.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Đặng Văn Sinh

Cổ thành Quảng Trị

  • 1.03.2008 

Nguyễn Ngọc San vốn là cựu chiến binh đường Trường Sơn, bạn đồng ngũ với nhà thơ quá cố Phạm Tiến Duật. Một lần, nhân dịp về Thái Bình đọc thẩm định bản thảo của các văn nghệ sỹ 6 tỉnh phía bắc dự Trại sáng tác Sông Hồng, Phạm Tiến Duật tình cờ gặp lại ông bạn lính xế "xe không kính". Sau một hồi hàn huyên, lại được mấy vại bia "ong" trợ giúp, nhà thơ Phạm Tiến Duật thân tình bảo Nguyễn Ngọc San:

- Ông về làm đơn ngay đi, tôi là ủy viên Hội đồng thơ chẳng lẽ lại không giới thiệu được ông vào Hội Nhà văn.

Thật tình thì Nguyễn Ngọc San không hào hứng lắm với lời gợi ý này, nhưng vì nể bạn nên cũng lẳng lặng gật đầu. Bế mạc trại sáng tác, trên đường về, tôi ướm hỏi Nguyễn Ngọc San :

- Anh Duật đã có lời như thế thì bác cứ viết đơn, "mất gì của bọ...".

Nguyễn Ngọc San cười, giọng nửa đùa nửa thật :

- Nhưng mà mình không có tiền...

Lại tiền. Tôi khẽ nhăn mặt :

- Bác đã có 5 tập thơ, hơn nữa, mảng lục bát rất đáng nể... Năm vừa rồi, khối nhân vật lạ hoắc, thơ chỉ thuộc dạng tầm tầm  mà cũng ào ào kéo nhau vào Hội...

Nhà thơ  xứ vải thiều gật đầu nheo mắt cười buồn :

- Đấy chính là lý do vì sao mình không có ý định làm đơn.

Câu chuyện đến đây thì bỏ lửng bởi theo chỗ tôi biết, chẳng bao giờ Phạm Tiến Duật thực hiện lời hứa, tuy rằng, sau cuộc chén chú chén anh ấy, Nguyễn Ngọc San còn gặp thêm "vua thơ" Trường Sơn vài lần trước khi ông qua đời. Giờ thì tôi đã hiểu tâm sự của ông. Quả thật những năm gần đây, việc xin vào Hội Nhà văn cũng lắm nỗi đoạn trường. Theo quy chế, chất lượng tác phẩm là điều kiện cần thiết nhất để nhà văn được gia nhập Hội có vẻ như không còn là ưu tiên số một, mà phải có thêm tiêu chuẩn thứ hai, đó là các mối quan hệ, thậm chí đấy mới là tiêu chí cơ bản để lọt vào danh sách vài chục "nhà" sau mỗi đợt xét duyệt của Ban Chấp Hành. Đến đây bất chợt tôi nhớ đến mấy trường hợp  được xem là khá điển hình ở một tỉnh lẻ vùng châu thổ sông Hồng trong cuộc chạy nước rút "đánh đu" với danh hiệu nhà văn thông qua vô vàn những chiêu thức tinh vi nhưng cũng không kém phần cay đắng.

Đối tượng thứ nhất là một ông cai tù. Phải nói ngay rằng đây là nhà thơ phong trào, trình độ thơ chỉ ngang với vè dân gian. Ông ta không thiếu tiền mà chỉ thiếu cái danh, mà có tiền ở thời buổi này là có tất cả mọi thứ. Bước đầu, ông giám thị tung tiền ra in thơ sau khi nhà nước có chủ trương "xã hội hóa" thi ca bằng nghị quyết "Ngày thơ Việt Nam". Tất cả những gì có thể quy  vào thơ đều được ông giám thị chấp bút và cho xuất bản lu bù, sau đó thuê một dàn nghệ sỹ ưu tú từ Hà Nội về ngâm và ghi hình để phổ biến rộng rãi đến công chúng. Trại tù đương nhiên trở thành một điểm sáng văn hóa. Các văn nghệ sỹ nườm nượp đổ về. Có không ít vị, cả địa phương lẫn trung ương, lấy danh nghĩa "thâm nhập thực tế", đóng chốt dài dài, ăn dầm ở dề (tất nhiên là bằng tiền chùa), xem Trại cải tạo là một thứ "mỏ" khai thác không bao giờ cạn, mặc dù cả chục năm sau, chẳng "nhà" nào công bố được một tác phẩm ra hồn ngoài mấy bài báo lá cải, như là để trả nợ miệng chủ nhân đã tiếp đãi vô cùng nồng hậu. Thủ thuật "kim ngân thu phục nhân tâm" của ông giám thị thành công đến mức, ông ta vượt mặt hầu hết các ứng viên sừng sỏ của mấy tỉnh vùng Đông Bắc, qua tất cả các Hội đồng, chỉ còn mỗi thủ tục bỏ phiếu của Ban Chấp Hành là sẽ đàng hoàng bước vào ngôi đền văn chương số 9 Nguyễn Đình Chiểu nếu như không có chuyện động trời xảy ra. Ấy là, đúng vào lúc "nhà thơ - giám thị" nổi tiếng một thời, đang ngồi thù tiếp mấy "đại gia" chức sắc của một tờ báo ngành nhưng tên tuổi đang lên như cồn thì bị chính người đồng đội của mình nã đạn vào gáy do một mối hiềm khích cá nhân nào đó.

