.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác...

  Nguyễn Mạnh Trinh

Ngày mồng một tháng giêng,
_____________________ khai bút

  • 1.01.2008

Tối hôm qua,  giở Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đến bài Dự Chư Tỳ Tướng Hịch Văn của  Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bỗng dưng cảm khái. Xưa và nay, lịch sử và thời sự, như có gì liên hệ. Đọc những câu viết, hùng hồn, đanh thép nhưng đầy tình cảm  để thấy như một luồng nhiệt điện truyền khắp châu thân, ngôn ngữ vang vọng trong bồi hồi của cảm giác.

 

“Các người ngồi nhìn chủ bị nhục mà không biết lo, thân gánh chịu cảnh nhơ nhuốc của nước nhà mà không biết thẹn, làm tướng một nước trung ương đứng hầu mấy tên trùm mọi rợ mà không biết căm tức. Tai nghe tấu nhạc “Thái Thường” để hiến ngụy sứ mà không tỏ sắc giận, hoặc lấy việc chọi gà làm lạc thú, hoặc lấy việc bài bạc làm lạc thú, hoặc chăm lo việc ruộng vườn để nuôi gia đình, hoặc quyến luyến vợ con để mà lo việc riêng, hoặc chăm lo việc tiền của sinh lợi mà quên việc binh, việc nước, hoặc ham mê rong chơi săn bắn mà  bỏ bê việc tập rèn các cánh đánh giữ, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc Mông Thát đến thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc mọi, mẹo bài bạc không đủ để dùng làm việc quân mưu, nhiều vườn lắm ruộng cũng đủ để chuộc tấm thân ngàn vàng, vợ con đàn lũ không thể dùng cho việc nước việc quân, nhiều tiền lắm của   cũng không đủ để mua đầu giặc, rượu ngon không đủ để làm cho giặc say mà chết, tiếng đàn hát không đủ để làm giặc điếc tai,”

 

Không biết những tên cầm quyền trong nước có nghiền ngẫm bài học trên không khi giặc Hán phương bắc xâm chiếm lãnh thổ và cả một bọn từ Hồ chí Minh, Phạm Văn Đồng vì quyền lợi riêng mà bán rẻ đất nước. Bây giờ, những tên phản chiến, thành phần thứ ba thứ tư ngả nghiêng theo giặc hãy suy nghĩ về căn nguyên của của cuộc chiến, ai chính nghĩa ai không. Ai đánh giặc Tàu dù thế yếu hơn để bảo toàn lãnh thổ và nêu cao gương tự chủ độc lập. Ai bắt tay với loài Mông Thát để bán rẻ giang sơn cho mưu đồ thôn tính bằng chiến tranh? Tất cả, bây giờ đã rõ ràng, cái bản văn bán nước của Phạm văn Đồng còn sờ sờ ra đó như một bằng chứng muôn năm lưu xú.

 

Trong bài diễn văn của Solhzenytsin đọc khi nhận giải Nobel văn chương, ông có nói đến tính gian dối của những chế độ độc tài toàn trị như Cộng sản chẳng hạn, lúc mà nó nghĩ  ở thế mạnh mẽ nhất vì khéo dùng chiêu bài để che dấu dã tâm thì lại là lúc nguy hiểm nhất cho sự tồn vong của chúng. Bởi vì, lúc đó những che dấu đã bị lột trần và sự lừa dối bưng bít sẽ thành phản động lực để tiêu hủy chúng. Bây giờ, có phải là thời điềm đó chăng ở Việt Nam ?

 

Nghĩ xa hơn, những  trí thức Bắc hà, những tinh anh Nam Bộ nghĩ gì khi lãnh thổ vị xâm chiếm, dân tộc bị nhục nhã, độc lập bị đe dọa? Một nhà văn trong nước, Nguyễn Hoàng Văn đã viết một bài ngắn nhưng thật ý nghĩa “Thế là tiên sinh tại đào”. Nhà thơ Bùi Minh Quốc thắc mắc tại sao ông Hữu Thỉnh và các nhà văn do ông quản lý vẫn chưa lên tiếng trong vấn đề Hoàng Sa –Trường Sa.

