.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Hà Nội Dưới Mắt Một Thím Xẩm

  • 21.10.2007
    (Trích dịch)

LTS.- Hà Nội, mùa hè năm 2003 - Với dáng dấp ngây thơ cụ, bà Quách Dung, một nữ ký giả thuộc tạp chí "Á Châu Tuần San" của Hương Cảng, sau khi dạo quanh phố phường thủ đô Hà Nội của chxhcn Việt Nam, ra vẻ ngạc nhiên về chuyện thay da lột xác của một đất nước cộng sản, dựa trên bối cảnh của những gì bà đã thấy được ở đâu đó, nếu không muốn nói là ở quê nhà. Thế nhưng, trong bụng bà cũng mừng thầm và tự hỏi phải chăng Hoa Lục đã mở đường, dẫn lối cho nước đàn em láng giềng miệt dưới?

*   *   *

Làm sao giải thích được chuyện Việt Nam, một nước xã hội chủ nghĩa [như Trung Quốc], lại có được một thái độ hòa điệu với thế giới bên ngoài ngay từ đầu, để làm sáng tỏ trường hợp dịch viêm phổi cấp tính? Nhờ có ở Hà Nội một thời gian cho nên tôi mới hiểu được tại sao. Vì Việt Nam áp dụng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường theo kiểu địa phương và, nhứt là, một chế độ chánh trị gọi là "xã hội chủ nghĩa thực tiễn".

Ðêm hôm chúng tôi vừa tới Hà Nội, tại phòng giải khát ở đại sảnh rộng lớn của khách sạn Hilton, tôi có dịp thưởng thức tài nghệ của một ban nhạc Jazz gồm bốn vị giáo sư nhạc viện Hà Nội. Rất đỗi ngạc nhiên không hiểu vì sao Việt Nam lại có được một ban nhạc Jazz chất lượng như thế, thì một ca sĩ người Chí Lợi, cũng đang trình diễn tại đó, cho biết rằng những người này được các nhạc sĩ "đồng chí anh em" Cu Ba đào tạo. Phần lớn những giáo sư cấp đại học đều đến chơi nhạc ở đây, sau giờ giảng dạy, để kiếm thêm ít thu nhập phụ, vì ở Việt Nam một đầu lương trung bình làm sao đủ nuôi sống được cả một gia đình. Cho nên, đa số những viên chức bàn giấy đều phải hành nghề tay trái ban đêm.

Ở một cái bàn trước mặt chúng tôi có một cặp vợ chồng người Âu và một đứa con trai Việt Nam của họ, khoảng 6 tuổi, đang nhâm nhi một tách sô-cô-la nóng giá 4 Mỹ kim (5,68€). Bên cạnh cậu bé là cô em gái, chắc là vừa mới được nhận làm con nuôi, vì bộ quần áo còn mới tinh. Cô bé nằm ngủ yên lành trong một chiếc xe đẩy êm đẹp kiểu Tây phương. Hai cô cậu may mắn này dường như thuộc về một thế giới khác hơn môi trường, chỉ cách đây vài ba thước thôi, là nơi mà những đứa bé trai, dơ bẩn và rách rưới, chạy theo vòi vĩnh du khách ngoại quốc để xin của bố thí, là nơi mà những đứa trẻ khác, ở lứa tuổi học trò, cố nài nỉ khách qua đường đánh bóng giày hay để bán lén một vài tấm bưu ảnh. Một cô nhân viên khách sạn đưa ý kiến có vẻ đố kỵ:"Ðược làm con nuôi lại sướng hơn!"

Phía sau chúng tôi, trên một chiếc ghế trường kỷ, một nhóm thanh niên khoảng năm sáu người, từ đầu đến chưn ăn diện quần áo sang trọng, toàn nhãn hiệu Tây, đang ngồi nhấm nháp bánh ngọt. Một cậu đứng lên chụp hình một cặp đang muồi mẫn yêu đương, bằng máy ảnh kỷ thuật số hiệu Sony. Ban đầu, tôi tưởng là du khách Triều Tiên. Nhưng anh quản lý quày rượu tiết lộ rằng đó là bọn con cái giới tai to mặt lớn, con ông cháu cha và nhà giàu mới phất, ăn nên làm ra mau lẹ, nhờ chánh phủ đổi mới và đất nước mở cửa.

