.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


"Trốn  Trại"

(Để nhớ lại các bạn tù : Thành, Quế, Huề và Thi)

  • 1.09.2007

Kính dâng hương hồn bạn Thành

 

Phan Quân

 

Con người cộng sản, muôn đời đầy dẫy tham vọng, mãi mãi nhìn ngóng cao xa, nhưng lại không cần biết đến khả năng mình có trong tay. Họ cứ tưởng câu thần chú "khắc phục khó khăn", mà họ thường vận dụng, sẽ giải quyết được mọi vấn đề, và cũng như nhà thơ Tố Hữu, họ luôn tin tưởng rằng:

 

            Bàn tay ta làm nên tất cả,

            Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm.

 

Cho nên, giữa núi rừng trùng điệp của Hoàng Liên Sơn, cộng sản cai tù lại mong muốn xây dựng theo cung cách hiện đại, làm nên những ngôi nhà ngói đỏ, tường vôi. Dĩ nhiên là theo "hạch toán kinh tế", dựa trên phương thức "nước sông, công tù". Xây nhà gạch mà chẳng cần xi-măng, chỉ có vữa vôi, bùn dẻo và cát. Gạch thì chất liệu lấy từ lòng đất mẹ, kết hợp với công sức lao động và mồ hôi nước mắt của tù. Vữa vôi thì lấy từ những "xưởng vôi" công tù ở khu núi đá trong vùng, bùn dẻo thì đâu mà chẳng có và lòng sông Hồng không thiếu gì lượng cát đen, một thứ cát để chơi chớ không phải để xây dựng, lấy hoài cũng không hết.

 

Những bộ óc vĩ đại "dám nghĩ, dám làm" bèn nảy sinh ý kiến đưa tù đi lấy cát sông Hồng về làm vật liệu xây cất. Mỗi lượt đi về mất khoảng mươi cây số đường đất pha sỏi đá, lên dốc, xuống đồi, băng ngàn, vượt suối, với một chiếc "xe cải tiến" và bốn công tù, một kéo, ba đẩy, áng chừng hai thước khối cát. Tính ra thì thu chẳng bù chi, nhưng quan trọng quái gì thứ mồ hôi và sức lao động của bọn tù "ngụy quân, ngụy quyền" đó chớ.

 

Những khi có nhu cầu, từ phiên sinh hoạt đêm trước, trại "phân bố" lực lượng lao động đi vùng Yên Báy để hốt cát từ lòng sông. Sáng hôm sau, bốn tù cải tạo, được chỉ định, phải tìm một "xe cải tiến" thật "chất lượng", để khỏi nằm đường, và "liên hệ" với "anh nuôi" để nhận lãnh lương thực và thực phẩm cho bữa ăn trưa hôm đó. Thông thường thì lãnh gạo, rau tươi hoặc bí ngô (bí rợ) và ít muối để đun nấu dã ngoại tại chỗ. Đủng đa đủng đỉnh như chĩnh trôi sông, bốn tù và một bộ đội súng dài áp tải cũng phải mất hai giờ lộ trình mới tới được địa điểm lấy cát, một góc sông nhìn sang thị trấn Yên Báy bên kia.

 

Mùa đông giá rét hay mùa hè nóng bức không cần biết, cứ lặn hụp xúc đầy "xe cải tiến" cát xong lên bờ ngồi hơ ấm hoặc phe phẩy ngọn gió thổi khô người, chờ bữa ăn trưa do bạn bè tù tự tay nấu lấy. Trong khi đó chàng bộ đội kia đi săn lục mấy căn nhà trên đồi, tán tỉnh hoa biết nói miền quê hay gởi gạo và thức ăn nhờ nhân dân nấu hộ. Cơm nước xong xuôi, lợi dụng thời gian gả bộ đội đi "liên hệ linh tinh", toán tù cải tạo cũng được dịp ngơi nghỉ buổi trưa dưới bụi tre già đầu ngõ, cuối thôn.

