.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Đặng Văn Sinh

Bản giao hưởng cổ tích

Nợ tình còn để cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan

  • 6.07.2008 

I -  MỴ NƯƠNG

Nhạc sỹ Từ Nguyên là một người suốt đời đi tìm cái đẹp. Những nhạc phẩm của anh thường phảng phất màu sắc lãng mạn. Từ lâu rồi, anh chỉ ước ao có một điều là viết được bản giao hưởng Trương Chi, vì Trương Chi là hình tượng đẹp nhất trong các hình tượng thẩm mỹ của huyền thoại dân gian Việt Nam.

Đã nhiều lần, Từ Nguyên bắt tay vào sáng tác nhưng không thành công. Cứ mỗi năm, vào dịp sinh nhật hăm ba  tháng bảy của mình, anh lại lôi trong ngăn kéo ra hàng chục tập nhạc dày, mỏng khác nhau, giở lướt qua rồi châm lửa đốt. Đối với anh, cái gì không đạt là loại bỏ, chẳng lưu giữ làm gì cho mệt.

Như vậy là, bên cạnh những ca khúc sản xuất hàng loạt chiều theo thị hiếu thẩm mỹ tầm thường của lớp công chúng văn hóa "lùn" để kiếm sống, Từ Nguyên vẫn còn duyên nợ với Trương Chi. Anh suy ngẫm, trăn trở, thậm chí dành cả những chuyến đi dài ngày để tạo cảm hứng, vậy mà cứ bắt tay vào viết là cảm xúc lại chạy đi đâu mất.  Cuối cùng, trên dòng kẻ chỉ còn lại những nốt nhạc khô cứng, vô hồn, máy móc chẳng nói lên được cái gì.

Trong căn gác hẹp chín mét vuông cho một chàng trai độc thân, Từ Nguyên nằm trên chiếc giường ọp ẹp vẩn vơ suy nghĩ về sự nghiệp. Anh băn khoăn, sự nghiệp là cái quái gì nếu mai đây tất cả đều ra nghĩa địa sau một quá trình vật lộn nhọc nhằn, giành giật với đồng loại trong cuộc đời đầy bất trắc chỉ để kiếm ngày vài bữa. Tiếng mọt gỗ nghiến ken két. Ngọn đèn sáu mươi watt đỏ quạch. Không gian trong căn hộ thật tù túng. Anh không thể ngủ mà cũng chẳng  thể sáng tác nhưng vẫn với tay cầm cuốn sách có câu chuyện Trương Chi. Có lẽ đây là lần thứ một trăm chàng nhạc sỹ tỉnh lẻ lật chậm rãi từng trang, ngả đầu lên gối, hững hờ đọc. Hóa ra, tập truyện cổ tích lại là một liều thuốc ngủ tuyệt vời. Chỉ mới liếc qua được vài dòng, mắt Từ Nguyên đã cứng lại. Anh không quen đọc sách nằm dài trong một tư thế. Người anh gần như rã rời. Cuốn sách tuột khỏi tay…

Trong khoảnh khắc, nhạc sỹ thấy mình đang ngự trên một chiếc thuyền rồng. Con sông rộng mênh mông nhưng sóng êm gió lặng. Mặt nước phẳng như gương, loang loáng phản chiếu ánh trăng rằm. Xa hơn một chút, phía bờ nam, nơi dải núi đá chạy dài đổ xuống tận mép nước là những khóm trúc lá xanh, thân nhỏ, đốt dài màu vàng ngà,  mọc rải rác từ thấp lên cao. Một vài cây thông già đứng trầm tư trước cảnh u tịch. Thỉnh thoảng một ngọn gió thoáng qua, lá thông reo khe khẽ. Cảnh non nước bồng lai nhập nhòa bảng lảng khiến từ Nguyên không biết mình đang ở cõi thực hay mộng.

Lòng dạ bâng khuâng, Từ Nguyên hầu như mất hết cả khái niệm về thời gian cũng như không gian. Anh lững thững bước đi như người say trên mạn thuyền. Con thuyền chắc là được đóng từ một thời rất xưa. Mạn thuyền, mui thuyền và lâu thuyền đều sơn son thiếp vàng. Hai bên mũi thuyền, người ta chạm nổi những con rồng đang ở thế vờn mây. Loại linh vật này sống động đến mức, Từ Nguyên có cảm giác chúng sẵn sàng  uốn mình bay lên trời bất cứ lúc nào. Trên lâu thuyền có một căn phòng, ngoài cửa treo rèm lụa kết chân chỉ hạt bột. Hai cánh sơn then vẽ hình con lân ẩn dưới đôi cánh phượng màu lục nhạt điểm những chấm vàng, chấm tía xen kẽ nhau. Cánh cửa khép hờ. Từ Nguyên chần chừ một lúc, nhưng rồi vì tò mò, anh lấy tay gõ nhẹ vào cái núm đồng hình bán nguyệt được gắn rất khéo trên khung cửa. Một người con gái mặt hoa da phấn, ăn mặc theo lối ngày xưa, tóc bỏ đuôi gà nhẹ nhàng từ trong bước ra.

Nhạc sỹ đứng lặng  bàng hoàng tưởng mình gặp tiên.