Rõ ràng là ngày nay ở Việt Nam, sự khác biệt giàu nghèo đã quá lộ liễu. Một buổi chiều, khi ông nhà tôi vào tiệm sách mua một bưu ảnh, hình một bà cụ đang ẵm cháu, thì khoảng một chục đứa trẻ kéo đến bao quanh lấy ông, đứa lớn nhứt cao chưa tới cùi chỏ của ông ấy. Thấy trả tiền, một đứa trong bọn kêu lên, bằng tiếng Anh:"Trời! Một tấm bưu ảnh mà những 4000 đồng! (0,30 Mỹ kim) Quả là ông này lắm bạc nhiều tiền!" Xuyên qua mấy đứa trẻ áo quần bẩn thỉu, tôi nhìn sang bên kia đường thấy một bích chương tuyên truyền mang hình ảnh những đứa trẻ quàng khăn đỏ, rộn ràng vây quanh Hồ Chí Minh ("cha đẻ" của kháng chiến và cách mạng Việt Nam), với nét mặt lúc nào cũng có một nụ cười hiền hòa quen thuộc.

Tối đến, tôi định đi dạo chơi bên ngoài cho biết đường phố về đêm. Bên kia con đường, bề ngang chừng ba thước, là một quán rượu. Năm cô gái, trang sức và ăn diện theo mốt mới, đang ngồi bên quày rượu. Ði ngang người gác cửa khách sạn tôi cho anh ấy biết:"Tôi bước sang quán bên kia đường uống một tí!" Hết sức ngạc nhiên, anh ta bảo:"Ấy chết! Chỗ đó là quán bia-ôm, dành cho đàn ông!" Tôi ngạc nhiên chỉ cho anh ta mấy cô đang ngồi ở đó. Mỉm cười, người gác cửa giải thích:"Ðó là những cô gái nhà nghề." Quá kinh ngạc, tôi hỏi lại anh ta:"Bộ đây không phải là đất nước xã hội chủ nghĩa sao? Làm thế nào mà người ta lại để cho những cô ấy bán phấn buôn hương công khai như vậy?" Anh gác cửa lại mỉm cười:"Bây giờ đổi mới và mở cửa rồi, Mỹ đã trở lại thì đương nhiên là các cô ấy làm nghề cũ thôi."

Từ 1975, năm Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, cho đến nay, khi Hoa Kỳ trở lại, dường như "Lịch Sử" đang chế nhạo Việt Nam. Thực thi cái gọi là "chánh sách đổi mới và mở cửa" (theo gương Trung Quốc), chánh phủ đã cụ thể hóa tính chất đặc thù của họ, qua cung cách gọi là "chủ nghĩa xã hội thực tiễn". Nhà cầm quyền Việt Nam trông mong rất nhiều ở Hoa Kỳ. Họ hy vọng rằng Mỹ sẽ đem tiền của đầu tư và kéo nhau đi du lịch ở Việt Nam.

Khoảng ba mươi cựu binh Mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam, đang ở khách sạn Hilton. Họ không bao giờ nghĩ rằng, thậm chí trong những cơn mơ điên cuồng của họ, là có một ngày nào đó họ có thể trở lại vùng chiến trường xưa, nơi mà họ và bạn bè đã từng hy sinh trước kia. Dân chúng Việt Nam rất quý trọng người Hoa Kỳ và đua đòi theo lối sống Mỹ. Những người buôn bán dĩa hát làm ăn rất phát đạt, bày bán đầy đường phố, chỉ có 2 đô la một dĩa CD thâu lậu nhạc hay phim của Mỹ. Trong chiến tranh, nhà lao giam tù binh Mỹ mang biệt danh là "Hilton Hà Nội". Trớ trêu thay, khách sạn Hilton sang trọng nhứt nhì của Hà Nội nằm ở đầu con đường bé nhỏ mà đầu kia là Bộ Quốc Phòng, và khách sạn do quân đội quản lý, nằm đối diện, lại chuyên đón khách ngoại quốc. Phần lớn những người ra vào khách sạn đều là người Mỹ.

