Đang
giữa mùa hè oi bức nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết
Khánh lại cho ra mắt một loạt bài về mùa của hy vọng, của tin
vui, của sự sống huyền diệu. Tuyển tập Những Mùa Xuân Trở Lại
của nhà báo chuyên nghiệp 86 tuổi, trình bày về những vấn đề
nóng bỏng của thời đại ngày nay, liên quan đến những lãnh vực
khoa học, kỹ thuật, tôn giáo, nhân chủng và sắc tộc; không
phải riêng một nước hay một dân tộc nào mà trong bối cảnh
chung của thế giới.
Với lối văn báo trong sáng, cụ thể, đôi khi khá dí dỏm và nhờ
vốn là người yêu thích khoa học từ thuở nhỏ; thêm nữa sống
trong môi trường báo chí, kiến thức thường xuyên được cập nhật
hóa, học hỏi không ngừng, nên ông đã có thể “mở rộng tầm suy
tư ra ngoài khung cảnh thời sự”, tản mạn đến nhiều lảnh vực
bằng những chứng liệu mới mẻ, xác thưc khiến cho lập luận của
ông có cơ sở. Độc gỉả có thể không đồng ý nhưng đều ưu thích
vì bài của ông hấp dẫn, hữu ích. Theo tôi, ông là một nhà báo
độc đáo. Làng báo Việt Nam hãnh diện có một người như ông.
Tuyển tập có ba phần. Phần 1 gồm những bài có tính cách khoa
học: Mùa xuân của Sự Sống, Mùa xuân của Vũ trụ, Vũ trụ và Con
người, Lằn ranh từ Tử qua Sinh. Phần 2: Năm heo nói chuyện
lòng, Chỉ một chữ Tâm, Con gà và Quả trứng, Con người và con
khỉ, Năm dê nói chuyện người, Con người và Thượng đế, Xuân
nghịch lý thời gian, Thế kỷ 21 Chuyện người đẹp, Suy tư thiên
niên kỷ, Ngày Xuân xú quẻ Con Mèo, Trâu đi Cọp đến, Hằng nga
có nước, Nhìn lại thời cuộc 1996. Phần 3: Con ngườI và tôn
giáo, Tín vô mê, giác bất mị, Mùa của tình thuơng, Trần Việt
Sơn đưa tôi vào nghề báo, Vô tư, trung thực, tôn trọng độc
giả, Tâm tình với độc giả.
Ông không dùng những thuật ngữ hay những công thức toán khó
hiểu khi bàn về những vấn đề gai góc, khó khăn liên quan đến
tôn gíáo, triết học hay khoa học, vũ trụ. Người đọc có trình
độ phổ thông vẫn có thể lĩnh hội dễ dàng. Chẳng hạn năm Đinh
Hợi (2007), ông viết về Năm Heo Nói Chuyện Lòng: lòng heo lòng
người;tản mạn từ lòng sang Chữ Tâm; rồi đến tim óc; Trí trong
Khoa Học;Tâm trong Tín ngưởng,rồi Trí Tâm đụng độ, cuối cùng
đến chữ tình trong Anh Hùng Xạ Điệu.
Ông dẫn độc giả chu du một vòng lớn trong không gian và thời
gian. Theo ông, hai lãnh vực này không thể tách rời. Bởi vì
không có thời gian, không gian sẽ biến mất, và nếu không có
không gian, thời gian cũng không có luôn, đúng như phép tính
của đẳng thức về năng lượng như nhiều người đã biết trong
thuyết “không-thời gian quyến thuộc” (Space –time continuum)
của Albert Einstein. Tuyển tập vượt ra ngòai khung cảnh chật
hẹp của không gian và thòi gian là vì vậy.
Thông thạo Anh, Pháp, Nhật, từng là Tổng Thư Ký của Việt Nam
Thông Tấn Xã của miền Nam Việt Nam trước 1975, nhà báo Sơn
Điền còn chuyên viết về Khoa Học Không Gian và Vũ Trụ; bình
luận và phân tích thời cuộc cho một số nhật báo lớn ở Saigon
với bút hiệu Việt Lang Quân; ông cũng đã dịch thuật tiểu
thuyết kiếm hiệp Kim Dung, Nghệ Khuông, Gia Cát Thanh Vân từ
nguyên bản chữ Hán. Sinh năm 1921 tại Bắc Giang, sống hoàn
toàn bằng nghề viết lách, Ông sang Nhật tu nghiệp và thực tập
về baó chí tại thông tấn Kyodo, thông tấn Jiji, nhật báo
Mainichi.