 

Hẳn nhà văn Bùi Minh Quốc còn nhớ Hội Nhà Văn của cái thời sôi nổi năm 1999 khi khối NATO oanh tạc Belgrad để buộc Serbia phải rút quân ra khỏi Kosovo. Lúc đó dưới sự chỉ huy của cây sáo trưởng ban văn hóa tư tưởng trung ương hội phản ứng rất nhịp nhàng tất cả bài bản lớp lang và cũng rất quyết liệt đến độ có nhiều hội viên đòi thành lập đoàn chí nguyện quân cho họ góp máu với Serbia. Trong số đó, “tiên sinh” thổi hăng nhất, tôi nhớ không lầm là nhà thơ Nguyễn Duy.

 

Hôm nay thì khác. Bản hợp xướng “Hướng về Hoàng Sa Trường Sa” không dấy lên từ những cây sáo trưởng ở những ban bệ thiên đình mà từ những nhà thơ, những nhà văn, nhà báo tự do đơn độc “ở ngoài xã hội.”

 

Thế là thế nào? Có phải các đại trí thức, những nhà văn “quan chức” còn mải mê theo những ý tưởng khác cao xa hơn và cũng trừu tượng  hơn mà tác giả  Nguyễn Hoàng Văn gọi là “trưởng giả hóa và học thuật hóa“ để như một lớp hỏa mù che dấu cái sự thực của một nền văn học phục vụ cho chính trị. Để, có một kết luận, nếu có lỗi lầm, nếu có tội ác thì là của nhân dân chứ không phải của những tên buôn xương máu và buôn cả lòng yêu nước của cà một thế hệ bị lừa dối…

 

Đầu năm đầu tháng, nghĩ được gì bây giờ ?Khi những kẻ cầm quyền, không có một chút nào lương tri của con người, đã vì quyền lợi của phe nhóm, giữ Đảng theo Chệt làm tay sai ngoại  bang bán đứng dân tộc …

Ngày mùng một tháng giêng dương lịch năm 2007. Hàng chữ vẫn còn nguyên trên trang giấy trắng. Biết viết gì đây để khai bút nhân dịp đầu năm. Năm nay, lễ vào dịp cuối tuần nên thời giờ cũng có phần thoải mái. Có năm, đầu năm đi làm như thường lệ, buổi sáng nhìn xa lộ dày dặc màn sương mà lại nghĩ  đến câu thơ Cao Tần, lái xe đi từ căn nhà tòng teng đỉnh dốc để thấy đời mình cũng chênh vênh theo.

 

Hai  mươi tám  năm ở  xứ người mà sao nhanh quá.  Năm tiếp năm, tháng tiếp tháng, ngày lại ngày, cuộc sống vèo qua, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu mưa, bao nhiêu nắng. Trong ký ức, sao mhạt nhạt những niềm nhớ. Trong giấc ngủ, hiu hắt biết bao những giấc mộng ấu  thời.  Ngày nào, hăng hái những ôm ấp, làm đẹp cho đời, làm đẹp cho mình. Sống cho ra sống, như chuyện lập thân ngày xưa, gánh vác cuộc nhân sinh.  Dù biết rằng mình là một người may mắn trong cuộc đời, nhưng sao vẫn thấy nao nao khi nghĩ về những cơn mơ ngày ấy. Chí lớn chưa về bàn tay không…

 

Hai mươi tám năm. Từ ngày bắt đầu học một nghề và bắt đầu vướng vào một nghiệp. Bắt đầu từ tuổi ngoài ba mươi, vừa làm vừa học để có một nghề mưu sinh nhưng cũng cảm khái biết bao với những năm ngần ấy chập chững nghiệp cầm bút. Làm thơ, viết văn, mới đầu chỉ là để trang trải tâm sự của mình nhưng sau lại trở thành một công việc kết thành từ sự say mê.  Viết và sống,  sống và viết, như hai mặt âm dương của cuộc nhân sinh. Mỗi năm, ở vào thời điểm như hôm nay, trong cái bắt đầu của cuộc tuần hoàn mới, tránh sao khỏi được sự ngoái nhìn về một năm đã qua...