Ông thứ hai, trình độ thơ cũng chỉ nhỉnh hơn câu lạc bộ phường chút ít, vốn liếng vắt vai là một tập thơ chỉ bằng chiếc... lá đa, diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ sáo rỗng, cảm xúc thương vay khóc mướn, khác hẳn với cuộc sống trưởng giả của chính mình trên tư cách một quan chức "đầy tớ của dân". Với làng văn, ông này chẳng là "cái đinh" gì so với hàng chục nhà thơ địa phương đã xuất bản năm bảy tập thơ, thậm chí có những người từng đoạt giải cao của Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam. Nhưng ông ta lại có thế mạnh là đang nắm trong tay một phương tiện thông tin. Bằng phương châm "của chùa phúc ta", hằng năm, lợi dụng các đợt họp cộng tác viên, vị tổng biên tập này mời hầu hết các nhà thơ tên tuổi từ Hà Nội về, bố trí nghỉ ngơi tại khách sạn cao cấp với thái độ vô cùng trân trọng, "mong các anh tiếp tục đóng góp cho phong trào địa phương" thông qua những chiếc phong bao khá nặng tay sau khi họ đã chiếu cố gửi các bài thơ hạng hai, hạng ba làm sang cho tờ báo tỉnh lẻ.

Lẽ tất nhiên, với một ứng viên có tiềm năng như vậy, mặc kệ những bê bối về chuyện bằng cấp trong một vụ scandale kéo dài nhiều năm, ông ta đương nhiên vượt qua cửa ải các Hội đồng chuyên môn rồi giành luôn số phiếu quá bán của BCH, chính thức trở thành hội viên của cái hội sang trọng bậc nhất Việt Nam, làm cho các nhà thơ thứ thiệt của Hội văn nghệ tỉnh trố mắt ra mà nhìn.

Nhân vật thứ ba lại có cách ứng xử khác, đó là "không được ăn thì đạp đổ". Đây là một chuyên gia viết đơn thư nặc danh vào hàng "tay tổ" ở địa phương. Cứ nghe phong thanh, trong tỉnh có ai  xin gia nhập Hội Nhà văn là vị này lập tức viết đơn "sáng tác" ra những thành tích bất hảo vu khống, bôi nhọ gửi đi khắp nơi để hạ nhục người đó. Riêng với Hội Nhà văn thì "bản thành tích" ấy được chuyển đến đúng vào dịp các Hội đồng chuyên môn và BCH họp xét duyệt kết nạp hội viên mới. Chiêu thức "độc đáo" trên  tỏ ra khá hiệu nghiệm, đã hạ gục không ít người lương thiện.

Một lần Nguyễn Ngọc San nói với tôi nhân dịp về thăm Côn Sơn:

- Chuyện đời là vậy, nhắc lại chỉ thêm buồn, hãy để cho thời gian phán xét bởi lịch sử vốn công bằng .

Chúng tôi lặng lẽ bước trong rừng thông. Buổi chiều cuối thu, trên cao, heo may xào xạc.

Nguyễn Ngọc San tuổi Giáp Thân, cung số chẳng lấy gì làm nhàn nhã, nhưng ông an nhiên tự tại với cái trời phú cho mình, đó là phẩm chất của một nhà thơ không bẻ cong ngòi bút. Ở bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng vẫn giữ được hồn thơ lục bát sắc sảo, lãng đãng chút hoài niệm, mở ra một không gian hướng nội, cày xới tiềm thức, truy vấn lịch sử để tìm câu trả lời cho tương lai. "Sông Bầu tầm tã" là thi phẩm được xem như đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông, bởi nó đã vượt qua được khuôn khổ chật hẹp của lục bát truyền thống, bứt phá một cách ngoạn mục, đem đến cho người đọc những cảm nhận mới về thân phận con người.