Sáng thứ bảy, vợ chồng tôi đến xem qua viện bảo tàng Mỹ Nghệ Hà Nội. Qua ba từng lầu của tòa nhà, chúng tôi gặp được khoảng mười mấy du khách người Tây phương, nhưng chẳng có một người bản xứ nào. Có lẽ vì quá bận miếng cơm manh áo nên người Việt Nam không thiết thưởng thức những món ăn tinh thần đó. Tôi rất thích hai bức tranh, nhưng vì không có mang thẻ tín dụng để trả tiền theo nên tôi đề nghị cô bán hàng cho mang đến khách sạn vào cuối buổi chiều. Cô ấy đem lại cho tôi vào lúc 19 giờ.

Tiễn chân cô ấy đến đại sảnh ra vào, tôi hỏi lương tháng của cô bao nhiêu. Có vẻ hơi lúng túng, nhưng cô cũng trả lời tôi qua một nụ cười cai đắng:"Thưa bà, tôi lãnh đồng lương chết đói, đáng gì mà nói ra!" Thấy tôi khẩn khoản, cô đành phải ấp úng thú thật:"Tôi làm ở viện bảo tàng này mười sáu năm và lương tháng chỉ có 50 Mỹ kim, không đủ đâu vào đâu hết. Mấy nhà họa sĩ thì may mắn hơn. Nếu tranh của họ được khách nước ngoài chiếu cố thì họ có thể nhận được thu nhập đáng kể. Chẳng hạn như hôm nay bà đã chi ra 100 Mỹ kim để mua hai bức tranh của cùng một họa sĩ. Những họa sĩ có tranh được du khách nước ngoài ưa chuộng, có tháng thu nhập lên đến cả ngàn Mỹ kim."

Tôi muốn biết tiền bán sản phẩm ở viện được phân chia như thế nào. Cô cho biết là viện lấy 20%, số còn lại (80%) thuộc về nghệ sĩ. Riêng cô thì không hưởng được hoa hồng gì hết. Bán được nhiều hay ít tranh thì lúc nào cô cũng lãnh có 50 Mỹ kim một tháng mà thôi. "Thông thường, tôi tan việc lúc 17 giờ, nhưng, hôm nay vì bà hẹn 19 giờ nên tôi phải làm thêm hai tiếng ở viện rồi mới đến đây." Chẳng có hoa hồng, không được trả lương giờ phụ trội, đó là hiện tượng nổi bật về điều kiện lao động trong một chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa!

Khi trao đổi câu chuyện với cô hầu quày rượu của khách sạn, tôi được biết có ngày họ làm việc đến mười tiếng. Cô tâm sự:"Tôi tốt nghiệp khoa văn chương Việt Nam ở trường Ðại Học Hà Nội. Trước kia, tôi dạy học nhưng lương tháng của tôi chỉ có 40 Mỹ kim, trong khi ở đây nhờ phục vụ cà phê cho khách ngoại quốc, thu nhập hàng tháng của tôi có thể lên đến 130 Mỹ kim." Hơi hiếu kỳ, tôi hỏi thêm:"Nhà nước có trợ cấp cho cô chi phí về y tế không? Học hành có được miễn phí không?" Một nụ cười cay đắng trên đôi môi, cô đáp:"Không đâu bà ơi! Ở đây chẳng có gì trên trời rơi xuống cả! Ngày nay, ở Việt Nam này không còn có gì miễn phí hết..."

Ở Hà Nội, tìm được một nhà hàng đúng với tên gọi của nó, có bàn ghế để ngồi, không phải là chuyện dễ. Ăn uống ở tiệm là một điều sang trọng đối với người Việt Nam. Ngoài đường phố, thường có những chỗ ăn uống lưu động, bên cạnh quày hàng là một vài chiếc bàn và những cái ghế con bằng nhựa, thấp lè tè, chưa đến đầu gối. Trên những chiếc xe đẩy tay, người bán hàng bày ra những dĩa thức ăn xếp sẵn, như "móng phượng", gà quay, bánh phở hoặc đậu hủ chiên. Thực khách phải khom người mà ăn hay chỉ cần ngồi chồm hổm.

Một buổi chiều, khi đi quanh quẩn trên những con đường nhỏ hẹp của Hà Nội, chúng tôi thấy ở xa xa có một bức tường thành lối cuối ngõ. Thoạt tiên, chòi canh, rào kẽm gai và mảnh chai bén nhọn trên đầu tường làm cho chúng tôi ngỡ là nhà tù hay trại lính. Thế nhưng, khi đến gần thì, ngạc nhiên hết sức, đó là một ngôi nhà lộng lẫy mà chúng tôi chưa từng thấy ở Hà Nội. Trên sân thượng đầy dẫy bông hoa, có những cửa kính mở rộng, qua đó chúng tôi có thể nhìn trộm bên trong, với những bộ bàn ghế tuyệt vời.