 

Đó là những lúc cuộc đời tù tội tạm quên đi cảnh chim trời gảy cánh bay và cá chậu muôn phần tù túng. Trong bóng mát chùm cây bụi cỏ, dưới tàn lá rì rào đong đưa theo làn gió hiu hiu, ngả lưng trên nệm cỏ êm êm, tù cũng có được vài ba giấc ngủ chập chờn theo mộng viễn du. Hình ảnh thành phố bên kia sông, rộn ràng phố chợ, tấp nập kẻ bán người mua, khơi động trong lòng kẻ tù, người tội dăm ba ý nghĩ tự do. Ừ nhỉ, tại sao ta cứ mãi chịu giam mình trong cõi đời cải tạo triền miên như thế này? Ý nghĩ bay ngang qua đầu, chợt đến rồi chợt đi, vì không dễ gì thực hiện ở một vùng rừng núi thù nghịch, nên cứ mãi nằm phục kích trong một góc của tiềm thức. Hơn nữa, dự tính chưa được trọn vẹn suôn sẻ thì, may thay, một lão nông dân tạm bước dừng chân tránh nắng hoặc một cậu mục đồng ngất nga ngất nghểu lưng trâu ghé qua thăm hỏi ba điều bốn chuyện. Trong những câu trao qua đổi lại kia cũng có những cái hay hay cho những ai muốn biết ngõ ngách đi về trên "vùng đất quê hương" mà xa lạ.

 

Thế là, ngày một ngày hai, thông tin chồng chất, tích tiểu thành đại, những dữ kiện rời rạc kia rồi cũng hình thành nên kế hoạch. Một chương trình đào thoát lớn lao, chờ cơ hội thuận tiện để thực hiện mà thôi. Qua sinh hoạt tổ đội đêm trước, những "đội cơ động" của toàn trại được lệnh chuẩn bị cho một phiên lấy tre rừng rất quy mô trong ngày hôm sau. Như vậy là cơ hội đã đến, những người từ những tổ đội khác nhau, nhưng cùng chung một ý hướng, thì thầm lên phương án hành động. Vì người tù nào cũng phải chuẩn bị cho bữa ăn trưa dã ngoại nên số phương tiện mang theo có cồng kềnh hay to lớn chút ít cán bộ cũng không thấy được. Một dịp may để cho những người có ý định đào thoát chuẩn bị hành trang, lương thực, thực phẩm dài ngày cùng với thuốc men cần thiết cho chuyến đi.

 

Đoàn tù đi lấy tre hôm đó tiến vào rừng với khí thế "hùng hổ" cố hữu, nhằm tranh thủ lấy đủ tiêu chuẩn càng sớm càng tốt, trước khi cơn đói trì hoãn mọi hành động. Mọi việc có vẻ như diễn tiến bình thường cho đến khi được lệnh dừng tay để lãnh phần ăn trưa.

 

Sau khi cán bộ kiểm tra lại nhân số từng tổ đội thì bỗng dưng có lệnh "thu quân khẩn trương", tre chặt rồi bỏ lại hiện trường, toàn thể bộ phận đi lấy tre kéo về trại. Tập thể tù cảm thấy có điều gì bất thường nhưng không biết chuyện gì đã xảy ra, vì trên nguyên tắc thì tre đã đốn thì phải được mang về trại ngay. Mãi đến khi được tập họp ở sân trại mới biết được là có tù "trốn trại".

 

Một nỗi xôn xao khá rộn ràng vì lần đầu tiên ở trại miền Bắc có trường hợp vượt thoát. Một tình hình xao xuyến pha lẫn xúc động cho cả trại, nửa thì mừng rỡ - dĩ nhiên là trong âm thầm - nửa lại lo âu. Mừng cho những người đã ra đi, những cánh chim trời được trở về với không gian cao rộng, nhưng lo vì kết quả chưa rõ trắng đen và vì thân phận của những ai còn lại, rồi ra sẽ bị kềm kẹp đến như thế nào đây? Dẫu cho cộng sản thường rêu rao "đánh kẻ chạy đi, không đánh người ở lại".

 

Sinh hoạt tổ đội đêm hôm đó hết sức căng thẳng, một vài đơn vị có cả cán bộ quản giáo "chủ trì". Một phiên sinh hoạt nặng tính trình diễn và nhiều kịch tính, bắt những thành viên phải "đào sâu suy nghĩ để thấy cho được" cái sai quấy của những người "trốn trại". Chung cuộc, cán bộ chủ trì "lên lớp" nặng nề và gay gắt với chủ đích răn đe những người tù còn ở lại. Tổ đội nào cũng được chỉ thị phải mổ xẻ "thấu lý, tận tình" vấn đề để rút kinh nghiệm và "hạ quyết tâm cao" chớ làm điều xằng bậy.

