.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Đặng Văn Sinh

Thế võ gia truyền

  • PSN -2.11.2007

Dòng họ Lê Trọng ngụ cư ở làng Mão Điền, tổng Kim Đôi từ năm Gia Long thứ bảy, đã truyền đựơc ba đời nhưng mỗi đời chỉ có một con trai còn toàn là gái. Theo gia phả, ông tổ của dòng họ này là Lê Trọng Bầu, người gốc làng Tam Đa, huỵen Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, vốn là thuộc hạ của Nghĩa Phái hầu Trần Thế Toại. Khi Gia Long kéo quân ra Bắc, đạo quân của Trần Thế Toại, sau mấy đợt giao tranh thì thất thủ. Nghĩa Phái hầu chết trên bành voi còn viên đốc tướng họ Lê may mắn thoát được. Sợ nhà Nguyễn trả thù, ông không dám về quê mà cải dạng thành người hành khất, lang thang xin ăn. Ra khỏi kinh thành, ông tính ngược đường lên phía Bắc, ngày đi đêm nghỉ, nằm sương gối đất gần một tháng trời mới đến được tổng Kim Đôi. Chủ ý của họ Lê là đi thật xa, mai danh ẩn tích để người đời quên hẳn mình. Nhưng rồi trước mắt ông thấp thoáng một dòng sông. Viên đốc tướng Tây Sơn tay cắp nón, vai khoác hờ chiếc tay nải lép, khuỷu tỳ lên đầu gậy, đăm đăm nhìn dòng sông. Con sông rộng mênh mông, nước phù sa phản chiếu ánh hoàng hôn đỏ như huyết, sóng sủi bọt, gầm gào tựa sấm rền. Ven bờ không một bóng người. Phía bên kia, nhìn đến ngút tầm mắt, lúc ẩn lúc hiện không rõ là làng mạc, thành quách, núi non trùng điệp hay là ảo ảnh lúc chiều tà. Ông thầm nhủ :" Phải quay lại thôi. Có thể cái vùng hữu ngạn con sông này chính là nơi ta gửi nốt phần đời còn lại chăng ?".

Đêm xuống. Ông ngủ lại bến sông trong túp lều hẹp của người lái đò ngang. Sáng hôm sau, viên tướng bại trận tìm vào làng Mão Điền. Cánh chức sắc , kỳ mục bản hương không dám tự quyết định. Họ mời các bậc đàn anh ra đình bàn bạc suốt một ngày, cuối cùng tạm chấp nhận cho con người không rõ lai lịch này làm dân  ngụ cư. Tuy vậy, không ít người tỏ ra lo ngại. Hình như còn có điều gì đó làm họ chưa thật an tâm. Phép tắc của hoàng đế đương triều ngặt lắm. Phàm là những phường lục lâm thảo khấu hoặc đã từng làm quan với Tây Sơn, chống lại vua Gia Long mà không ra đầu thú cùng với kẻ chứa chấp đều là phạm trọng tội.

Năm ấy, Lê Trọng Bầu hai mươi sáu . Làng cắt cho ba sào rộng công, phải tự cày cấy mà sống. Được một năm chẵn, có cô thiếu nữ con nhà tử tế đem lòng thương. Ông đánh liều đến hỏi người con gái  làm vợ nhưng bố mẹ cô gái không thuận. Ông lại xin với làng thể tình, các bậc huynh trưởng cũng lắc đầu. Mối tình của đôi trai gái đã đến độ nồng nàn như rơm  bén lửa. Cô gái kia tính nước liều, vượt quyền gia đình, bỏ nhà đến ở hẳn với người ngụ cư, coi như theo không , chẳng cưới cheo gì. Làng giận lắm. Các kỳ lão, chức dịch kéo nhau ra đình họp, chiểu theo lệ, tuyên bố hình phạt. Đối với cô gái hư hỏng, gọt tóc, bôi vôi, đóng bè trôi sông. Anh chàng ngụ cư sẽ bị đánh một trăm roi, sau đó giải lên huyện để quan phụ mẫu xử theo luật triều đình.