Ngôi nhà nổi bật đó là dinh thự của một thành phần thuộc giai cấp có đặc quyền. Ngôi nhà đó hoàn toàn tương phản với những căn nhà tồi tàn chung quanh, nơi mà người ta sinh sống ngay bên cạnh đường mương với dòng nước bẩn, hoàn toàn thiếu thốn mọi thứ, trong những gian nhà ẩm thấp, ánh sáng mù mờ. Lén nhìn vào bảy tám căn nhà trên đường phố, tôi thấy vài bộ bàn ghế cọc cạch, sứt chưn gảy gọng. Chỉ một bức tường thôi mà ngăn cách hai thế giới khác biệt, xa cách nhau tỉ như thiên đàng với địa ngục.

Qua ngang xạp báo, tôi mua một tờ "Việt Nam News" (Tin tức Việt Nam), tờ báo bị phương tiện truyền thông Tây phương nhạo báng là chỉ để gói cá ươn. Ở trang đầu là bức ảnh to tướng của lãnh tụ Ðảng cộng sản Việt Nam, với hàng chữ to "Hãy đề cao cảnh giác, chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của Tây phương!" [nghĩa là ngã theo tư bản chủ nghĩa dưới hình thức đổi mới, từng bị đả kích ở Trung Quốc cách đây mười năm]. Ở trang ba, có một bài báo cho biết kết quả tốt đẹp của chiến dịch bài trừ tham nhũng, đồng thời cũng vô tình tiết lộ là trong năm vừa qua đã phát hiện được những con số viên chức nhà nước gian xảo nhiều hơn hai năm trước gấp chín lần.

Năm 1995, chánh phủ Hà Nội đã tung ra một chiến dịch theo kiểu Việt Nam để chống lại âm mưu đầu độc tinh thần, vì các nhà lãnh đạo Ðảng cho rằng văn hóa Tây phương, nghĩa là văn hóa xã hội tiêu dùng, có nguy cơ làm cho tinh thần dân chúng bị biến chất một cách trầm trọng. Năm đó, Hà Nội không cấp một chiếu khán du lịch nào, sợ rằng khách ngoại quốc sẽ đưa vào những "tư tưởng suy đồi của chủ nghĩa tư bản", có hại cho nền "văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa". Ðồng thời, chánh quyền Việt Nam cũng quyết định cho tháo gỡ mọi quảng cáo trên đường phố của các hiệu như Coca-Cola hoặc Sony. Những gì không tháo gỡ được thì phải hủy diệt tại chỗ. Dĩa và băng hình Tây phương bị chất đống trên đường để thiêu hủy công khai. Trước cảnh tượng đó, phương tiện truyền thông Việt Nam lúc bấy giờ vui mừng hớn hở. Theo tin tức thì công tác tuyên truyền và giáo dục của Ðảng đã đạt được kết quả cụ thể. Dân chúng Việt Nam đã tự động giao nộp cho chánh quyền 27.302 băng hình Tây phương để thiêu hủy, coi như là dấu hiệu cho thấy đã hưởng ứng hành động của nhà nước, một nhà nước hủy diệt những thứ đó một cách máy móc.

Phong trào đấu tranh chống ô nhiễm tinh thần đã làm cho các công ty nước ngoài lần lượt cuốn gói ra đi và, năm đó, tổng số thuế thu vào giảm mất hơn 30%. Sau đó, tình trạng nguy ngập của tình hình kinh tế đã bắt buộc chánh phủ Việt Nam phải nới tay cho chiến dịch. Ðặc biệt những năm sau này, đường lối thực tiễn đã thắng thế nên từ nay chánh quyền "rộng lượng" mở cửa đón mời đầu tư ngoại quốc.

