Hồng vệ binh của Mao
Les
Gardes Rouges de Mao
(Tháng 6 - tháng 8 1966)
"Lên tới trời và bóp nát quả đất"
 Dưới
triều đại của Mao, một thế hệ thanh thiếu niên lớn lên với một điều
tin tưởng chắc chắn là họ phải chiến đấu chống lại kẻ thù của giai
cấp. Những lời kêu gọi mập
mờ,
mà báo chí đã tung ra nhằm cổ động cho một cuộc cách mạng văn hóa,
đã làm cho người ta có cảm tưởng rằng cuộc "chiến tranh" sắp sửa nổ
ra. Một số người trẻ sành sỏi chánh trị có cảm tưởng rằng thần tượng
của họ - chủ tịch Mao - trực tiếp dấn thân vào chuyện này. Vì đã bị
tuyên truyền đầu độc nên họ chẳng còn cách nào khác hơn là đứng về
phía Mao. Ngay từ đầu tháng sáu, một nhúm người tranh đấu của một
trường trung học trực thuộc Thanh Hoa Đại Học - một trong những đại
học nổi tiếng của Trung Quốc ở Bắc Kinh - đã nhóm họp nhiều lần để
bàn thảo về chiến lược cho cuộc chiến đấu sắp tới. Họ quyết định tự
đặt cho đoàn thể của mình danh xưng "Hồng vệ binh của chủ tịch Mao".
Họ lấy câu nói của Mao đăng trên Nhân Dân Nhựt Báo:"Nổi dậy là chính
đáng" làm khẩu hiệu hành động.
Đợt
hồng vệ binh đầu gồm có con cái của những viên chức cao cấp. Chỉ có
thành phần này mới cảm thấy an toàn để tiến hành những sinh hoạt như
vậy. Vả lại, chính trị dính líu tới môi trường của họ và do đó họ
quan tâm đến những âm mưu ý đồ trong chính phủ nhiều hơn đa số người
Hoa. Bà vợ của Mao để ý đến họ nên tiếp kiến họ từ tháng bảy. Ngày
một tháng tám, Mao đích thân viết cho họ một bức thơ ngỏ, bày tỏ
"hậu thuẩn nồng nhiệt và tích cực", một hành động ít thấy ở Mao.
Trong bức thơ đó, Mao sửa đổi một cách khôn khéo khẩu hiệu mà những
người trẻ đã chọn làm phương châm hành động thành:"Nổi dậy chống bọn
phản động là chính đáng". Đối với những thanh thiếu niên cuồng tín
này, như vậy chẳng khác nào đích thân Thượng Đế đã ngỏ lời với họ.
Kể từ lúc đó, những toán hồng vệ binh sinh sôi nẩy nở ra ở Bắc Kinh,
kế đó trên toàn nước Tàu, chẳng khác nào như nấm gặp mưa.
Mao
muốn
chọn những nhóm người này làm đội xung kích cho ông. Ông thấy rõ
rằng dân chúng không có phản ứng gì lại những lời kêu gọi mà ông đã
nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhằm triệt tiêu những "động cơ tư bản
chủ nghĩa". Đảng cộng sản tập họp được những số người quan trọng.
Hơn nữa, người ta còn nhớ bài học của năm 1957. Năm đó, Mao
đã khuyến khích dân chúng chỉ trích cán bộ đảng, nhưng những ai thi
hành lời kêu gọi của ông cuối cùng đều bị cho là thuộc thành phần
hữu khuynh và bị kết án. Phần đông người ta nghi ngờ là Mao lại áp
dụng chiến thuật đó, nhằm "dụ rắn ra khỏi hang để chặt đầu".
Nếu
muốn cho dân chúng đáp ứng, thì Mao phải làm cho đảng mất hết quyền
hành và bắt buộc những cận thần phải trung thành và tuân hành mệnh
lệnh của mỗi mình ông mà thôi. Muốn được vậy thì Mao chẳng còn cách
nào khác hơn là làm cho thiên hạ phải kinh hoàng, một nỗi kinh hoàng
tột độ, khiến cho người ta chẳng còn suy tính chuyện gì khác được
hết và quên đi những nỗi sợ hãi khác. Ông ta nghĩ rằng các cô cậu bị
kích thích này, được nuôi dưỡng trong tinh thần tôn thờ cá nhân ông
một cách cao độ và trong chủ thuyết hăng say "đấu tranh giai cấp",
sẽ là những đại diện tốt nhứt. Tất cả đều có những đức tính đặc thù
của tuổi trẻ như phản loạn, dũng cảm, sẵn sàng đấu tranh "vì chính
nghĩa". Họ thích phiêu lưu mạo hiểm và hành động. Họ cũng không thấy
có trách nhiệm gì, không hiểu biết, dễ bảo và thích bạo động. Chỉ có
những người trẻ này mới có thể cung cấp cho Mao sức mạnh vô song,
cần thiết để làm cho xã hội Tàu khiếp sợ và tạo ra một sự hỗn loạn
làm lung lay nền tảng của đảng, trước khi sụp đổ hoàn toàn. Khẩu
hiệu sau đây tóm lược nhiệm vụ của hồng vệ binh:"Chúng ta thề chiến
đấu chống lại bất cứ ai đối nghịch với Cách mạng văn hóa, chống lại
bất cứ ai dám đương đầu với chủ tịch Mao, dẫu cho phải đổ máu!"
Từ
trước đến lúc bấy giờ, mọi chỉ thị, mọi mệnh lệnh đều được chuyển
qua một hệ thống có kiểm soát chặt chẽ, qua những người trong đảng.
Nay, Mao không chịu sử dụng hệ thống đó nữa và trực tiếp dựa vào
những người trẻ. Làm vậy, nhưng Mao kết hợp hai chiến lược hoàn toàn
khác biệt. Một mặt là những bài diễn văn mơ hồ nhưng cường điệu,
khoa trương khoác lác, được báo chí loan truyền một cách công khai.
Mặt khác, là những thủ đoạn của những kẻ âm mưu và những người khích
động, dưới sự điều khiển của Ủy ban cách mạng văn hóa và đặc biệt là
của Giang Thanh, bà vợ Mao.
Cử
tọa của Mao tự ý mình diễn dịch những lời nói cầu kỳ hoa mỹ của Mao.
Những cách nói như "nổi dậy chống chính quyền", "cách mạng ngành sư
phạm", "tiêu diệt thế giới cũ để tạo ra một thế giới khác" và "sáng
tạo con người mới" - được khá nhiều người phương Tây thích thú trong
những năm sáu mươi - được hiểu như là những lời cổ vũ bạo động. Mao
rất ý thức về sự bạo động tiềm tàng của giới trẻ. Khi họ được nuôi
ăn đầy đủ, và nay các khóa học đều ngưng lại, Mao cho rằng dễ động
viên để cho họ tận dụng năng lực dồi dào của họ vào những cuộc xáo
trộn.
Muốn đưa tuổi trẻ đến chỗ bạo động dữ dội và ồ ạt, nhưng có kiểm
soát, thì phải có những nạn nhân. Ở bất cứ trường học nào, mục tiêu
hiển nhiên là những giáo viên trong đó một số người đã đau khổ vì
thái độ tích cực của những tổ công tác và những
giới chức thẩm quyền của học đường trong mấy tháng qua. Rồi bây giờ,
những học trò nổi loạn bắt đầu tấn công họ nữa. Giáo viên dĩ nhiên
là dễ tấn công hơn cha mẹ, nhứt định là lẻ loi hơn, cần được tấn
công riêng lẽ. Vả lại, trong nền văn hóa Tàu, họ có nhiều uy quyền
hơn. Trong hầu hết những trưòng học Tàu, các giáo viên bị hành hạ ác
độc hơn, đôi khi nguy hiểm cho họ. Một vài trường trung học còn mở
ra những "nhà tù" để tra khảo những người bị giam giữ.
