Cách đây vài năm, tôi có làm một bài thơ tự do, tặng cô bạn thơ
Hương Chiều, mà thật ra cũng để nói với chính mình, lời lẽ thế
nầy:
Chấm hỏi
Này em lạ kỳ
Qua bao năm quay quắt
Trong cõi hỗn mang này.
Sao em còn có thể...
...hồn nhiên đến thế?
Ta tự vấn,
Ta trầm cảm nặng nề
Hay em loạn vui quá đổi?
Nên vẫn líu lo chim sớm
Mặc bao phù phiếm của đời?
Chừng đâu,
Lòng em cũng đầy ấp ưu tư?
Hồn em chảy lỏng, tiêu hao, và ráo hoảnh
từ hạn hán tình người?
Thế sao,
Thơ em vẫn thẳm sâu,
Tình em vẫn ứ tràn
ngập lụt ta cùng bá tánh?
Này em ngộ nghỉnh!
Cứ tiếp tục hồn nhiên
Như bài toán không số giải.
Mặc ta với nghìn chấm hỏi
Để em càng đầy trong ta.
?
?
Có lẽ “người em thời tiết” (biệt hiệu bạn bè thân đặt cho tôi), lúc
bấy giờ, trong lòng đang cuồn cuộn những trận phong ba! Hoài
nghi, bi quan, thất vọng, sợ hãi…
vì những chuyện riêng tư, chuyện chung chung. Rầu rĩ cho cái
gọi là “thế thái nhân tình”. Những hiểu lầm, tin đồn, vô tình
hay cố ý, thêm thắt cho ly kỳ, đậm nét trong những lúc trà dư
tửu hậu, chuyền nhau những nhận xét chủ quan, lệch lạc, cho
vui thôi, hoặc cho thỏa thuê lòng tị hiềm… nhưng đủ để làm
què quặt, nát tim kẻ khác. Vật chất, tính ích kỷ, sự xảo
quyệt, lòng thù hận… xảy ra nhan nhãn qua các phương tiện
truyền thông, mắt thấy tai nghe…Tiền và sắc được xem nặng hơn
tình hơn nghĩa. Những người vô tội một sớm một chiều trở thành
nạn nhân cho sự thù hằn giữa các tôn giáo, quan điểm chính
trị, những người gọi là bịnh nhân tâm thần quơ súng rỉa từng
đứa học trò vô tội vô tình!!! Bắn sẻ người lạ hoắc không thù
không oán như một trò giải trí nhàn nhã cho qua thì giờ rảnh
rỗi… Thế đấy! Làm sao tôi tránh khỏi thở dài, làm sao tôi còn
có thể tha thiết với người đời và cuộc đời đầy hiểm hoạ, bất
an, bất tâm, bất bao dung?...
Chừng đâu, lòng em cũng đầy ấp ưu tư?
Hồn em chảy lỏng, tiêu hao, và ráo hoảnh
từ hạn hán tình người?
…Cho đến hơn tuần trước đây, khi bài viết “Bông
Hồng trắng hay đỏ” của tôi, được cô Ngọc Hân đọc trên
đài SBS nhân ngày Vu Lan năm nay, và đăng trên Tuần Báo Văn
Nghệ sau đó. Tôi mới vỡ lẽ ra: Tình người vẫn đầy, thật đầy.
Phòng mạch tôi tràn ngập những cú điện thoại gọi đến để chia sẻ,
ngợi khen. E-mails tới tấp, thư qua bưu điện… Lần nầy, tôi lại
bị choáng ngợp và ngập lụt vì cái tình người chan chứa. Tình
của một số bè bạn đã thân, quen sơ, tình của nhiều ngưòi chưa
đủ duyên gặp mặt. Họ cho tôi biết, là đã rất cảm động với bài
viết đó. Càng ngày, tôi nghe và biết thêm có rất nhiều thính
giả, bạn đọc xúc động đến rơi nước mắt về bài Bông Hồng. Hôm
nay, viết những dòng nầy, tôi muốn nói lên lời tri ơn kẻ lạ
người quen, đã chia sẻ tâm tình tôi, để cám ơn những giọt lệ
đã rơi trên đoá Hồng tôi.
