Về gìa

Quá
trình từ chào đời cho đến khi vĩnh viễn ra đi của con người, theo
Phật giáo, phải qua bốn giai đoạn: sanh, lão, bịnh, tử. Bước đi của
nhân sinh từ tuổi trưởng thành cho đến khi xuôi tay nhắm mắt - trên
bình diện tình cảm và ngôn ngữ - cũng phải qua bốn thời kỳ: mơ mộng,
yêu đương, khắc khẩu và về già. Đây là nói về tâm tư tình cảm và
phản ứng thực tế trong bối cảnh lứa đôi.
Tuổi đời vừa tròm trèm mười tám đôi mươi, con người khởi sự mơ mộng
chuyện lứa đôi khi bắt đầu mang những nỗi buồn không tên, vô căn cứ,
khi nhìn mây gió trăng hoa mà suy nghĩ mông lung, liên kết thực tại
với trừu tượng của những ngày Lưu Nguyễn nhập thiên thai. Thôi thì
mỗi mỗi đều kiều mỹ thăng hoa, như Chị Hằng xuống thế, như trăng
tròn trên đỉnh thiên cầu, như đóa hồng hàm tiếu ngậm hạt sương mai
vào buổi bình minh thuở đất trời trở mình vào xuân. Thứ thứ đều lộng
lẫy huy hoàng, hương thơm ngào ngạt như ở cảnh trên, trần thế làm
sao mà có được. Người ta mơ tưởng chuyện đời đôi lứa qua bóng hình
của chuyện phim đẹp hoặc của nội dung tiểu thuyết có lý có tình, đi
đến một hồi kết cuộc tuyệt vời, trong hối tiếc sau khi hết buổi
chiếu hoặc sau khi người đọc đã đi đến trang cuối cùng mà còn muốn
đọc nữa và đọc mãi.
Rồi
thiên hạ cưới được nhau, như long phụng hòa minh, trong tưng bừng
của hội hoa đăng, của những câu chúc mừng khả ái, của bao nhiêu
chuổi cười hoan lạc. Tân lang và tân giai nhân thênh thang bước đi
trên lối mộng tràn ngập hoa hồng và đầy trời cánh bướm tung bay, nhẹ
nhàng phiêu diêu lơ lững trên chín tầng mây của vũ trụ không gian.
Cõi hồng trần dĩ nhiên vẫn còn đó, nhưng đã như tan biến dưới mắt
của đôi lứa, chỉ còn biết có đôi ta, hai quả tim vàng ôm ấp lấy
nhau. Chưa bao giờ thành ngữ "hai quả tim vàng, một mái nhà tranh"
lại hiện thực hơn lúc này! Thế nhưng, nếp sống ảo đó kéo dài được
bao lâu đây? Trăng lên rồi cũng lặn, mật ngọt rồi cũng sẽ cạn lần.
Thì thời trăng mật đâu có thể kéo dài vô tận. Hai quả tim vàng quấn
quýt nhau mãi dưới mái nhà tranh và sống bằng khí trời và nước giếng
sao đây?
Thế là, sống cho ra sống, sống cho phải lẽ, sống cho hiện tại, sống
vì ngày mai, sống cho đời đời con cháu mai sau. Chồng cày, vợ cấy,
con trâu đi bừa mới mong có cái ăn, cái mặc, cái để dành. Từ cõi
thiên cung, những ông "A-Dông" và bà "Ê-Và" kia, dù không bị Thượng
Đế tống xuất, cũng phải bước chân xuống thế mà làm tròn nghĩa vụ con
người. Trong cảnh bon chen để sống, để đi lên, ngày đêm vật lộn với
miếng cơm manh áo, dằng dặc với lo âu và trầm cảm thì tâm tính ngày
một ngày hai cũng đổi thay. Nên chi, đối đáp giữa vợ và chồng đã
biến dị, giảm phần yêu đương tình tứ, bớt độ dịu ngọt êm xuôi, đôi
khi cộc lốc trái tai nghịch nhĩ. Bản chất đưa đến hiện tượng, chồng
lườm vợ nguýt, riết rồi chẳng ai buồn ngó tới mặt ai, thậm chí đôi
uyên ương hồi nẳm, giờ đây lại nhìn nhau bằng bốn mắt mà con ngươi
không buồn mở. Y như cặp chó đá nhìn nhau!
Bỗng dưng sấm sét giữa trời trong xanh đang nắng gắt, đất trời đảo
lộn, nước non làm cuộc đổi đời, sử sách lật tờ sang trang, chó ngáp
phải ruồi, ma quỷ và sâu bọ lên làm người. Đào kép đổi ngôi, anh
hùng thất thế, cột ngả bìm leo, trật tự gia đình đảo lộn. Kẻ vào tù
trả nợ núi sông, đền tội yêu nước, người di tản trốn đời mạt pháp,
đàng nào cũng chạm mặt với đau thương, thay đổi tâm hồn cùng thể
xác. Thế là tiếng bấc tiếng chì chát chúa inh tai, không ai nể ai.
Để cho đẹp mặt anh hùng, sáng giá thuyền quyên, người ta cho là khắc
khẩu.
Thế là, nhân danh khắc khẩu, ông ngã ông, bà lối bà, mạnh ai người
ấy sống. Đồng sàng mà dị mộng! Bà đi trên bờ, ông quờ xuống ruộng,
ông ở ngõ trước bà lẻn cửa sau. Thế nhưng, người muốn mà tình thế
lại không muốn, vì cảnh nhà "housing" chật chội nên lanh quanh lẩn
quẩn lại chạm mặt nhau. Cho nên, ở buổi xuân thì, cái gì dễ mến dễ
yêu cho nhau thì đến lúc về già nó lại dễ ghét dễ gớm bấy nhiêu.