 Thế
nhưng, như vậy cũng chưa đủ để tạo ra mức độ khủng khiếp mà Mao mong
muốn. Ngày 18 tháng 8, có một cuộc tập hợp vĩ đại ở quảng trường
Thiên An Môn, tập trung trên một triệu thanh thiếu niên đứng ra biểu
tình. Lâm Bưu xuất hiện công khai lần đầu tiên với tư cách phó chủ
tịch và người phát ngôn cho Mao. Ông đọc một bài diễn văn cổ vũ hồng
vệ binh rời bỏ trường học trong tinh thần xung kích để "đập nát bốn
cái xưa cũ", như "ý kiến xưa, văn hóa xưa, phong tục cũ kỹ và tập
quán xưa".
Sau
lời
kêu gọi khó hiểu
này, những hồng vệ binh trên toàn nước Tàu kéo nhau xuống đường, tự
do phá phách, chẳng cần biết gì hết và tỏ ra vô cùng cuồng tín. Họ
cướp bóc nhà cửa tư nhân, đập phá bàn ghế xưa cũ, xé rách tranh vẻ
và tranh viết chữ đẹp. Họ nhóm lửa lên để đốt sách. Rồi ra, những
kho tàng sưu tập tư nhân chẳng còn gì hết. Một số lớn những văn gia
và nghệ sĩ đành phải kết liễu cuộc đời, sau khi bị đánh đập và hạ
nhục một cách tàn nhẫn và sau khi nhìn thấy những tác phẩm của họ
biến theo lửa khói. Những người trẻ cũng cướp bóc các viện bảo tàng
và đập phá cung điện, đền đài, nghĩa trang, tranh tượng, chùa chiền,
tường thành. Tất cả những gì liên hệ đến quá khứ đều bị cướp sạch,
phá sạch. Một số ít di tích hiếm hoi còn tồn tại được qua trận phá
phách này, như Cấm Thành, là nhờ có sự bảo vệ của quân đội, do Thủ
tuớng Chu Ân Lai đặc biệt phái đến.
Mao
khen thưởng nồng nhiệt các hành động của hồng vệ binh và ra lịnh cho
cả nước phải hậu thuẩn họ. Ông ta còn khuyến khích họ gia tăng thêm
số nạn nhơn để làm cho bối cảnh hải hùng càng khiếp đảm hơn. Những
nhà văn, những nghệ sĩ và những bậc trí thức lỗi lạc, và đông đảo
những nhà chuyên viên nổi tiếng trong bất kỳ lãnh vực nào, đã từng
được ưu đãi dưới chế độ cộng sản, đều bị liệt vào loại bị lên án
nặng nề là "bọn người quyền thế, tư sản phản động". Với sự hỗ trợ
của một số đồng sự của họ, qua ganh ghét cách này hay cách khác - do
đố kỵ hay cuồng tín - nên hồng vệ binh thấy có bổn phận làm cho họ
mất tín nhiệm. Người ta cũng trở lại tấn công vào những "kẻ thù giai
cấp trước kia", như bọn lãnh chúa và bọn tư bản, như những "người có
cảm tình" với Quốc Dân Đảng, những "kẽ hữu khuynh" đã từng bị đặt
vấn đề trong những chiến dịch thanh trừng trước kia cùng với con
cháu của họ.
Một
số "kẻ thù giai cấp" chỉ bị "canh chừng" thôi và không bị hành xử
hay bị đưa đi trại cải tạo lao động. Trước cách mạng văn hóa, công
an chỉ được phép cung cấp tin tức liên quan đến họ cho những người
có thẩm quyền. Người ta thay đổi chiến lược. Tạ Phú Trị, bộ trưởng
Công an, một trong những người tuyệt đối trung thành với Mao, ra
lịnh cho thuộc hạ đem "dâng" những kẻ thù của giai cấp cho hồng vệ
binh và nói rõ tội trạng đã được cáo buộc cho những người đó, đại
loại như "có ý định lật đổ chính phủ cộng sản".
 Cho
đến ngày cách mạng văn hóa nổi lên, ngoài những hành động hung bạo
ra, chuyện tra tấn thì không được phép. Nhưng, tên trùm công an Tạ
Phú Trị lại mở ngỏ là "đừng để cho những quy luật xưa cũ trói tay
dẫu cho đã được nhà chức trách công an hay nhà nước ban hành". Sau
khi đã cho biết là ông không đồng ý "đánh người đến chết", họ Tạ nói
thêm:"Nếu như một vài (hồng vệ binh) nào đó căm giận kẻ thù giai cấp
đến đổi muốn giết chết, người ta không bị bắt buộc phải ngăn cản
họ."
Chuyện đánh đập và tra khảo tràn lan khắp nước một cách nhanh chóng,
nhứt là trong những chuyến tấn công những người dân thường. Hầu như
lúc nào hồng vệ binh cũng ra lịnh cho những gia đình quỳ gối xuống
và cúi lạy họ, sau đó họ dùng giây nịch da có khóa bằng đồng đánh
đập tàn nhẫn. Họ còn đá nạn nhân, xong cạo phân nửa đầu, một lối cắt
tóc vô cùng nhục nhã được gọi là "mái đầu âm dương", vì có hình ảnh
giống như huy hiệu nửa trắng, nửa đen cổ điển của Tàu. Tài sản của
nạn nhân thì phần lớn bị hủy diệt, những gì còn lại thì họ lấy đem
đi.
Ở
thủ đô Bắc Kinh thì bi đát hơn nhiều, vì ở đó có Ủy ban cách mạng
văn hóa để thúc đẩy bọn trẻ. Một số nhà hát và rạp chiếu bóng ở
trung tâm thành phố đã biến thành nơi tra tấn. Khách bộ hành tránh
không lảng vảng đến những khu vực đó vì trên những con đường phụ cận
người ta cũng nghe những tiếng kêu la của nạn nhân.
Chẳng bao lâu sau đó, nhiều thanh thiếu niên cuồng nhiệt thuộc những
thành phần xã hội khác nhau nhập bọn với con cái của viên chức cao
cấp trong chánh phủ, vốn là thành phần phát động ra phong trào hồng
vệ binh. Tuy vậy, một số con cháu của giới có máu mặt cũng còn duy
trì được những băng đảng riêng biệt, như nhóm gọi là "Trời Trồng".
Mao và phe đảng của ông cũng đưa ra một số sáng kiến để chứng minh
rằng mình còn uy thế. Trong phiên họp lớn lao kỳ hai của hồng vệ
binh, Lâm Bưu mang băng tay đỏ để chứng tỏ rằng ông cũng là một hồng
vệ binh như ai. Trong lễ Quốc Khánh, 1 tháng 10, tại Thiên An Môn,
vợ Mao gọi hồng vệ binh là những người của đội danh dự. Vì vậy nên
một vài người trẻ tự cho là kẻ phản kháng thuộc "con dòng cháu
giống", như lời ca của một bài hát:"Con của anh hùng lúc nào cũng là
vĩ nhơn, cha phản động chỉ có thể sanh ra những đứa con hoang!" Dựa
theo "lý thuyết" này, một số con ông cháu cha đi đến chỗ hành hạ,
thậm chí tra khảo bạn bè mình, xuất thân từ những giới bị cho là
"rác rưởi".