Người con gái cúi đầu chào :

- Có phải quý khách từ Kinh Thành đến đây không ạ ?

Từ Nguyên khẽ gật đầu. Anh bước theo người đẹp vào phòng trong trạng thái phiêu diêu. Xung quanh anh phảng phất mùi hoa dạ hương. Những ngọn bạch lạp tỏa thứ ánh sáng dìu dịu. Người con gái chỉ chiếc đôn gấm bên cạnh án thư nhỏ trên bày bộ Tam Thế.

- Mời quý khách an tọa…

- Xin lỗi. - Từ Nguyên tò mò nhìn căn phòng bài trí theo kiểu cổ, ngập ngừng mãi mới dám hỏi - Nàng là…

Người con gái mỉm cười, giọng thanh thanh, ngân như tiếng bạc :

- Thì quý khách cứ ngồi xuống đã rồi em xin thưa chuyện. Em biết chàng là nhạc sỹ Từ Nguyên nhưng chàng không thể biết em vì âm dương cách trở. Em chính là Mỵ Nương con gái quan thừa tướng trong câu chuyện tình ngày xưa mà chàng đang muốn viết thành giao hưởng.

- Hả ? - Từ Nguyên chợt thở gấp - Thế ra tôi đang ở cõi âm, còn nàng là cô gái đã gây nên cái chết của chàng lái đò ?

- Quý khách đừng kết tội oan em. - Người con gái chau mày, đôi mắt phượng thoáng nét buồn - Chàng không phải ở âm phủ của Diêm vương mà đang ở trên dòng sông Bồ của đảo Doanh Châu. Em là con gái nhà thế gia vọng tộc. Phận nữ nhi phải tòng quyền, nên một tiểu thư khuê các không thể làm bạn trăm năm với chàng lái đò nghèo.

- Cứ cho lẽ đời là như thế…- Từ Nguyên buông lửng câu nói và thầm nghĩ "Cô gái quả là một tuyệt thế giai nhân" - Nhưng sự thật thì nàng cảm tiếng hát của Trương Chi lắm kia mà ?

- Cái đó có phần đúng. - Người con gái thong thả nói - Em yêu tiếng hát Trương Chi nhưng không hiểu tâm hồn Trương Chi. Thời nào cũng vậy, trai gái yêu nhau đều có sự đồng cảm ở tâm hồn . Em đã hơn một lần gặp mặt chàng, nhưng… chàng thật đáng thương.

Bằng vào cảm quan của mình, Từ Nguyên biết người con gái nói thật lòng, nhưng xét cho đến cùng, anh đâu biết được những xung đột tình cảm trong con người Mỵ Nương qua bao thăng trầm dâu bể vốn là những bi kịch của nhiều thế kỷ xa xưa. Anh đâm ra nghi ngờ những điều mình đọc được trong cuốn truyện cổ tích :

- Nhưng nàng đã khóc kia mà. Có phải những giọt nước mắt của nàng thấm đến nỗi oan tình khiến Trương Chi ngậm cười nơi chín suối, còn chiếc chén thì đã tan ra?

- Sự thật không phải như vậy. - Mỵ Nương lắc đầu thở dài - Người đời không hiểu em và họ đã lm lẫn từ chính chiếc chén của Trương Chi, mà không hiểu do vô tình hay hữu ý đã đến với em ngày ấy. Những giọt nước mắt của em là thương cảm cho một kiếp người đau khổ vì đeo đuổi một mối tình vô vọng chứ không phải mặc cảm về cái chết của người lái đò không phải do mình gây ra. Thề có đấng Cao Xanh chứng giám, lương tâm em trong sạch, em không phải là người có tội. Em chưa bao giờ yêu chàng lái đò mặc dầu chàng có giọng hát đầy quyến rũ và hình dung không đến nỗi gớm guốc như người đời thường kể.

Từ Nguyên chau mày. Anh như người mất phương hướng, bởi vì trong truyền thuyết về người lái đò làm gì có những lời bộc bạch thẳng thắn, chân thành như thế này của một công nương xinh đẹp, ái nữ của quan thừa tướng. Huyền thoại trong ký ức của dân tộc đẹp lắm, nên thơ lắm. Nó không vô tình, trần trụi đến tàn nhẫn như cuộc tương kiến của anh với Mỵ Nương hôm nay. Nhưng dù sao chàng nhạc sỹ nơi dương gian vẫn không hiểu thêm được chút gì về bí mật chiếc chén :

- Người ta đồn rằng chiếc chén được tiện từ quả tim chàng lái đò đã vỡ tan ra khi một giọt nước mắt của nàng rơi vào đó ?