 

Biến cố "trốn trại" đó là một khúc ngoặt trong quá trình đối xử tù cải tạo của bộ đội cai tù. Sau một thời gian quản lý tù cải tạo, bộ đội có phần nào lơ là vì cảm thấy đối tượng của mình có vẻ ngoan ngoản. Nay, sau khi "mất trâu rồi", họ đâm ra đề cao cảnh giác hơn, đến độ khắt khe quá đáng. Nhưng, đã mang thân tù tội rồi thì mấy cũng phải chịu thôi. Từ đó về sau, đi lao động bên ngoài, tù không được mang theo những gì khác hơn là tấm nylon che mưa, tất cả bao bì đều bị cấm.

 

Trong quá trình điều tra, những anh tổ trưởng liên hệ đến những người đào thoát bị quấy rầy liên tục, nay cán bộ này kêu lên hỏi, mai cán bộ kia gọi lên "làm việc", với giả thuyết là tổ trưởng phải "nắm được" tư tưởng của tổ viên, một nguyên tắc trong tổ chức cộng sản. Xong với các tổ trưởng rồi, những người điều tra bắt đầu hạch hỏi những người tù nằm cạnh các anh "trốn trại" và sau đó là những người ăn cùng mâm!

 

Cuộc điều tra tiếp tục chạy quanh chạy quẩn, lòng vòng vì ai biết được đây? Nhưng, dù có biết đi nữa thì ai dạy gì "lạy ông tôi ở bụi này" để mang họa vào thân. Chung cuộc và trước mắt, trại cũng tìm ra được một người tù làm cái bung xung để cho họ đổ những cái bực bội, để cho thiên hạ dằn vật, giận cá chém thớt. Đó là anh tù thuộc tổ "anh nuôi" bị nghi ngờ đã phát cho một vài người trong nhóm đào thoát một số muối hột, thay vì nước muối như đã quy định. Tuy nhiên, nghi vấn đâu phải là yếu tố để kết tội nhưng cũng làm cho đương sự và tập thể tù cải tạo phải thắc mắc và băn khoăn.

 

Tâm tư tình cảm của tù cải tạo "Trại-2-Nhà-Ngói" phải qua một thời kỳ trầm lắng hẳn đi, một phần dõi theo bóng những người bạn đang băng rừng lội suối tìm về cõi tự do, mà người người mơ ước, và một phần trăn trở với những soi mói của cán bộ trại. Cho nên, nếp sống của trại phần nào khựng lại, sinh hoạt của trại đâm ra lờ đờ và nhịp độ lao động uể oải để trông chờ kết quả của biến cố mà ai cũng ước mong là sẽ có phần thuận lợi cho những người đã ra đi.

 

Trong khi chờ đợi tin tức của những người "trốn trại", ở chỗ riêng tư và thầm kín, căn cứ trên thành phần của nhóm đào thoát, anh em tù dự đoán kết quả của chuyến đi tìm tự do đó. Một cách khái quát, có thể thấy rằng đã có một sự chuẩn bị chu đáo khi nhóm này được hình thành vì trong đó có người biết liên hệ đối ngoại và ít lắm cũng biết được tình hình bên ngoài, có kẻ rành về mưu sinh thoát hiểm, có thành viên hiểu về địa thế và có người thấu hiểu chuyện vượt suối băng rừng và trèo non xuống núi.

 

Họ thuộc những tổ đội khác nhau và trước kia cũng là người của những quân binh chủng khác nhau. Anh thì chuyên môn bàn giấy, đã có thời gian biệt phái ngoại ngạch - để làm việc bên chính trị - nhiều hơn thời gian phục vụ bên quân đội. Anh thì gốc không quân bay bổng. Kẻ thì thuộc pháo binh và người thì quân nhân đấm đá chính gốc. Còn một yếu tố, tuy phụ thuộc nhưng không kém phần quan trọng, là trong bốn người đào thoát có một anh thường hay bói tử vi, được cho là có hạng. Với thói quen tin tưởng ở bói toán của người Việt Nam, tập thể tù nghĩ rằng nhóm "trốn trại" kia ít ra cũng nắm được năm sáu mươi phần trăm thành công. Nên chi, anh em tù tin tưởng rằng toán người ra đi sẽ toại nguyện vì họ không hời hợt chủ quan. Nhưng, kết quả cụ thể chắc sẽ không bao giờ số tù còn lại biết được, thảng hoặc nếu có đi nữa thì cũng phải lâu lắm.

