.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Tạp bút lang thang

Tuổi già

  • 9.12.2007

Sống tức là già nua, chẳng có gì khác.

Simone de Beauvoir

 

Tuổi già là tuổi làm sao? Trong khi bảy mươi chưa gọi là già thì có trường hợp mới năm mươi mấy tuổi đã thành cụ non. Như Nguyễn Khuyến:

Ông chẳng hay ông tuổi đã già,

Năm lăm ông cũng lão đây mà!

Anh em làng xóm xin mời cả,

Xôi, bánh, trâu, heo, cũng gọi là.

Chú Ðáo bên làng lên với tớ,

Ông Từ xóm chợ lại cùng ta.

Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ,

Có rượu thời ông chống gậy ra.

                  Lên Lão, Nguyễn Khuyến

 

Như vậy thì đâu là ranh giới của thời cao niên? Thậm chí ở bên Tây người ta còn phân cấp tuổi thứ ba, thứ tư, thế thì tuổi thứ nhứt từ mấy tới mấy và lằn ranh của tuổi thứ hai là sao? Bươi bới, sưu tìm thì chỉ thấy nói tuổi thứ nhứt là thời thơ ấu, tuổi thứ ba là lúc về hưu (60-75t), và tuổi thứ tư thuộc về cõi thượng thọ. Vậy thì có thể hiểu tuổi thứ nhì bao trùm một khoảng không gian khá rộng lớn, phải chăng từ trưởng thành chí đến khi tàn buổi hoa niên?

 

Già theo kiểu Nguyễn Khuyến có thể nói là già rượu, già thịt, già xôi, thường dành cho những bậc tiên chỉ và thứ chỉ trong làng, khi mà ta bà thế sự bỏ ngoài tai,

 

Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác,

Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác.

Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác,

Cuộc tỉnh say, say tỉnh một vài câu.

                                     Hỏi ông phổng đá, Nguyễn Khuyến

 

Thực tế mà nói thì khó minh định được một cách chính xác tuổi già vì bên cạnh tác động của thời gian vật lý - tính bằng năm, bằng tháng, bằng ngày - lại còn có ảnh hưởng của thời gian xã hội, thời gian văn hóa, thời gian nội tâm... mà cách tính còn tùy thuộc nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Theo danh hề người Mỹ, Bob Hope, thì "Ta bắt đầu ý thức rằng đã già khi mua đèn cầy thấy đắt tiền hơn mua ổ bánh sinh nhựt."

 

Ðiều lý tưởng đối với con người là làm sao "trẻ mãi không già", cho nên cần phải phấn đấu không ngơi nghỉ để chiến thắng cho bằng được kẻ thù sống mái là thời gian. Kẻ tử thù đó ngày đêm rình mò ta để tìm một kẻ hở mà ghi dấu ấn. "Thói thường, không ai trông thấy được thời gian nhưng muốn trở thành thực tế, thời gian phải tìm kiếm và chiếm lấy thân xác con người để biểu hiện trò ma thuật của nó". (Le Temps retrouvé, Marcel Proust). Nên chi, người già là kẻ đã thua cuộc, vì lười biếng, vì thiếu hiểu biết hoặc giả vì bất lực nên để cho thời gian hằn sâu dấu ấn lên thân xác, một thân xác thay vì làm chủ được hình hài lại phải chịu đựng sức tàn phá của thời gian. Cho nên ai mà cảm thấy thời gian là kẻ thù của mình là đang đi lần vào tuổi già nua.

 

Xã hội loài người thuộc về những người lanh tay lẹ chân, những người nhẹ nhàng, biết chạy nhảy, biết chớp lấy thời cơ đúng lúc. Trong khi đó những người già nua lại bận bịu, vướng víu, nặng nề, đi thì chậm rãi, ngập ngừng, tuổi đời chồng chất. Trong tiến trình đi đến tuổi già, những người thuộc diện "tuổi thứ ba" còn có hy vọng sửa đổi được tình hình bằng cách "cải lão hoàn đồng", như chưng diện hay ăn mặc theo kiểu của thời bốn mấy hoặc năm mấy, áo đầm cũn cỡn, mái tóc Lolita, quần bò, áo rằn ri, giày bố,... Phải làm như mình còn trong diện bay nhảy, du lịch đi đây đi đó chớ đừng để ló mòi của lớp tuổi chỉ biết đi hành hương, đi chùa, đi nhà thờ, cầu Thiên Chúa, nguyện Ðức Phật cho xác phàm khỏe mạnh, tinh thần an nhiên. Nhưng "tuổi thứ tư" thì hơi khó hơn, khó trẻ trung hóa, chỉ còn có nước thay đổi môi trường sinh sống mà thôi.

