Văn chương và chính trị
trong trường hợp Orhan Pamuk...
Có
nhiều người nghĩ một cách nông cạn rằng những bài phỏng vấn không có
tính sáng tạo văn chương mà chỉ là một công việc dựa dẫm vào công
trình của người khác để tạo thành tác phẩm, chữ viết của mình. Có
lẽ họ chưa đọc hoặc không đọc những bài phỏng vấn thần sầu của
Granta, của Paris Review mà ở trong đó cả hai người hỏi và trả lời
đã làm hiển lộng tất cả tài năng và kiến thức để tạo dựng ra những
bài thật là giá trị vừa đầy nét sinh động vừa chan chứa sáng tạo và
khám phá.
Orhan Pamuk, giải Nobel văn chương năm 2006 đã thú nhận :
“Tôi cảm thấy được an ủi và khích lệ vô cùng vì đã đọc được những
dòng này khi đang sống trong một đất nước mà nghĩa vụ với cộng
đồng được đặt lên trên hết. Tôi tìm cách đặt mua tất cả những bài
phỏng vấn của Paris Review do Penguin xuất bản. Tôi đọc chúng với
tất cả sự tập trung và cảm giác khoái trá vô cùng. Dần dà ngày tới
ngày, tôi tuân thủ tuyệt đối vào một nguyên tắc ngồi vào chỗ làm
việc cả ngày, làm thân quen với mùi thơm giấy mực trong căn phòng
lặng lẻ., là một tập quán mà tôi không rời bỏ.
Lúc ấy tôi bắt đầu với cuốn sách đầu tiên Cevdet Bey and Sons bề
dày 600 trang và miệt mài suốt bốn năm trường. Mỗi khi bế tác, như
một phản ứng từ bản năng, tôi rời khỏi bàn viết, ngã mình một cách
chán nản lên chiếc giường gỗ và nghiền ngẫm những bài phỏng vấn
các nhà văn Faulkner, Nabokov, Dos Passos, hemingway và Updike
nhằm tin tưởng hơn vào hiệu năng của văn chương và tìm phương thế
vượt qua những bế tắc của mình. Khởi đầu tôi đọc những bài phỏng vấn
này vì đây là tác giả của những tác phẩm mà tôi yêu thích và tôi
mong tìm được bí quyết của họ. Để hiểu phương cách xây dựng những
thế giới vừa hư cấu và tưởng tượng ra sao. Nhưng rồi tôi đọc cả các
bài phỏng vấn các nhà văn nhà thơ mà tôi xa lạ của những cuốn sách
tôi chưa hề đụng tới. Những cuộc đối thoại trên Paris Review ít có
chủ đích nhằm quảng cáo cho một cuốn sách đạc biệt trong một thời
điểm đạc biệt nào. Những tác giả được phỏng vấn hầu như là những
tuổi tên đã lừng danh trên thế giới. Họ chỉ phát biểu về thói quen
khi cầm bút, những bí mật của nghề nghiệp, về phương thức viết, hay
những giây phút yếu mềm và những thời khắc phải đối mặt với nỗi khó
khăn trong cuộc sống. Tôi cần thiết phải học hỏi những kinh nghiệm
của họ, cấp thiết và ngay lập tức…”
Orhan Pamuk, ”người trong khi đi tìm kiếm những linh hồn sầu thảm
của thành phố quê hương mình đã khám phá được những biểu tượng mới
lạ cho những va chạm và đan kết của những nền văn hóa” như lời
tuyên dương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển.
Năm 2005, Orhan Kamuk cũng là một trong những người cầm bút có tên
trong danh sách lựa chọn cuối cùng của giải và sau dó là Harold
Pinter là lựa chọn chung quyết.