Đã có một thời tôi chưa hiểu Nguyễn Ngọc San, cho rằng thơ ông vẫn có một cái gì chừng mực mà thiếu sự phóng túng, không dám đẩy đến tận cùng, nhất là đối với những đề tài xã hội có tính nhạy cảm. Nhưng tôi đã lầm. Bản lĩnh và thi tài Nguyễn Ngọc San chẳng những đã ghi đậm dấu ấn trong "Sông Bầu tầm tã", "Những đồng tiền xu", "Gia Long"... mà còn hiện diện ở hàng loạt tác phẩm sau chuyến đi thực tế miền Trung vào nửa cuối năm 2006.

Chúng tôi ghé thăm hầu hết các địa danh được coi là "đất thiêng" ở thời kỳ trước năm 1975, từng là chiến trường đẫm máu của những xung đột ý thức hệ. Hành trình xuyên Việt lần này, cảnh trí và những hồi ức đã làm cho một số văn nghệ sỹ nhìn nhận cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc bằng con mắt ít khắt khe và trái tim độ lượng hơn. Từ thị xã Đông Hà chúng tôi lần lượt viếng thăm chiến địa cũ Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, cửa khẩu Lao Bảo, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Gio Linh, nghĩa trang Cam Lộ...Mấy chục vạn linh hồn có tên và không tên đã ngã xuống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn giờ này đang phiêu lãng nơi đâu ở một vùng hoang địa đầy tử khí? Tất cả chỉ còn là ký ức, một ký ức đau buồn hằn vào lịch sử kéo theo nỗi trầm luân của cả một dân tộc khi chưa học thuộc lời dạy của cha ông về lòng tha thứ.

Nơi dừng chân lâu nhất là Thành Cổ. Tại đây người ta đã xây một đài tưởng niệm những chiến sỹ trận vong (tất nhiên chỉ là chiến sỹ QĐNDVN). Thắp hương xong, đoàn sang viếng thăm nhà lưu niệm. Đây là ngôi nhà hai tầng, giống như một viện bảo tàng quân sự thu nhỏ, trưng bày những chiến tích, chiến cụ cùng sa bàn trận địa của cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm giữa hai bên Giải phóng và Quốc gia năm 1972. Nhìn toàn cảnh chiến trường xưa, lòng tôi chợt nhói lên nỗi kinh hoàng về một thời đẫm máu và nước mắt. Cánh cổng phụ phía tây thành còn lại như một chứng tích khủng khiếp bởi hàng trăm vết đạn xuyên qua như mắt sàng mặc dù nó được làm bằng thép tấm dày 7 ly.

Trên trời mây trắng vẫn lững thững bay ra  biển. Cỏ non Thành Cổ vẫn tươi xanh như lời ca của một bài hát mới sáng tác gần đây, bất giác tôi nhớ đến mấy câu thơ bộc lộ cảm xúc rất  chân thành (của một tác giả nào đó tôi không nhớ tên) nhưng thật tiếc là nó vẫn chỉ là sản phẩm cuối cùng trong chuỗi những kỹ thuật thượng thặng của công nghệ tuyên truyền:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Chỉ riêng nghĩa trang Đường 9 đã có gần mười vạn ngôi mộ. Đám người nhỏ nhoi trước một bãi tha ma khổng lồ bất giác làm tôi thấy cô đơn. Rừng Trường Sơn hoang sơ, gió ngàn vi vu tạo nên một không gian rờn rợn lúc chiều tà. Hỡi những linh hồn trận vong! Các anh các chị hãy yên giấc ngàn thu...

Nhớ lại lúc ở nhà lưu niệm trong khuôn viên Thành Cổ, một nhà thơ trong đoàn hỏi người lính thuyết minh rằng, quân số thương vong của chúng ta là bao nhiêu sau khi công bố 26 ngàn lính Việt Nam cộng hòa tử trận. Anh bộ đội trẻ lặng đi một lúc rồi từ tốn nói :

- Thưa các bác, số thương vong của quân ta Bộ Quốc phòng chưa thống kê được(!?).

Nghe xong, nhà thơ Nguyễn Ngọc San, một trong những cựu chiến binh Trường Sơn ghé tai tôi nói nhỏ :

- Mỗi ngày đêm ít nhất "nướng" một đại đội, cứ tính sơ sơ mỗi đại đội một trăm người, nhân với 81 ngày thì sẽ ra việc gì phải hỏi. Mà đó mới chỉ là số hy sinh trong thành, còn những đơn vị "bị" ở bên kia sông Thạch hãn cũng không ít đâu...

Ông nói đúng. Khỏi phải bình luận gì thêm để đỡ làm đau thêm các linh hồn trẻ đang yên nghỉ dưới những thảm cỏ non Cổ Thành .