Hình phạt đối với đôi trai gái chưa thực hiện được thì nửa đêm hôm ấy có một đám cướp vào làng. Cầm đầu toán cướp là một tên trước đây làm chức Tả thiêm sai dưới trướng Quận Thạc Hoàng Phùng Cơ, khét tiếng gian ác, giết người như ngoé mà không ghê tay. Năm Canh Tuất, quân Tây Sơn đánh lên núi Dọc thì viên võ quan này bỏ trốn theo đường hẻm Khe Đậu. Khi vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn, hắn liều mạng lần về vùng này, chiêu tập những tên du thủ du thực cùng là bọn tàn binh thất trận vô gia cư thành đảng lục lâm, hoành hành đã ba bốn năm nay làm dân tình  rất khổ. Bọn cướp không từ một ai. Chúng cướp của cả nhà giầu lẫn nhà nghèo. Cướp xong, tên đầu lĩnh ra lệnh cho đàn em bắt một số người đi theo làm con tin. Gặp nơi đồng vắng, chúng trói  họ lại, nhét giẻ vào mồm, nói mấy câu răn đe rồi mang của cải cướp được về sào huyệt.

Lại nói, hôm ấy là một ngày cuối thu se lạnh. Vòm trời cao, sâu thăm thẳm nhìn đến mỏi mắt. Đêm sáng mờ mờ nhưng không trăng. Mãi phía sau đường chân trời, lẫn vào chóp nhọn của dãy núi Bụt mờ xa, nhấp nháy một ngôi sao lẻ loi. Đôi trai gái bàn nhau bỏ làng, tìm cách ngược lên miền thượng đạo. Ở đấy dễ làm ăn. Một vài năm, cơn giận của làng dịu đi sẽ tính chuyện trở về tạ lỗi cùng cha mẹ. Hai người chuẩn bị tay nải, quần áo, ít quan tiền rồi định canh ba lén ra đi.

Làng đang yên tĩnh chợt có tiếng mõ cá khua. Người chồng hỏi :

- Mõ gì mà gióng nhịp ba liên hồi như thế ?

Người vợ  thì thầm :

- Gay rồi ! Bọn cướp vào làng…

- Cướp ở đâu đến ?

Người thiếu phụ chỉ về phía rừng xanh :

- Nghe nói ở mãi trong núi kia.

Nghe  vậy, Lê Trọng Bầu bảo :

- Nhà cứ chờ, không được đi đâu, tôi lại đằng ấy xem sao.

Người vợ hốt hoảng túm vạt áo chồng giữ lại :

- Đừng ! Bọn cướp này hung ác lắm, nhà vào đấy nhỡ làm sao thì khổ thân em…

Chàng ngụ cư  không nghe, dứt áo chạy ra, chỉ dặn với lại một câu :

- Nhà cố thức chờ, tôi về là ta phải đi ngay.

Khi Lê Trọng Bầu chạy đến nơi thì nhà lý trưởng đã bị cướp. Trai tráng và tuần đinh không đánh lại được chúng. Tin đồn quả  không sai. Trùm cướp là một tên võ nghệ cao cường. Hắn tả xung hữu đột với những đường côn lợi hại quật ngã liền mấy tráng đinh. Trong đêm tối nhập nhoạng ánh đuốc, chàng ngụ cư nhìn thấy tên đầu đảng, tay nắm chắc đoản côn, múa may quay cuồng, chỉ đông đánh tây, xông xáo như vào chỗ không người. Trong khoảnh khắc, viên cựu đốc tướng Tây Sơn thấy máu  trong cơ thể như đang sôi lên. Con người nghĩa khí bấy lâu vẫn tiềm ẩn trong ông giờ được đánh thức. Ông giật phắt cây gậy từ tay một tráng đinh, nhảy ba bước đối mặt với tên đầu lĩnh lục lâm. Thật là kỳ phùng địch thủ. Hai bên quần nhau khoảng già một khắc, người ngụ cư bị một gậy quật trúng vai, ông vội khuỵu xuống, hơi ngửa người về phía sau, chân trái choãi ra. Tên trùm cướp thấy đối phương sơ hở bất ngờ dấn tới. Còn khoảng hai bước, hắn giơ cao gậy,  ra đòn quyết định. Nhưng cũng đúng  vào cái thời khắc ngắn ngủi của bước nhảy ấy, Lê Trọng Bầu đột nhiên đổi thế đứng, né người tránh cú vụt hiểm hóc rồi nhào tới, dùng thế liên hoàn cước điểm trúng huyệt Giao cốt tên cướp. Hắn mất đà, khựng lại, ngã sấp, đầu đập xuống bậc cầu ao. Nhanh như cắt, người ngụ cư rút con dao găm cực sắc gài ở vòi khố hoa lên trước mặt tên đạo chích. Hắn đang ở thế hạ phong, hoảng quá, cố ngóc đầu dậy, nhăn nhó :

