Nguyễn Mạnh Trinh
Cơ sở Báo Chí & Xuất Bản Người Việt vừa cho ấn hành tập Tạp Ghi Văn
Nghệ của Nguyễn Mạnh Trinh, dày trên 600 trang. Sách trình bày
trang nhã nhưng “co” chữ hơi nhỏ đối với những người cao tuổi.
Như cái nhan của cuốn sách, Nguyễn Mạnh Trinh viết về gần 70 tác
giả, cả trong và ngoài nước, các nhà văn, nhà thơ và cả nhạc sĩ,
những cảm nghĩ của mình khi đọc/nghe các tác giả ấy, đôi khi chỉ là
những xúc
động bất chợt của tâm hồn đầy ứ văn chương, kỷ niệm của
ông, tuôn tràn thành chữ.
Cũng phải nói thêm cho rõ ở đây, mặc dầu Nguyễn Mạnh Trinh đã xác
nhận rằng mình “tuyệt đối không có ý định phê bình”, chỉ là người
“đứng bên bờ biển văn chương ngắm nhìn thưởng thức từ góc cạnh
riêng”, nhưng cái phần “phê” và “bình” vẫn chiếm một phần không nhỏ
đối với hầu hết các tác giả ông đề cập đến trong cuốn sách.
Tạp ghi hình như đang là một loại hình văn học đang được các người
viết xử dụng rất nhiều.
Và (hình như) mỗi người có thể hiểu hai từ ấy một cách. Chính
Nguyễn Mạnh Trinh, người đã dùng hai từ ấy để ghi chú cuốn sách của
mình cũng phân vân:
“Viết tạp ghi có phải là công việc làm văn chương? Câu hỏi ấy thỉnh
thoảng lại lởn vởn trong óc tôi mỗi khi nghĩ tới bài viết sắp đến.
Thực tình, tôi muốn làm một người tìm tòi trong sách vở, trong đời
sống một chút mơ mộng, một chút gì khác với đời thường, của mỗi ngày
làm việc, của mỗi tuần bắt đầu từ thứ hai cho tới thứ sáu. Thâm tâm,
tôi muốn tìm người chia sẻ. Viết ra, cũng là một cách làm vui cho
chính mình.”
Những ai để tâm theo dõi sinh hoạt văn học nghệ thuật của chúng ta ở
hải ngoại, những năm gần đây, hẳn cái tên Nguyễn Mạnh Trinh đã trở
nên quen thuộc. Trang Văn Học Nghệ Thuật của Nhật Báo Người Việt chủ
nhật hàng tuần gần như không bữa nào thiếu bài của ông. Điều đó
chứng tỏ ông làm việc cần cù, đều đặn và nhất là say mê công việc.
Nói cách khác, qua các bài viết của Nguyễn Mạnh Trinh, độc giả, dù
đồng ý hay không với các ý kiến và nhận định của ông, đều có thể dễ
dàng nhận ra một điều: ông là người yêu văn chương. Ông viết như một
cách tỏ tình với sách vở, với văn chương, chính xác hơn : tỏ tình
với thơ.
Người yêu thơ là người có khuynh hướng yêu cái đẹp tuyệt đối. Nên
đối với ngay cả những thi sĩ mà ông yêu mến nhất, nói một điều gì
đó, làm một điều gì đó ”không thơ” hoặc chỉ “thiếu chất thơ” thôi
cũng khiến ông có vẻ “tiếc rẻ” thậm chí “nổi giận” nữa.