Pamuk sinh trưởng ở Istambul năm 1952 trong một gia đình giàu có và
chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Tây Phương. Ông nội ông là một kiến
trúc sư đã làm việc và làm giàu trong một công ty xây dưng khi đất
nước Thổ đang phát triển thành thị. Gia tài của ông nội ông rất lớn
nên cha ông sống rất sung túc và phần lớn thời giờ là ở Paris. Còn
Orhan Kamuk, lớn lên và sống ở tại thành phố quê hương. Ông đã có
lần viết về thành phố của ông : « Số phận của Istambul cũng là số
phận của tôi. Tôi gắn bó mật thiết với nơi chốn này bởi vì chính nó
đã tạo nên con người tôi.. »
Cuộc đời của Pamuk được mô tả khá chi tiết trong tiểu thuyết đầu tay
viết xong lúc 30 tuổi “Cevdet Bey and his sons” và tiểu thuyết “The
Black Book”. Ông học tại Robert College tại Istambul và cũng học
ngành kiến trúc tại Istambul Technical University do áp lực của gia
đình muốn ông trở thành kỹ sư hoặc kiến trúc sư. Tuy nhiên ông bỏ
lớp kiến trúc sau khi đã học ba năm để trở thành một ký giả viết
toàn thời gian và đã tốt nghiệp cử nhân báo chí tại Institute of
Journalism của viện đại học University of Istambul năm 1976. Năm
1985 ông được học bổng du học tại Hoa Kỳ và học cho đến năm 1988
tại University of Iowa. Sau khi trở về Istambul năm 2006 ông trở
lại Hoa Kỳ làm giáo sư thỉnh giảng của đại học Columbia. Ông lập
gia đình với Aylin Tofajjal Turegen năm 1982 và ly dị năm 2001. Ông
có một người con gái tên Ruya sinh năm 1991.
Ngày 12 tháng 10 năm 2006, Hàn lâm Viện chính thức tuyên bố Orhan
Pamuk đoạt giải Nobel về văn chương năm 2006. Adam Smith người biên
tập web-site “nobelprize.com” đã phỏng vấn ông ngay sau khi công
bố giải thưởng:
Hỏi - được biết ông đang ở Newyork, hiện ông đang làm gì khi biết
tin mình vừa đoạt giải?
Đáp - ô, tôi đang ngủ. Lúc đó tôi nghĩ rằng chỉ còn một tiếng đồng
hồ nữa người ta sẽ công bố giải thưởng, tôi yên trí rằng sẽ có người
thông báo cho mình biết ai là người đoạt giải. Tôi băn khoăn suy
nghĩ về những việc phải làm tiếp theo và mệt nhọc quá tôi ngủ thiếp
đi. Rồi chuông điện thoại reo lúc bảy giờ rưỡi sáng. Tôi nhấc máy và
người ta báo cho tôi biết tôi đoạt giải Nobel…”
Trong diễn văn nhận giải đọc ngày 7 tháng 12 năm 2006 với nhan đề
“My father’s suitcase“, Orhan Pamuk đã mang hình ảnh của người cha
để nói lên những suy tư về nghệ thuật cũng như nhân sinh quan của
mình. Cũng là một cách tránh né khéo léo để không nhắc tới những
nhận định nóng bỏng về chính trị của ông. Ông tôn vinh người cha
với những ngôn từ tốt đẹp nhất về một người đã dẫn dắt ông vào con
đường văn chương.
“Hai năm trước khi cha tôi từ trần, ông đưa cho tôi một chiếc va ly
nhỏ chứa đầy những trang viết, bản thảo và sổ ghi chép. Giả đò trong
sự đùa cợt hàng ngày pha chút châm chọc, ông bảo tôi rằng ông muốn
tôi đọc chúng sau khi ông đã ra đi, nghĩa là sau khi ông chết.
“Hãy nhìn qua“, ông như có môt chút lúng túng ”Xem ra để nếu trong
đó có gì thể xử dụng được thì sau khi tôi chết đi, anh chọn lựa lại
và xuất bản nó”.
Chúng tôi đang ở trong phòng của tôi, bao quanh là hàng hàng những
cuốn sách. Cha tôi tìm một khoảng trống để đặt vali xuống, loay
hoay lui tới như người muốn trút bỏ đi một gánh nặng mệt nhọc. Cuối
cùng ông đặt nó vào một chỗ góc thật khuất . Thời khắc vờ vĩnh ấy
làm cả hai cha con không thể nào quên, dù rằng cũng qua đi và chúng
tôi trở lại với vị trí sống hàng ngày, đùa cợt, châm biếm, và làm
cho mình thoải mái. Chúng tôi nói với nhau về những việc đã làm, về
những điều tầm thường của cuộc sống mỗi ngày, và những bất cập
triền miên của chính trị Thổ Nhĩ Kỳ hay những cuộc kinh doanh đầy
phiêu lưu và sai lầm của cha tôi mà tôi thấy ông chẳng mấy khi
buồn tiếc…”
Dù người cha không theo đuổi công việc cầm bút nhưng Pamuk đã thừa
hưởng của thân phụ mình tấm lòng yêu quý sách vở và sự trân trọng
với văn chương. Ông đã khuyến khích người con, không chỉ với tấm
lòng của người cha mà còn với sự chia sẻ của người đồng điệu tri kỷ.
