.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Thư mục Anh Thư

Một thời thơ ấu

  • 14.10.2007

Khải về đến nhà, trời sập tối: mùa đông Seatle buồn lạnh, đẫm ướt hơi sương.  Cởi chiếc áo khoác dạ đen treo lên móc, Khải nói ngay với vợ: “ Em à, chuẩn bị phòng ngủ trên lầu … mai anh ra phi trường đón khách từ Úc qua”. 

Liễu hơi chau mày: “Ai vậy anh? một người hay hai?”.  Khải vừa tháo đôi giày, vừa với chiếc khăn lau tóc ướt; “một thôi, đàn bà!”.  Liễu trố mắt: “Ðàn bà? Ai vậy?” Khải đáp: “Con của bác Thảo, Thuỳ Linh – Em nhớ Bác Thảo là bạn rất thân của mẹ anh từ Việt Nam không?.  Nhân tiện ghé qua Los Angeles - theo lời bác Thảo dặn - Linh đi Seatle vài hôm thăm bà mẹ mình ở  viện dưỡng lão”.  Liễu nhìn chồng đăm đăm: “Thế anh biết cô Linh từ bao giờ?”.  Khải thay áo bước ra phòng khách: “Từ lúc anh mới năm tuổi … thôi từ từ dọn cơm anh ăn đi, sẽ nói chuyện thêm, anh đói rồi”.

Vào bữa ăn, Khải kể: “Ngày 30 tháng tư năm 75, giữa lúc mọi người ở Sài Gòn đổ xô, nhớn nhác trốn chạy vì Sàigòn thất thủ, mẹ dẫn anh vào nhà thương đưa mẹ Linh đi sanh và …. Linh ra đời đúng 11 giờ đêm ngày hôm đó. Vì thế anh biết Linh từ lúc lọt lòng.  Cha anh sau đó bị đi học tập, chung với ba Linh, và mẹ anh, chơi rất thân với mẹ Linh. Hai người lại ở gần nhà nhau, chung xóm.  Ba anh thì đi Mỹ diện H.O. năm 90, mang cả gia đình qua Mỹ năm anh đã 20 tuổi,  còn Ba Linh thì vượt biên qua Úc sớm từ năm 80, bảo lãnh vợ con sang khoảng năm 84.  Lúc đó Linh được 9 tuổi.  Anh không còn gặp Linh từ đó, nhưng hai gia đình vẫn liên lạc vì mẹ Linh vẫn thơ từ thăm hỏi mẹ anh – nay nghe nói mẹ phải vào viện dưỡng lão vì bệnh mất trí và ung thư gan, bác Thảo nhắc Linh qua Mỹ thì ghé thăm mẹ.  Bác Thảo có gởi Linh ở nhà mình năm ngày, trước khi Linh bay về lại Los Angeles để đi London”. 

Liễu hỏi thêm, giọng hơi thoáng nghi ngờ: “Thế chắc anh và Linh có liên hệ thân thiết với nhau lắm?”.  Khải cười lớn: “Có chứ - lúc còn bé, mẹ xem Linh như con, Linh hay ở nhà anh khi mẹ Linh phải đi buôn bán… hai đứa coi nhau như anh em ruột … không gặp nhau  đã 22 năm - nhưng nghe đâu, chồng Linh vừa mất vì bị tai nạn xe cách đây gần một năm. Bây giờ Linh đang là luật sư, học thêm sắp ra làm trạng sư bên Úc, kỳ này Linh đi Mỹ du lịch hai tuần, rồi qua Âu-châu hai tuần - trước khi về nhận việc cho một công ty luật sư mới ở Sydney”.   Thấy chồng chân thật, Liễu không hỏi thêm, dọn cơm và sau đó ngoan ngoãn chạy lên lầu, gọi chị Soi giúp việc dọn phòng cho khách.  Ăn xong, Khải vào phòng ngủ, nằm xem TV và chuẩn bị đánh một giấc để sáng ra phi trường đón cô em từ xa.

Trằn trọc chưa vào giấc, Khải vất cuốn sách và vắt tay lên trán - nhớ lại 22 năm trước, khi đưa tiễn mẹ con Linh ra phi trường để qua Úc trong đợt đi đoàn tụ gia đình tại Việt Nam năm 84.  Nhìn cảnh người ra đi, Khải buồn – cái mất mát những người thân thương tuy nhiều, nhưng không bằng môt phần cái cảm giác tê tái trong lòng vì không biết bao giờ còn gặp lại Linh, cô em gái nhỏ sống gần nhau suốt gần 10 năm –Khi tiễn mẹ con bác Thảo ra phi trường, Khải không khóc, nhưng khi chia tay, thấy mắt Linh ướt: “Em đi, mong có ngày gặp anh”, Khải ao ước có một nụ hôn từ biệt, nhưng thấy đông người nên đành làm ngơ – Linh nắm tay anh thật chặt.  Ðêm về, cậu bé 14 tuổi ngủ không yên.  Nhớ quá, chỉ biết hôn chiếc khăn tay lau nước mắt của Linh để quên. 

Mãi sáu năm sau gia đình Khải mới theo ba qua Mỹ.  Năm 22 tuổi, Khải vào học Ðại Học ngành kiến trúc.  Năm sau, Khải nhận thơ và thiệp cưới của Thuỳ Linh.  Thơ Linh viết : “ Mẹ muốn em lấy chồng – em nói với mẹ là em muốn lấy anh – nhưng mẹ khuyên: “ anh Khải ở tận bên Mỹ -  Khải chỉ xem con như em gái thôi” – Em nghe lời mẹ - “Ðã là anh em thì đâu được lấy nhau hả anh?” – Khải nghe mà nát lòng, bỏ học đi lang thang ngoài phố suốt ngày.  Khải còn nhớ có một lần Khải và Linh chơi trò đám cưới.  Mấy đứa bạn Thuỳ Linh chế riễu: “hai đứa mày là anh em mà lấy nhau - kỳ quá”.  Về nhà, Linh gặng hỏi mẹ: “bộ anh em thì không lấy nhau được, hả mẹ?” Mẹ gật đầu. Từ đó, Linh và Khải cùng tin là: “anh em thì không được lấy nhau”. Kỷ niệm ngày thơ ấu đến hôm nay vẫn chưa thành mây khói.

Khải nghe mẹ kể: “Thuỳ Linh lấy chồng lúc vừa tròn 18 tuổi, bắt đầu lên đại học.  Chồng Linh tên Thuất, chỉ hơn nàng vài tuổi. Thuất theo đuổi Linh suốt ba năm và đợi đúng lúc Linh 18 thì xin cưới.  Lấy chồng, Thuỳ Linh vẫn không chịu bỏ học. Linh chọn ngành luật. Trong thời gian Linh đi học, Thuất lấy cớ “hy sinh” bỏ học ngành kế toán đễ đi làm nuôi vợ ăn học.  Thuất biết Linh không yêu mình nên hay ghen, bản tính còn trẻ ham vui, không muốn gánh trách nhiệm và có lúc còn đòi bỏ nhà theo bạn bè làm ăn phi pháp.  Thuỳ Linh ngăn cản hết lời và có lần định bỏ học để đi làm đang lúc mẹ  bị tâm bệnh:  mẹ buồn vì chuyện ba Linh bỏ nhà theo vợ bé - lại thấy con gái đau khổ vì chồng rong chơi bài bạc.  Sau 4 năm cố công miệt mài đèn sách, Thuỳ Linh tốt nghiệp luật sư và xin được việc làm ở toà.  Thuất bỏ nhà đi vào con đường nghiên ngập và hai người ly dị.  Có lần ra toà, trớ trêu thay, Thuỳ Linh lại là luật sư biện hộ cho Thuất.  Sau khi ngồi tù vài năm, Thuất được trà tự do – một tối uống rượu say, anh lái xe đâm lề - xe lật khiến anh tử nạn - Thuất ra đi, lặng lẽ như một vầng mây đen – mang theo lứa tuổi thanh xuân của Linh – không để lại trong Linh niềm thương nhớ, nhưng bù lại, là nhựng chuỗi ngày buồn tủi - chán chường. Cuộc đời cứ thế mà trôi và Thuỳ Linh chỉ biết cắm đầu học lên để lấy bằng tốt nghiệp trạng sư ở cái tuổi vừa chớm 30”. 