Người đẹp như ngỡ ngàng nhưng rồi nàng chợt hiểu ra, giọng trầm xuống có vẻ đượm buồn :

- Chiếc chén không vỡ, nó vẫn còn đây, để em mang ra cho quý khách xem…

Mỵ Nương rời gót sen vào gian trong lâu thuyền, chắc là buồng ngủ của nàng, lát sau lại bước ra với hộp gỗ mun trong tay. Chiếc hộp đen nhánh, hình lục lăng, dài rộng ước chừng một tấc, các mặt đều khảm xà cừ, nắp trên có quai xách. Một chiếc khóa nhỏ bằng bạc gắn vào phần giữa nắp. Người con gái hai tay nâng chiếc hộp nhìn Từ Nguyên. Nàng ngập ngừng rất lâu dường như trong tâm ý vẫn còn vương vấn điều gì, đến khi con thuyền rồng chợt dừng lại giữa sóng nước phủ đầy sương khói cạnh vách đá bên rừng trúc đào nàng mới khẽ bảo :

- Vật ấy ở trong này. Em xin gửi quý khách nhưng xin chàng về đến kinh thành hãy mở, và chỉ nên mở một mình, đừng để cho bất cứ ai biết về cuộc tương kiến giữa em với chàng hôm nay.

 

II - CÔ GÁI MÙ

Nhạn bị hỏng mắt từ năm mười hai tuổi do một căn bệnh hiểm nghèo. Bố cô là một nhạc công chơi đàn piano khá nổi tiếng của nhà hát thành phố, nhưng vì trước đây có dính dáng  chút ít đến vụ “Nhân văn Giai phẩm” nên không được trọng dụng. Trong một đợt lưu diễn ở nước ngoài, chẳng hiểu nghĩ luẩn quẩn thế nào, ông ta bỏ đoàn tìm cách chạy sang một nước phương Tây xin tỵ nạn. Bà mẹ buồn phiền vì gia cảnh cũng qua đời sau đó ít lâu. Nhạn sống bơ vơ trong cảnh cô đơn với đôi mắt tật nguyền nhưng lại thừa hưởng được ở người cha năng khiếu âm nhạc. Trong nhà còn duy nhất  chiếc đàn piano là có giá trị, thỉnh thoảng cô cũng tập nhưng không thành công. Vì bây giờ cô chỉ tập theo trí nhớ chứ mắt không còn nhìn thấy bản nhạc cũng như các phím đàn.

Thấm thoắt thế mà đã bảy năm. Bây giờ Nhạn đã bước sang tuổi hai mươi. Phải nói, Nhạn là một cô gái xinh đẹp nếu trời không làm mất đi đôi mắt. Cô có khổ người dong dỏng cao với khuôn mặt trái xoan, chiếc mũi thẳng và cặp môi lúc nào cũng đỏ. Vốn mặc cảm với đôi mắt tật nguyền nên Nhạn sống một cách âm thầm, cam chịu. Từ lâu cô không hề giao tiếp với thế giới ồn ào bên ngoài nhưng lại có đời sống nội tâm phong phú, rất đa cảm và dễ xúc động.

Từ ngày nhạc sỹ Từ Nguyên chuyển đến ở căn gác cuối phố, Nhạn thấy đỡ cô đơn hơn. Bởi vì Từ Nguyên không có đàn, hàng tuần, anh thường đến đàn nhờ trên chiếc dương cầm của Nhạn. Từ Nguyên thường ít khi sáng tác ca khúc trên đàn mà chỉ sử dụng đàn ở phần hòa âm, phối khí. Khi nào cảm thấy tác phẩm đã tương đối hoàn chỉnh, anh mới dạo vài lượt trên piano hoặc guitar. Tuy nhiên những bản nhạc không lời đối với anh rất cần đàn, nhất là những phác thảo Trương Chi mà anh ấp ủ từ lâu.

Buổi tối hôm ấy, sau khi ăn chiếc bánh mỳ kẹp pa tê, loại một ngàn năm trăm đồng, anh gài cửa lại rồi mang tập nhạc đến căn nhà 14 giữa phố. Nghe tiếng gõ cửa, cô gái mù nhận biết ngay nhạc  sỹ. Cô hỏi  :

- Anh có ca khúc mới à ?

Từ Nguyên kéo tay Nhạn lại gần đàn bảo nhỏ :

- Em ngồi vào ghế này, anh thử đàn em nghe xem có được không nhé.

Cô gái ngước cặp mắt tật nguyền về phía nhạc sỹ :

- Tên bài hát là gì hả anh ?

Từ Nguyên ậm ừ :

- Em cứ nghe xem thế nào đã, nếu được anh sẽ đặt tên sau.

Từ Nguyên ngồi vào đàn dạo phần mở đầu chừng vài phút rồi mới đi vào chủ đề chính của chương hai mà trong phác thảo anh dự kiến là Mỵ Nương. Căn phòng chìm đi trong làn sóng âm thanh từ chiếc dương cầm. Hai bàn tay Từ Nguyên như múa trên hàng phím. Anh chơi say sưa, truyền cảm như hòa nhập tâm hồn vào những giai điệu. Có những khúc biến tấu anh lướt một cách tùy hứng vượt ra ngoài cả những phức điệu của chủ đề trung tâm. Nhạn lắng nghe chăm chú. Cô ngồi tựa đầu vào thành ghế, cặp chân mày nhíu lại tựa như đang căng thẳng dồn sức để theo kịp những tiết tấu dồn dập của bản nhạc.

Sau khi kết thúc những hợp âm cuối cùng, Từ Nguyên đóng nắp đàn đứng dậy. Không khí trong phòng căng thẳng. Anh chờ lời tán thưởng của Nhạn, nhưng cô gái vẫn ngồi yên, cặp mắt mờ tối hầu như không có phản ứng gì. Cuối cùng, chính anh lại phá vỡ sự im lặng :

- Em thấy thế nào ?