Dù nhà văn là người luôn cô đơn và suy tư trong thế giới riêng của
mình, thế giới ấy cũng có nhiều nét chung nhân bản của nghệ thuật
được nâng niu và trau dồi tinh luyện.
Viết về người cha chỉ là một cái cớ, mà, chính là viết về chính
mình, về những suy tư của mình :
“Nhà văn là người đã trải qua nhiều năm tháng để cố gắng tìm kiếm
cho ra con người thứ hai bên trong của mình, và trong cái thế giới
tạo ra chính con người hắn. Khi tôi nói về công việc cầm bút điều
đầu tiên hiện ra trong suy tưởng tôi không phải là tiểu thuyết,
không phải là thi ca hay văn học gì, mà, chính là người miệt mài
trong phòng kín, ngồi trước bàn viết, môt mình lui tới với mình và
trong hình bóng ấy, hắn tạo ra một thế giới mới bằng con chữ .
Người ấy -nam hay nữ - có thể dùng máy đánh chữ, hay xử dụng sự tiện
lợi của máy điện toán, hoặc viết bằng bút và giấy như tôi đã làm từ
ba mươi năm nay. Khi cầm bút, người ấy có thể uống trà hay cà phê
hoặc phì phà khói thuốc. Cũng có thời gian, người ấy đứng bên cửa sổ
cạnh bàn nhìn ra đường phố xem lũ trẻ đùa giỡn và nếu may mắn sẽ
thấy phong cảnh phố phường hoặc chăm chú nhìn những vỉa tường đen
đủi. Người ấy có thể làm thơ, viết văn, soạn kịch, hay viết tiểu
thuyết giống như công việc của tôi. Tất cả những khác biệt chỉ là
mục đích cốt tử khi ngồi vào bàn viết rồi kiên nhẫn nhìn ngắm chính
mình. Cầm bút chính là đem cái đam mê của nội tâm thành ngôn ngữ, là
sự tìm kiếm chính mình trong cái thế giới tương tự của mình, miệt
mài, say đắm nhưng ương ngạnh.
Như khi ngồi vào bàn viết của tôi, bất kể ngày tháng năm, từ tốn
viết những hàng chữ trên trang giấy trắng, tôi đã có cảm giác là tạo
dựng được một thế giới mới như là tôi đã mang nhập chung một con
người khác vào nội tâm tôi y hệt như đường lối mà ai đó đã gầy dựng
những nhịp cầu hay những mái nhà bằng những gạch đá tiếp những gạch
đá. Vật liệu gạch đá mà nhà văn xử dụng chính là ngôn ngữ. Giống như
chúng ta giữ được nó trong bàn tay, cảm được phương cách mà chúng
nối kết với nhau, có lúc ngắm nhìn chúng từ xa, có lúc lại nâng niu
chúng bằng ngón tay hoặc đầu ngọn bút, truyền sức nặng nội lực, sắp
xếp trong lãnh vực, năm tiếp năm, kiên nhẫn và đầy hy vọng, chúng
ta tạo dựng một thế giới mới..”
Năm 2006, Orhan Kamuk được tuyển lựa là một trong 100 người có ảnh
hưởng nhất trên thế giới theo sự bình chọn của tạp chí Times. Năm
2005, ông đã phải trốn khỏi quê hương một thời gian vì bị đưa ra tòa
và kết tội phản bội dân tộc Thổ. Trước đó ông đã viết tác phẩm “My
name is red” nghiêm khắc chỉ trích những sai lầm trong lịch sử đã
xảy ra của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ với sự lột trần tội diệt chủng khi
tàn sát hàng triệu người Armenia và sự đàn áp tàn bạo người Kurd.
Câu chuyện bắt đầu khi Orhan Kamuk trả lời một câu phỏng vấn của một
tờ báo Thụy Sĩ Tages-Anzeiger ngày 6 tháng 2 năm 2005.ông nói :
“ba mươi ngàn người Kurd và một triệu người Armenia bị giết hại ở
Thổ Nhĩ Kỳ và sự kiện ấy hầu như không một ai dám đề cập tới ngoại
trừ tôi.“. Ông muốn nhắc đến vụ các lực lượng của đế chế Ottoman
giết hại hàng chục ngàn người Armenia trong những năm 1915-1917 và
30 ngàn người Kurd bị giết hại trong cuộc chiến giữa quân đội Thổ
và các lực lương ly khai người Kurd từ năm 1984. Ông bị phản ứng
dữ dội và phê phán nặng nề từ những người Hồi Giáo và dân tộc cực
đoan. Ngày 1 tháng 9 năm 2005, ông bị truy tố với lời buộc tội là
phát biểu những lời nói nhục mạ trắng trợn phẩm chất quốc gia Thổ.
