.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

    TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Đặng Văn Sinh

Rừng ken chải

  • 28.08.2008 

Cưới vợ xong, Hà Thiết vào rừng đốn gỗ làm nhà. Vợ anh là Nông Thị Nhóng đẹp nhất bản Nà Ngườm. Mấy tháng trước, chánh tổng Bế Hữu Tài đã đem bạc trắng đến nhà Nông Viết Định hỏi Nhóng cho con trai là Bế Tòng. Cô gái Tày chưa đến mười bảy tuổi, có cặp mắt mơ màng như mắt cá Pạc Nhì suối Nậm Thoong, ghét bọn nhà giầu cậy của khinh người, thản nhiên bảo :

- Bố mế tham bạc trắng gả con cho nhà quan là con nhẩy xuống vực Thuồng Luồng...

Ông Định sợ bởi hồi đầu năm, chẳng hiểu vì sao, Ma Thị Nhàn, vợ trước của thằng Tòng, nửa đêm chạy vào rừng ăn lá ngón chết. Mấy bản quanh vùng, con gái nhà ai cũng sợ về làm dâu họ Bế. Đám cưới Thiết và Nhóng như cái gai chọc vào mắt Bế Hữu Tài. Lão không nói ra nhưng trong lòng luôn ngấm ngầm đợi dịp trả thù.

Từ lâu, Bế Hữu Tài đã làm chức việc cho người Pháp. Thỉnh thoảng lão lại cưỡi ngựa lên đồn Pha Lay  ở châu lỵ Bình Xuyên chơi với quan ba Jacques Duclos mắt xanh mũi lõ. Viên chánh tổng này còn có biệt tài đánh hơi mùi hổ cốt. Dù ở thung lũng Đá Xám mờ sương hay trên đỉnh Thiên Phong quanh năm tuyết phủ, nghe tin phường săn nào bắn được cọp là lập tức lão sai tay chân đến lấy bộ xương về nấu cao. Dân Bình Xuyên ai cũng thù lão. Bế Tòng giống hệt tính bố. Nó cậy nhà có nhiều trâu ngựa, lại đựợc quan Tây che chở, coi thiên hạ như rác. Trong những cuộc chè chén với lũ đàn em, mỗi khi chuếnh choáng hơi men, gã thường huyênh hoang tuyên bố :

- Con Nhóng đáng lẽ là vợ tao, thế nào tao cũng bắt về cho mà xem.

Ngôi nhà sàn của vợ chồng Hà Thiết ở rừng Ken Chải, cách hẳn với bản Nà Ngườm ba quả đồi. Từ nhiều đời nay, trừ một vài gia đình người La Hủ ở thung lũng Xín Vàng, còn người Tày, người Nùng không ai đến ở  khu này vì họ sợ một truyền thuyết về vực Thuồng Luồng. Suối Bạc chảy từ ngọn Cốc Dì qua rừng Ken Chải khoét xuống thành một vực sâu, nước trong vắt như pha lê. Vào những đêm trăng sáng thường có cô gái mặt hoa da phấn, tóc đen như mun, từ dưới nước leo lên tảng đá trắng trên bờ, trút bỏ xiêm  áo, phô ra giữa đất trời tấm thân ngà ngọc mê hoặc những càng trai trẻ đa tình.

Trai bản không hiếm những kẻ hiếu kỳ, thích ma quỷ đẹp hơn là người trần kém nhan sắc, chẳng biết sợ là gì, lén lút rủ nhau ra bờ suối, hy vọng nhìn thấy mỹ nhân trong cảnh thiên thai. Dần dần bọn này mắc một chứng bệnh kỳ lạ, đó là bệnh quên. Họ quên ông bà, cha mẹ, vợ con, thậm chí mất hết cả mọi ý niệm về bản thân mình, suốt ngày đi lang thang tơ tưởng người đẹp dưới thuỷ cung. Những đêm như thế, dòng suối Bạc lung linh dưới ánh trăng ngà. Mặt nước sóng sánh hằng hà sa những đốm sáng như vảy  cá chép vàng bắt nắng ban mai.Trong cảnh sắc chập chờn, huyền ảo, thỉnh thoảng một gã si tình lại nhẩy xuống vực tìm người trong mộng. Có điều lạ là, ngày hôm sau, người ta không bao giờ tìm thấy xác nạn nhân. Các bậc cao niên trong bản bảo, chuyện bí hiểm ấy là do Thần  Rừng làm ra, còn những người không tin vào  ma quỷ lại cho rằng đấy chỉ là một thứ huyền thoại nhằm cảnh tỉnh những kẻ lắm đam mê, nhưng con suối Bạc và vực Thuồng Luồng thì vẫn còn đến bây giờ.