 

Có người bạn, hỏi tôi, bạn nghĩ gì về văn học Việt Nam qua một năm đã qua. Tôi hơi tức cười, vì mình là người hay đặt câu hỏi ấy với các văn nghệ sĩ nhân những cuộc phỏng vấn đầu năm. Những chữ như : nghĩ gì, nhân xét, đánh giá… dường như quen thuộc lắm. Thế mà, bây giờ bị hỏi ngược lại. Cũng y hệt một câu hỏi…

Thực ra, đã có nhiều người đã suy nghĩ và trả lời câu hỏi tuy ngắn nhưng phức tạp ấy.  Nhìn vào thực trang, thực khó mà có câu trả lời bao quát được hết các sinh hoạt văn chương, từ trong ra ngoài nước. Người viết,  ở nhiều lứa tuổi khác nhau, sinh sống ở nhiều môi trường địa bàn khác nhau, mỗi người một nét nên cũng khó để phân tích thành những trường phái hay khuynh hướng. Người đọc, nhất là ở hải ngoại, thì dần dần bị hao mòn đi.  Có một nhà văn  cho rằng có sự lão hóa trong cả người viết cũng như người đọc. Và như thế, tương lai  của nền văn học ấy cũng chẳng sáng sủa gì lắm.

 

Trước đây, cũng đã có người phê phán rằng người viết ở hải ngoại bị đóng khung trong những  thiên kiến  và chỉ viết được những tác phẩm chỉ tồn tại được một thời.  Những đề tài như tù cải tạo, như những cuộc vượt biên, hay tố cáo những hà khắc chính trị,,, sẽ bị nhàm đi và từ từ không còn giá trị nữa. Vị trí của người cầm bút sẽ dần dần mất đi tính lưu vong đối kháng với chế độ đương thời. Ngược lại, những đế tài về con người muôn thuở hay lịch sử rốt cuộc sẽ là đề tài lớn và vượt qua được sự đào thải của thời gian. Có người lại cho rằng văn chương mà khai thác nỗi đau thời thế, đề cập đến mất mát của chiến tranh cũng như bày tỏ sự công phẫn với chế độ đỏ hiện hữu là “một cách xác đinh căn cước”, Cái từ ngữ có hàm ý châm biếm ấy có lẽ sẽ không thích hợp với những người nhìn thấy được sự xảo trá của chiêu bài “chống Mỹ cứu nước”. Cách mạng dân tộc nỗi gì mà đem đất đai cho cha ông đem dâng cho đế quốc phương bắc, để đổi lấy một cái chiến thắng ô nhục để đất nước tuột dốc không phanh, xã hội sa đọa, chính quyền thối nát tham nhũng, giáo dục xuống cấp, đất nước nghèo đói. Biểu tỏ sự phẫn nộ ấy, có phải là hành động chính đáng?

 

Nhà văn Solhzenitsyn đã viết bài diễn văn nhận giải Nobel văn chương và nêu rõ tính chất của những người viết văn lưu vong đứng về phía đối kháng với chế độ độc tài. Tác phẩm của ông như ”One Day in the Life of Ivan Denisovich” hay “The Gulag Archipelago” mặc dù viết về ngục tù, mặc dù rõ ràng tính chất phản kháng nhưng vẫn có giá  trị về sau này, cả khi chế độ Cộng Sản đã sụp đổ.

 

Như vậy, không phải là những đề tài phản kháng chế độ là những đề tài chỉ có giá trị nhất thời. Ngược lại, nếu ở những cây bút có nghệ thuật diễn tả cao, sẽ là một yếu tố để làm tác phẩm vượt qua được sự đào thải của thời gian.

 

Những sự tiên đoán thường ít chính xác. Các nhà văn nhà thơ có uy tín như Võ Phiến, Nguyên Sa,..  khi  viết  về tương lai của văn học Việt Nam ở hải ngoại thường có sự dè dặt. Bởi, trong thực tế, có rất nhiều sự kiện bất ngờ. Tới hôm nay, nền văn học ấy vẫn là một thực thể mà những người trong nước dù khác chính kiến cũng không phủ nhận được. Có rất nhiều khó khăn, từ người viết đến độc giả, từ môi trường sống cũng như yếu tố để phát triển,.. tất cả tưởng như là những điều chẳng thể vượt qua. Nhưng, rồi sinh hoạt vẫn có sinh khí,  có tác phẩm đến tay người đọc, có những tạp chí văn chương dù sống không mạnh mẽ lắm nhưng cũng là những diễn đàn có tính chuyên nghiệp cao và thể hiện được những ưu tư cũng như khát vọng của người cầm bút.