Sau tháng tư 1975 cũng như hàng trăm đồng nghiệp nhà báo, nhà
văn, tại miền Nam, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh bị Cọng Sản bắt
đi tù đầy suốt 12 năm. Trong thời gian lao động khổ sai tại
trại tù cải tạo Gia Trung Pleiku, cùng với Nguyễn Sĩ Tế, Mặc
Thu Nguyễn Đức Sinh, Dzõan Quốc Sĩ.. có lúc ông bị cùm trong
phong tối, bị đánh đập bị bỏ trong tình trạng chết đói chậm.
Những người bạn đồng tù với ông đều thừa nhận tư cách hiểu
biết của ông. Lúc nào cũng bình tĩnh, hòa nhả. Hai ông bà sang
Mỹ đòan tụ với các con năm 1992. Bà mất cách đây vài năm.
Qua bài Người Đưa Tôi Vào Nghề Báo của tuyển tập, ký gỉả Sơn
Điền cho biết ông không tiếc thời gian bị ở tù. Ông chỉ “buồn
vô cùng” vì người Cọng Sản đã lấy của ông một bậc đàn anh, và
một cuốn sách rách nát. Năm 1948 trốn về Hà Nội, đang ở nhà
bồng con và tập dịch cuốn “The Good Earth”, thì gặp lại ông
Trần Việt Sơn. Ông bạn họ Trần cho ông cuốn “ABC du
Journalisme” của Pháp và huớng dẫn ông vào nghề báo. Cái nghề
vừa làm vừa học. Ân nhân của ông qua đời vì càc chứng bệnh
trong khi ở tù và cuốn sách thì bị mất đi vì các chiến dịch
bài trừ Văn Hóa “đồi trụy” năm 1977-78.
Sinh viên báo chí trường Vạn hạnh đã giúp thực hiện tuyển tập.
Trong buổi ra mắt sách ở phòng sinh hoạt báo Người Việt, ông
đã nhắn gởi một vài lời đến giới truyền thông, mà ông là một
thành phần trong suốt hơn 59 năm qua. Ông nói, hai cột trụ của
nghề làm báo là kiến thức và đạo đức. Kiến thức là trí, đạo
đức là tâm. Nếu có trí giỏi mà không có tâm lành, nghề viết
cũng chẳng thành tựu được bao nhiêu. Khi đã viết, không phải
chỉ viết bằng tay mà viết bằng cả con tim của mình...” Bí
quyết của trau dồi kiến thức là khiêm tốn và học từ độc giả.
Cũng
theo ký gỉa lão thành này, phương châm của nghề làm báo là
“chúng tôi đưa tin, độc gỉa quyết định”. Báo chí không lãnh
đạo dư luận mà chỉ vận động quần chúng.
Lập trường chính trị của người làm báo chuyên nghiệp là “tự do
ngôn luận, tự do báo chí”. Nhưng không thể chấp nhận chuyện
“dùng đúng cái quyền đó để viết hay đăng bài ủng hộ và tán
dương một chế độ đang nghiệt ngã đàn áp tự do ngôn luận như ở
Việt Nam hiện nay, tức là đã phản bội tinh thần đạo nghĩa của
Cộng đồng người Việt, khoét sâu thêm vào vết thương lòng của
đa số người tị nạn chính trị”.
Tại sao tuổi đã cao ông vẫn viết? Ông Sơn Điền thông cảm vói
văn hào Trung Quốc Cao Hành Kiện, được giải Nobel năm 2000,
“viết cho diụ những nỗi thống khổ trong lòng”; mối sầu của
ông là mối sầu vong quốc. Ông thích câu nói của Tướng Douglas
Mac Arthur: Old Soldiers never die, They just fade away (Những
người lính già không bao giờ chết. Họ chỉ mờ dần đi). Một nhân
vật trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, Trần Quang Ngọc dù
nặng lòng với nữ hào kiêt Nhị Nương nhưng vẫn giữ tình chiến
hưũ cũng được ông nhắc đến khi đề cập đến đạo đức báo chí.
Nhân vật này nói: nhờ chiếc áo cà sa để tranh đấu thì không
nên làm nhọ nhem nó.
Tuyển tập Những Mùa Xuân Trở Lại do Như Mai xuất bản, dày 254
trang, giá 20 Mỹ kim. Địa chỉ:Nhà xuất bản: Như Mai. P.O.Box
3342. Santa Clara, CA 95055-3342. E-mail:
nttguyen@gmail.com
Phan Thanh Tâm,
Saint Paul, 8/07.
|