- Anh bảo gì cơ ?

- Bản nhạc ấy. Em có nghe được gì không ?

Nhạn nhíu mày :

- Em nghĩ…

- Nhạn cứ nói.

- Em đã rất chú ý nghe mà thú thật vẫn không thấy được chủ đề. Anh đàn nhiệt tình và phải nói là tài hoa nữa nhưng phác thảo hình như còn khô cứng, thiếu chiều sâu cần thiết để diễn tả những trạng thái cảm xúc tâm hồn.

Từ Nguyên khẽ gật đầu. Anh gấp vở nhạc, cuốn lại nhét vào túi rồi bảo :

- Cảm ơn em. Đúng như em nhận xét, nghe xong anh mới thấy chủ đề loãng, hình tượng mờ nhạt, cho dù đấy chính là chương hai, có tiêu đề Mỵ Nương trong bản giao hưởng Trương Chi.

Về đến căn gác của mình, Từ Nguyên châm lửa đốt tập nhạc.

 

III - TRƯƠNG CHI     

Bên trong hộp gỗ mun là lớp nỉ đỏ Đan Thiềm. Trong lớp nỉ Đan Thiềm là chiếc chén màu cánh gián được tiện rất công phu. Nó nhẹ và mỏng hơn cả chén sứ Giang Tây.

Không thể nói là mơ nhưng cũng không thể bảo là thực. Từ Nguyên băn khoăn bởi điều lạ vừa xảy ra đêm qua. Anh chợt thấy lạnh sống lưng. Dường như lúc này bản thể không còn hiện hữu. Mọi thứ trong căn gác chín mét vuông này có lẽ chỉ là sản phẩm của ảo giác. Bản thân anh hình như cũng tồn tại một cách rất đáng ngờ. Mọi đam mê, kể cả đam mê xác thịt cũng bị lãng quên. Tất cả là một khối hỗn độn, u ám. Cầm chiếc chén lạ trong tay, Từ Nguyên cảm thấy tâm trạng bồn chồn. Anh soi nó ra trước đèn. Đúng là một chiếc chén. Nó chỉ nhỉnh hơn chiếc chén hạt mít của các ông đồ ngày xưa vẫn dùng uống rượu một chút. Đó là một vật thể đáy tròn, miệng hơi khum hình quả trứng chứ không vuốt thẳng đều như thứ chén thường.

- Rõ ràng có một người con gái đưa tận tay mình chiếc hộp. - Từ Nguyên chợt lẩm bẩm thành tiếng - Nàng còn dặn về đến Kinh Thành mới được mở. Và mình đã mở. Rồi trong hộp có một chiếc chén. Sẽ còn thứ gì tiếp diễn nữa ? Trong huyền thoại có nhiều chi tiết, tình tiết nên thơ lắm. Ta cứ thử liều viết vài dòng phần dạo đầu cho chương một xem sao.

Hôm ấy Từ Nguyên viết suốt ngày. Đến tối, chợt nhớ ra từ sáng chưa ăn gì, anh móc túi đem số tiền nhuận bút ít ỏi người ta vừa trả cho ca khúc Tiếng hát ban chiều rồi ra phố.

Anh mang về  hai chiếc bánh mỳ, nửa chai rượu trắng và vài gói lạc rang. Ăn xong, Từ Nguyên ngồi uống nước. Ấm trà một ngàn đồng, thơm nhưng vị nhạt. Tàn ấm trà, anh rót rượu ra chiếc cốc thủy tinh. Viết suốt ngày đã thấm mệt, anh muốn mượn chén rượu cho người thư giãn. Vừa nâng cốc, như chợt nhớ ra điều gì, anh vội mở hộp, lấy cái chén ra, nghiêng cốc đổ vào một ít rượu. Rượu trong chén tự nhiên sủi tăm. Những hạt nhỏ li ti nổi lên rồi lại chìm xuống như đang sôi. Một mùi thơm ngào ngạt lan tỏa khắp gian phòng làm Từ Nguyên bỗng chốc kinh hoàng. Trong khoảnh khắc, không gian hừng lên thứ ánh sáng màu ngọc bích lung linh huyền ảo. Từ đâu đó vọng về tiếng hát với những âm thanh dìu dặt, lúc khoan lúc nhặt lẫn với tiếng tiêu trầm trầm thả giữa lưng trời làm anh có cảm giác như mình đang bồng bềnh giữa cảnh thiên thai đêm nào. Có lẽ vì quá tò mò, Từ Nguyên chớp mắt liền mấy cái rồi định thần  nhìn vào chiếc chén. Chiếc thuyền nhỏ xíu mui bồng đang lượn lờ trôi. Trên mạn, một chàng trai mặc áo chẽn, đầu quấn khăn chữ " vạn", vừa chèo vừa ca :

Trời xanh xanh, đám mây kia hình vảy cá
Thoắt lại biến thành nàng tiên nữ
Xiêm áo bồng bềnh hư ảo
Giọt nước mắt người đẹp
Tưới ướt đẫm thiên hà
Những chấm sao cô đơn
Sụt sùi vì mối hận tình ba vạn sáu ngàn ngày
trong cõi mang mang
Giọt tinh cầu là núm vú của trời
Gió nồm nam là hơi thở của trời
Sấm sét là tiếng khóc của trời
Còn màu mây trắng kia
chính là trinh tiết của trời
dành cho nàng trên lầu hoa...