- Nếu tráng sĩ tha cho, tôi xin kết làm anh em…

Người ngụ cư lắc đầu. Gã lục lâm lại nói :

-  Xin cho giải lên huyện.

Lê Trọng Bầu đưa mắt nhìn những  người xung quanh. Một ông tộc  biểu  râu tóc bạc phơ, tay cầm  thanh mã tấu gườm gườm nhìn gã cựuTả thiêm sai bảo :

- Tên này vốn là quan binh cựu triều, đã từng gây nhiều tội ác với dân lành, nếu không xử ngay, để qua đêm sợ nó trốn mất.

Mấy tráng đinh vừa bị tên cướp đánh ngã  đồng thanh bảo :

- Thời buổi này cướp với quan là một. Chúng thông lưng với nhau làm hại trăm họ, cứ trừ ngay đi là tránh được hậu hoạ.

Ngẫm nghĩ giây lát, chừng như thấy  lời bàn là phải, Lê Trọng Bầu  từ từ giơ con dao lên…

Tên cướp chợt rùng mình. Hắn vội ngẩng cao đầu, mặt hơi ngửa lên trời, nhắm mắt lại, miệng lầm rầm khấn :

- Xin hoàng thiên hậu thổ chứng giám, ta thề, kẻ nào xuống tay hại ta, sau này con cháu sẽ tuyệt tự, xuống địa phủ phải chịu cực hình tắm vạc dầu…

         Gã lục lâm chưa kịp nói hết câu thì lưỡi dao nhọn đã cắm vào yết hầu. Bọn đồng đảng như rắn mất đầu liều mạng tháo chạy. Một số tên bị tuần đinh bắt trói giải về đình. Nhà lý trưởng may mắn giải được hoạ, vừa không mất người lại còn của, hết lòng mang ơn chàng ngụ cư. Ông Lý thay mặt các bậc kỳ lão xoá ngay cái án hôm trước và đứng ra tác thành cho đôi lứa nên vợ nên chồng. Từ đấy, Lê Trọng Bầu trở thành rể quý của làng.

Lê Trọng Bầu là người giỏi võ. Hồi còn ở quân doanh Nghĩa phái hầu, ông được một võ sư Triều Châu dạy cho mười một đường quyền của phái Hồng Gia vốn nổi tiếng từ thời Nam Tống. Làng từ hồi có ông cuộc sống  trở nên bình yên. Bọn trộm cướp không dám nhòm ngó. Tiếng tăm họ Lê vang đến cả hàng tổng. Nhiều nhà có máu mặt trong hạt biện lễ mang con đến xin nhập môn. Ông chỉ cảm ơn rồi lựa lời từ chối khéo mà không dạy cho một ai. Ông bà sinh hạ được hai gái một trai. Cậu con trai khôi ngô tuấn tú ra dáng con nhà. Lúc chú bé mười lăm tuổi, Lê Trọng Bầu bắt đầu cho con học võ. Mười bảy tuổi, chàng thanh niên lớn phổng lên, đường quyền đã khá hoàn chỉnh. Một hôm người con trai bỗng nhiên hỏi bố :

- Cha ơi ! Môn phái Hồng Gia có bao nhiêu thế đánh tất cả ?