Hà Thiết là chàng trai mang trong mình hai dòng máu, bố Kinh, mẹ Tày. Ông Thao lưu lạc đến vùng bình Xuyên từ nhỏ, làm con nuôi họ Hà, lớn  lên được gia chủ cưới cho một cô gái người bản Nậm Coóng. Ông giỏi nghề mộc, đã từng được quan châu đón lên châu lỵ làm dinh thự nhưng mệnh số bị hãm, không ở được với vợ con lâu dài. Cách đây mấy năm, một lần đi rừng về lội qua suối Nậm Thoong, ông bị nước lũ cuốn trôi.

Biết Nhóng phải lòng Hà Thiết, ông bố xem ra không hài lòng, bảo con gái :

- Thằng ấy giỏi trai nhưng tao ngại nó là người Kinh. Bọn người Kinh khôn ngoan mà hay xảo trá. Sống với họ luôn phải cảnh giác, bởi vì, trong đầu họ luôn có những cái mà người vùng cao ta không có được.

Nhóng thì không mấy quan tâm đến người chồng tương lai là Kinh hay Tày mà thề rằng, nếu không được làm vợ Hà Thiết thì suốt đời sẽ không lấy ai cả. Rốt cuộc, Nông Viết Định cũng phải chấp nhận chuyện trăm năm của con gái khi mẹ Hà Thiết mang lễ vật sang dạm hỏi.

Năm ấy mưa muộn, mãi đến cuối tháng tám suối Bạc vẫn còn lũ. Một buổi chiều, Hà Thiết vác củi từ trên nương về, chợt nhìn thấy một vật gì giống con chó vện bị dòng nước đẩy giạt vào ghềnh đá. Anh quẳng bó củi, lại gần xem, thì ra là một chú hổ lạc mẹ, gãy chân trước, những đám lông vằn vèo dính bết vào da thịt nhợt nhạt, hai mắt nhắm nghiền trong tình trạng gần như đã chết. Hà Thiết vác con cọp lên vai, chạy một mạch về nhà bảo vợ đem rượu mật gấu xoa khắp người cho nó. Nhóng sợ hết hồn, giãy nảy :

- Anh mang ra rừng thả hoặc giết nó đi. Bố con chánh Tòng mà biết nhà mình nuôi cọp thì chúng không để yên cho mà làm ăn đâu.

Hà Thiết bế con cọp lại gần bếp lửa hơ cho nó khô lông rồi thong thả bảo vợ :

- Nó còn bé, thiếu sự chăm sóc của mẹ lại bị gẫy chân, bây giờ thả về rừng là chết đói. Anh nghĩ, con vật cũng như con người, mình cứu nó nó nỡ lòng nào hại mình.

Con hổ yếu lắm, mãi chiều hôm sau mới liếm được ít cháo trứng gà. Vết thương khá nặng. Những đoạn xương gẫy trồi khỏi khuỷu chân đâm ra ngoài khiến nó bị sốt cao, suốt ngày nằm thiêm thiếp, thở khò khè như đứa trẻ mắc chứng hen phế quản. Sau khi đắp thuốc, Hà Thiết phải dùng hai chiếc nẹp tre kẹp vào chân con hổ rồi quấn dây chung quanh để cố định khớp xương. Đi làm thì thôi, về đến nhà nhìn thấy con hổ là Nhóng lại càu nhàu. Nhưng rồi thấy chồng hết lòng cứu chữa con vật, chẳng quản ngày đêm lội suối băng rừng kiếm thuốc, cô cũng dần dần nguôi giận. Mỗi sáng, trước khi lên nương, Nhóng còn giúp chồng nấu cháo pha mật ong đổ từng thìa cho con thú. Được chừng mười ngày thì Hà Thiết tháo nẹp. Vết thương của hổ, nói chung rất lâu khỏi, phải gần một tháng sau nó mới hoàn toàn bình phục.

