.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Lâm Kim Loan

Ăn cắp, ăn cướp

  • Tháng Mười 2007

Ăn cắp là chuyện nhỏ; so với ăn cướp, táo bạo và tàn bạo hơn.

Ăn cắp, như tôi đã từng làm lúc nhỏ, đại khái là hành động chiếm đoạt vật sở hữu của người khác, một cách bất hợp pháp khi sở hữu chủ vắng mặt hoặc sơ ý. Gây cho sở hữu chủ sự buồn rầu vì mất mát. Tùy vật bị đánh cắp có giá trị lớn hay nhỏ, mắc hay rẻ, về  giá trị vật chất, giá trị tinh thần, hoặc cả hai. Người bị mất cắp sẽ lo lắng bồn chồn, tìm cách kiếm lại vật đã bị ăn cắp bằng vài cách:  Tự tìm tòi lục lọi , hy vọng mình vì đãng trí, bỏ quên “ nó” ở xó kẹt nào.  Rao vặt ngắn gọn, hoặc ca bài con cá, chẳng hạn như : Đó là món quà kỷ niệm của một mối tình đã thành sương khói, của một người thân đã khuất núi, cỡi Hạc qui Tiên…, xin  tạc lòng, ghi dạ, đền ơn cho người tìm được ( có thể chính thủ phạm đã chôm chỉa, trả lại vì hối hận hoặc vì lý do khác);  hoặc lẵng lặng, rầu rĩ báo cáo cảnh sát, rồi chờ ngày “ Châu hoàn hiệp Phố” với hy vọng càng mỏng manh theo thời gian. Thường thì lý do ăn cắp phát khởi từ lòng ham muốn, ham muốn mà không chịu bỏ tiền ra mua, thí dụ như ăn cắp lặt vặt trong các tiệm, các siêu thị. Hoặc do không có tiền để mua những thứ cần thiết cho đời sống hàng ngày, hoặc chỉ vì thích, vì thèm….Tùy tình huống của thủ phạm mà tội ăn cắp đáng bị kết tội hay đáng được xí xoá.

 Lúc nhỏ tôi đã từng ăn cắp. Không phải một lần, mà vài lần. Cắp vặt thôi, nhưng đủ để tôi nhớ đời. Bật mí chút cũng chẳng sao. Cuồn phim Kodak màu vàng ánh, từ tủ đựng phim giấy làm hình của ba má tôi, lúc bấy giờ, là một món vô cùng hấp dẫn đối với tôi. Bên trong cái vỏ giấy vàng chữ xanh chữ đỏ xinh xắn là một thỏi tròn tròn ngộ nghỉnh, cũng đủ màu với một miếng nhựa xám nâu chìa ra. Tôi thường thấy người lạ đến tiệm ảnh của gia đình tôi mua những cuồn phim nầy. Họ đưa máy ảnh cho ba tôi lắp cuồn phim vào. Đứng cạnh ông, tôi chăm chú quan sát, nhìn bàn tay ông thoăn thoát cho phim vào máy, lòng vô cùng thán phục. Vài ngày sau, cũng  người lạ đó trở lại, đưa ba tôi cuồn phim, cái thỏi tròn tròn. Ông vào buồng tối, lục đục loay quay làm gì không biết trong cái buồng tối om om. Hồi lâu, ông mang ra mấy đoạn phim ướt dài thường thượt, treo lên dây kẻm cho khô. Để thỏa mản tính tò mò, tôi ăn cắp một cuồn phim, lộn vào lưng quần.  Nhỏ vậy mà cũng khôn tợn, sợ bị bắt gặp sẽ ăn đòn, nên tôi trốn vào cầu tiêu, gài cửa kỷ, hí hửng cậy tháo cuồn phim xem có cái gì trong đó. Kéo dài dài, chỉ thấy một miếng nylong mặt đen mặt xám, chẳng có gì đặc biệt . Thất vọng tràn trề lẫn tò mò, thắng cả lòng sợ hải. Tôi đem cuồn phim ra hỏi ba tôi: “ Sao phim này không giống mấy cuồn phim kia (ăn cắp mà còn dám trình làng, ngu chưa?)? Ba tôi kêu trời, vừa tiếc của “ mồ hôi nước mắt”, vừa giận “ thằng con gái” quá quắc, dám rớ phá tới nồi cơm của gia đình. Thế là “ Giận cho roi cho vọt”, cây roi mây  mà tôi ghét cay đắng có dịp “trả thù” tôi một trận cho bỏ cái tật tò mò táy máy..