Ông nhìn con, ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời :

- Có mười.

- Như vậy cha mới dạy con chín miếng…

Ông gật đầu bảo :

- Cứ tập luyện tốt những miếng đã học, còn miếng cuối cùng, khi nào con trưởng thành, suy nghĩ thật chín chắn rồi cha sẽ truyền.

Đến tuổi sáu mươi hai, Lê Trọng Bầu tiên liệu thấy mình chẳng còn sống được bao nhiêu nữa bèn dạy cho con trai thế võ thứ mười.

Trong môn phái Hồng Gia có ba thế bí truyền. Một trong ba thế ấy là Tiềm long ảnh. Trong những trận quyết đấu, bị đối phương dồn đến tuyệt lộ, bất đắc dĩ mới phải sử dụng chiêu này. Mà đã dùng chiêu này thì địch thủ cầm chắc cái chết. Biết vậy, Ông Bầu chỉ dạy con đến thế võ thứ mười. Trước khi dạy, ông bắt con trai phải tắm gội, trai giới rồi vào trước bàn thờ làm lễ bái vọng tổ tiên.

Lê Trọng Bầu ra di thanh thản trong tuổi già, để lại nỗi buồn thương xen lẫn lòng biết ơn của dân làng Mão Điền. Lê Trọng Bàn nối nghiệp cha cũng là người nhân hậu. Nhớ lời thân phụ, ông chăm chỉ việc nông tang mà không đua tranh đường quyền thế võ với đời. Dường  như  ông đã hiểu được chữ "nhẫn" sâu sắc hơn chữ "cường" trong tinh thần chủ đạo của bộ bí kíp Hồng Gia nên chỉ truyền cho người con trai duy nhất của mình đến thế Truy phong hữu dực còn Tiềm long ảnh thì dấu kín. Khi ông qua đời nó cũng thất truyền.

Người kế dòng họ Lê ở đời thứ ba là Lê Trọng Kỷ. Ông Kỷ  được cha cho học chữ Nho từ nhỏ nhưng đến năm mười năm tuổi cũng lại theo võ ban. Vừa biết chữ thánh hiền, vừa tinh tường võ nghệ, ông được dân làng trọng nể bầu làm chánh Hội đồng Kỳ hào nhưng chỉ sinh được một con trai là Lê Trọng Bảng. Bảng có dáng người thấp đậm, tướng mạo có vẻ không được hiền lành lắm. Biết là dao sắc không gọt được chuôi, Lê Trọng Kỷ biện lễ, dắt con đến làng Phù Lưu xin thọ giáo ông đồ Hạp. Đồ Hạp không có nhiều chữ mà chỉ giỏi bói toán. Nhìn đứa bé dáng vóc thô thiển, mặt tàn nhang với cái mũi nhòm mồm dài quá khổ, ông đồ bảo :

- Cậu có quý tướng, sau này tất phải theo võ ban, hậu vận đầy đặn, tài phát lộc cao.

Ông Kỷ hỏi :

- Tài phát lộc cao đến thế nào ?

Ông đồ nhắm mắt ngồi cứng người như nhập thiền, lát sau, mở mắt bảo :

- Làm quan phải đến tam phẩm.

Ông Kỷ không tin, cho là thầy đoán nhăng kiếm gạo nhưng không tiện nói ra. Được một năm thầy hết vốn. Cậu học trò chỉ thuộc chữ "khẩu" là cái mồm, chữ "bôi" là cái chén còn các chữ khác quên sạch, thầy đánh mấy cũng nghiến răng chịu đòn chứ không nói.

Năm Bảng mười một tuổi, Lê Trọng Kỷ lại dẫn con đến thọ giáo ông cử Trình là nhà nho hay chữ vào bậc nhất cả mấy tổng vùng thượng du. Nhìn tướng thằng bé, ông Cử lắc đầu :

- Tôi xem ra học nghiệp không phải là sở trường của cháu.