Là loài mãnh thú, nhưng vì còn bé nên con hổ vẫn chưa kế thừa được đầy đủ tập tính di truyền của tổ tiên. Nó hiếu động và thích gừ gừ khe khẽ như một gã mèo vằn nằm sưởi nắng khi đã được gia chủ cho đánh chén no nê. Công bằng mà nói, đó là một chú hổ nhí khá hiền lành, thậm chí nó còn sợ hãi nhảy bổ lên bậc cầu thang khi nhìn thấy con chó Lài giống Vân Nam cao lừng lững của Hoàng Đản lúc anh này đến rủ Hà Thiết đi săn lợn rừng. Hà Thiết đặt tên cho nó là Huổi Vằn, theo tiếng cổ của người La Hủ có nghĩa là con cọp lông vằn vện. Con vật tỏ ra dễ thương và biết nghe lời ông bà chủ. Anh không muốn bất cứ ai nhìn thấy Huổi Vằn nên đã tập dần cho nó quen với những tín hiệu quy định. Khi có người đến cổng, nghe tiếng huýt sáo của chủ là chú ta cúp đuôi chạy ngay vào nhà chứa củi.

Nửa năm sau, Huổi Vằn được chăm sóc chu đáo đã thành một chú hổ choai choai. Cơ thể của nó phải nhiều năm nữa mới đến độ trưởng thành nhưng dáng dấp đã có vẻ oai phong như bậc chúa sơn lâm. Ban ngày, con mãnh thú ngoan ngoãn nằm trong chiếc cũi để ở gian đầu nhà chòi khuất giữa  vườn mắc coọc1, lim dim ngủ. Ban đêm, Hà Thiết thả nó vào rừng kiếm mồi. Huổi Vằn mải chơi, lang thang trong rừng Cấm hai ba ngày mới về. Nhưng cũng có hôm, trời còn tối, chưa rõ mặt người nó đã lẳng lặng tha về một con hoẵng hầu như còn nguyên vẹn để dưới gầm sàn.

Một hôm, Hà Thiết thả Huổi Vằn sớm hơn thường lệ rồi bảo Nhóng đem chiếc búa tạ để anh phá cũi. Con hổ thấy lạ, chưa chịu đi, cứ nhìn chủ rồi gừ gừ trong cổ họng. Hà Thiết vỗ nhẹ vào lưng nó, giọng dứt khoát :

- Mày lớn rồi, không ở đây được nữa mà phải vào rừng Cấm mới khỏi bị bọn phường săn rình bắn. Hôm qua, lúc ở bản Tèo về tao đã thấy anh em thằng Bế Tòng phát hiện dấu chân mày.

Con hổ vẫn còn đang ngơ ngác thì Hà Thiết đã huýt gió chỉ tay vào rừng:

- Thôi, đi đi ! Thỉnh thoảng về thăm tao.

Huổi Vằn như vẫn còn lưu luyến nhưng khi nhìn thấy ánh mắt ra lệnh của chủ nó đành bước đi một cách miễn cưỡng. Anh lặng lẽ nhìn theo cho đến khi nó mất hút giữa những bụi gai móc mèo um tùm. Con hổ đi rồi, Hà Thiết đâm ra nhớ, còn Nhóng thì mừng ra mặt. Thỉnh thoảng anh ra bờ suối lấy chiếc tù và bằng sừng trâu rúc vài tiếng gọi thử dù biết lúc này nó ở mãi ngàn xanh.

Nhưng rồi mấy hôm sau Huổi Vằn về thật. Con hổ uốn thân hình mềm mại nhảy loang loáng dưới ánh trăng, lúc ẩn lúc hiện giữa những lùm cây kim tước không hề phát ra một tiếng động nhỏ làm Hà Thiết giật mình. Anh nhẹ nhàng vuốt cái bờm vàng cháy mượt như nhung từ ngang lưng đến đỉnh đầu làm con thú khoái chí khẽ gừ gừ như ngày nào còn bé. Tuy vậy Hà Thiết không dám giữ con hổ lại lâu. Anh rất sợ những nòng súng nạp đạn ghém của cánh thợ săn Nà Ngườm. Họ sẵn sàng bắn vào bất cứ mục tiêu nào miễn là hạ sát được con mồi.