 

Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, khoảng ba hay bốn ngày gì đó, trong sinh hoạt đêm, cán bộ quản giáo cho biết tin chẳng lành là những người vượt thoát đã bị bắt lại! Một cung cách loan tin hống hách, kiêu căng và ngạo mạn, vì được coi như một hành động chiến thắng. Một lối nói vênh váo, dương dương tự đắc như gián tiếp cho biết rằng:"Chúng mày làm gì mà thoát khỏi tay chúng ông". Người ta còn kể công với tù:"May mà cán bộ trại đến kịp, nếu không thì nhân dân đã thẳng tay trừng trị, các anh ấy chỉ có nhừ người". Theo lời thuật lại thì sau mấy ngày đi quanh đi quẩn lại trong vùng núi đồi và rừng cây ngút ngàn, con suối nào cũng giống con suối nào, không cách xa trại bao nhiêu, các anh ấy đã bị dân quân địa phương, được báo động và có chó đánh hơi người tiếp tay, chận bắt trên đường di chuyển.

 

Một công trình đổ vỡ, một dự tính không thành và những anh tù xấu số kia nhất định phải gánh chịu đau thương. Càng đau thương hơn nữa là một trong bốn anh quả cảm đó đã tự quyết định lấy mạng sống bản thân khi bị bắt trở lại. Giấc mộng không thành, người cựu chiến sĩ trẻ tuổi hơn hết trong nhóm, đã tìm cách tự ru mình vào giấc ngủ thiên thu. Thế là chỉ còn lại "ba chàng hiệp sĩ", bị giam giữ đâu đó ở bộ chỉ huy liên trại, mấy tháng sau mới trao trả lại cho trại gốc.

 

Ngày giải giao "ba chàng hiệp sĩ" kia về trại là một ngày đông lành lạnh và buồn buồn, với mưa phùn lất phất bay theo cơn gió nhẹ nghiêng nghiêng. Một khung cảnh vô cùng nên thơ và hết sức mơ mộng cho những ai ngồi bên cạnh lò sưởi, nhưng lại rất là bi đát cho những người tù cải tạo, dù trong thân phận vượt thoát bị bắt trở lại hay trong cảnh người quan sát.

 

Ngày trở về của "ba chàng hiệp sĩ" đã được cai tù khai thác triệt để, với chủ đích răn đe, nên được dàn dựng thật chu đáo để dè chừng cho những ý định vượt thoát về sau. Ba người đi hàng một, kẻ trước, người sau, cách nhau ba bốn bước, hai tay bị còng ra phía sau lưng, áo quần thiểu não, tóc tai bơ phờ rũ che vầng trán, dung nhan tàn tạ, hai chân đi đất, đôi dép râu cột dính lại treo tòn ten ở cổ, bộ đội súng dài theo sau, AK cầm tay trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Ba anh như chừng bị người bộ đội kia đẩy đi trên từng bờ con ruộng lúa của cánh đồng mênh mông trở về đường xưa nẻo cũ. Bóng hình bi đát đó của "ba chàng hiệp sỉ" rọi in xuống nước ruộng lạnh lùng, qua màn mưa bay lất phất, khiến cho cảnh tượng càng thêm não nề, rùng rợn và bi đát khi bạn bè liên tưởng đến hình phạt đang chờ đón họ ở cuối đường trở về.