Khải vừa thương, vừa tội cho Linh, nhưng xa rồi, mỗi người mỗi cảnh – Phần Khải, ra trường và lập gia đình được chưa đầy 5 năm, Khải đã xây được căn nhà và đi làm cho một công ty xây cất.  Vợ của Khải là con nhà nền nếp và biết lo cho gia đình.  Ðối với Khải, cuộc sống như vậy là đủ lắm rồi.  Khải sống bằng tự tin và biết lo cho gia đình. Từ lúc mẹ bị mất dần trí nhớ, Khải cố gắng nuôi mẹ và vợ Khải hết mực lo cho bà.  Ðến lúc bệnh nặng, lại thêm chứng ung thư gan bộc phát gần đây.  Khải phải đưa mẹ vào nhà dưõng lão.  Mẹ có ba con trai nên cả ba cùng chung nhau nuôi mẹ.  Khải biết tuổi già cùa mẹ rồi cũng trôi qua, không sao tránh khỏi vòng sinh lão bệnh tử.  Ngày ngày vào thăm mẹ, Khải cố làm mẹ vui. Một hôm, tình cờ nhắc đến bác Thảo và Thuỳ Linh, mẹ Khải nhớ lại ngay.  Bà vui mừng như sống lại - Vì thế, trong chuyến Thuỳ Linh được nghỉ phép qua Mỹ, Khải cố hết sức xin bác Thảo cho Linh đến Seatle để thăm mẹ mình.

Buổi sáng, Khải lái xe một mình ra phi trường sớm khi vợ còn ngủ.  Trong lúc ngồi uống cà phê chờ Linh ở phi trường, Khải nhớ lại một kỷ niệm mà chợt tức cười: Lúc Thuỳ Linh khoảng 3-4 tuổi, hai anh em chơi trò cút bắt. Khải leo lên cây trứng cá cao trước nhà, rình xem con bé chạy từ đâu ra là nhảy xuống chụp liền… nhưng chờ hoài không thấy, Khải hú to lên: “ chịu thua rồi – Linh ơi, ở đâu ra đi!” - tức thì, Khải nghe thấy tiếng nói từ trên đầu cây vọng xuống: “Em đây nè!”.  Khải nhìn lên thì thấy con nhóc nhỏ xíu đang bấu tay thật chặt vào nhánh cây, cặp mắt tinh nghịch : “Ê, thua rồi, hi hi, kéo em xuống  đi”. Trời ơi, nó chưa đầy 4 tuổi mà ranh hơn anh nó - biết leo trước lên cây, trốn tuốt trong rặng lá xanh.  Khải ngước nhìn lên, tầm mắt bắt ngay đũng quần sì líp hồng nhỏ xíu của nó – sao thấy vừa dễ “ghét” - vừa tức cười – Khải còn nhớ như in hình ảnh con bé Linh mặc áo đầm xanh đậm, lẫn trong màu lá xanh – hai tay níu chặt hai nhánh cây, rạng chân, để lộ chiếc quần sì nhỏ màu hồng. 

Khải tìm cách leo lên để kéo Linh xuống, nhưng những nhánh cây chắn ngang dầy đặc, Khải nghĩ: “mình phải nhỏ như con chó cún thì mới chui qua được”.  Cuối cùng, đành nhảy xuống đất gọi với lên: “Nè, nhảy xuống đi, anh đỡ… chờ đếm 1,2,3 … nhẩy đi !!!”  -  Con nhỏ nghe lời, không cần suy nghĩ, nhảy ù xuống liền - Khải giơ hai tay ra đón - nhưng khi chụp được nó thì hai đứa té nhào, lộn tùng phèo hai ba vòng.  Khải đâu ngờ với sức nặng từ trên cao bổ xuống, con bé 4 tuổi này nặng không thua gì một bao gạo mấy chục ký. Khi lóp ngóp ngồi dậy, mình mẩy Khài đau rần – còn Linh thì bị trầy chân, sước da, chảy máu nên sợ khóc òa.  Mẹ Khải trong nhà chạy ra vườn trước, chẳng hiểu gì – quay ra quở trách Khải: “Mẹ đã bảo mày trông em mà sao… để em té trầy chân thế này – bộ con không nghe mẹ dặn hay sao?”… Bé Linh nghe anh bị mẹ la, chợt bặt im, không khóc nữa - miệng méo xệch: “anh Khải đâu có làm con té … tại con leo cây nhảy xuống … anh ấy đỡ con”.  Khải mừng thầm: “Nhờ Linh lanh ý nên Khải tránh được trận đòn”. 

Khải biết mẹ thương Linh lắm. Mẹ Linh thì suốt ngày lo bán hàng ngoài chợ nên gởi Linh cho mẹ Khải.  Hai bà mẹ coi nhau như chị em ruột. Mẹ Khải có ba con trai và Khải nhỏ hơn anh Tú và Tuấn đến 10 tuổi.  Chắc vì không có con gái nên mẹ thương Thuỳ Linh.  Từ vụ té cây, mẹ lúc nào cũng dặn Khải phải trông em kỹ hơn… mà con nhỏ Linh thì khôn đáo để: nó biết vậy càng nhõng nhẽo, bắt anh Khải cõng mỗi khi làm biếng đi bộ xa.  Có lúc Khải thấy hơi ghen với Linh vì không hiểu sao mẹ cưng nó hơn mấy con trai của mẹ. Chắc nhờ nó khôn và dễ thương, nên ai cũng chiều.

Thuỳ Linh đi học với bạn bè, nó biết bày đủ trò chơi: chơi với con gái thì đánh chuyền nhảy giây thật giỏi – còn khi theo anh Khải chơi ú tim, đánh đinh đánh đáo với đám con trai thì ai nó cũng không chừa - cặp mắt nó tròn như chim bồ câu – môi đỏ như son.  Ai cũng khen bé Linh không những dễ thưong mà còn tinh khôn.  Khải dạy nó học, thấy mặt ngơ ngáo lơ là, tưởng nó mau quên, lãng trí.  Ngờ đâu bất ngờ hỏi lại, nó đọc bài vanh vách như đã học mấy mươi lần.

Khải thấy Thuỳ Linh bước ra ngoài cổng đón “Arrival” ở phi trường đúng như đã hẹn, ngơ ngác nhìn quanh. Khải nhận ra Linh là nhờ đôi mắt bồ câu đen tròn,  Chàng bước tới: “Có phải Thuỳ Linh đó không?”.  Thuỳ Linh mắt sáng: “Trời ơi, anh Khải! lâu lắm mới gặp lại anh” rồi hai người ôm chầm lấy nhau.  Khải hôn phớt trên má Linh và với tay kéo dùm chiếc va li nặng cho Linh.  Giọng Linh líu lo: “Chị và cháu khoẻ không anh? – em tưởng chị cùng ra với anh chứ!”.  Khải trả lời: “Liễu bận nhiều việc lắm, chiều về sẽ gặp em trong bữa cơm, bây giờ cho biết tin về mẹ và gia đình em bên ấy đi, anh muốn nghe”.