Các lần khác là tôi ăn cắp vài món của mấy đứa học trò giàu: cục gôm có mùi thơm, cây viết chì có đủ thứ hình, nhiều màu dọc theo thân viết. Con nhà nghèo đông anh chị em! Có giấy mực viết rẻ nhất, được đi học là may rồi. Nhớ má tôi thường sai tôi đi nhà bá Hội Đồng Khánh cầm và chuộc nhiều lần sợi dây chuyền có mặt Phật Quan Âm bằng cẩm thạch và vài chiếc nhẩn trơn, nhẩn hột đá đỏ, vào những mùa mưa làm hình ế ẩm. Làm gì tôi may mắn sở hửu được ba cái thứ xa xí phẩm đó! Gôm con nhà giàu thật mềm mại, dễ gôm. Bôi bôi vài cái, tôi đưa cục gôm lên mũi hít đê mê. Viết chì của họ cũng rất dễ vẽ, dễ viết thành chữ đẹp. Tôi tha hồ vẽ: cái nhà có ống khói với khói bay lên cuộn vòng vòng, con trâu có hai cái sừng vừa dài vừa cong, có mục đồng ngồi trên lưng trâu. Vẻ hình người không giỏi nên trông giống mấy hình nộm dân nhà quê thường dùng để đuổi chim đến ăn lúa hoặc trái chín cây. Vẻ thêm đàn vịt sáu bảy con bơi lơ lững trong ao giống như tôi nhìn thấy ở nhà cậu Năm, miệt Giòng Đá. Tình cờ một hôm má tôi thấy mấy thứ xa xỉ nầy. Bà hỏi : “Tiền đâu mua?” Chẳng những biết ăn cắp, tôi còn biết nói láo gọn hơ:    “ Má cho tiền ăn hàng, con đâu có ăn. Con nhịn ăn mấy tuần nay để mua  đó, viết có hình đẹp quá há má, con thích lắm”.

 –“ Dzậy hả?” Thấy má tôi cười và có vẻ tin liền. Tôi ngầm phục tài nói dối của mình, dù chưa được cha mẹ thầy cô dạy bao giờ. Bà tiếp thêm: “Nhịn lâu, ăn lại ngon hơn”. Chẳng những tôi không được  phụ cấp thêm xu nào, mà còn được lãnh một câu “ moral”. Má tôi thường nói những câu ngắn ngủn, gọn bân mà đầy ý nghĩa. Không biết tại bà thiếu chữ để diễn đạt, hay quá sâu sắc như mấy Thiền Sư? Mở miệng đôi ba chữ rồi thôi, nhiều khi bỏ lững. Ba tôi lắm lúc bực bội hỏi lại:  “ Mình nói dzậy là ý gì?”. Bà trả lời: “Ý dzậy”. ( Ha ha ha! Ý thiếp vậy đó, chàng muốn hiểu sao thì tùy chàng. Lời ngọc đã nhả ra, liệu mà nâng niu, ngắm nghía, tằng mằng, suy tư. Nếu vẫn không hiểu nỗi thì…chàng tự đấm ngực bứt tóc đi….) Ba tôi cũng hết ý luôn. Ông thường lắc đầu cười cười thôi. Gặp chàng khác chắc thiếp bị ăn một cái bộp tay để lần sau chịu nhả châu phun ngọc thêm vài hạt nữa.