Nếu bị kêu án ông có thể chịu ba năm tù giam. Phiên tòa ấn định vào
ngày 16 tháng 12 nhưng sau đó thì bị đình vì nhiều lý do.
Trước sau, nhà văn cũng chỉ một lời nói: ”Tôi bảo vệ những điều
tôi đã nói và hơn nữa tôi bảo vệ cái quyền được phát biểu của tôi”
và ông tiếp đại ý chúng ta đang phải trực diện với những bi kịch và
đối đầu với những niềm đau đớn mà cả nhân loại phải chịu đựng, cũng
như những vấn đề ấy chúng ta không được dạy dỗ từ những trường lớp
phổ thông. Do đó, nó trở thành một vấn đề hết sức nhạy cảm.
“Tôi đã nói rõ ràng và lớn tiếng rằng 1 triệu người Armenia và 30
ngàn người Kurd đã bị tàn sát tại Thổ Nhĩ Kỳ và tôi xác định điều
đó. Với tôi, đây là một sự kiện có tính khoa học. Tôi cũng là một
tiểu thuyết gia, tôi đã đề cập đến sự chịu đựng và những nỗi đau của
con người. Rõ ràng là ở xứ Thổ có những niềm đau được giấu kín nhưng
chúng ta vẫn phải bắt buộc phải đối diện..”
Thế mà, trong cuộc họp báo trước khi nhận giải Nobel văn chương năm
2006, Orhan Kamuk lại từ chối những lới phẩm bình về những ý nghĩ mà
ông đã có về Armenia. Trong bài diễn văn, “My Father’s Suitcase”,
đọc khi nhận giải ông cũng tránh né vấn đề ấy.
Có lúc, ông nhận mình là cây cầu nối liền hai thế giới. Trong khi
trả lời cuộc phỏng vấn của Elizabeth Farnsworth của NewsHour Online
:
“Elizabeth Farnsworth: Nhà văn hàng đầu của Thổ Nhĩ kỳ, Orhan Pamuk,
làm việc và sống tại vùng ngoại ô Istambul cạnh bên bờ vinh
Bosphorous phân cách hai lục địa Âu và Á tiểu thuyết của ông tràn
đầy sức sống và thắm đẫm cảnh sắc của khu vực địa lý tuyệt diệu và
có lúc của lịch sử khủng khiếp của cuộc đất này. Istambul là trung
tâm của Hồi giáo và Thiên Chúa giáo và những sáng tác của Pamuk
thường xoay quanh sự hội tụ của hai tôn giáo ấy.
“My name is red” là một truyện dài mới nhất đươc dịch sang Anh
Ngữ, là một tiểu thuyết trinh thám, với cốt truyện đa tầng đề cập
đến sự trả thù và lòng đố kỵ của con người ở thời kỳ của đế quốc
Ottomans đang suy tàn và sự vươn lên của Thiên Chúa Giáo. Tôi nói
chuyện với Orhan Pamuk tại phòng làm việc của ông, nơi nhìn xuống
thành phố Istmbul ở dưới.
Elizabeth Farnsworth : Tuyệt thật, từ đây ta có thể nhìn thấy mọi
thứ.
Orhan Pamuk : Vâng, đây là điện Topkapi, nơi mà mọi tình tiết của
“My name is red “. Còn đây là cây cầu của tôi, nó được xây dựng lên
từ 30 năm về trước.
Elizabeth Farnsworth : Chiếc cầu đó bắc qua eo biển Bosphorous nối
liền hai bờ Âu Á của Istambul. Pamuk xem cây cầu như một ẩn dụ cho
chính ông bởi vì nó không thuộc về một bên nào và mỗi chân cầu đứng
trên mỗi bên của hai lục địa. Ông hiểu rất rõ cả hai, phương đông và
tây, cũng như đã sống hầu hết cuộc đời mình ở Thổ Nhĩ Kỳ và đồng
thời có thời gian học viết và văn chương ở Hoa Kỳ.