Một
lần nữa, Mao để cho họ muốn làm gì thì làm, cốt sao phát động được
đà khủng khiếp và hỗn loạn mà ông ta cần có. Tóm lại, tên tuổi của
những người bị hành hạ cũng như của mấy tên đao phủ, Mao chẳng cần
biết. Những nạn nhơn đầu tiên đâu phải là những đối tượng đích thực
của ông ta và ông ta cũng chẳng yêu thương gì đặc biệt những hồng vệ
binh mà thực ra ông cũng tin tưởng một cách tương đối mà thôi. Ông
ta chỉ lợi dụng họ, vỏn vẹn là như vậy. Về phần mình thì những tên
phá hoại tào lao và những phường tra tấn non trẻ kia hành động như
vậy cũng chưa chắc gì trung thành trọn vẹn với Mao. Bọn hồng vệ binh
được một thời kỳ thích thú vì người ta đã cho họ được trọn quyền,
vậy là họ tha hồ chạy theo những bản năng tệ hại nhứt.
Thực ra, chỉ một thành phần hồng vệ binh tham dự vào đợt sóng hung
ác và thô bạo đó. Phần lớn còn lại không can dự vào, vì hồng vệ binh
là một tổ chức lỏng lẻo, thường không bắt buộc thành viên của mình
phải ra tay hành động. Đúng ra, không khi nào Mao trực tiếp ra lịnh
cho hồng vệ binh phải giết ai và những lịnh lạc của ông ta thường
mâu thuẫn nhau. Người ta rất có thể tận tình với lý tưởng của Mao mà
không cần phải thô bạo. Những ai chọn lấy phương thức này thì khó mà
đổ lỗi cho Mao.
Như
vậy không phải là nhà "lãnh đạo vỹ đại" của chúng tôi không âm thầm
thúc đẩy bọn hồng vệ binh tiến hành những hành động tàn bạo dã man.
Ngày 18 tháng 8, qua kỳ tập hợp đầu tiên, trong số tám lần họp lớn,
quy tụ không dưới 13 triệu người, Mao hỏi tên một cô bé hồng vệ
binh. Cô này đáp là "Bin-bin", có nghĩa là "dịu hiền". Mao bĩu môi
rồi tuyên bố:"Từ nay, mày sẽ là Yao-wu-ma", có nghĩa là "mãnh liệt".
Mao ít khi lên tiếng giữa đám đông, nên lời phát biểu này làm xôn
xao dư luận, và đương nhiên được coi như là lời lẻ của Phúc Âm.
 Trong
kỳ họp lần thứ ba, ngày 15 tháng 9, khi mà những hành động tàn bạo
của hồng vệ binh đã lên cao điểm, với tư cách là người phát ngôn của
Mao, Lâm Bưu tuyên bố, trước mặt Mao:"Hỡi các chiến sĩ hồng vệ binh,
cuộc đấu tranh của các bạn lúc nào cũng đi đúng hướng. Các bạn đã
sẵn sàng tấn công những "động cơ của tư bản chủ nghĩa", những giới
chức tư sản phản động, các bạn đã đánh đập những kẻ khát máu và
những tên ăn bám! Các bạn làm như vậy là đúng! Các bạn đã hành động
tuyệt vời!" Nghe những lời này, những tiếng la cuồng loạn, những
tiếng gào thét inh tai nhức óc vang lên và đám đông, đứng chật quảng
trường Thiên An Môn, hô to những khẩu hiệu, như "Chủ tịch Mao muôn
năm!". Nhiều người không cầm được nước mắt và phát biểu ồn ào lòng
trung thành vĩnh viễn của mình với Người Lãnh Tụ Vỹ Đại. Mao thân
thương vẫy tay đáp ứng lại, thế là cuồng nhiệt lại tăng lên gấp bội.
Xuyên qua Ủy ban Cách mạng Văn hóa, Mao kiểm soát được đoàn hồng vệ
binh của Bắc Kinh. Thế là ông ta phái họ đi xuống tỉnh để làm gương
cho những bọn trẻ khác. Ở Cẩm Châu, thuộc Mãn Châu, bọn chúng cho
ông cậu Vũ Lâm của tôi và bà vợ một trận đòn, rồi sau đó đài đi đến
một vùng hoang vắng của tỉnh, cùng với hai người con. Còn nhớ lại
ông cậu Vũ Lâm đã có vấn đề khi cộng sản mới lên nắm quyền trong
tỉnh vì ông có thẻ của ngành mật vụ Quốc Dân Đảng. Thế nhưng từ đó
đến nay thì ông cậu cũng như gia đình không ai bị nghi ngờ gì hết.
Lúc bấy giờ, chúng tôi không hay biết gì chuyện đó. Thiên hạ tránh
né, không trao đổi những tin tức có thể liên lụy đến mình. Chuyện vu
khống đã quá phổ biến và có thể mang lại những hậu quả rất ư là
khủng khiếp nên người ta làm sao mà biết được một sự tiết lộ nhỏ
nhặt có thể đem lại điều tai hại vô cùng to lớn.
 Người
dân Tứ Xuyên nào có hay biết gì đến mức độ tàn bạo đã xảy ra ở thủ
đô. Trong tỉnh của họ, tình cảnh dã man không đến đổi phổ quát như
vậy, có thể vì Ủy ban Cách mạng Văn hóa không có tác động trực tiếp
đến những hồng vệ binh địa phương. Hơn nữa, công an Tứ Xuyên đã lờ
đi những mệnh lệnh cấp trên của họ ở Bắc Kinh, đòi họ phải giao
những "kẻ thù của giai cấp" do họ kiểm soát cho hồng vệ binh. Dẫu
sao đi nữa, ở Tứ Xuyên hay ở nơi nào khác cũng vậy, hồng vệ binh
cũng noi gương của đồng bọn ở Bắc Kinh. Thế là rối loạn, nhưng còn
kiểm soát được. Họ cướp phá những nhà cửa mà họ có quyền phá phách,
nhưng rất ít khi người ta thấy họ ăn cắp những cửa hàng. Phần lớn
các ngành công cộng, nhứt là bưu điện và vận tải, tiếp tục hoạt động
bình thường.
Trong trường
học của tôi, một đội hồng vệ binh được thành lập ngày 16 tháng 8,
với sự tiếp tay của một nhóm phái viên từ Bắc Kinh đưa về. Tôi nghỉ
học ở nhà, viện cớ bị bịnh, cốt để tránh những cuộc hội họp chính
trị và những khẩu hiệu làm tôi khiếp sợ, nên chi tôi không hay biết
gì tổ chức mới này. Vài ba ngày sau, có điện thoại báo là tôi bị gọi
đến trường để "tham dự cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản". Khi đến
trường, tôi trông thấy nhiều học sinh hãnh diện phô bày băng tay đỏ,
chữ vàng ghi "hồng vệ binh".
Thời đó, những hồng vệ binh tân tuyển này có được uy tín đặc biệt
dưới danh nghĩa là "sản phẩm" của Mao. Đương nhiên là tôi cũng phải
nộp đơn gia nhập nên tôi làm thủ tục ngay với trưởng toán của lớp
tôi, một thiếu niên mười lăm tuổi tên Cảnh. Đã từ lâu, anh chàng nầy
muốn kết thân với tôi, nhưng trước mặt tôi là anh ta trở nên nhút
nhát và vụng về.