 

Một tác gỉa trẻ, nhà văn Cổ Ngư, hiện sinh sống tại Pháp nói về suy nghĩ của mình trong sinh hoạt văn học hiện thời:

 

“… Một trong những mối ưu tư lớn của người viết hải ngoại là làm sao sách của họ in ra đến được tay người đọc vì người Việt ở rải rác khăp nơi và không phaỉ ở nơi nào có người Việt cũng có thể tìm được một nhà sách hay một quầy tạp hóa nhận bán sách báo Việt. Chuyện gửi sách báo qua đường bưu điện (hay mua sách qua internet) cũng gặp khó khăn do chi phí gửi khá cao. Do hoàn cảnh đặc biệt, sách báo Việt ở hải ngoại hoàn toàn không qua bất cứ một sự kiểm duyệt nào ngoài sự đánh giá cũa người đọc. Điều này khác so với sách viết bằng tiếng bản xứ, xuất bản tại nơi có người Việt sinh sống (thí dụ sách viết bằng tiếng Pháp xin giấy phép xuất bản tại Pháp) hoặc sách in tại  Việt Nam…”

 

Thực ra, ở Hoa  Kỳ, in sách Anh ngữ không cần xin phép xuất bản, theo tôi hiểu. Tuy có nhiều nhà văn cho rằng họ vẫn chưa có tự do sáng tác ở hải ngoại, vì có nhiều áp lực tạo sức ép khi sáng tác.  Nhưng cũng có người, tỉ dụ như Cổ Ngư thì cho rằng anh rất thoải mái khi sáng tác tại hải ngoại :

 

“.. Thế còn tôi? Tôi viết văn, làm thơ cho ai? Hình như ngay tự đầu tình yêu và niềm say mê của tôi dành cho chuyện viết văn làm thơ, đặt nhạc, vẽ tranh chụp ảnh đóng kịch… đều ngang bằng nhau, cái gì cũng thích, nên cái gì cũng làng nhàng chẳng đâu vào đâu! Tất cả những gì tôi làm đều có một đối tượng đầu tiên cái tôi đáng yêu cái tôi đáng ghét! Tôi có hứng, tôi thích chí, tôi làm. Làm xong, ưng ý tôi giữ lại, không hài lòng, tôi vứt bỏ. Không ai ép, không ai buộc, không ai đe dọa, không ai bán mua đổi chác. Cái vòng tròn đầu tiên, mắt bão, lỗ rốn, người thưởng thức đầu tiên, chính là người tạo tác. Người ta viết nhật ký để ai đọc, nếu không phải để mình tự nhận ra chính mình? Sáng tác, đối với tôi cũng là một cách để nhận ra chính mình. Đôi khi ngẫm lại một đoạn văn, một bài thơ, một bức phác họa đã lâu không động đến tôi chợt nhớ lại những cảm nhận đã thấm, những suy nghĩ đã từng những rung động đã có về bản thân về người đối diện về đám đông lao xao chung quanh về cuộc sống ở một nơi chốn nhất định trong một thời điểm nhất định. Bằng sáng tác tôi tự soi gương và biết mình hiện hữu  biết mình từng có và mất những gì mơ ước và chối bỏ những gì.  Bằng sáng tác tôi muốn bày tỏ muốn san sẻ “một phần của tôi” đến người chung quanh đồng thời hấp thụ trở lại, tập sống suy nghĩ, hành động như như một hoặc nhiều người khác. Vì vậy khi đối tượng đầu tiên, bản thân người sáng tác có thực sự yêu mến và rung động với tác phẩm thì may ra tấm chân tình đó mới lan tỏa được ra những người xung quanh tác  phẩm mới tìm được mối tương giao với người thưởng ngoạn.  Thế nhưng chỉ có rung cảm nghệ thuật và tấm chân tình không thôi hình như chưa đủ, hình như chỉ là sự tự phát với khuôn dáng trong gương nhìn mải cũng nhàm, dù ai ai cũng mang trong người it nhiều hình bóng của Narcisse. Người sáng tác khó nhất là biết tự mình vượt qua chính mình. Và chỉ có cách duy nhất  để có thể thực hiện điều ấy là phải học hỏi không ngừng những kỹ thuật, phát kiến mới và không ngại đem áp dụng thử nghiệm vào tác phẩm của mình. Nếu những kỹ thuật, phát kiến mới ấy lại do chính bản thân sáng tạo thì còn gì tuyệt vời hơn nữa ! Ngạn ngữ  Trung Hoa cách đây nghìn năm đã có câu ”sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt thoái“, nay nếu còn không học hỏi sự thể sẽ trôi dạt về đâu? Mấy năm trở lại đây, các bài viết của vài nhà nghiên cứu phê bình văn học đăng trên một số tạp chí văn học đã thực sự khuấy động sự yên tĩnh của những người viết Việt già nua “Già nua“ ở đây không có quan hệ với số tuổi đời, mà ở cách suy nghĩ  và lối sáng tác…”