Orhan Pamuk : Tôi muốn mình là một chiếc cầu với cảm giác là chiếc
cầu không thuộc vào một lục địa nào hết cũng như không thuộc về một
nền văn minh nào hết. Nhưng một điều tuyệt diệu là đứng ở trên đó
có cơ hội nhìn thấy cả hai bên và hai nền văn minh nhưng lại ở
ngoài nó…”
Nhưng gần đây khi trả lời câu hỏi cùa thông tấn xã AFP, tác giả của
“My Name is Red”, “Snow”, “The White Castle”,”Istambul” .., thường
được gọi là người xây dựng nhịp cầu nối liền giữa cộng đồng Hồi giáo
và nền văn hóa Tây phương, ông lại phủ nhận :
“Người xây dựng nhịp cầu à! Tôi không thích câu nói ấy! Tôi không
viết tiểu thuyết để rao giảng về các nền văn minh. Đó chẳng phải mục
tiêu của tôi. Văn học khác xa với quyền lực. Mà văn học là những
trang viết về niềm thấu hiểu và hưởng thụ để thưởng thức cuộc sống,
là thú vị biểu hiện bằng những kết quả của quan sát bằng ngôn từ.”
Nhưng, dù tuyên bố thế nào chăng nữa, tự thân tác phẩm của Pamuk đã
là những nhịp cầu, là gạch nối giữa lịch sử đã qua và cuộc sống hiện
nay, là nối liền giữa tự thuật và hư cấu, giữa thực tế và tưởng
tượng. Qua các nhân vật, là tổng hợp của nhiều vóc dáng, nhiều nguồn
gốc, nhiều giai cấp và ở đó nổi lên nhiều ẩn dụ, nhiều ngữ nghĩa có
tính thẩm mỹ và thuyết phục cao. Tiểu thuyết của ông có nhiều tính
triết lý nhưng lại có tính thực tế nên số lượng người đọc đông, cả
người trí thức lẫn bình dân đều tìm thấy những yêu thích riêng. Ông
là người không thích thú với sự cực đoan kể cả trong đời sống lẫn
văn chương. Luôn luôn dung hòa và lúc nào cũng cảnh tỉnh về sự tác
hại của lòng cuồng tín cả trong việc suy ngẫm và nhìn ngắm trong
lãnh vực tôn giáo. Nhưng ông cũng là người luôn bảo vệ những điều mà
ông cho là đúng đắn. Như những điều ông đã phát biểu với báo Thụy
Sĩ Tages Anzeiger, hay như ông lên tiếng bênh vực nhà văn Salman
Rushdie khi ông này bị giáo chù ayatollah Khomeini tuyên án tử hình
fatwa, tội xúc phạm đến Hồi giáo.
Trong lời phát biểu của Hàn Lâm viện Thụy Điển có nhấn mạnh đến
”hành trình đi sâu dể tìm hiểu tâm hồn u uẩn sầu muộn của thành phố
quê hương” cuả Orhan Pamuk mà điển hình là tác phẩm “Istambul”.
Cuốn sách này xoay quanh câu chuyện của một đứa trẻ, có suy nghĩ
chín chắn trước tuổi, bị vây hãm giữa những rắc rối, những dằn vặt
của một đời sống giữa một đại gia đình đầy những bất đồng và luôn
luôn cãi vã xô xát. Đó là một dòng họ giàu có và không sùng đạo lắm,
sống ở một tầng nhà của một căn phố cao, nhìn xuống dòng sông
Bosphorus với phong cảnh thật đẹp đẽ tráng lệ của một khu vực sang
trong nhất thành phố. Nhân vật chủ đạo thống trị dòng họ là bà nội
đứa bé, một người đàn bà mập mạp và luôn ban lệnh trên giường ngủ.
Bà luôn luôn kêu ca trăn trở hết vấn đề này qua vấn nạn khác từ
những cậu con trai phung phí xa hoa, đến những xích mích cãi cọ của
người trong dòng tộc, rồi đời sống hôn nhân không hòa thuận của cha
mẹ đứa bé, rồi sự sùng bái Hồi giáo quá đáng của những đầy tớ gia
nhân.
Ông như bị phân tâm giữa hai hiện thực - một từ nội tâm, hai là đời
sống bên ngoài – nên đã có bút pháp để mô tả một thế giới thứ hai
hiện hữu từ thế giới thứ nhất có thực của đời sống. Thế giới thứ
hai này được tạo hình từ những đào sâu vào thế giới thực của đứa bé.
Một cảnh tượng khác lạ lôi kéo người đọc vào, một thế giới riêng
của mơ hồ, của những căn phòng bất động âm u chật chội với quang
cảnh lạnh lùng, những bàn ghế xa xỉ bám bụi, những cỗ dương cầm ít
ai xử dụng, những tủ kính hào nhoáng đầy ắp đồ vật chưng bày vô vị,
những khung ảnh khoe khoang nghi thức. Và trong không khí riêng ấy,
con người như bị cách biệt với thế giới đầy ánh sáng sinh động bên
ngoài.