Tôi
thắc mắc làm sao mà Cảnh lại có thể trở nên thành viên của hồng vệ
binh, nhưng anh ta không chịu cho tôi biết chi tiết về hoạt động của
mình. Tôi biết rõ rằng hồng vệ binh chủ yếu gồm có con của những
người có máu mặt trong chánh trị. Trưởng đoàn hồng vệ binh trường
tôi không ai khác hơn là con của thủ trưởng công an Lý, bí thư thứ
nhứt của đảng trong tỉnh Tứ Xuyên. Như vậy, tôi có thể được tự động
gia nhập vì ba tôi giữ một trong những chức vụ cao cấp so với cha mẹ
học sinh. Thế nhưng, Cảnh thổ lộ trực tiếp với tôi là thiên hạ cho
rằng tôi quá biếng nhác và "ít năng động" và tôi phải phấn đấu hơn
nữa, đoàn mới chấp nhận tôi vào đội ngũ.
Kể
từ tháng 6, có một quy luật ngầm bắt buộc tất cả học sinh của trường
phải có mặt tại chỗ, hai mươi bốn trên hai mươi bốn suốt ngày đêm,
để phó thác thân xác lẫn tâm hồn cho cách mạng văn hóa. Tôi là một
trong những người hiếm có không tuân thủ điều đó. Thế nhưng, kể từ
ngày đó, tôi có cảm tưởng rằng bằng cách trốn học thì thế nào tôi
cũng gặp rắc rối. Ngay từ đó, tôi thấy cần phải ở lại trường. Bọn
con trai ngủ ở các lớp học, còn con gái thì ở phòng ngủ nội trú.
Hồng vệ binh đùm bọc những người bị loại trừ và đưa từng toán vào
những sinh hoạt khác nhau của họ.
 Hôm
sau ngày tôi trở lại trường học, tôi tham dự trong dạng như vậy cùng
với mấy mươi trẻ em khác vào việc thay đổi tên đường "bằng cách nào
đó để cho có âm hưởng cách mạng hơn". Tôi ở đường "Thương Mại".
Chúng tôi bàn luận lâu dài về cái tên mới để đặt cho nó. Có người đề
nghị "đường Hải Đăng", để nhớ tới vai trò của những người lãnh đạo
đảng trong tỉnh. Những người khác đề nghị đường "Công Bộc Nhân Dân",
vì đó là chức năng của cán bộ đảng, theo như lời nói của Mao. Cuối
cùng, chúng tôi ra về mà chẳng giải quyết được gì hết, vì còn có một
vấn đề quan trọng hơn, thuộc diện khác. Đó là tấm bảng đặt quá cao,
không một người nào trong chúng tôi có thể với tới. Theo chỗ tôi
biết thì vấn đề vẫn còn nguyên đó.
Hồng vệ binh của Bắc Kinh tỏ ra có nhiều nhiệt tình hơn. Người ta
cho chúng tôi biết thành tích của họ là nhờ hồng vệ binh mà từ nay
phái bộ Anh quốc sẽ nằm trên đường "Chống Đế Quốc", và tòa đại sứ
Liên Xô, trên đường "Chống Chủ Nghĩa Xét Lại".
Ở
Thành Đô, các con đường mất lần mất hồi những tên gọi xa xưa, như
đường "Ngũ Đại Đồng Đường" (một phẩm chất mang tính Khổng học),
đường "Cây Dương và Cây Liễu Xanh" (màu xanh không có tính cách
mạng), hay đường "Ngọc Long" (tiêu biểu cho thế lực phong kiến).
Những con đường đó được đổi lại thành đường "Hủy Diệt Cột Trụ Cũ",
đường "Đông Phương Hồng", đường "Cách Mạng". Bảng hiệu của nhà hàng
"Hương Thơm Gió Thoảng" nổi tiếng, bị đập tan thành mảnh vụn và được
đặt lại tên mới là "Hơi Thuốc Súng Đại Bác".
Giao
thông đường phố bị xáo trộn trầm trọng trong nhiều ngày. Không thế
nào để cho màu đỏ, màu của cách mạng, lại đồng nghĩa với dừng lại!
Xe cộ không phải chạy bên phải nữa mà bên tay trái. Trong vòng một
đôi ngày, chúng tôi thay thế đột ngột những cảnh sát lưu thông. Đứng
ở một góc đường, nhiệm vụ của tôi là nói cho những người đi xe đạp
biết là họ phải đi bên trái của con đường. Ở Thành Đô, xe cộ và đèn
đỏ không có mấy, nhưng vậy mà cũng có xáo trộn ở nhiều ngã đường.
Cuối cùng, luật đi đường cũ được áp dụng trở lại nhờ Chu Ân Lai làm
áp lực với những trưởng đoàn hồng vệ
binh của Bắc Kinh. Bọn trẻ cuồng nhiệt vẫn có cách để chứng minh
những trường hợp phải trở lại như xưa. Quả nhiên, một cô hồng vệ
binh non trẻ của trường tôi đoan chắc với tôi rằng xe cộ phải chạy
bên phải để cho khác với bên Anh, để biểu lộ tinh thần chống tư bản
của chúng ta. Nhưng cô ta tránh không đề cập gì đến Hoa Kỳ.
Từ
những ngày còn bé, tôi rất kỵ các sinh hoạt tập thể. Bây giờ, những
loại sinh hoạt đó càng làm tôi chán ghét hơn bao giờ hết. Tôi cố đẩy
lui những khuynh hướng đó trong mặc cảm tội lỗi mỗi khi tôi nhận
thấy ý chí của tôi đi ngược lại ý chí của Mao. Tôi tự nhủ lòng là
phải khắc sâu trong đầu óc những lý thuyết mới và những đường hướng
lao động cách mạng. Dẫu cho tôi chẳng hiểu biết hết, tôi cũng phải
thích nghi và cải thiện bằng mọi giá. Như vậy cũng không ngăn cấm
tôi tìm mọi cách để khỏi lao vào những hành động mang tính đấu
tranh, chẳng hạn như, lúc bấy giờ, là chận người qua đường lại để
cắt tóc, sửa ống quần hoặc sửa y phục lại, hay là bẻ gảy gót giày
cao. Thực tế mà nói thì những hồng vệ binh của Bắc Kinh cho rằng
những kiểu cách ăn mặc đó là dấu hiệu của sự suy đồi kiểu tư sản.
Bạn
bè tôi chỉ trích nặng nề về chuyện tóc tai của tôi. Cuối cùng chúng
nó bắt tôi phải cắt ngắn bên trên trái tai. Nghĩ rằng mình chỉ là
"cô bé tư sản" hèn hạ, nhưng tôi cũng không khỏi khóc sướt mướt,
nhưng một cách thầm lén, khi phải cắt bỏ những bím tóc dài. Hồi bé,
chị vú em của tôi, khi chải tóc cho tôi thường làm cho hai cái bím
dựng đứng lên, giống như những cành liễu. Chị gọi đó là những "pháo
bông bay lên tấn công ông trời". Đến đầu những năm sáu mươi, tôi có
hai cuộn tóc với hai vòng hoa bằng lụa. Mỗi sáng, trong khi tôi ăn
điểm tâm vội vàng, bà ngoại và chị người làm chải tóc tôi với những
cử chỉ trìu mến. Tôi rất thích những vòng hoa lụa màu hồng.
Sau
năm 1964, đúng với lời cổ vũ của Mao nhằm áp dụng một lối sống khắc
khổ, thích hợp với công cuộc đấu tranh giai cấp hơn, tôi khâu vá
những mảnh vải trên cái quần của tôi để cho có vẻ "vô sản" và chải
tóc như tất cả các cô bé khác, với hai bím giản dị, không có băng
vải gì hết. Người ta chưa cấm để tóc dài. Về sau, chính bà ngoại cắt
tóc cho tôi, với một dáng điệu rõ ràng là chẳng mấy thích thú. Mái
tóc dài của bà vẫn tồn tại vì lúc bấy giờ bà chẳng khi nào ra ngoài
hết.