Mái chèo nhịp nhàng khoát nước, vừa đẩy thuyền lên phía trước vừa như gõ nhịp cho giọng ca mỗi lúc thêm phần huyền bí. Đêm trăng thanh, lãng đãng một khung trời vô định. Chàng ngư phủ cảm khái bỗng chuyển sang ca từ của một bài cổ thi :

Non nước hữu tình hề
Bồng Đảo, Doanh Châu giữa mịt mù khơi
Ba vạn sáu ngàn ngày hề
Đời người như bóng câu qua cửa sổ
Đêm xuân mơ màng hề
Thấp thoáng bóng giai nhân
Trên sông khói sóng hề
Thuyền ta chở muôn sao lấp lánh
Giọt móc ướt đẫm vai áo hề
Đêm lạnh
Sương khuya bảng lảng hề
Tình hoài
Giọt lệ chảy ngược lên dải ngân hà hề
Vũ trụ xoay vần
Ngư phủ chèo thuyền trên sông Bồ hề
Về cõi Thiên Thai...

Tiếng hát vừa não nề vừa ai oán lại như vừa hàm chứa một dự cảm xa xôi về thân phận con người. Qua lời ca, người ta có cảm giác như là chàng lái đò - ngư phủ kia đã rũ sạch bụi trần, không màng danh lợi, chèo thuyền vào cõi mịt mù, sống với gió mát trăng thanh mà tưởng nhớ đến ngời đẹp trong mộng. Âu đó cũng là thói thường của những kẻ phong lưu, đa tình, lúc nào cũng sống trên mây trên gió mà không biết rằng trên cõi đời đầy bụi bặm này cũng còn có những thú vui rất đáng sống như chiếc ghế quyền lực của kẻ độc tài, tiền,vàng rút ra từ những dự án đầu tư của nước ngoài hay gái làng chơi ở những nhà thổ cao cấp được những ông trùm tư bản “đỏ”cỡ bự bí mật bảo kê.

Tiếng ca vừa lặng đi, nhạc sỹ lấy hết can đảm, ghé sát chén rượu hỏi khẽ :

 - Có phải chàng là Trương Chi ?

Chàng ngư phủ gác mái chèo, hướng cặp mắt mơ màng vào khoảng không chơi vơi như đang tìm ai trên mặt nước lóng lánh sao trời :

- Tôi là người lái đò trên sông...

- Chàng vẫn ôm mối hận tình từ bấy đến giờ?

- Người bảo tôi hận tình ư? - Trương Chi lắc đầu - Buồn vì thói đời đen bạc thì có nhưng hận tình thì không.

- Vậy thì vì sao khi chết đi chàng còn để lại khối tình u uất cho người đời bằng chính trái tim mình? Bây giờ khối hận tình ấy vẫn còn dưới hình hài chiếc chén mà chàng đang hiên diện đó thôi. 

Trương Chi im lặng, đăm chiêu suy nghĩ về lời người nhạc sỹ. Biết nói sao cho anh ta hiểu lòng mình một khi tất cả mọi thứ, từ tiền tài, danh vọng  đến yêu thương hờn giận ... tất cả cũng chỉ là ảo ảnh thoáng qua, giống như giọt sương trên đầu ngọn cỏ buổi sớm mai. Thế giới hữu hình mà ta nhìn thấy chẳng qua là sự phản chiếu  trong khoảnh khắc của cõi hư vô, vậy thì hận thù có ích gì? Chàng nhìn ông khách phàm trần một thoáng, sửa lại vành khăn chữ "vạn" rồi thong thả nói :

- Người đời không hiểu tôi. Họ khoác cho tôi tấm áo nhuốm màu huyền thoại. Chiếc áo thật lung linh nhưng cũng lắm nỗi đau buồn. Quả thật tôi yêu Mỵ Nương nhưng phận nghèo hèn đâu dám với tới nơi lầu son gác tía. Tôi yêu nàng nhưng biết rằng chẳng bao giờ được chung sống cùng nàng. Đó là lẽ thường trên đời, tôi nghĩ người phải hiểu điều đó.

- Chàng có tiếng hát... - Từ Nguyên vội ngắt lời - Tiếng hát  chính là nguyên nhân làm say lòng cô tiểu thư con quan thừa tướng . Hình như cuộc tương ngộ đó là một thứ định mệnh...

Trương Chi thở dài :

- Cái chính là ở chỗ ấy đấy. Hơn một lần, Mỵ Nương bị lầm. Nàng không chế ngự được tình cảm mà dễ bị cuốn hút bởi những cái phù phiếm bên ngoài. Mỵ Nương không có chiều sâu tâm hồn cho dù nàng là người đa cảm. Phần lớn những thiếu nữ khuê các ngày xưa là thế. Họ chỉ chuộng cái hình thức bên ngoài mà bỏ quên mất cái tốt đẹp ẩn kín bên trong.