 

Quả vậy, với mỹ phẩm tiên tiến, với kỷ thuật hóa trang, với trình độ sửa sang sắc đẹp, giải phẩu thẩm mỹ hiện đại, người ta có thể trì kéo, phanh hãm tiến trình lão hóa, như ủi da mặt, giảm thiểu lằn nhăn, nhuộm đen mái tóc,... để nâng cao cái ảo tưởng được thời gian tha thứ, bỏ qua, không hằn sâu dấu vết. Những dấu vết mà thân xác của kẻ cao niên phải mang lấy giống như những cái thẹo, sống để đó chết mang theo, những dấu vết làm cho thiên hạ bàng quan biết rằng chủ thể đã già, đã bị thời gian hành hạ và xói mòn.

 

"Già nua là thay hình đổi dạng", như kiểu nói của Simone de Beauvoir, một cuộc thay đổi lần hồi làm biến dạng con người, ngày một ngày hai thân xác teo nhỏ, gối mỏi, lưng còm, thêm cái này, bớt cái kia, đến đổi chính chủ thể cũng không còn nhận ra được chính mình. Cái gì đã hao mòn, không sớm thì chầy cũng sẽ không tồn tại được dài lâu, sẽ biến mất, sẽ "un point final", chấm hết! Nhân danh thẩm mỹ xã hội, người già là hạng người cần được phế thảy, ít ai muốn nhìn thấy, không phải vì cái kho tàng kỷ niệm của họ mà vì những cái mà họ sẽ đem đến, nghĩa là hồi kết cuộc, là cái chết. Người già không còn được mấy lăm hơi, chẳng còn được bao nhiêu thời gian nữa, thấy đó rồi mất đó.

 

Thân xác và tâm trí hao mòn của người già là một quá trình biến đổi lần hồi, tiệm tiến, vờ vĩnh và âm ỉ. Cung cách phá phách đó được tiến hành không ai hay biết, ngày này qua ngày khác, làm cho thân xác mong manh hơn, càng dễ làm mồi cho Thần Chết và do đó đương sự bỗng trở thành xa lạ với chính mình. Thế là đời người tựa như một kịch bản thần tiên, màn này kế tiếp màn nọ, bé thơ trở nên thành niên, làm người luống tuổi rồi lần hồi đi vào cửa tử.

 

Tuổi già không có một chứng bịnh nào chuyên biệt cả mà chỉ có những cơn bịnh xuất phát từ di chứng của các bịnh tật trước kia không được chữa trị tận tình. Có những bịnh phát khởi lâu đời nhưng chỉ được phát hiện một cách muộn màng và những bịnh đột ngột, bất cứ già trẻ bé lớn gì cũng có thể mắc phải. Thế nhưng, độ dày tuổi tác càng cộm, sức khỏe càng về chiều thì đủ thứ bịnh hoạn có thể chớp thời cơ mà bề hội đồng. Số liệu thống kê cho thấy rằng ngoài sáu mươi tuổi đời, hết 78% những người đau ốm đều mang nhiều thứ bịnh.

 

Qua bịnh hoạn, người già có cơ hội kiểm điểm lại chính mình và đối chiếu với những người khác. Với chính mình, người già đối thoại với thân xác của họ. Khỏe mạnh là có thể ngả bịnh và có thể mạnh trở lại. Nói cách khác, khi lành bịnh là con người chứng minh được rằng mình đủ sức để chiến thắng cơn bịnh. Như vậy, con người thấy rằng mình còn có sức mạnh để vật lộn, rồi để chiến thắng cơn bịnh và như vậy mình lúc nào cũng có thừa sức đề kháng. Dĩ nhiên là với sự góp công của y khoa.

 

Mang bịnh hoạn, người già có cơ hội đối thoại với kẻ khác, để phân trần, để đối chiếu, để tìm đồng bịnh tương lân, đồng khí tương cầu, để may ra phát hiện được một phương hướng chữa trị. Cho nên, trong khi người già đàn đúm thay vì chuyện trò vui chơi, nhắc chuyện xưa tích cũ, trao đổi kinh nghiệm ở đời thì người ta thường nghe kể lể bịnh tình, than thở niềm đau, nỗi đớn.

 

Nhưng, khổ thay, đau bịnh của tuổi già thì kể cho nhau biết bao giờ mới hết. Nào lưng đau gối mỏi, nào tai ù như ve kêu ra rả mùa hè, nào mắt nhìn như lúc nào cũng có ruồi bay, nào thấp khớp, nào dị ứng gãi ngứa khắp người, trầy vi tróc vãy, nào mắc bịnh khó ngủ mà đêm đêm người hôn phối cứ ngáy như gọi đò sang sông! Trong bối cảnh người già thường bị để bên lề xã hội, ra vẻ "kính lão đắc thọ", thì có bịnh còn ít đáng ngại hơn là có tuổi. Dẫu cho bực bội vì đau ốm, những người nhiều tuổi mà bịnh hoạn được cái lợi là có người ở bên cạnh để săn sóc, chăm nom và cơn bịnh đương nhiên trở thành một công cụ để xô đuổi cảnh cô đơn.