Chuyện vỡ lẽ là khi tôi bị mất nguyên cả một chồng quần áo của con búp bê yêu quí tóc vàng mắt nâu, mà tôi đã tằng mằng tỉ mỉ từng mũi kim cọng chỉ. Thức đêm thức hôm, may chằn may ráp các miếng vải vụng từ bàn máy may của má tôi. Không phải mất một hai cái. Mất hết! Mất cả chồng bảy tám bộ đồ của “con tôi”: quần dài, váy ngắn, áo đầm.. Tức tửi, tôi vừa khóc lớn tiếng, vừa mếu máo mét má: “ Ai ăn cắp đồ em bé hết rồi! Con quỉ Vân chớ hổng ai khác đâu! ”. Tôi nghĩ, có lẽ nó giận tôi chuyện gì đó, nên lấy mất cái cực khổ, những thứ yêu thích của tôi cho bỏ ghét, để trả thù một cách rất tiểu nhân. Nó chỉ có thể làm vậy thôi, chớ đánh lộn với tôi, nó thua là chuyện bình thường.  “Để con qua nó”. Tôi hằn hộc định chạy qua nhà hàng xóm sát vách, đánh lộn một trận với Vân để đòi lại của mất. Nắm tóc đè nó xuống là nghề của tôi, ngắt nhẹ hều (đối với tôi) và khóc la làng là thượng sách của nó. Đi chưa được ba bước thì má tôi nói : “ Khoan đã”. Từ từ bà kéo hộc tủ bên cạnh, một tay chìa ra chiếc khăn mù xoa mỏng thêu hoa thật đẹp, tay kia cầm chồng quần áo búp bê của tôi. Bà nói: “Lấy đâu trả lại đó. Mình tức sao, người tức dzậy”. Giống như hết tuồng, màn nhung khép lại. “Đào Thể Vân” ( tên má tôi) đóng thật xuất sắc, dù chưa được huấn luyện qua một khóa kịch nghệ nào. Vảng hát rồi “ khán giả” còn ngẩn ngơ. Bà không hỏi thêm một tiếng, cũng không bắt tôi cúi xuống đánh đòn cho chừa cái tội ăn cắp. Lẽ ra chuyện này đáng bị đét vào mông hơn chuyện ăn cắp cuồn phim. Đào diển xong vai tuồng, biến thành má tôi ngoài đời, xách  giỏ đi chợ như thường lệ. So giữa hai người, má tôi không cần dùng vũ lực trị tà gian. Vậy mà rất thâm thúy, hiệu quả và làm tôi thương má hơn ba. Tôi đứng như chôn chân xuống đất một mình. Không nhớ rõ tâm trạng lúc bấy giờ ra sao, nhưng sau đó tôi đã trả lại cái khăn mù xoa thêu mà không tiếc rẽ chút nào. Lén lút trả như đã lén lút lấy. 

 Đó là lần cuối cùng trong đời tôi phạm tội ăn cắp. Từ đó tôi cũng bỏ cái tật nghi ngờ người này kẻ nọ khi chưa chắc chắn, hoặc không bắt gặp quả tang. Chuyện xảy ra dường như lúc tôi tám, mười tuổi thì phải. Nhìn nét mặt vô tư của Vân, nhỏ bạn thân lối xóm, tôi cảm thấy tội lỗi đầy mình. Tôi “ hiền” với nó được vài ngày, rồi thì chứng nào tật đó. (Má tôi đã nói tại Mụ Bà nắn lộn, tôi là con trai mới phải). Đã vậy còn mang cầm tinh con Cọp.  Tôi đâu có muốn dữ, tự nó phát ra bề ngoài “ hình sự” vậy thôi, chớ bên trong tôi hiền khô hà ! Ông bà xưa nói “ Coi mặt mà bắt hình dong”, trật lất trong trường hợp nầy, nên tôi xin mạo muội thêm vào vế sau: “ Bề ngoài hình sự, bên trong …củ Từ” hì hì hì… Hai chữ ‘hình sự”nầy tôi học lóm được từ nhóm Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, trong lần đi chơi suối nước nóng ở Moree, vào ngày Lễ Sinh Nhật Nữ Hoàng tháng Sáu vừa qua. Chuyến đi chơi mưa gió bão bùng thấy phát sợ, nhưng sau đó tôi tìm được đôi ba tình bạn thật nồng ấm.