Người cha cố nài :

-  Mong ông thể tình, cho cháu đến cửa ăn mày ít chữ thánh hiền.

Ông Cử bảo :

- Cửa nhà tôi lúc nào cũng rộng mở đón học trò nhưng nhìn tướng cháu, tôi biết là nó muốn theo võ ban.

Lê Trọng Kỷ dẫn con về rồi, ông Cử mới bảo đám học trò lớn tuổi đang ngồi bình văn :

- Thằng bé tướng ngỗ ngược, thiếu mất phần thiên lương, xem ra có vẻ chết yểu, thầy không muốn nhận là vì thế.

Bảng đi học vài ba cửa mà chẳng được mấy chữ, ông bố đành để ở nhà rồi thỉnh thoảng dạy cho vài đường quyền. Thằng bé chăm học nhưng có tính thích khoe khoang. Học được miếng nào là nó đem áp dụng ngay miếng ấy với đám trẻ choai choai trong làng làm nhiều đứa bươu đầu sứt tai. Ông bố biết chuyện rày la, Lê Trọng Bảng thản nhiên như không :

- Cha tính, học võ thì phải thực hành. Đấu với cha thì con thua, vậy chỉ còn cách tỷ thí với lũ bạn cùng trang lứa để luyện gân cốt cho dẻo chứ.

Ông Kỷ khuyên con :

- Trước khi học võ phải học đạo. Đạo làm người cũng như gốc của cây. Gốc có bền cây mới phát triển xanh tốt.

Những lời bố dạy chàng trai họ Lê chỉ như gió thoảng bên tai. Lớn lên một chút, nó chẳng chịu làm ruộng mà chỉ thích lêu lổng kết giao với bọn du thủ du thực, nhiều khi bỏ nhà đi ba bốn ngày, về đến nhà là vật ra giường ngủ ly bì, người sặc mùi rượu.

Một lần, Lê Trọng Bảng đi đâu mất hút hai ngày. Sáng hôm thứ ba bỗng có lính lệ đến khám nhà. Quan huyện nghi anh ta dính đến vụ cướp nhà Phó Dĩnh bên Đa Hội. Cuộc khám xét chỉ là do tình nghi, nên sau khi lục soát không thấy có tang vật họ cũng thôi. Riêng ông Kỷ thì đau lắm.

Đêm hôm ấy, Lê Trọng Bảng về. Lần này anh ta không say, bị bố mắng chỉ im lặng. Khi biết có chuyện khám xét nhà, Bảng  khẽ nhíu mày. Tối hôm ấy, tầm cuối giờ Dậu, chờ cho bố uống tàn ấm trà mạn, cậu quý tử mới ngập ngừng nói :

-Bây giờ con lớn rồi, xin cha truyền cho thế Truy phong hữu dực

Ông Kỷ ngồi trầm ngâm khá lâu, thỉnh thoảng lại rít một điếu thuốc lào, lúc sắp đi ngủ mới bảo :

- Cha chỉ có mình con, muốn con nên người nên đã cho học chữ nhưng tính con lông bông , không biết tu chí thành ra hỏng cả sự nghiệp. Bên võ, con học có tuy có tấn tới nhưng phần thiện tâm lại mỏng. Tổ phụ ta đã có lời nguyền là không truyền những thế võ hiểm cho con cháu thiếu đức.

Người con trai cười nhạt :

- Cha tin ở lời nguyền của cụ tổ đến thế kia à ? Chính vì lời nguyền độc địa ấy mà mỗi đơìi lại có một thế võ thất truyền.

Ông Kỷ trừng mắt :

- Ở đời phải có lòng tin, nhất là những điều ký thác thiêng liêng.

Lê Trọng Bảng biết bố là người nhân hậu nhưng tính lại vô cùng sắt đá nên từ đấy biết điều hơn, không đả động gì đến đường quyền thứ chín nữa.