Giữa vợ chồng về già có một môi trường chiến tranh lạnh ngấm ngầm
nhưng không chịu – mà cũng không dám - bùng nổ. Bùng nổ thì còn ăn ở
với ai đây? Con cái đã yên bề gia thất, lại trên cõi tạm dung này
thì dễ gì mà ăn tạm ở nhờ chúng nó. Mà rả đám, rấn tới bước nữa thì
có ma nó rước. Cứ ông hích qua là bà hích lại, như hai cầu thủ cứ
lừa banh mà không chịu cho lọt lưới, cho "vui cửa vui nhà" thế thôi.
Để biểu hiện cái gọi là nam nữ bình quyền chăng hay để cho bỏ ghét?
Mà ghét cái nổi gì, khi đang cần yêu thương nhau hơn hết trên quãng
đường đời còn lại chẳng bao cây số nữa. Như để biểu hiện sự có mặt
của chủ thể trên cõi đời này cho khỏi bị lãng quên chăng? Chẳng lẽ
càng yêu nhau lắm, càng cắn nhau cho thật đau hay sao?
Gì thì gì, tuổi đời đã chồng chất dày cộm rồi, bên nào cũng trên bảy
bó, tưởng nên xử sự cho khéo, cho đẹp, kẻo trên cao trông xuống,
người ta nhìn vào mà mất mặt bầu cua. Xấu thiếp mà cũng hổ chàng.
Điều quan yếu hơn hết là cái nhìn của con cùng cháu. Cha mẹ, ông bà
là mẫu mực nhiều giá trị nhất về hạnh phúc gia đình đối với thế hệ
kế thừa. Phải ứng xử tương quan chồng vợ càng được như "thuở ban đầu
lưu luyến ấy" càng gương mẫu cho đàn con trẻ. Phải duy trì cho được
tổ ấm gia đình như buổi ban sơ, khi:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.
Đừng đóng kịch hay giả vờ, vì con trẻ rất tinh - một sự tinh tế xuất
phát từ tình tự thương yêu - chớ không còn như lúc chúng vào tuổi
thơ ngây đâu.
Một
quãng đường đời diệu vợi, mình đã đi qua, sóng gió cũng nhiều, chông
gai chẳng ít, vậy mà mình đã hiên ngang vững bước để đến được đoạn
này. Giờ đây, khoảng đường còn lại có là bao thì mình hãy tay trong
tay, mặt nhìn phía trước mà đi tới trong niềm vui nỗi sướng của cuộc
đời về chiều. Đầu bạc răng long mà yêu nhau tình tứ thì không có
hình ảnh nào đẹp bằng và đáng giá hơn. Vì tuổi trẻ mà yêu nhau là
chuyên đương nhiên, thường tình. Hai mái đầu bạc, hai quả tim vàng
thì còn gì lý tưởng hơn, còn gì sang trọng hơn? Nhìn vào nhau để
vạch lá tìm sâu của nhau nữa để làm gì? Phải biết hưởng thụ những gì
ta đang có trong tay, để nó mất đi rồi thương tiếc, khóc than cũng
chỉ hoài công. Bấy giờ có vô vàn hối tiếc thì đã muộn màng và vô
ích.
Ta sống quãng đời còn lại là cho con cháu hãnh diện, tự hào vì cha
mẹ, vì ông bà mà cũng cho chính bản thân con trẻ nữa. Chớ đâu phải
sống cho chính mình, cho riêng bản thân tứ đại, một chân trên đời,
nửa bước dưới huyệt. Tình yêu mòn mỏi là thứ tình yêu đang giãy
chết, cầu cứu chất hồi sinh. Cái gì quá quen thuộc dễ bị xem thường,
thiếu vắng rồi mới đâm ra hụt hẫng. Mười ngón tay, hằng ngày mấy ai
ý thức sự hiện hữu của nó, một ngón mất đi rồi đau đớn xót xa! Tình
yêu là một phẩm chất thiêng liêng nhưng sao lại không có giá bằng cổ
vật mà thời gian hiện hữu còn lâu dài hơn tình yêu đôi lứa? Phải
chăng vì người ta đã quy giá đồ xưa thành tiền bạc trong khi tình
yêu thì vô giá nên bị xem thường? Ví dầu hết tình đi nữa thì cũng
phải giữ nghĩa, chớ lẽ đâu từng ấy tuổi đời rồi mà còn muốn cất cao
giọng Hồ Điệp ngâm mấy vần thơ cũ:
Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi,
Đã quyết không mong sum họp mãi,
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi.
Thù địch nhau chẳng đội trời chung như Thế Giới Tự Do và Liên Xô mà
còn bắt tay làm hòa thì chẳng lẽ chồng vợ hục hặc nhau tí ti mà
không xí xóa cho nhau được hay sao? Hơn nữa, vợ chồng đã một thời
đầu
ấp tay gối, nay sắp sửa gần đất xa trời rồi mà không làm lành được
là nghĩa lý gì?
Đừng
thèm ghét nhau cay đắng vì như thế ta sẽ tự hạ mình xếp hạng bên
dưới đối tượng rất xa. Đêm nằm, thử gác "chân lên trán"
mà suy gẫm lời nói sau đây của một nhà tư tưởng Do Thái xem sao:
"Nếu như tôi không lo cho thân phận tôi thì ai lo cho tôi đây? Còn
nếu tôi mặc kệ cho đằng ấy thì tôi là cái giống gì?".
Đoạn
đường còn lại chẳng bao xa nữa, hãy sống cho đẹp, cho thanh tao để
cho thân xác được nhẹ nhàng khi ngồi trên cánh hạc bay xa,... thật
xa,... tít mù xa... đến tận nơi cuối cùng của đất trời thênh thang.
|