Ăn cướp là hành động dao to búa lớn, được toan tính có kế hoạch, thực hiện bởi một người hay nhóm vài người. Họ xem ông Trời bằng hột Tiêu …mù; xem cảnh sát như những kẻ đọ tài thử sức  hay dở, hơn thua giống các cuốn phim trinh thám, vũ lực; xem nhà tù là nơi chốn nghỉ chân ngắn hạn hay nơi nghỉ ngơi dài hạn, khỏi phải trả tiền mướn nhà, mướn đất, có người quán xuyến, lo ăn lo mặc trông nom đầy đủ hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Một thế giới nhỏ hơn với kiểu cách sống khác mà thôi. ( Nghe khỏe vậy, nhưng xin đừng tìm cách vào thử, rồi chưởi mắng kẻ nầy). “ Chơi”  một vố, thắng làm giàu, thua làm tù nhân mang bảng số . Đa số các trường hợp cướp có sự hiện diện của khổ chủ khi họ hành sự như xông vào nhà, hoặc trong lúc khổ chủ vắng mặt như cướp ngân hàng, tiệm lúc nửa khuya, cuối tuần…. Mất cướp, thường khá lớn về vật chất. Tuy nhiên, mặt tinh thần lại sâu xa hơn, gây nên những tổn thương tâm lý lâu dài ở nạn nhân, hiếm khi quên lảng hẳn hoặc bình phục hoàn toàn sau khi “cuộc chơi” đã tàn, dù kẻ cướp có bị bắt và đền tội trước pháp luật hay không. Thường hành động cướp ít khi đáng được tha thứ, vì tính chất tàn bạo và hậu quả của nó gây ra cho nạn nhân.

Mấy tuần nay, quay quắt với đau nỗi đau mất mẹ. Chưa đủ! Tôi còn đèo theo nỗi đau của bé Bí, biệt hiệu do các nhà truyền thông và cảnh sát Úc đặt cho, lúc họ tìm gặp một bé gái bị lạc người thân. Chiếc áo đỏ với những  đường vẻ trắng đơn sơ hình trái bí,  “anh em họ” của bầu, mướp, dưa hấu, dưa gang…là lý do cái tên được tạm gọi, trước khi họ tìm ra tên thật.

“Buồn quá chiều nay xem tiểu thuyết,”, là tiếng than vắn thở dài trong một câu thơ của TTKH. Buổi chiều hôm đó, 15 tháng 9  2007, một mình ở nhà, tôi cũng… buồn quá nên xem Ti Vi. Tin nóng hổi: Một bé gái người Á châu khoảng ba bốn tuổi bị lạc thân nhân ở ga xe lửa Southern Cross,  Melbourne. Khuôn mặt bầu bỉnh, không có vẽ gì chứng tỏ em đang hoảng sợ vì bị lạc người thân. Em có vẻ thản nhiên như đã được dặn : “ Chờ đây chút, chút thôi!” Một chút thôi mà, có gì đâu mà phải sợ, phải hoảng hốt. Có thể, trong đời em, khoảng đời rất ngắn, vài năm từ lúc được sinh ra, em đã từng chờ nhiều lần rồi. Chờ lâu hơn, ở nhà, ở một nơi nào đó…quen rồi! Chẳng những thản nhiên, tỉnh bơ, em còn có vẻ thích thú với khung cảnh chung quanh: cái thang quay ngộ quá, dài thiệt là dài! Chỗ nầy là chỗ nào mà lớn ghê? Và,  sao người nào cũng hối hả như đang bị ai rượt bắt không bằng?! Ngó sang phải, sang trái, ngữa đầu nhìn cái trần nhà cao muốn gảy cổ luôn. Ngó qua ngó lại đã đời.  Sao ba chưa trở lại đón mình… “Hưừưmm!!!! Bắt đầu chán rồi đó, ba trở lại nhanh nhanh, trở lại lẹ lẹ nghen ba. Con đang chờ ba nè… Má đâu rồi hổng biết nữa, con chờ ba, sẳn dịp chờ má luôn. Khi ba trở lại chắc có má đi theo!!!!”. Hai ngày sau cảnh sát New Zealand điều tra manh mối từ các máy quay phim đặt tại ga xe lửa.. Mới vỡ lẽ ra rằng bé Pumkin, tên trong giấy tờ là Qian Xun Xue, bị cha của em, Nai Yin Xue bỏ rơi, sau khi ông dẩn theo em từ New Zealand. Ông ghé qua Úc, rồi bay qua Mỹ. Vài ngày sau, cảnh sát khám phá ra, xác của Annie Xue, vợ ông, mẹ của Qian Xun, bị giết và được dấu trong cốp xe của ông Xue ở Auckland, New Zealand. Đừng chờ nữa bé Bí ơi!  Hoài công thôi! Bé đã bị ba “đem con bỏ chợ” rồi, biết vậy hông?! Mẹ cũng bỏ bé mà đi vĩnh viển rồi! Mẹ bị bắt buộc bỏ bé dù mẹ có nở lòng chút nào đâu!