Người ta cũng đặt vấn đề đối với những "phòng trà" nổi tiếng của
Thành Đô, coi đó như là biểu hiện của sự "suy đồi". Thực ra, tôi
không hiểu tại sao, nhưng tôi cũng không muốn hỏi. Trong mùa hè năm
1966, tôi đã học được cách đè nén mọi suy luận trong thâm tâm. Đã
lâu lắm rồi, phần đông người Tàu đã quyết tâm làm như vậy.
Những phòng trà Tứ Xuyên là những nơi chốn hoàn toàn đặc biệt. Các
quán đó thường nằm dưới những lùm tre hoặc những vòm lá của một cây
to. Chung quanh những cái bàn bằng cây là những chiếc ghế tre có dựa
lưng, còn tỏa ra một hương thơm đặc biệt. Muốn pha trà, người ta cho
một nhúm lá vào một cái tách, sau đó đổ nước sôi vào. Rồi đậy tách
lại bằng một cái nấp, không cần đậy kín để cho hơi thơm mùi hoa lài
hay bất cứ mùi gì khác tỏa ra. Người ta uống cả một lô trà ở Tứ
Xuyên. Đã có năm loại trà ướp hoa lài rồi.

Những
phòng trà đó có một vai trò quan trọng đối với tỉnh này của Trung
Quốc, cũng giống như các quán rượu bên Anh. Đặc biệt, những người
cao niên đã mất nhiều thì giờ ở đó, vừa nhâm nhi tách trà, vừa hút
điếu cày và nhấm nháp quả phỉ hay nhai hột dưa. Người hầu bàn luồn
lách giữa những chiếc ghế, tay cầm ấm nước nóng và lần hồi châm vào
tách một cách vô cùng chính xác, dẫu cho đứng xa một khoảng cách.
Một người hầu bàn vén khéo có thể châm nước đầy miệng tách mà nước
không tràn ra. Lúc nhỏ, khi nào tôi cũng nhìn trân trân dòng nước
chảy ra khỏi vòi ấm. Tuy vậy, tôi cũng không đến phòng trà thường.
Thực ra, bầu không khí phòng trà hơi bừa bải nên ba mẹ tôi không
thích.
Theo gương một số quán cà phê châu Âu, những phòng trà Tứ Xuyên cũng
để báo cho khách hàng đọc, lồng trong một cái khung bằng tre. Một
vài khách hàng quen thuộc đến đó để đọc báo, nhưng người ta đến đó
cốt để gặp nhau và nói chuyện, để trao đổi tin tức và tán gẫu. Đôi
khi, những người kể chuyện cũng làm cho thính giả chú ý lắng nghe.
Nhứt định là ở các phòng trà có một bầu không khí rất thoải mái và
khi đã ung dung tự tại thì thiên hạ quên làm cách mạng, nên người ta
đã ra lịnh đóng cửa phòng trà. Một hôm, tháp tùng với mấy mươi người
bạn từ mười ba đến mười sáu tuổi, phần đông thuộc hồng vệ binh, tôi
đến một phòng trà như vậy, nằm trên bờ Sông Lụa. Người ta bài bàn
bên ngoài, dưới một cái cây to lớn. Cơn gió thoảng mùa hè lan tỏa ra
không gian một hương thơm ngây ngất từ những cành cây đơm hoa. Những
người khách, phần lớn là đàn ông, đang đánh cờ, ngẩng đầu lên nhìn,
khi nghe chúng tôi đến gần, trên bờ sông cẩn đá gập ghềnh. Chúng tôi
dừng lại dưới gốc cây. Từ phía chúng tôi, một vài tiếng la:"Các
người hãy về đi! Các người nên về đi! Đừng tới địa điểm tư sản này
nữa!" Một đứa con trai của lớp tôi nắm lấy một góc bàn cờ bằng giấy
trên bàn gần đó vứt đi. Những con cờ bằng cây rơi rải tung tóe ra
đầy đất.
Những người đánh cờ còn trẻ. Một trong hai người vùng đứng lên, hai
tay nắm chặt, nhưng người bạn của ông ấy đã nắm áo kéo lại. Không
nói chẳng rằng, họ bắt đầu thu lượm mấy con cờ. Thế là người bạn, đã
nhẫn tâm làm gián đoạn ván cờ của họ, la to:"Chấm dứt trò chơi cờ đó
đi! Bộ các người không biết đó là thói quen tư sản hay sao?" Rồi anh
ta cúi xuống hốt một nắm con cờ vứt xuống sông.
Tôi
đã được dạy dỗ là phải kính trọng và nhã nhặn với người trên trước.
Vậy mà, lối xử sự của "chiến sĩ cách mạng" lại lấy hung hăng làm
gốc. Xử sự êm dịu được coi như là một thái độ "tư sản", bạn bè tôi
luôn trách cứ tôi quá khoan dung. Trong suốt thời kỳ cách mạng văn
hóa, tôi đã chứng kiến những cuộc đã kích những người hay nói "cám
ơn" quá nhiều, một thói quen bị cho là thói "đạo đức giả kiểu tư
sản". Lễ nghĩa phép tắc đang đi đến chỗ diệt vong.
Thế
nhưng, ngày hôm đó, trước phòng trà, rõ ràng là phần lớn những bạn
bè của tôi, kể cả các hồng vệ binh, chưa ngạo nghễ và chưa ăn nói
tàn nhẫn một cách thoải mái như người ta nghĩ. Ít có ai mở miệng nói
gì. Trong âm thầm, một vài người trong bọn tôi bắt đầu dán những
"đại tự báo" (báo tường với những chữ to) hình chữ nhựt lên vách của
trường học và trên thân cây.
 Không
nói một tiếng nào, những người khách lần lượt đứng lên và âm thầm
lìa xa, bước dọc theo bờ sông. Nhìn họ ra đi, lòng tôi tràn ngập một
cảm giác lầm lỗi. Vài ba tháng trước đó, những người lớn này có thể
đã đuổi chúng tôi chạy chẳng chút nể nang. Nhưng giờ đây, họ biết
rằng hậu thuẫn của Mao đã ban cho hồng vệ binh một uy thế không sao
chối cải được. Ngày nay khi nghĩ lại, tôi nhận thức được nỗi niềm
hứng khởi mà một số người trẻ tuổi cảm thấy, khi họ bắt người lớn
phải nghe theo họ. Một trong những khẩu hiệu thông tục nhứt của hồng
vệ binh nói rằng:"Chúng ta có thể lên trên trời và bóp nát quả đất,
vì người Lãnh Tụ Vỹ Đại của chúng ta, chủ tịch Mao, là người chỉ huy
tối cao của chúng ta." Như lời công bố này cho thấy thì người ta
tuyệt nhiên không thể nào nói rằng hồng vệ binh được tự do hành
động. Ngay từ đầu, họ đã là công cụ của một kẻ chuyên chế.
Vào
tháng 8 năm 1966, trong khi tôi đang rảo bước trên bờ sông, trước
phòng trà, lòng tôi bối rối vô cùng. Tôi đi theo các bạn vào bên
trong phòng trà. Một vài người bạn bảo ông quản lý đóng cửa phòng
trà đi. Nhiều bạn khác dán những khẩu hiệu khác lên tường. Một vài
khách đứng dậy bỏ đi, nhưng trong một góc tiệm, một ông già tiếp tục
nhâm nhi trà một cách bình tỉnh. Tôi đến đứng gần ông, lòng thấy xấu
hổ với ý nghĩ là đến để ra oai với ông lão. Ông ngước mắt nhìn tôi,
rồi tiếp tục uống trà rất kêu, nghe rồn rột. Ông có cái mặt nhăn
nheo, làm cho ông trông gần giống như mẫu người "thợ thuyền", được
vẽ trên những bích chương tuyên truyền. Hai bàn tay của ông làm tôi
nghĩ đến đoạn văn mô tả về một nông dân già mà tôi đã đọc trong sách
ở nhà trường. Với hai bàn tay đó, ông có thể làm thành những bó củi
gai mà không cảm thấy chút đau đớn nào.