Vài người phê bình tôi viết bài Bông Hồng chân thật, cảm động lẫn dí
dỏm, hay như văn sĩ!?
Nam mô A Di Đà Phật. Lạy Chúa!! Tôi không viết nghề, không
biết nghệ thuật hoặc cấu kết dàn bài. Thường thì tôi chỉ viết
khi cảm xúc dâng lên, như một cách giải thoát tâm tư cho chính
mình. Viết đại viết càn. Điều gì làm tim tôi xốn xang, chuyện
chi gây lòng tôi trăn trở, thao thức… cứ thế mà tràn ra, cứ
thế mà tôi gỏ còng cọc lên mặt bảng chữ. Bông Hồng vừa qua đã
thành hình và nở vào đêm thứ ba của tuần thứ sáu, má tôi
trong nhà thương, sau khi bà quyết định tuyệt thực. Tôi không
viết bài đó từ cái đầu đa đoan, từ một suy tư lâu dài, sâu
lắng. Từng dòng đã trào ra từ trái tim đánh thót. Từ sự hốt
hoảng từng phút từng giây, lo sợ đôi mắt mất thần của má tôi
sẽ vĩnh viễn khép lại. Trái tim càng lúc càng loạn nhịp của bà
sẽ ngừng lại như quả lắc đồng hồ, món đồ chơi di động hết pin.
Sợ da thịt đó sẽ cách xa tôi qua ba tấc đất. Làm sao tôi thoả
được những cơn ghiền hôn mẹ!
Mồ côi mẹ, ở tuổi đầu xanh hay đầu bạc đều là một mất mát vô cùng to
lớn. Hơn nữa, năm mươi mấy năm sống của tôi, với duyên rủi
phận buồn, thời gian gần mẹ chiếm gần hết khoảng đời tôi. Gà
con vẫn núp dưới đôi cánh mẹ dù đã đủ lông đủ cánh. Chạy ra xa
một chút, quay lại thấy mẹ còn lẩn quẩn gần đó, gà con yên tâm
rong chơi tiếp… Khi bị thổi tốc bởi những trận bão đời, bão
tình, thì gà con hối hả quay về, chạy te te đến núp dưới cánh
mẹ, áp vào mẹ lâu dài hơn. Nhiều năm nay, tôi sống với tâm
trạng thế đó.
Bịnh tình trầm kha của mẹ hiền xảy ra đúng vào mùa Vu Lan năm
nay, ném vút vào tôi một đường dao ngọt sớt làm tôi ứa máu
tim, làm tôi khóc đủ cách đủ kiểu: khóc lặng lẽ, khóc thầm và
khóc lớn tiếng. Khóc lặng lẽ khi ngồi bên giường bịnh của mẹ.
Khi bà ngủ say, tôi cho phép nước mắt được tự do lã chã. Lúc
bà im lặng nhìn tôi, nhìn trân trân, cái nhìn nói lên muôn
lời vô ngôn vì bịnh tình không cho phép bà thố lộ tâm tư thành
lời. Nhìn lại bà, đó là lúc tôi khóc thầm, ấn giữ nước mắt lại
bằng đôi ba lần bặm môi thật nhanh, hoặc bắt đầu kể cho bà
nghe những kỷ niệm vui cũ, những chuyện tếu. Tếu lạt thì bà
không cười, tếu mặn thì bà gởi tôi một cái háy sắc lẻm.
Cái háy
dễ thương làm sao! Cái háy làm tôi vỡ cười thành tiếng. Từ
trước đến giờ tôi chưa bao giờ thấy bà háy, vậy mà bây giờ háy
rất thiện nghệ. Có lẽ ông Trời cho phái nữ những điều mà phái
nam không có được (nếu họ ráng bắt chước thì hoá ra kỳ cục,
lãng xẹt), chẳng hạn như nhõng nhẽo, làm nũng, làm điệu, khóc
kiểu con gái và háy nguýt.