Tôi không nhớ và không nghĩ ra có cái cướp nào tàn độc hơn giết mẹ và cướp tình mẫu tử của một đứa trẻ mới lên ba? Tội nghiệp đến độ nào, số phận một đứa bé chỉ được nâng niu trong vòng tay mẹ, hưởng tình mẫu tử vài năm đầu đời. Rồi thôi, rồi hết. Hết luôn cho đến ngày đứa trẻ nằm xuống vĩnh viễn như mẹ nó! Mồ côi đến mấy chục năm. Thèm mẹ gần trọn cuộc đời làm người! Tệ hại, thảm thương hơn nữa! Kẻ cướp mẹ, cướp tình mẫu tử của Bí lại có thể là ba Bí sao? Phải chi kẻ cướp là người xa lạ, là một con quỷ dữ từ cõi khác, hiện hình đầy nanh vuốt làm điều ác khủng khiếp nầy. Vậy mà đở đau, đở dỡ khóc dỡ cười, đở tang tóc hơn cho phần đời còn lại của Bí biết bao….

Luật tuần hoàn, sinh tử đã “ cướp” mẹ tôi, một bà tuổi chín mươi, sau gần một thế kỷ làm người. Tôi già đầu rồi mới bị mất mẹ mà còn buồn thế nầy! Bí  sẽ buồn đến độ nào hả Bí? Càng lớn chắc chắn Bí  sẽ càng buồn hơn vì trí óc hiểu biết hơn, tình cảm nảy nở và chín mùi hơn. Khi bé bắt đầu biết phân biệt giữa ác và thiện,  phán đoán việc đúng điều sai. Buồn sẽ sâu hơn! Hận sẽ đầy hơn! Hận ai? Hận kẻ đã cho chút xíu trong vài phút khoái lạc, để Bí được sinh ra và phải gọi bằng Ba. Sinh ra mà không được chọn lựa cái chỗ gọi là gia đình, trái đất. Được sinh ra để cọng thêm một số đếm trong giống loại được gọi là con người. Biết đâu, từ thảm kịch rã rời của tuổi thơ, Bé sẽ lớn lên với tâm linh méo mó, mất tự tin, hoài nghi, thù hằn người đời: Kẻ sinh thành mà còn đối xử với mình như thế, nhằm nhè gì cái thứ người dưng! Sợ rằng bé sẽ từ chối hội nhập cuộc sống, hoặc co rút, thu mình thật kỹ như con Cuốn Chiếu khi có người chạm đến, thu mình để giấu cái quá khứ mà người người vẫn trừng trừng ngó nhìn soi bói! Còn nữa, Bé sẽ nghĩ gì về tình yêu, hôn nhân!!!!.....Những thứ lẽ ra phải là chất liệu tuyệt vời của đời sống. Con người, da trắng đen vàng đỏ, không phải ai cũng xấu xa, hung bạo, nhẫn tâm cả đâu bé Bí à. Có những tâm hồn rất hiền hoà, bác ái, từ bi, chắt chiu nuôi dưỡng tình người, vun trồng mối liên hệ cá nhân, liên đới xã hội ngày càng rạng rở, thêm mắm thêm muối, đường ớt tiêu tỏi cho tình càng nồng, nghĩa càng sâu….