Có
thể ông lão thấy tự tin vì quá khứ không chê vào đâu được của mình,
hoặc vì tuổi tác đã cao, khiến cho đến bây giờ ai cũng phải nể. Có
thể tôi chẳng làm cho ông nao núng chút nào hết. Lúc nào cũng vậy
cho nên ông cứ thản nhiên ngồi, coi như không quan tâm đến sự hiện
diện của tôi. Tôi cố gắng hết sức mình và nhỏ giọng yêu cầu:"Xin lỗi
ông. Ông không muốn đi sao?" Không nhìn tôi, ông đột nhiên trả lời:
-
Đi đâu?
-
Dĩ nhiên là về nhà ông.
Vậy
là, ông quay sang tôi. Với một giọng nói hơi cảm xúc, dù ông bình
tĩnh giải bày:
-
Nhà tôi à! Nhà nào đây? Tôi chia sẻ một gian phòng bé tí tẹo với hai
người cháu của tôi. Tôi chiếm một góc nhỏ, nằm sau một tấm bình
phong bằng tre. Chiếc giường chiếm hết khoảng trống rồi. Tất cả
không gian của tôi chỉ có ngần ấy. Khi các cháu về, tôi đến đây để
tìm sự yên tĩnh. Tại sao cô lại lấy mất niềm vui sướng độc nhứt của
tôi?
Những
lời
nói của ông làm cho tôi hãi hùng. Tôi đỏ mặt vì xấu hổ. Lần đầu tiên
tôi trực tiếp nghe được bằng chứng về một lối sống khốn khổ đến như
vậy. Tôi quay mặt đi và bỏ chạy trốn thật nhanh.
Phòng trà đó bị đóng cửa trong mười lăm năm, cũng như tất cả các
hàng quán tương tự trong tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1981, những cải cách do
Đặng Tiểu Bình áp dụng đã cho phép họ mở cửa trở lại. Năm 1985, tôi
trở lại nơi chốn đó với một anh bạn người Anh. Chúng tôi ngồi vào
một cái bàn dưới tàn cây khổng lồ. Một bà hầu bàn lớn tuổi, đem ấm
nước lại châm trà vào tách chúng tôi một cách khéo léo dù đứng xa
bàn gần một thước. Chung quanh chúng tôi, người ta đang đánh cờ. Đó
là một trong những giây phút thú vị nhứt trong chuyến đi của tôi.
Khi
Lâm Bưu đưa ra ý kiến hủy diệt tất cả những gì tượng trưng cho nền
văn hóa xưa cũ, một số học sinh của trường tôi định đập phá hết.
Trường này hiện hữu trên hai nghìn năm, lưu giữ nhiều đồ vật cổ. Họ
tha hồ mà đập phá. Cổng vào là một mái ngói xưa, được trang trí bằng
một mái hiên có chạm trổ. Họ lấy búa đập phá, và đập cả mái nhà rộng
lớn bằng hợp chất thủy tinh hóa màu xanh, lợp trên cái đền thờ rộng
lớn biến thành phòng đánh bóng bàn. Hai lư nhang bằng đồng vĩ đại
cũng bị biến thành mảnh vụn, và một vài đứa con trai còn vạch quần
tiểu vào đó. Đằng cuối vườn, học trò vác búa tạ và thanh sắt đi nhỡn
nhơ trên những cây cầu bằng sành rồi tiện tay đập bể mấy cái tượng
nhỏ trên cầu một cách thoải mái, không cần phải ngượng. Bên cạnh sân
thể thao, có hai cái tháp uy nghi hình chữ nhựt, bằng sành đỏ, cao
sáu thước. Trên đó người ta ghi khắc một đôi hàng về Khổng Tử, với
những nét bút pháp đẹp mắt. Bọn nó lấy hai sợi dây dài quấn lên hai
cái tháp đó, rồi hai nhóm người phá hoại bắt đầu ra tay. Phải mất
mấy ngày họ mới hoàn thành công tác vì hai cái tháp có chưn nền được
chôn khá sâu. Cuối cùng, họ phải nhờ những người công nhân tiếp tay,
đào một lỗ lớn ở dưới chưn tháp. Cuối cùng, khi hai tháp ngã nhào
giữa những tiếng hoang hô vang dội, một đoạn đường chạy phía sau hai
tháp cũng đi luôn.
Tất
cả những gì tôi ưa thích đang lần lượt tan biến đi. Điều làm tôi
buồn hơn hết, nhứt định là chuyện đập phá thư viện, với mái ngói mạ
vàng, những cửa sổ chạm trổ khéo léo, những chiếc ghế ngồi màu xanh
lơ. Đám hồng vệ binh tuông sách trên kệ xuống đất, có người còn xé
sách, chỉ để chơi thôi! Sau đó, người ta dán tréo lên những chỗ có
cửa hay cửa sổ trước kia bằng những băng bằng giấy, viết đầy chữ
đen, để niêm phong gian phòng.

Lịnh
phá hoại do Mao đưa ra đặc biệt nhằm vào sách vở. Lấy cớ là những
sách đó không được viết ra trong những tháng gần đây, do đó không
trích dẫn Mao ở mỗi trang, một vài hồng vệ binh cho đó là thứ "cỏ
độc". Ngoại trừ những loại sách cổ điển mác xít và những tác phẩm
của Staline, của Mao và của Lỗ Tấn, người ta đốt sách trên khắp đất
nước Trung Quốc. Như vậy là đất nước này mất đi phần chủ yếu của di
sản chữ viết. Hơn nữa, phần lớn những tác phẩm còn sót lại sau trận
càn quét đó, về sau cũng bị kết liễu trong các bếp lò của tư nhơn.
Tuy
nhiên, ở trường tôi, chúng tôi đã tránh được thảm họa đó. Thực ra
cũng nhờ anh trưởng đoàn hồng vệ binh của chúng tôi là một học sinh
có lương tâm. Một người trai trẻ mười bảy tuổi, dáng vẻ con gái.
Không phải vì tham vọng mà anh ta được đưa lên chức vụ đó, nhưng có
điều là, như tôi đã nói, ba của anh ta lãnh đạo đảng ở cấp tỉnh. Nếu
như anh ta không làm gì được để ngăn cản đợt phá phách văn nghệ phẩm
thì ít ra cũng cứu vãn được những tác phẩm khỏi bị thiêu đốt.
Lẽ
ra, tôi phải tham dự vào những "hành động cách mạng" như mọi người.
Thế nhưng, cũng giống như một số đông bạn bè, tôi có thể lẫn tránh
vì cuộc "tàn sát" không được tổ chức và không ai kiểm soát. Tôi thấy
rõ là có một số đông học trò bất bình trước những sự phá phách này,
nhưng chẳng một ai dám can thiệp. Chúng tôi thừa biết rằng nếu có
chút gì phản bác là chúng tôi sẽ bị trừng phạt ngay.
Cho
nên, những phiên họp "đấu tố" là một trong những công cụ chính yếu
của cách mạng văn hóa. Tham dự là một đám đông xừng xỏ, bị kích động
tối đa và những phiên họp như thế lúc nào cũng có bạo động thể xác.
