là quyển sách dành cho nhiều thế
hệ, mỗi một người đọc quyển nhật ký này sẽ tìm được cho mình
một ý nghĩa riêng, một lẽ sống lẽ yêu, chí ít là hiểu lại được
thời gian khổ, hy sinh. Ăn cây nào, rào cây nấy, Vương Trí Nhàn
làm công việc “ biên tập “ này, một dịp bằng vàng đầy đủ danh và
lợi thì tán tụng cũng là chuyện dĩ nhiên.
Có người thắc mắc về danh từ “ Biên Tập ”. Thế nào là biên tập,
có giữ được trung thực cho những dòng chữ của người đã viết ra
nhật ký không ? Hay là, thêm vào những đoạn “ tuyên truyền “ và
cắt bớt những đoạn không thích hợp. Chắc không ai có thể trả lời
chính xác bằng những người trong cuộc ! thế mà, có một ông “ đại
trí thức “ ở đâu bên Pháp trong nhóm Diễn Đàn trước đây thuộc
thành phần Việt kiều yêu nước nhưng có lúc bị cấm về tự nhiên
không ai bảo lại khệng khạng bênh vực : “ Đối sánh bản in của
công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn Học với di cảo Đặng thùy
Trâm, ta có thể kết luận rằng nó không hàm chứa một ý đồ “ bất
trung “ nào. Những khác biệt một phần do chủ trương biên tập,
một phần do cách làm việc thiếu cẩn trọng “ (Nguyễn Ngọc Giao
–Nhật ký Đặng Thùy Trâm : so sánh nguyên bản và ấn bản). Riêng
tôi, không biết trường hợp tỉ dụ như cắt bớt những đoạn phê phán
chế độ Cộng Sản của hồi ký Nguyễn Hiến Lê của nhà xuất bản có
mang một ý đồ “ bất trung “ nào không? !!!
Thêm một chi tiết về một nhà biên tập khác, bút danh Đặng Vương
Hưng, phó tổng biên tập báo Công An Nhân Dân, người đã “ biên
tập “ hai cuốn nhật ký “ Mãi mãi tuổi hai mươi ” của Nguyễn Văn
Thạc và “ Nhật ký tài hoa ra trận ” của Hoàng Thượng Lân. Theo
bài viết “ Vụ Scandal giữa lòng Hà Nội” của Vũ Quế Dương đăng
trên web-site Talawas thì ông nhà thơ này có đời tư khá bẩn và
không đáng tin tưởng khi nói lên những lời rao truyền rất đạo
đức và đầy lý tưởng. Ông này khi in cuốn “ Mãi mãi tuổi hai
mươi ” đã lời đến một món tiền khổng lồ là 1 tỷ 300 triệu đồng
Việt Nam nhưng khi chi trả tiền chút đình cho cha của tác giả
Nguyễn Văn Thạc thì chi ly từng đồng và tỏ ra rất hỗn hào khinh
người. Tệ hại hơn, ông biên tập này còn dâm ô hoa thơm đánh cả
cụm đến nỗi bị hai chị em cô phóng viên thuộc quyền gài bẫy tống
tiền khiến bị thân bại danh liệt và cách chức phó tổng biên tập
báo Công An Nhân Dân. Thế mà, ông này vẫn vác mặt dầy đi cổ
động cho những tác phẩm như “ Mãi mãi tuổi hai mươi ” và ”
Nhật ký tài hoa ra trận ”. Thử hỏi, những lời nói và bài viết
giới thiệu của mẫu người như thế có đáng tin cậy không ? Ông
Đặng Vương Hưng chắc hiểu được chính sách mà cả Đảng và bộ máy
tuyên truyền thực hiện ? Tôi chợt nghĩ đến ngôn từ “ dối trá “
của văn hào Solzhenitsyn!!!