 

Ngày "ba chàng hiệp sĩ" trở về trại, một tổ "cơ động" được "phân công khẩn trương" đào ba hầm kỷ luật ở chân đồi bên hông trại, đối diện với khu nhà ở của cán bộ. Ba cái hầm, ngang tám tấc, dài hai thước và chiều cao ở phía trong cùng cũng cỡ hai thước. Nhìn theo tiết diện, hầm có dạng gần như một phần tư hình tròn và trên chiều phẳng của mặt đất thì đủ cho một người nằm. Đào xong, bên trên hầm được phủ kín bằng những thân cây tròn, hai tấc đường kính, sau đó được lấp đất dày lối hai tấc và nện chặt. Cửa hầm làm bằng những thân cây gần một tấc đường kính, xẻ đôi, xếp khít nhau và đóng đinh to, có xiềng xích và khóa chặt bên ngoài. Chẳng khác gì một hầm nhốt thú dữ. Vào bên trong, người bị nhốt không làm sao với tới nóc hầm và còn bị đặt ở thế nằm và bị xiềng chân bằng một hệ thống cùm khóa từ bên ngoài. Một vòng rào bằng tre bao quanh khu hầm kỷ luật, cốt để đánh dấu vùng nghiêm cấm, những người không có phận sự không được quyền lai vãng mà cũng là một khu được một chòi canh của bộ đội quan sát ngày đêm.

 

Như vậy, khu "biệt thự" của "ba chàng hiệp sĩ" được cô lập hẳn với toàn trại và là một vùng nghiêm cấm. Ngày hai lần, một tổ viên nhà bếp đưa cơm nước tới khu "biệt thự", dưới sự hộ tống và kiểm soát của bộ đội súng dài. Mỗi chàng "hiệp sĩ" một ít nước uống và một nắm cơm với ít muối, khối lượng khoảng một chén cơm cho mỗi bữa ăn, vì tiêu chuẩn hàng tháng chỉ có mười hai ký. Nắm cơm đó thường bị bộ đội xâm xoi cẩn thận, trước khi được đưa đến cửa hầm cho mỗi người. Chính tay bộ đội mở khóa cửa "hang" rồi đưa tiếp tế đến cho từng anh, người của nhà bếp chỉ đứng ngoài xa.

 

Nhờ hai lần lãnh cơm trong ngày, "ba chàng hiệp sĩ" mới có dịp hít thở không khí và trông thấy ánh sáng bên ngoài, mới có dịp cử động tay chân và thảy bỏ những gì không cần thiết trong cơ thể. Ngoài ra, những lúc có nhu cầu tống khứ bất thường thì đành giải quyết tại chỗ. Sinh sống trong "Chuồng cọp Côn Sơn" có lẽ còn thoải mái hơn ở trong những "biệt thự" Hoàng Liên Sơn này. Những ngày rét buốt giá lạnh mùa đông hay những hôm nóng bức tháng hè, nằm trong "hang" đó, không cần nói, ai ai cũng thừa biết những thách thức mà cơ thể con người phải chịu đựng. Vậy mà ba anh ấy đã phải sống như thế trên sáu tháng dài, qua hai trại. Ngày rời "biệt thự", trở lại sống chung với tập thể, ba "chàng hiệp sĩ" trông thật thảm thương, nước da trắng xám lạ thường, chẳng khác gì nước da người chết. Nhưng, nhờ có nghị lực và niềm tin nên thể xác dẫu bị xói mòn, tinh thần của ba anh vẫn bền vững.

 

Qua câu chuyện kể lại thì ngày ra đi, các anh ấy được tin là Trung Quốc đang hục hặc với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Do đó, có suy luận rằng khi thoát được sang Trung Quốc, tình hình của các anh ấy sẽ được Trung Quốc khai thác trong chiều hướng có lợi. Cho nên, nếu thoát được sang Trung Quốc là có thể thấy ánh sáng tự do. Đoạn đường từ núi rừng Hoàng Liên Sơn đi đến biên giới Việt-Hoa mất khoảng bốn năm ngày đường.

 

Thế nhưng, trên thực tế không dễ dàng, vì rừng rậm và cây cối chằng chịt, không có địa bàn và về đêm lại không thấy trăng sao để định hướng. Sau đêm thứ nhất, sáng ra các anh lên đường tiếp tục thì gặp một con kỳ đà khá to chạy ngang chân. Dù có được một chất dinh dưỡng tốt trên hành trình khó nhọc nhưng sau này nhớ lại thì câu ngạn ngữ "kỳ đà cản mũi" cũng có cái lý của nó. Đến ngày thứ ba thì bốn anh bị quân dân miền núi chận bắt. Một hành trình chưa chi đã tắt nghẽn!

 

 

Phan Quân

(Trích "Cõi Đời Vô Duyên")

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.