Từ nào đến giờ, tôi luôn nghĩ trẻ mồ côi là những đứa bất hạnh nhất, đáng buồn nhất trên cõi đời. Những lần tạo được dịp đến thăm các em trong cơ sở nuôi trẻ mồ côi của các Sơ, Ni trong vài lần tôi về Việt Nam làm thiện nguyện. Các em ôm tôi rất chặc. Sợ mất quá mà một vòng tay của tình thương từ người lạ! Các em vây quanh như kiến bu cục đường…Tôi chỉ tạc qua, cho chút quà, không nán lại lâu đủ để nhìn các em ăn uống ra sao, gương mặt trẻ thơ khi ngủ, những giờ phút quên phận buồn sẽ giống thiên thần, vô tư như thế nào! Biếu các Sơ Ni vài trăm, như muối bỏ biển, nhưng có còn hơn không. Có lần, tôi đem chai sơn móng định sơn mấy cái móng tay nhỏ xíu chơi cho vui. Mấy chục bàn tay xoè ra chờ tới phiên, các em trai cũng xòe tay luôn, nét mặt hí hửng đầy kích động thấy mà thương. Một chai sơn móng rẻ rề mà có thể đem hạnh phúc tràn ngập cho các em, cho tôi đến thế! Hạnh phúc được tạo và nhận, vô cùng giản đơn.

 Nguyên nhân nào gây ra nhiều tang tóc nhất? Nhiều trẻ mồ côi nhất? Hỏi vớ vẩn! Chiến tranh chớ còn gì nữa! Chiến tranh vì đối nghịch chính trị, bất đồng tôn giáo, vì muốn chứng tỏ quyền lực… Ôi thôi đủ một ngàn lẻ một lý do để giết người, được phép giết người!!! Với đầu óc đàn bà, hiểu biết hạn hẹp, thêm cái tính thương mây khóc gió, tội nghiệp đủ thứ của tôi, nhiều khi tôi tự hỏi: Những người đã và đang lãnh đạo các nước trên thế giới, họ có tài ( chưa chắc) nhưng có tâm không? Sao chiến tranh hết chỗ nầy đến chỗ nọ triền miên vậy? Cứu cánh của cuộc đời là hạnh phúc phải không? Theo tôi hiểu, hạnh phúc là bằng lòng vui sống với những gì mình đang có. Biết đủ và chấp nhận. Chữ tâm cần trong mọi chỗ, mọi người. Tâm càng nhiều càng lớn, đau khổ càng vơi. Người cho và người nhận đều cảm thấy hạnh phúc, kinh nghiệm cá nhân tôi.

 Sau nầy, tôi có dịp so sánh nỗi buồn và sự bạc phước của trẻ mồ côi với những đứa trẻ bị bọn buôn người bán vào các động điếm trong và ngoài nước, những cô dâu Việt Nam ở Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc. Ai buồn khổ hơn ai? Cuộc đời ai bi đát hơn? Nước mắt từng bụm, tuyệt vọng từng chùm, hoảng kinh với những vòng kẻm gai vô hình xiết chặc tâm tình bi đát, tấm thân bị dập vùi không nương tay từ kẻ dụ bán cho đến người bỏ chút tiền mua! Gom lại từng đoạn đời, nghe kể đã rùng mình, nhìn thấy có lẽ sẽ ám ảnh suốt đời. Từng biến cố nghẹt thở, khóc không thành tiếng, nuốt ực trở vào bao tử phổi phèo những uất ức…dọc dài xuyên suốt những thân phận này!! Ai sẽ đầy hơn ai? Đầy? Nghe mà ham! Ủa lộn, nghe mà chảy nước mắt, thắt ruột mềm gan! Hôm nay, ngay giờ phút nầy, cái đầu u tối của tôi sau mấy tuần thiếu ngủ, lo buồn, cảm thấy không có hoàn cảnh nào buồn hơn, xui rủi hơn hoàn cảnh của Bí. Cha giết mẹ! Cha bỏ con giữa chợ đời cho kẻ lạ người dưng. Cha mặc không cần biết con mình sẽ ra sao? Ai sẽ lượm sẽ nuôi? Con được hay bị nuôi như thế nào? Mất mẹ, đối với cha, vậy chưa đủ khổ?? Còn bị xem như thứ đồ phế thải, như rác rưới cần được vứt đi càng nhanh càng tốt. Chuyện có thật hay tôi đang trầm mình trong một cơn mộng dữ???!!!!  Ba má ơi, con muốn lạy ba má cả trăm lạy, ngàn lần, để cám ơn ba má đã thương lo đàn con hết lòng. Chăm sóc từng miếng tả phải giặt tới giặt lui, từng ngụm sữa ngọt ngào, từng muỗng cơm với canh với cá. Chia với lũ con những thăng trầm của bão tố cuộc đời, cả khi con cái đã già cỗi mà vẫn còn thương lo:  “ Lúc nầy con có vui không?” Cám ơn Trời Phật đã cho riêng cá nhân tôi và nhiều nhiều người khác niềm hạnh phúc tuyệt vời của tình phụ mẫu. Cám ơn Tạo hoá nhiệm mầu đã trang điểm thêm cho con người thứ tình cãm thiêng liêng đó, ngoại trừ vài người bị lọt sổ, bị sót, chẳng hạn như “cha” của bé Bí.