Tôi đã đọc “ nhật ký Đặng Thùy Trâm “, và “ Mãi mãi tuổi hai
mươi ”. Thú thực, tôi rất phục và thương những mẫu người mà
tôi nghĩ có hình tượng của những anh hùng vô danh đã bị thời
gian vùi lấp nhưng nay thì vì nhu cầu nên được lôi ra đánh bóng
lại. Trong lời văn, trong suy tư, có chất sống thực và lôi kéo
được sự theo dõi của độc giả. Sự hy sinh của họ không phải là
không có ý nghĩa nhưng tiếc thay lại bị lợi dụng. Cái lý tưởng
kháng chiến chống xâm lăng chỉ là chiêu bài thúc giục hy sinh
trong một cuộc chiến ủy nhiệm.
Đọc những ghi chép lại những sinh hoạt đời thường, những suy
nghĩ rất gần cận cuộc sống, tôi nghĩ những điều ấy có thể là
chung mang cho những người lính của hai bên. Họ bị đẩy vào cuộc
chiến và không có một chọn lưa nào khác. Số phận bị định đoạt
bởi những khắt khe của cuộc chiến. Một điều, họ có tâm hồn trong
veo của những người rất ngây thơ nhìn đời sống qua những hỏa mù
ảo ảnh tạo ra từ chế độ.
Một sự kiện khác chung quanh tập hồi ký là bài viết của một cô
phóng viên báo Tuổi Trẻ cất công đi sang tận Hoa Kỳ để tìm tông
tích một anh trung sỹ thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu đã dịch
và khuyên anh Frederic Whitehurst, sĩ quan quân báo giữ lại tập
nhật ký để ba mươi năm sau trao lại cho gia đình người tử trận.
Cô phóng viên Uyên Ly này viết rất “ nghệ thuật coi chuyến đi
này như một “ mission imposible “, một cuộc nhảy toán vào vùng
địch đầy nguy hiểm. Người ở trong nước có thể tin vào những
điều cô viết nhưng người ở hải ngoại, nhất là ở California, thì
nực cười và coi là chuyện đi xa về rồi khoác lác lập công. Ở
một xứ sở như Hoa Kỳ, dù có ai quá khích đến đâu cũng không thể
làm những việc theo dõi hăm dọa người khác!!!
Một tác phẩm được in tới cả trăm ngàn ấn bản, được giới lãnh đạo
tuyên dương, được các nhà văn biên tập “ tốt ”, được hệ thống
truyền thông nhắc nhở nhiều, được nhiều nhà phê bình của chế độ
tán tụng… tất cả những điều ấy có thể làm cho người đã chết ngậm
cười nơi chín suối không ? Hay, chỉ làm đau xót thêm như khi
cha ruột của người chiến sĩ đã hy sinh Nguyễn văn Thạc tác giả
của “ Mãi mãi tuổi hai mươi ” bị cư xử tệ bạc vô nhân ? Và, có
bao giờ suy nghĩ về sự bị mê hoặc của mình khi quyết định liều
mình cho lý tưởng thời thanh xuân?…
Một cây bút trong nước, nhà văn Tam Nguyên, trong cuộc phỏng vấn
của đài Á Châu Tự Do RFA đã nhận xét về cuốn Hồi Ký Đặng Thùy
Trâm như sau:
Văn học Việt Nam xã hội chủ nghĩa vẫn mắc một cái tật vinh danh
những tác phẩm mà chất văn học đích thực non yếu nhưng nội dung
lại nặng tính chính trị. Ví dụ như “ Nhật Ký Đặng Thùy Trâm ”.
Trong tiểu thuyết người ta cũng dùng dạng nhật ký ở một số văn
cảnh nếu thấy cần thiết.
Nhưng bản thân dạng này không được xếp vào một trong các thể
loại văn học như tiểu thuyết, truyện ngắn,.. Bởi là nhật ký tức
ghi lại các sự việc xảy ra hàng ngày, nếu không cho phép người
viết hư cấu và không thể miêu tả tâm lý các nhân vật khác mà
người viết đề cập fến. Nhất là người viết không có đất để khái
quát những vấn đề xã hội.