Orhan Pamuk đưa người đọc vào một thành phố Istambul mục nát những
năm của thập niên 60 đến 80. Những ngôi lâu đài gỗ của thế kỷ 19 bị
đốt phá để thay thế bằng những căn nhà hình khối bê-tông. Rồi những
chiếc tàu chở dầu đụng nhau trong đêm tối cháy sáng rực trên dòng
sông. Rồi khung cảnh hỗn loạn của thành phố bất an nơi những kẻ
khủng bố đe dọa mọi người. Rồi những cuộc nổi loạn giả tạo được
trình diễn để rồi thực sự thành những cuộc chém giết tàn bạo. Rồi
những đường phố nhà cửa của người Hi lạp và Armenian bị cướp phá.
Rồi phong cảnh tiêu điều của thành phố với những bầy chó gầy ốm lang
thang. Rồi cảnh những người phu khuân vác quị mình lảo đảo mang nặng
những kiện hàng to quá khổ. Tất cả, là những biến cố của quặn mình
thay đổi, của phân vân giữa sự lựa chọn của sự nối tiếp truyền thống
hay thay đổi theo Tây phương, của hiện đại hóa hay giữ gìn văn minh
Hồi Giáo.
Tác giả đã đùa giỡn khi nói: ”Tôi diễn tả Istambul khi tôi mô tả
chính tôi, cũng như tôi diễn tả chính tôi khi mô tả Istambul” Hồi ký
Istambul đầy ắp tính hoài niệm, pha lẫn tình mê đắm, dù là tư liệu
nhưng không phải là sự khoe khoang chính mình. Tác phẩm là tiếng gọi
trở về tuổi thơ, của niềm hân hoan được giãi bày tấm lòng của một
người yêu quê hương tha thiết… Tác giả coi định mệnh của Istambul là
định mệnh của ông vì: ”tôi gắn liền với Istambul bởi nó đã tạo tôi
như con người tôi vậy.”
Một tác phẩm khác của Orhan Pamuk, “Snow” (Tuyết), mà có người cho
rằng là thông điệp của một thời đại mà tôn giáo và ý thức hệ của nó
bị cáo chung. “ Snow” là tên của một bài thơ của nhân vật chính
trong truyện. Khung cảnh chính của truyện là thành phố Kars, một
thị trấn xa xăm nằm ở miền Đông Bắc nước Thổ. Nhân vật chính tên là
Kerim Alakusoglu, nhưng thường được gọi với tên vắn tắt là Ka. Ông
này thuộc một gia đình khá giả, được giáo dục theo phong cách Tây
Phương và đã sống lưu lạc xa quê hương ở Franfurt từ khoảng 12 năm
nay. Ông về thăm lại quê hương, đến ở thành phố Kars để đưa đám
tang mẹ và cũng nhân thể ngắm tuyết rơi ở quê hương. Dịp đó anh nhận
viết một phóng sự về cuộc bầu cử hội đồng thành phố này và điều tra
về sự kiện có khá nhiều phụ nữ tự sát vì nghe đâu vì không chịu được
những áp lực không cho phép chùm khăn choàng đầu.
Một cách ngẫu nhiên, Ka đã dính líu vào những xung đột chính trị đẫm
máu, những cuộc ám sát, khủng bố. Ông chứng kiến cảnh một viên giám
đốc học chính bị ám sát bằng súng từ một thanh niên trẻ. Cũng như
ông đã gặp người thủ lĩnh Hồi giáo quá khích tên Blue chống chính
quyền độc tài, chống lại những vận động theo đuổi nền văn minh Tây
phương. Ông cũng bị hăm dọa tới tính mạng vì bài báo buộc tội ông vô
thần mà tự nhận là thi sĩ gieo những tư tưởng độc hại cho người dân
ở thành phố nhỏ này. Cũng tại đây, ông có một cuộc tình với người
yêu xưa cũ tên Ipek, một người mà ông mong muốn sẽ theo mình về lại
Frankfurt trong một ước vọng hạnh phúc êm ái. Câu chuyện bắt đầu với
cơn bão tuyết bao trùm thành phố làm mọi sinh hoạt ngưng trệ và đời
sống tại đây như một ốc đảo cô lập với cả thế giới bên ngoài.
“Tuyết“ cũng là tên tập thơ gồm 19 bài mà ông làm trong suốt thời
gian tham dự vào những biến động. Những bài thơ này được sáng tác
trong nỗi niềm hoài niệm tuổi thơ với những kỷ niệm khôn nguôi trong
trí nhớ.