 Ông bà ngoại Bí, thân nhân Bí ơi, mọi người ơi! Có thể nào quý vị giúp Bí lớn lên với một dỉ vãng bớt khủng khiếp hơn chút được không? -Tại sao mẹ của con chết vậy?  - Chết vì xui rủi. - Xui rủi cở nào, kiểu nào? -Hỏi chi? Quá khứ như nước của dòng sông hôm qua đã chảy ra biển rồi. Mồ côi, biết mình mồ côi chưa đủ buồn sao còn hỏi lôi thôi? Tự làm tội làm tình mình thêm nữa để chi? Ích lợi gì đâu? Hãy dạy Bí lòng bao dung và tha thứ. Không thay đổi được quá khứ thì chỉ có cách là biết quăng bỏ nó. Không phải như tờ giấy trong quyển tập học trò, có thể lật qua lật lại; mà hãy như một miếng da tay đã tróc, bay vèo rớt xuống hoà với cát bụi, tiêu tan, mất biệt. Một nghệ thuật sống! Vui sống với hiện tại và hướng về tương lai. Quí vị hãy tìm cách đổi đề tài khác, khi Bí lại thắc mắc về những gì xảy ra ngày em còn thơ.  Xin nhắc điều này, quý vị phải giữ vẻ mặt tỉnh bơ nghen ( như má tôi, khi chìa ra cái khăn thêu, món con mình ăn cắp và mấy quần áo búp bê của tôi hồi năm nẳm mà bà đã dùng để dạy con). Hãy dấu cái mặt đưa đám, cái bậm môi hận thù, cái bỉu môi kinh tởm cho cách hành xử của một con người. Tha thứ, bao dung, nhớ nghen!

Lắm lần tôi bất mản khi nghe câu của ai đó, khi giận thốt lên: “ Mày không phải là người, mày tệ hơn thú vật”. Thú vật tệ hơn người trong cách đối xử, tính độc ác? Sao tôi không cảm thấy như vậy cà? “ Thằng ( Con) khốn nạn, đồ chó!” . Chó khốn nạn lắm sao? Chó là con vật rất đáng được yêu thương (kính trọng, cũng nên), vì chó rất dễ tính, không đòi hỏi, lại tuyệt đối trung thành, không ích kỷ, mưu toan. Không càm ràm chưởi ngang, liếc xéo, xỏ xiêng triền miên sáng tối… Sao lại chưởi chó mắng mèo oan uổng cho chúng vậy?  Ai làm thì chưởi người đó, nếu không thể tha thứ được, cho công bình dân chủ, “ vật quyền” chớ.

Thay vì  cảm thấy người nầy ngu như bò, kẻ nọ dơ như heo, cả lũ chậm như ruà, …

Con người có nên đơn giản, an phận và chấp nhận, để được hạnh phúc hơn, như rùa không thấy mình chậm, heo không cảm thấy mình dơ, và bò : “ Ngu thì ngu, có sao đâu?”

 Lâm Kim Loan
(Tháng Chín, 2007)
Ý kiến về bài viết nầy xin gởi về 
kimloan686@yahoo.com.au

Xem tất cả bài của Lâm Kim Loan

                                                                    

LÂM KIM LOAN

Kim Loan hay Lâm Kim Loan, quê miền sông nước Kiên Giang - Rạch Giá.

Sinh viên trường Thuốc Sàigòn rồi Sydney, hiện là Bác sĩ y khoa tại Cabrammatta, nơi đông đảo đồng hương ở Sydney.

Tham gia nhiều sinh hoạt về Văn hóa, Xã hội, Từ thiện ... trong Cộng đồng Việt tại Úc châu.

Lâm Kim Loan làm thơ, viết văn như một nhu cầu trong đời sống tình cảm của mình.

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.