Vào một đêm tháng ba, lúc ấy đã khuya lắm, bỗng có tiếng chó sủa dữ dội. Không phải Huổi Vằn. Con hổ về thì lũ chó nhất loạt cúp đuôi, rúm người lại, im  thin thít. Chỉ có lợn rừng, hươu nai hoặc giả là người chúng mới  ra oai báo cho chủ mẫn cán đến như thế. Hà Thiết bảo Nhóng nằm yên trong buồng rồi với cây súng nhẹ nhàng lần xuống cầu thang. Anh không phải tìm lâu. Theo hướng chó sủa từ xa, Hà Thiết đã thấy một hình người mặc quần áo sẫm màu, bùn đất dính bê bết,  nằm cạnh hàng rào ở tư thế hoàn toàn không  bình thường. Anh chần chừ không dám lại gần sợ có kẻ nào đó rình rập chung quanh. Mà có thể lắm. Biết đâu đây lại chẳng là mưu chước của cha con lão Chánh tổng khi mà chúng còn hận anh về Nhóng. Lũ chó vẫn cắn dai dẳng. Cậy chủ ở bên cạnh, cả con Vện và con Mực vừa sủa vừa chạy quanh kẻ lạ mặt đang nằm co quắp, vẽ thành một vòng cung mỗi lúc một hẹp dần. Dõi mắt quan sát ba bề bốn bên, thấy không có gì khả nghi, Hà Thiết quả quyết lại gần. Có tiếng rên rỉ khe khẽ, tiếp theo là nhịp thở nặng nhọc, mệt mỏi của người bị thương. Anh nạt con Vện tai cúp đang định thò mõm lôi ống tay áo kẻ lạ mặt :

- Vện ! Ra ngoài kia !

Con chó đã biết tính chủ. Nó lẳng lặng lẩn vào góc vườn nằm xuống đống vỏ cây, xoải hai chân trước, cặp mắt lim dim làm nhiệm vụ cảnh giới trong khi con Mực đã bị tống vào gầm sàn đang rên ư ử.

Kẻ lạ mặt là một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi có mái tóc cứng như rễ tre và bộ râu quai nón lởm chởm lâu ngày không cạo, giống hệt tên tướng lục lâm đã từng lão luyện trong nghề chặn đường khách thương hồ đòi tiền mãi lộ. Ông ta bị một phát đạn vào bắp đùi trái. Vết thương toang hoác, phá ra  bằng nửa bàn tay, tuy  chỉ vào phần mềm nhưng đã bị nhiễm trùng, bốc mùi hôi làm nạn nhân bị choáng. Nghe giọng nói, Hà Thiết biết ông ta là người Kinh. Trong lòng đầy nghi hoặc, anh nhìn bộ dạng vị khách không mời một thoáng rồi hỏi bằng tiếng Tày :

- Khách đi chợ bản Then không biết đường lạc vào rừng Cấm à ?

Người đàn ông vểnh hàm râu chổi sể lắc đầu :

- Ta là... Cả Pháo, có dám cho vào nhà không ?

Vậy ra ông khách này là tướng cướp thật. Nghe thiên hạ đồn từ lâu, giờ Hà Thiết mới giáp mặt. Anh thản nhiên nói với ông trùm lục lâm :

- Sợ gì ! Ở đây chỉ có mỗi nhà tôi. Các nhà khác trong bản Nà Ngườm đều cách  nửa con dao quăng. Để tôi dìu ông khách lên nhà.

- Anh không sợ chánh tổng Bế Hữu Tài à ?

- Cả bản này thù bố con nó. - Hà Thiết quả quyết bảo - Mà nếu có kẻ xấu báo Chánh tổng hoặc quan châu Bình Xuyên tôi sẽ đưa ông vào lũng Vài trong rừng Cấm. Từ lũng Vài có đường tắt sang châu Lộc Hà.

- Ta chỉ dám nhờ gia chủ vài hôm, vết thương dịu bớt là đi ngay.