Khóc lớn tiếng là khi ở nhà một mình. Khóc tha hồ trong căn
nhà đầy kỷ niệm của tôi. Tôi cũng đứng trước bàn thờ ba tôi mà
nói chuyện với ông cho đỡ cô đơn, như má tôi thường làm sau
khi ba tôi mất. Tình yêu và đời sống vợ chồng của ba má tôi
rất tuyệt vời. Yêu như không thể yêu hơn. Lắm lần tôi đã thèm
khát: Nếu trời cho tôi được một tình yêu thế đó vài năm, rồi
lăn ra chết, tôi cũng hài lòng. Một ông bạn mà tôi hay gọi là
sư phụ đã nói với tôi: “ Ba chữ T ( Tình, Tài, Tiền) trong
đời bà dành hai chữ rồi, phải thiếu một chữ để biết đau khổ ra
sao và thế nào là hạnh phúc. Không có đau khổ sẽ không biết
bắt hưởng hạnh phúc một cách tận cùng”. Tuần thứ hai trong
bịnh viện, bà bị chảy máu ruột vì phản ứng phụ của Aspirine.
Tôi tưởng đã mất mẹ trong những ngày đó. May quá, máu tự động
ngừng chảy. Hay vì lúc đó bà thấy tôi khóc quá, nên ruột gan
thắt lại làm máu ngừng chảy chăng? Nhân sợ hãi mất mẹ trong
tiềm thức và ý thức của tôi luôn âm ỉ như hỏa diệm sơn chực
chờ bùng nổ, vỡ toang. Tôi sẽ mang trên ngực áo một hoa Hồng
đỏ hay trắng? Trắng hay đỏ ???
Có ai tin không? Viết chưa xong bài tạ tình người thì… Bớ người ta
ơi, tôi mất mẹ rồi! Má tôi đã ra đi, khép mắt vĩnh viễn vào
khuya thứ Năm, 0 giờ 15 sáng thứ Sáu ngày 7 tháng 9 dương
lịch, nhằm ngày 26 tháng 7 năm con heo vàng Đinh Hợi. Bà mất
vào lúc tôi đang ngủ khò khò ở nhà! Hơn tám tuần nay, cạnh bà
bên giường bịnh, tôi thấp thỏm lo âu lẫn chờ đợi bất cứ lúc
nào, bà cũng có thể thở hắt hơi cuối cùng khi có mặt tôi. Nhớ
lại những tuồng cải lương, hình dung lại những màn kịch, đào
kép diễn cảnh kẻ ở lại bên người thân yêu vừa mất: cha mẹ khóc
con, con khóc mẹ khóc cha, thê khóc phu, quan quân khóc chúa.
Sao tôi không có được giây phút định mệnh nầy hở Trời?!