- Chẳng lẽ tiếng hát của chàng cũng chỉ là cái hình thức hào nhoáng bên ngoài mà không phải chính con tim đã khiến sợi tơ lòng rung lên. - Nhạc sĩ thời hiện đại băn khoăn hỏi.

- Còn tuỳ ở cách nhìn nhận ở mỗi người. - Trương Chi nói - Với tôi là tiếng hát tự đáy lòng, nhưng với Mỵ Nương lại chỉ là thứ xướng ca, tô điểm thêm chút ít cho cuộc sống vương giả nhưng  nhạt nhẽo của nàng.

- Ra vậy...

- Có lẽ vì thế mà Mỵ Nương, sau trận ốm tương tư, tưởng cầm chắc cái chết, nhưng khi nhìn thấy tôi, nàng đã ngất đi. Tuy nhiên, đó chỉ là cơn suy sụp tạm thời để người đẹp cân bằng lại trạng thái tinh thần và cuối cùng là khỏi hẳn. Đối với tôi, nợ đời như thế đã trả xong.

- Có nghĩa là... - Từ Nguyên ngập ngừng - chàng đã cứu sống Mỵ Nương ?

- Điều đó đúng mà cũng không đúng. Tiếng hát của tôi giống như một nghiệp chướng.

- Nhưng còn trái tim ? Chắc là trái tim chàng vẫn còn đang thổn thức ? - Từ Nguyên gặng hỏi - Trái tim ấy phải  yêu thương nồng nàn lắm mới trở thành huyền thoại.. Chàng nói đi, lúc ấy, chàng thất vọng hay là hy vọng?

- Trong tôi hình như đồng thời có cả hai tình cảm đó. - Trương Chi gật đầu. - Tình yêu của con người vĩnh cửu cũng chính bởi những điều tưởng như đối nghịch với nhau như thế.

- Và chàng tha thứ cho cái thói đỏng đảnh của nàng ?

Trương Chi lắc đầu :

- Nói công bằng ra thì Mỵ Nương  không có lỗi. Những lời nàng nói đều chân tình.

- Thật là một bi kịch . - Từ Nguyên nhắm mắt nói một mình. -Một chuyện tình đầy mâu thuẫn mà cả hai đều là những người cao thượng. Đã từ lâu rồi, tôi muốn viết một bản nhạc về câu chuyện tình của chàng, nhưng mỗi khi soạn xong lại thấy nó tầm thường, nhạt nhẽo, thiếu sức hấp dẫn. Chàng là ca sĩ nổi danh của một thời, đã từng đau khổ vì mối tình ngang trái, hãy bảo cho tôi biết phải làm gì...

Trương Chi cau mày. Thoáng chốc mặt nước trong lòng chén như chợt dâng trào. Những con sóng lăn tăn khẽ xô vào mạn thuyền. Chàng ngư phủ đảo mái chèo khoát nước đẩy con thuyền quay mũi xuôi dòng rồi từ từ ngoảnh lại bảo :

- Hãy viết trong nỗi đau đớn tuyệt đỉnh  và niềm hy vọng cao cả cùng với trái tim nóng bỏng yêu thương con người, chớ lệ thuộc vào bất cứ thứ mỹ học hào nhoáng nào. Tấm lòng người nghệ sĩ phải thanh sạch và đừng bao giờ khuất phục cường quyền.

Con thuyền xuôi dòng. Mái chèo nhẹ nhàng gạt nước. Hình dáng con đò và chàng ngư phủ mờ dần.

 

IV- KHÚC TRƯƠNG CHI  

Nhạn ngồi lặng lẽ  nghe Từ Nguyên đàn. Những chuỗi âm thanh dồn dập như đang cuốn hút tâm trí cô. Nhạc sĩ vẫn chưa nõi cho cô biết đây là khúc dạo đầu của bản giao hưởng Trương Chi, tuy nhiên, với khả năng thẩm âm của mình, Nhạn biết ở khúc này, Từ Nguyên đã tự vượt lên chính mình. Những nét nhạc gợi buồn khiến  tâm trạng Nhạn cũng buồn. Tiếng đàn vừa ngừng, Nhạn buồn rầu nói :

- Ước gì em chỉ một lần nhìn thấy ánh sáng mặt trời rồi vĩnh viễn đen tối cũng thoả lòng.

Từ Nguyên đóng nắp đàn, giọng bùi ngùi :

- Anh cũng khao khát điều kỳ diệu ấy đối với em, nhưng...

- Nhưng sao hả anh ?

Nhạc sĩ không nói hết câu, gập vở nhạc lại, rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh dịu dàng bảo :

- Nghe anh, trường hợp của em y học hiện đại có th mổ được. Hãy cứ thử xem, may ra...

Nhạn lắc đầu :

- Em đã đi khám hầu hết các bệnh viện danh tiếng, các bác sĩ cho biết, tỷ lệ khỏi bệnh rất thấp, đấy là chưa kể những trường hợp rủi ro biến chứng, mà em thì đã bị  gần chục năm rồi.

Từ Nguyên đăm đăm nhìn cô gái, lòng đầy thươg cảm. Anh thầm nghĩ, cô ấy có tâm hồn trong trắng nhưng số phận hẩm hiu. Biết làm thế nào được. Có thể đây cũng là định mệnh mà tạo hoá đã an bài. Đã nhiều lần anh muốn nói với cô gái điều hệ trọng, nhưng cứ sắp nói ra lại thấy như có cái gì vương vướng. Hình như anh sợ những mặc cảm của cô.