Thế nhưng, chánh phủ Việt Nam có quy định là công ty nước ngoài không được quyền đích thân thu dụng nhân viên Việt Nam, mọi thuê mướn người đều duy nhứt phải qua đề nghị của chánh quyền. Hầu hết những thành phần được giới thiệu chánh thức này đều là con cháu cán bộ nên rất ngạo nghễ. Người mang quốc tịch nước ngoài muốn có chiếu khán để làm việc ở Việt Nam là cả một vn đề nhiêu khê và phức tạp. Cho nên, khi khách sạn Hilton muốn mướn người ca sĩ Chí Lợi thì phải đưa ông ta nhập cảnh vào với tính cách là du khách "được mời" vì không thể xin chiếu khán lao động cho ông ta. Muốn thu dĩa cùng với ban nhạc Jazz Việt Nam (những bài ca tình cảm Nam Mỹ), người ca sĩ Chí Lợi kia phải chạy vạy mấy tuần lễ để xin phép mà cũng không được. Nhưng những nhạc sĩ Việt Nam tuyệt nhiên chẳng khi nào dám thu dĩa mà không có ý kiến của Bộ Văn Hóa.

Hiện nay, tiếng Trung Hoa là ngoại ngữ được thanh niên Việt Nam đánh giá cao hơn hết, kế đó là Anh ngữ. Ở Hà Nội, chúng tôi chỉ thấy có một trung tâm thương mãi mới xây mà thôi. Vào bên trong, mới thấy là khách hàng chỉ lưa thưa, đếm được trên đầu ngón tay. Tất cả các người bán hàng, ở quày hàng may mặc sẵn, hàng đồ gỗ, sơn mài, vải trải giường hay nắp bàn, đều biết chút ít tiếng Tàu và tiếng Anh. Ðiều đó là lẽ đương nhiên rồi vì phần lớn khách hàng là người ngoại quốc. Ở quày cà phê, trên từng ba siêu thị, tên các mặt hàng đều được ghi bằng tiếng Tàu và giá tiền ghi bằng nhân dân tệ. Trong khi tôi đang ngắm nghía quày hàng sản phẩm thủ công thì cô bán hàng, đang xem loạt phim chuyện truyền hình của Tân Gia Ba, chạy ngay đến và nói với tôi bằng tiếng Tàu:"Chào bà! Nếu có mặt hàng nào ưng ý, chúng tôi có thể hạ giá đặc biệt cho bà và có thể trả bằng nhân dân tệ." Tôi hơi ngạc nhiên với đề nghị đó của cô ta.

Cô bán hàng giải thích cho tôi là ở từng lầu này của siêu thị, tất cả nhân viên đều là sinh viên của khoa Hoa Văn đại học Hà Nội, vừa đi học vừa đi làm. Vì du khách từ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, từ Ðài Loan hoặc từ Hồng Kông càng ngày càng đông nên các người quản lý thích tuyển dụng nhân viên bán hàng biết nói tiếng Tàu.

Ở một tiệm buôn miễn thuế của phi trường Hà Nội, cô bán hàng khẩn khoản mời tôi mua cặp găng tay bằng da rắn và da cá sấu. Theo cô thì đây là sản phẩm địa phương, hàng tốt giá lại rẻ. Cô cho biết găng này ở đây chỉ có 150 Mỹ kim một đôi trong khi ở Hồng Kông hay Nhựt Bổn thì giá gấp đôi. Tôi muốn biết những ai thích các loại găng tay đó thì cô đáp rằng:"Nhứt là người Nhựt, người Triều Tiên và người Hồng Kông. Người Tây phương ít thích những loại hàng này."

Về tới Hồng Kông. Cô bán hàng ở một cửa hiệu miễn thuế cố mời nhà tôi mua một chai rượu vang đỏ của Pháp với giá 1.000 đô la Hồng Kông [lối 155 Mỹ kim). Cô nài nỉ:"Không đắc đâu ông, đây là dịp may hiếm có!" Cuộc đối thoại này làm cho tôi nhớ lại những người giáo sư và nhân viên Hà Nội với lương tháng từ 40 đến 50 Mỹ kim! Từ bây giờ, những gì tôi nhìn thấy dường như đã thuộc về một cõi đời khác biệt rồi!

--------------------------

Tài liệu gốc:"Hanoi vu par une Chinoise", Guo Rong, Yazhou Zhoukan, tuần báo "Courrier International" s 661 ngày 3 July 2003. [http://www.courrierinternational.com/article.asp?obj_id=2848#]

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.