Bốn ngày sau khi bà tuyệt thực, các bác sĩ bịnh viện họp nhau bàn về
tình trạng mẹ tôi. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần quyết định đặt
ống từ mũi vào dạ dày, truyền thuốc trị bịnh trầm cảm và thức
ăn lỏng. Ông cho rằng quyết định của bà có lẽ vì buồn. Nhưng
bà vẫn can trường rút bỏ ống dưỡng sinh. Không phải một lần,
hai lần mà đến bốn lần, để an nhiên ra đi. Vậy là không phải
vì buồn. Một thái độ rất dứt khoát, tự quyết định những giờ
phút cuối của đời mình. Phải chăng, vì bà thấu hiểu thân xác
chỉ là tạm bợ? Phải chăng, hành động đó đã ẩn chứa lòng thương
con bao la, không muốn cho con cái bận bịu lo lắng ngày đêm vì
sự vô thường của “Sinh Lão Bịnh Tử”? Dù thân nhân đã
khuyên nhủ hết lời. Riêng cá nhân tôi, đã thì thầm không biết
bao nhiêu lần bên tai mẹ rằng: “Má ơi, được săn sóc cha mẹ
ở tuổi xế bóng, là một phước đức lớn, là hạnh phúc vô biên của
tụi con”…
Tôi không có thói quen đi chùa. Ngay cả sau khi ba tôi mất. Hình ông
được đưa về thờ ở chùa Phước Hậu, đường Cabramatta, vùng
Cabramatta, nơi có người Việt định cư đông nhất ở Sydney, Úc
Châu. Tôi cũng làm việc ở vùng ngoại ô này, nơi có tên lóng là
Vietnamatta. Ngày hai buổi tôi lái xe đi về trên con
đường đó. Từ hơn hai năm nay, khi đi ngang chùa, tôi luôn chào
ba tôi: “Con Loan chào ba, con vẫn nhớ ba”. Câu chào
đơn giản đó đã trở thành kinh nhật tụng của tôi, khi tôi đốt
nhang cho ông ở bàn thờ tại nhà, hoặc lúc nhớ ông, dù không đi
ngang chùa. Câu tám chữ chẵn chòi, không thêm không bớt một
tiếng, cho đến khi tôi kể cho má tôi nghe câu này. Bà bảo:
“Con có nói với ba, thì nói luôn dùm má: Má cũng vậy”.
(Người từng dạy con: “có thương thì để trong bụng”, bây
giờ để trong bụng hết nổi rồi). Câu tám chữ bèn trở thành mười
một chữ từ đó về sau: “Con Loan chào ba, con vẫn nhớ ba.
Má cũng vậy”.
Đã nhiều lần tôi đi tìm Đạo nhưng duyên chưa tới, nên lần nào cũng
đi không rồi lại về không! Có lần đến chùa thì gặp lúc các
Thầy nghỉ trưa. Một lần khác vào thư viện chùa, lại nhằm lúc
thầy cần khóa cửa thư viện! Một lần khác nữa, đến một chùa ở
miền Nam
Việt
Nam thì các thầy đã đi chẩn bần. Một chùa khác ở Hà Nội thì ni
Sư không tiếp; lý do gì, chỉ có Trời Phật và ni sư đó biết!
Vậy mà, khi duyên tu đã đến thì nó lại đến ào ào. Số là trong một
đám cưới con của người bạn vào trung tuần tháng Tám vừa qua.
Tình cờ được ngồi gần anh chị Bé Năm vốn là đệ tử của Thầy
Thích Nhất Hạnh. Họ rủ tôi dự Lễ Bông Hồng Cài Áo. Từ đó mà
bài “Bông Hồng trắng hay đỏ”
thành hình. Thế là
“Những giọt lệ trên đoá Hồng tôi” ra đời. Bài viết mà phần
đầu, tôi viết để tạ ơn những giọt nước mắt của tha nhân, của
tình người khi má tôi vẫn còn bên tôi. Và phần sau của bài
viết, có thêm những giọt lệ của chính mình, đứa con mồ côi
khóc mẹ. Tôi cũng xin tạ ơn thân nhân xa gần, bằng hữu thân
sơ, thân chủ thương yêu của tôi từ bao năm nay, những khách
tang mà tôi chưa được duyên quen biết, đã đến cầu nguyện, và
đã nhỏ thêm những giọt nước mắt nóng hổi trước mặt tôi, khi
tôi tâm sự với mọi người trước linh cữu của mẹ.