- Không vội được đâu. - Hà Thiết lắc đầu ái ngại cho ông khách - Vết thương của ông nặng lắm, chậm một ngày nữa là hỏng cái chân.

Sáng sớm Nhóng lên rừng hái thuốc. Hà Thiết pha nước muối rửa vết thương sau đó dùng một loại lá cây lấy ở khe Đầu Quạ trông tựa vẩy ốc, giã nhỏ trộn với mật ong rừng rịt vào. Thứ lá này có hoạt tính cực mạnh, vừa có tác dụng sát trùng vừa làm lành những chỗ đã bị hoại thư. Đây là bài thuốc gia truyền của họ Hà từ nhiều đời trước. Nó được giữ bí mật ngay cả với người trong bản.

Khoảng già nửa tuần trăng, vết thương đã lên da non, sức khoẻ của Cả Pháo dần dần hồi phục. Tối hôm ấy, trong lúc nhắm rượu với thịt nai khô nướng trên than hồng, ông trùm kể cho vợ chồng Hà Thiết nghe về cuộc đời mình.

Cha Cả Pháo vốn là một nghĩa binh trong quân doanh Đề Thám. Sau mấy chục năm tung hoành làm cho người Pháp và chính quyền Nam triều khiếp đảm, cuộc khởi nghĩa Yên Thế đến giai đoạn thoái trào. Một số thủ lĩnh của nghĩa quân rơi vào tay giặc, bị hành hạ rất dã man, trong đó có thân phụ ông là suất đội Trần Tung. Nghe tin dữ, Cả Pháo lúc ấy mới mười lăm tuổi, sợ quá vội bỏ làng, dắt mẹ đi lánh nạn. Suốt mấy tháng trời, ngày đi đêm nghỉ, gối đất nằm sương, phải chịu bao nỗi cực nhục, đói khát dọc đường, cuối cùng hai mẹ con đến được châu Bình Xuyên. Do có sức khoẻ hơn người, Cả Pháo xin được chân phụ việc cho phường Sơn Tràng kiếm gạo nuôi mẹ. Phường Sơn Tràng gồm toàn những đối tượng có thành tích bất hảo, nguyên là bọn tội đồ trốn tránh nhà tù thực dân đế quốc hoặc những gã đầu trộm đuôi cướp, sống ngoài vòng pháp luật nhưng trọng nghĩa khí, sẵn sàng xả thân vì lẽ công bằng.

Mấy năm sau, thấy Cả Pháo là người có đảm lược, tư cách trung tín, ông trùm phường quý mến bèn truyền võ nghệ cho. Phường Sơn Tràng toàn đàn ông, nay đây mai đó, không thể đưa mẹ đi theo nên Cả Pháo đành gửi bà ở bản Noọng Khai trong nhà một người bà con của Triệu Phí.

Dịp ấy, tri châu Bình Xuyên sức giấy cho các tổng phải tróc nã bằng được toán lục lâm. Nhưng bọn này có tài xuất quỷ nhập thần, chuyên lấy của nhà giầu chia cho dân nghèo. Một lần, anh em chạm trán với chánh Tài ở dốc Mật. Họ đánh bạt toán lính khố xanh có trang bị cả súng trường, cướp toàn bộ số bạc rồi biến vào rừng như có phép lạ. Không may, một tên tay chân của  chánh Tài nhận được mặt Cả pháo. Lão cho người dò la tung tích, bất ngờ phát hiện ra mẹ ông ở Noọng Khai liền mật báo cho tên Bang tá đem lính bắt giam vào đề lao. Bà là người phụ nữ có khí tiết, bị quan châu dùng cực hình tra tấn vẫn không khai, đến nửa đêm thì cắn lưỡi tự tử để khỏi luỵ đến con trai.

Mẹ chết, Cả Pháo vô cùng đau xót. Ông ngẩng mặt lên trời kêu to ba tiếng, thề không đội trời chung với lũ quan Tây và bọn Việt gian phản dân hại nước. Mấy năm sau, ông trùm qua đời vì bệnh sốt rét, Cả Pháo trở thành thủ lĩnh của phường Sơn Tràng với những chiến tích ngoạn mục từng lưu truyền trong dân bản khắp châu Bình xuyên như một huyền thoại. Hãi nhất là vụ đang đêm anh em đột nhập vào dinh Bang tá, đốt nhà, mang hết vàng bạc, bắt được một tên quan hai Tây cùng với lão khổ chủ về sào huyệt...