Hai người nói chuyện gia đình trên suốt con đường về nhà Khải, chặng đường lái xe chỉ hơn một tiếng mà chợt vụt qua như một thoáng gần 22 năm xa cách: “Ngồi chờ em, anh hồi hộp quá” – Khải nói: “…chỉ sợ không nhận ra bé Linh 9 tuổi năm nào.  Bây giờ Linh đẹp quá - Nghe mẹ nói Linh thành “thầy cãi” rồi phải không? ra toà mà gặp luật sư như em chắc mấy ông thẩm phán bị hớp hồn hết..” – Linh cười xòa: “Ra toà, mình có đẹp cách mấy mà cãi dở cũng bị chê – Làm việc “busy” lắm, nhức đầu và căng thẳng nữa…đâu ai thèm để ý đến ai đâu nè”.

Xe đậu trước nhà, Thuỳ Linh choáng ngợp trước vẻ đẹp nguy nga tráng lệ của ngôi biệt thự, xây trên đỉnh một ngọn đồi toàn thông xanh: “Đúng là nhà của kiến trúc sư!”, Linh nói: “ Em có cảm tưởng mình đang đứng trước ngôi nhà của những tử tước bên Ý hồi xưa, …”.  Khải cười: “anh mua đất và họa kế căn nhà theo kiểu Ý – đất rộng nên dễ chọn kiểu vừa ý” rồi quay ra lấy hành lý trong xe: “Ðể anh đưa va-li vào nhà … em cần nghỉ ngơi chốc lát rồi mình ra phố ăn sáng.  Mẹ anh mong gặp em lắm - buổi chiều ghé “nursing home” thăm mẹ.  Tối nay, Liễu sẽ chuẩn bị cơm tối mừng em qua.  Em thấy sao?”… Linh cười duyên: “Anh đặt đâu, Linh ngồi đó!”. Khải nghe lòng ấm lại vì được nhìn đôi mắt của Linh – hơn hai mươi năm xa cách mà anh không thấy có gì thay đổi trong đôi mắt đó. Hình ảnh đôi mắt ướt nhoà của Linh khi chia tay ở phi trường khi xưa đã hằn trong trí anh thành một hình ảnh khó quên.  Nhưng bây giờ có Liễu quanh quẩn bên anh - trách nhiệm gia đình không còn cho phép anh nghĩ nhiều về Linh.

Buổi chiều, Khải đưa Linh vào viện dưỡng lão thăm mẹ. Khi ở Việt Nam chung nhà Khải, Linh vẫn từng gọi mẹ của Khải bằng mẹ.  Xe qua cửa rào viện dưỡng lão, nhìn khung cảnh thiên nhiên nhuộm toàn màu vàng của lá mùa thu, Linh bàng hoàng nhìn đủ loại cây lá vàng, lá đỏ trồng khắp mọi nơi.  Trời vào thu, gió thổi lá bay “Mùa thu lá rơi … đẹp quá”, Linh thốt lên: “Nếu về già phải vào viện dưỡng lão, em ước mình được ở đây”. Khải phụ họa: “và có cả anh nữa nghe!” - cả hai cùng cười dòn, sánh bước bên nhau. 

Căn phòng 41 nằm ngay bên sườn đồi, dưới một giàn hoa tím.  Thuỳ Linh bước vào căn phòng nhỏ, rón rén vì sợ làm bà cụ giật mình.  Khải lên tiếng: “Mẹ ơi, có Khải đến thăm – có Thuỳ Linh từ bên Úc qua thăm mẹ nữa nè!”.  Bà cụ nằm đó, ngước nhìn Linh – gương mặt tiều tụy, ngơ ngác.  Linh nhắc: “Con là con của mẹ Thảo, bạn thân của mẹ ở Việt Nam đó… Thuỳ Linh đây, mẹ nhớ không?”.  Đôi mắt của bà cụ từ từ lấy lại sinh khí.  Chứng bệnh mất trí vì tuổi già chỉ cho phép bà nhớ quá khứ cách xa hàng chục năm trước, nhưng hiện tại … bà có lúc dại khờ, chả còn biết ai là ai: “Mẹ nhớ rồi, Thuỳ Linh, con bác Thảo phải không?”… Thuỳ Linh xà vào lòng bà, hai người ôm nhau.  Linh thỏ thẻ: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ khoẻ hơn chút nào không?”. Khải đau lòng nhìn mẹ rưng rưng nước mắt.  Bà chỉ trả lời bằng cách gật đầu - một chuỗi quá khứ trở lại trong ánh mắt mờ đục và nụ cười héo hon của mẹ - Khải thầm nghĩ nếu mình cưới Linh thì bây giờ mẹ có thể ôm Linh mỗi ngày.  Khải biết là mẹ thương Linh vì bản tính nàng hài hoà, dễ hạp ý bà hơn các con trai. Còn Liễu, tuy nàng luôn giữ đúng bổn phận làm dâu nhưng bận bịu đủ chuyện, không đủ thời gian gần gũi để săn sóc cho bà.

Từ giã mẹ, Khải và Linh đi bộ ra xe, dọc theo con đường dốc xuống chân đồi.  Lá vàng bay theo chiều gió, cuốn quanh hai người.  Khải muốn được vòng tay qua người Linh – kéo sát Linh vào mình – cho bõ lòng thương nhớ.  Nhưng rồi Khải nghĩ đến Liễu và gia đình hôm nay… khác với hôm nào khi Linh còn thơ.  Chàng ngẩn ngơ, im lặng đi bên Linh. Khải nghe có tiếng chim hót đâu đây – như giọng Linh trong vắt như pha lê: “Anh biết không, bên Úc có một loại chim tên “Bell-bird”, chắc người Việt mình gọi là “chim khánh”, vì tiếng hót của nó hay như tiếng khánh rung trước gió.  Loài chim này chẳng những hót hay mà còn đa tình nữa.  Chim trống hót hay để khuyến dụ chim mái.  Nó còn biết xây tổ đan bằng những cọng cây có màu xanh tươi (vì hình như, đây là màu xanh có sức thu hút chim cái). Tổ xây vừa đẹp, vừa chắc, lại được nghe tiếng hót ngân nga … chim mái phải lòng, mới chịu tới”.  Giọng Linh bông đùa: “Em nghĩ, chắc mấy chú chim bellbird này phải đi học kiến trúc như anh thì mới làm tổ đẹp được!”… Khải cười lớn: “xây tổ cho người ta ở xong, chim chồng bị chôn chân luôn, có gì vui đâu”… Linh cao giọng, kể tiếp: “Có chứ! anh không biết là sau khi có vợ, có con đầy đủ, chim trống lại bắt đầu ve vãn chim mái khác.  Nó lại phải cần cù xây tổ mới để làm một gia đình thứ hai.  Em thấy đàn ông toàn như vậy – như ba em. Ba làm mẹ khổ.. em không thích đàn ông như vậy đâu”.  Khải nghĩ đến hoàn cảnh mình, định nói: - “anh ước gì được sống như loài chim này..” thì nghe vậy, đành ngậm im.  Câu chuyện đến rồi đi khi Linh chạy theo đuổi bắt những chiếc lá xoay vòng theo chiều gió.  Tóc nàng bay bay, trông đẹp như người trong tranh… Khải rơi vào cảm giác say sưa trong gió nhẹ, nghe thoang thoảng mùi hương quyện đi từ mái tóc dài, hoang sơ, man dại…