“ Nhật Ký Đặng Thùy Trâm ” được đích thân nhà xuất bản Hội Nhà
Văn xuất bản, có vẻ người ta coi nó là một tác phẩm văn học
đích thực và như vậy là có ý đề cao nó. Nếu chỉ thấy một cái tên
tác giả ở bìa thì có lẽ chẳng có sự đón đọc mặn mà như đã thấy…
Bởi Đặng Thùy Trâm chỉ là một nữ bác sĩ và trước đó chưa ai thấy
tên chị xuất hiện như một bút danh văn học. Và sự thật nó đã
được thổi lên nhờ gắn với hai sự kiện. Một là bác sĩ Trâm phơi
phới tuổi xuân cùng với đội ngũ đồng nghiệp “ hân hoan ” đón
nhận sự phân công của tổ chức lên đường vượt cả ngàn cây số vào
miền Nam đánh Mỹ, không may bị thiệt phận do bom đạn.
Hai là ( đây mới là lý do chính ) Tập nhật ký viết tay do một
người lính Mỹ cất giữ đã ngoài ba chục năm. Anh xuất hiện trên
TV với vẻ mặt ân hận và những câu trả lời đượm buồn. Anh còn tới
bàn thờ bác sĩ Trâm thắp nhang kèm với vẻ mặt đau khổ.
Người Việt Nam không thể tự đặt câu hỏi : Tập nhật ký rất có thể
ẩn chứa những điều bất thường, những chuyện lạ, thậm chí những
bí ẩn của một cuộc đời, một cuộc chiến? Người lính Mỹ gỉa dụ
biết đọc chữ Việt cũng không thể đọc nó ở hoàn cảnh tàn phá và
chết chóc ngổn ngang.
Như thế anh mang theo có lẽ chỉ do một sự ngẫu nhiên. Các báo
tryền hình từ trung ương đến địa phương không ngớt quảng bá và
tuyên truyền cho quyển sách như thế các sự kiện nội hàm trong
quyển sách đã khiến người lính Mỹ phải kính phục người viết ra
nó…
Và nhà văn Tam Nguyên đã nói về mục đích của truyền thông Việt
Nam ở trong nước khi quảng bá rông rãi vá làm ầm lên quanh cuốn
sách như một tác phẩm vĩ đại về chiến tranh:
“ Cái mục đích của họ theo tôi nghĩ là hơi kỳ cục. Thế hệ thanh
niên Việt Nam ngày nay thực sự đang mải mê kiếm tiền mà không
thích nghe nào là “ lý tưởng cao quý ” nào là “ sự hy sinh xương
máu ” mà thế hệ cha anh họ đã từng ngộ nhận hoặc phải chấp nhận
bởi nhiều lý do khác nhau.
Các vị lãnh đạo Đảng cũng như Đoàn cảm thấy hiện trạng ấy nói
lên tinh thần cách mạng của thanh niên đã và đang xuống cấp trầm
trọng - hiển nhiên nó đi ngược lại đòi hỏi của các vị nên cố
công vinh danh cuốn sách hy vọng nó có thể lên giây cót cho phẩm
chất, lập trường tư tưởng của thanh niên.
Và như đã thấy, hầu hết độc giả đọc sách ấy chỉ để thỏa mãn
những tò mò, tương tự như dân Mỹ đọc My life để biết trong đời
tổng thống, ông còn làm những gì nữa mà trong kỳ hành chức ông
chưa tiện hoặc chưa thể nói ra.
Để rồi gấp sách lại người ta chỉ thấy thương cho một thiếu nữ bị
bỏ mình cho những tham vọng tồn tại bên ngoài tâm thức của cô,
điều cô không hề mơ ước.
Và những người cùng thời với cô đều có chung một nhận định. Thời
ấy khó ai né được “ dòng thác cách mạng “ nên sự thiệt phận của
cô cũng là nỗi đau chung của cả miền Bắc Việt Nam..”
|