Trường hợp Xuân Diệu là một thí dụ. Nói về thơ Xuân Diệu thời kỳ
Cộng sản Vương Trí Nhàn viết: ”Xuân Diệu đã trở thành một người lao
động đơn giản theo nghĩa đen của từ này”
Còn Đặng Tiến thì cho rằng: ”Xuân Diệu đã cướp một mâm tiệc Bồng Lai
đem về làm một bữa cơm trần thế cho những người ăn vì cần ăn chứ
không phải ăn cho vui miệng. Thơ Xuân Diệu ngày xưa là áo gấm, thơ
Xuân Diệu ngày nay là manh áo nâu sứt chỉ đường tà” Nguyễn Mạnh
Trinh dùng hai tiếng “kinh khủng” để nói về thơ Xuân Diệu khi Xuân
Diệu tự coi mình là con gà mái mắn đẻ dễ đẻ trứng phục vụ Đảng :
Cục tác.. Cục tác
Hết trứng này tôi còn trứng khác
(Xuân Diệu/Buổi trưa ở Thịnh Lang)
Ngắn gọn thôi, nhưng đau đớn. Nỗi đau đớn ấy, ở một mặt khác, nói
lên cái tình của Nguyễn Mạnh Trinh đối với văn chương, đối với thơ.
Khi yêu, thực sự yêu, người ta dễ bị xúc phạm lắm. Càng hiền lành,
người ta càng dễ bị xúc phạm. Chỉ một lời nói vô tình, một hành động
tình cờ nho nhỏ không đẹp, đủ làm vỡ những kỷ niệm, vì yêu nên đã
trở thành trân quý, tạo thành những vết thương âm thầm, nhưng nhiều
khi mãnh liệt, đủ làm cho tâm hồn người ta khánh kiệt, nói chi đến
sự phản bội trắng trợn đến như thế.
Nguyễn Mạnh Trinh có vẻ là một người hiền lành. Văn ông chứng tỏ
điều đó. Cung Giũ Nguyên đã có lần nhận rằng ông có những câu văn
thâm độc, phản ứng của người sống hướng nội, bị ức chế.
Phê bình “Mái Tây” của Vương Thực Phủ, Thánh Thán đã viết đại khái
rằng: “Kẻ nào đọc cuốn sách mà không thấy được cái hay thì cứ việc
nọc ra mà quất cho mấy roi. Nhưng nghĩ cho cùng đánh như thế cũng
oan cho hắn. Vì hắn có biết đâu mà đánh”
Câu văn không ác sao?
Mà cũng không “hay “ sao?
Cái ác trong văn chương như vậy đó. Nó không làm đau người, không
làm chết người. Nó xóa bỏ cái ác.Nguyễn Mạnh Trinh viết về những cái
bất mãn của mình chỉ như những điều đáng tiếc. Nhẹ nhàng thôi. Ông
cũng không quanh quẩn với những cái bất như ý đó lâu.
Lật trang trước, trang sau người ta lại có thể được đọc những dòng
văn dịu dàng như một dòng suối nhỏ, dù ông có đang viết về ai đi
nữa.
Phần Nguyễn Mạnh Trinh viết về Vũ Bằng, có những đoạn rất đẹp. Dường
như ông nhập vào cái dòng tùy bút của Vũ Bằng, đầy ắp những hoài
niệm, có điểm gì đó tương đồng giữa hai tâm hồn nên ông đã viết một
cách dễ dàng (có vẻ như thế) và trích dẫn Vũ Bằng theo cái cách
người đọc có cảm tưởng (hình như) ông còn muốn trích dẫn nhiều hơn
nữa:
“Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc
Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ
tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè nhớ lại, nhớ hoa sấu rụng
đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông đào,
nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt cả bầu trời mà nhớ lên, nhớ nhãn
Hưng Yên, nhớ vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn
Phước, cam Bố Hạ, đào Chapa mà nhớ xuống. Nhớ không biết bao nhiêu,
nhớ bát canh rau sắng Chùa Hương, nhớ khóm
tiễn xuân la trồng ở bên dậu trúc, nhớ mưa bụi vợ chồng nửa đêm thức
giấc đi uống một ly rượu ấm ở cao lâu, nhớ những buổi trưa hè có ve
kêu rền rền, nhớ luôn cả những cô gái Thổ cưỡi ngựa thồ đi trong
rừng có những cánh hoa đào rơi lả tả nơi vai áo..”
|