Trên đường về, Khải nói với Linh, giọng buồn vời vợi: “Mẹ chắc chẳng còn sống lâu vì bác sĩ nói bệnh mẹ đã đến lúc không còn chữa được.  Mẹ không còn đủ trí nhớ, có lúc không biết mình đang làm gì.  Có lần, mẹ đi khỏi nhà, cả ngày không tìm thấy đâu.  Phải nhờ cảnh sát tìm dùm.  Khi mới đưa mẹ vào đây, hôm đầu, cô y tá phải khoá cửa khi bà ở trong phòng một mình. Bây giờ yếu quá, mẹ không đi xa được, nên phải nằm nhiều hơn ngồi. Theo bác sĩ cho biết cách đây ba tháng thì mẹ chắc không sống hơn được quá sáu tháng”.  Linh nghẹn ngào: “như vậy, mẹ chì còn sống may lắm là ba tháng nữa”.  Khài gật đầu: “Vậy mà mẹ vẫn cố giữ cuốn nhật ký mà lúc xưa mẹ viết toàn những kỷ niệm cũ - Mẹ lúc nhớ lúc quên, bảo anh giữ dùm - ban nãy trong lúc mẹ bận nói chuyện với em, anh vô tình thấy cuốn nhật kỳ để đầu giường – anh đọc thoáng qua, thấy mẹ viết về những chuyện xa xưa khi còn thân với mẹ em … có thấy viết tên anh Tuấn, anh Tú, tên anh, và cả em nữa”. Linh cảm động níu tay Khải: “vì mẹ có tới bốn đứa con lận mà”…  Nói xong, Linh cúi đầu – chợt nghe buồn như lúc còn bé thơ nghe mẹ dặn dò: “Ừ, anh em thì không được lấy nhau!”.  Khải cũng nghe buồn như chấu cắn, tự an ủi: “ừ thì anh em…nhưng bây giờ bắt buộc cũng phải là anh em thì mới có lý do gần nhau chứ.  Liễu mà biết mình thương Linh như người yêu thì đời nào chịu cho mình gặp Linh nữa – thôi cứ như vầy thì chắc tốt hơn”.   

Buổi tối ăn cơm gia đình, Linh có dịp gặp Liễu nói chuyện.  Linh gọi Liễu bằng chị -dù Liễu chỉ hơn Linh một tuổi, kể chuyện vào nhà thương thăm mẹ Khải, và phụ Liễu làm bếp.  Khi Liễu bắt vào chuyện, hai người cười đùa huyên thuyên như quen nhau tự lâu rồi.  Liễu trách Khải sao chẳng bao giờ cho biết là có cô em xinh đẹp như Linh.  Khải cười trừ không trả lời, nghĩ thầm trong bụng: “nói ra chỉ thêm phiền vì có bà vợ nào mà không ghen”.  Suốt gần 5 năm chung sống, hai vợ chồng có mấy khi được ngồi bên nhau quá một tiếng đồng hồ để nói chuyện người này, người nọ.  Nhất là từ khi mẹ Khải bị mất dần trí nhớ, Liễu vừa đi làm, vừa lo chuyện nhà không xuể, bận quá, nàng còn phải thuê thêm người giúp việc nhà mỗi khi có chuyện cần.

Liễu có nước da bánh mật, đen dòn.  Đó là điều mà Khải thích, cộng thêm hai má lún đồng tiền.  Liễu làm việc với Khải khoảng hai năm, lo tất cả những vấn đề hành chánh văn phòng và tiếp khách.  Sau khi hai người lấy nhau, Liễu nghỉ việc ba năm chờ sanh con và trở lại đi làm cùng công ty, nhưng dưới quyền của viên tổng giám đốc công ty.  Liễu tháo vát, duyên dáng, nhanh nhẹn và biết chiều mọi người nên được lòng mọi người.  Hai vợ chồng tuy cùng làm việc cùng một công ty nhưng khác phòng nên chẳng có mấy lúc gặp nhau.  Khải mướn riêng một nữ thơ ký khá đứng tuổi, nhưng làm việc giỏi. Mỗi người đi một xe riêng vì Liễu đi làm sớm và thường về sớm để lo cho con và nấu ăn tối.  Khải không hề chê trách gì được ở Liễu.  Hạnh phúc trong tầm tay của Khải là có công ăn việc làm, có sức khoẻ và có một người vợ biết lo toan trong ngoài.  Khải sống êm đềm và chỉ đi đánh quần vợt cuối tuần với bạn.  Con trai nhỏ của Khải vừa lên 4 tuổi, theo mẹ nhiều hơn bố, nhưng lúc nào cũng xem bố như thần tượng của nó. Đối với Khải, đời sống như vậy là đủ lắm rồi.  Khải tuy là con út nhưng có hiếu hơn các anh. Chàng nuôi mẹ, cố gắng lo cho mẹ trong cái tuổi gần đất xa trời này vì mẹ là người hy sinh cả cuộc đời nuôi con ăn học từ khi ba còn đi học tập. Sau khi qua Mỹ được vài năm, ba Khải cũng qua đời khi vừa quá 60 - mẹ sống nuôi các con cho đến khi lập gia đình mới thôi làm việc.

Bữa cơm đãi khách thịnh soạn:  chị Soi ngoan ngoãn lau dọn trong ngoài và nhờ chị quen việc, Liễu cũng rảnh tay hơn.  Vì quen đãi khách ở sở và ở nhà, Liễu lúc nào cũng nhanh nhẹn, biết sắp xếp chu đáo, tính toán mọi việc đâu vào đấy - Linh thầm nghĩ: “Anh Khải có phước lắm mới lấy được người vợ như Liễu. Nghĩ lại, nếu mình lấy Khải, Linh không hiểu cuộc đời sẽ đi đến đâu?. Tình cảm lãng mạn thì đẹp thật, nhưng hạnh phúc gia đình không đơn giản như người ta vẫn thường nghĩ trước khi bước chân vào hôn nhân”. 

Nhớ lại, Khuất quen Linh và theo đuổi nàng từ khi Linh mới 15 tuổi, còn học trung học.  Mẹ la mắng, không cho Linh đi party, cấm không cho ra ngoài buổi tối đi chơi với Khuất hay bất cứ người bạn nào… bà chỉ cho bạn đến nhà nói chuyện.  Sau ba năm quen biết, Khuất xin cưới Linh thì mẹ lại ngả lòng vì mẹ có cảm tình với Khuất: “Mẹ thấy thằng Khuất nó ngoan và yêu con chân tình… lại ngỏ ý muốn nuôi con đi học để sau này hai vợ chồng ra trường cùng đi làm – như vậy còn gì bằng…”. Sau đám cưới, mẹ xem hình, cười dòn: “Trời ơi, cô dâu, chú rể mặt non choẹt, trông cứ như hai con búp bê”.  Linh buồn - nàng chưa muốn lấy chồng vì Khuất chỉ hơn Linh 3 tuổi.  - chuyện lấy chồng sao dễ dàng thế! – Linh nói: “Mẹ ơi, con vẫn muốn được lấy anh Khải… mẹ cho con qua Mỹ gặp anh ấy đi.  biết đâu số của con là vợ anh ấy”… Mẹ Linh gạt phắt đi: “Chuyện của con và Khải xưa rồi! hai đứa xem nhau như anh em thôi.   Xa mặt cách lòng - biết đâu thằng Khải chẳng có người khác rồi!”… Linh chạy vào phòng, úp mặt vào hai bàn tay - nằm khóc vùi.  Khi viết thiệp cưới gởi Khải, Linh nói thầm, tự an ủi: “ Thôi thì hẹn nhau kiếp sau… kiếp này chỉ là anh em – mà anh em thì lâu bền hơn.  Vợ chồng sống với nhau dù chăn gối mặn nồng bao năm, vẫn có thể ly dị, ly thân, ví như trường hợp của ba mẹ mình”.  