Sáng kiến này bắt nguồn từ trường đại học Bắc Kinh, do Mao đích thân
điều động. Ngày 18 tháng 6, trong phiên họp "đấu tố" đầu tiên, trên
sáu mươi giáo sư và khoa trưởng, luôn cả ông viện trưởng, bị đánh
đập không nương tay và bị bắt buộc phải quỳ gối hàng giờ. Người ta
chụp lên đầu họ những cái mũ đầu lừa, viết đầy những khẩu hiệu nhục
nhã, rồi người ta đổ mực lên mặt họ biến thành những người đen, màu
của tội ác, rồi lại dán trên khắp người họ những biểu ngữ khác đầy
tính du khống. Hai người sinh viên nắm hai tay nạn nhơn, vặn ngược
ra sau lưng, đẩy lên cao đến vai, gần trặc xương. Tư thế đau thương
đó của nạn nhân được mang bí danh "phi cơ phản lực" và được phổ biến
nhanh chóng trong tất cả những phiên họp "đấu tố".
 Có
một ngày, bọn hồng vệ binh của lớp tôi triệu tập tôi tham dự một
trong những phiên họp như vậy. Cơn sợ hải làm tôi run cầm cập, mặc
dù trời đang xế trưa, nóng ngộp thở, khi tôi thấy khoảng mươi nhà
giáo đứng trên một cái bục đặt trên sân vận động, đầu cúi xuống và
hai tay tréo ra sau lưng, trong tư thế của "phi cơ phản lực". Một
vài người bị đá ở phía sau đầu gối để bắt buộc phải quỳ xuống, còn
những người khác, trong đó tôi nhìn ra được thày dạy Anh văn của
tôi, một con người đứng tuổi, cử chỉ thanh tao của kẻ hào hoa phong
nhã, bị bắt đứng trên một chiếc băng dài mà hẹp té. Con người khốn
khổ kia rất là chật vật để giữ thăng bằng, ông lảo đảo thật nguy
hiểm rồi cuối cùng té ngã, đập đầu vào góc cạnh của chiếc băng, bị
trầy ở trán. Một hồng vệ binh đứng gần đó, tự động cúi xuống và đưa
tay ra để giúp ông đứng dậy, nhưng rất nhanh chóng đứng thẳng người
lên và thay đổi thái độ thật cứng rắn, hai bàn tay nắm lại và la
hét:"Trở lại chiếc băng, mau!" Anh ta không muốn cho thiên hạ nghĩ
rằng anh ta có thể khoan nhượng đối với giai cấp thù địch. Từ vết
thương trên trán của ông giáo sư, một tia máu chảy ra và làm dơ hết
nửa cái mặt của ông.
Cũng như những nhà giáo khác, ông bị người ta tố cáo đủ thứ tội ác
huyễn hoặc. Những người này chủ yếu bị đưa ra đó là vì họ có đẳng
cấp tương đối cao, vì họ thuộc thành phần ưu tú, hay là vì một vài
học trò thù hằn họ vì một lý do nào đó.
Mấy
năm sau, tôi được biết là những bạn bè thời trung học của tôi đã
tương đối giữ gìn ý tứ hơn vì đã là học trò của một trong những
trường uy tín trong tỉnh thì họ phải chuyên cần và có năng khiếu. Ở
những cơ sở khác, ít tiếng tăm hơn, thường thu nhận học sinh kém kỷ
luật hơn, một số giáo sư bị đánh đập phải bỏ mạng. Giáo sư triết của
tôi, hơi lơ là những người không thành công lắm trong môn học của bà
nên một vài đứa thù ghét bà. Tụi nó lên án bà là kẻ "suy đồi". "Bằng
chứng" của chúng nó là vì bà đã gặp người chồng tương lai trên một
chuyến xe buýt, một bằng chứng phản ảnh thái độ vô cùng bảo thủ của
cách mạng văn hóa. Hai người tình cờ nói chuyện với nhau rồi như vậy
là họ yêu nhau. Thế nhưng, si mê đột ngột như bị "cú sét ái tình" là
bị coi như không có đạo đức. Một lũ con trai lôi bà vô một văn phòng
và "có những hành động cách mạng", một cách nói khéo để che đậy
những đòn đánh đập. Trước khi hành động, bọn chúng cố tình kêu tôi
đến để chứng kiến cảnh nhục hình mà bà phải gánh chịu. Tụi nó còn
nói:
-
Bà sẽ nghĩ ra sao khi nhìn thấy mày, học trò cưng của bà, trong bọn
chúng tao!
Những học trò khác coi tôi như học trò ruột của bà vì bà thường khen
ngợi chuyện học hành của tôi. Tuy vậy, bọn chúng nó còn nói thêm là
tôi cũng cần phải có mặt vì tôi không mấy cương quyết. Cho nên, tôi
cần phải tiếp thu một bài học "về cách mạng".
 Khi
bọn chúng khởi sự đánh đập bà giáo thì tôi rút lui lại đàng sau
những học trò chùm nhum với nhau trong văn phòng nhỏ. Vài ba người
bạn lấy cùi chỏ đẩy tôi ra phía trước để chứng kiến trận đòn. Tôi cứ
làm ngơ. Đứng giữa nhóm người đó là bà giáo của tôi liên tục bị đá,
bị đạp, lăn cù dưới đất vì đau đớn, tóc tai bù xù. Khi bà la lên để
van xin bọn chúng ngừng tay thì họ lạnh lùng quát:
- À
bây giờ mày mới chịu năn nỉ hả! Mày không biết nhục về những chuyện
mày làm à! Van xin chúng tao hơn thế nữa đi!
Thế
rồi, họ lại tiếp tục đạp đá bà và bắt bà cúi lạy trước mặt chúng và
nói:"Tôi khẩn cầu các sư phụ tha tội chết cho tôi." Không thể tưởng
tượng còn sự nhục nhã nào khủng khiếp hơn nữa. Bà giáo đau khổ đứng
lên, nhìn thẳng ra phía trước và xuyên qua làn tóc rối, bà bắt gặp
cái nhìn của tôi. Tôi cảm thấy qua cái nhìn đó nỗi đau đớn của bà,
niềm tuyệt vọng, một sự rỗng không khó tả. Bà cố gắng lấy lại hơi
thở. Bà xanh như xác chết. Tôi rời khỏi căn phòng mà những tên đồ tể
kia không thấy. Nhiều học sinh khác cũng bắt chước tôi. Sau lưng
chúng tôi, có những tiếng la to khẩu hiệu với giọng ngập ngừng và
ngại ngùng. Nhiều người bạn tôi chắc đã hoảng sợ. Tôi nhanh chóng
lánh xa, tim đập liên hồi. Tôi sợ chúng nó bắt gặp rồi chúng lại
đánh đập tôi. Nhưng, không thấy ai đuổi theo và chẳng có ai trả thù
tôi hết.
Dẫu
tôi không hăng say, thế nhưng lúc bấy giờ người ta vẫn để tôi yên.
Cũng may là nhờ phong trào hồng vệ binh tan rả, nhưng nhứt là nhờ
tôi có được ưu điểm là con dòng cháu giống thuộc loại "đỏ tươi", vì
ba tôi có địa vị cao trong đẳng cấp của đảng. Dù người ta chỉ trích
thái độ của tôi thì cũng chỉ phê phán thế thôi chẳng bao giờ ra tay
hành động.
Thời đó, hồng vệ binh xếp học sinh ra làm ba loại, "đỏ", "xám" và
"đen". Loại "đỏ" xuất thân từ những gia đình "công nhân, nông dân,
viên chức cách mạng, sĩ quan cách mạng hay hy sinh cho cách mạng".