Bài viết này trải dài trên đôi bờ tử sinh của má tôi, trên lằn ranh
giữa sinh và diệt, sắc và không. Từ có vào không, từ chưa mồ
côi đến mồ côi!!!! Có lẽ Tâm Minh và Lệ Hằng hú hồn khi nghe
tôi báo tin mẹ tôi tạ thế. Vâng, mới chiều hôm qua hai bạn vào
thăm bà. Vừa thấy mặt má tôi, Lệ Hằng phán cho một câu: “Má
Loan đẹp hơn Loan”. Tôi chưa kịp té xỉu vì bị cô bạn so
sánh nhan sắc ngũ tuần của mình với một cụ bà cửu tuần, bịnh
nằm liệt giường, thiếu ăn thiếu uống, thiếu thuốc men hơn tám
tuần trong bịnh viện; thì Tâm Minh, phu nhân của anh Hồ Ông,
chủ bút Tuần Báo Văn Nghệ Sydney bồi thêm một câu hỏi: “Mẹ
Loan xài kem gì mà da mặt cụ đẹp thế???” Đó là hai câu đầu
tiên của hai cô bạn Bắc Kỳ năm mươi tư, từ trước đến giờ luôn
khéo ăn khéo nói, khi thoạt nhìn má tôi. Chưa hết, một ông bạn
xuất thân từ miền đất Thần Kinh, giọng Huế còn đặc sệt, bên xứ
Mỹ qua chơi, vào thăm bà trước khi bà mất ba ngày. Ông cũng
viết lách lâu đời, mòn bao nhiêu viết, hết bao nhiêu giấy,
mờ mấy bảng chữ máy điện toán… Thông minh bặt thiệp, hiểu rộng
biết nhiều, nên khi nhìn má tôi, ông nhận xét má tôi rất giống
một nhân vật: Ông Đạo Dừa. (Vậy là theo tam đoạn luận,
tôi xấu hơn ông Đạo Dừa??!). Sau này ông email đính chính là
dưới mắt ông, ông Đạo Dừa rất…
Có lẽ tam cô nương Nhiệm, Mai, Hiền, cũng giật mình hỡi ôi khi đang
lái xe bon bon trên đường từ nhà đến bịnh viện định thăm má
tôi, chợt nhận được cú điện thoại khẩn cấp của tôi, phải bẻ
cua 180 độ “U turn”: “Má Loan mất hồi khuya nầy, các chị
khỏi đến”.
Lúc sau nầy tôi ít làm thơ. Đôi khi suy tư, xúc động thì viết những
dòng văn xuôi đơn giản, kể “chuyện đời tôi ”, chuyện
lan man, làng nhàng. Vậy mà cũng có một số độc giả tấm tắc
khen những dòng thật đơn giản Nam Kỳ rặt. Có lẽ để cổ võ tôi,
người mới sản xuất đôi ba bài văn ngắn gọn, róc rách chảy ra
từ quá khứ buồn, kỷ niệm vui, về đoạn đời đã qua được nhìn lại
với những tiếc nuối: Phải chi!! Vì sao??? Có một độc giả nữ
và cũng là thân chủ lâu năm của tôi. Hoà phải không? Hòa ví
tôi như thế này: “Em nhìn cây Xương Rồng sau nhà, tự nhiên
em thấy bác sĩ giống Xương Rồng, bề ngoài trông khô khan, sần
sùi nhưng thỉnh thoảng cũng đâm chồi nở vài cánh hoa mềm mại
xinh xắn. Xương Rồng lại dễ gãy hơn những cây khác, cành nhỏ
nhắn nhưng rất dai, vì có sơ chạy dọc theo thân”. Đúng vậy
Hòa ạ! Đời sống đã làm nên một tôi như thế! Một tôi đa dạng,
luồn lách, ứng xử trong nhiều hoàn cảnh, tình huống khác nhau
để sinh tồn, để tìm vui trong buồn, lạc quan lấp khổ đau, giao
tế dày đặc để dấu cô đơn, để được sống còn mà nuôi con, nuôi
cha mẹ và nhiều thân nhân nghèo túng còn ở Việt Nam. Nhìn bề
ngoài, nhiều người thấy tôi khó đăm đăm, khó phát sợ. Lúc ra
sàn nhảy dạ vũ thì quay cuồng tự nhiên thoả thích, không còn
biết có ai xung quanh đang nhìn ngó chân cẳng mình, hoặc nghĩ
sao về mình. Khi đi lội rừng với nhóm Bụi thì nhí nhảnh trửng
giỡn như ở lứa tuổi mới lớn. Bỏ sự đời và mọi lo toan một cái
bịch bên kia bìa rừng. Quên hết mọi thứ, nói đùa xả láng, nói
xong hết hồn vì không biết có bạn bè nào “ghim” những lời vô
tình của mình không. Ngược lại khi phải điều hợp một chương
trình văn hoá hoặc từ thiện thì đâu ra đó như kiểu mấy ông nhà
binh kỷ luật sắt. Người em thời tiết bốn chục mùa mà!