Hà Thiết nghe chuyện, phục lắm, bèn hỏi :

- Như vậy ông đã bị cả bọn Phú Lãng Sa mắt xanh mũi lõ và lính quan châu rình bắt nhiều lần mà vẫn bình an vô sự, thế còn mấy hôm trước kẻ nào bắn ông?

- Ta không nhìn rõ mặt chúng nhưng ở vùng này chắc chỉ có cha con lão Chánh tổng...

- Ông Cả đi lối rừng Cấm rồi lội suối về Ken Chải phải không?

Cả Pháo gật đầu :

- Cứ tưởng theo lối ấy thì an toàn nào ngờ lại bị dính đạn. Lúc ấy trời đã chạng vạng chỉ thoáng thấy một thằng khập khiễng ôm súng chạy khi ta bắn trả.

- Thằng Tòng đấy. Cái chân thọt là do hắn ngã ở vực Thuồng Luồng. - Hà Thiết trầm ngâm một thoáng rồi quả quyết bảo - Tôi nghĩ mãi rồi. Tuy chân chưa khỏi hẳn nhưng ông phải đi thôi, ở đây lâu sợ chúng tìm ra dấu vết.

- Ta cũng cảm thấy cha con lão Chánh không dễ gì bỏ cuộc khi đã bắn bị thương con mồi. Anh nói phải. Ơn cứu mạng của vợ chồng anh kiếp này không báo được đành hẹn kiếp sau vậy.

Nói xong, ông trùm lục lâm quỳ sụp xuống vái Hà Thiết ba vái. Hà Thiết vội đỡ Cả Pháo dậy :

- Hà tất ông Cả phải làm như thế. Ông là người nghĩa khí bênh vực dân nghèo, trị tội lũ ác bá, không chỉ chúng tôi mà ngay cả bà con dân bản cũng sẵn lòng cưu mang. Đêm mai tôi sẽ đưa ông tắt rừng Ken Chải sang bản Puốn.

- Phải lắm. Ở bản Puốn ta có một người quen là ông Lầu Phềnh...

Mờ sáng  hôm sau, Nhóng vừa lùa đàn trâu lên rừng thì cha con chánh Tài cưỡi ngựa dẫn một toán lính khố xanh đến cổng. Mấy con chó chạy xô  ra sủa toáng lên. Bế Tòng nổ một phát súng "mút"2 thị uy làm lũ chó bị kích động nhảy vọt qua hàng rào thưa lao vào con ngựa bạch của lão Chánh tổng. Nó bị bất ngờ, hí lên một tiếng rồi bổ nước đại hất Bế Hữu Tài xuống bờ ruộng bậc thang. Lão vừa ngượng vừa tức, lồm cồm bò dậy, ra lệnh cho bọn thuộc hạ bao vây ngôi nhà sàn. Hà Thiết thừa biết chuyện gì sẽ xảy ra liền đẩy Cả Pháo vào góc nhà, xách cây súng kíp bước ra đầu sàn hỏi :

- Có việc gì mà ông Chánh đem lính tráng đến nhà tôi từ sáng sớm ?

Lão Chánh hực lên giống như tiếng con lợn độc3 bị sập bẫy :

- Mày muốn sống thì mang thằng tướng cướp ra nộp quan. Ta biết là  hắn đang bị thương nằm trong nhà...

- Này ông Chánh, đừng quen thói gắp lửa bỏ tay người. Ở đây không có ai là tướng cướp. Ông bảo người nhà về đi, nếu không đừng trách Hà Thiết này nóng tính.

Chánh tổng cười gằn, hất hàm bảo lũ tay chân :

- Chúng mày vào nhà lôi  tên Cả Pháo ra đây. Đứa nào chống lại, bắn.

Hà Thiết chĩa nòng súng vào lão Chánh dằn giọng :

- Ta thách đấy ! Kẻ nào  dám đặt chân lên bậc cầu thang là sẽ được về với ông vải.