Ka là người cô đơn và là kẻ chịu nhiều áp lực. Một bên là bị chính
quyền, tuy có khuynh hướng đổi mới nhưng vẫn áp dụng những thủ đoạn
xưa cũ tàn ác, bóp nghẹt tự do., theo dõi canh chừng. Một bên thì bị
những tín đồ Hồi giáo nghi ngờ coi như là một kẻ địch phải trừ khử.
Một bên thì bị giới truyền thông coi là ngây thơ, dễ bị lôi cuốn vào
những âm mưu chính trị. Khi đi điều tra sự việc những người thiếu
nữ tự tử, Ka gặp phải vô vàn những trở ngại. Những nạn nhân thì
không tin tưởng vì họ cho Ka là kẻ không tín ngưỡng, chính quyền thì
ngăn chân không muốn tin tức phổ biến tới báo chí Tây Phương. Nhưng
trong cuộc tình với Ipek, tình cảm nồng nàn khơi lại từ mối
tình đầu, và qua sự chứng kiến cảnh và người ở Kars, Ka lại làm thơ
trở lại với bừng bừng xúc cảm sau một thời kỳ đóng băng xơ cứng. Tập
thơ « Tuyết » là những ghi chép lại trong ký ức những phần đời tuy
có đen tối nhưng vẫn có vẻ lãng mạn của những đóa tuyết sáu cạnh
trắng xóa khoảng trời…
Một tiểu thuyết trinh thám khác biệt, một không gian của một thành
phố Istambul mê sảng, một cuộc hành trình lang thang đi tìm một nhân
dáng vô vọng. “The black book” (Sách đen), một tiểu thuyết của
Orhan Pamuk đem lại những đặc tính của một chuyện kể hào hứng. Galip
người đi truy tìm Ruya, người vợ bị mất tích một cách thần bí.
Celal, nhà bình luận báo chí nổi tiếng, em trai của Ruya và cũng là
em họ của Galip, cũng bị thất lạc. Hiển nhiên hai sự kiện này có
nhiều liên quan với nhau. Khi Galip xem xét cẩn thận những dòng chữ
để lại của Celal, một cảm giác như đang đọc những trang kinh thánh
để thấy mình thâm nhập vào nhóm người cuồng tín tin tưởng vào những
lời tiên tri của Celal noí rằng sẽ có một cứu tinh Mác Xít gốc Hồi
giáo. Câu chuyện trôi đi trong cái không khí huyền bí tạo dựng, là
những bí mật làm thành những yếu tố của cuộc sống. Tác giả kết cấu
cốt truyện với phương cách xen kẽ giữa mô tả sự kiện và phân tích
tâm lý. Chúng ta thấy nổi lên sự khác biệt giữa tâm tính điên loạn
của Galip và quan niệm hoa mỹ của Celal, cũng như khuynh hướng của
thấp hèn và phương cách suy tưởng siêu hình mà căn bản từ con người
bẩm sinh. Một biên tập viên của báo “The Observer“, Jonathan
Beckman, đã nhận xét:” Cuốn sách này có thể là một bản tình ca cho
Istambul, và là một phúng dụ tinh tế về thuyết giải cấu trúc, nhưng
hơn thế nữa, nó là một sự ca tụng nghệ thuật kể chuyện ngày càng tỏ
ra hiếm có trong thế giới đầy ứ những chuyện tầm phào vô nghĩa lý,
“The Black Book” là một điên loạn ngọt ngào, tạo ám ảnh không nguôi
và rất giàu có trong sáng tạo bất chợt, là những câu chuyện mang
tính cổ tích cảm động nhưng đầy hóm hỉnh..”