Thượng tuần tháng  hai, Lê Trọng Kỷ có người bạn đồng môn ở làng Đoài mời sang ăn khao mừng cụ thân sinh thượng thọ bát tuần. Hôm ấy trời vẫn còn lạnh, lại lắc rắc mấy hạt mưa xuân, ông đóng áo kép, khăn xếp, tắt đồng sang Đoài thôn. Uống rượu xong, chủ nhà mời khách vào chiếu tổ tôm. Hai hội đầu ông Kỷ toàn gặp số đen. Sang hội thứ ba, tưởng lại bạch cược*, chân trắng ra về, bất ngờ vận may đến, bài ù kính tứ cố**. Ngả bài rồi, ông đứng dậy xin phép gia chủ về kẻo khuya. Người bạn cố tình giữ nghỉ lại nhưng ông nhất quyết cáo từ. 

Tuy đã quá ngũ tuần vậy mà họ Lê vẫn còn khá tinh mắt. Lúc ấy  vào cuối canh ba, trời không trăng, nhìn chẳng rõ đường, ông cởi quần dài, vạt áo kép thắt ngang lưng, bước qua các vũng nước phăng phăng. Đến gần đống Ba Tầng bỗng nhiên có mấy bóng đen thấp thoáng phía trước. Ông nghĩ ngay là phường trộm cướp bèn hắng giọng :

- Ai ?

Lũ đạo tặc không trả lời mà xông lên đánh luôn. Lê Trọng Kỷ nhanh chân lùi lại ba bước, xoay lưng vào gờ đống. Cũng vào thời khắc ấy hai tên nhảy theo giơ gậy vụt bạt mạng. Tên thứ ba đứng chếch về phía tả con đường lượn sát gò có vẻ như canh chừng. Bọn ăn sương cũng là những tên đánh đấm có nghề. Ông Kỷ lựa thế tránh đòn trực diện rồi vung chiếc quần dài bắt được gậy của một gã. Gã thứ hai cúi thấp xuống dùng miếng Long xà tảo địa quét gậy ngang tầm ống chân. Đoán biết được thế võ, ông nhún chân vận công nhảy vút lên, bay người dùng bàn tay phải chém vào huyệt đạo đối phương. Gã này ngã nghiêng người để rơi gậy rồi nằm đè lên. Gã thứ nhất mất gậy nhưng chưa việc gì liền co chân đá móc trúng mạn sườn phải Lê Trọng Kỷ. Cú đá cuối tầm làm hắn bị mất đà. Thuận tay, ông túm được bàn chân khẽ xoay nửa vòng. Chỉ nghe đến "khục" một tiếng, tên đạo chích đã khuỵu xuống, miệng rên ồ ồ như bò rống. Đến lúc ấy tên thứ ba mới lẳng lặng vào cuộc. Hắn khom người đứng tấn, hai tay thủ ngang ngực lừ lừ đến gần ông Kỷ. Ông có vẻ thấm mệt vì tuổi cao, gân cốt đã rão nhưng lúc này ở vào cái thế không thể tháo lui đành giơ quyền đánh dứ một đòn rồi lật người chuyển chỗ. Tên cướp rõ ràng là một cao thủ. Đường quyền của gã linh hoạt, chuyển dời vị trí nhanh như con sóc, lúc tiến lúc thoái rất đúng bài bản. Hai bên quần nhau chừng già một khắc. Tên cướp càng đánh càng khoẻ còn ông Kỷ bị đẩy ép dần vào sườn đống. Cuối cùng, sau một hồi vờn nhau, hắn phi thân đá một cú làm ông Kỷ lạng người, đồng thời nhào hẳn về phía trước định ra đòn quyết định. Nhưng tên đạo chích không ngờ đêm ấy gặp phải cao nhân. Tất cả sự lúng túng của Lê Trọng Kỷ chỉ là động tác giả nhằm làm cho đối thủ chủ quan khinh địch. Đến lúc ấy ông mới khẽ nghiêng người, lăn hai vòng khỏi mảnh bờ chật hẹp rồi bất ngờ đứng dậy chém bàn tay trái vào hậu chẩm tên cướp…

                                                        *

                                                    *      *       

 

Tối hôm sau, Lê Trọng bảng về nhà. Thấy con trai có vẻ mệt mỏi, ông Kỷ sẵng giọng :

- Mày lại uống rượu ?