Ba Linh bỏ gia đình đi sống với người vợ nhỏ, trẻ hơn ba gần 20 tuổi.  Linh phải gọi người đàn bà chỉ hơn Linh chưa tới 10 tuổi là  “mẹ” … tiếng gọi này sao nghe khôi hài quá!...  Nhưng nghĩ cho cùng, ba còn có hạnh phúc của ba.  Mẹ buồn, mẹ khóc, nhưng mẹ không giữ ba được.  hai mẹ con hủ hỉ có nhau trong một căn nhà hiu quạnh, ở một khu phố rẻ tiền, sát vùng ngoại thành Sydney.  Ba chỉ gởi quà sinh nhật cho Linh đôi lần, và thỉnh thoảng, một bó hoa hồng cho mẹ khi nhớ đến ngày sinh của người vợ cũ.  Tình nghĩa vợ chồng và cha con chỉ còn có thế … vì Ba còn phải lo cho gia đình mới của ba. 

Rồi kế đó, Linh lại cũng chia tay với Khuất khi tuổi vừa trưởng thành.  Sinh nhật 21 của Linh là một buổi tối buồn hiu hắt trong bệnh viện, khi thăm mẹ nằm đau ốm liệt giường.  Linh không dám cho ai biết ngày sinh nhật của mình - xấu hổ vì chuyện ly dị với Khuất.  Chuyện ly dị đến với Linh quá ngỡ ngàng, quyết định sau cả năm trời khi Khuất bỏ nhà đi theo chúng bạn ăn chơi.  Linh thở dài nói với mẹ: “Đám cưới phải lo cả mấy tháng, nhưng thủ tục ký giấy ly dị trước toà chỉ chưa đầy một phút, mẹ ạ!” – Sau đó, Linh ra trường sau 4 năm đại học và được nhận đi làm luật sư tập sự cho một công ty luật tại Sydney. 

Cuộc đời Linh là cả một chuỗi ngày dài, miệt mài đèn sách.  Linh nói với Khải: “Đó là phần số của em - thấy anh có hạnh phúc, em mừng”, rồi tự nhủ lòng: “Biết đâu, lấy nhau mình lại còn làm khổ cho nhau!!! Tình yêu và hôn nhân khác nhau nhiều lắm - nếu làm vợ, em chắc chẳng dám sánh mình với chị Liễu đâu”… Khải không dám nhìn sâu vào đôi mắt nhung huyền của Linh.  Đôi vai Linh gầy hơi giống những nhánh cây khẳng khiu mùa đông, nhưng vòng ngực lại cao, tròn như mùa xuân trong ký ức liêu trai.  Linh đẹp thật. Dáng Linh cao gầy, thon mảnh như những áng mây tha thướt ở tận cuối khung trời.  “Tại sao em lại đến với anh khi mùa thu trở gió. Cái lặng lẽ của mùa thu về, có buồn bằng đôi mắt giai nhân?”- Khải đã có lần viết trong nhật ký những suy tư này, nhưng sợ Liễu biết, chàng chỉ dám viết tên Linh trong tận đáy lòng.

Liễu nhìn thấy chồng đăm chiêu ít nói, quay qua Linh: “Anh Khải tính ít nói, nhưng khi làm việc gì, anh ấy đều làm giỏi”.  Khải nhìn vợ cười nhẹ như ra dấu cám ơn lời khen kín đáo của vợ.  Linh nhìn Khải nói đùa: “anh ấy giỏi đủ thứ: dân kiến trúc mà văn hay chữ tốt, làm thơ không thua thi sĩ chuyên nghiệp… lúc xưa, Linh tưởng anh ấy sau này thế nào cũng thành nhà văn, hay thi sĩ nổi tiếng chứ”.  Liễu cười dòn: “cũng may anh Khải đổi nghề kiến trúc, chứ không lại cả tá cô theo ảnh là Liễu mệt lắm đó”.  Hai người đàn bà ngồi trước mặt Khải sao bỗng giống như hai chị em.  Họ nói chuyện với nhau như đôi bạn thân và chuyển đề tài về mọi thứ quần áo, xe cộ, việc làm và đủ loại thức ăn.  Khải thấy mình bị bỏ ra bên lề câu chuyện nên ra ngồi salon xem TV.

Buổi tối, Linh vào phòng ngủ, đi tắm và nghỉ ngơi sau một ngày dài.  Nằm trên chiếc giường lạ, chăn gối phủ đầy.  Linh bỗng thấy chiếc giường sao rộng quá.  Ánh trăng  chiếu qua cửa sổ mơ màng làm Linh nghĩ đến lúc còn bé, Linh có lần khoe với Khải: “Em đi, trăng đi theo. Em đứng lại, trăng đứng theo.  Ông trăng có theo anh không?”.. Khải đùa: “vì ông trăng thương một mình em đấy.  Ông ấy chả bao giờ theo anh hết”.  Linh tưởng thật, về khoe mẹ Khải.  Mẹ cười, các anh của Khải cũng cười trêu Linh: “Tại Linh nhỏ nhất nhà nên ông trăng mới theo Linh đó” – không ai nói thật cho Linh nghe… Linh vẫn tưởng thật, vào lớp khoe chỉ có mình được trăng theo cho các bạn và cô giáo nghe.  Ai cũng cười Linh: “Trời ơi” có lúc trở giấc nửa khuya – Linh úp mặt vào gối - quả là xấu hổ khi biết ra là mình đã quá khờ dại ngây thơ – Chuyện ông trăng theo Linh nay bỗng thành một kỷ niệm khó quên trong quãng đời thơ ấu của nàng. 

Thao thức, Linh  ra đứng bên thành cửa sổ, ngắm nhìn một khoảnh đồi rộng thênh thang nằm trải dài dưới ánh trăng xanh. Tâm hồn Linh chợt bỗng thênh thang, lạc lõng, cô đơn. Linh nghĩ đến hai câu thơ, mà không biết tác giả là ai:

“Ôi cuộc sống đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp…
Mà đời cần có cả những nụ hôn …”. 

Linh nghĩ đến Khải đang cùng ở chung một nhà: tuy rất gần mà lại rất xa.  Khải chắc đang yên giấc trong vòng tay Liễu.  Linh không dám ghen hờn với hạnh phúc của Liễu, nhưng thấy xót xa cho mình và hiểu được tấm lòng của Khải. Con người mà Linh yêu từ thưở còn bé thơ, đang ở rất gần nàng.  Trong đêm nay, Linh từ phương xa vạn dặm đến đây để gặp Khải.  Phòng Khải chỉ cách phòng nàng vài thước thôi – “Khải ơi, anh đang thao thức hay đã ngủ ngon?”.  Qua cánh cửa khép kín, một hàng rào luân lý đang vây hãm chàng.  Khải của Linh hay của Liễu?.  Nỗi lòng  nặng nề khi giấc ngủ kéo đến…  Nàng mơ thấy mùa thu lá vàng của buổi chiều vào thăm mẹ Khải: những chiếc lá khô quấn quýt dưới chân hai người, xoay vòng trong cơn gió lốc - và trong cơn lốc cuộc đời bể dâu, giấc mơ cho phép Linh được nép mình trong vòng tay của Khải, với hơi ấm nồng nàn, như nụ hôn mềm của gió vờn mây.