Phải thành thật mà nói, tự xét mình, tôi cũng khá tự lập và cứng
rắn, nhưng với những biến cố “chịu đời không thấu ”, tôi ngã
quỵ như cọng bún thiu, sẽ tiêu tán, chìm lỉm nếu không có
những chỗ dựa để ngả vào kịp thời, không có những chiếc phao
xuất hiện đúng lúc cho đôi cánh tay đang chới với trong trốt
xoáy, trong đại dương đang nổi cơn cuồng nộ. Chẳng hạn khi tôi
vừa quyết định chấm dứt “cuộc hôn nhân không biết vì sao mà
có”, thì ba má tôi xuất hiện như hai vị cứu tinh. Ba tôi lo
vườn trước vườn sau, dẫn các cháu đi học. Má tôi lo phần cơm
nước giặt giũ. Tôi chỉ tà tà làm việc 7 ngày một tuần (lúc
đó), về có sẵn cơm thơm nóng, thức ăn vị quê hương nhét đầy
bụng. Thật bình an, hạnh phúc.
Mấy tuần đầu, lúc mẹ tôi, lần đầu đến bịnh viện
(và ở luôn không về,
cánh gà mẹ vĩnh viển khép lại), thì gà con này lại tìm được
tàng dù rộng và đầy thân ái của nhóm Búp Sen Sydney lau dùm
nước mắt, giúp tôi bớt vô minh, hiểu thêm về sinh diệt, về vô
sinh vô diệt. Rõ là “có phần không cần gì lo”, phước từ
kiếp trước của tôi hay sao, vừa cần thấy mồ, cần quá xá thì có
những cánh tay quí nhân đưa ra cứu giúp. Cám ơn Trời Phật. Nhớ
đêm đầu tiên thứ Sáu 7 tháng 9 năm 2007 (mẹ tôi qua đời sáng
sớm hôm đó). Nhóm Tăng Thân Nhất Hạnh tổ chức đêm cầu Siêu cho
bà. Sau khi ngồi thiền, cầu nguyện, Thọ Giáo Nhường mời một
tăng thân lớn tuổi trong nhóm tặng tôi một vòng tay che chở,
an ủi kẻ vừa bị mất bảo vật của đời mình - mẹ. Vòng tay của bà
thật dịu dàng, đôi cánh tay ấm áp siết nhẹ, một cử chỉ vừa
chia sẻ, vừa trấn an. Tôi hôn trán bà, rồi thì nước mắt như
mưa, cảm giác như ôm chính người mẹ ruột thịt của mình. Thế
là, trong hoảng loạn, tôi hôn bà tới tấp, hôn trơ hôn trất.
Tôi không biết bà có né giống má tôi lúc trước, khi bị tôi hôn
lấy hôn để không? Hay nước mắt của bà đã hòa với những giọt lệ
ràn rụa của tôi. Hồi khuya nầy, khi hay tin mẹ qua đời, tôi đã
bặm môi thật chặt để khỏi khóc. Các bạn Đạo đã khuyên tôi
trước như thế, khóc thì linh hồn mẹ tôi còn quanh quẩn với xác
sẽ không siêu thoát, nên bây giờ tôi đưọc dịp thì khóc bù,
khóc xả láng, khóc cho đã nư buồn! Sau đó tôi mới biết người
bị mưa hôn của tôi là thân mẫu của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, mà
nhóm gọi là thím Tám. (Con cám ơn thím Tám đã đứng chịu trận
đêm đó).