Ngay đêm hôm ấy, trong nhà nghỉ thị xã Đông Hà, cách Thành Cổ không xa, Nguyễn Ngọc San đọc cho tôi nghe bài "Cổ thành Quảng Trị" mới sáng tác:

Cổ Thành Quảng Trị

                              Nguyễn Ngọc san

Cổ Thành chẳng thấy thành đâu
Một vuông đất hẹp vùi sâu vạn người
Bát hương cháy đỏ giữa trời
Khôn thiêng một nén cho nguôi ngoai lòng
Cổ Thành máu chảy hành sông
Xương gom thành núi thành không còn gì
Bên ni, ừ cả bên tê
Thành hoang, gạch vụn gửi về mai sau...

Bài thơ chỉ có 8 câu, nhưng nghe xong tôi chợt bàng hoàng bởi sức nặng của những vần lục bát. Nó chẳng những tuyệt vời về mặt cấu tứ mà còn bộc lộ một cái nhìn  mới, một cách cảm nhận mới về chiến tranh sau khi đã có độ lùi 34 năm.Ý thức phản tỉnh về một sự kiện lịch sử dường như đã được định hình cùng với những hồi ức bất chợt của nhà thơ về cuộc chiến tranh đẫm máu đã khơi gợi cảm xúc tạo nên những dòng tự sự giầu chất suy tưởng. Về một mặt nào đó, ta còn có thể xem bài thơ là lời sám hối muộn mằn nhưng cần thiết cho những thế hệ sinh ra sau khi đất nước đã im tiếng súng để chọn con đường  đến tương lai mà không cần phải nổ súng vào nhau. Ngoài những câu chữ đọc lên nghe xót xa đến tê tái lòng, bài thơ còn thấp thoáng bóng dáng của Thiền. Bên cạnh cái  "hữu" và cái "vô" cùng với với những biến đổi của vạn vật trong cõi vô thường là nỗi khổ chúng sinh ba vạn sáu ngàn ngày. Đời người chỉ trong chớp mắt, lịch sử mới là vô cùng. Ai ngộ được ra điều đó mới là chính đạo, bởi lẽ Phật từng dạy: "vạn pháp quy tâm".

Tôi mừng cho Nguyễn Ngọc San và góp ý, ngoài việc sau này đưa vào tập, trước mắt nên gửi đến một vài tờ báo xem phản ứng ra sao. Nhưng đã hơn một năm qua đi, tất cả đều im lặng cho dù ông là cây bút có tên tuổi trên văn đàn, đã từng được giải thưởng của báo Giáo dục và thời đại trong cuộc thi thơ lục bát toàn quốc cách đây mấy năm.

Tiếc bài thơ, sau nhiều ngày trăn trở, Nguyễn Ngọc San đành chịu hy sinh bằng cách chữa hai câu cuối cho nhẹ bớt "gam màu" để đưa vào tập sắp xuất bản tuy biết rằng làm như thế là mình tự "giết" thơ minh:

Bên tê, ừ, cả bên ni
Hai bờ Thạch Hãn xanh rì cỏ non...

Công bằng mà nói, hai câu kết mới này cũng rất đáng nể vì nó là hình ảnh ẩn dụ lịch sử nhưng là kiểu ẩn dụ "bắc cầu", đọc rồi phải ngẫm nghĩ mới hiểu nhưng còn xa mới đạt được tầm khái quát của hai câu cũ. Có điều ông không ngờ, ngay cả chấp nhận "xuống thang" như thế mà vẫn không lọt qua mắt xanh của những nhà biên tập mẫn cán. "Cổ Thành..." vẫn bị loại.

Thôi thì, đành phải chờ... vậy. Ai bảo nhà thơ xứ vải Thanh Hà sinh ra trong cõi trần bụi bặm này vào năm Con Khỉ?

 

Chí Linh, 24/02/2008
ĐVS

 

ĐẶNG VĂN SINH

Sinh ngày 16 tháng 01 năm 1948 tại thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nguyên là giáo viên giảng dạy môn ngữ văn phổ thông trung học. Hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trưởng ban Văn Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương.

Tác phẩm đã xuất bản

Tập truyện :

  • Khúc Trương Chi

  • Nước mắt của biển

  • Ảo ảnh

  • Đêm trăng Tả Giàng

  • Rừng Ken Chải

  • Tiểu thuyết:

  • Người đàn bà trong lửa

  • Ga tàu

  • Hoa mận dại

  • Thanh kiếm Phù Tang

  • Ký ức làng Cùa (chưa xuất bản)

  • Địa chỉ : Khu dân cư 3, thị trấn BếnTắm, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương

    Điện thoại : 0320887031
    DĐ : 0982480820
    Email : dangvansinh1948@yahoo.com.vn

     

    LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

    Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
    Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
    PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.