 

Có rất nhiều chia sẻ của cá nhân tôi với lời phát biểu của Cổ Ngư. Quả thật, khi đã cầm bút, cái mà mình muốn trước tiên là phải vượt qua được chính mình. Phải hơn trước, phải hay hơn trước và nhất là khác với cái của chính mình lúc trước. Thú thực tôi đã xé rất nhiều bài thơ khi mà âm vận và chữ nghĩa vẫn mang mang một chút gì giống những bài thơ trước của mình. Xé vụn những trang thơ ấy quả là một điều không vui nhưng biết làm sao.

 

Tôi cũng lại chia sẻ với Cổ Ngư về cái điều phải học. Có những điều, tự mình khám phá ra thật khó khăn và tốn thời giờ nhưng khi đã học ở sách vở hoặc trường lớp thì dễ dàng hơn nhiều. Tôi nghĩ có lẽ suốt đời mình phải học vì thực ra càng học, càng đọc thấy vỡ ra nhiều diều thú vị. Biển kiến thức mênh mông biết bao và quả thật tôi rất bất bình khi có một nhà văn tuyên bố rằng đã thành người cầm bút có ”danh” rồi thì chằng cần phải học nữa. Nếu có người nói vẫn còn học thì đó chỉ là một lối làm dáng kiểu cách như lối nói của nhà thơ Bùi Giáng.  Có mấy ai, với cái gọi là “thiên bẩm“ của mình mà không cần học hỏi để thành một nhà văn đúng nghĩa...

 

Nhà văn Trần Hữu Thục đã viết  về một trường hợp sáng tác với tất cả những trăn trở :

“… Ai từng trải qua kinh nghiệm sáng tác mới thâm cảm hết nỗi đau đáu của những thai nghén nghệ thuật. Lặn ngụp trong thực tế, tiếp cận với sự vật, nhìn ngắm, suy ngẫm, tiếp nạp, tích lũy trong tâm, và rất nhiều khi phải ghi chép lại. Rồi giữa đống hỗn độn những chi tiết sần sùi, thô nhám mờ mịt đó, anh ngồi một mình (ai cũng sáng tác một mình) anh vận dụng trí thức, trí tưởng tượng, ký ức để tái hiện hiện thực biến chúng thành câu, thành chữ. Viết rồi xóa, sắp ngược sắp xuôi, đọc đi đọc lại. Lắm khi viết bao nhiêu trang, tưởng xong, bất đồ xé bỏ đi để bắt đầu viết lại. Cũng lắm khi, ngồi hàng giờ, chẳng viết được chữ nào xuống giấy. Đôi khi cả tháng, hễ ngồi xuống bàn viết là cắn bút, đầu óc đâu có thiếu chi tiết nào thế mà cứ tưởng như rỗng không chẳng moi ra được điều gì để ghi lại. Có lẽ đây là cái đáng sợ nhất của một nhà văn, nhà thơ. Phải chăng đó là nỗi bơ vơ mà Nguyễn Hưng Quốc muốn nói. Không những bơ vơ mà còn xót xa, bứt rứt, khổ sở…”

 

Khi viết, có mấy ai còn thắc mắc. Viết cái gì, viết cho ai, và viết để làm gì? Tôi nghĩ, chắc đó là nỗi niềm chung của những người cầm bút.  Nhưng chắc không phải là thái độ của một thí sinh đang hết sức mình trước trang giấy trắng của cuộc khảo thí. Những  tác giả ở hải ngoại có nhiều người coi việc cầm bút là một công việc buông xả để vượt qua được những gay cấn của cuộc sống. Nghệ thuật vô tình thành một đóa hoa trang điểm cho những ngày tháng náo động nhưng vô vị của kiếp lưu lạc ở xứ người. Cũng có người coi công việc sáng tác là một cố gắng tìm lại chính diện mạo của đời sống mình. Trong tiến trình suy tư, họ hy vọng kiếm ra được những góc cạnh, những u uẩn của cuộc sống từ thực tế ngồn ngộn đầy biến cố, đầy phức tạp. Cũng có người, chọn lựa vị trí của một người tị nạn, mang trường hợp của mình và những người cùng cảnh ngộ và những nỗi niềm đã có từ khi còn sống ở trong nước, một cuộc sống mà họ coi là “sống lưu vong trong chính đất nước của mình. Họ chọn một thái độ, quyết liệt bầy tỏ một lập trường. Lập trường của phản kháng đối đầu với chế độ hiện hữu …