Hai ngày sau, Khải đưa Linh và gia đình đi Vancouver, qua biên giới Mỹ-Canada, thăm những thắng cảnh quanh vùng, dạo khắp phố phường đô thị.  Liễu có lúc bận việc nên không đi chung.  Khải dẫn con trai theo và ba người đi chơi suốt từ sáng đến chiều tối – về nhà, ăn cơm xong là mệt, chỉ lên giường là ngủ.  Linh biết Khải cố tránh gần Linh trước mặt Liễu.  Thằng bé Tony về khoe mẹ: “Con thích đi chơi với cô Linh lắm, bố cũng thích cô Linh nữa”.  Rồi hỏi: “Mẹ thích cô Linh không?”… Liễu cười, hôn con: “Thích chứ, cô Linh vừa đẹp, lại dễ thương – ai mà không thích”.  Khải nghe hai mẹ con nói chuyện thấy vui, nhưng lại buồn. “Tại sao Linh lại đến và hòa nhập trong mái ấm gia đình của chàng – làm chứng nhân cho hạnh phúc của người nàng yêu - Nếu đổi mình vào vị thế của Linh, mình có hài hoà và dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh như vậy không?”.  Hỏi rồi quên, vì Khải không dám tìm câu trả lời.

Ngày thứ tư còn lại, Tony bị cảm sốt nên phải nghỉ học.  Liễu đi làm và dặn chị Soi ở nhà canh chừng Tony, nếu có chuyện cần thỉ gọi Liễu ngay.  Khải vào sở buổi sáng lo toan chút việc, về đón Linh đi ăn trưa, rồi cho Linh vào thăm mẹ lần cuối.  Khi vào đến nơi, gặp lúc mẹ đang nằm thiu thiu ngủ, Khải và Linh kéo nhau ra ngoài sân, đi dạo dưới đồi.  Khải cầm theo cuốn nhật ký của mẹ, dưới giàn hoa tím, Khải đọc một đoạn mẹ viết: “Ngày 12.12.05, mình mới nói chuyện với Thảo (mẹ Linh bên Úc) qua điện thoại.  Biết cháu Linh đã ly dị mấy năm, và chồng Linh mới tử nạn xe hơi, mình xót xa cho con bé quá.  Phải chi nó lấy Khải thì cuộc đời đã thay đổi hẳn.  Nó muốn lấy Khải, mẹ Linh cho biết – nhưng bây giờ trễ rồi – làm sao thay đổi hoàn cảnh.  Mình nhớ lúc nó còn bé, cứ đòi mở hộp radio ra để tìm những người tý hon của nó–Con nít giàu trí tưởng tượng mà lúc ấy chả có người biết giải thích thế nào cho nó hiểu! ”.  Khải đọc đến đây thì ngừng lại – “Mẹ viết đến đây, rồi ngưng qua ngày khác”, rồi gấp cuốn sách, Linh phá lên cười: “Trời ơi, mẹ còn nhớ chuyện đó nữa à!”.  

Hai người ngồi dựa lưng dưới gốc cây lớn.  Linh ngả đầu vào vai Khải, hồn nhiên kể chuyện xưa: “ Anh biết ba em bị kêu đi học tập cải tạo khi em mới ra đời chưa đầy một tuần.  Món quà ba để lại mà em yêu nhất là hộp radio để ngay giữa nhà. Mỗi ngày nghe đài, em cứ liên tưởng trong đó có những người tý hon biết ca hát, biết đọc tin, và biết kể chuyện nữa.  Em hỏi mẹ thì mẹ không trả lời mà chỉ nói đùa: “bao giờ mở hộp ra thì sẽ biết thôi”. Em cứ nghĩ hoài về những người tý hon tài giỏi đó với đầy lòng ngưỡng mộ.  Em nhớ, lúc 7 tuổi, học lớp 3, khi ba mới đi học tập về thì máy bị hư.  Em mừng vì nghe ba kêu thợ đến sửa. Tối trước, khi biết có người sẽ mở hộp radio xem bên trong, em đã không ngủ được.  Em giả vờ bệnh, lấy cớ chóng mặt không đi học.  Chờ đến gần chiều, bác thợ điện mới đến.  Khi ba em dẫn ông ấy vào nhà và thì em đã chờ chực ngồi sẵn trước máy để xem… lúc đó, em hồi hộp khôn tả.  Khi nắp hộp bị tháo tung ra, em nhìn thật kỹ bên trong thì chỉ thấy toàn giây điện nhỏ xíu và những mấu kim loại li ti.  Trời ơi, chả có ma tý hon nào đâu!!!…buồn phát khóc, em chạy vào phòng leo vô giường nằm úp mặt vào gối – não nề - Niềm tuyệt vọng tràn ngập tâm hồn làm em lên cơn sốt.  Rồi sau đó, … em thực sự lâm bệnh”

Khải bật cười, xoa đầu Linh: “Cái đầu này cứng ngắc mà cũng giàu tưởng tượng gớm! Thảm nào, nghe mẹ em nói nồi cơm nào trong nhà cũng bị cháy đáy vì cô em mơ mộng nhiều quá”.  Linh đỏ mặt cãi: “Nếu anh biết tính toán, em muốn hỏi trên thế giới có bao nhiêu người đàn bà biết nấu cơm, so với có bao nhiêu đàn bà làm luật sư?” …

Khải cười xòa, phủi quần đứng lên: “Thôi đi “thầy cãi”, bây giờ mình vào thăm mẹ đi, chắc mẹ ngủ dậy rồi đó”.  Anh kéo Linh đứng lên.  Hai người bước vào phòng khi cô y tá đang thay khăn trải giường cho bà.  Khải giới thiệu Linh với Helen, cô y tá người Mỹ, là có cô em từ bên Úc qua, cô nhìn Linh, nhận ra là người đàn bà trẻ trước mặt mình có một nhan sắc đặc biệt với làn da trắng như sữa.  Cô y tá thân mật nói với Khải: “Anh có cô em xinh quá!”, Linh cám ơn rồi bắt tay cô. Thấy bệnh nhân có khách, cô y tá rút nhẹ ra ngoài. Mẹ Khải ngồi trên chiếc ghế bành, mắt hé mở khi nghe có bước chân người bước vào.  Linh rón rén lại bên bà: “Mẹ ơi, Linh đến thăm mẹ đây!”.  Có vẻ, bà chưa nhận ra Linh.  Khải kéo gấu áo xuống cho bà và lay vai mẹ: “Con đây, Khải đây”.  Bà nhìn hai người, cười hiến lành.  Khi Linh lại sát gần hơn, mẹ nắm tay Linh… chợt gọi: “Thuỳ Linh, con đấy à”.  Linh muốn khóc, biết đây là lần cuối cùng được nhìn mẹ nuôi của nàng.   Hai tiếng đồng hồ qua nhanh. Hết giờ thăm, cô y tá trở lại cho bệnh nhân uống thuốc.  Linh và Khải bắt tay chào Helen - Cô nhìn Linh cười thân mật qua ánh mắt trong vắt, xanh lơ …  

Khải và Linh hôn mẹ từ giã ra về, lại đi bộ dọc xuống chân đồi. Khải khoác vai Linh, chia sẻ nỗi buồn chia tay hôm nay, và có thể - là cuộc chia tay ngày mai giữa Linh và anh.  Một con sóc ngừng trước mặt hai người, nhìn ngơ ngác rồi bỏ chạy.  Linh reo lên: “Anh ơi, con sóc này có màu đẹp quá!”…rồi chạy theo.  Khải cũng chạy theo nàng.  Biết Khải chạy sau lưng , Linh chạy nhanh hơn để Khải phải đuổi theo.  Đồi không cao nhưng dốc … Chạy một lúc, Linh vấp gót giầy vào nhánh cây khô khi Khải nhanh chân chồm tới, kéo nàng trọn trong vòng tay.  Hai người té nhào mấy vòng và lăn xuống đồi… Khải nhớ lại lúc còn bé, hai đứa đã có lần ôm nhau lộn mấy vòng khi Linh nhẩy xuống từ cây trứng cá.  Bây giờ, Khải hình như đang sống lại với kinh nghiệm từ đó – chàng ôm chặt vòng eo của Linh, cố gắng lấy thân mình khoẻ mạnh của mình để che chở cho nàng.  Linh nhắm nghiền mắt cho đến khi hai người ngừng lăn khoảng giữa lưng đồi.  Khi mở mắt, Linh thấy gương mặt của Khải đã kề gần sát gương mặt của nàng… vòng tay ôm của Khải êm ấm như tấm thảm nhung làm toàn thân Linh rung động.  Nàng nhắm nghiền đôi mắt lại, chờ đợi một cảm giác lạ, … thèm muốn, khao khát một nụ hôn mềm mà từ bao năm qua, chỉ trong cơn mê, nàng mới được nằm yên, ngoan ngoãn trong vòng tay khép chặt của chàng….