Từ trước đên giờ tôi chưa từng ăn chay, chưa từng đến chùa tụng
niệm. Mấy tuần nay, nhiều bạn đạo bàn chuyện ăn chay, cầu an,
cầu siêu cho má tôi. Ai chỉ gì tôi làm nấy, quýnh quáng, tôi
“quánh lung tung”, càng nhiều càng tốt cho bà sớm được siêu
thoát, nhất là khi sinh tiền, bà không có thói quen tụng niệm,
nên bây giờ tôi cần làm bù cho bà nữa chứ. Tôi quyết định ăn
chay bốn mươi chín ngày, bảy Thất của mẹ. Lần đầu tiên tôi nấu
chay đến cúng Phật và dâng Thầy Viên Chơn của chùa Vĩnh
Nghiêm. Hôm sau tôi không dám hỏi thầy là mình nấu ngon hay
dở. Sợ thầy vì muốn lấy lòng thí chủ, sẽ phạm một trong năm
giới cấm (không nói dối). Do đó người cho và người nhận đều im
re, im thin thít, ai muốn hiểu sao thì hiểu, không líu lo, bù
lu bù loa như ở đời thường.
Nói đến Phật. Từ trước, tôi tưởng chỉ có bốn Phật: Phật Thích Ca,
thái tử Ấn Độ bỏ cung điện đi tu, Phật A Di Đà trong Nam Mô A
Di Đà Phật, Phật Di Lặc bụng phệ cười toe toét với nhiều em bé
vây quanh, Phật Quan Âm luôn đứng ngoài sân chùa.
Đến đêm Lạy Sám Hối cho mẹ cách đây một tuần, tôi mới hay ra có rất
nhiều Phật, lạy hoài còn Phật hoài, hai đầu gối run sắp rụng.
Sau đó mới biết mình đã lạy tám mưới chín lần cho tám mươi
chín ông Phật trong bài Kệ đó. Thầy cho biết có hằng hà sa số
Phật. May quá, không có bài Kệ lạy hằng hà sa số các vị Phật
này.
Nước mắt tôi khô dần, đổi lại là lòng bình an, tâm yên lắng. Đã có
vài nụ cười thoang thoáng và cười thành tiếng. Má tôi đã được
đặt nằm yên, rất ngay ngắn cạnh ba tôi như bà và ông đã ước
nguyện: Sống và yêu nhau đến ngày răng long đầu bạc. Sống
chung chăn, chết chung mồ, chung mả. Nguyện ước của cha mẹ đã
thành, tôi phải vui chớ sao lại buồn? Tôi nghiệm được rằng:
Tôi vẫn còn cha mẹ, không phải bằng ước mơ. Ông bà đang hiện
diện thật gần, ngay trong tôi, trong từng tế bào tôi, trong
tâm tưởng của gà con. Ba má tôi vẫn đầy tràn, như tình thương
của các bạn đạo đang cho tôi, tình của bạn bè, những người
chưa đến duyên quen biết. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình hạnh
phúc như thế, khi tôi bắt đầu sống tỉnh thức với từng giây
phút của hiện tại. Có lẽ còn nhiều hạnh phước khác mà tôi mới
vừa cảm nhận được đôi điều thôi. Đơn giản thế nầy: Mắt sáng,
tôi nhìn được mặt chữ để viết bài này, trong khi bao trăm ngàn
người mù lòa trên thế giới. Trí óc minh mẫn, nói năng dễ dàng,
tôi thốt được lời tri ơn những ân tình của tha nhân. Tôi vừa
hớp một ngụm nước lớn mà không bị sặc như má tôi trong hai
tháng qua… Nhiều nhiều nữa, làm sao kể hết…
Lâm Kim Loan
(Tháng 9 năm 2007) |