Hà Thiết chưa nói hết câu thì "đoàng", một viên đạn bay sát ngay cây cột đầu chái làm vỡ toác chiếc hòm trên gác lửng. Thì ra Bế Tòng, từ lâu vẫn âm ỉ mối hận tình, nay có thời cơ, từ ngoài cổng đã nhằm vào anh nổ súng. Hà Thiết nép nhanh vào góc khuất, bình tĩnh chờ. Thằng Tòng nghĩ đối phương đã trúng đạn liền lách qua hàng rào. Một nửa người hắn vừa thò vào thì Hà Thiết nháy cò. Con trai lão Chánh vừa ngã xuống, một loạt tiếng súng đồng thời rộ lên, tất cả đều nhằm vào ngôi nhà sàn. Không kịp nhồi đạn, Hà Thiết lao vào buồng lấy khẩu súng bắn đạn ria thì đã thấy Cả pháo chĩa nòng khẩu trường "mút" của ông qua khe cửa nhằm vào bọn lính khố xanh. Viên đạn hất một tên ngã ngửa ra, đầu đập xuống tảng đá chắn hàng rào.

Ở trên rừng, nghe tiếng súng, Nhóng biết là có chuyện chẳng lành. Cô thả  trâu rồi ba chân bốn cẳng chạy về. Vừa đến đầu nhà, Nhóng giật mình thấy phía trước có tiếng hò hét. Nguy rồi, chắc bọn chức việc đến bắt ông người Kinh phải nhanh chóng chạy về Nà Ngườm báo cho trưởng bản Lục Phát mới được. Nhưng họ chỉ có hai người, nếu chẳng may trúng đạn thì nguy. Thử tìm cách lại gần xem sao đã. Nhóng luồn qua những lùm cây lúp xúp bò dần vào gầm sàn, ngẩng lên thấy chồng đang nạp đạn. Qua hàng rào đổ, cô thoáng nhìn thấy Bế Tòng. Thì ra  hắn mới chỉ bị thương nhẹ, tay nó run run rê nòng khẩu súng trường về phía Hà Thiết. Trong khoảnh khắc tính mệnh chồng ngàn cân treo sợi tóc, Nhóng bỗng đứng thẳng lên hét to "Anh Thiết, nằm xuống" rồi lao đến chân cầu thang. Gần như đồng thời, nòng súng của Bế Tòng bốc khói. Nhóng giật nảy người, chới với một lúc rồi ngã.

Thấy vợ trúng đạn, Hà Thiết uất lắm, quẳng khẩu súng đã vỡ toác nòng, rút con dao phát rừng định nhảy xuống quyết sống mái với chúng một phen. Nhưng rồi anh lại nghĩ, không thể liều chết được. Nhìn sang gian bên, ông Cả cũng hết đạn đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Bất chợt một ý nghĩ vụt loé lên... Hà Thiết lật ván sàn, bám cây cột gian giữa tuột xuống gầm nhà, khom người chạy ra bờ suối, hướng về phía rừng Cấm rúc một hồi tù và. Anh thổi hai tiếng ngắn lại một tiếng dài. Vừa đúng ba lần như thế thì từ cánh rừng trước mặt bỗng rồ lên như sắp có trận cuồng phong. Rồi một con hổ vằn to lớn xuất hiện. Nó chỉ nhảy vài bước đã vượt qua dòng suối Bạc lao thẳng về ngôi nhà quen thuộc. Đúng là Huổi Vằn rồi. Với vóc dáng oai hùng của vị chúa sơn lâm, chỉ bằng cú vờn chớp nhoáng, Huổi Vằn đã táp bay một nửa đầu Bế Tòng. Những tên lính khố xanh còn lại, chưa kịp định thần vì quá hoảng loạn, vội vàng quẳng súng ù té chạy. Nhưng con hổ có vẻ như không thèm đụng đến lũ lâu la  mà nó vọt lên rượt theo tên cai áo vàng rồi chĩa cặp móng vuốt sắc như dao cạo cào một vệt vào lưng hắn. Lão Chánh tổng là tên ranh ma, biết đối phương hết đạn, hắn định leo lên cầu thang. Lúc này Cả Pháo đang trấn giữ ở trên bằng con dao phát rừng to bản khá lợi hại Hà Thiết chuyển cho. Nhìn thấy lưỡi dao sáng loáng, chánh Tài khựng lại, đi giật lùi, ghếch nòng súng về phía ông trùm. Nhưng lão chưa kịp xiết cò thì Huổi Vằn từ ngoài cổng chồm đến sau khi đã hạ gục tên cai khố xanh. Chánh Tài vốn là tay thợ săn giầu kinh nghiệm, mặc dù vô cùng khiếp đảm, lão vẫn đủ bình tĩnh tìm cách tháo lui. Tuy nhiên Huổi Vằn có cách trấn áp kẻ thù bằng một độc chiêu và luôn  bất khả chiến bại. Nhìn thấy họng khẩu trường "mút", nó lập tức dựng đứng hai chân, cặp mắt sáng rực như hai đạo hào quang ma quái chiếu vào Bế Hữu Tài rồi gầm lên dữ dội. Tiếng gầm của ông ba mươi khiến hồn vía lão Chánh tổng lên mây, ngã vật xuống, miệng sùi bọt. Chỉ đợi có vậy, Huổi Vằn chồm tới "con mồi" định kết thúc số phận  gã Việt gian nhưng Hà Thiết đã quát :