………

Đêm về, Khải thao thức.  Ánh trăng vàng đã gần tàn, héo hắt: “ Ngày mai Linh đã đi rồi”, Khải nghe lòng buồn miên man, khó tả.  Những cảm giác ban chiều khi được ôm trọn thân mình mảnh mai của Linh, Khải còn nghe như mùi hương mái tóc của Linh  vướng víu trên vai áo mình.  Cảm giác xúc động, đam mê và say đắm của một buổi chiều như hôm nay sẽ là hình ảnh của những buổi chiều thu vàng thương nhớ trong suốt cuộc đời của Khải…Linh đã đến, mang lại cho chàng một quá khứ tươi trẻ hồn nhiên, và sẽ ra đi như một chiếc lá cô đơn.  Khải nghĩ đến lúc xa Linh, nỗi buồn bỗng dâng cao như mùa mưa đầy cơn nước lớn …

Liễu thấy chồng suy tư, nàng kề má vào vai chồng hỏi khẽ: “Anh đang nghĩ gì vậy?” –  Liễu có một linh cảm, nàng nghĩ đến đôi mắt đắm đuối của Khải khi nhìn Linh vui đùa với bé Tony chiều nay… ánh mắt nồng nàn, man dại, ngẩn ngơ.  Liễu có lúc cũng có cảm xúc trước sự thu hút vì vẻ đẹp nửa thiên thần, nửa liêu trai của Linh.  Nàng còn biết thêm là Khải và Linh đã từng xem nhau như anh em ruột thịt khi còn thơ ấu.  Thực ra, Khải và Linh đâu phải là anh em… 22 năm qua rồi, bây giờ, họ chỉ là hai ngưòi khác phái, trưởng thành và thu hút nhau bằng những hấp lực tự nhiên của một người đàn ông đối với một người đàn bà.  Liễu chưa biết mình có cảm giác ghen tuông, nhưng Linh lúc nào cũng tôn trọng gia đình nàng và luôn tỏ ra thân mật, đứng đắn.  Cái tâm hồn sinh động nhưng hiền hoà trong con người của Linh làm Liễu thấy chồng mình có lý do để yêu thích Linh hơn, chưa kể đến vẻ đẹp thu hút lạ lùng của cô em gái liêu trai, đến từ vùng đât lạ. 

Khải im lặng vài giây trước câu hỏi của vợ - chàng hôn nhẹ trên mi mắt của Liễu: “Ngày mai vợ chồng mình và Tony ra phi trường tiễn Linh nha! Ăn sáng xong, 10 giờ đi cũng vừa.  Anh mới mua cho em một chiếc áo mới mùa đông, mai em mặc thử, nếu không vừa thì anh ra đổi sau”.  Liễu thấy lạ vì từ xưa đến nay, Khải chưa từng mua sắm quần áo cho nàng.  Liễu đoán, chắc Linh đã khôn khéo rủ Khải mua áo cho nàng.  Ý nghĩ này làm Liễu không cảm thấy dễ chịu lắm, nàng nhẹ nhàng vặn khéo chồng: “Đàn ông mà đi mua áo đàn bà thì làm sao mà đoán được kích thước của người ta!”.  Khải thành thật: “Linh chọn áo cho em đó.  Linh nói em có làn da bánh mật, chiếc áo này sẽ làm em trông tươi sáng và sang trọng hơn – bây giờ sắp mùa đông, em có thể mặc áo mới rồi”.  Liễu chưa biết nghĩ sao thì Khải ôm vợ thì thầm: “Vợ chồng mình sẽ có ngày đi holiday.  Anh không muốn em quên một điều là anh luôn là của em!” -  Liễu biết tính chồng không giả dối, không màu mè.  Nàng áp đầu vào ngực Khải - nỗi lo sợ viễn vông tan biến từ từ.  Khi Khải hôn vợ, Liễu cảm nhận được nụ hôn nồng nàn của chàng, không khác gì nụ hôn ban đầu khi hai người mới yêu nhau. – Liễu tự nhắc nhở mình:  “Mai em dậy sớm lo cho con, sửa soạn ăn sáng cho cả nhà rồi mình đi phi trường tiễn Linh” … Rồi nàng xoay chiếc gối qua bên Khải, nhẩy xuống giường để qua phòng hôn con trước khi đi ngủ. 

Khải còn lại trên giường một mình.  Tình yêu vợ vẫn còn và cái tinh thần trách nhiệm gia đình của Liễu luôn làm Khải cảm động.  Liễu tin tưởng chồng và nàng biết tạo niềm tin cho mọi người. Nhưng Khải biết rất rõ là tình yêu với Liễu tuy có đó, nhưng tình nghĩa vợ chồng không thể dập tắt nổi tình yêu nồng cháy trong tim mà Khải đang dành cho Linh, Khải không thể dối mình và trong giấc ngủ chập chờn, Khải mơ thấy mình đang đi bơ vơ trên một con đường toàn lá vàng: không có Linh và cũng chẳng còn Liễu cận kề bên mình ….

……

Buồi sáng, Khi Linh xuống nhà bếp thì Liễu đã chuẩn bị xong bữa ăn sáng.  Nhìn cách bày trí bàn ăn, Linh phải phục thầm nghệ thuật sắp xếp trang hoàng của Liễu.  Linh không thể so sánh mình với Liễu trong vai trò làm mẹ và làm vợ được.  Từ lang can của phòng ăn, Linh nhìn lại ngọn đồi thoai thoải sau nhà: “Khải ơi, ngày mai Linh đi rồi ”… Linh nói một mình . Thấy Liễu mặc chiếc áo mới vừa in, Khải hài lòng.  Chàng vòng tay qua eo vợ, trước mặt Linh, Khải nói đùa: “Linh dậy anh biết thương vợ hơn đấy nhé!”.  Linh thấy nét mặt Liễu tươi sáng trong màu áo hồng nâu, cái màu đang đúng mùa thời trang mà độc nhất chỉ có một chiếc trưng bày trong cửa hàng Myer.  Liễu cám ơn Linh, nhưng Linh vội tránh: “Linh phải cám ơn chị đã săn sóc cho Linh trong mấy ngày qua mới đúng”.  Liễu dựa vai Khải… nàng cao tầm thước nên chỉ đứng đến vai chồng, nhưng từ cách biết tiếp khách, nói chuyện vui vẻ, Liễu mang một nét lịch sự âu tây, pha nét duyên dáng á đông nhờ hai má lún đồng tiền trên làn da ngăm ngăm mịn màng.   