Cuối cùng rồi điều ấy cũng xảy ra vào một đêm trăng mờ khi nhạc sĩ biết nếu mình không nói thì sẽ chẳng bao giờ nói được :

- Anh hỏi Nhạn điều này.

- Em nghe đây. Anh nói đi.

- Anh ...yêu Nhạn ...

Cô gái mù đưa hai tay ôm lấy mặt, đầu cúi gục. Lát sau, cô ngẩng lên, hai bàn tay đẫm nước mắt, giọng thổn thức :

- Em cảm ơn anh, nhưng mà không được đâu anh ơi !

- Sao kia Nhạn ? Chẳng lẽ em không tin ?

- Anh không yêu mà chỉ thương em, điều ấy em biết...

Đêm ấy, anh suy nghĩ mãi về những lời tỏ tình với Nhạn mà không được chấp nhận. Anh biết cô mặc cảm với đôi mắt tật nguyền. Ở với cô, anh sẽ phải  san sẻ gánh nặng gia đình. Rồi biết đâu, trong những lúc quẫn bách sau này, anh sẽ chẳng phải ân hận hận vì những quyết định vội vàng đầy chất nghệ sĩ của mình. Anh đến với cô gái mù bởi chính mình cũng đang cô đơn, và muốn bù đắp một phần mất mát cho Nhạn bằng tình yêu thương chân thành.

Một tuần sau, Từ Nguyên bảo Nhạn :

- Anh có một người bạn con trai giáo sư Khánh là chuyên gia đầu ngành  nhãn  khoa. Bác ấy hứa sẽ khám và mổ cho em.

Nhạn lắc đầu :

- Bệnh của em là do viêm dây thần kinh dẫn đến tổn thương võng mạc chứ không phải chỉ là đục thuỷ tinh thể, có mổ cũng chẳng khỏi được. Anh đừng làm phiền người ta.

- Nhưng mà anh yêu em. - Từ Nguyên nói trong nỗi đắng cay - Anh muốn em nhìn thấy ánh mặt trời không chỉ một lần và nhất là để em trở lại với cây đàn...

- Anh bảo sao ? - Nhạn bỗng thở gấp - Trở lại với cây đàn của em... Điếu ấy xa vời quá, nhưng giá mà có thể được.

- Em đồng ý chứ ?

- Anh để em suy nghĩ thêm đã - Nhạn khẽ gật đầu - Dù sao em cũng chẳng mất gì thêm được nữa. Đằng nào thì em cũng không còn đôi mắt từ lâu rồi.

***

Ông giáo sư chuyên khoa mắt nói với Từ Nguyên trước khi làm phẫu thật cho Nhạn :

- Trường hợp này tôi không dám đảm bảo kết quả sau khi mổ, vì trước khi thể thuỷ tinh thương tổn, bệnh nhân đã bị viêm dây thần kinh ở thể cấp. Nói chung, đối với những ca như thế này, dù là bác sĩ đầu ngành tôi cũng thấy ít hy vọng.

Từ nguyên gật đầu :

- Xin giáo sư cứ tiến hành ca mổ. Điều ấy cháu và Nhạn đã lường trước.

- Còn một điều nữa. - Giáo sư nói tiếp - Đây là cơ hội duy nhất đồng thời cũng là cơ hội cuối cùng, không thể mổ tiếp lần thứ hai. Nếu tôi thất bại có nghĩa là cô ấy vĩnh viễn mất đôi mắt.

- Vâng ! - Từ Nguyên gật đầu. Giọng anh trầm xuống. - Dù sao thì cô ấy cũng chẳng còn gì để mất nữa.

Ông giáo sư nheo mắt cười độ lượng :

- Như thế tức là anh chơi canh bạc khát nước đấy. Mà tôi quên chưa hỏi, anh là thế nào với cô gái ấy ?

- Thưa giáo sư, cháu là bạn.

- Chỉ có thế thôi à ?

Từ Nguyên cúi đầu. Anh lặng lẽ chào giáo sư Vũ Khánh rồi bước ra phòng ngoài nơi Nhạn đang chờ.

Ca mổ kéo dài bốn giờ ba mươi mốt phút. Lúc ấy là mười sáu giờ bốn mươi ba. Ông giáo sư bước ra khỏi phòng mổ trong dáng mệt mỏi của những người già phải đứng trong tư thế không bình thường quá lâu. Thấy Từ Nguyên chạy đến, ông kéo anh vào phòng mình bảo:

- Còn phải theo dõi nhưng tôi có linh cảm là sẽ không chắc thành công. Phần lớn rễ dây thần kinh đã thoái hoá, võng mạc có những khối u nhỏ, khả năng phục hồi là rất thấp. Anh thứ lỗi cho tôi. - Ông rút khăn chấm nước mắt, giọng cố nén mà vẫn run lên vì xúc động - Một cô gái trẻ đẹp có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh như thế mà y học đành chịu bó tay...