 

Trên thực tế, văn học ở hải ngoại đã tồn tại như thế nào?  Số lượng sách in và phát hành cũng ở mức lạc quan. Người viết, cũng có nhiều người đã ra đi rời bỏ cuộc sống hoặc ngưng cầm bút nhưng cũng có những cuộc khởi hành bắt đầu của những người viết mới.  Nhất là, ở những người trẻ bắt đầu cho một nền văn học di dân. Họ viết bằng Anh ngữ nhưng vẫn giữ được những tâm tình của trái tim Việt nam…

 

Tác giả Nguyễn văn Lục trong một bài viết nhận định về một số những khuôn mặt tác giả ở hải ngoại đã viết:

“Điều đó cảnh báo một tương lai không sáng sủa gì cho văn học di dân. Đã thế sự nghiệp văn chương thì nhiều người còn mỏng. Và vẫn là một thứ văn chương nghiệp dư. Cứ nhìn những nhà văn viết bằng tiếng ngoại quốc không khỏi làm chúng ta suy nghĩ. Những Linda Le, Monique Truong, le thi diem thuy, Pedro Nguyen, Valerie Tong Cuong,.. phải chăng muốn trở thành chuyên nghiệp thì chỉ có con đường chọn viết văn bằng ngoại ngữ…”

 

Thực ra, không phải tất cả những nhà văn viết bằng tiếng bản xứ đều chuyên nghiệp và không có tính nghiệp dư. Có nhiều người cầm bút như một công việc tay trái. Tay phải cho nghề, tay trái cho nghiệp. Mai Elliot làm việc trong lãnh vực ngân hàng, Lan Cao, Duong như Nguyện là luật sư, Mông Lan, Barbara Tran, Trinh thi Minh Ha, Hoa Nguyen,  Aimee Nguyen  dạy  học… Nhưng nhiều khi họ cũng phải chọn lựa như trường hợp Monique Truong giữa nghề và nghiệp.

 

Khác với những nhà văn viết bằng Việt ngữ, những nhà văn viết bằng tiếng bản xứ  đã có những môi trường sáng tác khác. Người đọc và người viết đã khác tâm tư, đã là nếp sống, đã khác biệt văn hóa. Viết không còn là một sự chia sẻ tâm tư nữa mà là trình bày, tạo dựng một thế giới khác để cho người lạ bước vào. Thế giới của hội nhập ấy, để người đọc hiểu biết được dù bàng bạc nếp sống và nếp nghĩ của những người mới đến định cư, làm lại cuộc đời ở những thời điểm khắc nghiệt đòi hỏi cố gắng vượt bậc để có thể tồn tại. Thay vào sự chia sẻ, là kích thích hiếu kỳ. Thế giới ấy còn nhiều khám phá. Con người ấy còn nhiều khó hiểu. Những biến cố của cà một đời người, từ nét chân thực, có nét phác thảo của văn hóa Đông Phương, sẽ là đề tài của nhiều trang sách nhiều hứng thú…

 

Có sự khó nghĩ trong việc xác định căn cước của những nhà văn gốc Việt viết bằng ngôn ngữ bản xứ. Đôi khi, họ ở trong dòng văn chương di dân. Đôi khi họ lại được kể trong dòng văn học lưu vong. Nhưng dù với loại căn cước nào, thì cũng là những người cầm bút viết bằng tâm tình và trái tim Việt Nam.

 

Còn hiện tượng lão hóa, theo nhiều nhận định cũng là một hiện tượng tốt.  Lão hóa, cũng có khi là trẻ hóa như bài kệ của thiền sư Mãn Giác. Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn, chu kỳ ấy là tự nhiên của trời đất. Hôm nay, ngày đầu năm 2007,  trong ngày xuân, nghĩ về văn học Việt Nam hải ngoại, tự nhiên nhớ đến những câu thơ xuân dịch thơ thiền sư Mãn Giác :

 

Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước nở cành mai.

 

Và như thế, có phải là ý nghĩ lạc quan nhất …

 

       

        


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu,  Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt,  không kích động hận thù,  và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ,  hay bất kỳ một chính phủ nào.