Bảng nói cộc lốc :

- Con ốm.

Ông bố ngẫm nghĩ một lúc rồi nói :

- Lại đây cha bảo. Hôm kia cha ở nhà bác Chưởng bạ làng Đoài về muộn, đến đống Ba Tầng thì gặp cướp.

Anh con trai so vai hỏi :

- Chúng có đông không ?

- Ba thằng.

- Nó đã cướp của cha cái gì chưa ?

- Chưa, gặp cha là xông vào đánh ngay mà suốt từ đầu đến cuối không nói một câu nào. Hai thằng kia thì xoàng riêng thằng thứ ba đánh khá. Có điều lạ là các thế võ của nó gần giống với thế võ của dòng họ nhà mình nhưng lại biến hoá rất linh hoạt, suýt nữa cha bị dính đòn nếu không dùng thế thứ chín…

- Cha dùng thế Truy phong hữu dực ?

Ông Kỷ gật đầu :

- Bắt buộc phải dùng để giữ tính mạng.

Lê Trọng Bảng cười nhạt :

- Cái thế bàn tay trái chém vào huyệt hâụ chẩm phải không cha ?

Ông bố lặng người :

- Phải. Đó là thế võ độc. Lúc ấy chỉ bị choáng, chừng nửa giờ sau thì tỉnh lại nhưng kẻ  bị trúng thương sẽ chết trong vòng một tháng. Mà sao con lại biết ?

Người con trai không trả lời mà lại hỏi :

-Liệu có phương thuốc nào cứu được không cha ?

Ông Kỷ lắc đầu :

- Đó là thế võ tối độc, đánh trúng huyệt đạo, bất đắc dĩ mới phải dùng.

Nghe đến đấy, Lê Trọng Bảng nới khuy, kéo trật cổ áo, nghiêng đầu, lạnh lùng hỏi :

- Cha xem có phải vết chém này không ?

Ông bố tưởng như trời sập, hai mắt tối sầm, toàn thân run bắn :

- Thế ra là mày…

Anh con trai điềm tĩnh trả lời :

- Vâng.

Ông Kỷ đập mạnh tay xuống sập gụ:

- Tao thật không ngờ mày đi kết bè kết đảng với lũ cướp hại dân.

Lê Trọng Bảng thở dài nhìn bố :

-  Chúng con không phải là phường đạo tặc mà chỉ đón đường cha để xem thế võ Truy phong hữu dực. Giá mà, trước đây cha thuận tình dạy cho con…

 

 

                                                                                                      

Đ.V.S

* Liên tục các ván trong một hội tổ tôm không ù được gọi là bạch cược

** Bài tổ tôm ù chỉ có bốn quân "ông cụ" màu đỏ còn tất cả đều là quân trắng được gọi là kính tứ cố (kính bốn ông cụ)

 

ĐẶNG VĂN SINH

Sinh ngày 16 tháng 01 năm 1948 tại thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nguyên là giáo viên giảng dạy môn ngữ văn phổ thông trung học. Hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trưởng ban Văn Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương.

Tác phẩm đã xuất bản

Tập truyện :

  • Khúc Trương Chi

  • Nước mắt của biển

  • Ảo ảnh

  • Đêm trăng Tả Giàng

  • Rừng Ken Chải

  • Tiểu thuyết:

  • Người đàn bà trong lửa

  • Ga tàu

  • Hoa mận dại

  • Thanh kiếm Phù Tang

  • Ký ức làng Cùa (chưa xuất bản)

  • Địa chỉ : Khu dân cư 3, thị trấn BếnTắm, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương

    Điện thoại : 0320887031
    DĐ : 0982480820
    Email : dangvansinh1948@yahoo.com.vn

     

    LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

    Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
    Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
    PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.