Ra xe đi phi trường, Liễu lấy cớ ngồi với con phía sau và dành ghế trên cho Linh ngồi cạnh Khải.  Linh thấy Liễu quý khách của chồng quá, cũng hơi ngại ngần.  Liễu luôn luôn tỏ ra nhường nhịn và tôn trọng người khác.  “Trời ơi!”, Linh thầm nghĩ: “chẳng trách người xưa có câu cái nết đánh chết cái đẹp!”.  Trong xe, Liễu nói chuyện với chồng, với con và cả với Linh nữa.  Thằng bé Tony ngồi bên mẹ, hạnh phúc và sung sướng vì suốt hai ngày qua được nghỉ bệnh, hôm nay lại được thêm một ngày không phải đi nhà trẻ.  Nó ôm hôn mẹ, hôn cô Linh và lăng xăng làm những gì bố cần.  Thằng cu muốn mọi người biết có mình, để ý đến mình … đôi lúc làm hơi quá, mẹ phải nhắc: “vừa thôi con à! mẹ biết rồi ! bố biết rồi … Nè! để yên cô Linh, đừng làm bận tay cô…”.  Linh hay bênh Tony và yêu nó như con cái trong gia đình.  Lúc chia tay, Khải ôm nhẹ Linh và hôn phớt trên má nàng.  Liễu cũng ôm Linh như hai người bạn thân tự thuở nào.  Tony đòi theo cô Linh về Úc, Linh hứa nhận nó làm con nuôi, như trước đây mẹ Khải đã nhận Linh làm con vậy… mong một dịp nào sẽ đón Tony qua thăm nàng bên Úc.

Trên đừng về, Khải lái xe qua những con đường mà chàng đã đưa Linh về cách đây chưa đầy một tuần.  Hôm nay trời mây chập chùng, như lòng Khải đang chập chùng.  Chàng đăm chiêu suy nghĩ về những gì Linh đã nói với chàng: “Thôi thì cứ xem nhau như anh em…vì biết đâu, nếu lấy nhau, hai đứa mình chỉ làm khổ nhau…”. Liễu chắc phần nào đoán được nỗi buồn của chồng, nhưng không dám hỏi.

Tony ngồi sau xe, lúc này thằng bé nói sõi và lúc nào cũng thích bí ba bí bô.  Nó bỗng hỏi bố: “Con thương cô Linh.. bố có thương cô Linh không?”.  Liễu nhìn chồng, quan sát xem phản ứng chàng ra sao.  Khải nhanh trí trả lời: “Mẹ thương thì bố mới thương!”.  Liễu nguýt chồng: “Mẹ mà không thương cô Linh, chắc bố cũng thương!”… Biết vợ hờn ghen, Khải bật cười.  Chàng để tay lên đùi vợ, cố tìm bàn tay nàng.  Hai bàn tay nắm chặt nhau.  Chàng âu yếm: “Anh biết em thương Linh, vì Linh thương em. Linh lúc nào cũng là em gái của anh và em lúc nào cũng là vợ của anh”…

Liễu chợt hối hận vì câu nói hờn mát của mình.  Tony ngồi sau xe, vẫn còn chưa hiểu câu nói của bố lẫn mẹ… Liễu nói vọng cho con nghe: “Mẹ thương cô Linh, bố cũng thương cô Linh nữa…mai mốt con có em, mẹ cho hai anh em qua Úc thăm cô Linh nha”. Vừa nói, Liễu vừa đặt tay chồng lên bụng mình.  Khải bỗng chợt hiểu lời nói của vợ.  Chàng nghe ấm lòng – và bỗng vui mừng - muốn hét to lên - khi biết Tony sắp có em.  Một tia ánh nắng ấm chiếu qua cửa xe.  Mây kéo đi và nắng sắp về.  Trong tia nắng vàng còn lại cuối thu, Liễu nghiêng đầu tựa vào vai chồng.  Khải nói với con trai nhỏ, giọng đầy âu yếm:  “Mai mốt mẹ cho Tony và em con qua Úc thăm cô Linh, con chịu không?!”…

Chiếc xe vẫn chạy nhanh và Khải biết mình phài lái xe cẩn thận hơn lúc nào hết vì trong xe … không phải chỉ có ba người. 

Ngoài đường, xe chạy ồ ạt, nắng vẫn vàng.  Nắng chiếu chan hoà trên những rặng thông xanh …. Khải nhìn đồng hồ, 12 giờ 45 phút – Khải biết máy bay của Linh cũng vừa cất cánh.  Chàng còn nghe như có tiếng thở dài của Linh: “Tại sao hai đứa mình lúc nào cũng phải đóng kịch như anh em?”…

Bây giờ, Khải không còn hối tiếc vì mình đã bỏ lỡ cơ hội được hôn Linh khi hai người ôm nhau, lăn dưới triền đồi chiều qua.  Linh ngỡ ngàng khi Khải tránh nụ hôn mà nàng chờ đợi suốt 22 năm dài.  Khải lau nước mắt cho Linh: “Anh xin lỗi em, nếu hai đứa mình đi xa hơn, anh sẽ mất Liễu, mất cả em và vô hình chung, em và Liễu sẽ không bao giờ muốn nhìn nhau nữa – Anh muốn giữ trong tình yêu trong sáng của em, hình ảnh một người anh, và một người bạn thân … để còn được nghe em kể chuyện những ngày thơ ấu của hai đứa mình”.   Linh phủi áo đứng lên, nhìn những chiếc lá rơi xoay vòng, như định mệnh đã không cho phép Khải ôm nàng trong vòng tay với nụ hôn mà cả hai vẫn còn thèm muốn cho đến suốt cuộc đời.  Nhưng Linh nhận ra một điều là Khải không yếu mềm trong tình yêu như nàng.  Chàng đã can đảm để giữ gìn tình yêu nguyên thuỷ cho Linh, trọn vẹn cho Liễu, và sự bình yên cho gia đình của chàng.  Linh yêu sự thuỷ chung của Khải và chợt nghĩ đến gương mặt hiền hoà của Liễu.  Linh yêu Khải và yêu cả Liễu.  Có lý do gì để hai người đàn bà bỗng biến thành hai kẻ thù, chỉ vì muốn tranh giành một tình yêu. 

Linh vuốt mái tóc dài… để mùi hương man dại bay bay trong gió… Khải ngẩn ngơ – Chàng muôn đời yêu mùi hương tóc huyền, quyện mùi lá thu vàng trong nắng ấm… Khải tự nhủ: “Linh ơi, anh sẽ nuôi trong hồn mình tất cả những hình ảnh thương yêu của thời thơ ấu, và cả tấm chân tình mà hai anh em mình đã trót yêu nhau”….

 

Anh Thư
Viết xong ngày Chủ Nhật,
Ngày 7 Tháng 10 năm 2007

 

ANH THƯ


AnhThư:  2/01/2007 Colum Beach, Queensland

ANH THƯ hay MÂY HẠ là bút hiệu của một Nữ sĩ hiện cư ngụ tại thành phố Sydney, Úc Đại Lợi. Giới thiệu MÂY HẠ là Nữ sĩ, không phải vì Bà là cựu sinh viên Văn Khoa Sài-gòn và tốt nghiệp MA ở Đại Học Sydney, mà đúng hơn, vì Bà là người tha thiết yêu Văn học Việt nam, nhứt là thơ và văn.

Về thơ, MÂY HẠ có được một tuyển tập hơn mươi bài thơ tình cảm vô cùng đạc sắc. Về truyện, Bà còn giữ được một số ít. Thơ và truyện, MÂY HẠ viết để cho chính mình nên chưa phổ biến. MÂY HẠ viết là để sống với văn thơ mà không nghĩ để trở thành nhà thơ hay nhà văn.

Trong đời sống hằng ngày, MÂY HẠ là một viên chức của Bộ Xã Hội tiểu bang NSWcủa Úc.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.