Một tiểu thuyết khác “The White Castle”, cái tôi thực sự soi vào
gương để thấy một cái tôi khác, vừa là chính mình nhưng lại không
phải là mình, như một cặp song sinh, có hòa nhập nhưng cũng có đối
nghịch. Nhân vật “tôi” là một người Ý ở thế kỷ 15, bị bắt cóc và đưa
về Constantinople làm nô lệ cho một quan chức Thổ tên là Hoja. Một
điều kỳ lạ là hai người, ông chủ và người nô lệ có diện mạo y hệt
nhau. Hoja hứa sẽ trả lại tự di cho người Ý gia nhân này khi học hết
được những sở trường mà ông này truyền đạt. Họ tiếp xúc, trao đổi,
học hỏi lẫn nhau cho đến khi cả hai hầu như thành là một với tất cả
suy nghĩ, hành động mà hai nền văn hóa pha trộn lại. Cuối truyện,
người Ý trở về lại quê hương. Nhưng, người về là chính ông ta hay
là Hoja? Không ai biết được chính xác để trả lời. Bởi, cả hai đã trở
thành một, giống hệt nhau, từ trong ra ngoài, từ suy nghĩ đến hành
động. Orhan Pamuk đã muốn nêu ra cái chủ ý của mình khi nhân vật
sultan đã nói trong tác phẩm: Có điều gì chứng tỏ mạnh mẽ hơn là dù
ở nơi chốn nào cũng thế, giống hệt nhau và có thể tráo đổi vị trí
cho nhau” Văn chương Việt có câu ”mình với ta tuy hai mà một. Ta
với mình tuy một mà hai”. Có điều gì khác biệt, và có điều gì tương
tự, khi chúng ta soi gương, nhìn và lập lại chính mình?
Một tác phẩm khác, ”My name is Red”, có số lượng sách bán cao nhất
của Orhan Pamuk. Trong bài phỏng vấn tác giả, ông đã thố lộ một vài
điều về sáng tác này:
Hỏi: ông đã áp dụng những cách thế khác lạ để kể về câu chuyện qua
nhiều phương cách tường thuật khác nhau. Thực tế rõ ràng trong
sách, qua từng chương, là những âm dạng không đồng nhất. Vì sao ông
lại xây dựng tiểu thuyết của mình theo lề lối ấy? Ông phải trực diện
với những khó khăn phải vượt qua nào khi lựa chọn phong cách văn
chương như vậy?
Orhan Pamuk: Rất thích thú với tôi khi tôi giả dạng được những nhân
vật của mình. Tôi ưa khám phá âm giọng của một nhà họa sĩ Ottoman,
một người mẹ của hai đứa trẻ đang đi tìm kiếm người chồng của mình,
rồi giọng nói của hai đứa trẻ thơ, rồi âm thanh ma quỉ của một tên
giết người, đến lời tự thuật của một người đàn ông trên con đường
đến thiên đàng. Trong những chuyện kể của tôi, không chỉ riêng nhân
vật, mà cả đến sự vật và màu sắc cũng có tiếng nói. Tôi nghĩ rằng
những âm thanh riêng biệt ấy sẽ tạo ra một âm hưởng phong phú là
biểu hiện cho cuộc sống thường nnhật của Istambul khoảng bốn trăm
năm trước. Sự thay đổi ý niệm nhân sinh quan cũng biểu hiện những
suy tư ray rứt chính yếu của tác phẩm, về góc nhìn từ vị trí của
người thường chúng ta tương phản với góc cạnh nhìn ngắm của đấng tối
cao. Tất cả những chi tiết ấy được nhắc đến từ sự liên quan giống
như lối phối cảnh của hội họa. Những nhân vật của tôi sắp hàng thẳng
trong một thế giới mà tầm nhìn hạn chế không còn hiện hữu và những
nhân dáng ấy có thể có ngôn ngữ nói bằng chính âm giọng của mình và
cũng bằng nổi diễu cợt riêng mình.
Hỏi : Ông tạo dựng một nhân vật -con trai của nữ anh hùng Shekure
trong chuyện- mang tên Orhan. Có phải đó chính là cái “tôi” bị biến
dạng của ông?
Orhan Pamuk : Orhan không phải là cái “Tôi” đối nghịch của tôi. Mà,
anh ta chính là tôi. Hầu hết những chi tiết trong gia thoại về mối
quan hệ giữa bà mẹ cô đơn và đưa con trai bắt nguồn từ chính kinh
nghiệm bản thân tôi. Tôi đã giữ nguyên bản danh tính của mẹ tôi và
các anh em trai trong câu chuyện. Sự đố kỵ ganh đua giữa anh em
trong gia đình, những trận cãi lộn, ẩu đả lẫn nhau, những lần hòa
giải, những chuyện tranh giành tình thương của mẹ, chính là tự
truyện đời tôi. Phương cách đem những chi tiết sống thực của tuổi
thơ ấu vào trong chuyện lịch sử là cố ý của tôi mong sẽ tạo dựng
được bề sâu có tính riêng tư cho nó. Cái khó của tiểu thuyết lịch sử
không phải là cách diễn đạt qúa khứ được mô tả hoàn hảo trung thực,
mà chính là liên kết được lịch sử với những điều tân kỳ, để phong
phú hóa biến đồi quá khứ bằng óc tưởng tượng cũng như niềm xúc cảm
từ kinh nghiệm cá nhân.
|