Loại "đen" là những người có cha mẹ bị liệt kê vào hạng "địa chủ,
phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu hoặc hữu khuynh". Còn loại
"xám", xuất phát từ thành phần mơ hồ như nhân viên hãng tư hoặc
những người mua bán. Tất cả học sinh lớp tôi lẽ ra thuộc loại "đỏ",
thông qua cuộc sàn lọc trước khi gia nhập. Thế nhưng, áp lực của
cách mạng văn hóa bắt buộc phải tìm ra những kẻ gánh lấy cái họa
thay cho người khác. Vì vậy cho nên hơn chục người bị xếp vào loại
"xám" và "đen" một cách khơi khơi, không cơ sở.
Tôi
có một chị bạn cùng lớp tên Ái Linh, thân thiết nhau từ lâu. Chị
thường rủ tôi tới nhà chơi và tôi biết rõ ba má chị. Ông của chị là
một nhà kinh tế lỗi lạc và gia đình chị có được một cuộc sống ưu đãi
dưới thời cộng sản. Họ sinh sống trong một ngôi nhà lớn và sang
trọng, trang trí rất thanh lịch, xung quanh nhà là một cái vườn rất
xinh đẹp. Sang trọng hơn nhà chúng tôi nhiều. Tôi thích nhứt là bộ
bàn ghế cỗ, đặc biệt là mấy cái bọc đựng thuốc hút mà ông của chị đã
đem từ bên Anh về, sau khi du học trong những năm 1920.
 Chẳng
bao lâu mà Ái Linh đã bị liệt vào loại "đen". Tôi được biết những
học sinh của lớp chị ập vào nhà chị, đập phá bàn ghế, kể cả những
hộp đựng thuốc hút, và lấy dây nịt đánh đập ba má và ông của chị.
Ngày hôm sau, khi tôi gặp lại, thì đầu chị đã đội khăn. Các bạn cùng
lớp đã biến cái đầu chị thành kiểu "âm dương", nghĩa là cạo trọc nửa
đầu thôi. Chị đành phải cạo luôn. Chúng tôi ôm nhau mà khóc. Tôi cảm
thấy vô cùng tệ bạc vì tôi chẳng biết ăn nói làm sao để an ủi chị.
Toán hồng vệ binh lớp tôi tổ chức một phiên họp, bắt mỗi người phải
kê khai nghề nghiệp của cha mẹ để xếp theo từng loại. Tôi khai "viên
chức cách mạng" mà nhẹ nhõm cả người. Nhiều học sinh khai "nhân viên
văn phòng". Những nghề nghiệp thuộc loại khái quát như vầy phải nằm
trên nhiều tờ khai, tờ nào cũng có ghi "lý lịch gia đình". Những
người con của "nhân viên văn phòng", cũng như con cái của người bán
hàng được xếp vào loại "xám". Người ta cho họ biết rằng từ nay họ sẽ
bị theo dõi, phải quét sân trường, quét dọn phòng vệ sinh, phải cuối
đầu và sẵn sàng nghe lời khiển trách của mọi hồng vệ binh nào còn tử
tế muốn ngỏ lời với họ. Họ còn phải làm báo cáo hàng ngày, nói rõ
sinh hoạt và tư tưởng của họ.
Thái độ của những học sinh không may mắn này đột nhiên thay đổi hoàn
toàn. Họ trở nên ngoan ngoản, ẩn mình. Họ mất hết nghị lực và nhiệt
tình chớ không như ngày trước. Khi biết được tin đó, một trong những
nạn nhơn té nhào và nước mắt chảy dài trên má. Hai đứa tôi là bạn
thân nhau. Sau phiên họp, tôi đi tìm cô nàng với hy vọng là sẽ an ủi
được phần nào chăng. Khi cô nàng ngẩn mặt lên nhìn tôi thì tôi rất
đỗi ngạc nhiên vì trong ánh mắt có gì oán giận, gần như căm thù. Tôi
bỏ đi, không nói lấy một lời nào và lang thang vô định qua những khu
vườn. Lúc bấy giờ đã cuối tháng Tám. Những cụm hoa lài thoang thoảng
hương thơm tuyệt vời. Tôi nghĩ lạ thật, tại sao hoa vẫn còn thơm.
Trời chạng vạng tối, tôi trở về nhà ngủ thì tôi thấy một cái gì
thoáng qua ngang cửa sổ như tia chớp, ở từng nhì của tòa nhà lớp
học, cách chỗ tôi đứng chừng năm mươi thước. Có một cái gì rơi đánh
bịch ở dưới tòa nhà. Một cành cây cam án mất, tôi chẳng thấy được gì
xảy ra, nhưng người ta bắt đầu đổ xô lại. Những tiếng la ó xôn xao,
hổn hển cho tôi biết được sự thật là có ai đó đã nhảy qua cửa sổ.
Tự
nhiên tôi đưa tay lên che mắt rồi hối hả chạy vào phòng. Tôi khiếp
sợ. Hình ảnh mờ mờ của bóng người nằm cong queo khi nhảy lầu cứ ám
ảnh tôi. Tôi vội vàng đi đóng cửa sổ lại, nhưng tiếng ồn ào của
những người hiếu kỳ xôn xao bình luận về tai nạn cũng đến tai tôi,
cứ xuyên qua lớp cửa kiếng mỏng.
 Một
cô gái mười bảy tuổi muốn quyên sinh. Trước cách mạng văn hóa, chị
là một trong những thủ lãnh của Liên đoàn thanh niên cộng sản. Người
ta đưa chị ấy ra làm điển hình vì chị đã thực hành đúng lời dạy của
chủ tịch Mao và những bài học của Lôi Phong[1].
Chị đã hoàn thành vô số điều tốt, giặt giũ quần áo của bạn, lau chùi
phòng vệ sinh và thường đọc những bài diễn văn ở trường. Vậy mà, mới
đây chị lại bị xếp vào loại "đen". Ba chị làm "thơ ký văn phòng".
Ông ấy làm việc cho chính quyền thành phố và cũng là đảng viên.
Nhưng, một vài bạn của chị, có cha làm ở những địa vị lớn hơn, đã
tùy tiện xếp chị vào loại nhục nhã nhứt. Đôi ba ngày nay, chị bị
theo dõi cùng với những người "đen" và "xám" khác và bắt chị nhổ cỏ
sân thể thao. Để làm nhục chị hơn nữa, người ta đã cắt đi mái tóc
đẹp của chị, làm chị có một cái đầu trọc lốc thật kỳ khôi. Tối hôm
đó, bọn người "đỏ" đã lên lớp chị cùng những nạn nhơn khác. Bị hạ
nhục, chị phản ứng lại, cho rằng chị còn trung thành với Mao chủ
tịch hơn họ. Thế là bọn chúng đã tát tai chị và nói rằng chị không
được quyền nói là trung thành với chủ tịch Mao vì chị là kẻ thù của
giai cấp. Chị đã chạy lại cửa sổ và lao mình vào khoảng không.
Bàng hoàng và sợ hải, hồng vệ binh khẩn cấp đưa chị đến bịnh viện.
Chị sống sót nhưng tật nguyền suốt đời. Mấy tháng sau, tôi gặp chị
ngoài đường, đi đứng khó khăn phải dùng nạng, dáng điệu như người
mất trí.
Đêm
hôm chị định quyên sinh, tôi không làm sao ngủ được. Tôi vừa nhắm
mắt thì một hình dáng mờ mờ ảo ảo xuất hiện, dính đầy máu. Tôi run
rẩy và hoảng sợ. Ngày hôm sau, tôi xin nghỉ ở nhà và được chấp
thuận. Chỉ có ở nhà mới là lối thoát cho tôi, xa lánh cái ghê tởm
của trường học. Bằng mọi giá, tôi không bao giờ trở lại trường học
nữa.
Phan Quân
(Trích dịch)
|