 

Chân lý trước sau như một là đã có bịnh thì phải có thuốc. Vậy mà, mối tương quan giữa thuốc và tuổi già lại nằm trong một thế nhập nhà nhập nhằng quái gở. Một mặt, chuyện thuốc men cho tuổi già không che đậy được sự bất lực của y khoa. Mặt khác, người cao niên lại coi thầy thuốc như là cái phao, là mối bảo đảm cho tuổi thọ. Người già là giới tuổi cần đến bác sĩ nhiều nhứt, là một cây tiêu thụ thuốc men và cũng là thành phần chiếm số giường bịnh viện đông đảo nhứt. Dù sao thì người già vẫn là thứ bịnh nhân tồi tệ nhứt, lành bịnh chậm và lôi thôi nhứt, thường làm cho thầy thuốc đành phải bó tay. Hơn bất cứ mọi loại bịnh nhơn, người già thường làm cho bác sĩ cảm thấy mình bất lực. Cho nên, mỗi khi đứng trước một cơn bịnh gay cấn, người thầy thuốc cầu cứu đến đồng minh đương nhiên là gia đình bịnh nhơn để đưa đương sự vào viện dưỡng lão hay vào nhà thương.

 

Tuổi già coi chuyện đi bịnh viện như là con đường thẳng tới "đích cuối cùng đời mình" vì mất mát rất nhiều, phải rời xa mái ấm, cách mặt người thương, kẻ yêu, để vào một nơi đầy tử khí, hằng ngày giáp mặt với những thầy thuốc và những cô điều dưỡng lạnh lùng. Tuy được nhiều người vây quanh nhưng người già lại cảm thấy cô đơn, trơ trọi như mất đi cái phao ân nghĩa trên biển cả đớn đau và bịnh hoạn. Nằm trên giường bịnh viện, người cao niên thường có cảm tưởng đang đi vào hành lang cõi chết, chờ giờ điểm danh và diện kiến Diêm Vương. Do đó, khả năng đề kháng giống như quả bóng tròn nằm trên con đường đổ dốc, cứ xuống lần và xuống lần làm cho lão ông, lão bà thêm mất tinh thần. Cảm thấy bất lực, cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy kiệt sức cùng đường trước sự hoành hành của cơn bịnh, cảm thấy đớn đau thân xác, người già hay sợ chết lại muốn được dịp từ giả cõi đời ngay. Thà chết còn sướng hơn đau đớn. Nhưng trước thềm cửa tử lại thấy lưu luyến như trường hợp của người tiều phu kia với tử thần.

 

Còn nhớ mang máng thời mày đũng quần trên băng ghế nhà trường đã học qua bài thơ ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên (La Fontaine), "Thần Chết và Lão Tiều Phu". Quá nặng nhọc và mệt mỏi với bó củi trên vai, người tiều phu mời gọi tử thần đến rước đi phức cho rồi. Thế nhưng, khi tử thần xuất hiện thì lão tiều phu tỉnh người ngay và chỉ nhờ tử thần làm ơn đỡ giùm bó củi lên vai. Thì ra, muốn chết nhưng lại sợ chết! Ðó là điều mâu thuẩn của tuổi già. Cho nên trong lời cầu nguyện về đêm của dân Phần Lan có câu "Lạy Chúa, con nguyền theo chân Chúa, nếu Chúa gọi con, nhưng xin đừng gọi đêm nay!"

 

Nên chi, may mắn có được tuổi già bình thường thì nên sống cho ra sống, sống có ý nghĩa và có chủ đích, sinh hoạt có ích cho con cháu, cho bản thân, cho người và cho đời để chuẩn bị một chuyến đi xa êm đẹp, khỏi làm phiền những người xung quanh. Như bá tước De Rivarol (1753-1807), nhà văn người Pháp, đã dặn dò:"Tuổi già rất khó chịu nếu không có một lý tưởng hoặc một thói hư tật xấu". Ðừng thèm nghĩ đến cái chết vì, như nhà triết học Vladimir Jankélévitch có nói "nghĩ đến cái chết là nghĩ đến điều không thể tưởng tượng được", nghĩa là nghĩ khơi khơi, không đối tượng, đâu chẳng ra đâu. Cái chết không là gì hết, là chân không, là chuyện tầm thường. Ðược như vậy thì giai đoạn chót của buổi sinh thời còn thơ mộng và thần tiên hơn những ngày viễn du tiên cảnh hay thơ thới nơi cõi giới bao la, nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta!

 

 

Phan Quân
 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.