- Thôi đủ rồi ! Huổi Vằn, về rừng !

Nghe tiếng chủ, con hổ ve vẩy chiếc đuôi dài, chui qua gầm sàn đến bên Hà Thiết. Anh vỗ vỗ vào lưng nó rồi chỉ tay về phía trước. Huổi Vằn hiểu ý lững thững ra bờ suối Bạc.

Con hổ đi rồi, Cả Pháo xuống cầu thang đến bên lão Chánh tổng vẫn còn đang chết khiếp, kề sát hàm râu quai nón vào mặt hắn, dằn giọng :

- Với tội phản dân hại nước của mày, đáng lẽ phải để con hổ xé xác hoặc cho một nhát dao phát rừng. Tuy chủ nhà đã tha nhưng không thể cho mày nguyên vẹn trở về bản rồi sau này vẫn chứng nào tật ấy.

Nói xong, ông trùm lục lâm rút con dao găm  trong người cắt xoẹt một bên tai khiến lão Chánh tổng rú lên lấy hai tay bưng thái dương. Hà thiết trừng mắt quát :

- Đi đi !

Buổi chiều, Cả Pháo và Hà Thiết vào rừng Ken Chải đào huyệt chôn cất Nhóng. Anh ở bên mộ vợ đến chập tối mới về. Cả Pháo thấy vẻ rầu rĩ của Hà Thiết, thương lắm bảo :

- Bỏ quách cái nhà này đi. Chú theo tôi lên núi dẹp nỗi bất công cho người nghèo.

Hà Thiết gật đầu :

- Cho nó mồi lửa...

- Phải, ở đời chẳng nên lưu luyến mãi những thứ đã thuộc về quá khứ.

Sáng hôm sau, hai người lội qua suối Bạc sang bản Puốn. Họ vừa đi vừa nghỉ vì vết thương của ông trùm lục lâm vẫn còn đau.

Hôm ấy là một ngày âm u. Trên cao, những tảng mây xám xịt, nặng nề, ướt sũng nước. Trời lại sắp mưa.  


 

1 Một loại lê của người Tày

2Súng trường cổ của Pháp

3Lợn lòi rất hung dữ, thường đi ăn một mình

ĐẶNG VĂN SINH

Sinh ngày 16 tháng 01 năm 1948 tại thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nguyên là giáo viên giảng dạy môn ngữ văn phổ thông trung học. Hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản

Tập truyện :

  • Khúc Trương Chi

  • Nước mắt của biển

  • Ảo ảnh

  • Đêm trăng Tả Giàng

  • Rừng Ken Chải

  • Tiểu thuyết:

  • Người đàn bà trong lửa

  • Ga tàu

  • Hoa mận dại

  • Thanh kiếm Phù Tang

  • Ký ức làng Cùa (chưa xuất bản)

  • LÊN TRÊN= |     GỬI BÀI    |    LÊN TRÊN=

    Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
    Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
    PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.