Phải một tuần sau Nhạn mới được ra viện. Đôi mắt cô đã được tháo băng nhưng trước mặt vẫn tối om. Nhạn buồn lắm. Âu cũng là số trời đã định, con người dù có muốn cũng không cưỡng lại được. Tuy nhiên Từ Nguyên vẫn chưa hết niềm tin. Anh còn hy vọng ở liệu pháp tâm lý và tình cảm mà giáo sư Khánh đã nói trước khi tiến hành ca mổ. Bây giờ thì anh không chỉ xót thương mà còn yêu Nhạn với một tình yêu không kém gì Trương Chi đối với Mỵ Nương. Anh yêu mà đau khổ. Tình yêu này vừa có sự ngọt ngào hôm nay vừa có vị cay đắng của ngày mai.

Như có cái gì chợt thôi thúc trong lòng, Từ Nguyên vùng dậy bật ngọn đèn sáu mươi watt đỏ quạch và ngồi vào bàn viết. Anh cắm cúi lia bút trên những khuông nhạc. Tâm trí anh lúc này tỉnh táo và hứng khởi lạ thường. Những ý tưởng tiềm ẩn trong lòng bây giờ tuôn ra như sóng trào. Viết đến hình tượng Trương Chi, anh hình dung ra con đò nhỏ khó nhọc vượt lên ngàn vạn lớp sóng ngầu bọt giữa trùng khơi. Chàng ngư phủ gò người trên mái chèo, mắt đăm đăm nhìn về cửa sổ lầu hoa, buông tiếng hát. Ở hình tượng Mỵ Nương, anh cố gắng sử dụng cấu trúc âm thanh của lối hát Ả Đào cùng với những biến tấu linh hoạt, mạch lạc của của làn điệu Quan họ Bắc Ninh, khắc hoạ  con thuyền rồng dập dềnh trên mặt sóng lăn tăn màu lục ngọc như là  phản chiếu ánh cầu vồng sau cơn mưa đầu mùa. Dòng âm thanh đang hiền hoà như tiếng mẹ ru con bỗng nhiên cuồng loạn như thác đổ. Mặt biển duềnh lên những con sóng lừng báo trước một trận phong ba…

Sáng sớm, Từ Nguyên chưa kịp ăn điểm tâm, cầm tập nhạc nhảy ba bước một xuống khỏi căn gác rồi lao ra đường. Đến nơi, nhạc sĩ chỉ kịp bảo Nhạn :

- Em ngồi vào ghế, nghe anh đàn thử.

Sau khúc dạo đầu, cả Từ Nguyên và Nhạn đều bị chìm vào một thế giới khác lạ, thế giới của những thiên thần và tình yêu vĩnh cửu. Càng nghe, gương mặt Nhạn càng rạng rỡ, khác hẳn những lần đàn trước. Cô gái mù thì thầm:

- Nếu em không nhầm thì đây mới chính là tác phẩm  mà anh đã ấp ủ tờ lâu, có phải là bản Trương Chi ?

Người nhạc sĩ như run lên. Anh chợt ngừng đàn, sững sờ :

- Sao em biết đây là bản Trương Chi ?

- Đã bao nhiêu lần đàn cho em nghe những phác thảo về huyền thoại này mà anh đều không thành công. Anh cố tình giấu em chủ đề tác phẩm nhưng lẽ nào em lại không biết ý đồ sáng tác của anh. Hãy đàn tiếp đi, chương tiếp theo chắc là Mỵ Nương phải không anh ?

- Em hiểu anh hơn cả anh đấy Nhạn ạ.

Đến cuối chương  hai, Nhạn đứng dậy, lần lần đến bên Từ Nguyên , thở dài :

- Số phận Trương Chi thật bất hạnh... Cuộc đời chàng đầy bi kịch. Chàng có tâm hồn cao thượng nhưng tâm trạng lại đầy mâu thuẫn. Ôi! Hình tượng Trương Chi của anh đẹp quá. Trời! Anh ơi! Ánh sáng...

Từ Nguyên ngừng đàn, đứng dậy, ôm vai Nhạn kéo lại phía mình. Anh nín thở nhìn rất sâu vào đôi mắt đã sống lại của cô gái rồi đặt vào môi cô một nụ hôn.

***

Đêm hôm ấy, trên căn gác của mình, Từ Nguyên tìm chiếc hộp gỗ mun nhưng không thấy. Anh thầm nghĩ, có lẽ chiến chén kỳ lạ đã hoàn nguyên trái tim nóng  bỏng, sau mấy trăm năm thăng trầm dâu bể, trả lại cho chàng Trương Chi chút hơi ấm của tình yêu.

 

Đ.V.S

ĐẶNG VĂN SINH

Sinh ngày 16 tháng 01 năm 1948 tại thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nguyên là giáo viên giảng dạy môn ngữ văn phổ thông trung học. Hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản

Tập truyện :

  • Khúc Trương Chi

  • Nước mắt của biển

  • Ảo ảnh

  • Đêm trăng Tả Giàng

  • Rừng Ken Chải

  • Tiểu thuyết:

  • Người đàn bà trong lửa

  • Ga tàu

  • Hoa mận dại

  • Thanh kiếm Phù Tang

  • Ký ức làng Cùa (chưa xuất bản)

  • LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

    Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
    Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
    PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.